BÀI ĐỌC I: Ðnl 4, 1. 5-9
Môi-sen nói với dân chúng rằng: “Hỡi Israel, giờ đây hãy nghe các lề luật và huấn lệnh mà tôi dạy bảo các ngươi phải thực hành, để được sống và được vào chiếm hữu phần đất mà Chúa là Thiên Chúa cha ông các ngươi sẽ ban cho các ngươi. Các ngươi nên biết, tôi thừa lệnh Chúa là Thiên Chúa tôi mà truyền dạy cho các ngươi biết lề luật và huấn lệnh của Chúa, để các ngươi thi hành các điều ấy trong phần đất mà các ngươi chiếm hữu; các ngươi phải tuân giữ và thực hành, vì đó là sự khôn ngoan và sáng suốt của các ngươi trước mặt muôn dân, để khi nghe nói đến tất cả các lề luật ấy, họ nói: “Thật, dân tộc vĩ đại này là một dân khôn ngoan và sáng suốt”. Không một dân tộc vĩ đại nào được các thần ở bên cạnh mình, như Chúa là Thiên Chúa chúng ta ở bên cạnh chúng ta khi chúng ta kêu cầu Người. Có dân tộc thời danh nào khác có lễ nghi, huấn lệnh công chính, và bộ luật như tôi trình bày trước mặt các ngươi hôm nay không? “Vậy các ngươi hãy ý tứ và giữ mình. Trong suốt đời các ngươi, đừng quên và đừng để lòng xao lãng những điều các ngươi đã thấy. Hãy dạy cho con cháu các ngươi biết các điều ấy”.
PHÚC ÂM: Mt 5, 17-19
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng tưởng Ta đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Ta bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời”.
Suy Niệm 1: LỀ LUẬT ĐÃ TRỞ NÊN ÂN SỦNG!
Môsê là khuôn mặt biểu tượng cho Lề Luật, được cô đọng trong Thập Giới. Đây thực sự là sự khôn ngoan sáng suốt được ban cho dân Chúa, và do đó, là một niềm tự hào chính đáng của dân tộc này. Không phải ngẫu nhiên mà Ngũ Giới căn bản của Phật giáo và 10 giáo huấn luân lý nền tảng trong Kinh Coran của Hồi giáo có rất nhiều điều trùng hợp với Thập Giới của Do thái-Kitô giáo.
Chúng ta ghi nhận, Thập Giới không chỉ là những giới cấm (không được thế này, không được thế nọ), mà còn bao hàm những thái độ tương quan và những hành động tích cực nữa, cả đối với Thiên Chúa lẫn đối với con người. Thật vậy, cốt tuỷ của toàn bộ Lề Luật là yêu mến Thiên Chúa và yêu mến con người!
Nhưng ngay cả Thập Giới, dù ưu việt là thế, cũng cần được kiện toàn. Chúa Giêsu là Môsê mới, Đấng kiện toàn Lề Luật yêu thương ấy trong cả biên độ và mức độ. Biên độ vượt quá ‘những người thân cận’ để yêu thương hết mọi người không trừ ai, yêu cả kẻ thù ghét và chống lại mình! Mức độ vượt quá tiêu chuẩn ‘yêu người như chính mình’ để yêu người bằng Tình Yêu của Thiên Chúa, yêu người như Chúa Giêsu yêu!
“Hãy yêu thương nhau NHƯ THẦY YÊU THƯƠNG ANH EM”! Lời này của Chúa đã diễn dịch Lề Luật thành… chính Trái Tim Chúa Giêsu, là khuôn vàng thước ngọc cho lối sống của chúng ta. “Chỉ biết Phúc Âm hay thực thi cách máy móc các yêu cầu của Phúc Âm thì chưa đủ; chúng ta cần sự trợ giúp của tình yêu Thiên Chúa. Trong Trái Tim Chúa Kitô, chúng ta học biết yêu thương (Thông điệp Dilexit nos, 30)… Ta hiểu điều Chúa Giêsu muốn nói khi tuyên bố “một chấm, một phẩy trong bộ Luật cũng không bỏ qua”, trong khi Trái Tim của Người hết sức dị ứng đối với thói nệ luật nơi những người biệt phái và giới kinh sư Do thái đương thời.
Bởi khi chính Tình Yêu của Chúa Giêsu là Lề Luật, thì chế độ Lề Luật đã trở thành chế độ của Ân Sủng!
Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.
……………………………..
Suy Niệm 2: Chúa đến kiện toàn Lề luật
- Đức Giêsu chính là Đấng Kitô phải đến mà dân Israel đang mong chờ. Ngài đến để hoàn tất mọi lời Thiên Chúa hứa, và để kiện toàn Lề Luật. Ngài đến để đưa Lề Luật tới ý nghĩa trọn hảo. Kiểu nói :”Một chấm, một phết trong Luật cũng không thể qua đi” diễn tả tầm quan trọng của Luật : đó là ý muốn của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã muốn dùng Lề Luật để giáo dục con người thì không có Luật gì là nhỏ bé tầm thường. Vì vậy, chúng ta chỉ đạt được sự sống đời đời khi trung thành tuân giữ luật Chúa và Lời Chúa. Chúng ta giữ luật không vì sợ tội, nhưng vì tình yêu. Trong tình yêu, càng cần sự tế nhị từ những điều nhỏ mọn.
- Bất cứ quốc gia hay tổ chức lớn nhỏ nào trong xã hội loài người đề cần có luật, để giữ kỷ cương phép tắc, giữ trật tự an ninh và đảm bảo sự công bằng xã hội.
Ngay từ thời xa xưa, Thiên Chúa đã ban cho con người luật pháp. Nó phát triển và hoàn thiện dần trong lịch sử cứu độ. Luật cũ cho ta ý niệm là dân được tuyển chọn phải sống qua mười điều răn, lời các tiên tri, là những hướng dẫn con người cách thức mến Chúa và yêu người bằng cách chỉ rõ thánh ý Chúa đối với thái độ và hành động trong đời sống thường nhật.
Các luật sĩ và biệt phái giữ luật rất đúng, nhưng giữ “luật vì luật” và kiên định tới mức trở thành câu nệ hình thức cứng nhắc, khắt khe : Luật là cứu cánh. Cách sống của họ trong tư cách bậc thầy và mô phạm làm cho mọi người nghĩ rằng đức công chính chỉ gói gọn trong việc chu toàn lề luật : Tất cả vì luật. Đức Giêsu lên án cách giữ luật hình thức, vì thế biệt phái và luật sĩ đã liệt Ngài vào hàng tội lỗi, khi cho rằng Ngài có thái độ coi thường, bất tuân luật thánh…
- “Thầy đến không phải là để bãi bỏ…”
Những lời Đức Giêsu nói về luật Cựu ước thực sự gây sốc nhất là đối với những người thượng tôn Lề Luật Maisen… Quả thật những lời Đức Giêsu dạy xem ra khó nghe và có vẻ như trái nghịch với luật cũ khiến một số người phản đối; nhưng xét cho cùng, đó không phải là Ngài phá đổ hay phế bỏ Lề Luật mà là Ngài kiện toàn nó. Ngài đào sâu tận nguyên lý của Lề Luật và áp dụng vào hoàn cảnh mới của Tân Ước để thực hành đúng tinh thần của Lề Luật chứ không chỉ theo hình thức bên ngoài. Ta có thể dẫn chứng trường hợp ăn chay chẳng hạn : nhịn đói ít hôm, cúng dường… rồi sau đó bóc lột, ức hiếp người nghèo khổ , thì hành vi ấy còn có nghĩa gì , nó lố bịch và chuốc thêm tội vào mình thôi… Như thế, Đức Giêsu chính là Maisen mới vì Ngài đến kiện toàn Luật Maisen và lời các tiên tri (5 phút Lời Chúa).
- Việc kiện toàn ít nhất mang hai ý nghĩa.
Đức Giêsu đã đến kiện toàn Lề Lật và lời các tiên tri. Như vậy :
– Đối với Do thái, lề luật và tiên tri liên kết với nhau, nên việc kiện toàn của Đức Giêsu có nghĩa là Ngài thực hiện và đưa đến mức độ viên mãn những gì Thiên Chúa đã hứa trong Sách Thánh. Ngài là điểm đến và ứng nghiệm những gì chép trong Cựu Ước. Luật không bị mất hiệu lực một chấm một phẩy nào, nhưng đạt tới sự viên mãn nơi Đức Kitô và nhờ Đức Kitô.
– Từ nay trong Đức Giêsu, luật được tuân giữ với tinh thần tự do và yêu mến Chúa, chứ không phải là một sự bó buộc phải làm hay phải giữ. Từ nay luật mang lấy một diện mạo mới là luật vì sự sống con người chứ không phải kềm hãm con người theo mặt chữ.
Tóm lại, kiện toàn lề luật mà Đức Giêsu dạy chúng ta là không bãi bỏ luật nhưng mặc cho luật một tinh thần mới, nghĩa là vượt qua sự giữ luật cách tiêu cực để thi hành cách tích cực trong Đức Kitô : giữ luật không vì sự bó buộc phải làm mà là với cả sự tự do muốn làm vì lòng mến Chúa và tha nhân, biến luật từ việc kìm hãm bản thân thành sự thanh thoát thánh hóa bản thân, giữ luật không dừng lại ở sự thể hiện ở ngoài mà là cả một tâm hồn ngay thẳng và trong sạch.
- Lề luật giúp cho con người nên thánh và trung thành với Chúa.
Lề luật giống như đường rầy giữ cho xe lửa chạy an toàn, hoặc như sợi dây cương giữ cho con ngựa chạy đúng hướng. Bị buộc sống và làm trong khung khổ của lề luật thì hơi khó chịu đấy. Nhưng ta hãy nghĩ đến lý do và mục đích của luật thì sẽ dễ vâng theo hơn. Hơn nữa, ai biết giữ luật vì tình yêu thì tất cả sẽ trở nên nhẹ nhàng. Thánh Augustinô chia sẻ một kinh nghiệm quí giá :”Ubi amatur, non laboratur” : khi ta yêu thì ta không cảm thấy nhọc nhằn.
- Truyện vui : Giữ luật hình thức.
Vào ngày thứ sáu buộc kiêng thịt, có người tín hữu nọ đi ăn quán. Anh biết quán có món cá, nhưng trong lòng thì thích ăn thịt. Thế là anh ta gọi những món cá mà anh ta biết chắc chắn chủ quán sẽ trả lời là không có.
Rồi anh tự nhủ :”Lạy Chúa, Chúa biết đấy, con đã làm hết cách để gọi nhiều thứ cá mà chẳng có, thôi con đành gọi một tô phở tái để ăn trong ngày thứ sáu buộc kiêng thịt vậy”.
Cầu nguyện xong, anh thi hành liền. Anh đã tự tạo ra những lý do, những hoàn cảnh để có thể khỏi bị lỗi luật Chúa.
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm Gp. Đà Lạt