BÀI ĐỌC I: Cv 13, 13-25
Rời Paphô, Phaolô và các bạn vượt biển đến Perghê xứ Pamphy-lia; còn Gioan từ biệt các ngài, và trở về Giêrusalem. Hai ngài sang qua Perghê và đến Antiôkia xứ Pisiđia; ngày Sabbat, các ngài vào ngồi trong hội đường. Sau khi đọc sách luật và các tiên tri, những thủ lãnh nhà hội đường sai người đến nói với các ngài rằng: “Hỡi anh em, nếu ai trong anh em có lời khuyên bảo dân chúng, xin hãy nói”.
Phaolô đứng lên, giơ tay ra hiệu cho mọi người yên lặng và nói: “Hỡi người Israel và những kẻ kính sợ Thiên Chúa, hãy nghe đây. Thiên Chúa dân Israel đã chọn Tổ phụ chúng ta, Người đã thăng tiến dân Người khi họ còn cư ngụ trong nước Ai-cập và Người ra tay mạnh mẽ đưa cha ông chúng ta ra khỏi nước ấy. Trong thời gian bốn mươi năm, Người chịu đựng thói xấu họ trong hoang địa; và sau khi đã tiêu diệt bảy dân tộc trong đất Canaan, Người đã cho họ chiếm đất của các dân tộc ấy gần bốn trăm năm mươi năm; và sau đó, Người ban cho họ các thẩm phán cho đến tiên tri Samuel. Kế đó, họ xin một nhà vua và Thiên Chúa cho Saolê, con ông Cis, thuộc chi họ Bengiamin, cai trị họ bốn mươi năm. Sau khi loại bỏ Saolê, Chúa đã đặt Đavít lên làm vua dân Người, để chứng nhận điều đó, chính Người đã phán: “Ta đã gặp được Đavít con của Giêsê, người vừa ý Ta, người sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta”.
“Bởi dòng dõi Đavít, theo lời hứa, Thiên Chúa ban cho Israel Đức Giêsu làm Đấng Cứu Độ, Đấng mà Gioan đã báo trước khi người đến rao giảng phép rửa thống hối cho toàn dân Israel. Khi Gioan hoàn tất hành trình, ngài tuyên bố: “Tôi không phải là người mà anh em lầm tưởng; nhưng đây, Người sẽ đến sau tôi mà tôi không đáng cởi dây giày dưới chân Người”.
PHÚC ÂM: Ga 13, 16-20
Sau khi đã rửa chân các môn đệ, Chúa Giêsu phán với các ông: “Thật, Thầy bảo thật các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ, kẻ được sai không trọng hơn đấng đã sai mình. Nếu các con biết điều đó mà thực hành thì có phúc. Thầy không nói về tất cả các con, vì Thầy biết những kẻ Thầy đã chọn, nhưng lời Thánh Kinh sau đây phải được ứng nghiệm: Chính kẻ ăn bánh của Ta sẽ giơ gót lên đạp Ta. Thầy nói điều đó với các con ngay từ bây giờ, trước khi sự việc xảy đến, để một khi xảy đến, các con tin rằng: Thầy là ai. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy”.
Suy Niệm 1: SỨ MẠNG VÀ MỤC TIÊU CỦA SỨ MẠNG
“Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Ðấng đã sai Thầy”…
Trong những giờ phút cuối cùng trước cuộc Khổ nạn, Chúa Giêsu có những đề cập đến sứ mạng của chính Người và của các môn đệ – với những kiểu nói như “Đấng đã sai Thầy” và “những kẻ Thầy sai”… Quả thật, tất cả biến cố Chúa Giêsu Kitô đều thuộc về sứ mạng và được định hướng sứ mạng. Và sứ mạng ấy còn được chuyển trao cho các môn đệ thừa sai của Người để thi hành cho đến tận thế.
Chỉ có một sứ mạng là ‘sứ mạng của Thiên Chúa’ (missio Dei), được trao cho Chúa Giêsu thi hành – và Chúa Giêsu trao lại cho Hội Thánh tiếp tục đảm nhận cùng với Thánh Thần. Ta hiểu vì sao bản chất của Hội Thánh có tính sứ mạng thừa sai. Ta nói về Hội Thánh như “mầu nhiệm, hiệp thông, sứ mạng”, và nói về tính ‘hiệp hành’ được diễn tả nơi ba chiều kích “hiệp thông, tham gia, sứ mạng”. Bởi tất cả đời sống của Hội Thánh, hiện hữu và hành động, đều định hướng sứ mạng!
Vậy còn chính sứ mạng thì định hướng gì? Hay nói cách khác, mục tiêu của sứ mạng là gì? Câu hỏi này vô cùng quan trọng, vì tuỳ cách trả lời mà người ta đi lạc hay bước đi đúng hướng. Và câu trả lời đúng là: Sứ mạng nhằm xây dựng Triều đại Thiên Chúa, hay Nước Trời. Triều đại Thiên Chúa là sự khải thắng của tình yêu, là sự công chính, là hạnh phúc thật, là niềm vui, bình an, là ơn cứu độ, là sự sống viên mãn đời đời.
Chính trong định hướng Triều đại Thiên Chúa như thế mà Phaolô đã nhiệt tình đứng lên rao giảng trong hội đường, khởi đi từ lịch sử mà ai cũng biết, để dẫn thính giả của ngài đến với Chúa Giêsu Kitô là cột mốc quyết định. Chúa Giêsu rao giảng và thiết lập Triều đại Thiên Chúa. Bản thân Người là Triều đại Thiên Chúa (autobasileia). Vì thế, ai chọn Triều đại Thiên Chúa thì tin vào Người và đón nhận Người.
Câu hỏi gốc để chúng ta phân định và quyết định về mọi chuyện: Điều này/ cách này/ sự chọn lựa này… có góp phần làm hiện thực Triều đại Thiên Chúa hơn không? Hay chống lại Triều đại ấy?
Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.
…………………………………………………
Suy Niệm 2: ĐƯỢC SAI ĐI ĐỂ LÀM CHỨNG CHO CHÚA
Bài đọc 1 tiếp tục trình bày cho chúng ta hành trình rao giảng Tin Mừng của Phaolô và Banaba ở Antiôkhia. Như được thuật lại, trong thời gian đầu, các Tông Đồ vẫn tham gia với người Do Thái những cử hành trong hội đường vào ngày Sabát, đó là đọc và cắt nghĩa sách thánh. Điều này chúng ta thấy Chúa Giêsu vẫn làm trong sứ vụ công khai của Ngài. Trong trình thuật hôm nay, Phaolô đã giải thích sách Luật và sách các Ngôn Sứ cho những người hiện diện trong hội đường Antiôkhia. Vì là một người biệt phái trước khi trở thành ‘Kitô hữu,’ Phaolô đã sử dụng Kinh Thánh để chứng minh rằng Chúa Giêsu là Đấng Messia. Thánh nhân đưa thính giả của mình trở về với lịch sử của người Do Thái, về những lời hứa Thiên Chúa, về với dòng dõi Đavít để từ đó xuất hiện Đấng Cứu Đô: “Từ dòng dõi vua này, theo lời hứa, Thiên Chúa đã đưa đến cho Israel một Đấng Cứu Độ là Đức Giêsu” (Cv 13:23). Trong sự kiện này, chúng ta thấy Phaolô là người rất nhạy bén. Thánh nhân biết sử dụng những gì mà thính giả của mình quen thuộc để truyền tải sứ điệp Tin Mừng. Đây chính là điều để chúng ta noi theo, đó là biết sử dụng những hình ảnh quen thuộc của những người chúng ta gặp gỡ để nói về sứ điệp Tin Mừng. Điều chúng ta cần ý thức trong hành trình rao giảng là sứ điệp Tin Mừng không phải là một “số kiến thức” chết để truyền đạt, nhưng là một “lối sống rất sống động” để biến đổi con người.
Trình thuật Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta những lời Chúa Giêsu dạy các môn đệ sau khi rửa chân cho họ. Chúa Giêsu khẳng định với họ rằng: “Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!” (Ga 13:16-17). Những lời trên là lối nói khác của Thánh Gioan được viết trong Tin Mừng Thánh Mátthêu (10:24) và Luca (6:40). Những lời này dùng đề tài người sai đi và người được sai đi nhìn từ khía cạnh Kitô học của Tin Mừng. Tiếp theo là những lời nói đến tầm quan trọng của việc được sai đi, việc nhận thức rằng mình chỉ là người được sai đi chứ không phải là người sai, người mang sứ điệp chứ không phải là sứ điệp.
Đề tài về người chăn chiên biết chiên của mình lại xuất hiện ở đây: Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con. Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu” (Ga 13:18-19). Những lời này được trích từ Thánh Vịnh (41:9) và được áp dụng cho việc tiên báo về kẻ phản bội Chúa Giêsu. Chúng thuộc về truyền thống của cuộc thương khó Chúa Giêsu (x. Mc 14:18). Ở đây, chúng ta cần lưu ý rằng, câu 19 không được sử dụng để khẳng định rằng chính việc phản bội sẽ bày tỏ căn tính Chúa Giêsu là “Đấng Hằng Hữu.” Những lời này ám chỉ đến sự hoàn thành của những lời Chúa Giêsu nói đến trong sự kiện đóng đinh (x. Ga 8:18). Hình ảnh Chúa Giêsu biết trước người sẽ nộp Ngài nhưng Ngài vẫn yêu, vẫn chọn và xem người đó như một con chiên yêu quý của Ngài làm chúng ta phải suy nghĩ. Trong cuộc sống, thường chúng ta chỉ biết một người làm mình đau khổ chỉ khi sự việc đã xảy ra, nhưng chúng ta vẫn khó để yêu và tha thứ cho họ. Ở đây, Chúa Giêsu biết trước, nhưng vẫn yêu và vẫn chọn. Điều này chứng tỏ một tình yêu thật bao la Ngài dành cho những kẻ thuộc về Ngài, những kẻ mà Ngài yêu cho đến cùng. Liệu chúng ta có tiếp tục yêu và chọn những người làm chúng ta đau khổ làm bạn và những người đồng hành trên đường về thiên đàng với chúng ta không?
Trình thuật Tin Mừng kết thúc với mối tương quan giữa các môn đệ và Chúa Giêsu, giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha: “Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Ga 13:20). Câu này ám chỉ về câu 16 và dường như được đặt không đúng chỗ. Trong Tin Mừng Nhất Lãm, những lời này nói đến phần thưởng dành cho những người đón nhận các môn đệ là những người được sai đi nhân danh Chúa Giêsu (x. Mt 10:40). Nếu lưu ý cẩn thận, chúng ta thấy ở đây Chúa Giêsu như đóng vai trò trung gian: Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến, và Chúa Giêsu là người sai các môn đệ. Như thế, Chúa Giêsu được sai đến nhân danh Chúa Cha, còn các môn đệ được sai đi nhân danh Chúa Giêsu. Nếu các môn đệ muốn đến với Chúa Cha, họ phải qua Chúa Giêsu. Tuy nhiên, điều chúng ta có thể rút ra từ những lời trên là việc “phản chiếu cách trung thực” Đấng sai mình. Chúa Giêsu đã phản chiếu cách trung thực Chúa Cha vì Ngài là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình.” Ai nhìn thấy Ngài là thấy Chúa Cha. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có phản chiếu cách trung thực hình ảnh của Chúa Giêsu trong cuộc sống của chúng ta không? Liệu người khác có nhìn thấy Chúa Giêsu hiện diện trong chúng ta không?
Lm. Anthony, SDB.
………………………………..
Suy Niệm 3: Tinh thần phục vụ
- Trong khung cảnh bữa tiệc ly, sau khi rửa chân cho các môn đệ, Đức Giêsu tiếp tục giáo huấn cho các ông biết tinh thần phục vụ trong yêu thương và khiêm nhường. Ngài hạ mình rửa chân cho các ông. Đức Giêsu đã mang lại ý nghĩa đích thực cho hai chữ “phục vụ” : phục vụ là sống như người tôi tớ, là sống trọn vẹn cho tha nhân, vì tha nhân…
Ngoài ra, Đức Giêsu dạy tiếp một bài học rất cần cho mọi Kitô hữu : hãy biết đón nhận những kẻ Chúa sai đến với mình :”Ai đón nhận kẻ Thầy sai là đón nhận Thầy; và ai đón nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy”.
- Việc rửa chân cho các môn đệ không chỉ là một cử chỉ hay là một bài học của phục vụ, nhưng qua đó Đức Giêsu còn muốn loan báo chính cái chết của Ngài như tột cùng của thân phận tôi tớ mà Đức Giêsu đã đón nhận. Thật thế, người tôi tớ không sống cho mình, mà hoàn toàn sống cho người khác, đến độ trao nộp cả mạng sống mình. Như vậy, đối với Đức Giêsu, phục vụ là sống trọn vẹn cho người khác. Chính qua sự phục vụ cho đến chết ấy mà Đức Giêsu thể hiện thiên tính của Ngài. Ngài là Đấng Hằng hữu, vì Ngài có thể đón nhận thân phận con người và trao ban thân phận ấy cho người khác; Ngài là Đấng toàn năng vì cách thế thể hiện quyền năng ấy chính là phục vụ và phục vụ cho đến chết.
- Quyền năng của Thiên Chúa là quyền năng của phục vụ; sức mạnh của Thiên Chúa là sức mạnh của tình yêu. Chúng ta hiểu được sự thành công của Mahatma Gandhi trong cuộc tranh đấu bất bạo động của ông, ông nói như sau :”Tình yêu là sức mạnh vạn năng mà con người có thể có trên mặt đất này”. Yêu thương như Thiên Chúa yêu có nghĩa là yêu thương cho đến cùng, yêu thương cả kẻ thù và sẵn sàng hiến thân hy sinh cho họ. Phục vụ như Thiên Chúa phục vụ có nghĩa phục vụ mà không tranh giành, không tính toán hơn thiệt, không tìm lợi danh cho bản thân (Mỗi ngày một tin vui).
- Đón tiếp người được Chúa sai đến.
Sau bài học về hy sinh phục vụ, Đức Giêsu dạy tiếp về sự đón tiếp. Lời nói về sự đón tiếp của Đức Giêsu nhằm tới chính sự thờ ơ của người Do thái đã không đón nhận Ngài, khi “Người đến nhà mình mà người nhà không ra nhận” (Ga 1,11). Người Do thái tự hào mình tin Thiên Chúa, nhưng lại không đón tiếp Đấng được Thiên Chúa sai đến, âu cũng vì họ vẽ ra : “Đấng được sai đến” đó theo ý họ, và họ không chấp nhận một Đấng Thiên Sai không thỏa mãn những tiêu chuẩn trần thế của họ.
Người Chúa sai đến với chúng ta cụ thể nhất chính là những người có trách nhiệm rao giảng, thánh hóa và dẫn dắt chúng ta. Các vị đến với chúng ta nhân danh Chúa trong phẩm vị và sứ vụ được Chúa giao phó cho Giáo hội, chúng ta đã đón tiếp các ngài như thế nào ? Ít nhiều chúng ta cũng giống dân Do thái xưa, thích đón tiếp những vị được sai đến hợp ý chúng ta hơn là đón tiếp vị được sai đến theo ý Chúa.
- Phục vụ Chúa trong anh em.
Thánh Biển Đức căn dặn các đan sĩ :”Khi anh em đón tiếp và phục vụ khách, thì không phải anh em đang đón tiếp và phục vụ khách, mà là cung kính đón tiếp chính Đức Kitô ở trong khách”. Và Đức Giêsu cũng đã đồng hóa chính Ngài hiện thân trong mọi mảnh đời khi Ngài nói về ngày phán xét chung :”Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).
Như thế, khi ý thức được Chúa ở trong mọi người, thì chúng ta không thể nổi giận cau có với “Chúa” được, mà là một sự kính trọng và chu đáo như Mattha và Maria đã đón Chúa vào nhà mình. Thấy Chúa trong anh em thì chúng ta sẽ dễ tôn trọng và yêu thương nhau…
- Truyện : Khai sinh hội bác ái Vinh Sơn.
Khoảng năm 1883, dưới sự lãnh đạo của một thanh niên Ozanam, 8 thanh niên Công giáo trường đại học Paris thường gặp nhau để thảo luận chiến thuật bảo vệ Giáo hội đang bị tấn công tứ phía. Những buổi thảo luận đã diễn ra suốt một năm, nhưng chưa đưa đến một hành động nào. Tình cờ 8 sinh viên nghe một lời thách thức của kẻ chuyên chống phá Giáo hội :
“Các anh luôn nói đến công lao Giáo hội của các anh trong quá khứ, nhưng Giáo hội các anh bây giờ đã chết rồi. Nếu các anh bảo Giáo hội vẫn đang sống, hãy chứng minh đi. Một năm qua, tôi chỉ thấy các anh thảo luận tranh cãi nhau bằng môi mép, nhưng chưa thấy một hành động cụ thể nào”.
Lời thách đố ấy được 8 sinh viên Công giáo tiếp nhận như một bài học quí giá. Buổi chiều hôm đó, thay vì thảo luận, hành động đầu tiên của họ là thu nhặt số củi khô dùng để sưởi ấm ở phòng trọ và họ còn mang biếu cho người nghèo đang rét run tại phòng bên cạnh vì không có tiền để mua chất đốt.
Đó là buổi chiều đầu tiên khai sinh hội Bác ái Vinh Sơn chuyên hoạt động giúp đỡ người nghèo theo tinh thần thánh Vincent de Paul. Những người tiên phong của hội này hiểu rằng :”Người tín hữu Kitô không thể bênh vực Giáo hội bằng những lời nói suông mà phải bằng chính những hành động cụ thể, bằng chính cả cuộc sống của họ.
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm Gp. Đà Lạt