spot_img
Thêm

    Thứ Sáu tuần 5 Mùa Chay

    BÀI ĐỌC I: Gr 20, 10-13

    Tôi đã nghe nhiều người thoá mạ và chế nhạo rằng: “Người này gieo khủng bố khắp nơi. Chúng ta hãy tố cáo nó, chúng ta hãy tố cáo nó”. Tất cả bạn hữu tôi rình tôi vấp ngã mà nói rằng: “Ước gì nó bị lừa dối để chúng ta thắng nó và sẽ trả thù nó”. Nhưng Chúa ở cùng tôi như người lính chiến hùng dũng; vì thế, những kẻ bắt bớ tôi sẽ ngã quỵ và kiệt sức. Chúng sẽ thất bại bẽ bàng, chuốc lấy sự hổ nhục muôn đời, không bao giờ quên được. Còn Chúa, lạy Chúa các đạo binh, Đấng xét xử người công chính, thấu suốt tâm can, lạy Chúa, ước gì con sẽ được thấy Chúa trả thù chúng cho con, vì con đã tỏ bày công việc con cho Chúa. Hãy hát mừng Chúa, hãy ca tụng Chúa, vì Người đã cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ.

    PHÚC ÂM: Ga 10, 31-42

    Khi ấy, người Do-thái lượm đá để ném Chúa Giêsu. Người lên tiếng hỏi rằng: “Ta đã cho các ngươi thấy nhiều việc tốt lành bởi Cha Ta. Vậy vì việc nào mà các ngươi muốn ném đá Ta?” Người Do-thái trả lời: “Chúng tôi muốn ném đá ông không phải vì việc lành, nhưng vì một lời lộng ngôn, bởi vì ông chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”. Chúa Giêsu đáp lại: “Nào trong sách luật của các ngươi không có chép câu này: “Ta đã nói: các ngươi là thần”? Vậy nếu sách luật gọi những kẻ được nghe lời Chúa là thần, mà Kinh Thánh không thể huỷ diệt được, thì tại sao các ngươi nói với Đấng đã được Chúa Cha thánh hoá và sai đến trong trần gian rằng “Ông nói lộng ngôn”, vì Ta đã nói Ta là Con Thiên Chúa? Nếu Ta không làm những việc của Cha Ta, thì các ngươi đừng tin Ta. Nhưng nếu Ta làm những việc đó, thì dầu các ngươi không muốn tin Ta, cũng hãy tin vào các việc đó, để các ngươi biết và tin rằng: Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha”. Bởi đó họ tìm cách bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ. Người lại qua bên kia sông Giođan, nơi trước kia Gioan đã làm phép rửa. Và Người ở lại đó. Có nhiều kẻ đến cùng Người. Họ nói: “Gioan đã không làm một phép lạ nào. Nhưng mọi điều Gioan nói về người này đều đúng cả”. Và có nhiều kẻ tin Người.

    Suy Niệm 1:

    TA ĐÃ BẢO: “CÁC NGƯƠI LÀ THẦN”!

    Giêremia kinh nghiệm tình trạng bị thoá mạ, chế nhạo, và tố cáo… nhưng cũng tin tưởng và kinh nghiệm rằng Chúa ở với mình và bảo vệ mình… Niềm tin tưởng này quí biết bao, bởi không gì khác ngoài niềm tin tưởng này sẽ giúp chúng ta mạnh mẽ và đứng vững trong thử thách, nhất là những khi mà cả thế giới dường như chống lại mình.

    Từ niềm tin tưởng này, tác giả Thánh vịnh 17 có thể thốt lên: “Trong cơn đại hoạ, tôi đã cầu khẩn Chúa, tôi đã kêu xin Thiên Chúa của tôi… Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa, lạy Chúa là Tảng Ðá, chiến luỹ, cứu tinh…”

    Đó chính là tâm cảnh của Chúa Giêsu trong những ngày này, khi mà giờ của Người đang đến rất gần. Người ta lượm đá để ném Chúa. Nhưng Người vẫn đĩnh đạc đối đáp với họ, trong những cố gắng cuối cùng nhằm giúp họ nhận ra đâu là sự thật…

    Các anh à. Tôi đã làm bao việc giữa các anh. Đó là những việc Cha sai tôi làm. Vì việc nào mà các anh cho rằng tôi đáng chết nhỉ? À, các anh nói tôi lộng ngôn khi khẳng định nguồn gốc thần linh của mình? Khoan đã, các anh không nhớ lời Chúa tuyên bố “Các ngươi là thần”, nói về những ai nghe lời Thiên Chúa đó sao? Hãy mở mắt, mở lòng trí ra đi, các anh sẽ thấy tôi không lộng ngôn đâu, bởi tôi đến từ Cha, được Cha thánh hiến và sai vào trần gian, chỉ nhằm giúp các anh đón nhận ân sủng và sự thật!…

    “Các ngươi là thần!” Vâng, ở lại trong thánh ý Thiên Chúa, tất cả chúng ta là những thần linh. Con người được tạo nên để đi vào thông dự thần tính của Thiên Chúa. Bộ phim ‘Des hommes et des dieux’ được đặt tiêu đề như thế có lẽ nhằm phản ánh ý nghĩa này. Đó là câu chuyện về các đan sĩ Xi tô nhặt phép ở Đan viện Tibhirine (Algerie) quyết định liều mạng sống mình để ở lại với bà con nông dân địa phương và chia sẻ đời sống với họ. Các đan sĩ bị bắt và bị sát hại (năm 1996). Những con người này đã cho thấy ơn gọi làm người của mình là sống và hành động như những thần linh! Chọn thánh ý Thiên Chúa, người ta phản ánh tình yêu thần linh của chính Thiên Chúa, nơi con người ‘xác đất vật hèn’ của mình…

    Chính Chúa Giêsu – trong sự đảm nhận cuộc Thương Khó của Người – là nguồn cảm hứng, là động lực cho sự chọn lựa của các đan sĩ ở Tibhirine ấy, cũng như cho vô số các môn đệ thừa sai của Người trong dòng lịch sử đã chọn lựa sống và chết vì con người. Phẩm giá ‘thần linh’ nơi mình và nơi những anh chị em nghèo hèn mà mình phục vụ rất đáng để mình chọn lựa như thế!

    Chuẩn bị cử hành cuộc Thương Khó của Chúa vì yêu thương chúng ta, tâm tình và thái độ xứng hợp của chúng ta là biết ơn và tự trọng. Biết ơn, vì Chúa thương ta đến cùng. Và tự trọng, vì phẩm giá con người chúng ta đáng trọng đến mức được gọi đi vào trong phẩm giá thần linh của Chúa!

    Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.

    ……………………………………

    Suy Niệm 2: LÀM CHỨNG CHO CHÚA GIÊSU QUA NHỮNG VIỆC LÀNH

    Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta lời tâm sự của Ngôn Sứ Giêrêmia với Đức Chúa khi ông đối diện với bắt bớ và chống đối: “Khi ấy, ông Giêrêmia thưa với Chúa rằng: Con nghe biết bao người vu cáo: ‘Kìa, lão ‘Tứ phía kinh hoàng!’ hãy tố cáo, hãy tố cáo nó đi!’ Tất cả những bạn bè thân thích đều rình xem con vấp ngã. Họ nói: “Biết đâu nó chẳng mắc lừa, rồi chúng ta sẽ thắng và trả thù được nó!” (Gr 20:10). Thái độ này của ngôn sứ đáng để chúng ta học hỏi vì khi bị chống đối hay bắt bớ, chúng ta thường tìm sự giúp đỡ nơi người đời hoặc tìm cách chống lại, chứ ít khi chạy đến với Thiên Chúa. Giêrêmia chạy đến với Chúa vì ông biết rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi mình và Ngài sẽ giúp ông chiến thắng những kẻ hại ông: “Nhưng Đức Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng. Vì thế những kẻ từng hại con sẽ thất điên bát đảo, sẽ không thắng nổi con. Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã ê chề: đó là một nỗi nhục muôn đời không thể quên” (Gr 20:11). Hình ảnh của Giêrêmia nhắc nhở chúng ta rằng trong cuộc sống dù chung quanh ta không còn ai nâng đỡ và mọi người lánh xa thì Thiên Chúa vẫn luôn ở gần bên. Ngài ở đó cho chúng ta luôn luôn. Điều quan trọng là chúng ta có để Ngài quan tâm và yêu thương chúng ta không.

    Hôm qua, chúng ta thấy người Do Thái muốn bắt Chúa Giêsu vì họ cho là Ngài đã nói phạm thượng. Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục đưa chúng ta vào sâu trong sự ‘đối kháng’ giữa Chúa Giêsu và người Do Thái để cuối cùng dẫn đến cái chết trên thập giá của Ngài. Chính việc Chúa Giêsu khẳng định Ngài và Chúa Cha là một đã làm cho những người Do Thái giận dữ, xem đó là một lời nói phạm thượng. Đứng trước sự giận dữ của người Do Thái, Chúa Giêsu đối chất với họ về thái độ muốn ném đá Ngài của họ: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi?” (Ga 10:32). Chúa Giêsu đã dùng hành động [dấu lạ Ngài đã thực hiện] để chứng minh rằng điều Ngài nói là chân thật. Nhưng những người Do Thái đã từ chối chấp nhận những công việc tốt đẹp như là chứng cớ cho biết Chúa Giêsu và Chúa Cha là một: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa” (Ga 10:33). Chi tiết này một cách nào đó khuyến cáo chúng ta về sự chậm tin. Chúng ta thấy những phép lạ Thiên Chúa thực hiện trong đời sống thường ngày, nhưng ta không chịu tin. Chúng ta dần dần ‘ném đá giết chết’ Chúa Giêsu trong cuộc đời của mình qua thái độ dửng dưng, vô cảm và không có lòng biết ơn. Hãy là những người tin chứ đừng là những người tin nửa vời.

     Chúa Giêsu sử dụng lời Kinh Thánh để chỉ cho người Do Thái biết điều Ngài khẳng định không có gì sai: “Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: ‘Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh’? Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ, thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: ‘Ông nói phạm thượng!’ vì tôi đã nói: ‘Tôi là Con Thiên Chúa’? Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (Ga 10:34-38). Trong những lời này, Chúa Giêsu đưa những người chống đối về lại với ý nghĩa của Kinh Thánh và khẳng định với họ Ngài đến để hoàn thành những gì Kinh Thánh đã nói về Ngài. Bên cạnh đó, Ngài cũng khẳng định giá trị trường tồn của Kinh Thánh. Chính những lời Kinh Thánh làm chứng về nguồn gốc của Ngài vì Ngài và Chúa Cha là một. Chi tiết này mời gọi chúng ta có lòng yêu mến Kinh Thánh, vì trong đó chúng ta tìm thấy lời Chúa, là lời mang lại sự sống.

    Sự ‘đối kháng’ được giảm bớt qua việc Chúa Giêsu lánh sang bên kia sông Giođan. Sự kiện này đã làm cho nhiều người tin vào Chúa Giêsu: “Đức Giêsu lại ra đi, sang bên kia sông Giođan, đến chỗ trước kia ông Gioan đã làm phép rửa, và Người ở lại đó. Nhiều người đến gặp Đức Giêsu. Họ bảo nhau: ‘Ông Gioan đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng.’ Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giêsu (Ga 10:40-42). Việc lánh mặt của Chúa Giêsu về bên kia sông Giođan mang một ý nghĩa quan trọng, đó là đưa thính giả của Ngài về với những gì đã xảy ra ở đó. Trong bối cảnh đó, họ mới có được sự so sánh giữa Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu. Chính qua điều này, họ nhận ra được sự cao trọng của Chúa Giêsu qua lời chứng của Gioan về Chúa Giêsu và họ tin vào Chúa Giêsu. Đức tin là một hành trình tìm kiếm. Chỉ những người giữ được sự kiên định trong việc đến với Chúa Giêsu dù Ngài đi đâu, ở đâu mới có thể hoàn thành hành trình đức tin của mình trong hy vọng và tình mến.

    Lm. Anthony, SDB.

    ………………………………….

    Suy Niệm 3: Đức Giêsu là Con Thiên Chúa

    1. Vào dịp mừng lễ Cung hiến Đền thờ ở Giêrusalem, người Do thái vây quanh Đức Giêsu, cật vấn Ngài có phải là Đấng Cứu Thế không ? Đây là câu hỏi để gài bẫy : Nếu Ngài tự xưng mình là Đấng Cứu Thế, họ nghĩ chính quyền Rôma sẽ bắt tội Ngài. Nếu Ngài chối, họ sẽ buộc Ngài vào tội lừa dối dân.
      Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu không trả lời thẳng vào câu hỏi đó. Thừa dịp này , Ngài tuyên bố một chân lý quan trọng : Ngài là Con Thiên Chúa và đồng bản tính với Thiên Chúa :”Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha”.
    1. Chúng ta thấy người Do thái không tin Ngài là phải, vì bài Tin Mừng hôm nay cho thấy lý do tại sao người Do thái không tin nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa. Họ không tin nhận vì họ đứng ở vị thế chính trị : họ mong đợi một Đấng Cứu Thế giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của ngoại bang; trong khi đó, Đức Giêsu lại ở vị thế  hoàn toàn tôn giáo. Ngài đến giải phóng con người khỏi ách thống trị của tội lỗi. Hai người đứng trên hai quan điểm khác nhau mà nói truyện thì không bao giờ đi đến kết luận chung.
    1. Câu hỏi “Đức Giêsu là ai”, Ngài có phải là Con Thiên Chúa không ? Câu trả lời vẫn còn lơ lửng, chưa ngã ngũ ! Trong ba năm giảng dạy, với nội dung giảng dạy,và cách thức giảng dạy của Đức Giêsu đã khiến mọi người ngạc nhiên thán phục. Thêm vào đó, những phép lạ Chúa làm lại củng cố thêm cho sự thán phục này. Dầu vậy, thính giả của Ngài vẫn thắc mắc hỏi nhau : Giêsu là ai ? Nhiều người cho Ngài là một tiên tri nào đó như Isaia, Êlia, Giêrêmia hay một tiên tri nào  khác đã sống lại.
      Chính các Tông đồ cũng vẫn thắc mắc : Ngài là ai ? Câu hỏi này đã được chính Chúa Cha trả lời : Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là con rất yêu quí của Chúa Cha. Bằng chứng : hai lần Chúa Cha đã tuyên bố công khai như vậy, một lần ở sông Giorđan lúc Ngài chịu phép rửa và một lần nữa ở trên núi Taborê khi Ngài biến hình.
      Chính Đức Giêsu cũng đã nhiều lần tuyên bố như vậy. Chẳng hạn dụ ngôn”những người làm vườn nho hung ác” đã giết đứa con duy nhất của ông chủ. Chúa đã dùng hình ảnh đó để ám chỉ chính Ngài đã được Chúa Cha sai đến trần gian và bị người Do thái giết chết nơi đồi Calvariô…
    1. Người Do thái vì cứng lòng, không chịu nhận Đức Giêsu và lởi giảng dạy của Ngài. Họ kết tội Ngài phạm thượng vì đã tự xưng mình là Con Thiên Chúa. Dân Do thái chỉ nhớ một điều họ không bằng lòng, mà quên đi nhiều điều tốt lành Đức Giêsu đã làm cho họ :”Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng. Ông là người phàm, mà lại tự cho mình là Thiên Chúa” (Ga 10,33).Với họ, Đức Giêsu chỉ là con người bình thường, một thanh niên con bác thợ mộc Giuse và bà Maria ở làng quê Nazareth nghèo nàn.
      Dù họ chấp nhận hay không, thì Đức Giêsu vẫn là Con Thiên Chúa, như lời Đức Giêsu đã mạc khải sự thật  về Ngài, về mối tương quan quan giữa Ngài với Chúa Cha :”Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha”. Ngài đến để làm chứng cho sự thật. Nhưng chính bởi sự thật đó, có nhiều người đã chống đối và cũng có nhiều người tin vào Ngài.
    1. Vậy chúng ta bảo Đức Giêsu là ai ? Chúng ta phải tin và xác quyết rằng Ngài vừa là Thiên Chúa, vừa là người thật.
      – Đức Giêsu là Thiên Chúa thật. Trong ba năm sống công khai, Ngài đã không ngừng xác quyết điều dó. Ngài tự xưng mình cao trọng hơn Abraham, lớn hơn Maisen… Tất cả những lời tuyên bố trên đã được Đức Giêsu chứng thực và xác nhận bằng các phép lạ, trong đó sự sống lại của Ngài là bằng chứng cao cả nhất về Thần tính của Ngài.
      – Đức Giêsu cũng là con người thật. Con người đó cũng có một thân xác như chúng ta. Về phương diện tình cảm, Ngài biết rung động trước vẻ đẹp của cảnh vật thiên nhiên, Ngài nghiêng mình và xoa dịu những vết thương đau của nhân loại, nhất là những kẻ yếu đau và người tội lỗi.
    1. Truyện : Tin theo Chúa Giêsu.
      Qua những người dân trong vùng đến làm phu, dựng nhà cho lính tráng và các cung nữ, tin đồn có tây dương đạo trưởng đến thuyết pháp được lan truyền ra. Dân chúng đến nghe giảng mỗi ngày một đông, và số người trở lại mỗi ngày một nhiều. Trong hai tháng trời chờ đợi ở An Vực, hai cha đã rửa tội được 200 người.
      Người thứ nhất được ơn trở lại là một sư cụ danh tiếng trong vùng. Cụ rất chăm học đạo,  hằng ngày luôn ở bên cạnh các cha để nghe giảng giải các mầu nhiệm trong đạo. Không dám phiền cụ, cha Đắc Lộ nhờ một thanh niên biết chữ chép ra chữ Nôm, những kinh cha đọc cho, để những người tân tòng theo đó mà học.
      Thấy thế, cụ liền xin cho cụ được hân hạnh làm công việc đó “vì trước kia, cụ đã làm thầy dạy người ta những sự lầm lạc, thì lúc này, cũng xin nhận việc đó để dạy lại người ta những điều chân thật”.
      Chưa đủ, nhận thấy gian nhà của hai cha ở chật chội, dân chúng đến nghe giảng phải chen chúc nhau, cụ liền dâng cho hai cha một khu đất bên cạnh, để hai cha làm một nhà thờ rộng rãi và xứng đáng hơn.

    Lm. Giuse Đinh Lập Liễm Gp. Đà Lạt

    BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

    VIDEO CLIPS

    THÔNG TIN ƠN GỌI

    Chúng tôi luôn hân hoan kính mời các bạn trẻ từ khắp nơi trên đất Việt đến chia sẻ đặc sủng của Hội Dòng chúng tôi. Tuy nhiên, vì đặc điểm của ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, chúng tôi xin được đề ra một vài tiêu chuẩn để các bạn tiện tham khảo:

    • Các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, thuộc gia đình đạo đức, được các Cha xứ giới thiệu hoặc công nhận.
    • Ứng Sinh phải qua buổi sơ tuyển về Giáo Lý và văn hoá.

    Địa chỉ liên lạc về ơn gọi:

    • Nhà Mẹ: 115 Lê Lợi - Lộc Thanh - TP. Bào Lộc - Lâm Đồng.
    • ĐT: 0263 3864730
    • Email: menthanhgiadalatvn@gmail.com