BÀI ĐỌC I: Cv 9, 1-20
Trong những ngày ấy, Saolô còn mải say mê hăm doạ giết các môn đồ Chúa, ông đến thượng tế, xin chứng minh thư gởi đến hội đường ở Đamas, để nếu gặp ai theo đạo ấy bất luận nam nữ, ông trói đem về Giêrusalem. Đang khi đi đường lúc đến gần Đamas, bỗng nhiên một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông, ông ngã xuống đất và nghe tiếng phán rằng: “Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?” Ông thưa: “Lạy Ngài, Ngài là ai?” Chúa đáp: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ; giơ chân đạp mũi nhọn thì khổ cho ngươi”. Saolô run sợ và kinh hoàng hỏi rằng: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” Chúa phán: “Hãy chỗi dậy, vào thành, và ở đó người ta sẽ nói cho ngươi phải làm gì”. Những kẻ đồng hành với ông đứng lại, hoảng hốt; họ nghe rõ tiếng mà không thấy ai. Saolô chỗi dậy khỏi đất, mắt ông vẫn mở, mà không trông thấy gì. Người ta cầm tay dẫn ông vào thành Đamas; ông ở lại đấy ba ngày mà không thấy, không ăn, cũng không uống.
Bấy giờ ở Đamas, có một môn đồ tên là Anania; trong một thị kiến, Chúa gọi ông rằng: “Anania”. Ông thưa: “Lạy Chúa, này con đây”. Chúa phán: “Hãy chỗi dậy và đến phố kia gọi là phố “Thẳng”, và tìm tại nhà Giuđa một người tên là Saolô, quê ở Tarsê; ông ta đang cầu nguyện”. (Saolô cũng thấy một người tên Anania bước vào, và đặt tay trên ông để ông được sáng mắt). Anania thưa: “Lạy Chúa, con đã nghe nhiều người nói về người này rằng: ông đã gây nhiều tai ác cho các thánh của Chúa tại Giêrusalem; tại đây, ông đã được các vị thượng tế cho phép bắt trói tất cả những ai kêu cầu danh Chúa”. Nhưng Chúa phán: “Cứ đi, vì người này là lợi khí Ta đã chọn, để mang danh Ta đến trước dân ngoại, vua quan và con cái Israel. Ta sẽ tỏ cho nó biết phải chịu nhiều đau khổ vì danh Ta”. Anania ra đi, bước vào nhà, và đặt tay trên Saolô mà nói: “Anh Saolô, Chúa Giêsu, Đấng hiện ra với anh trên đường đi đến đây, sai tôi đến cùng anh, để anh được thấy và được tràn đầy Thánh Thần”. Tức thì có thứ gì như những cái vảy rơi khỏi mắt ông, và ông được sáng mắt; ông chỗi dậy chịu phép rửa, và sau khi ăn uống, ông được lại sức. Ông ở lại ít ngày cùng với các môn đồ thành Đamas. Và lập tức ông rao giảng trong các hội đường rằng: Đức Giêsu là Con Thiên Chúa.
PHÚC ÂM: Ga 6, 53-60
Khi ấy, những người Do-thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình mà cho chúng ta ăn được?” Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Đây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời”. Người giảng dạy những điều này tại Hội đường Capharnaum.
Suy Niệm 1: CHÚNG TA CÓ DÁM ĐỂ CHO CHÚA BIẾN ĐỔI NHƯ PHAOLÔ?
Saolô đang điên tiết bắt bớ các tín hữu thì chính Chúa Phục Sinh ngăn chặn Saolô. Cuộc trở lại của Saolô diễn ra thật bất ngờ và dứt khoát, như thể Chúa giựt Saolô khỏi con đường lầm lạc và đẩy thẳng vào nẻo đường của Chúa. “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?”, đây là câu hỏi đồng thời là tuyên ngôn đầy tâm phục khẩu phục của một người được Chúa chinh phục.
Chúa muốn Saolô làm gì? Ngay trong biến cố ‘trở lại’ này của Saolô, tất cả điều Chúa muốn về con người này cũng được bộc lộ – như ta nghe lời Chúa nói với Anania: “Người này là lợi khí Ta đã chọn, để mang danh Ta đến trước dân ngoại, vua quan và con cái Israel. Ta sẽ tỏ cho nó biết phải chịu nhiều đau khổ vì danh Ta”. Thật bi tráng, vì không chỉ là mang danh Chúa Giêsu đến cho mọi người, mà còn là phải chịu nhiều đau khổ nữa!
Và như tất cả chúng ta đều thấy rõ, cả hai khía cạnh đó đều được thánh Tông đồ Phaolô đảm nhận trọn vẹn. Đó là ‘vận mệnh’ của những ai đón nhận và thuộc về Chúa Giêsu Kitô! Tại sao? Tại sao đau khổ và thập giá gắn không rời đường đời người môn đệ và người tông đồ chính danh? Bởi vì đi theo Chúa Giêsu mà! Bởi vì chính Chúa đã trải qua đau khổ và thập giá. Và bởi vì đau khổ và thập giá của Chúa và của những ai gắn kết với Chúa đều có sức cứu độ!
Cần nhắc lại, đau khổ, thập giá và cái chết ấy là con đường SỐNG. Dĩ nhiên đây là sự SỐNG đích thực, sự SỐNG đúng nghĩa – khác với những sự ‘sống’ lừa mị ta, bởi chúng là sự chết chứ không phải sự sống. Chúa Giêsu muốn ta sống, và Người trao cho ta con đường sống là chính Người: “Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta”. Thánh Phaolô bắt gặp sự sống này và bị cuốn hút lấy bởi sự sống này, nên ta hiểu vì sao ngài được biến đổi cách ngoạn mục như vậy.
Chúng ta có dám khát vọng được biến đổi như thánh Phaolô không?
Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.
…………………………………..
Suy Niệm 2: BÁNH TRƯỜNG SINH CHÍNH LÀ THỊT MÁU CHÚA GIÊSU
Câu chuyện “Thánh Phaolô trở lại” được trình thuật trong bài đọc 1 hôm nay. Chúng ta rất quen thuộc với câu chuyện này. Điều gợi ý cho chúng ta suy gẫm trong câu chuyện là: (1) Thiên Chúa có thể sử dụng mọi người, ngay cả những người chống đối Ngài để trở nên chứng nhân cho Ngài (x. Cv 9:1-3). Saolô là một người rất nhiệt thành với luật Do Thái và sẵn sàng bắt bớ những người theo Đạo. Nhưng khi Chúa Giêsu gọi đích danh ông trên đường đi Đamát, ông đã đáp lại: “Vậy đang khi ông đi đường và đến gần Đamát, thì bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông: ‘Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta?’ Ông nói: ‘Thưa Ngài, Ngài là ai?’ Người đáp: ‘Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ. Nhưng ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì’” (Cv 9:3-6). Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng đang trên ‘hành trình giận ghét hoặc bắt bớ’ anh chị em mình, Chúa cũng gọi tên chúng ta như đã gọi Saolô, nhưng chúng ta thường để cho cơn giận và sự ganh tỵ bịt tai chúng ta trước tiếng gọi của Chúa. Cũng nhiều lần, trong hành trình tìm vinh quang cho mình và chúng ta cũng đã ngã hay thất bại nhiều lần, chúng ta vẫn không đọc ra được ý nghĩa trong những gì xảy ra cho mình mà tiếp tục đi tìm vinh hoa và tiếng khen của người đời hơn là tìm vinh danh Thiên Chúa. Những khó khăn và vấp ngã trong cuộc sống luôn là một ‘tiếng mời gọi’ của Chúa để chúng ta nhớ đến Ngài và bắt đầu một hành trình mới với Ngài như Saolô; (2) sự ngỡ ngàng của Khanania khi Chúa sai ông đi gặp Saolô: “Bấy giờ ở Đamát có một môn đệ tên là Khanania. Trong một thị kiến, Chúa phán với ông: ‘Khanania!’ Ông thưa: ‘Dạ, lạy Chúa, con đây.’ Chúa bảo ông: ‘Đứng lên, đi tới phố gọi là Phố Thẳng, đến nhà Giuđa tìm một người tên là Saolô quê ở Tácxô: người ấy đang cầu nguyện và thấy một người tên là Khanania đi vào, đặt tay trên mình để làm cho mình lại thấy được.’ Ông Khanania thưa: ‘Lạy Chúa, con đã nghe lắm kẻ nói về người ấy, về tất cả những điều ác người ấy đã làm cho dân thánh Chúa tại Giêrusalem. Còn ở đây, người ấy được các thượng tế cho quyền bắt trói tất cả những ai kêu cầu danh Chúa’” (Cv 9:10-14). Chúng ta có thể nói rằng, Khanania ngạc nhiên về cách thức Chúa làm. Làm sao có thể dùng một người bắt đạo trở thành khí cụ truyền đạo? Ông không thể hiểu vì trong ông còn đó nỗi sợ hãi và thành kiến về Saolô. Trong cuộc đời chúng ta cũng thế, có nhiều lần chúng ta để cho sự sợ hãi và thành kiến về người khác che khuất chúng ta khỏi những điều ngạc nhiên Chúa mang lại trong cuộc sống. Khanania chỉ chấp nhận và vâng theo thánh ý Chúa trong giây phút cầu nguyện. Cũng vậy, trong giây phút cầu nguyện, chúng ta sẽ nhận ra những điều ngạc nhiên Chúa làm trên cuộc đời chúng ta và người khác.
Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta về đề tài thịt máu Chúa Giêsu là bánh trường sinh. Như chúng ta đã trình bày hôm qua, trình thuật hôm nay có thể được thêm vào trong gian đoạn chỉnh sửa cuối cùng của Tin Mừng. Một cách cụ thể, trình thuật tiếp tục trình bày về hành động “ăn” theo cánh thức mà những ý nghĩa mang tính biểu tượng của việc “ăn và uống” được thiết lập trong phần đầu của trình thuật. Lối trình bày này bây giờ có thể áp dụng cho cho “bánh” trong ngôn ngữ của việc cử hành Thánh Thể. Điều này không có nghĩa làm giảm đi ý nghĩa của việc trình bày Chúa Giêsu như là bánh từ trời xuống để mặc khải cho con người về Chúa Cha.
Sau khi nghe Chúa Giêsu khẳng định bánh bởi trời chính là thịt và máu của Ngài, những thính giả của Ngài không khỏi sửng sốt tự hỏi và tranh luận với nhau: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (Ga 6:52). Đứng trước vấn nạn của họ, Chúa Giêsu khẳng định: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6:53-56). Những câu này mở rộng và giải thích cho điều Chúa Giêsu đã khẳng định trong câu 51 về thịt máu Ngài như là bánh mang lại sự sống muôn đời. Mỗi câu trong phần trích này đi theo một kiểu mẫu là trước tiên nói đến việc ăn thịt và sau đó là uống máu Ngài. Điều chúng ta cần lưu ý ở đây là việc khẳng định thịt và máu Chúa Giêsu là của ăn, của uống “thật.” Khẳng định này đưa chúng ta về với điều Chúa Giêsu đã nói trong câu 35. Nhìn cấu trúc của ba câu trong trích đoạn này, chúng ta được cho biết là việc ăn và uống máu Chúa Giêsu là cần thiết để được cứu độ. Nói cách cụ thể hơn, việc ăn thịt và uống máu Chúa Giêsu mang lại cho chúng ta những điều sau: (1) có sự sống trong mình (câu 53); (2) có sự sống muôn đời và sẽ được cho sống lại trong ngày sau hết (câu 54); (3) ở lại trong Chúa Giêsu và Chúa Giêsu ở lại trong người đó (câu 56). Để hiểu rõ sứ điệp của trích đoạn này, chúng ta cần lưu ý đến lời cảnh cáo rất nặng mang tính cách tiêu cực của Chúa Giêsu trong câu 54 [chúng ta sẽ không có sự sống nơi mình] và lời mời gọi “ở lại trong Chúa Giêsu” trong câu 56. Chi tiết này giúp chúng ta hiểu rằng chúng ta sẽ không có sự sống trong mình nếu chúng ta không ở lại trong Chúa Giêsu và Chúa Giêsu không ở lại trong chúng ta. Theo các học giả Kinh Thánh, đây chính là dấu hiệu báo trước vấn đề xảy ra trong cộng đoàn của Thánh Gioan, đó là nhiều thành viên tách ra khỏi cộng đoàn vì bị bách hại. Trong đời sống thường ngày, chúng ta cũng đối diện với những “bách hại” đến từ chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa hưởng thụ làm chúng ta tách mình ra khỏi Chúa Giêsu. Dần dần, sự sống thế lý nơi chúng ta có thể nói là rất mạnh mẽ, nhưng sự sống thiêng liêng bị chết dần trong chúng ta. Hãy ở lại trong Chúa Giêsu và để Chúa Giêsu ở lại trong mính, chúng ta mới có sự sống đời đời nơi mình.
Trích đoạn Tin Mừng chuyển sang một cung giọng khác với việc Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh Ngài sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì người ăn Ngài cũng sống nhờ Ngài như thế: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6:57-58). Chúng ta thấy lối diễn tả khác thường trong cụm từ “Chúa Cha là Đấng hằng sống” có thể được hình thành dựa trên lối suy diễn từ cụm từ “bánh hằng sống” trong câu 51. Người đọc biết rằng Chúa Cha sai Chúa con đến để mang lại sự sống (x. Ga 3:16-17), và rằng sự sống Người Con có là chính sự sống của Chúa Cha ban cho Chúa Con (x. Ga 5:26). Trong những lời trên, Chúa Giêsu mở rộng mối tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con đến những người tin, là những người chia sẻ trong Thánh Thể. Như vậy, những người đón nhận Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể sẽ nhận được chính sự sống mà Chúa Giêsu nhận từ Chúa Cha. Thật là một ân phúc tuyệt diệu mà mỗi người chúng ta được ban cho.
Lm. Anthony, SDB.
…………………………………
Suy Niệm 3: Bí tích Thánh Thể
- Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu tiếp tục bài giáo lý về Bí tích Thánh Thể : Đức Giêsu càng nói rõ hơn về bánh ban sự sống, đó là thịt và máu Ngài :”Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời”.
Tới đoạn Tin Mừng này, ở câu 55 Ngài tuyên bố thẳng thừng và dứt khoát :”Thịt Ta thật là của ăn và máu Ta thật là của uống”.
Như vậy Đức Giêsu nói tới bí tích Thánh Thể, trong đó Ngài ban chính thịt và máu Ngài làm của ăn của uống cho loài người. Và hiệu quả của việc rước lễ :”Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời… thì kẻ ấy ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy”.
- Hôm nay Đức Giêsu nhắc lại chủ để mấy ngày hôm trước và đưa ra thêm yếu tố mới. Ngài nói :”Bánh Ta sẽ ban là thịt máu Ta.. . Thịt Ta thật là của ăn, máu Ta thật là của uống”, nghĩa là trong phần trước, Chúa chỉ nói Ngài là bánh bởi trời đích thật, trong phần này, Chúa nói rõ hơn bánh đó chính là thịt máu Ngài :”Thịt Ta thật là của ăn, máu Ta thật là của uống”.
Nghe Chúa nói như vậy, phản ứng của người Do thái có vẻ mạnh hơn trước, họ xô xát nhau :”Làm sao ông này có thể lấy thịt ông ta mà cho chúng ta ăn được” ? Họ đã hiểu lời Chúa theo nghĩa đen và cũng chính là ý nghĩa mà Chúa muốn nói. Cho nên, dù dân chúng có phản đối, các môn đệ có bỏ đi, Chúa chẳng những không rút lời, nhưng lại giải thích rõ hơn và nhấn mạnh hơn :”Quả thật, thịt Ta là của ăn, máu Ta là của uống, ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì được sống đời đời, và Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết”.
- Nếu chúng ta nói : thân xác phải ăn thì mới sống được, chúng ta phải nói thế nào về phần hồn ? Dĩ nhiên, linh hồn cũng phải ăn thì mới sống được, nhưng của ăn nuôi sống linh hồn không phải là của ăn vật chất như cơm bánh hằng ngày ta ăn, mà là của ăn thiêng liêng. Nói khác đi, của ăn đó chính là Mình Máu Chúa Kitô.
Để bảo tồn sự sống, mọi sinh vật phải có thức ăn thích hợp với bản tính riêng. Linh hồn chúng ta đã được thần hóa, nên cũng cần có thức ăn thích hợp với nếp sống mới đó. Thức ăn này phải là do việc thông hiệp vào thịt máu Đức Giêsu ban cho :”Ta là bánh hằng sống. Các ngươi hãy cầm lấy mà ăn vì này là mình Ta. Các ngươi hãy lãnh nhận mà uống, vì này là máu Ta. Ai ăn mình và uống máu Ta sẽ được sống. Vì mình Ta thực là của ăn, máu Ta thật là của uống”.
Ai lãnh nhận mình máu Chúa Kitô, người ấy được kết hợp với Chúa, được tan biến trong Chúa để cả hai nên một, để người ấy có thể nói như thánh Phaolô :”Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi”.
- Trong khi rước lễ, chúng ta coi mình như đón nhận Đức Giêsu, Đức Giêsu ngự vào trong tôi. Chúng ta nói về sự hiệp lễ như là ôm ẵm Chúa. Nhưng hiệp lễ cũng có nghĩa là Chúa ôm ẵm chúng ta. Đức Giêsu đón nhận chúng ta vào lòng Ngài cách đặc biệt. Không chỉ là Đức Giêsu ngự trong chúng ta , mà chúng ta cũng ở trong Đức Giêsu. Đó là ý nghĩa của điều Chúa nói với chúng ta trong Tin mừng hôm nay :”Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta , và ta ở trong kẻ ấy”. Chúng ta có thể nói như thánh Inhaxiô :”Đây là nơi Đức Giêsu bồng ẵm tôi”.
Thánh Cyrillô thành Alexandria so sánh sự hiệp nhất này với hai miếng sáp ong hòa lẫn với nhau. Thánh Têrêsa thành Lisieux đã diễn ta sự hiệp lễ lần đầu của ngài như là sự tan hòa với Chúa Kitô.
- Thánh lễ trong đó có Thánh Thể là bữa tiệc mà Đức Giêsu đáp ứng cho các môn đệ Ngài. Tất cả chúng ta đều đến dự bữa tiệc ấy với cái đói, chúng ta đều cần bánh ăn mà chỉ có Đức Giêsu có thể ban cho – bánh của sự sống đời đời. Và tất cả chúng ta đều được nuôi sống và được vinh dự, bởi vì ở đây mỗi người cho là một vinh dự. Ở đây mọi người trở nên bình đẳng, vì tất cả chúng ta là những người nghèo về mặt thiêng liêng nên tất cả đều được ăn uống no nê.
Ngoài ra, tất cả những người cùng tham dự bàn tiệc Chúa sẽ liên kết với nhau bằng sợi dây tình nghĩa, vì cùng chia sẻ một thức ăn và một tình yêu của Đức Giêsu Kitô. Chúa đã tự hiến mình làm của ăn nuôi linh hồn chúng ta và mời gọi chúng ta đến ăn, tại sao chúng ta không đến dự ?
- Truyện : Mình Thánh Chúa tôi đang cất giấu.
Thời cách mạng Pháp 1789, Giáo hội tại đây bị bách hại dữ dội. Cha xứ Breta cải trang đến dâng lễ tại một gia đình đạo đức trong xứ, là gia đình của cậu bé Benjamin. Cậu bé rất sung sướng, vì đây là lần đầu tiên cậu được giúp lễ. Đến đó, cậu theo cha xứ đi đưa Mình Thánh Chúa cho kẻ liệt. Bỗng có tiếng xì xào, một toán lính đang tiến lại. Cha xứ vội trao Mình Thánh Chúa cho cậu bé rước, dầu cậu bé chưa được rước lễ vỡ lòng. Cha cũng trao cho cậu giữ luôn cả mặt nhật, rồi cả hai chia tay nhau, mỗi người chạy một ngã. Vì còn nhỏ, chạy chậm, Benjamin bị toán lính bắt kịp. Một lát sau, cha xứ cũng bị bắt. Chúng tra hỏi cha :”Mày cất giấu Mình Thánh Chúa ở đâu” ? Cha một mực im tiếng. Tức giận, chúng bắn cha chết tại chỗ. Lục soát một hồi cũng không thấy Mình Thánh Chúa ở đâu, chúng liền quay sang Benjamin :”Chắc chắn mày đang giữ Mình Thánh Chúa, đưa ngay kẻo thiệt mạng”. Benjamin vừa can đảm vừa ngây thơ trả lời :”Trong bụng tôi, các ông mổ ra mà lấy”. Điên tiết, bọn lính cũng giết Benjamin tại chỗ, bên một cây sồi già.
Mấy năm sau, Giáo hội Pháp được bình yên trở lại. Một cơn bão làm đổ cây sồi già, dưới gốc cây bị trốc rễ lên, người ta thấy hai xác, trên xác cậu bé, mặt nhật còn đó, sáng ngời.Lm. Giuse Đinh Lập Liễm Gp. Đà Lạt