spot_img
Thêm

    Thứ Bảy tuần 4 Phục Sinh

    BÀI ĐỌC I: Cv 13, 44-52

    Đến ngày Sabbat sau, hầu hết cả thành đều đến nghe lời Thiên Chúa. Các người Do-thái thấy đám đông dân chúng, thì đâm ghen tương, nói lộng ngôn, chống lại các điều Phaolô giảng dạy. Phaolô và Barnaba can đảm nói rằng: “Phải giảng lời Thiên Chúa cho các ngươi trước tiên, nhưng vì các ngươi từ chối lời Thiên Chúa và tự cho mình không xứng đáng sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía các dân ngoại; vả lại Chúa đã truyền lệnh cho chúng tôi rằng: Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi nên ơn cứu độ cho đến tận cùng trái đất”. Nghe vậy, các dân ngoại hân hoan ca tụng lời Chúa; những ai được Chúa tiền định hưởng sự sống đời đời, thì tin theo, nên lời Chúa được rao giảng khắp cả vùng.

    Những người Do-thái xúi giục các phụ nữ khá giả đã tòng giáo, các thân hào trong thành, bắt bớ Phaolô và Barnaba, rồi trục xuất hai ngài ra khỏi ranh giới xứ họ. Còn hai ngài, sau khi phủi bụi chân lại cho họ, hai ngài đi đến Icôniô. Còn các môn đồ thì đầy hân hoan và Thánh Thần.

    PHÚC ÂM: Ga 14, 7-14

    Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, các con biết và đã xem thấy Người”.

    Philipphê thưa: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con”. Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: “Philipphê, Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là xem thấy Cha. Sao con lại nói: Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha? Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin, vì các việc Thầy đã làm. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm; người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha. Và điều gì các con nhân danh Thầy mà xin Cha, Thầy sẽ làm, để Cha được vinh hiển trong Con. Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin cùng Thầy, Thầy sẽ làm cho”.

    Suy Niệm 1: Ơ KÌA, LÂU NAY ANH KHÔNG NHẬN RA GÌ Ư?

    Hết lượt Tôma được ‘sửa lưng’, thì đến lượt Philipphê. Thật ra, sự lẩn thẩn của hai môn đệ này là bài học quí chứ không phải là trò cười cho chúng ta – vì ở trường hợp của các ngài, chắc ta cũng không ít lẩn thẩn hơn. Chuyện của Philipphê là “xin Thầy tỏ cho chúng con xem thấy Cha, và như thế là đủ cho chúng con”. Chúa Giêsu đáp: Ơ kìa, lâu nay không nhận ra gì ư? Ai thấy Thầy là thấy Cha cơ mà! Anh không tin Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy sao?

    Hơn nữa, Chúa Giêsu còn khẳng định chính sự gắn bó mật thiết giữa Người với Chúa Cha là sự bảo đảm rằng “Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm; người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn” – và “Nếu điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin cùng Thầy, Thầy sẽ làm cho”. Nghĩa là, sự kết hợp giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha là điều kiện cần thứ nhất, có tính quyết định. Sự kết hợp giữa người môn đệ với Chúa Giêsu là điều kiện cần thứ hai, làm thành điều kiện đủ.

    Thế mà, Chúa Giêsu kết hợp với Chúa Cha là điều hiển nhiên rồi. Chỉ cần chúng ta làm cho sự kết hợp giữa mình với Chúa Giêsu cũng thành hiển nhiên nữa thôi!

    Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.

    …………………………………..

    Suy Niệm 2: XIN TỎ CHO CHÚNG CON THẤY CHÚA CHA!

    Ghen tức luôn là nguyên nhân của chia rẽ, nói xấu và gièm pha nhau trong đời sống các hội đoàn và cộng đoàn. Đây chính là điều được trình thuật trong bài đọc 1 hôm nay nơi cộng đoàn tín hữu ở Antiôkhia trong tương quan với người Do Thái: “Nhưng người Do Thái sách động nhóm phụ nữ thượng lưu đã theo đạo Do Thái, và những thân hào trong thành, xúi giục họ ngược đãi ông Phaolô và ông Banaba, và trục xuất hai ông ra khỏi lãnh thổ của họ” (Cv 13:50). Đứng trước sự ngược đãi và nhục mạ của người Do Thái, Banaba và Phaolô vẫn mạnh dạn làm chứng cho Tin Mừng: “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại. Vì Chúa truyền cho chúng tôi thế này: Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất” (Cv 13:46-47). Qua những lời này, Phaolô và Banaba cho biết rằng lời Chúa phải được rao giảng cho mọi người, cho đến tận cùng cõi đất, và dành cho những ai sẵn lòng đón nhận ngay cả những dân ngoại. Điều này nhắc nhở những người môn đệ của Chúa Giêsu rằng: họ không nên nản lòng khi đối diện với khó khăn, chống đối và ngược đãi, vì trong chính những điều này mà họ tìm ra thánh ý của Chúa muốn họ thực hiện để mang vinh danh cho Ngài.

    Sau khi nói cho Tôma biết mình là đường, là sự thật và là sự sống, Chúa Giêsu tiếp tục khẳng định với các môn đệ rằng: “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người” (Ga 14:7). Những lời này làm chúng ta xét lại chính mình: Chúng ta có biết Chúa Giêsu không? Khi nói đến biết Chúa Giêsu, chúng ta không chỉ nói đến những kiến thức chúng ta thu thập được về Ngài qua việc học hỏi, nhưng còn về một mối tương quan sâu đậm với Ngài, một lối sống đồng hình đồng dạng với Ngài. Nói cách khác, người nói rằng tôi biết Chúa Giêsu là người biến cuộc đời của mình trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài.

    Trong Tin Mừng Thánh Gioan, mục đích của Chúa Giêsu là mặc khải Chúa Cha cho con người. Qua chính Ngài, con người nhìn thấy, biết và đụng chạm đến Thiên Chúa. Những điều này ít xảy ra trong cuộc sống thường ngày của chúng ta vì nhiều khi gặp khó khăn, nhất là khi đi trong bóng đêm của đức tin, chúng ta cũng hỏi như Philípphê: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện” (Ga 14:8). Đứng trước câu hỏi này, Chúa Giêsu cũng ‘trách yêu’ chúng ta như đã trách Philípphê: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình” (Ga 14:9-10). Chúa Giêsu luôn ở với chúng ta, nhưng chúng ta có ở với Ngài không? Chúng ta đã không để Chúa Giêsu đến ở trong chúng ta vì tâm hồn và con tim chúng ta chứa đựng nhiều của cải vật chất hoặc để cho lo lắng sự đời chiếm lấy. Khi tâm hồn chúng ta để cho lời Chúa Giêsu chiếm lấy, chúng ta sẽ nhận ra rằng Chúa Cha ở trong Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu luôn ở trong chúng ta. Chính Chúa Giêsu là “cầu nối” để qua đó Chúa Cha ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Chúa Cha.

    Sau khi trách và khẳng định với Philipphê về việc Chúa Cha làm mọi sự ở trong Ngài, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ tin vào Ngài. Đồng thời, Ngài cũng khẳng định rằng những ai tin vào Ngài sẽ làm được những điều Ngài làm, đó là làm cho người khác nhìn thấy Chúa Cha qua cuộc sống của họ: “Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. “Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó” (Ga 14:11-14). Qua những lời này, Chúa Giêsu khẳng định với các môn đệ tầm quan trọng của đức tin: Đức tin là yếu tố làm cho người môn đệ nhận ra bàn tay Thiên Chúa đang hoạt động trong thế giới và trong cuộc đời của mỗi cá nhân. Chính đức tin đưa người môn đệ vào trong mầu nhiệm yêu thương của Thiên Chúa và kín múc ở đó ‘năng lực sáng tạo,’ hầu thực hiện những việc vĩ đại nhân danh Chúa Giêsu. Tóm, lại, người môn đệ là người có niềm tin sâu xa vào Thiên Chúa và qua đức tin đó họ phó thác trọn vẹn chính cuộc đời mình vào bàn tay yêu thương quan phòng của Chúa, hầu để Ngài thực hiện những điều kỳ diệu trong thế giới.

    Lm. Anthony, SDB.

    ……………………………………..

    Suy Niệm 3: Thấy Đức Giêsu là thấy Chúa Cha

    1 . Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mạc khải cho các môn đệ về Chúa Cha. Tất cả đời sống của Đức Giêsu : lời nói, suy tư, việc làm… đều qui về Chúa Cha. Và cũng trong Đức Giêsu, mầu nhiệm cao siêu của Chúa Cha được bầy tỏ cách hoàn hảo nhất. Trong Cha có Con và trong Con có Cha. Vì thế, tin vào Đức Giêsu là tin vào Chúa Cha. Và xin gì với Chúa Cha nhân danh Đức Giêsu thì chính Đức Giêsu thực hiện.

    1. Ông Philipphê xin với Thầy Giêsu :”Xin cho chúng con thấy Chúa Cha”, điều đó chứng tỏ khao khát của ông cũng là khao khát của biết bao người, những người thiện chí không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa, Đức Giêsu mạc khải cho các môn đệ về Chúa Cha về mối tương quan của Ngài với Cha :”Ai biết Thầy là biết Cha” và “Ai thấy Thầy là thấy Cha” vì “Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy”. Lời nói và việc làm của Đức Giêsu chính là lời nói và việc làm của Thiên Chúa. Tất cả đời sống của Đức Giêsu : Lời nói, suy tư, việc làm… đều qui về Chúa Cha.
      Chúa Cha được bầy tỏ cách hoàn hảo nhất trong Đức Giêsu : Trong Cha có Con và trong Con có Cha.Vì thế, tin vào Đức Giêsu là tin vào Chúa Cha. Và xin gì với Chúa Cha nhân danh Đức Giêsu  thì được chính Đức Giêsu thực hiện.
    1. Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa thật và là người thật. Đứng về phương diện loài người, Đức Giêsu giống chúng ta mọi đàng, chỉ khác một điều là không có tội. Quả thế, con người là con đường dẫn về với Chúa. Thiên Chúa xem ra không chọn lựa một con đường nào khác hơn để tỏ mình ra cho bằng con đường con người. Ngài đã nói bằng cả lịch sử của dân Israel, và cuối cùng, như tác giả thư Do thái khẳng định : Ngài đã nói bằng người Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu đã tuyên bố :”Ta là đường”, chỉ qua Ngài , con người mới có thể biết Thiên Chúa là ai và nhất là mới có thể đến với Thiên Chúa.
    1. Tuy chưa thấy nhan thánh Chúa, qua Đức Giêsu Kitô, con người vẫn có thể đi vào tương quan mật thiết với Ngài, Thiên Chúa mà chúng ta có thể chiêm ngắm qua Đức Giêsu không phải là một pho tượng bất động, mà là một ngôi vị sống động. Đức Giêsu đã mạc khải ngôi vị ấy như một người cha yêu thương. Do đó, tương quan của con người với Thiên Chúa không phải là tương quan chủ – tớ; con người không đến với Thiên Chúa bằng tâm tình của người nô lệ sợ hãi, mà là bằng lòng tin tưởng phó thác của một người con (Mỗi ngày một tin vui).
    1. Khao khát được biết Thiên Chúa là khát vọng chính đáng của con người, và cùng đích của con người là được đời đời chiêm ngưỡng thánh nhan Cha. Chính vì thế mà sau khi Đức Giêsu nói về Thiên Chúa Cha, tông đồ Philipphê đã không ngần ngại thưa với Đức Giêsu rằng :”Xin Thầy tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con đã mãn nguyện”.
      Thấy Thiên Chúa Cha ư ? Con mắt phàm tục không nhìn thấy Thiên Chúa. Đó là điều được nói đến trong Cựu ước, rằng  không ai có thể nhìn thấy Thiên Chúa mà còn sống : Maisen phải che mặt khi đối diện, Êlia chỉ được nhìn thấy phía sau, các tổ phụ, thẩm phán, và tiên tri chỉ thấy Chúa  qua các thiên sứ hoặc các biến cố như mây, lửa… Và chính Đức Giêsu cũng khẳng định :”Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng phải nhờ Chúa Con mạc khải cho”. Mở đầu bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu nói :”Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”.
    2. Theo gương Đức Giêsu, chúng ta cũng phải giới thiệu Chúa cho những người khác. Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống, được đứng thẳng như những con người tự do. Như vậy, cũng trong mức độ sống tự do và trưởng thành, con người trở thành con đường dẫn về với Chúa. Thật thế, một nhân cách sung mãn là con đường dẫn về với Chúa. Đức Giêsu là đường dẫn về với Chúa Cha theo ý nghĩa ấy : không ai đã là người  một cách sung mãn hơn Ngài. Đi trên con đường về với Chúa Cha là chính Đức Giêsu, người Kitô hữu cũng được mời gọi trở thành lối dẫn về với Chúa, nhưng họ chỉ có thể  là lối dẫn về với Chúa, khi nhân cách của họ cũng được sung mãn như chính Đức Giêsu.
    1. Truyện : Không ai nhìn thấy Thiên Chúa.
      Một vị vua nọ nảy ra ý nghĩ táo bạo, ông cho mời các lãnh đạo tôn giáo đến và ra lệnh  trong một tuần phải làm thế nào cho ông thấy được Thiên Chúa, nếu không sẽ bị chém đầu.
      Thật là một đòi hỏi nan giải và hóc búa. Làm thế nào có thể thỏa mãn được một ước muốn càn gở như thế. Biết được mối lo âu của các nhà lãnh đạo, một kẻ chăn chiên đến xin các vị lãnh đạo tôn giáo  được làm công việc đó.
      Vào một buổi sáng như đã hẹn, kẻ chăn chiên dẫn nhà vua đến  đồng cỏ nơi anh ta thường chăn súc vật. Họ đi bộ, chứ không dùng xe, khi tới nơi, mặt trời đã gần đỉnh ngọ. Kẻ chăn chiên đưa tay chỉ mặt trời và xin nhà vua nhìn.
      Vua nổi giận bảo anh muốn làm mù đôi mắt của ông hay sao. Bấy giờ kẻ chăn chiên mới quì xuống trước mặt vua và thưa :”Tâu bệ hạ, chỉ một vật do bàn tay Thiên Chúa tạo dựng mà ánh quang của nó rực rỡ đến nỗi bệ hạ chẳng dám nhìn, thì làm sao bệ hạ có thể nhìn thấy Thiên Chúa được” ?
      Chính lúc ấy, nhà vua đã nhìn thấy Thiên Chúa không phải bằng đôi mắt trần gian, nhưng bẳng đôi mắt của niềm tin.

      Lm. Giuse Đinh Lập Liễm Gp. Đà Lạt

                                                                                                   

    BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

    VIDEO CLIPS

    THÔNG TIN ƠN GỌI

    Chúng tôi luôn hân hoan kính mời các bạn trẻ từ khắp nơi trên đất Việt đến chia sẻ đặc sủng của Hội Dòng chúng tôi. Tuy nhiên, vì đặc điểm của ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, chúng tôi xin được đề ra một vài tiêu chuẩn để các bạn tiện tham khảo:

    • Các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, thuộc gia đình đạo đức, được các Cha xứ giới thiệu hoặc công nhận.
    • Ứng Sinh phải qua buổi sơ tuyển về Giáo Lý và văn hoá.

    Địa chỉ liên lạc về ơn gọi:

    • Nhà Mẹ: 115 Lê Lợi - Lộc Thanh - TP. Bào Lộc - Lâm Đồng.
    • ĐT: 0263 3864730
    • Email: menthanhgiadalatvn@gmail.com