spot_img
Thêm
    Trang chủHọc Hỏi & Nghiên CứuĐức MariaTôn kính Đức Maria trong Tháng Năm

    Tôn kính Đức Maria trong Tháng Năm

    Tác giả: Maria Cintorino
    Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ OSV

     

    Đức Maria giữ một vị trí đặc biệt trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Mẹ là mẹ của Ngôi Lời nhập thể, Mẹ của Đấng Cứu độ, luôn cộng tác mật thiết với Đức Kitô. Chính Đức Kitô đã muốn chúng ta gọi Đức Maria bằng một danh xưng gần gũi thân thiết: danh xưng của người mẹ. Trong hành động yêu thương cuối cùng trên thập giá, Ngài đã trao phó Đức Maria cho thánh Gioan, và qua đó, ban Mẹ Ngài cho toàn thể Giáo hội và từng Kitô hữu làm Mẹ của họ.

    Là Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria biết Con mình một cách sâu sắc. Là tạo vật cao quý nhất nhờ đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội mà Thiên Chúa ban, Mẹ giống Chúa Kitô hơn bất kỳ ai trong nhân loại. Là Mẹ của chúng ta, Người yêu thương từng người bằng một tình mẫu tử nồng nàn. Chính tình yêu ấy thôi thúc Mẹ mong muốn chúng ta ngày càng gắn bó mật thiết hơn với Con của Người.

    Khi chạy đến cùng Đức Maria, chúng ta khám phá ra sự nâng đỡ và đồng hành của Mẹ. Người luôn sẵn sàng chia sẻ với chúng ta những hiểu biết sâu xa về đời sống của Chúa Giêsu, chỉ cho ta con đường đến gần Người, và cầu bầu cho ta – như đã từng làm tại tiệc cưới Cana. Sự chuyển cầu của Mẹ đầy uy lực, như thánh Bernard thành Clairvaux từng nói: “Nếu Mẹ dẫn đường, bạn sẽ không lạc lối… nếu Mẹ đi trước bạn, bạn sẽ không mỏi mệt.”

    Tháng Năm, tháng đặc biệt dành để tôn kính Đức Mẹ, là thời điểm thuận tiện để đưa các thực hành đạo đức kính Đức Maria vào đời sống thường ngày. Sau đây là các gợi ý cụ thể để gia tăng lòng yêu mến Mẹ trong tháng này:

    1. Lần chuỗi Mân Côi

    Chuỗi Mân Côi – một nấc thang ân sủng đưa ta đến gần trời – là phương tiện quý báu mà truyền thống cho rằng Đức Maria đã ban cho thánh Đa Minh. Nếu thấy khó để lần trọn một chuỗi Mân Côi mỗi ngày, bạn có thể bắt đầu với một chục kinh và tăng dần theo khả năng. Hãy mang theo chuỗi Mân Côi bên mình, để một chuỗi trong xe, hay chọn một giờ cố định trong ngày để lần chuỗi. Các tài liệu như “Mân Côi Kinh Thánh” hoặc “Mân Côi chiêm niệm” có thể giúp bạn suy niệm sâu hơn. Đừng ngần ngại xin Mẹ ban cho bạn lòng yêu mến chuỗi Mân Côi và ơn hiểu biết về đời sống của Con Mẹ – Người sẽ không từ chối lời cầu nguyện như thế.

    2. Suy niệm Kinh cầu Đức Bà Loreto

    Kinh cầu Đức Bà Loreto – được Giáo hội chuẩn nhận từ thế kỷ 16 – gồm những tước hiệu phong phú dành cho Đức Maria, là phương tiện tuyệt vời để chiêm niệm về các phẩm tính và vai trò của Mẹ. Hãy đọc kinh cách chậm rãi, dừng lại ở một tước hiệu gợi hứng để suy ngẫm. Ví dụ, khi suy niệm về “Hòm Bia Thiên Chúa,” ta nhớ đến sự hiện diện của Đức Kitô trong cung lòng Mẹ; khi gặp khó khăn, ta có thể chạy đến với Mẹ như “Ngôi sao Biển” hoặc “Mẹ rất khôn ngoan.”

    3. Đọc Kinh Truyền Tin

    Truyền thống đọc Kinh Truyền Tin 3 lần mỗi ngày – lúc sáng, trưa và chiều – giúp ta kết hiệp với mầu nhiệm Nhập Thể và Vượt Qua. Khi tạm dừng công việc để đọc kinh, ta noi gương Đức Maria trong thái độ vâng phục và lắng nghe thánh ý Chúa. Bạn có thể cài báo thức trên điện thoại để nhắc mình đọc kinh đúng giờ và thưa lên lời “xin vâng” của mình qua từng việc nhỏ trong ngày.

    4. Cầu nguyện Kinh Magnificat

    Kinh Magnificat là lời ca ngợi của Đức Maria dành cho Thiên Chúa. Khi cầu nguyện theo bài ca này, ta cùng Mẹ tạ ơn vì những ơn lành Chúa đã ban trong lịch sử và đời sống cá nhân. Hãy đọc kinh vào đầu hoặc cuối ngày, và dành thời gian dừng lại với từng câu để hồi tưởng lại sự hiện diện và tình thương của Thiên Chúa trong đời bạn.

    5. Tận hiến cho Chúa Giêsu qua Đức Maria

    Việc tận hiến cho Chúa Giêsu qua trung gian của Đức Maria là một hành trình phó thác và kết hiệp sâu xa hơn với Người. Thánh Louis de Montfort dạy rằng ta nên làm mọi sự “qua Mẹ, với Mẹ, trong Mẹ và vì Mẹ,” hầu sống “với Chúa Giêsu, trong Người và vì Người.” Bạn có thể dùng các tài liệu như “Tận Hiến cho Đức Maria,” “33 Ngày Dẫn đến Vinh Quang Buổi Bình Minh,” hoặc theo gương thánh Gioan Phaolô II với khẩu hiệu “Totus Tuus – Tất cả là của Mẹ.”

    6. Thực hành 5 Thứ Bảy đầu tháng

    Theo lời Đức Mẹ dạy tại Fatima, ta có thể dâng việc đền tạ Mẹ qua việc thực hành 5 Thứ Bảy đầu tháng: xưng tội, rước lễ, lần chuỗi Mân Côi, và suy niệm 15 phút về các mầu nhiệm Mân Côi với ý chỉ đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ. Bạn có thể cùng bạn bè thực hành việc này hoặc tham gia các buổi sùng kính tại giáo xứ.

    7. Đeo ảnh phép lạ

    Ảnh phép lạ, được Đức Mẹ mặc khải qua thánh Catarina Labouré, là dấu chỉ nhắc nhở ta về sự hiện diện và chuyển cầu của Mẹ. Trên ảnh, các tia sáng phát ra từ tay Mẹ biểu trưng cho những ơn lành Người cầu xin cho chúng ta. Bạn có thể đeo ảnh như một cách cầu nguyện không ngừng và phó thác cho Mẹ các nhu cầu của mình. Đừng quên xin linh mục làm phép ảnh trước khi sử dụng.

    8. Đeo Áo Đức Bà Núi Camêlô

    Áo Đức Bà là dấu chỉ phó thác đời mình cho sự che chở và hướng dẫn của Mẹ. Truyền thống kể rằng Người đã trao áo này cho thánh Simon Cột vào năm 1251. Đức Maria hứa ban những ơn đặc biệt cho những ai mang áo với lòng sùng kính và trung tín. Sau khi được làm phép và ghi danh, bạn có thể tiếp tục đeo áo như một nhắc nhở sống động về sự hiện diện của Mẹ trong đời sống bạn.

    Khi đưa những việc sùng kính này vào đời sống hằng ngày, chúng ta bước đi gần Đức Maria hơn – và nhờ Mẹ, tiến gần hơn đến Chúa Giêsu. Như thánh Louis de Montfort từng viết, yêu mến Đức Mẹ là cách tuyệt hảo để “tìm được Chúa Giêsu Kitô cách trọn hảo, yêu mến Người cách nồng nàn, và phục vụ Người cách trung thành.”

    Nguồn: tgpsaigon.net/

    BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

    VIDEO CLIPS

    THÔNG TIN ƠN GỌI

    Chúng tôi luôn hân hoan kính mời các bạn trẻ từ khắp nơi trên đất Việt đến chia sẻ đặc sủng của Hội Dòng chúng tôi. Tuy nhiên, vì đặc điểm của ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, chúng tôi xin được đề ra một vài tiêu chuẩn để các bạn tiện tham khảo:

    • Các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, thuộc gia đình đạo đức, được các Cha xứ giới thiệu hoặc công nhận.
    • Ứng Sinh phải qua buổi sơ tuyển về Giáo Lý và văn hoá.

    Địa chỉ liên lạc về ơn gọi:

    • Nhà Mẹ: 115 Lê Lợi - Lộc Thanh - TP. Bào Lộc - Lâm Đồng.
    • ĐT: 0263 3864730
    • Email: menthanhgiadalatvn@gmail.com