spot_img
Thêm

    Thứ Sáu tuần 5 Phục Sinh

    BÀI ĐỌC I: Cv 15, 22-31

    Trong những ngày ấy, các Tông đồ, kỳ lão cùng toàn thể Hội Thánh, chấp thuận chọn ít người trong các ngài, và sai đi Antiôkia với Phaolô và Barnaba: đó là Giuđa, gọi là Barsaba, và Sila, những vị có uy thế giữa anh em. Các ngài nhờ tay hai ông chuyển bức thư viết như sau: “Anh em Tông đồ và kỳ lão chúng tôi kính chào các anh em thuộc dân ngoại ở Antiôkia, Syria và Cilicia. Chúng tôi nghe tin rằng có mấy người trong chúng tôi đã đến nói những lời gây hoang mang và làm cho tâm hồn anh em xao xuyến, chúng tôi không uỷ quyền cho họ, vì thế chúng tôi họp lại, đồng ý chọn một ít người và sai đến anh em làm một với Barnaba và Phaolô, những anh em yêu quý của chúng tôi, tức là những người đã liều mạng sống mình vì danh Ðức Giêsu, Chúa chúng tôi. Vậy chúng tôi đã sai Giuđa và Sila đến nói miệng với anh em cũng chính những lời này: Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên đặt thêm cho anh em gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần kíp này là anh em hãy kiêng đồ cúng thần, huyết, thịt thú chết ngạt và gian dâm; giữ mình khỏi các điều đó, là anh em làm phải. Chúc anh em vạn an”.

    Các ngài giã từ và đi xuống Antiôkia, triệu tập dân chúng lại và trao cho họ bức thư. Ðọc thư xong, họ vui mừng vì được an ủi.

     

    PHÚC ÂM: Ga 15, 12-17

    Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Ðây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt, để các con đi, và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là: các con hãy yêu mến nhau”.

     

     

    Suy Niệm 1: BẰNG CÁCH NÀO YÊU THƯƠNG NHƯ CHÚA GIÊSU YÊU?

    “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em”. Một từ khoá rất quan trọng ở đây là ‘NHƯ’. Chữ ‘như’ này đầy thách đố, vì đó là yêu thương đến mức “thí mạng vì bạn hữu mình”. Mình là zero, bạn mình mới đáng kể! Nếu mình cần phải chết để bạn mình sống, thì sẵn sàng! Và đó là tình yêu lớn nhất!
    Suy nghĩ về lệnh truyền này của Chúa, thánh Têrêsa Lisieux đã đi đến quyết định… đầu hàng, vì biết rằng mình không thể yêu các chị em như Chúa yêu mình được! Nhưng ngay lập tức, Têrêsa nhận ra rằng có một cách để yêu thương các chị em mình như Chúa Giêsu yêu, đó là: để cho Chúa Giêsu đến ở trong mình, chiếm lấy mình, và chính Người yêu thương các chị em ấy!
    Chúng ta cũng chia sẻ với thánh Têrêsa sự đầu hàng nói trên, bởi vì tự sức mình chúng ta khó mà yêu thương người khác đến mức xả thân cho họ, nhất là khi đó là những người xấu tính, dở hơi, tự nhiên mình không thích… Vì thế, chúng ta cũng phải chọn cách thức của thánh Têrêsa: cho phép Chúa Giêsu chiếm lấy mình, và qua mình, Chúa yêu thương anh chị em mình bằng tình yêu của Chúa!

    Lệnh truyền “hãy yêu thương nhau” rốt cuộc đồng nghĩa với việc ta hãy để cho Chúa Giêsu chiếm lấy. Và quả thực, theo ĐGH. Phanxicô, mức độ thánh thiện của một người là mức độ mà Chúa Giêsu chiếm lấy người đó. Như vậy, cũng thật rõ ràng, chính ‘khả năng’ yêu thương sẽ đo lường sự thánh thiện nơi chúng ta.

     

    Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.

    ………………………………..
    Suy Niệm 2: SỐNG NHƯ LÀ BẠN HỮU CỦA CHÚA GIÊSU

    Hôm nay, bài đọc 1 trình thuật cho chúng ta quyết định của các Tông Đồ và kỳ mục về vấn đề cắt bì cho dân ngoại: những người dân ngoại không cần phải cắt bì để được cứu độ. Quyết định này ám chỉ một sự “cắt đứt” với “giao ước” cũ được ký kết với Abraham. Những người được chọn làm dân riêng và dân tộc được tuyển chọn không còn là chỉ những người được cắt bì, nhưng là tất cả những người lắng nghe, đón nhận lời Chúa và được Chúa Thánh Thần thánh hoá. Những người được sai đi truyền tải quyết định này là những người có uy tín trong Hội Thánh. Trong bản quyết định, chúng ta thấy hai chi tiết đáng để suy gẫm sau:

    Thứ nhất, sự xáo trộn và hoang mang của cộng đoàn bị gây ra bởi những người “không được uỷ nhiệm” (x. Cv 15:24) cho việc giảng dạy. Điều này đôi khi cũng xảy ra trong đời sống cộng đoàn [hay giáo xứ]. Có nhiều người “không làm việc gì mà việc gì cũng xen vào.” Nhưng “những việc họ xen vào” là truyền bá sự chia rẽ và nghi ngờ giữa các thành viên trong cộng đoàn. Điều này nhắc nhở chúng ta về khuynh hướng cho mình hiểu biết hơn người khác để xem những lời dạy của người khác là không đúng. Hệ quả là lôi kéo người khác theo mình và gây ra sự chia rẽ và hoang mang trong cộng đoàn. Khi làm thế, chúng ta đã tự giam hãm mình trong cái hiểu biết hạn hẹp và không mở lòng ra để đón nhận những điều mới mẻ đến từ Chúa Thánh Thần.

    Thứ hai, những người quyết định không chỉ là các Tông Đồ và kỳ mục, nhưng quan trong nhất là Chúa Thánh Thần (x. Cv 15:28). Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại những quyết định của mình có được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần không, hay chỉ là kết qủa của ý riêng. Những ai đang có trách nhiệm trên người khác phải lưu ý điểm này, tức là phải cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho sự khôn ngoan hầu có những quyết định xứng hợp và đẹp lòng Thiên Chúa và mang lại niềm vui cho người khác. Thật vậy, sau khi nghe quyết định, mọi người “vui mừng vì lời khích lệ đó” (Cv 15:31). Tin Mừng luôn mang lại niềm vui cho con người, trái ngược với những gánh nặng đặt lên vai người khác mà chính mình không nhúng tay vào nhấc thử. Khi sống theo Tin Mừng, chúng ta sẽ có được niềm vui và những ai sống và gặp gỡ chúng ta cũng được vui hưởng niềm vui đó.

    Nếu phân tích bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta không khỏi không ngạc nhiên về cấu trúc tuyệt vời được viết theo kiểu “bánh mì kẹp” của Thánh Gioan:

    A12 Khi ấy, đến giờ lìa bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.

    B13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.

    C14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.

    B’16 “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.

    A’17 Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.”

    Câu mở đầu và câu kết thúc (câu 12 [A] và 17 [A’]) giống nhau: Cả hai đều nói về lệnh truyền của Chúa Giêsu, đó là các môn đệ hãy yêu thương nhau với tình yêu Ngài dành cho họ. Đây là lệnh truyền họ phải tuân giữ và là luận đề dẫn đến cặp bánh mì thứ hai (câu 13 và 16). Tuy nhiên, chúng ta ngừng lại một chút ở đây để nói về lệnh truyền của Chúa Giêsu. Thông thường, chúng ta hiểu tình yêu là một “cảm xúc” và chúng ta thường yêu người khác theo cách thức của chúng ta. Vì vậy, chúng ta thấy dễ dàng yêu những người “hợp tính hợp nết” với mình, còn những người “khó tính khó nết” thì khó yêu. Khi Chúa Giêsu “biến” tình yêu thành “lệnh truyền,” Ngài muốn các môn đệ không dừng lại ở “cảm xúc” mang tính chủ quan khi yêu người khác, nhưng biến tình yêu thành một “quyết định” mang tính khách quan, tức là không còn yêu theo cách thức mình muốn, nhưng theo cách thức mà Chúa Giêsu đã yêu mến chúng ta. Cách thức này được trình bày trong cặp bánh mì thứ hai.

    Cặp bánh mì thứ hai (câu 13 [B] và 16 [B’]) được trình bày với mệnh lệnh phủ định [“không có” và “không phải”], nhằm nhấn mạnh đến tính “độc nhất vô nhị” của điều [tình yêu] Chúa Giêsu nói đến. Đây là loại tình yêu cao cả nhất của người “hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình.” Đây cũng chính là tình yêu đã thúc đẩy Ngài đi bước trước trong việc chọn và cắt cử họ đi hầu sinh hoa trái. Chúng ta thấy hai đặc tính quan trọng trong tình yêu Chúa Giêsu dành cho các môn đệ là hy sinh tính mạng vì họ và chọn họ để họ [những người sẽ trao nộp, chối và bỏ Ngài] trở nên bạn hữu của Ngài. Nói đúng hơn, nét đặc trưng tình yêu của Chúa Giêsu là sẵn sàng chết cho những người “bất trung” với mình. Tình yêu của chúng ta thế nào? Chúng ta có yêu những người chúng ta không thích? Và chúng ta có sẵn sàng đón nhận những người làm chúng ta đau khổ vào trong tim của chúng ta qua việc tha thứ cho họ không? Hãy biến kẻ thù thành bạn, vì họ là những người đáng thương hơn là đáng ghét! Đây là điều Chúa Giêsu đã làm cho các môn đệ ngày xưa và chúng ta ngày hôm nay, và được trình bày trong phần giữa của bài Tin Mừng.

    Trọng tâm của bài Tin Mừng nằm ở câu 14 và 15 [phần thịt, rau và gia vị được kẹp giữa]. Trong hai câu này, chúng ta thấy tương quan chủ-tớ và thầy-trò được đổi thành tương quan bạn hữu. Các môn đệ không còn đơn giản là học trò hay môn đệ của Chúa Giêsu, nhưng là những người bạn hữu của Ngài, những người mà Ngài sẽ cho biết tất cả mọi việc Ngài nghe được từ Cha Ngài. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đưa ra một điều kiện cần thiết để chúng ta trở nên bạn hữu cuả Ngài, đó là chúng ta thực hiện [chứ không chỉ nghe xuông] điều Ngài đã truyền dạy: yêu thương nhau [như Ngài đã yêu thương họ]. Ý nghĩa sâu xa việc Chúa Giêsu gọi các môn đệ là bạn hữu chỉ được hiểu khi chúng ta đặt câu nói của Ngài trong bối cảnh bữa tiệc ly và những lời từ biệt của Ngài. Trong bối cảnh đó, Chúa Giêsu tiên báo việc Giuđa là kẻ sẽ nộp Ngài, Phêrô là người sẽ chối Ngài, các môn đệ còn lại sẽ bỏ Ngài mà chạy. Đây là những người Chúa Giêsu sẽ gọi là bạn và là những người Ngài sẽ hy sinh tính mạng cho họ. Người ta thường nói: Tìm bạn mà chơi. Có ai trong chúng ta dám tìm những người sẽ nộp, sẽ chối bỏ mình để làm bạn không? Chúng ta chỉ hiểu được ý nghĩa sâu xa tình yêu của Chúa Giêsu dành cho mỗi người khi chúng ta hiểu được chân lý “bạn hữu” này.

    Lm. Anthony, SDB.

     

     

    ……………………………….

    Suy Niệm 3: Các con hãy yêu thương nhau

    1. Trước khi từ biệt các môn đệ thân yêu để đi vào cuộc tử nạn. Đức Giêsu đã nói với các ông mệnh lệnh cuối cùng của Ngài, và cũng là lời trăn trối, lời di chúc của Ngài :”Đây là điều răn của Thầy, các con hãy yêu thương nhau”. Đó là câu mở đầu của bài Tin Mừng, và cũng là câu cuối cùng của bài Tin Mừng, Chúa nhắc lại :”Điều Thầy truyền cho các con là hãy yêu thương nhau”. Rõ ràng Đức Giêsu muôn dạy các môn đệ và chúng ta hãy yêu thương nhau.
    1. Sứ điệp lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy yêu thương nhau bằng một tình yêu không phân biệt hay loại trừ. Yêu mà không mong đền đáp, nhưng yêu một cách vô vị lợi, luôn chia sẻ, cảm thông và tha thứ với mọi hoàn cảnh. Sẵn sàng phục vụ như người tôi tớ… và cuối cùng, coi sự sống của mình là sự sống của người khác, nên nếu cần, chấp nhận hy sinh cho người khác như Đức Giêsu đã hiến mạng vì bạn hữu của mình.
    1. Tình yêu trao ban cho anh em mà Đức Giêsu muốn người môn đệ thực hành luôn mang những đặc tính tiệm tiến :
      Yêu như Chúa yêu : “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con (Ga 15,12) hoặc  “Thiên Chúa đã sai Con Một  đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống… và sai Con Một Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1G 4,8-11).
      Yêu đến tận cùng như Đức Giêsu dạy : “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu” (Ga 15,13). Thánh Gioan diễn tả :”Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3,16).
      Tình yêu phải thể hiện trong việc làm : “Nếu các con giữ điều răn của Thầy”. Thánh Gioan diễn tả :”Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu nhau nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,16-18).
    1. Hy sinh cho người thân yêu là một đòi hỏi thường tình của tình yêu. Hy sinh cho người xa lạ là điều đáng khâm phục, và sẵn sàng hy sinh mạng sống cho người khác được sống quả là một diễn tả tuyệt vời của tinh yêu.
      Ai đã có dịp đọc cuốn tiểu thuyết “Anh phải sống” của Khái Hưng mới thấy thấm thía lời Đức Giêsu đã day. Nội dung cuốn tiểu thuyết nói về việc hai vợ chồng nọ quá nghèo, nên phải đi kiếm củi trên ngàn để bán lấy tiền nuôi con. Hôm đó trên đường về, họ gặp trời giông bão. Họ bị nước cuốn trôi đi. Họ bám được vào một khúc cây nhưng khúc cây quá nhỏ chỉ đủ cho một người bám. Họ không thể kéo dài mãi tình trạng hai người cùng bám vào một khúc cây. Kéo dài thêm thì sẽ chết cả hai. Trước tình trạng đó, đòi hỏi họ có một sự lựa chọn.  Người chồng bảo người vợ hãy bám vào khúc cây, vì “em phải sống để lo cho các con”. Người vợ cũng bảo người chồng “anh phải sống”. Cuối cùng, người vợ buông tay, tự tìm lấy cái chết cho mình, để nhường sự sống lại cho chồng và các con.
    1. Tin Mừng hôm nay cũng hướng chúng ta về hình ảnh yêu thương tuyệt vời này :”Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người yêu”. Chúa Giêsu đã cứu thoát nhân loại bằng cách hiến mạng sống mình qua cái chết trên Thập giá như một biểu lộ tột cùng của tình yêu. Một Thiên Chúa quyền năng có thể cứu nhân loại mà không cần phải nhập thể làm người và chết trên Thập giá. Thế nhưng, Ngài đã chọn phương thế này vì Ngài muốn cho con người có được cảm nghiệm sâu xa về tình yêu của Ngài theo cách thế loài người, đó là hy sinh mạng sống vì người mình yêu.
    1. Tóm lại, tình yêu không thể diễn tả được hết bằng ngôn từ, nhưng là sự cảm nhận rất riêng của mỗi người trong sự rung cảm của trái tim mà không bị lệ thuộc của bất cứ ranh giới nào. Tuy nhiên, người môn đệ có một tiêu chuẩn để diễn tả tình yêu đích thật là tuân giữ điều răn yêu thương của Chúa dành cho tha nhân, yêu thương một cách vô vị lợi, không so đo tính toán hơn thiệt, mà là “yêu như Chúa đã yêu” khi sẵn sàng hy sinh cả tính mạng vì bạn hữu.
    1. Truyện : Sẵn sàng chết cho người khác.
      Một vị đạo sĩ kia kể rằng : Ngày nọ, ông từ trên núi cao đầy băng tuyết đi xuống với một người Tây Tạng. Dọc đường, ông gặp một người ngã quỵ trên băng tuyết, ông nói với ngưới Tây Tạng đồng hành :

                – Chúng ta mau lại giúp đỡ người gặp nạn đó !
    Nhưng người Tây tạng trả lời :
    – Không ai bắt buộc chúng ta phải giúp đỡ kẻ khác, khi mà chính mạng sống của chúng ta  đang bị giá lạnh đe dọa.
    Nhưng vị đạo sĩ nói :
    – Dù chúng ta có phải chết vì lạnh đi nữa thì chúng ta cũng nên chết  vì đã giúp ngưới khác, đó là điều tốt đẹp hơn.
    Nói rồi, vị đạo sĩ chạy lại vác người bị nạn lên vai và khệ nệ đem người đó xuống núi, trong khi người Tây tạng đã bỏ xuống trước. Đi được một quãng, vị đạo sĩ thấy người bạn đồng hành Tây tạng đang nằm dài trên tuyết bất động. Thì ra, anh ta quá mệt ngồi nghỉ và bị lạnh cóng chết lúc nào không biết, còn vị đạo sĩ vì phải hết sức vác người bị nạn nên cơ thể nóng lên thêm, nhờ đó mà ông thoát chết vì lạnh.

    Lm. Giuse Đinh Lập Liễm Gp. Đà Lạt

                                                                                                   

    BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

    VIDEO CLIPS

    THÔNG TIN ƠN GỌI

    Chúng tôi luôn hân hoan kính mời các bạn trẻ từ khắp nơi trên đất Việt đến chia sẻ đặc sủng của Hội Dòng chúng tôi. Tuy nhiên, vì đặc điểm của ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, chúng tôi xin được đề ra một vài tiêu chuẩn để các bạn tiện tham khảo:

    • Các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, thuộc gia đình đạo đức, được các Cha xứ giới thiệu hoặc công nhận.
    • Ứng Sinh phải qua buổi sơ tuyển về Giáo Lý và văn hoá.

    Địa chỉ liên lạc về ơn gọi:

    • Nhà Mẹ: 115 Lê Lợi - Lộc Thanh - TP. Bào Lộc - Lâm Đồng.
    • ĐT: 0263 3864730
    • Email: menthanhgiadalatvn@gmail.com