BÀI ĐỌC I: Cv 4, 1-12
Trong những ngày ấy, đang lúc Phêrô và Gioan giảng cho dân chúng (sau khi chữa lành người què), thì các tư tế, vị lãnh binh cai đền thờ và các người thuộc nhóm Sađốc áp tới, bực tức vì các ngài giảng dạy dân chúng và công bố việc Ðức Giêsu từ cõi chết sống lại. Họ ra tay bắt các ngài và đem tống giam vào ngục cho đến hôm sau, vì lúc đó đã chiều tối rồi. Nhưng trong số những kẻ nghe giảng, có nhiều người tin, và nguyên số đàn ông cũng đã tới năm ngàn người. Ðến hôm sau, các thủ lãnh, kỳ lão và luật sĩ ở Giêrusalem, có cả Anna thượng tế, Caipha, Gioan, Alexanđê, và tất cả những người thuộc dòng tư tế, nhóm họp. Họ cho điệu hai ngài ra giữa mà chất vấn rằng: “Các ông lấy quyền hành và danh nghĩa nào mà làm điều đó?” Lúc bấy giờ Phêrô được đầy Thánh Thần đã nói: “Thưa chư vị thủ lãnh toàn dân và kỳ lão, xin hãy nghe, nhân vì hôm nay chúng tôi bị đem ra xét hỏi về việc thiện đã làm cho một người tàn tật, về cách thức mà con người đó đã được chữa khỏi, xin chư vị tất cả, và toàn dân Israel biết cho rằng: Chính nhờ Danh Ðức Giêsu Kitô Nadarét, Chúa chúng tôi, Người mà chư vị đã đóng đinh, và Thiên Chúa đã cho từ cõi chết sống lại, chính nhờ danh Người mà anh này được lành mạnh như chư vị thấy đây. Chính Người là viên đá đã bị chư vị là thợ xây loại ra, đã trở thành viên Ðá Góc tường; và ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác. Bởi chưng không một Danh nào khác ở dưới gầm trời đã được ban tặng cho loài người, để nhờ vào Danh đó mà chúng ta được cứu độ”.
PHÚC ÂM: Ga 21, 1-14
Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: Simon Phêrô, Tôma cũng gọi là Ðiđymô, Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông kia nói rằng: “Chúng tôi cùng đi với ông”. Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: “Này các con, có gì ăn không?” Họ đồng thanh đáp: “Thưa không”. Chúa Giêsu bảo: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được”. Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu, liền nói với Phêrô: “Chính Chúa đó”. Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay. Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: “Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây”. Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách. Chúa Giêsu bảo rằng: “Các con hãy lại ăn”. Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi: “Ông là ai?” Vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Ðây là lần Thứ Ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.
Suy Niệm: GẶP CHÚA GIÊSU TRONG CÔNG VIỆC THƯỜNG NGÀY
Sự can đảm của Thánh Phêrô để làm chứng cho Chúa Giêsu lại được chứng tỏ ngày hôm nay trước những người mà trước kia thánh nhân rất sợ hãi. Điều này cho thấy sự kiện phục sinh đã thật sự mang lại một sự biến đổi tận căn nơi Thánh Phêrô. Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta thấy hai phản ứng khác nhau trước phép lạ và lời giảng dạy của Thánh Phêrô và Gioan. Đây là điều chúng ta thấy thường xảy ra cho Chúa Giêsu. Thật vậy, bài giảng của Phêrô và Gioan làm cho các tư tế, viên lãnh binh đền thờ và các người thuộc nhóm phản ứng cách giận dữ và chống đối; trong khi đó “trong đám người nghe lời giảng, có nhiều kẻ đã tin theo, chỉ riêng số đàn ông đã lên đến chừng năm ngàn” (Cv 4:4). Chi tiết quan trọng thứ hai xảy ra cho Chúa Giêsu được lặp lại trong cuộc đời của Thánh Phêrô và Gioan được trình bày trong bài đọc 1 là “bị luận tội trước công hội”: “Hôm sau, các thủ lãnh Do thái, các kỳ mục và kinh sư họp nhau tại Giêrusalem. Có cả thượng tế Khanan, các ông Caipha, Gioan, Alêxanđê và mọi người trong dòng họ thượng tế” (Cv 4:5-6). Tuy nhiên, giống với thầy mình, các môn đệ can đảm làm chứng cho sự thật và trong lời làm chứng của mình, Thánh Phêrô đã khẳng định một chân lý quan trọng trong tín điều của Kitô Giáo, đó là “Ngoài Người [Đức Kitô] ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4:10-12). Điều này khẳng định vị trí quan trọng của Chúa Giêsu trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, không chỉ cho sự sống đời này mà còn cho sự sống vĩnh cửu. Nếu Chúa Giêsu quan trọng như thế, liệu Ngài có chiếm được chỗ trung tâm trong ngày sống của chúng ta không?
Chúng ta tiếp tục nghe trong tuần này những trình thuật về những lần hiện ra của Chúa Giêsu với các môn đệ của Ngài. Bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay nhắc cho chúng ta nhớ lại bối cảnh của mẻ cá lạ lùng được Thánh Luca thuật lại (Lc 5:1-11). Những chi tiết giống nhau trong hai trình thuật này bao gồm: các môn đệ đánh cá suốt đêm mà không bắt được gì, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông thả lưới, bắt được nhiều cá, Thánh Phêrô phản ứng trước mẻ cá bắt được, cá là biểu tượng của sứ mệnh của các môn đệ, và điều kiện của lưới. Bên cạnh những điểm giống trên là những chi tiết khác nhau sau: vị trí của thuyền, vị trí của Chúa Giêsu so với chiếc thuyền, bản chất phản ứng của Phêrô, điều kiện thực sự của lưới, và sự hiện diện của các thuyền khác đến giúp.
Điều làm chúng ta ngạc nhiên trong bài Tin Mừng hôm nay đó là sự kiện các môn đệ không nhận ra Chúa Giêsu dù đây là “lần thứ ba Đức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết” (Ga 21:14). Làm sao các ông không thể nhận ra Chúa Giêsu khi Ngài đã hiện ra cho họ hai lần rồi? Điều này khẳng định rằng sự sống phục sinh của Chúa Giêsu có gì đó hoàn toàn mới đến nỗi các môn đệ đã sống với Ngài ba năm và đã chứng kiến hai lần Ngài hiện ra mà không nhận ra Ngài. Điều giúp họ nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh chính là “bối cảnh rất quen thuộc” của đời sống hằng ngày của họ. Như vậy, đời sống mới trong Chúa Giêsu Phục Sinh không đưa chúng ta ra khỏi thực tại đang sống, nhưng biến đổi thực tại đó và làm cho nó trở thành nơi chúng ta gặp Ngài. Nói cách khác, những công việc chúng ta làm mỗi ngày chính là phương tiện biến đổi chúng ta và giúp chúng ta nhận ra đời sống mới trong Đức Kitô Phục Sinh.
Chúng ta cùng nhau phân tích ba phần của bài Tin Mừng hôm nay để rút ra những bài học hữu ích cho ngày sống của chúng ta. Phần 1 (Ga 21:1-3) nói cho chúng ta về hoàn cảnh và tâm trạng của Phêrô và các môn đệ sau biến cố Phục Sinh. Trong phần này, chúng ta thấy Phêrô là người “quyết định việc đi đánh cá” và các môn đệ khác hưởng ứng. Qua chi tiết này, Thánh Gioan ám chỉ đến vị trí đứng đầu của Thánh Phêrô. Chúng ta không biết lý do đằng sau quyết định đi đánh cá của Phêrô là gì. Có hai khả thể xảy ra: một là vì Phêrô muốn trở lại kinh nghiệm ban đầu, kinh nghiệm mà qua đó ông đã gặp và đáp lại tiếng Chúa Giêsu mời gọi theo Ngài hầu củng cố lại sự dấn thân của mình; nhưng cũng có thể là ông đã mệt mỏi với việc theo Chúa Giêsu, Đấng bị đóng đinh, nên muốn trở lại với đời sống trước kia mà ông đã bỏ để đi theo Chúa Giêsu. Tuy nhiên, chi tiết quan trọng ở đây chính là họ đã nỗ lực suốt đêm hôm đó mà không bắt được gì (Ga 21:3). Hình ảnh đánh cá được đặt nằm trong bối cảnh “Chúa Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ.” Điều này ám chỉ đến việc tìm Chúa trong công việc hằng ngày. Nhưng nhiều khi chúng ta nỗ lực tìm trong “bóng đêm,” trong đêm đen của nỗ lực con người nên chúng ta không thấy. Chỉ với ánh sáng của Chúa Giêsu mang lại, chúng ta mới có thể bắt được nhiều cá. Đây là chi tiết nối kết phần 1 với phần 2.
Phần 2 (Ga 21:4-8) bắt đầu với câu: “Khi trời đã sáng.” Điều này cho chúng ta thấy chỉ trong ánh sáng sự hiện diện của Chúa Giêsu, dù là một sự hiện diện không “được nhận ra,” chúng ta mới có thể đạt được những thành quả lớn trong những công việc mình làm. Chúng ta cũng thấy trong phần này thái độ của Chúa Giêsu. Ngài bình thản đồng hành với các ông. Ngài không vội vàng trong việc tỏ mình ra. Ngài sử dụng những kinh nghiệm hằng ngày của họ để giúp họ nhận ra Ngài. Đây chính là điều chúng ta cần ý thức trong cuộc sống khi chúng ta đi tìm kiếm Chúa. Không phải là chúng ta nỗ lực tìm mọi cách để nhận ra Chúa, nhưng chính Ngài tìm mọi cách để giúp chúng ta nhận ra Ngài. Trong trường hợp này, người môn đệ được Chúa yêu nhận ra Ngài qua mẻ cá, còn Phêrô nhận ra Chúa Giêsu qua lời chứng của người môn đệ được Đức Giêsu thương mến. Chúa Giêsu dùng những người khác và các sự kiện trong cuộc sống để giúp chúng ta nhận ra Ngài. Liệu chúng ta có muốn để cho mình bị Ngài thuyết phục không?
Trong phần 3, chúng ta thấy có sự “hoà lẫn giữa cá [và bánh] được Chúa Giêsu chuẩn bị” và “cá mới bắt được” (Ga 21:9-10). Đây chính là sự hoà quyện không thể tách rời của mầu nhiệm Giáo Hội; và đây cũng chính là sự hoà quyện của “ơn Chúa” và “nỗ lực của con người dưới sự hướng dẫn của Chúa.” Trong phần này, có hai hình tượng chúng ta cần lưu ý đó là con số “một trăm năm mươi ba con” và hành động của Chúa Giêsu “cầm lấy bánh trao cho các ông.” Hình ảnh thứ nhất về “một trăm năm mươi ba con” đại diện cho tất cả các dân tộc trên thế giới. Điều này ám chỉ đến sứ mệnh và tính phổ quát của Giáo Hội: trong Giáo Hội, mọi dân tộc [mọi người] đều tìm thấy chỗ của mình. Điều này mời gọi chúng ta hãy mở rộng con tim của mình để cũng có thể khẳng định rằng: trong trái tim của tôi, ai cũng có chỗ. Hình ảnh thứ hai quá quen thuộc với chúng ta, đó là hình ảnh về Bí Tích Thánh Thể. Khi Chúa Giêsu cầm bánh và cá trao cho các môn đệ, “không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa” (Ga 21:12). Điều này có thật sự xảy ra cho chúng ta không? Nếu điều này xảy ra cho chúng ta, tại sao cuộc sống của chúng ta vẫn không có thay đổi?
Lm. Anthony, SDB.
……………………………………..
Suy Niệm: Chúa hiện ra ở bờ biển hồ Tibêria
- Bài Tin Mừng hôm nay là phần cuối của Tin Mừng Gioan. Gioan viết để tường thuật về việc Chúa hiện ra với các Tông đồ trên bờ biển hồ Tibêria. Nhờ mẻ cá lạ mà các Tông đồ nhận ra Chúa. Người đầu tiên nhận ra Chúa là Gioan, và kế đến là các Tông đồ khác. Cuối cùng, là một bữa ăn thân mật bên bờ hồ sau khi Thầy trò đã nhận ra nhau.
- Tin mừng cho biết, lúc đó ông Phêrô cùng 6 ông khác là Tôma, Nathanael, Giacôbê, Gioan và hai môn đệ khác không kể rõ tên, tất cả là bảy người. Đêm hôm đó các ông cùng nhau đi thả lưới bắt cá nhưng vất vả suốt đêm mà không bắt được con cá nào. Đến gần sáng, các ông chèo thuyền vào gần bờ thì có một người lạ đứng trên bờ hỏi các ông có bắt được gì không và bảo các ông thả lưới bên phải thuyền, các ông làm theo đề nghị đó, và thật lạ lùng, cá đâu nhiều đến nỗi không sao kéo thuyền vào được.
- Tin Mừng còn cho biết, các môn đệ bắt được 153 con cá lớn mà lưới không bị rách. Các nhà chú giải Thánh Kinh vẫn xem con số 153 là tượng trưng cho 153 loài cá dưới biển. Cũng cần phải nói thêm rằng, chi tiết “lưới nhiều cá mà không bị rách, thuyền chở nặng gần chìm” cũng là một ý nghĩa biểu tượng mà tác giả Tin Mừng muốn chuyển tải. Giáo hội qui tụ muôn dân nhưng vẫn đủ chỗ, không bao giờ thiếu chỗ cho các công dân gia nhập Nước Trời, và ân sủng của Thiên Chúa mà các chứng nhân mang đến cho mọi người không bao giờ bị vơi.
- Đức Giêsu đã chọn các Tông đồ để họ tiếp tục sứ mệnh của Ngài. Nhưng rồi trong cuộc sống theo Chúa, cũng có những lúc thăng trầm, nhất là các ông đã bị thử thách nặng nề với cái chết của Đức Giêsu trên Thập giá. Đó là mầu nhiệm mà lúc đầu các ông không hiểu, mặc dầu nhiều lần Đức Giêsu đã loan báo và giải thích về cái chết có giá trị cứu rỗi của Ngài.
Trong lúc các ông trở về với nghề cũ tại biển hồ Tibêria và tâm hồn chở đợi một dấu lạ gì đó từ Chúa Giêsu Phục sinh. Chính lúc đó, Đức Giêsu hiện ra, và một lần nữa, Ngài thực hiện phép lạ mẻ cá lạ lùng để qua đó Ngài tái xác nhận rằng Thiên Chúa không thay đổi chương trình cứu rỗi của Ngài; Ngài vẫn trung thành với lời mời gọi và sứ mệnh đã trao cho các môn đệ. Con số 153 con cá ở đây tượng trưng cho mọi dân tộc trên thế giới, đã đến lúc các Tông đồ phải làm chứng cho Chúa nơi mọi dân tộc (Mỗi ngày một tin vui).
- Qua phép lạ mẻ lưới lạ lùng, Đức Giêsu muốn bảo cho các Tông đồ biết trước Giáo hội của Ngài sẽ được phổ biến khắp nơi dưới quyền lãnh đạo của Phêrô và không quyền lực nào có thể làm cho tan rã vì Giáo hội của Ngài được xây trên nền tảng vững chắc. Vì danh Chúa, các ông phải mạnh dạn tuyên xưng đức tin và bảo vệ Giáo hội :”Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29).
Bài học mà Chúa dạy các môn đệ hôm nay là các ông phải tùy thuộc vào ơn Chúa và quyền năng của Ngài, chứ không dựa vào khả năng chuyên môn của mình. Trong việc thi hành chương trình cứu độ, Chúa dùng các ông như những dụng cụ tầm thường nhưng dụng cụ ấy lại hữu hiệu khi biết vâng theo ý Chúa và nhiệt tình cộng tác dưới sự hướng dẫn của Ngài.
- Đức Giêsu Phục sinh tuy không còn hiện diện một cách xác thể để các môn đệ có thể chạm đến Ngài, nhưng Ngài vẫn hiện diện với họ một cách vô hình :”Thầy sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế”, và chắc chắn sẽ xuất hiện đúng lúc để giúp cho công việc đã trao cho họ được trổ sinh hoa trái. Điều cần thiết là họ phải tuân theo mệnh lệnh của Ngài, bởi vì “Không có Thầy, các con không thể làm gì được”.
- Chúng ta đã từng cảm thấy vô vọng trước những hoàn cảnh đau khổ, thiếu thốn, lo lắng, gian nan… trong cuộc sống, trong hành trình ra khơi với trách nhiệm, với sứ vụ. Hãy tin vào sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa, Ngài sẽ thay đổi được tất cả, dù với chỉ hạt bụi : Trở nên người sống động theo hình ảnh của Thiên Chúa (St 2,7) hòn đá có thể trở nên con cái Abraham (x. Mt 3,9).
- Truyện : Ngài đi đâu đó ?
Câu chuyện “Quo vadis” được kể như sau : Phêrô đến Rôma giữa lúc hoàng đế Nêrông đang bắt bớ đạo. Nhiều người đã chịu tử đạo. Tình thế nguy kịch, các tín hữu khuyên Phêrô chạy trốn ra khỏi thành, để còn người duy trì và giữ vững đạo Thánh.
Khi ra khỏi cổng, Phêrô gặp Chúa vác thập giá đi vào thành Rôma. Ông lên tiếng hỏi :”Quo vadis”, nghĩa là Ngài đi đâu đó ? Chúa trả lời :”Thầy đi vào Rôma để cho người ta đóng đinh một lần nữa”. Ông chợt hiểu và quay lại Rôma. Ông an ủi và giúp đỡ các tín hữu sắp chịu cực hình giữ vững niềm tin.
Sau khi chứng kiến các tín hữu bị làm mồi cho thú dữ ăn thịt, bị hỏa thiêu trên một rừng thập giá, thì chính ông cũng bị đóng đinh ngược, đầu quay xuống đất, theo lời ông xin, vì ông nghĩ mình không xứng đáng được đóng đinh như Thầy.
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm Gp. Đà Lạt