“Từ bỏ được tất cả mà không từ bỏ chính mình thì coi như chưa từ bỏ gì cả” (ĐHY Fx. Nguyễn Văn Thuận) Đây là lời dạy của ĐHY Thuận về thái độ từ bỏ chính mình. Ngạn ngữ Hy Lạp có câu tương tự: “Chiến thắng vạn quân không khó bằng chiến thắng chính mình.” Thực sự để thắng được bản thân mình mà từ bỏ chính mình để theo Chúa dù bất cứ ở bậc sống nào thì cũng là một thách đố rất lớn cho con người. Đặc biệt là những người sống đời thánh hiến thì đây lại càng là một thách đố cực kì lớn khi mà họ được mời gọi và đòi từ bỏ chính mình trên nhiều phương diện khác nhau trong đời tu.
Gần đây trên các trang mạng đang dấy lên một hình ảnh của thầy tu Thích Minh Tuệ. Thầy trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội cũng chỉ vì sự hiếu kỳ của người dân và đặc biệt là những người theo chủ nghĩa cơ hội, lấy thầy làm chủ đề cho mục đích câu “view” của mình qua tiktok, facebook…Mục đích ban đầu của thầy là xuất tu, sống khổ hạnh, khất thực chính tâm, và sống buông bỏ để tu chân chính. Tuy nhiên, sự hiếu kỳ và phiền toái của nhiều người dân đã phá vỡ đi tính chân tu của thầy khi mà họ đi theo để quay phim chụp hình để phục vụ cho mục đích cá nhân của họ. Đương sự muốn thực sự có một đời tu chân chính qua việc sống khổ hạnh, đi bộ để tu luyện, để buông bỏ thế sự, thế tục hóa…vậy mà cũng không được yên.
Hình ảnh chân tu của thầy Minh Tuệ cũng có thể coi là một mẫu gương về lối sống tu trì, trước hết cho Phật Giáo khi mà chúng ta cũng thấy tràn lan trên các trang mạng hình ảnh của nhiều phật tử, tu sĩ phật giáo đang phá vỡ bản chất đích thực của phật giáo. Nhiều vị đang hủy hoại hình ảnh của tu sĩ phật giáo chính tông bằng những phát biểu, hình ảnh, hành động trái với luật sống của tu sĩ phật giáo. Lý do tại sao người dân lại ùa theo và tôn kính thầy Minh Tuệ là vì họ nhận ra được một vị chân tu thực sự sau những hình ảnh, video bê bối về tu sĩ phật giáo. Trong thế giới hiện đại, xã hội phát triển và đang bị thế tục hóa này, mà lại tự nhiên xuất hiện một vị chân tu như vậy thì quả giống như một giọt nước quý giá làm dịu mát hoang mạc khô khan của lòng người. Chúng ta cũng có thể nhận ra trong câu chuyện của thầy Minh Tuệ về dòng người đi theo thầy. Trường phái hiếu kì thì chỉ đi theo để quay phim chụp hình và làm video câu view kiếm tiền, tức là dùng hình ảnh của người khác để cầu lợi cho mình. Cái này thì không phải từ bỏ mà là gom ôm về cho mình. Trường phái thứ 2 là những người thực sự khao khát tìm được một chỗ dựa tâm linh thực sự. Nên khi họ tìm được điều đó nơi thầy Minh Tuệ thì họ thán phục và kính trọng.
Qua câu chuyện này, chúng ta nghĩ gì về hình ảnh của thầy Minh Tuệ và đời tu theo hướng Công giáo của chúng ta? Tôi không muốn đề cập nhiều đến Phật giáo. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh hình ảnh một chân tu trong thời đại hiện đại này. Chính thầy Minh Tuệ cũng nói rõ là “không tu chùa nào cả”. không thuộc giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thầy học về Đức Phật và tự mình muốn chọn một lối sống khổ hạnh bộ hành để học theo gương của Phật. Điều thực sự tôi muốn nhấn mạnh ở đây là thái độ và tinh thần buông bỏ, chọn một lối sống đơn giản, không sân si với đời, với thế sự, không tham lam, không đòi hỏi.
Đời sống thánh hiến của chúng ta cũng đòi hỏi chúng ta những nhân đức đó. Khi mà người sống đời thánh hiến chưa thực sự từ bỏ được chính mình thì sự chân tu vẫn thực sự tồn tại trong con người của họ. Nói về từ bỏ chính mình, chắc vị tu sĩ nào cũng hiểu được là từ bỏ điều gì rồi. Đó là cái tôi, cá tính, sự ích kỷ, tham lam, tính toán, cầu lợi, hiếu chiến hiếu thắng, ham dục, hận thù, tính ganh đua, tính chấp nhất, tính hơn thiệt…Tại sao phải từ bỏ những tật xấu này? Thưa bởi vì những điều này sẽ cản trở và thậm chí hủy hoại đời sống cộng đoàn, đời sống cá nhân, đời sống mục vụ, tương quan với Chúa và tha nhân. Để chọn đời tu chân thực, người tu sĩ cần phải loại bỏ hết những thứ “rác” này trong con người của họ. Như thế, họ mới có được một sự tự do nhân vị đích thực, không bị ràng buộc bởi chính bản thân mình. Vì đôi khi, chính mình lại là kẻ thù của mình lúc nào mà mình không biết.
Quay lại với lời dạy của ĐHY Thuận, từ bỏ những thứ bên ngoài mà thôi mà không từ bỏ được những thứ bên trong con người của mình thì coi như chưa có sự từ bỏ. Mà đi theo Chúa trong đời dâng hiến thì không phải là chuyện bên ngoài, mà phải được phát xuất từ bên trong con người. Tu là tập là sửa, và không chỉ tập, sửa trong thời gian đào tạo mà thôi, mà là tập cả đời. Vậy nên việc sống tinh thần từ bỏ cũng cần phải được thực hành trong suốt cả hành trình ơn gọi của người tu sĩ. Vậy làm sao người tu sĩ có thể từ bỏ thật sự để dấn thân trọn vẹn cho đời tu của mình trong thời đại hôm nay?
Câu hỏi này quả thật là một thách đố cho việc thực hiện, luôn là như vậy, nói thì dễ nhưng đi vào thực tế chẳng dễ chút nào. Có lẽ việc từ bỏ sẽ trở nên một gánh nặng, mệt mỏi, chán nản khi người tu sĩ chưa YÊU thật ơn gọi của mình. Tôi vẫn tin rằng khi người tu sĩ thực sự YÊU mến ơn gọi của mình, quý trọng món quà đặc biệt mà Chúa trao cho mình, thì không có gì là không thể. Nói lên điều này cũng là lúc tôi đang tự nhắc nhở mình về tinh thần từ bỏ của mình. Đây cũng là lúc tôi đặt lại câu hỏi cho mình, câu hỏi mà Chúa đã hỏi thánh Phê-rô 3 lần “Con có thực sự yêu mến Thầy không?” Vâng! Khi người tu sĩ thực sự YÊU mến Chúa, yêu mến ơn gọi của mình thì việc từ bỏ chính mình để cho tình yêu đó lớn lên và để cho Thánh ý Chúa được thực hiện, là điều mà họ có thể làm được. Và chắc chắn rằng, khi yêu thật, từ bỏ thật thì người tu sĩ đang tu thật.
Tuy nhiên, hình như tình yêu giả mạo, yêu theo kiểu đầu môi chót lưỡi, tình yêu tay ba vẫn còn đó trong đời tu. Xác thì ở trong mà hồn vẫn còn lai vãng đâu đó bên ngoài. Chúa cũng đã từng nói “Dân này tôn kính ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa ta” (Mt 7, 5). Hình như trong ngày tuyên khấn, chịu chức, người tu sĩ, linh mục nào cũng xúc động, xao xuyến và mạnh mẽ tuyên xưng và hứa trung thành với Chúa, với Hội dòng, với Giáo hội, và với sứ vụ. Thế nhưng, không biết lời tuyên hứa đó có thực sự xuất phát từ tận đáy lòng mình hay không thì còn phải tùy vào lòng mến của đương sự. Đôi khi lời tuyên hứa đó dễ rơi vào tình trạng là làm cho đủ nghi thức của một thánh lễ tuyên khấn hay phong chức mà thôi. Tại sao tôi nói như vậy? Bởi vì sau ngày tuyên khấn, chịu chức, thái độ, lối sống, cách hành xử của nhiều vị thay đổi hẳn 180 độ. Có lẽ nhiều người vẫn còn có cái nhìn “độc lạ” về đời tu, về lòng mến dành cho ơn gọi, nên trong suốt thời gian đào tạo, họ luôn tỏ ra thánh thiện, đạo đức, tốt lành, không sai phạm, người ta gọi là “nín thở để qua cầu” đã. Nhưng khi đạt được điều mình muốn, được vị thế mình ước ao rồi thì dễ “coi trời bằng vung” lắm. Vì có lẽ họ chưa Yêu thật, chưa từ bỏ thật nên khó lòng mà tu thật được.
Thái độ buông bỏ tất cả cũng chính là thể hiện lòng khao khát tìm về Đấng Chân Thiện Mỹ. Chính Đấng ấy và chỉ có Đấng ấy mới làm thỏa mãn cơn khát tình yêu, hạnh phúc viên mãn của chúng ta mà thôi. Vậy thưa anh chị em, những người đang sống đời thánh hiến, hãy tập buông bỏ, từ bỏ chính mình một cách thật sự, chân thành và yêu mến ơn gọi mà Chúa tặng ban cho anh chị em một cách trung tín và thành tâm. Để rồi từ đó, anh chị em sẽ sống một đời tu chân thực theo như Thánh ý Chúa muốn nơi anh chị em. Để làm được điều đó, anh chị em cần phải ở thật gần với Đấng Lang Quân của đời mình mỗi giây phút trong đời tu của mình. Vì chỉ nơi Người, chúng ta mới kín múc được ân sủng, sức mạnh, lòng can đảm và quyết tâm để trở nên một chân tu trọn hảo của Chúa.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Định, CSSp.