spot_img
Thêm

    Thứ Năm, tuần 6/ TN

    BÀI ÐỌC I: St 9, 1-13

    Thiên Chúa chúc phúc cho Noe và con cái ông. Người phán bảo rằng: “Các ngươi hãy sinh sản ra nhiều cho đầy mặt đất. Mọi thú vật dưới đất, mọi chim chóc trên trời, cùng mọi động vật trên mặt đất và mọi loài cá dưới biển đều phải kính sợ các ngươi: Tất cả đều được giao phó trong tay các ngươi. Tất cả những động vật còn sống đều là thức ăn của các ngươi, cũng như Ta ban cho các ngươi mọi thứ rau đậu xanh tươi, ngoại trừ thịt còn ứ máu thì các ngươi đừng ăn, vì Ta sẽ đòi giá máu sinh mạng của các ngươi. Ta sẽ đòi giá máu các ngươi do muông thú sát hại, do tay con người và do tay anh em sát hại. Hễ ai làm đổ máu người, thì máu nó cũng sẽ phải do người mà đổ ra, vì loài người được tác tạo giống hình ảnh Thiên Chúa. Các ngươi hãy sinh sản ra nhiều cho đầy mặt đất”. Thiên Chúa lại phán cùng ông Noe và con cái ông rằng: “Ðây Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi và con cháu các ngươi, với tất cả sinh vật đang sống với các ngươi, như chim chóc, gia súc, tất cả những thú vật đang sống trên mặt đất với các ngươi, những gì ra khỏi tàu và toàn thể thú vật trên mặt đất. Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi; nước lụt không còn tiêu diệt mọi loài nữa, cũng không khi nào còn lụt tàn phá trái đất nữa”. Và Thiên Chúa phán: “Ðây là dấu chỉ giao ước ký kết giữa Ta với các ngươi, và tất cả sinh vật đang ở với các ngươi và sau này mãi mãi. Ta sẽ đặt trên trời một cái mống, và nó sẽ là dấu chỉ giao ước giữa Ta với trái đất”.

    PHÚC ÂM: Mc 8, 27-33

    Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?” Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”. Bấy giờ Người hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Ðấng Kitô”. Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả. Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”.

    Suy Niệm 1: TÌM KIẾM MỘT GIÊSU KHÔNG THẬP GIÁ?

    Câu chuyện Phê rô tuyên tín “Thầy là Đấng Kitô” rất súc tích trong việc soi sáng cho đời sống Kitô hữu chúng ta.

    Thứ nhất, tương quan với Chúa Giêsu có tầm quan trọng nền tảng. Tương quan này giả thiết người ta trước hết phải nhận diện đúng Chúa Giêsu là ai. Chúng ta không là Kitô hữu đích thực nếu Chúa Giêsu không thật sự quan trọng nhất đối với chúng ta.

    Thứ hai, nhận hiểu Chúa Giêsu là ai vẫn chưa đủ. Học giáo lý, thần học theo cách nhồi nhét kiến thức và thông tin, rồi đạt điểm cao khi trả bài hay trong cuộc thi ‘rung chuông vàng’, thì vẫn chưa làm cho ta thành Kitô hữu đúng nghĩa. Phêrô nói đúng rằng “Thầy là Đấng Kitô” nhưng ông không hiểu đúng, vì thế ông can ngăn Thầy mình đi con đường của Thầy, thay vào đó ông muốn lái Thầy theo con đường của ông!

    Thứ ba, điều nói trên cho thấy Kitô giáo không chỉ là việc tuyên tín, mà tuyên tín thiết yếu phải dẫn tới linh đạo. Nói đúng, hiểu đúng, và phải SỐNG phù hợp theo đó nữa, tức đi đúng đường, nhắm đúng hướng, làm môn đệ đúng Thầy.

    Thứ tư, Chúa Giêsu là Đấng Kitô đi con đường thập giá, đảm nhận đau khổ và thử thách đến mức hy sinh, để cứu chúng ta. Đó cũng phải là con đường của chúng ta là các môn đệ Người, như Người nói rõ: “Ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo tôi!

    Không phải một mình Phêrô bị Satan lừa để dám làm quân sư bậy bạ cho Chúa Giêsu đâu. Cả chúng ta nữa, mỗi khi đùn đẩy, tránh né những thập giá thuộc bổn phận mình, mỗi khi ‘phân định’ chỉ theo tiêu chuẩn tìm sự thuận lợi, dễ dàng, dễ chịu cho mình, thì đó cũng là lúc Chúa nghiêm khắc quát chúng ta: “Satan, hãy lui lại phía sau Thầy, ngươi không biết đường lối của Thiên Chúa, mà chỉ biết đường lối của loài người!”

    Thế đấy, không bao giờ có một ‘Đức Giêsu không thập giá’. Nếu kiếm tìm một ‘Giêsu không thập giá’, sẽ chỉ gặp thấy những ‘thập giá không Giêsu’ mà thôi.

    Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.

    ………………………………………

    Suy Niệm 2: ĐỐI VỚI BẠN, ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ AI?

    Bài đọc 1 nói về giao ước Thiên Chúa ký kết với Nôê, các con ông và tất cả mọi giống sinh vật ở với họ. Chúng ta có thể nhận ra ở đây sự canh tân, đổi mới của công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Điều này được diễn tả trong lời chúc lành của Thiên Chúa: “Thiên Chúa ban phúc lành cho ông Nôê và các con ông. Người phán với họ: ‘Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất. Mọi dã thú, mọi chim trời, mọi giống vật bò dưới đất, và mọi cá biển sẽ phải kinh hãi khiếp sợ các ngươi: chúng được trao vào tay các ngươi. Mọi loài di động và có sự sống sẽ là lương thực cho các ngươi; Ta ban cho các ngươi tất cả những thứ đó, cũng như đã ban cỏ xanh tươi’” (St 9:1-3). Lời chúc lành này chính là lời chúc của Thiên Chúa cho Adam và Eva (x. St 1:28-30). Tuy nhiên, điểm làm chúng ta để ý chính là chi tiết nói giới hạn mà con người không được vượt qua trong lời chúc lành: “Tuy nhiên các ngươi không được ăn thịt với mạng sống của nó, tức là máu. Nhưng Ta sẽ đòi mỗi con vật phải đền nợ máu các ngươi, tức là mạng sống của các ngươi; Ta sẽ đòi con người phải đền nợ máu, Ta sẽ đòi mỗi người phải đền mạng sống của người anh em mình” (St 9:4-5). Trong lời chúc lành cho Adam và Eva, giới hạn của con người được diễn tả trong mệnh lệnh không được ăn trái của cây biết thiện biết ác ở giữa vườn, còn trong lời chúc trên, giới hạn của con người được tìm thấy trong mệnh lệnh không được ăn thịt với máu của mọi loài di động và có sự sống. Điều này ngụ ý nhắc chúng ta về thân phận yếu đuối và giới hạn của con người. Vì vậy, chúng ta cần phải khiêm nhường chấp nhận giới hạn của mình để không phạm tội như Adam và Eva là trở nên “hữu thể” mình không phải là!

    Trong bài Tin Mừng hôm qua, chúng ta nghe việc Chúa Giêsu chữa mắt cho một người mù thành Bethsaida. Còn trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Máccô trình thuật lại việc Chúa Giêsu “thử tai” các môn đệ đã nghe người ta nói như thế nào về Ngài: “Người ta nói Thầy là ai?” (Mc 8:27). Điều các ông nghe đơn giản là: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó” (Mc 8:28). Câu hỏi của Chúa Giêsu cho các môn đệ cũng là câu hỏi mà từng ngày Chúa Giêsu hỏi mỗi người chúng ta. Kinh nghiệm dạy chúng ta rằng: Nhiều khi chúng ta biết và theo Chúa rất chung chung, theo những gì chúng ta nghe từ người khác. Chúng ta như những người chạy theo phong trào, hay là sống đời “cây tầm gửi.” Nói cách cụ thể, chúng ta để cho tiếng nói và lối sống của đám đông quyết định tương quan của chúng ta với Chúa hơn là sự gặp gỡ cá vị của chúng ta với Ngài. Chúng ta cần đến người khác giúp chúng ta để biết Chúa, nhưng chúng ta phải “nội tâm hoá” những điều chúng ta nghe từ người khác. Hãy dừng lối sống đạo [sống đời thánh hiến] “chung chung”! Nhưng vun đắp một tương quan thật thân tình và cá vị với Chúa Giêsu nếu chúng ta muốn biết Ngài đích thật là ai.

    Thật vậy, để biết Đức Giêsu Kitô là ai, chúng ta không thể chỉ dựa vào những gì chúng ta nghe từ người khác, nhưng quan trọng là “nghe lời Ngài và đem ra thực hành.” Chỉ nghe lời “con người” thì không đủ để biết chân tính thật của Chúa Giêsu, nhưng phải lắng nghe và đem ra thực hành lời của “Con Người.” Nói cách khác, chúng ta phải biến những điều chúng ta nghe và thấy từ “Con Người” thành “xương thịt” của riêng mình. Đây chính là điều Chúa Giêsu đòi hỏi nơi các môn đệ khi Ngài hỏi họ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? Ông Phêrô trả lời: Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8:29). Trong cùng cách thức ấy, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta có một câu trả lời thật cá vị, là của riêng mình, dựa trên những kinh nghiệm cá vị của mình về Ngài. Những ai không cảm nghiệm được tình yêu cá vị của Chúa Giêsu sẽ không hiểu và không thể đáp lại tình yêu của Ngài cách trọn vẹn vì họ chỉ yêu Ngài cách chung chung. Giống như hai người muốn trở nên vợ chồng, tình yêu họ dành cho nhau phải được cá vị hoá. Họ không thể yêu người yêu của mình với một tình yêu chung chung mà họ dành cho người khác. Tình yêu phải được cá vị hoá vì con người hiện hữu như những hữu thể cá biệt, không được lặp lại trong vũ trụ này. Theo triết học, con người là hữu thể cá vị và hiện hữu một lần duy nhất trong thế giới: Trước nó, không ai giống, và sau nó không ai giống nó. Như vậy, tình yêu chung chung sẽ không bao giờ là tình yêu trung thành vì nó không thể dẫn đến việc dấn thân trọn vẹn cho người mình yêu.

    Bước ngoặt của bài Tin Mừng hôm nay nằm ở câu: “Đức Giêsu liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người” (Mc 8:30). Đây là câu quan trọng để chúng ta hiểu việc Chúa Giêsu quở trách Phêrô là Xatan. Tại sao Chúa Giêsu lại cấm các môn đệ không nói cho ai biết Ngài là Đấng Messia? Trong nghệ thuật viết Tin Mừng của mình, Thánh Máccô đưa ra lý do cho câu hỏi trên là: vì Chúa Giêsu sợ các môn đệ và người khác hiểu lầm về Ngài. Hình ảnh Messia mà Chúa Giêsu nói đến chính là: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8:31). Đây không phải là hình ảnh của Đấng Messia mà Phêrô tuyên xưng và dân Do Thái đang mong đợi. Đối với họ, Đấng Messia sẽ đến trong uy quyền để giải phóng dân Israel khỏi đô hộ của người Rôma. Khi nghe Chúa Giêsu trình bày hình ảnh của một Đấng Messia quá khác với hình ảnh mình mong đợi, “ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người” (Mc 8:32): Ông quở trách Chúa Giêsu vì Ngài không làm theo điều mà ông đã “lên chương trình” cho Ngài phải làm; ông trách Chúa Giêsu vì Ngài không đi theo con đường mà ông đã vạch ra và hằng mong đợi; ông trách Chúa Giêsu vì Ngài trình bày một hình ảnh của Đấng Messia quá khác với hình ảnh ông quá quen thuộc về Ngài; ông trách Chúa Giêsu vì ông quá quan tâm đến lợi ích cá nhân của mình hơn là lợi ích của muôn người. Đây cũng là điều chúng ta thường làm trong ngày sống của mình khi mọi sự Chúa muốn không xảy ra như chúng ta mong muốn. Ngay cả những người sống đời thánh hiến, là những người tuyên khấn chỉ đi tìm một mình Chúa là gia nghiệp và chỉ thực hành thánh ý Ngài, cũng nhiều lần quở trách Chúa Giêsu vì điều Ngài muốn không giống với điều mà họ muốn. Vì lý do đó, việc trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu là một ý tưởng không thể chấp nhận vì nó đòi hỏi quá nhiều đau khổ và phải chết đi cho chính mình quá nhiều. Những ai muốn tìm thấy ý Thiên Chúa, hãy bỏ đi lối suy nghĩ, lối hành động và lối sống “máy móc” của mình!

    Thay vì quở trách Chúa Giêsu, thì Phêrô bị Ngài quở trách: “Xatan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8:33). Câu này là lời nhắc nhở cho các môn đệ về vị trí của mình khi Chúa Giêsu gọi các ông, đó là: “Hãy theo thầy!” – “Hãy đi đằng sau Thầy vì Thầy là Đường, là Người dẫn đường!” Khi Phêrô ngăn cản Chúa Giêsu và muốn dẫn Ngài đi theo con đường mà ông đã vạch ra thì ông cũng đánh mất chân tính của mình là “người môn đệ” – người theo Chúa Giêsu. Điều này cũng là lời cảnh tỉnh cho mỗi người chúng ta. Chúng ta đánh mất căn tính của mình là người Kitô hữu hoặc người thánh hiến cho Thiên Chúa khi chúng ta từ chối “đi theo” con đường Ngài muốn chúng ta đi, hoặc khi chúng ta muốn dắt Ngài đến những nơi chúng ta muốn và làm theo ý của chúng ta. Hãy để Chúa là người dẫn chúng ta đi. Hãy luôn là chính mình, là người đi theo vì chúng ta không phải là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống (x. Ga 14:6).

    Lm. Anthony, SDB.

    ……………………………….

     Suy Niệm 3: Đức Giêsu là ai vậy?

    1. Khi đi đến làng Xêsarê Philipphê, Đức Giêsu hỏi các tông đồ xem dân chúng cho Ngài là ai. Các ông thưa dễ dàng : người ta cho Ngài là Gioan Tẩy Giả, là Êlia hay một tiên tri nào đó. Nhưng khi Ngài hỏi chính các ông cho Ngài là ai, thì Phêrô đã nhanh nhảu tuyên xưng :”Thầy là Đức Kitô”. Ông Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đức Kitô, lời tuyên xưng này rất đúng. Nhưng người ta có thể hiểu sai về sứ mệnh chân chính của Ngài. Họ hiểu sứ mệnh cứu độ của Đức Giêsu theo nghĩa chính trị : giải phóng đất nước, dành lại tự do cho dân tộc. Vì thế, ngay sau khi ông Phêrô tuyên tín, Ngài liền báo cho họ con đường Thương Khó và Phục sinh của Ngài.
    1. Đức Giêsu là ai ? Đó là một câu hỏi được đặt ra không phải chỉ trong thời Đức Giêsu còn ở dưới thế, mà còn được đặt ra ngay trong thời đại chúng ta. Câu hỏi đã được đặt ra không phải chỉ vì tò mò muốn biết dư luận nghĩ sao về nhân vật Giêsu, nhưng nó được đặt ra để chờ đợi một câu trả lời có ảnh hưởng quyết định trên lối sống của người trả lời.
      Trong đời mỗi người, hữu thần hay vô thần, sẽ có lần trực diện với câu hỏi : Giêsu Kitô, ông là ai ? Trên bàn viết của Lênin, thủy tổ cộng sản, được lưu giữ như một bảo tàng nhỏ từ khi ông nằm xuống ngày 21/01/1924, người ta thấy bên cạnh cặp kiếng, có một cuốn sách… nói về Chúa Giêsu.
    1. Theo dư luận quần chúng.
      Đức Giêsu hỏi các môn đệ :”Người ta nói Thầy là ai” ? Các ông đáp liền :”Họ bảo Thầy là Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một tiên tri nào đó” (Mc 8,28).
      Ngày xưa, nhiều người Do thái cho rằng Giêsu cũng chỉ là một người nào đó như các tiên tri, như Êlia, như Gioan hay như bất cứ một tiên tri nào khác. Mà theo họ nghĩ thì tiên tri là những người tuy rao giảng một giáo thuyết hay, tuy làm được một số việc lạ lùng hơn người, nhiều khi cũng quấy rầy cuộc sống an bình của họ. Bởi thế khi không muốn bị quấy rầy nữa thì họ không ngại giết các tiên tri : họ lùng bắt Êlia, họ đã bỏ tù Giêrêmia, họ đã chém đầu Gioan Tẩy Giả… Đức Giêsu đối với họ thì cũng chỉ có thế thôi.
    1. Theo ý kiến các môn đệ.
      Đức Giêsu lại hỏi các ông :”Còn anh em, anh em bỏ Thầy là ai”? Ông Phêrô đã nhanh nhảu trả lời ngay :”Thầy là Đức Kitô” (Mc 8,29).
      Tước vị “Christos”, “Messiah” trong tiếng Hêbrơ có một ý nghĩa rất mạnh như một biến cố bùng nổ ở Israel : Đó là Đấng được Thiên Chúa xức dầu. Đó là Đấng được mọi người mong đợi để đến “hoàn tất lịch sử”. Đấng các tiên tri đã báo trước, Đấng sẽ cho con người một ý nghĩa.
      Tuy tuyên xưng Đức Giêsu là Kitô, có lẽ Phêrô vẫn quan niệm như người Do thái về một Đức Kitô vinh quang. Người Do thái chỉ muốn Đức Kitô làm vua như Maisen, như Đavít. Như Maisen, Đức Kitô sẽ chiến thắng muôn dân, làm cho nước Do thái trở nên hùng cường, thịnh vượng hơn thời Salômôn.
    1. Theo tiết lộ của Đức Giêsu.
      Sau khi nghe Phêrô nói lên sự thật :”Thầy là Đức Kitô”, thì Đức Giêsu xác định rõ hơn thế nào là Kitô theo quan niệm của Thiên Chúa. Đức Giêsu không ngần ngại minh định tư cách Kitô của mình, đó là một Đấng Kitô theo hình ảnh của người tôi tớ Giavê như được nhắc đến trong sách tiên tri Isaia. Ngài sẽ không là Đấng Kitô theo ý riêng của mình, nhưng hoàn toàn theo ý Thiên Chúa Cha như đã được tiên báo nơi hình ảnh người tôi tớ Giavê và ngày càng được mạc khải rõ hơn nơi Người Con yêu dấu của Thiên Chúa; Thiên Chúa muốn Ngài hoàn thành kế hoạch bằng chính đau khổ và cái chết của Ngài. Mạc khải ấy lẽ ra  phải được các môn đệ đón nhận với cảm thông và chia sẻ.
      Phêrô đã đại diện các tông đồ để tuyên xưng :”Thầy là Đức Kitô”, nhưng chỉ tiếc  liền sau đó, ông đã không hoàn toàn cảm nghĩ theo cách thức Thiên Chúa, nhưng đã theo cách thức nhân loại. Phêrô phản đối thái độ vâng phục của Đức Giêsu, và một cách vô tình, ông đã lôi kéo Ngài ra khỏi tư cách Kitô (Mỗi ngày một tin vui).
    1. Truyện : Tôn giáo của ông Lavallière Lepaux.
      Lavallière Lepaux là một nhân viên Thượng hội đồng quốc gia Pháp, ghét đạo Công giáo. Ông lập một đạo mới gồm những triết thuyết và có vẻ khoa học. Ông cho cán bộ chữ nghĩa đi tuyên truyền khắp nước Pháp, nhưng rất ít người theo.
      Một hôm ông nói với một ông bạn tên là Barras :
      – Tôi không hiểu tại sao, tôn giáo của tôi là một công trình triết lý và khoa học, cán bộ của tôi là người có học, có huấn luyện, mà không được mấy người theo. Còn ông Giêsu dùng mấy người chài lưới thất học, mà cả thế giới theo ông ?
      Ông Barras trả lời :
      – Thưa đồng chí, nếu đồng chí muốn thiên hạ theo đạo mình, thì đồng chí để cho người ta đóng đinh đồng chí ngày thứ sáu, rồi sáng ngày chủ nhật, đồng chí cố sống lại đi.

    Lm. Giuse Đinh Lập Liễm Gp. Đà Lạt

                                                                                                   

    BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

    VIDEO CLIPS

    THÔNG TIN ƠN GỌI

    Chúng tôi luôn hân hoan kính mời các bạn trẻ từ khắp nơi trên đất Việt đến chia sẻ đặc sủng của Hội Dòng chúng tôi. Tuy nhiên, vì đặc điểm của ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, chúng tôi xin được đề ra một vài tiêu chuẩn để các bạn tiện tham khảo:

    • Các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, thuộc gia đình đạo đức, được các Cha xứ giới thiệu hoặc công nhận.
    • Ứng Sinh phải qua buổi sơ tuyển về Giáo Lý và văn hoá.

    Địa chỉ liên lạc về ơn gọi:

    • Nhà Mẹ: 115 Lê Lợi - Lộc Thanh - TP. Bào Lộc - Lâm Đồng.
    • ĐT: 0263 3864730
    • Email: menthanhgiadalatvn@gmail.com