spot_img
Thêm

    THỨ HAI TUẦN THÁNH

    BÀI ĐỌC I: Is 42, 1-7

    Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai, không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gãy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người sẽ xét xử trong công lý. Người sẽ không buồn phiền, không nao núng, cho đến khi đặt công lý trên mặt đất, vì các đảo mong đợi lề luật người. Chúa là Thiên Chúa đã phán như thế, Người là Đấng đã tác tạo và mở rộng các tầng trời, đã củng cố mặt đất và các sản phẩm của nó, đã ban hơi thở cho dân sống trên mặt đất và ban sức sống cho những kẻ trên đó. Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm.

    PHÚC ÂM: Ga 12, 1-11

    Sáu ngày trước Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu đến làng Bêtania, nơi Ladarô đã chết được Người cho sống lại. Tại đây người ta dọn bữa cho Người ăn. Martha hầu bàn. Còn Ladarô cũng là một trong những kẻ đồng bàn với Người. Bấy giờ Maria lấy một cân dầu thơm, dầu cam tùng hảo hạng, và xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mình mà lau. Hương thơm toả đầy nhà. Một môn đệ là Giuđa Iscariô, kẻ sẽ phản nộp Người, liền nói: “Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng mà cho người nghèo khó?” Hắn nói thế không phải vì lo lắng cho người nghèo khó đâu, mà vì hắn là tên trộm cắp, lại được giữ túi tiền, nên bớt xén các khoản tiền người ta bỏ vào đó. Vậy Chúa Giêsu nói: “Hãy để mặc cô ấy làm công việc chỉ về ngày táng xác Ta. Vì các ngươi sẽ có người nghèo luôn bên cạnh các ngươi, còn Ta, các ngươi sẽ không gặp Ta mãi đâu”.

    Có đám đông người Do-thái biết Người đang ở đó, nên tuôn đến, không những vì Chúa Giêsu, mà còn để thấy Ladarô, kẻ đã chết được Người cho sống lại. Thế là các Thượng tế quyết định giết luôn cả Ladarô, vì tại ông mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin theo Chúa Giêsu.

    Suy Niệm 1:  CHÚA GIÊSU, MARIA Ở BÊTANIA, VÀ GIUĐA ISCARIOT…

    Cái chết của Chúa Giêsu đang đến gần. Hôm nay cái chết ấy được báo trước bởi việc Maria ở Bêtania xức dầu thơm lên chân Chúa, một hành động chỉ về ngày táng xác Chúa Giêsu.
    Đó là cái chết của người Tôi Tớ được Thiên Chúa tuyển chọn và hài lòng, người tôi tớ khiêm nhường và nhẫn nại thi hành công lý: “không bẻ gãy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói”! Cái chết ấy đánh dấu bóng tối leo thang đến cực đại, nhưng cũng đánh dấu sự khải thắng chung cuộc của ánh sáng trên bóng tối, và người Tôi Tớ đau khổ của Thiên Chúa được đặt làm ánh sáng của chư dân. Và qua tất cả, cái chết ấy là cái chết giải phóng: “mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm”…
    Thánh vịnh 26 tuyên xưng ý nghĩa về ánh sáng và giải phóng nơi cái chết của người Tôi Tớ đau khổ là Chúa Giêsu: “Chúa là sự sáng, và là Ðấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai?”…
    Trong những tình tiết của câu chuyện tại gia đình Bêtania, có thể nhận ra ‘tuyên ngôn quan tâm người nghèo’ của Giuđa Iscariot. “Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng mà cho người nghèo khó?” Tuyên ngôn này đậm màu giải phóng, và do đó cũng là tiếng nói hùng hồn của công lý! Nhưng sự thật không phải thế. Giuđa chỉ mượn danh nghĩa ‘quan tâm người nghèo’ thôi. Anh ta đang lừa dối, đang ‘đưa số tài khoản của mình cho người ta chuyển khoản’ – có thể nói như thế theo ngôn ngữ ngày nay. Chính thánh sử Gioan vạch rõ tim đen của Giuđa: “Hắn nói thế không phải vì lo lắng cho người nghèo khó đâu, mà vì hắn là tên trộm cắp, lại được giữ túi tiền, nên bớt xén các khoản tiền người ta bỏ vào đó”!
    Khổ thân cho Giuđa, cũng vì anh ta – dù theo Chúa bấy lâu – vẫn không biết Giêsu là ai và do đó không coi Giêsu ra gì, nên anh ta mới đắm chìm trong những tính toán tư lợi như thế. Không quá ngạc nhiên khi chỉ ít ngày nữa anh ta sẽ bán Chúa Giêsu!
    Chúa Giêsu đã bị ‘môn đệ’ Giuđa bán một cách thô thiển cách đây hai ngàn năm. Ngày nay, bài học vẫn còn nguyên đó, thậm chí ‘lớn chuyện’ hơn nhiều, bởi Chúa thường bị bán cách tinh vi và chuyên nghiệp hơn, chứ không thô thiển như thế… Chúng ta hãy đi vào trong tâm hồn của Chúa Giêsu, và đồng cảm với Chúa!

    Chúa chấp nhận bị người thân tín bán đứng như thế… để giải phóng chúng ta, và cho ta thấy thế nào là chiến thắng cuối cùng của ánh sáng trên bóng tối.

    Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.

    …………………………………………….
    Suy Niệm 2: TRAO CHO CHÚA GIÊSU TRỌN VẸN NHỮNG GÌ CHÚNG TA CÓ

    Ngôn sứ Isaia, trong bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta về người tôi tớ của Thiên Chúa. Đầy là bài ca đầu tiên về người tôi tớ của Thiên Chúa. Bài ca đầu tiên này được chia làm hai phần: phần đầu (Is 42:1-4) nói về những đặc tính của người tôi tớ; phần hai (Is 42:5-9) nói về Thiên Chúa, Đấng chọn và sai người tôi tớ của Ngài. Chúng ta cùng nhau suy niệm trên hai phần này để xem Chúa muốn nói gì với chúng ta ngày hôm nay.

    Phần 1 trình bày cho chúng ta hình ảnh của người tôi tớ của Thiên Chúa, người được Thiên Chúa gọi, với những đặc tính sau: (1) là người được Thiên Chúa tuyển chọn, hết lòng quý mến và được thần khi của Ngài hướng dẫn (Is 42:1); (2) là người với sứ mệnh làm sáng tỏ công lý trước muôn dân (Is 42:1); (3) là người hiền lành và khiêm nhường vì “người sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, người không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi” (Is 42:2-3); (4) là người can đảm bảo vệ và “trung thành làm sáng tỏ công lý. Người không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu” (Is 42:3-4); (5) là người khôn ngoan mà ai cũng mong được “người chỉ bảo” (Is 42:4). Là những người tôi tớ của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi để sở hữu năm đức tính trên.

    Trong phần 2, người tôi tớ của Thiên Chúa tìm thấy sứ mệnh của mình, và những công việc mà mình được sai đi để thực hiện: “Ta là Đức Chúa, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta. Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm” (Is 42:6-7). Đọc những lời này, chúng ta nhận ra người tôi tớ của Thiên Chúa có một sứ mệnh chính yếu, đó là trở thành ánh sáng chiếu soi cho muôn người. Một cách cụ thể hơn, ở đâu có bóng tối mây mù, người tôi tớ của Thiên Chúa sẽ mang lại ánh sáng; ở đâu có người tôi tớ của Thiên Chúa hiện diện, ở đó những người ngồi trong bóng tối tử thần sẽ được chiếu sáng để tìm thấy đường dẫn đến sự sống muôn đời. Trong Mùa Chay, chúng ta được mời gọi nhớ lại ngọn nến [đức tin] được trao cho chúng ta trong ngày rửa tội. Hãy làm cho ngọn nến đó chiếu sáng và mang hơi ấm cho những tâm hồn nguội lạnh và xa rời Thiên Chúa.

    Hình ảnh bàn tiệc hay bàn ăn là một hình ảnh quen thuộc trong Tin Mừng Thánh Gioan. Chúng ta thấy ngay sau khi gọi các môn đệ đầu tiên, Chúa Giêsu mang họ đi dự tiệc cưới ở Cana. Bàn tiệc có ý nghĩa quan trọng trong mọi nền văn hoá vì bàn tiệc là hình ảnh của tương quan, của niềm vui, của tình yêu và của chia sẻ cuộc sống cho nhau. Trong bối cảnh này, chúng ta hiểu ý nghĩa của bàn tiệc trong bài Tin Mừng hôm nay tại làng Bêtania, trong nhà của Lazarô, Maria và Mácta. Có thể nói, đây là bàn tiệc diễn tả lòng biết ơn Chúa Giêsu của ba anh em sau khi Chúa Giêsu làm cho Lazarô chỗi dậy từ cõi chết. Với lối viết kịch của Thánh Gioan, chúng ta thấy được bài Tin Mừng hôm nay là một “trích đoạn” thật hay trong vở kịch đầy yêu thương của Thiên Chúa với những vai diễn thật xuất sắc. Chúng ta cùng nhau phân tích các vai diễn để xem mình đang đóng vai nào trong vở kịch này của Thiên Chúa. Nhưng trước tiên, chúng ta viết lại bài Tin Mừng hôm nay theo một kịch bản như sau:

    Người dẫn: Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu đến làng Bêtania, nơi anh Ladarô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giêsu; cô Mácta lo hầu bàn, còn anh Ladarô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giêsu, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm” (Ga 12:1-3).

    Giuđa: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?” (Ga 12:4-5).

    Người dẫn: Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung” (Ga 12:5-6).

    Chúa Giêsu: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu” (Ga 12:7-8).

    Người dẫn:    Một đám đông người Do thái biết Đức Giêsu đang ở đó. Họ tuôn đến, không phải chỉ vì Đức Giêsu, nhưng còn để nhìn thấy anh Ladarô, kẻ đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Các thượng tế mới quyết định giết cả anh Ladarô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giêsu” (Ga 12:9-11).

    Đọc qua bản kịch này, chúng ta nhận ra chỉ có hai vai diễn là Chúa Giêsu và Giuđa hoặc Chúa Giêsu và Maria. Nhưng khi đọc kỹ, chúng ta nhận ra những vai diễn sau:

    Mácta: Lazarô chỉ được đề cập đến như một người đồng bàn với Chúa Giêsu, còn Mácta thì vẫn làm công việc của mình, đó là hầu bàn và lo việc bếp núc. Tuy nhiên, khác với lần trước được Thánh Luca tường thuật (Lc 10:38-42), Mácta bây giờ không còn vừa phục vụ vừa lẩm bẩm kêu ca với Chúa Giêsu về Maria, em của mình, nhưng hoàn toàn phục vụ với sự thinh lặng sâu thẳm của lòng biết ơn và tràn đầy yêu thương. Thật vậy, phép lạ xảy ra cho Lazarô cũng đã xảy ra cho Mácta: cô đã chỗi dậy khỏi ghen tỵ và phàn nàn để sống một đời sống mới trong niềm vui và phục vụ.

    Maria: Cô bước vào không nói một lời và bắt đầu lấy “dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giêsu, rồi lấy tóc mà lau.” Hành động của Maria có sự tương đồng với hành động của Chúa Giêsu trong sự kiện rửa chân cho các mộn đệ trong chương tiếp theo (chương 13 của Tin Mừng Thánh Gioan): Chúa Giêsu cũng bắt đầu việc rửa chân mà không nói lời nào. Hành động của Maria mang đầy tính chất “cảm xúc” của một người “đầy tớ” và của một người “môn đệ” thật quảng đại. Điều này được diễn tả trong hành động “xức dầu thơm vào chân” và “lấy tóc mình lau.” Tuy nhiên, điều chúng ta quan tâm ở đây chính là “bình dầu.” Đối với chúng ta ngày hôm nay, bình dầu thơm này không có ý nghĩa gì. Tuy nhiên, trong thời gian đó, đây là “gia tài quý giá nhất” của Maria. Giuđa ước lượng mất khoảng 1 năm làm công để mua bình dầu thơm này vì loại dầu thơm này chỉ có ở vùng núi của phía bắc Ấn Độ. Maria đã “đổ hết” bình dầu thơm của mình, nghĩa là đã trao cho Chúa Giêsu tất cả gia tài của mình, không giữ lại cho mình cái gì. Chính sự trao ban cách quảng đại này mà “cả nhà sực mùi thơm.” Mùi này trái ngược với “mùi hôi xác chết của Lazarô được chôn trong mồ” (Ga 11:39). Hành động của Maria nói cho chúng ta điều gì? Khi mỗi người trong chúng ta trao ban mọi sự cách quảng đại cho Chúa và cho người khác, không giữ lại gì cho chính mình, thì gia đình, cộng đoàn, giáo xứ, Giáo Hội và toàn thế giới sẽ sực mùi thơm của tình yêu. Còn khi chúng ta ích kỷ chỉ nghĩ đến chính mình, đóng kín lòng mình như nấm mồ của Lazarô, thì chúng ta và người khác sẽ phải cam chịu mùi hôi của những “xác chết” không được sinh động bởi những con tim quảng đại và biết yêu thương.

    Giuđa: Giuđa là một người có đầu óc rất thực tế và tính toán hơn thiệt khi trao ban. Giuđa không có gì sai khi khuyên bán chai dầu thơm để lấy tiền cho người nghèo. Giuđa sai khi dành cho mình những gì thuộc về người khác, nhất là không đọc ra ý nghĩa đằng sau hành động xức dầu thơm của Maria, để rồi Chúa Giêsu phải giải thích cho ông và các môn đệ khác. Hình ảnh của Giuđa nhắc nhở chúng ta về những lúc chúng ta chỉ quy về chính mình và tìm lợi ích cho chính mình, ngay cả trong khi chúng ta thực hiện những công việc có bản chất phục vụ và yêu thương. Người chỉ tìm lợi ích cho chính mình sẽ không bao giờ hiểu được ý nghĩa và niềm vui ẩn chứa trong hành động phục vụ, yêu thương và tha thứ.

    Chúa Giêsu: Chúng ta nhận ra nơi Chúa Giêsu hai thái độ căn bản sau: (1) Ngài rất bình thản khi người khác diễn tả tình yêu với cảm xúc của họ dành cho Ngài. Ngài nhìn vào con tim của Maria để đọc ra ý nghĩa của hành động mà cô làm cho Ngài. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng: một trong những yếu tố quan trọng trong tình yêu là luôn “bình thản” – không đi quá bên phải [quá cảm xúc], cũng không đi quá bên trái [không có cảm xúc gì để diễn tả]. Chỉ những người bình thản mới có khả năng đọc được sứ điệp tình yêu ẩn chứa trong hành động của người khác, dù hành động đó nhỏ đến đâu; (2) Ngài bảo vệ người bị “chỉ trích.” Thật vậy, Chúa Giêsu luôn đứng về phía những người yếu kém. Điều này làm chúng ta cảm thấy được an ủi, nhất là khi chúng ta bị chỉ trích và hiểu lầm. Thái độ này của Chúa Giêsu hoàn toàn khác biệt với tinh thần của xã hội hôm nay và của mỗi người chúng ta vì chúng ta thường đứng về phía kẻ mạnh để lên án những người “yếu thế cô thân.” Qua hành động bảo vệ Maria, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta làm bạn với những người không có bạn, yêu thương những người không có ai yêu thương, cảm thông cho những người không có ai cảm thông, và tha thứ cho người không được người khác tha thứ. Có câu nói trong đời rằng: “Hãy làm bạn với người không có bạn, để cho họ biết rằng trong cuộc sống này họ cũng có một người bạn, là bạn!”

    Lm. Anthony, SDB.

    ……………………………………….

    Suy Niệm 3: Xức dầu thơm tại Bêtania

    1. Trước khi về giáo đô mừng lệ Vượt Qua, Đức Giêsu rời Giêricô, về trú tại Bêtania. Ở đây, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giêsu. Trong bữa ăn, cô Maria là em cô Macta và chị của Lazarô xức dầu thơm chân Chúa.
      Trong bữa tiệc này chúng ta sẽ để ý đến ba nhân vật quan trọng để biết cách cư xử và tâm trạng của mỗi nhân vật trước sự kiện này.
    1. Trong những bữa tiệc trước đây, cô Maria thường ngồi dưới chân mà nghe Chúa giảng dạy, lần này cô lấy bình thuốc thơm hảo hạng xức chân Đức Giêsu. Việc xức thuốc thơm cho khách là phong tục phổ thông của người Do thái. Thông thường người ta xức trên đầu, nhưng nếu là thân tình, họ xức cả đầu lẫn chân. Hôm nay, không những cô xức đầu Chúa mà còn xức cả chân nữa. Hành động này diễn tả lòng khiêm nhường và yêu mến Chúa (Ga 12,8; Mt 26,7).
      Bình dầu này chứa khoảng 327 gr nước hảo hạng rút từ tinh chất cây tùng hương.  Lẽ ra chỉ xức một vài giọt trên đầu là đủ, nhưng Maria đã đập bể cổ bình và dội cả lọ nước hoa lên chân Chúa
      rồi lấy chính mái tóc thề của mình mà lau chân Chúa. Maria chấp nhận sự phí phạm này, vì tình yêu của cô đối với Chúa, hay đúng hơn, vì tình yêu quá lớn của Chúa đối với gia đình cô. Tắt một lời Maria đã làm thế vì lòng mến Chúa.
    1. Trước việc làm của cô Maria, Giuđa cho là một việc làm uổng phí, vì 300 đồng bạc, giá của bình dầu, theo thánh Gioan, là giá của 300 ngày công của một người lao động. Việc Giuđa chỉ trích việc làm phí phạm của Maria càng biểu lộ lòng tham tiền của hắn. Đối với Giuđa lúc này, tiền còn quí hơn tình nghĩa đối với Chúa. Chính vì thế, thánh Gioan là một người vốn tế nhị mà hôm nay còn nói :”Y nói thế không phải vì lo cho người nghèo mà vì y là một tên ăn cắp : y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quĩ chung”.
      Giuđa là con người đạo đức giả, quá ham mê tiền của vật chất, đã phản bội Chúa. Y tượng trưng cho những người yếu đuối, chiều theo sức lôi cuốn của thế gian, xác thịt và ma quỉ, đang tâm phản bội tình thương của Chúa.
    1. Còn những kẻ chống đối Chúa : đó là các thượng tế, luật sĩ, biệt phái. Họ tượng trưng cho nếp sống ích kỷ, vụ lợi. Khi không có lợi cho mình thì từ chối, khi thấy mình mất mát và phải hy sinh thì trốn tránh và chống đối.
      Họ “quyết định giết luôn cả Lazarô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giêsu”. Họ có thái độ “giận cá chém thớt”, một thái độ mà nhiều khi , nếu không để ý, chúng ta cũng dễ mắc phải. Rõ ràng họ đang bị tính ghen ghét xui khiến. Nếu họ có nói lý do giết Chúa là gì đi nữa thì việc họ muốn giết Lazarô rõ ràng là vì uy tín của Đức Giêsu vượt trên uy tín của họ.
    1. Còn dân chúng thì làm sao ? Thánh Luca cũng cho biết :”Một đám đông người Do thái biết Đức Giêsu đang ở đó. Họ tuốn đến…”. Chúng ta thấy họ đến với Chúa không chỉ bằng niềm tin, nhưng còn vụ lợi, hoặc tò mò xem Đức Giêsu và Lazarô được phục sinh. Họ tượng trưng cho những người theo đạo vì gạo, thích thú về ơn Chúa hơn là chính Chúa, một nếp sống đạo hời hợt, nông cạn. Và khi gặp thử thách , họ dễ thất bại, sa ngã, phạm tội…
    1. Cử chỉ của cô Maria hôm nay là kiểu mẫu cho cử chỉ và việc làm cụ thể để tỏ lòng yêu mến Chúa đặc biệt nơi tha nhân, nhất là những người nghèo khổ.
      Mỗi người chúng ta cũng phải tìm cho ra cách độc đáo của mình trong việc tin mến Chúa, như gương sáng trên và như cô Maria lấy dầu thơm xức chân Chúa. Thực vậy, nếu chúng ta có lòng mến Chúa thật chúng ta sẽ tìm ra cách tỏ lòng mến Chúa riêng của mình, chẳng hạn như quyết tâm sửa đổi một thói hư tật xấu nào đó, quyết tâm làm  một việc tốt, vì không ai giầu sáng kiến  cho bằng người đang yêu.
    1. Truyện : Âm thầm giúp đỡ.
      Du khách viếng thăm hành lang nổi tiếng của nhà thờ chính tòa Phaolô ở Luân đôn có thể nghe tiếng của người hướng dẫn đang thuật lại lịch sử của nhà thờ  truyền đi khắp nơi chung quanh vòm mái tròn to lớn chính điện, nhờ các kiến trúc đặc biệt làm tiếng nói vang dội mang âm thanh đi rất xa.
      Cũng vì thế, nên nếu áp tai vào  tường người ta có thể nghe được những gì một người nói từ phía bên kia của vòm mái tròn, mặc dầu đó chỉ là một giọng nói thì thầm tâm sự.
      Tại ngôi Nhà thờ chính tòa này, một người hành nghề đóng giầy than vãn với người yêu là chàng chưa thể tiến hành lễ cưới ngay bây giờ được. Hiện tại chàng không có cả tiền để mua da và các vật liệu cần thiết để có thể tiếp tục hành nghề, vì thế chàng đang phải thất nghiệp dài dài, đào đâu ra tiền để làm đám cưới. Nghe tin bất lành, ý trung nhân của anh chỉ biết sụt sùi khóc.
      Đang lúc ấy, một gnười tình cờ đi qua hành lang phía bên kia nghe được câu chuyện thương tâm và những lời cầu nguyện của anh thợ đóng giầy. Ông ta quyết định làm một cái gì để giúp đôi trai gái trở thành gia thất. Vì thế, khi chàng trai từ giã người bạn gái thất thểu ra về, ông ta cũng tiến bước theo sau để biết chỗ ở của anh ta và lập tức cho người mang đến tặng cho anh một số da.  Chàng đóng giầy phấn khởi bắt tay vào việc và không bao lâu công việc làm ăn phát đạt tạo đủ điều kiện  để anh có thể tiến hành hôn lễ với người yêu.
      Mãi đến mấy năm sau, hai vợ chồng mới biết vị ân nhân của mình là ông William Gladston, vị thủ tướng Anh quốc thời ấy.

    Lm. Giuse Đinh Lập Liễm Gp. Đà Lạt

    BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

    VIDEO CLIPS

    THÔNG TIN ƠN GỌI

    Chúng tôi luôn hân hoan kính mời các bạn trẻ từ khắp nơi trên đất Việt đến chia sẻ đặc sủng của Hội Dòng chúng tôi. Tuy nhiên, vì đặc điểm của ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, chúng tôi xin được đề ra một vài tiêu chuẩn để các bạn tiện tham khảo:

    • Các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, thuộc gia đình đạo đức, được các Cha xứ giới thiệu hoặc công nhận.
    • Ứng Sinh phải qua buổi sơ tuyển về Giáo Lý và văn hoá.

    Địa chỉ liên lạc về ơn gọi:

    • Nhà Mẹ: 115 Lê Lợi - Lộc Thanh - TP. Bào Lộc - Lâm Đồng.
    • ĐT: 0263 3864730
    • Email: menthanhgiadalatvn@gmail.com