BÀI ĐỌC I: Đn 3, 14-20. 91-92. 95
Trong những ngày ấy, vua Nabucôđônôsor nói rằng: “Hỡi Sidrach, Misach và Abđênagô, có phải các ngươi không chịu thờ các thần của ta và lạy tượng vàng ta đã dựng không? Vậy nếu các ngươi đã sẵn sàng, thì lúc nghe tiếng kèn, tiếng huyền cầm, tiếng còi, quyển sáo và các thứ nhạc khí, các ngươi phải sấp mình thờ lạy tượng ta đúc. Nhưng nếu các ngươi không chịu sấp mình thờ lạy, lập tức các ngươi sẽ bị ném vào lò lửa cháy bừng. Và coi Chúa nào sẽ cứu thoát các ngươi khỏi tay ta”. Sidrach, Misach và Abđênagô trả lời với vua Nabucôđônôsor rằng: “Tâu lạy vua, chúng tôi không cần trả lời cùng vua về việc này, vì đây Thiên Chúa chúng tôi thờ có thể cứu thoát chúng tôi khỏi lò lửa cháy bừng, và khỏi tay đức vua; nhược bằng Thiên Chúa chúng tôi không muốn thì, tâu lạy vua, vua nên biết rằng chúng tôi không thờ các thần của vua và không lạy tượng vàng của vua dựng lên”. Bấy giờ vua Nabucôđônôsor thịnh nộ, mặt biến sắc, nhìn thẳng vào Sidrach, Misach và Abđênagô, ông ra lệnh đốt lò nóng hơn thường gấp bảy lần, và truyền lệnh các tráng sĩ trong cơ binh trói chân Sidrach, Misach và Abđênagô, và ném vào lò lửa cháy bừng. Bấy giờ vua Nabucôđônôsor bỡ ngỡ, vội vã đứng lên và nói với các triều thần rằng: “Chớ thì ta không ném ba người bị trói vào lò lửa sao?” Các ông trả lời với vua rằng: “Tâu lạy vua, thật có”. Vua nói: “Đây ta thấy có bốn người không bị trói đi lại giữa lò lửa mà không hề hấn gì; dáng điệu người Thứ Tư giống như Con Thiên Chúa”. Vua Nabucôđônôsor nói tiếp: “Chúc tụng Chúa của Sidrach, Misach và Abđênagô, Đấng đã sai thiên thần của Người đến giải thoát các tôi tớ tin cậy Người, không chịu vâng phục mệnh lệnh của nhà vua và thà hy sinh thân xác, chớ không phục luỵ thờ lạy Chúa nào khác ngoài Thiên Chúa của họ”.
PHÚC ÂM: Ga 8, 31-42
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người Do-thái đã tin nơi Ngài rằng: “Nếu các ngươi cứ ở trong lời Ta, các ngươi sẽ thật là môn đệ của Ta, và sẽ được biết sự thật, và sự thật giải thoát các ngươi”. Họ thưa lại Người: “Chúng tôi là con cháu Abraham, và chưa bao giờ làm nô lệ ai cả. Tại sao ông lại nói “Các ngươi sẽ được tự do”?”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Hễ ai phạm tội, thì làm nô lệ cho tội. Mà tên nô lệ không ở mãi trong nhà; người con mới ở vĩnh viễn trong nhà. Vậy nếu Chúa Con giải thoát các ngươi, thì các ngươi sẽ được tự do thực sự. Ta biết các ngươi là con cháu Abraham, thế mà các ngươi lại tìm giết Ta: vì lời Ta không thấm nhập vào lòng các ngươi. Ta nói những điều Ta đã thấy nơi Cha Ta. Còn các ngươi, các ngươi làm điều các ngươi đã thấy nơi cha các ngươi”. Họ đáp lại: “Cha chúng tôi chính là Abraham!” Chúa Giêsu nói: “Nếu thực các ngươi là con cháu Abraham, thì các ngươi làm công việc của Abraham! Nhưng các ngươi đang tìm giết Ta, là người đã nói cho các ngươi biết sự thật mà Ta nghe tự Thiên Chúa. Điều đó Abraham đã không làm! Các ngươi đang làm việc của cha các ngươi!” Họ lại nói: “Chúng tôi không phải là những đứa con hoang! Chúng tôi chỉ có một Cha là Thiên Chúa!” Chúa Giêsu nói: “Nếu Thiên Chúa là Cha các ngươi, thì các ngươi yêu mến Ta, vì Ta tự Thiên Chúa mà đến; vì Ta không tự mình mà đến, nhưng chính Ngài đã sai Ta đến”.
Suy Niệm 1: SỰ THẬT CUỐI CÙNG CHỈ TÌM THẤY NƠI ĐẤNG LÀ SỰ THẬT
Vua Nabucôđônôsor xử ‘đốt lò’ ba chàng thanh niên. Và lò phải được đốt nóng tối đa, vì ba chàng ấy kiên định giữ vững niềm tin của mình, bất chấp lệnh truyền của nhà vua. Câu chuyện này cho thấy Nabucôđônôsor là hình tượng tiêu biểu, là ‘thánh bổn mạng’ của những kẻ độc đoán, cường quyền (trong Giáo hội thì một đặc trưng của loại cường quyền này là tệ nạn giáo sĩ trị). Nhưng rồi, như mọi người đều biết, núi đá đã hoá ra mềm nhũn như bùn. Vua Nabucôđônôsor đã mở mắt, nhìn nhận mình sai lầm, và nhìn nhận ba chàng trai trẻ kia đã đúng đắn khi “không phục luỵ thờ lạy Chúa nào khác ngoài Thiên Chúa của họ”. Chúng ta cảm ơn Chúa đã ra tay, và ở đây chúng ta chúc mừng Nabucôđônôsor. Sự thật đã chinh phục và lật đổ sự sai lầm!
Diễn từ của Chúa Giêsu với những người Do thái trong Tin Mừng Gioan hôm nay cũng xoay quanh chủ đề về sự thật và năng lực giải phóng của sự thật: “Nếu các ngươi cứ ở trong lời Ta, các ngươi sẽ thật là môn đệ của Ta, sẽ được biết sự thật, và sự thật giải thoát các ngươi”.
“Chúng tôi là con cháu Abraham, và chưa bao giờ làm nô lệ ai cả. Tại sao ông lại nói ‘Các ngươi sẽ được tự do’?” Vấn đề nằm ở đây, ở phản ứng này của những người Do thái. Họ không nghĩ mình là nô lệ, dù thực sự họ là nô lệ cho sự sai lầm và tội lỗi của họ. Nghe một lời động chạm, họ giãy nảy như đỉa phải vôi.
Thế đó. Không phải nô lệ nào cũng biết mình là nô lệ. Ở trong sai lầm, không phải ai cũng biết mình đang sai lầm. Đó là bi kịch. Chúng ta thường dễ tưởng mình nắm được, sở hữu được sự thật, mà không biết rằng sự thật lớn hơn chúng ta và sở hữu chúng ta – theo nghĩa chúng ta không bao giờ thoát được khỏi sự thật. Chống lại sự thật, thì trục trặc, bế tắc, và đau! Chắc chắn như thế.
Chỉ có một người, là Chúa Giêsu, mới sở hữu sự thật. Đúng hơn, Người LÀ SỰ THẬT – như chính Người tuyên bố. “Ta là Sự Thật”. Hãy lắng nghe lại lời này của Chúa Giêsu, và hãy cho phép lời này âm vang trong mình, chúng ta sẽ nhận ra đây là mặc khải then chốt nhất của Chúa cho chúng ta – và về phía chúng ta, đây là khám phá vĩ đại nhất, có sức giải phóng toàn diện và tận căn mọi vấn đề của mình.
Vì Chúa Giêsu là Sự Thật, nên ở trong Người, nghe lời Người, chúng ta sẽ ở trong Sự Thật và sẽ được Tự Do. Chúa Giêsu, và chỉ nơi Người, mới có câu trả lời cho tất cả những khúc mắc của hiện sinh chúng ta.
Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.
…………………………………….
Suy Niệm 2: HÃY SỐNG NGAY LÀNH ĐỂ THIÊN CHÚA ĐƯỢC TÔN VINH QUA BẠN
Câu chuyện về ba thanh niên trong bài đọc 1 hôm nay đáng cho chúng ta học hỏi. Họ là những người đứng vững trong đức tin của mình dù cho phải thiệt thân. Điều làm chúng ta ngạc nhiên và bị thách đố là câu trả lời của Sát-rác, Mê-sác và A-vết Nơ-gô với vua Na-bu-cô-đô-nô-xo [ước gì câu trả lời của họ cũng là của mỗi người chúng ta khi chúng ta chọn lựa giữa tôn thờ Thiên Chúa hay ngẫu tượng tiền tài và danh vọng thế gian]:
Vua Na-bu-cô-đô-nô-xo: “Này Sát-rác, Mê-sác và A-vết Nơ-gô, các ngươi không phụng sự các thần của ta và không thờ lạy pho tượng vàng ta đã dựng nên, có đúng như vậy không? Bây giờ khi nghe tiếng tù và, tiếng sáo, tiếng đàn dây, đàn sắt, đàn cầm, tiếng kèn và đủ thứ nhạc cụ, các ngươi có sẵn sàng sấp mình thờ lạy pho tượng ta đã làm không? Nếu các ngươi không thờ lạy thì tức khắc các ngươi sẽ bị ném vào lò lửa đang cháy phừng phực, liệu có Thiên Chúa nào cứu được các ngươi khỏi tay ta chăng?” (Đn 14-15).
Sát-rác, Mê-sác và A-vết Nơ-gô: “Chúng tôi không cần trả lời ngài về chuyện này. Nếu Thiên Chúa chúng tôi thờ có sức cứu chúng tôi thì tâu đức vua, Người sẽ cứu chúng tôi khỏi lò lửa đang cháy phừng phực và khỏi tay ngài. Còn nếu Người không cứu, thì xin đức vua biết cho rằng chúng tôi cũng không phụng sự các thần của ngài, và cũng không thờ lạy pho tượng vàng ngài đã dựng đâu!” (Đn 3:16-18).
Nếu ở trong trường hợp của ba thanh niên này, chúng ta có kiên định trong đức tin của mình vào Thiên Chúa như họ không? Nói cách khác, chúng ta có đứng vững trong đức tin nếu chúng ta nghi ngờ không biết Thiên Chúa có giải thoát mình khỏi khó khăn và đau khổ không? Chính đời sống kiên định trong đức tin của Sát-rác, Mê-sác và A-vết Nơ-gô mà những người không tin vào Thiên Chúa phải thốt lên những lời tôn vinh Ngài: “Chúc tụng Thiên Chúa của Sát-rác, Mê-sác và A-vết Nơ-gô, Người đã sai thiên sứ đến giải thoát các tôi tớ của Người là những kẻ đã tin tưởng vào Người. Họ đã cưỡng lại lời vua, hy sinh tính mạng để khỏi phụng sự và thờ lạy một thần nào khác ngoài Thiên Chúa của họ” (Đn 3:28). Cũng vậy, chính cuộc sống trung thành với Thiên Chúa của chúng ta dù phải đối diện với khó khăn và thử thách, người khác sẽ nhận ra vinh quang và sức mạnh của Thiên Chúa đang tỏ hiện trong cuộc đời của chúng ta. Những người kiên định trong đức tin vào Thiên Chúa và không tôn thờ ngẫu tượng là những người tự do nhất.
Chúng ta là những người tự do hay nô lệ? Tự do là điều ai trong chúng ta cũng mong muốn. Ngay cả những người sống trong đời sống thánh hiến, những người đã khấn lời khấn vâng phục cũng chạy theo “phong trào đòi thêm tự do.” Nhiều người trong chúng ta hiểu tự do là không bị áp lực bên trong [bên trên] hoặc bên ngoài nào can thiệp vào những gì mình muốn có và muốn làm hoặc muốn là. Có hai loại tự do: tự do khỏi và tự do cho. Nhiều khi chúng ta có “tự do khỏi,” nhưng chúng ta lại không có “tự do cho.” Ví dụ, chúng ta có thể có “tự do khỏi” kiểm soát của người khác, nhưng điều đó không bảo đảm là chúng ta có “tự do cho điều tốt.” Đây chính là bối cảnh để giúp chúng ta hiểu bài Tin Mừng hôm nay.
Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta đâu là người mang lại cho chúng ta tự do đích thật: Tự do đích thật là tự do “khỏi tội” để rồi được “tự do sống cho Thiên Chúa và tha nhân.” Loại tự do này chỉ có được khi chúng ta đến với Chúa Giêsu, Đấng là sự thật: “Các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8:32). Chúng ta chỉ biết sự thật khi chúng ta ở lại trong lời của Chúa Giêsu. Thật vậy, bài Tin Mừng hôm nay nói cho chúng ta biết đâu là dấu hiệu để biết được một người là môn đệ của Chúa Giêsu, đó là ở lại trong lời của Ngài: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi” (Ga 8:31). Việc “ở lại” trong Tin Mừng của Thánh Gioan không đơn giản là lắng nghe, nhưng còn là “thấy,” “chạm đến” [cảm nếm] và cuối cùng là “công bố.” Theo cách nhìn này, “ở lại” là hành trình nội tâm hoá và công bố những gì mình đã nghe, đã thấy, đã cảm nghiệm trong tình yêu của Thiên Chúa. Theo các học giả Kinh Thánh, ý tưởng “ở lại trong lời của Ta” (x. Ga 6:56b; 14:21, 23-24; 15:4-10) xuất hiện trong bài Tin Mừng hôm nay là yếu tố quan trọng để giúp chúng ta biết hoàn cảnh của cộng đoàn Thánh Gioan trong thời gian đó. Câu “Chúa Giêsu nói với những người Do Thái tin Ngài” cho chúng ta hiểu rằng tác giả của Tin Mừng đang nghĩ về những Kitô hữu người Do Thái trong thời của tác giả phải đối diện với chọn lựa giữa việc “ở lại” như những người môn đệ của Chúa Giêsu hoặc từ bỏ như “những môn đệ” của Môsê (x. 9:27-28). Trong ngày sống, chúng ta cũng thường đối diện với những chọn lựa: làm môn đệ của Chúa Giêsu hay làm môn đệ của thế gian, làm theo ý Chúa hay làm theo ý của riêng mình. Chúng ta sẽ chọn gì khi chúng ta đối diện với những chọn lựa như thế?
Một điểm khác chúng ta có thể suy gẫm trong ngày sống là việc Chúa Giêsu liên kết sự thật và tự do: “Các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8:32). Sống trong thế giới mà sự thật luôn bị bóp méo và bị giết chết, lời khẳng định này của Chúa Giêsu cảnh tỉnh chúng ta về việc phải luôn nói thật và sống thật nếu chúng ta muốn có được tự do đích thật. Ai trong chúng ta cũng phải công nhận rằng, nói thật và sống thật không phải là điều dễ dàng. Thật vậy, chúng ta cũng thường để cho sự dối trá chiến thắng chúng ta. Đôi khi chúng ta sợ mất mặt, sợ xấu hổ nên chúng ta không nói thật và sống thật. Không những thế, chúng ta còn biện minh cho việc không nói thật [nói dối] của chúng ta: “việc nói dối của mình không hại đến ai” hay “việc nói dối của mình bảo vệ được hạnh phúc cho gia đình [cộng đoàn].” Khi làm như thế, tức là chúng ta không sống theo sự thật, chúng ta đã làm nô lệ cho tội lỗi: “Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi” (Ga 8:34-35). Hãy dừng làm nô lệ cho tội! Hãy sống trong sự thật để được Chúa Giêsu giải thoát hầu sống một đời sống tự do cho yêu thương và tha thứ.
Điểm cuối cùng trong bài Tin Mừng đáng chúng ta suy gẫm là sự thay đổi thái độ của những người Do Thái “tin vào Chúa Giêsu.” Thánh Gioan dùng hình ảnh tương phản của “ở lại trong lời Tôi” (Ga 8:31) và “không ở lại trong lời Tôi” (x. Ga 8:37) để nói lên thay đổi này. Thái độ của người Do Thái thay đổi từ thiện cảm, tin vào Chúa Giêsu thành chống đối và tìm cách giết Ngài (x. Ga 31-39). Điều này cũng thường xảy ra trong ngày sống của chúng ta: chúng ta gần gũi và có thiện cảm với Chúa Giêsu vào ban sáng, nhưng ban chiều chúng ta lại xa lánh và giết chết Ngài với những tội lỗi của mình. Đây là lời mời gọi chúng ta nỗ lực luyện tập để có được một thái độ kiên định và trung thành trong lối sống yêu thương và phục vụ của mình. Nói cách khác, là luyện tập để sở hữu một “cá tính trước sau như một” trong đời sống yêu thương, cảm thông và tha thứ.
Lm. Anthony, SDB.
………………………………
Suy Niệm 3: Nô lệ và tự do
- Đức Giêsu đã nói: Ai ở lại trong Ta thì biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng cho kẻ đó được tự do. Sự tự do mà Đức Giêsu muốn nói ở đây là sự sống trong ân sủng của Thiên Chúa. Khi chúng ta phạm tội mất ơn thánh, nghĩa là chúng ta phải sống xa Chúa là sự tự do tuyệt đối. Khi phạm tội, chúng ta bị trói buộc vào con đường của ma quỉ, của những đam mê dục vọng. Chúng ta chỉ có thể sống hạnh phúc và tự do khi sống đúng địa vị làm con Thiên Chúa. Sự tự do ấy chỉ có được trong Đức Giêsu, khi chúng ta liên kết cuộc đời chúng ta với Ngài.
- Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói cho người Do thái biết điều gì đã trói buộc họ khiến họ phả làm nô lệ, và điều gì sẽ giải thoát họ để họ được tự do. Điều giải thoát họ khỏi nô lệ và được tự do :”Nếu các ngươi cứ ở trong lời Ta, các ngươi sẽ thật là môn đệ của Ta, và sẽ được biết sự thật, và sự thật giải thoát các ngươi”.
Giải phóng cho chúng ta tự do… Sự tự do mà Đức Giêsu muốn nói ở đây là sự sống trong ân sủng Thiên Chúa. Khi chúng ta phạm tội mất ơn thánh, nghĩa là chúng ta phải sống xa Chúa là sự tự do tuyệt đối. Sự tự do ấy chỉ có lại được trong Đức Giêsu, khi ta gắn bó lại, liên kết lại cuộc đời chúng ta với Ngài. Chúng ta chỉ có thể hạnh phúc khi sống địa vị làm con Thiên Chúa – con cái tự do.
- Khi nguyên tổ Adong-Evà phạm tội lỗi nghịch cùng Chúa, ma quỉ đã đem tội lỗi vào trần gian. Và khi tội lỗi xâm nhập trần gian, con người đắm chìm trong tội, nô lệ cho mọi khuynh hướng xấu, bị giam hãm trong tội nguyên tổ, sự xuống cấp của một luân lý suy đồi “tội trần gian” và làm tôi cho ma quỉ. Tự sức mình con người không thể tự giải thoát mình, nên cần đến ơn Cứu độ. Đức Giêsu đã phải trả giá đắt để chuộc con người và đem con người trở nên con cái tự do. Đức Giêsu cũng khẳng định :”Kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi” (Ga 8,35).
- Muốn được sống tự do, muốn giải thoát con người của mình khỏi những trói buộc của lỗi lầm và khuyết điểm, thì điều cần thiết trước tiên là phải biết sự thật về mình. Có điều như nhà văn Shakespeare nói :”Người dại thường nghĩ rằng mình khôn, còn người khôn lại tự biết mình dại”. Như vậy, chúng ta cần phải khôn ngoan. Có nhiều người bỏ xưng tội rước lễ cả mấy chục năm nhưng khi đề nghị với họ nên xét mình xưng tội, thì họ trả lời :”Con chẳng có tội gì” !
Hồi học ở Đại chủng viện, cha giáo Phụng vụ có kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện có thật. Một thanh niên bỏ xưng tội rước lễ nhiều năm, vào dịp Mùa Chay ngài khuyên anh ta nên dọn mình xưng tội. Anh nói :
– Con chẳng có tội gì.
Ngài hỏi anh ta có chơi gái hay không ? Anh ta trả lời cách tỉnh bơ :
– Thưa cha, chuyện đó là chuyện bình thường.
Ngài nói :
– Anh có biết là tội lỗi điều răn thứ sáu không ?
Anh ta cãi lại :
– Sao lại là tội được. Con trả tiền đàng hoàng mà !
- Chúng ta là những người mang danh hiệu Kitô hữu, là những người tự nhận mình là con cái Thiên Chúa. Tuy nhiên, danh xưng ấy không làm nên thực chất, cái áo không làm nên ông thầy tu, chỉ có danh hiệu bên ngoài và thậm chí ngay cả những việc đạo đức bên ngoài mà thôi, thì vẫn chưa làm nên một đời sống đức tin đích thực. Đức tin chân chính được thể hiện qua những việc làm công chính. Người ta thường nói “xem quả biết cây”, chúng ta đã suy nghĩ, nói năng, hành động như thế nào trong cuộc sống hằng ngày, nhất là trong Mùa Chay thánh này ?
- Truyện : Muốn có đời sống đẹp.
Một sinh viên Nhật Bản đến văn phòng của một linh mục ở Boston, và nói :”Thưa cha, con đang đi tìm một đời sống đẹp, cha có thể chỉ cho con biết phải tìm ở đâu “?
Linh mục đáp :”Chắc anh muốn trao đổi về tôn giáo” ?
Anh trả lời :”Thưa không, con không muốn trao đổi về lý thuyết. Việc đó con thấy nhan nhản rồi. Con cần thứ khác. Cha biết không, khi con ở ký túc xá Đại học Cambridge con ở chung phòng với một anh thợ mộc, người mà con cho là anh có đời sống rất đẹp. Anh không bao giờ nghĩ về mình, mà luôn nghĩ về người khác. Sinh viên tụi con nhiều khi sống cẩu thả, chén đĩa lung tung, đồ ăn vứt bừa bãi. Thấy thế, anh không nói gì. Nhưng khi mọi người ra khỏi phòng ăn, một mình anh đi thu dọn, sắp xếp lại cho ngăn nắp.
Nghe thế, cha đưa cho anh cuốn Thánh Kinh và nói :”Hãy cầm lấy. Nếu anh muốn tìm một đời sống đẹp, anh hãy tìm trong đó”.
… Hai năm sau, người sinh viên Nhật ấy đến gặp cha cười cười nói :”Cha có nhận ra con không”? Cha nói :”Hình như tôi đã gặp anh ở đâu, nhưng không nhớ rõ”.
Anh đưa cuốn Thánh Kinh ra và nói :”Con đã tìm thấy đời sống đẹp. Con đã tìm thấy đời sống đó nơi Đức Kitô”.Lm. Giuse Đinh Lập Liễm Gp. Đà Lạt