spot_img
Thêm

    Thứ Năm tuần 5 Phục Sinh

    BÀI ĐỌC I: Cv 15, 7-21

    Trong những ngày ấy, khi đã cứu xét kỹ càng, Phêrô đứng lên nói: “Hỡi anh em, anh em biết rằng từ những ngày đầu, Thiên Chúa đã chọn tôi để dân ngoại được nghe lời Phúc Âm do miệng tôi và tin. Thiên Chúa đã thấu biết các tâm hồn và đã minh chứng bằng cách ban Thánh Thần cho họ, như đã ban cho chúng ta; Người không phân biệt chúng ta với họ, vì dùng đức tin thanh tẩy tâm hồn họ. Vậy giờ đây sao anh em thách thức Thiên Chúa khi anh em đặt lên cổ các môn đồ cái ách mà cả tổ phụ chúng ta lẫn chúng ta không sao mang nổi? Nhưng chúng ta tin rằng nhờ ơn của Chúa Giêsu Kitô mà chúng ta được cứu độ cùng một thể thức như họ”. Tất cả đám đông đều im lặng, rồi họ nghe Barnaba và Phaolô kể lại bao nhiêu phép lạ, và việc kỳ diệu Thiên Chúa đã nhờ các ngài mà thực hiện giữa các dân ngoại.

    Khi hai ngài dứt lời, Giacôbê lên tiếng nói rằng: “Hỡi anh em, hãy nghe tôi. Simon đã thuật lại cách thức Thiên Chúa trước tiên đã thương chọn cho danh Người một dân giữa chư dân. Lời các tiên tri cũng phù hợp như vậy, như đã chép rằng: “Sau đó Ta sẽ trở lại và tái thiết lều của Ðavít đã sụp đổ. Ta sẽ tu bổ những chỗ hư hại và sẽ dựng nó lên, để các kẻ còn lại và tất cả dân ngoại kêu cầu danh Ta, sẽ tìm kiếm Chúa. Chúa phán và thực hành các việc đó. Từ đời đời Chúa biết các việc Chúa làm”. Vì vậy, tôi xét là không nên làm khó dễ các người dân ngoại trở về với Thiên Chúa, nhưng truyền cho họ kiêng những ô uế của tượng thần, đừng gian dâm, và kiêng thịt các con vật chết ngạt và kiêng máu. Vì chưng từ thời xưa người ta đã rao giảng Môsê trong mỗi thành, họ đọc sách của người mọi ngày Sabbat trong các hội đường”.

    PHÚC ÂM: Ga 15, 9-11

    Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân giữ lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó, để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn”.

    Suy Niệm 1: HÃY Ở LẠI TRONG TÌNH YÊU CỦA THẦY

    “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu anh em tuân giữ lệnh Thầy truyền, anh em sẽ ở trong tình yêu của Thầy”…

    Trong những khoảnh khắc cuối cùng, người ta nói với nhau những điều quan trọng nhất. Chúa Giêsu nói với các môn đệ về tình yêu hết lòng mà Người dành cho họ. Và Người không mong gì hơn là họ ở lại trong tình yêu ấy của Người. Bằng cách nào các môn đệ ở lại trong tình yêu của Chúa Giêsu? Bằng cách giữ lệnh Chúa truyền! Thế nhưng, lệnh truyền khẩn thiết và thúc bách nhất của Chúa là: Hãy yêu thương nhau, như Thầy yêu anh em!

    Ta thấy đó, chẳng có gì khác ngoài tình yêu. Chỉ bằng cách mở lòng ra yêu thương nhau, thì chúng ta mới có thể chắc chắn mình ở lại trong tình yêu của Chúa Giêsu, và do đó cũng ở trong tình yêu của Chúa Cha. Bài giảng Thánh lễ nhận sứ vụ Phêrô, Đức Lêô XIV đã không nhấn mạnh điều gì khác điều này: Hãy cho phép tình yêu của Thiên Chúa chạm đến mình, và hãy yêu thương nhau! Mọi xung đột sẽ chấm dứt. Chiến tranh sẽ không còn. Bình an sẽ trở lại trên thế giới đầy xâu xé này…

    Chính trên nền tảng cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa và trong động lực yêu thương anh chị em mình mà các Tông Đồ tại công nghị ở Giêrusalem đã phân định được cách giải quyết cho vấn đề cắt bì. “Thiên Chúa thấu biết các tâm hồn… Vậy sao anh em thách thức Thiên Chúa khi anh em đặt lên cổ các môn đồ cái ách mà cả tổ phụ chúng ta lẫn chúng ta không sao mang nổi?”

    Phêrô đã tuyên bố dõng dạc như thế. Giacôbê cũng đồng quan điểm. Và đó vốn là xác tín trong trực giác của Phaolô và Barnaba, dù hai Tông Đồ này không nói nhiều về lập trường của mình, mà chỉ tập trung kể lại những việc Chúa đã làm giữa các anh chị em dân ngoại. Thật là một phong cách đồng nghị kiểu mẫu, nhất là khi chốt lại điều được quyết nghị, các Tông Đồ không nói “chúng tôi quyết định…”, mà nói rõ rằng “Thánh Thần và chúng tôi quyết định…”

    Có thể kết luận: Khi chúng ta thực sự ở lại trong tình yêu của Chúa Giêsu, thì chúng ta cũng ở lại trong Chúa Cha, và được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần. Chúng ta sẽ cùng với Thánh Thần mà đưa ra các quyết định.

    Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.

    ………………………………………….

    Suy Niệm 2: SỐNG NIỀM VUI CỦA CHÚA GIÊSU TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NGÀY

    Hôm qua, chúng ta nghe trong bài đọc 1 về việc Phaolô và Banaba lên Giêrusalem để trình bày cho các Tông Đồ và trưởng lão về phép cắt bì và chúng ta có công đồng Giêrusalem [khoảng năm 49]. Thánh Phêrô, vị thủ lãnh của Giáo Hội, đã trình bày và khẳng định giáo huấn của Giáo Hội về vấn đề trên. Chúng ta cũng nghe từ Thánh Giacôbê, người theo truyền thống là giám mục đầu tiên của Giêrusalem trình bày ý kiến của mình và ủng hộ việc những người dân ngoại không cần phải chịu phép cắt bì để được ơn cứu độ. Trong lời giáo huấn của hai Thánh Phêrô vào Giacôbê, chúng ta có thể rút ra hai điểm sau để suy gẫm.

    Thứ nhất, từ lời dạy của mình, Thánh Phêrô cho chúng ta biết rằng trong ý định của Thiên Chúa, Ngài muốn mọi người được ơn cứu độ vì ngay từ những ngày đầu, Thiên Chúa cũng đã chấp nhận họ “khi ban Thánh Thần cho họ cũng như đã ban cho chúng ta. Người không phân biệt chút nào giữa chúng ta với họ, vì đã dùng đức tin để thanh tẩy lòng họ” (Cv 15:8-9). Thiên Chúa không phân biệt, tức là không “yêu riêng.” Ngài yêu mọi người như nhau vì tất cả đều là con cái của Ngài. Ngài cứu độ mọi người cùng một cách thức như nhau: “Vả lại, chính nhờ ân sủng Chúa Giêsu mà chúng ta tin mình được cứu độ, cùng một cách như họ” (Cv 15:11). Thánh Phêrô khuyến cáo chúng ta về khuynh hướng “thử thách Thiên Chúa, mà quàng vào cổ các môn đệ một cái ách mà cả cha ông chúng ta lẫn chúng ta đã không có sức mang nổi?’ (Cv 15:10).

    Về phần mình, Thánh Giacôbê đồng ý với Thánh Phêrô về việc Thiên Chúa muốn cứu hết mọi người, vì vậy họ không nên giới hạn ơn sủng của Thiên Chúa vào việc cắt bì. Tuy nhiên, thánh nhân đưa ra những việc cụ thể họ cần phải tránh, đó là “kiêng những thức ăn ô uế vì đã cúng cho ngẫu tượng, tránh gian dâm, kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết và kiêng ăn tiết” (Cv 15:20). Hơn nữa, thánh nhân nhìn vào ý định của Thiên Chúa hơn là ý định của con người trong việc tìm kiếm một giải pháp đúng cho vấn đề đang được bàn cãi. Điều này giúp chúng ta vượt thắng thái độ tìm kiếm thoả mãn ý riêng của mình hay tìm cách ảnh hưởng trên người khác để cho ý riêng của mình được thực hiện hơn là ý Chúa. Hãy bỏ cái tôi của mình để mặc lấy “cái Tôi” của Thiên Chúa khi cùng nhau chia sẻ trong sứ mệnh rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa.

    Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục đề tài “ở lại” trong Chúa Giêsu của người môn đệ. Nhưng Ngài liên kết việc “ở lại” này với việc tuân giữ các điều răn của Ngài và niềm vui mà Ngài sẽ ban cho họ. Bài Tin Mừng hôm nay chỉ gồm 3 câu, nhưng chứa đựng những điều để chúng ta suy gẫm sau:

    Trong câu 9, Chúa Giêsu nói về nền tảng tình yêu của Ngài dành cho các môn đệ, đó là tình yêu của Chúa Cha dành cho Ngài: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.” Từ những lời này, chúng ta thấy Chúa Giêsu khẳng định tình yêu hỗ tương giữa Ngài với Chúa Cha chính là tình yêu mà Ngài dành cho các môn đệ. Ngài mời gọi các môn đệ cách khẩn thiết: “Hãy ở lại trong tình thương của Thầy.” Một số học giả Kinh Thánh cho rằng: Chúa Giêsu gọi và chọn các môn đệ vì Ngài muốn chia sẻ cho các ông tình yêu tuyệt đẹp mà Ngài nhận được từ Chúa Cha, để họ cũng có thể hưởng được niềm hạnh phúc và niềm vui phát xuất từ tình yêu đó. Đây là thứ tình yêu tuyệt đối và vô điều kiện, là thứ tình yêu mạnh hơn sự chết và tội lỗi. Đây là thứ tình yêu mà Chúa Giêsu mong ước những người Ngài gọi và chọn cảm nghiệm [nếm cảm] và dành cho nhau. Hãy ở lại trong tình yêu của Chúa Giêsu! Chỉ khi yêu với tình yêu của Chúa Giêsu chúng ta mới hiểu tại sao bóng thập giá và đau khổ không thể thiếu trong chuyện tình cuộc đời của mỗi người chúng ta. Nói cách khác, tình yêu không chấp nhận thập giá và chết cho người mình yêu là một tình yêu không vị kỷ, không bắt nguồn từ Thiên Chúa.

    Câu 10 nói về điều kiện để ở lại trong tình thương của Chúa Giêsu: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.” Tình yêu hỗ tương được đề cập trong câu 9  được đặt nền tảng trên việc Chúa Giêsu và các môn đệ giữ điều răn và ở lại trong tình yêu của Chúa Cha. Trong câu này, chúng ta được mời gọi trở nên giống Chúa Giêsu trong việc vâng theo thánh ý Chúa Cha. Chúa Giêsu đã làm mọi sự theo ý Chúa Cha, đến nỗi ý của Chúa Cha trở thành lương thực cho Ngài (x. Ga 4:34). Lương thực hằng ngày của chúng ta là gì? Mối bận tâm mỗi ngày của chúng ta có phải là thánh ý Thiên Chúa không?

    Niềm vui của Chúa Giêsu là hoa trái việc ở lại trong tình yêu của Ngài được trình bày trong câu 11: “Các điều ấy [tình yêu của Chúa Cha, ở lại trong tình yêu của Ngài, tuân giữ các điều răn], Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.” Trong câu này, Chúa Giêsu phân biệt hai loại niềm vui: niềm vui của các môn đệ và niềm vui của Ngài. Niềm vui của các môn đệ chỉ nên trọn vẹn khi họ được hưởng niềm vui của Chúa Giêsu. Niềm vui này không phải là niềm vui đến từ thế gian. Niềm vui này đến từ tình yêu của Chúa Cha. Đây là niềm vui của ơn cứu độ mà Chúa Giêsu sẽ mang lại cho chúng ta qua cái chết và phục sinh của Ngài. Đây là niềm vui của tình yêu bất diệt và chân thật. Đây là niềm vui mà mỗi người chúng ta luôn khao khát và tìm kiếm! Hãy dừng tìm kiếm sự thoả mãn trong niềm vui chóng qua mà con người mang lại cho chúng ta. Nhưng hãy bắt đầu tìm kiếm sự thoả mãn trong niềm vui bất diệt mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô.

    Lm. Anthony, SDB.

    ………………………………….

    Suy Niệm 2: Tình Chúa yêu thương ta

    1. Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy ở lại trong tình thương của Ngài : Ngài yêu thương chúng ta bằng chính tình yêu mà Chúa Cha đã yêu Ngài. Tất cả những gì Đức Giêsu lãnh nhận  từ nơi Cha, Ngài đã trao ban cho chúng ta, không giữ lại gì cho mình. Đức Giêsu dạy chúng ta biết chia sẻ tình thương với anh em. Chính nhờ sống yêu thương mà chúng ta có được niềm vui và hạnh phúc trọn vẹn.
    1. Có một tác giả đã viết trong một bài ca của ông như sau : “Dù anh lấy bầu trời làm giấy, lấy nước biển làm mực, đốn cây rừng làm bút viết, và dùng con người trên thế giới trải qua mọi thời đại làm người viết, thì anh cũng không bao giờ diễn tả hết được tình yêu Thiên Chúa”.  Đây là một kiểu nói có tính cách khoa đại, nhưng không phải là không đúng sự thật, vì Kinh Thánh nói :”Từ muôn thưở Chúa đã yêu con”, “Chúa yêu con từ khi con chưa có tuổi, từ khi chưa có sao trời”. Nếu xét về hiện hữu thì con người chẳng hơn gì sự có mặt của muôn tinh tú trong thái dương hệ bao la này. Nhưng vũ trụ bao la ấy một ngày kia sẽ trở về hư không như lời Kinh Thánh :”Trời đất này sẽ qua đi”. Nhưng khi mọi sự qua đi, thì chính con người sẽ tồn tại mãi mãi, tồn tại cả xác lẫn hồn (Lm Phạm Văn Phượng).
    2. ”Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”(Ga 15,9).Theo kinh nghiệm, hễ đã yêu thương ai, hẳn chúng ta muốn sống bên cạnh người ấy để chia sẻ và lấy sở thích của người ấy làm của mình. Tình yêu giữa con người với nhau còn như thế, huống nữa là tình yêu giữa Thiên Chúa và con người. Đức Giêsu đã rất mực yêu thương các môn đệ, Ngài muốn họ luôn ở với Ngài cũng như Ngài hằng ở với Thiên Chúa; Ngài muốn họ thực hành Lời Ngài cũng như Ngài luôn vâng phục  lệnh truyền của Cha Ngài. Đó là điều được ghi lại trong bài Tin Mừng hôm nay (Mỗi ngày một tin vui).
    1. Ở lại trong tình yêu là luôn hướng về nhau : Nghĩa là dù phải “xa mặt nhưng không cách lòng”, không gian địa lý hay thời gian cách biệt cũng không thể tách rời hai con tim đang hướng về nhau. Cũng thế, khi Kitô hữu yêu mến Đức Kitô thì luôn luôn nhớ và kết hiệp với Người mọi nơi mọi lúc trong mọi sinh hoạt của cuộc sống.
      Ở lại trong tình yêu là giữ lời nhau : Khi yêu nhau thật lòng người ta không quản ngại thực hiện những gì đòi hỏi phải có dành cho nhau; cam kết những ràng buộc trong tình yêu..
      Chúa Cha rất hài lòng về Chúa Con khi phán :”Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các con hãy vâng nghe lời Người”.  Kitô hữu không thể nói yêu Chúa mà không giữ giới răn của Chúa. Kitô hữu yêu Chúa  là làm theo ý Chúa và giữ điều răn Chúa. Bởi vì như Đức Giêsu đã nói rõ điều kiện :”Nếu các con giữ điều răn của Thầy, các con ở lại trong tình yêu của Thầy, như Thầy đã giữ các điêu răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15,10). 
    1. Trong bữa Tiệc ly, Đức Giêsu biết rằng mình chẳng còn ở lại một cách hữu hình với các môn đệ được bao lâu nữa, do đó, để tránh cho các môn đệ cảnh xa mặt cách lòng, Đức Giêsu mời gọi và truyền dạy các ông một phương cách mới để duy trì tình yêu đối với Ngài , đó là tuân giữ các lệnh truyền của Ngài như Ngài đã tuân giữ các lệnh truyền của Chúa Cha và luôn kết hợp với Ngài. Đức Giêsu chia sẻ cho các môn đệ kinh nghiệm sống của Ngài với Chúa Cha và lấy đó làm lý tưởng cho cuộc sống đức tin của các môn đệ trong thời gian sau biến cố Phục sinh, thời gian của sự dấn thân làm chứng cho Ngài. Người làm chứng cho Chúa  phải sống kết hợp với Chúa, tuân giữ các lệnh truyền của Ngài, và quan trọng nhất là lệnh truyền :”Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”. 
    1. Như Đức Giêsu đã mời gọi :”Hãy ở lại trong tình thương của Thầy”, đó là cội nguồn của tình yêu phát xuất từ Chúa Cha qua Đức Giêsu tuôn chảy đến nhân loại: Tất cả những gì Đức Giêsu lãnh nhận từ nơi Cha. Ngài đã trao ban cho chúng ta, không giữ lại gì cho mình. Và nhân loại cũng phải trao cho nhau như Đức Giêsu đã truyền : Biết chia sẻ tình thương với anh em. Chính nhờ sống yêu thương mà chúng ta có được niềm vui và hạnh phúc trọn vẹn.
    1. Truyện : Hãy học biết yêu thương.
      Ngày xưa có một chàng thanh niên hồ nghi về sự hiện diện của Thiên Chúa.  Một hôm anh ta tìm đến một tu sĩ nổi tiếng và đạo đức, anh hỏi:
      – Ngài có tin Thiên Chúa không ?
      – Vâng, tôi tin. Vị tu sĩ trả lời.
      – Nhưng dựa vào đâu mà ngài tin như thế ?
      – Tôi tin Thiên Chúa vì tôi biết Ngài. Tôi cảm nhận được sự hiện diện của Ngài trong tôi mỗi ngày.
      – Nhưng làm sao cảm nhận được như thế ?
      – Khi ta yêu thì ta sẽ cảm nhận được Chúa, và những hồ nghi sẽ tan biến như sương mai phải tan biến lúc mặt trời mọc.
      Chàng thanh niên suy nghĩ một hồi rồi hỏi tiếp :
      – Xin Ngài chỉ rõ cho tôi phải làm điều đó bằng cách nào ?
      – Bằng cách thực hiện những việc yêu thương. Anh hãy cố gắng yêu thương những người chung quanh anh, yêu thương tích cực và không ngừng. Khi anh học biết yêu thương ngày càng nhiều hơn thì anh cũng sẽ càng ngày càng xác tín hơn về sự hiện hữu của Thiên Chúa và sự bất tử của linh hồn. Việc này đã được thử nghiệm rồi đấy. Đó là sự thật.

      Lm. Giuse Đinh Lập Liễm Gp.Đà Lạt

                                                                                                   

    BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

    VIDEO CLIPS

    THÔNG TIN ƠN GỌI

    Chúng tôi luôn hân hoan kính mời các bạn trẻ từ khắp nơi trên đất Việt đến chia sẻ đặc sủng của Hội Dòng chúng tôi. Tuy nhiên, vì đặc điểm của ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, chúng tôi xin được đề ra một vài tiêu chuẩn để các bạn tiện tham khảo:

    • Các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, thuộc gia đình đạo đức, được các Cha xứ giới thiệu hoặc công nhận.
    • Ứng Sinh phải qua buổi sơ tuyển về Giáo Lý và văn hoá.

    Địa chỉ liên lạc về ơn gọi:

    • Nhà Mẹ: 115 Lê Lợi - Lộc Thanh - TP. Bào Lộc - Lâm Đồng.
    • ĐT: 0263 3864730
    • Email: menthanhgiadalatvn@gmail.com