CANH THỨC VƯỢT QUA
BÀI ĐỌC I: St 1,1 – 2,2
Từ nguyên thuỷ Thiên Chúa đã tạo thành trời đất. Ðất còn hoang vu trống rỗng, tối tăm bao trùm vực thẳm, và thần trí Thiên Chúa bay sà trên mặt nước. Thiên Chúa phán: “Hãy có ánh sáng”. Và có ánh sáng. Thiên Chúa thấy ánh sáng tốt đẹp, Người phân rẽ ánh sáng khỏi tối tăm. Thiên Chúa gọi ánh sáng là ngày, tối tăm là đêm. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ nhất. Thiên Chúa phán: “Hãy có một vòm trời ở giữa nước, phân rẽ nước với nước”; và Thiên Chúa làm nên vòm trời, và phân rẽ nước phía dưới vòm trời với nước phía trên vòm trời. Và xảy ra như vậy. Thiên Chúa gọi vòm đó là trời. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày Thứ Hai. Thiên Chúa phán: “Nước dưới trời hãy tụ lại một nơi, để lộ ra chỗ khô cạn. Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa gọi chỗ khô cạn là đất, và Người gọi khối nước là biển. Thiên Chúa thấy tốt đẹp. Và Thiên Chúa phán: “Ðất hãy trổ sinh thảo mộc xanh tươi mang hạt giống; và cây ăn trái phát sinh trái theo giống nó, và trong trái có hạt giống, trên mặt đất. Và đã xảy ra như vậy. Tức thì đất sản xuất thảo mộc xanh tươi mang hạt theo giống nó, và cây phát sinh trái trong có hạt tuỳ theo loại nó. Và Thiên Chúa thấy nó tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày Thứ Ba. Thiên Chúa còn phán: “Hãy có những vật sáng trên vòm trời và hãy phân chia ngày và đêm, và trở thành dấu chỉ thời gian, ngày và năm tháng, để soi sáng trên vòm trời và giãi sáng mặt đất”. Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa đã làm nên hai vầng sáng lớn: Vầng sáng lớn hơn làm chủ ban ngày, và vầng sáng nhỏ hơn làm chủ ban đêm; Và Ngài cũng làm nên các tinh tú. Thiên Chúa đặt chúng trên vòm trời để soi sáng trên mặt đất, và làm chủ ngày đêm, và phân chia ánh sáng với tối tăm. Thiên Chúa thấy nó tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày Thứ Tư. Thiên Chúa lại phán: “Nước hãy sản xuất những sinh vật bò sát, và loài chim bay trên mặt đất, dưới vòm trời. Vậy Thiên Chúa tạo thành những cá lớn, mọi sinh vật sống động mà nước sản xuất theo loại chúng, và mọi chim bay tuỳ theo giống. Thiên Chúa thấy chúng tốt đẹp. Thiên Chúa chúc phúc cho chúng rằng: “Hãy sinh sôi nẩy nở cho nhiều, đầy nước biển; loài chim hãy sinh cho nhiều trên mặt đất”. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày Thứ Năm. Thiên Chúa lại phán: “Ðất hãy sản xuất các sinh vật tuỳ theo giống: gia súc, loài bò sát và dã thú dưới đất tuỳ theo loại”. Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa đã dựng nên dã thú dưới đất tuỳ theo loại, gia súc, và mọi loài bò sát dưới đất tuỳ theo giống. Thiên Chúa thấy chúng tốt đẹp. Và Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh giống như Ta, để chúng làm chủ cá biển, chim trời, dã thú khắp mặt đất và tất cả loài bò sát di chuyển trên mặt đất”. Vậy Thiên Chúa đã tạo thành con người giống hình ảnh Chúa, Chúa tạo thành con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Người tạo thành họ có nam có nữ. Thiên Chúa chúc phúc cho họ và phán rằng: “Hãy sinh sôi nẩy nở cho nhiều, đầy mặt đất, và thống trị nó; hãy bá chủ cá biển, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất”. Thiên Chúa phán: “Ðây Ta ban cho các ngươi làm thức ăn mọi thứ cây cỏ mang hạt giống trên mặt đất và toàn thể thảo mộc sinh trái có hạt tuỳ theo giống. Ta ban mọi thứ cây cỏ xanh tươi làm thức ăn cho mọi loài dã thú trên mặt đất, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất”. Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm rất tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày Thứ Sáu. Thế là trời đất và mọi trang điểm của chúng đã hoàn thành. Ngày Thứ Bảy Thiên Chúa đã hoàn tất công việc Người đã làm. Và sau khi hoàn tất công việc Người đã làm, thì ngày Thứ Bảy Người nghỉ ngơi.
BÀI ĐỌC II: Xh 14,15 – 15,1 (bắt buộc)
Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Môsê rằng: “Có gì mà kêu đến Ta? Hãy bảo con cái Israel cứ lên đường. Còn ngươi, đưa gậy lên, và giơ tay trên biển, hãy phân rẽ biển ra, cho con cái Israel đi vào giữa lòng biển khô cạn. Còn Ta, Ta sẽ làm cho lòng người Ai-cập ra chai đá, chúng sẽ rượt theo sau các ngươi. Bấy giờ Ta sẽ tỏ vinh quang cho Pharaon, toàn thể quân lực, chiến xa và kỵ binh của vua ấy biết. Người Ai-cập sẽ biết Ta là Chúa khi Ta tỏ vinh quang cho Pharaon, chiến xa và kỵ binh của vua ấy biết”. Sứ thần Thiên Chúa thường đi trước hàng ngũ Israel, liền bỏ trở lại sau họ. Cột mây thường đi phía trước, cũng theo sứ thần trở lại phía sau, đứng giữa hàng ngũ Ai-cập và hàng ngũ Israel. Và đám mây thường soi sáng ban đêm trở thành mù mịt, đến nỗi suốt đêm, hai bên không thể tới gần được. Môsê giơ tay trên biển, thì bằng một cơn gió đông thổi mạnh suốt đêm, Chúa dồn biển lui và làm cho biển khô cạn. Nước rẽ ra và con cái Israel đi vào giữa lòng biển khô cạn, nước dựng lên như bức thành hai bên tả hữu. Người Ai-cập đuổi theo, toàn thể binh mã của Pharaon, chiến xa và kỵ binh đi theo sau Israel vào giữa lòng biển. Lúc gần sáng, qua cột mây lửa, Chúa nhìn xuống hàng ngũ Ai-cập, gây rối loạn trong hàng ngũ chúng. Người lật đổ bánh xe, khiến xe tiến tới thật vất vả. Người Ai-cập nói: “Ta hãy chạy trốn Israel, vì Chúa chiến đấu giúp họ, chống chúng ta”.
Chúa phán bảo Môsê: “Hãy giơ tay trên biển để nước trở lại vùi dập người Ai-cập, chiến xa và kỵ binh của chúng”. Môsê giơ tay trên biển, và lúc tảng sáng, biển trở lại như cũ. Người Ai-cập chạy trốn, gặp ngay nước biển ập lại. Chúa xô chúng ngã giữa lòng biển. Nước trở lại, vùi dập chiến xa và kỵ binh. Toàn thể quân lực của Pharaon đã theo dân Israel xuống biển, không còn tên nào sống sót. Còn con cái Israel đã đi giữa lòng biển khô cạn, nước dựng như bức thành hai bên tả hữu. Ngày đó Chúa cứu Israel khỏi tay Ai-cập. Và họ thấy xác người Ai-cập trôi dạt đầy bờ, và thấy cánh tay oai hùng của Thiên Chúa đè bẹp Ai-cập. Toàn dân kính sợ Chúa, tin vào Chúa và vào Môsê tôi tớ người. Bấy giờ Môsê cùng với con cái Israel hát mừng Chúa bài ca này:
BÀI ĐỌC III: Is 55, 1-11
Ðây Chúa phán: Hỡi tất cả những ai khát nước, hãy đến uống nước; hỡi kẻ không tiền bạc, hãy đến mua lúa mà ăn; hãy đến mà mua rượu và sữa, không cần trả tiền, không cần đổi chác gì. Tại sao các ngươi không dùng tiền mà mua bánh, sao không dùng tiền lương mà mua đồ nuôi thân? Vậy hãy lắng tai nghe, hãy đến ăn đồ bổ và các ngươi sẽ được thưởng thức món ăn mĩ vị. Hãy lắng tai và đến cùng Ta, hãy nghe, thì các ngươi sẽ được sống; Ta sẽ ký kết với các ngươi một giao ước vĩnh cửu, đó là những hồng ân đã hứa cho Ðavít: Ðây Ta đặt ngươi làm nhân chứng cho các dân, làm tướng lãnh tôn sư cho các dân tộc. Này ngươi sẽ kêu gọi dân mà trước ngươi không biết, và các dân trước chưa biết ngươi, sẽ chạy đến cùng ngươi, vì Chúa là Thiên Chúa ngươi, là Ðấng Thánh Israel, bởi vì Chúa làm cho ngươi được hiển vinh. Hãy tìm Chúa khi còn tìm được, hãy kêu cầu Người khi Người còn ở gần. Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình, và kẻ bất lương, hãy bỏ những tư tưởng mình, hãy trở về với Chúa, thì Người sẽ thương xót, hãy trở về với Thiên Chúa chúng ta, vì Chúa rộng lòng tha thứ. Vì tư tưởng Ta không phải tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải đường lối của Ta, Chúa phán như vậy. Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thể ấy. Như mưa tuyết từ trời rơi xuống và không trở lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất, làm cho đất phì nhiêu, cây cối sinh mầm, cho người gieo có hạt giống, cho người ta có cơm bánh ăn; cũng thế, lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của Ta, và làm tròn sứ mạng Ta uỷ thác.
BÀI ĐỌC IV: Ed 36, 16-17a. 18-28
Ðây lời Chúa phán cùng tôi rằng: “Hỡi con người, khi dân Israel cư ngụ trên đất mình, họ đã làm dơ bẩn đất ấy bằng đời sống và việc làm của họ. Và Ta đã nổi giận họ, vì họ đã đổ máu trên phần đất ấy, và vì các thần tượng họ thờ làm dơ bẩn phần đất ấy. Ta đã phân tán họ đi khắp các dân tộc, và cho họ sống rải rác trong các nước; Ta đã xét xử theo đời sống và việc làm của họ. Họ đã đi đến các dân tộc và ở đó họ xúc phạm thánh danh Ta, vì thiên hạ nói về họ rằng: “Này là dân của Chúa, họ bị đuổi ra khỏi đất của Người”. Và Ta đã thương hại thánh danh Ta mà nhà Israel đã xúc phạm nơi các dân tộc họ đến cư ngụ. Vì thế, ngươi hãy nói với nhà Israel rằng: “Ðây Chúa là Thiên Chúa phán: Hỡi nhà Israel, không phải vì các ngươi mà Ta hành động, nhưng vì thánh danh Ta đã bị các ngươi xúc phạm nơi các dân tộc mà các ngươi đi đến cư ngụ. Ta sẽ thánh hoá danh cao cả Ta đã bị xúc phạm giữa các dân tộc, nơi mà các ngươi đã xúc phạm danh thánh Ta, để các dân tộc biết Ta là Chúa, Thiên Chúa các đạo binh phán, khi Ta tự thánh hoá nơi các ngươi trước mặt họ. Ta sẽ kéo các ngươi ra khỏi các dân tộc, sẽ quy tụ các ngươi từ các nước, và dẫn dắt các ngươi trên đất các ngươi. Ta sẽ dùng nước trong sạch mà rảy trên các ngươi, và các ngươi sẽ được rửa sạch mọi vết nhơ. Ta sẽ thanh tẩy các ngươi sạch mọi vết nhơ các bụt thần. Ta sẽ ban cho các ngươi quả tim mới, đặt giữa các ngươi một thần trí mới, cất khỏi xác các ngươi quả tim bằng đá và ban cho các ngươi quả tim bằng thịt. Ta đặt thần trí Ta giữa các ngươi, làm cho các ngươi thực thi các huấn lệnh Ta, làm cho các ngươi tuân giữ và thực hành các lề luật Ta. Các ngươi sẽ cư ngụ trong xứ Ta đã ban cho tổ phụ các ngươi; các ngươi sẽ là dân Ta, còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi”.
THÁNH THƯ: Rm 6, 3-11
Anh em thân mến, tất cả chúng ta đã chịu phép rửa trong Ðức Giêsu Kitô, tức là đã chịu phép rửa trong sự chết của Người. Và chúng ta đã cùng chịu mai táng với Người, bởi được thanh tẩy trong sự chết của người, để như Ðức Kitô nhờ vinh hiển của Chúa Cha mà sống lại từ cõi chết thế nào, thì cả chúng ta cũng phải sống đời sống mới như thế. Vì nếu chúng ta được liên kết với Người trong cùng một cái chết, giống như cái chết của Người, thì chúng ta cũng được hợp nhất với Người, trong sự sống lại giống như vậy. Nên biết điều này: con người cũ của chúng ta đã cùng chịu đóng đinh khổ giá, để xác thịt tội lỗi bị huỷ đi, hầu cho chúng ta không còn làm nô lệ tội lỗi nữa, vì con người đã chết, tức là được giải thoát khỏi tội lỗi. Mà nếu chúng ta đã chết với Ðức Kitô, chúng ta tin rằng chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người, vì biết rằng Ðức Kitô, một khi từ cõi chết sống lại, Người không chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa. Người đã chết, tức là chết một lần dứt khoát đối với tội lỗi, mà khi Người sống, là sống cho Thiên Chúa. Cả anh em cũng thế, anh em hãy tự kể như mình đã chết đối với tội lỗi, nhưng sống cho Thiên Chúa, trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
PHÚC ÂM: Lc 24, 1-12
Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mồ mang theo những thuốc thơm đã dọn sẵn. Thấy hòn đá đã lăn ra khỏi mồ, nhưng bước vào, các bà không thấy xác Chúa Giêsu. Đang khi các bà còn ngơ ngác không hiểu việc đó, thì có hai người đứng gần các bà, y phục sáng chói. Các bà kinh hãi cắm mặt xuống đất, thì hai người lên tiếng bảo: “Tại sao các bà tìm người sống nơi những kẻ chết? Người không còn ở đây. Người đã sống lại, các bà hãy nhớ lại Người đã nói với các bà thế nào khi Người còn ở xứ Galilêa. Người đã nói: Con Người phải bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi, bị đóng đinh vào thập giá và ngày Thứ Ba sẽ sống lại”. Và các bà nhớ lại những lời Người đã nói. Bỏ mồ đi về, các bà tường thuật lại tất cả sự việc cho mười một Tông đồ và các người khác. Các bà đó là Maria Mađalêna, Gioanna, Maria mẹ Giacôbê; và những người nữ khác cùng đi với họ cũng nói như vậy với các tông đồ. Nhưng những lời đó, các ông cho là truyện vớ vẩn, nên các ông không tin. Dầu vậy Phêrô cũng đứng dậy chạy ra mồ, nhưng khi cúi xuống nhìn, ông chỉ thấy những khăn liệm nằm đó và ông trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về sự đã xảy ra.
Suy Niệm 1: NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ…
Trong khi trình thuật Phục sinh đầu tiên của Tin Mừng Gioan xoay quanh một người phụ nữ, thì Luca nói về ‘những người phụ nữ’. Không chỉ có Maria Mađalêna, mà còn có bà Gioanna, bà Maria mẹ Giacôbê, và các bà khác nữa trong nhóm. Trong bối cảnh hậu THĐGM 16 về tính ‘hiệp hành’, tức tính ‘đồng hành đồng nghị’ của Hội Thánh, chúng ta rất nên nhìn và suy nghĩ về những người phụ nữ này.
Trước hết, bữa tiệc lời Chúa thịnh soạn tối nay là một tóm lược lịch sử cứu độ. Kể từ cuộc sa ngã ngay buổi ban đầu, tất cả các câu chuyện được chuyển tải qua một loạt các Bài đọc mà chúng ta vừa nghe đều hướng đến biến cố Chúa Giêsu Kitô. Và cao trào của biến cố Chúa Giêsu Kitô – tức sứ vụ công khai, cái chết và sự sống lại của Người – có sự hiện diện năng động và xuyên suốt của một nhóm phụ nữ, mà xem ra chúng ta ít để ý.
Những người phụ nữ này được nhắc đến ở đầu chương 8 Tin Mừng Luca, với ghi chú rằng các bà không chỉ đi theo, mà còn lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ! Ở cuối trình thuật Thương Khó (chương 23), khi Chúa Giêsu phó linh hồn trong tay Cha và tắt thở, thánh Luca ghi nhận nhóm phụ nữ này đứng gần đó và chứng kiến tất cả. Rồi các bà đã đi với ông Giô-xếp để quan sát kỹ việc an táng thi hài Chúa Giêsu. Cuối cùng, các bà về nhà, chuẩn bị dầu và thuốc thơm, chờ đợi qua ngày nghỉ lễ…
Giờ đây, ở đầu chương 24, thánh Luca một lần nữa nhắc đến các phụ nữ này, cho biết rằng họ là những chứng nhân đầu tiên của Tin Mừng Chúa sống lại. Vừa tảng sáng, các bà đi ra mồ, mang theo các loại thuốc thơm… Các bà thấy mồ trống… Đang ngơ ngác không hiểu gì thì hai thiên thần hiện ra báo tin rằng Chúa đã phục sinh… “Tại sao các bà tìm người sống nơi những kẻ chết? Người không còn ở đây”… Rời khỏi mộ, đi về, các bà tường thuật lại tất cả sự việc cho mười một Tông đồ và các người khác… Nhưng khi nghe những điều đó, các ông không tin, cho là chuyện vớ vẩn… Tuy nhiên – thánh Luca kể – Phêrô vẫn đứng dậy, chạy ra mộ, nhìn thấy mọi sự. Ông trở về và rất đỗi ngạc nhiên…
Chúng ta nhận ra:
-Nhóm phụ nữ này cũng rong ruổi đi theo Chúa Giêsu trong hành trình sứ vụ, từ buổi ban đầu ở Galile, đi theo nhưng một cách mờ nhạt như những chiếc bóng, giữ một khoảng cách xa xa so với Nhóm Mười Hai, không được trao vai trò gì và không có danh giá gì ngoại trừ là nguồn ủng hộ tài chánh cho Chúa và các môn đệ.
-Tuy nhiên, những thời khắc cực kỳ quan trọng – là khi Chúa chết, Chúa được mai táng, và khi những dấu hiệu đầu tiên của sự Phục sinh được nhận biết – thì chính các phụ nữ này là nhân chứng, chứ không phải 12 hay 11 người đàn ông kia.
-Thật ra, các bà cũng lơ ngơ chứ không hiểu biết sâu sắc gì. Thấy Chúa chết thì biết Chúa chết vậy thôi, nên tất cả những gì các bà có thể làm là chuẩn bị thuốc thơm để chăm sóc thi hài của Chúa. Các bà không được tin tưởng lắm – ngay cả khi kể lại những điều lạ lùng cho các ông nghe, các bà đã bị các ông nhún vai, bĩu môi cho là vớ vẩn!
-THẾ NHƯNG rõ ràng là các bà, nổi bật là Maria Mađalêna, được ban cho ĐẶC SỦNG làm Tông Đồ của các Tông Đồ! Không phải ba môn đệ thân tín nhất của Chúa Giêsu, không phải bất cứ ông nào trong Nhóm tiền thân của hàng giám mục hiện nay của Giáo hội, mà chính là những người phụ nữ giáo dân mờ nhạt này được chọn làm chứng nhân đầu tiên của sự kiện Chúa Phục sinh, là sự kiện nằm ở trung tâm của đức tin Kitô giáo!
Ta hiểu tại sao Giáo hội ngày nay muốn làm sống hoạt lại phong cách ‘hiệp hành’, tức đồng hành đồng nghị – theo nghĩa rằng mọi đặc sủng của mọi người trong Giáo hội, không trừ ai, phải được tôn trọng. Không ai bị loại trừ, không ai bị bỏ lại đằng sau, ai cũng được trân trọng lắng nghe, và không ai bị cho là vớ vẩn… Điều này đòi tất cả chúng ta phải hoán cải trong cách nhìn, trong tâm thức, trong các mối tương quan – để đời sống và SỨ MẠNG loan báo Tin Mừng Phục sinh của Giáo hội thật sự được THAM GIA bởi mọi thành phần, nam cũng như nữ, dựa trên nền tảng HIỆP THÔNG của Nhiệm thể Chúa Kitô.
Đừng quên, không chỉ Gioan hay Luca, mà tất cả bốn sách Phúc Âm đều đồng thanh xác nhận: Các chứng nhân đầu tiên của Tin Mừng Phục Sinh là NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ! Nói cách khác, tất cả chúng ta mắc nợ những người phụ nữ ấy về chính ơn đức tin của mình. Và cùng với Thượng Hội đồng Giám mục về Giáo hội ‘hiệp hành’, ta còn phải tự hỏi: Phụ nữ đang ở đâu trong Giáo hội hôm nay?
Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.
………………………………..
Suy Niệm 2: SỨC SỐNG MỚI TRONG ÁNH SÁNG PHỤC SINH
Trọng tâm Phụng Vụ của đêm Vọng Phục Sinh hôm nay là Nến Phục Sinh. Phụng vụ được bắt đầu với việc làm phép lửa và thắp nến phục sinh, tượng trưng cho Đức Giêsu Kitô là ánh sáng thế gian. Ngài đến để chết và trỗi dậy hầu mang lại cho chúng ta, những người đang đi trong thung lũng tối tăm và bóng của sự chết, ánh sáng và sự sống mới bất diệt. Chúng ta cảm nghiệm được điều này qua phụng vụ đêm nay: nhà thờ chìm trong bóng tối, ánh sáng của cây nến phục sinh sẽ làm bừng lên và chiếu sáng cho mọi người, vị chủ tế sẽ xướng lên: “Ánh sáng Chúa Kitô,” và mọi người thưa lại: “Tạ ơn Chúa.” Từ cây nên phục sinh, ánh sáng của Đức Kitô Phục Sinh được chuyền đi thắp sáng những cây nến chúng ta cầm trên tay và làm cho ánh sáng đó chiếu sáng cho mọi người đang hiện diện trong nhà thờ. Điều này có ý nghĩa gì? Cây nến chúng ta cầm trên tay gợi cho chúng ta nhớ lại cây nến mà chúng ta đón nhận trong ngày Rửa Tội. Khi cây nến trong tay chúng ta được thắp lên từ ngọn lửa của cây nến phục sinh, đức tin của chúng ta vào Đức Giêsu Kitô phục sinh lại được thắp sáng. Ánh sáng đức tin đó không chỉ dành riêng cho chúng ta mà được chuyền đi cho tất cả mọi người được quy tụ trong nhà thờ [hình ảnh của Giáo Hội] để thắp sáng niềm tin cho họ. Như vậy, chúng ta không sống đức tin cho chính mình, nhưng cho người khác, những người yếu đức tin hay những người mà ngọn nến đức tin đã tắt từ lâu. Hãy giữ ngọn nến đức tin của chúng ta cháy sáng và hãy thắp sáng niềm tin của người khác. Đó là sứ điệp đầu tiên của đêm vọng phục sinh hôm nay. Tóm lại, khi chiêm ngắm ánh sáng của cây nến phục sinh, chúng ta được nhắc nhở hai điều: Thứ nhất, ánh sáng mang lại cho chúng ta niềm vui vì thấy nhau và thấy Chúa trong đêm đen của lịch sử nhân loại và lịch sử cuộc đời chúng ta; thứ hai, chúng ta phải bảo vệ ánh sáng này trước những “làn gió” của sự tục hoá đang tìm mọi cách để làm tắt.
Trong đêm hôm nay, phụng vụ Lời Chúa có tất cả 7 bài đọc, 5 bài từ Cựu Ước và 2 bài từ Tân Ước. Tuy nhiên, chúng ta thường chỉ nghe 5 trong 7 bài đọc, 3 bài từ Cựu Ước và 2 bài từ Tân Ước. Chúng ta để Lời Chúa trong phụng vụ đêm nay hướng dẫn chúng ta sống mầu nhiệm phục sinh của Chúa Giêsu cách xứng đáng.
Trong bài đọc trích từ Sách Sáng Thế, chúng ta được nghe về công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Một trong những điệp khúc chúng ta nghe trong suốt công trình tạo dựng đó là, “Thiên Chúa thấy [mọi sự Ngài đã sáng tạo] là tốt đẹp (x. St 1:3,10,12,18,21,25,31). Khi nghe hết bản văn, chúng ta nhận ra một khác biệt nhỏ nhưng rất quan trọng trong những lần khẳng định này. Khẳng định trong các câu 3, 10, 12, 18, 21, và 25 giống nhau và đơn giản là: “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. Tuy nhiên, câu khẳng định trong câu 31, sau khi Thiên Chúa sáng tạo con người, hoàn toàn khác biệt và sự khác biệt nằm ở “cấp độ tốt lành”: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” Với sự hiện diện của con người mọi sự được mang một cấp độ tốt lành cao hơn vì con người có nhân phẩm cao quý, được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (x. St 1: 26-27). Chính nhân phẩm cao quý này mà khi con người phạm tội, Thiên Chúa đã đến để phục hồi lại nhân phẩm cho họ. Đây chính là ý nghĩa của đêm nay. Nói cách khác, mầu nhiệm phục sinh là “một sáng tạo mới.” Và qua sáng tạo này Thiên Chúa sẽ phục hồi mọi sự trở nên “rất tốt đẹp.”
Bài đọc trích từ sách Xuất Hành là bài đọc Cựu Ước bắt buộc trong phụng vụ lời Chúa đêm nay. Nó trình thuật cho chúng ta về biến cố Vượt Qua của người Do Thái. Qua biến cố này, dân Do Thái được giải thoát khỏi cảnh nô lệ Ai Cập để đi vào đất Thiên Chúa đã hứa cho tổ phụ của họ và con cháu đến muôn đời. Đêm nay, chúng ta cử hành mầu nhiệm Vược Qua của chúng ta: cuộc Vượt Qua thoát khỏi cảnh nô lệ của tội lỗi để được tự do làm con cái Thiên Chúa. Như Ngài đã chiến đấu chống lại người Ai Cập trong Cựu Ước, Thiên Chúa cũng chiến đấu chống lại quyền lực ma quỷ qua Đức Giêsu Kitô. Đêm nay, chúng ta được mời gọi để Vượt Qua con người cũ của mình, con người đã bị giam cầm bởi những thói hư tật xấu, con người bị giam giữ trong nhà tù của tội lỗi. Chúng ta được mời gọi để cho Thiên Chúa chiếm lấy chúng ta hầu biến chúng ta thành những con người tự do để yêu thương, để tha thứ và để chiếm lấy phần đất gia nghiệp mà Chúa đã hứa cho chúng ta.
Bài trích từ sách Ngôn Sứ Êdêkien ghi lại cho chúng ta những tâm tình đầy yêu thương của Thiên Chúa trước sự phản bội của dân Israel và của mỗi người chúng ta. Những lời của Thiên Chúa mang lại cho chúng ta hơi ấm của tình thương và sự an ủi: “Ta sẽ đem các ngươi ra khỏi các dân tộc, sẽ quy tụ các ngươi lại từ khắp các nước, và sẽ dẫn các ngươi về đất của các ngươi. Rồi Ta sẽ rảy nước thanh sạch trên các ngươi và các ngươi sẽ được thanh sạch, các ngươi sẽ được sạch mọi ô uế và mọi tà thần. Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt. Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành. Các ngươi sẽ cư ngụ trong đất Ta đã ban cho tổ tiên các ngươi. Các ngươi sẽ là dân của Ta. Còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi” (Ed 36:24-28). Đêm nay, qua hơi ấm của ánh nến, chúng ta cảm nghiệm được hơi ấm tình yêu Thiên Chúa để xua tan sự băng giá trong con tim vô cảm của chúng ta.
Về phần mình, Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa của Bí Tích Rửa Tội mà chúng ta đã lãnh nhận. Trong Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được dìm trong cái chết của Chúa Giêsu, và “vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6:4). Thánh Phaolô mời gọi chúng ta đóng đinh con người cũ của chúng ta vào thập giá với Đức Kitô, để như thế, “con người do tội lỗi thống trị đã bị huỷ diệt, và chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa” (Rm 6:6). Như vậy, qua đêm nay chúng ta hoàn toàn là con người mới trong Đức Kitô. Con người cũ của ghen ghét, hận thù, nóng giận, không tha thứ, nghĩ xấu và nói xấu người khác không còn thống trị chúng ta. Thay vào đó là một con người biết cảm thông, biết an ủi, biết yêu thương và biết tha thứ cho anh chị em của chúng ta. Người nào không biến đổi như thế thì vẫn không hiểu được mầu nhiệm phục sinh của Chúa Giêsu. Hãy làm cho sự phục sinh của Chúa Giêsu được hiện thực hoá trong cuộc đời chúng ta.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Luca trình bày về buổi sáng phục sinh, ngày thứ nhất trong tuần (x. Lc 24:1). Câu hỏi và giải thích của “hai người đàn ông y phục sáng chói” cho các bà đi ra mồ của Chúa Giêsu khi trời vừa tảng sáng là lời “công bố đầu tiên về Tin Mừng Phục Sinh” của Chúa Giêsu: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Galilê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại” (Lc 24:5-7). Trong bài Tin Mừng, chúng ta có thể nhận ra hai bằng chứng quan trọng sau đây về sự phục sinh của Chúa Giêsu.
Thứ nhất là sự kiện ngôi mộ trống: “Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn. Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giêsu đâu cả” (Lc 24:1-3). “Ngôi một trống” chính là bằng chứng đầu tiên về sự phục sinh của Chúa Giêsu. Điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta ngày hôm nay? Thông thường, trong những ngôi mộ, chúng ta chỉ có những xác chết không hồn với mùi thối của nó. Khi nói đến ngôi một trống là nói đến việc không có thân xác tàn rữa trong nấm mồ, không có mùi thối của xác chết. Như vậy, sự phục sinh của Chúa Giêsu đưa chúng ta ra khỏi tình trạng tàn rữa của thân xác trong nấm mồ và cuộc sống của chúng ta trở nên của lễ như hương trầm nghi ngút dâng lên Thiên Chúa với mùi hương đặc biệt. Mầu nhiệm hôm nay mời gọi chúng ta sống một cuộc sống lành mạnh với tình yêu của Thiên Chúa, chứ không phải sống “như những cái xác không hồn.” Đồng thời, chúng ta cũng được mời gọi để loại trừ những “mùi thối” trong cuộc sống để mang đến cho người khác một mùi hương của tình mến và hy vọng.
Thứ hai, sự thay đổi thái độ của Phêrô và các môn đệ khác trước sự kiện phục sinh cũng là điều đáng để chúng ta suy gẫm. Khi nghe các bà Maria Mácđala, bà Gioanna, và bà Maria, mẹ ông Giacôbê kể về sự kiện ngôi mộ trống, Phêrô và các môn đệ không tin (x. Lc 24:8-11). Nhưng khi chính Phêrô nhìn thấy ngôi mộ trống, “ông rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra” (Lc 24:12). Kinh ngạc là thái độ cần thiết đầu tiên đứng trước mầu nhiệm của Thiên Chúa. Khi kinh ngạc, chúng ta nói lên sự cao siêu của mầu nhiệm, đồng thời tiếp tục tìm hiểu và mong ước được hiểu điều làm mình ngạc nhiên. Chi tiết quan trọng khác đó là “nhưng khi cúi nhìn, ông [Phêrô] thấy chỉ còn có những khăn liệm thôi” (Lc 24:12). Chi tiết này cho thấy sự kiện phục sinh không phải là một sự “trộm xác” vì nếu xác Chúa Giêsu bị trộm, những người trộm phải mang theo cả những khăn liệm dùng để quấn xác Người, chứ không để lại. Tuy nhiên, điều chúng ta cần quan tâm trong chi tiết thứ hai này là gì? Hay nói cách khác, chúng ta học được gì từ chi tiết này? Đứng trước mầu nhiệm của Thiên Chúa, chúng ta phải có thái độ “kinh ngạc thánh.” Thật vậy, có bao giờ chúng ta cảm thấy kinh ngạc và hãnh diện khi đến với Chúa không? Một cách cụ thể, chúng ta thường hãnh diện khi được chia sẻ điều này điều kia với những người nổi tiếng. Nhưng đây không chỉ là người nổi tiếng mà còn là Thiên Chúa của chúng ta. Ngài không chỉ chia sẻ với chúng ta “một vài thứ” như các người nổi tiếng trong xã hội, Ngài chia sẻ cho chúng ta tất cả mọi sự, ngay cả sự sống thần linh của Ngài. Vậy trong đêm vọng phục sinh hôm nay, chúng ta được mời gọi thay đổi thái độ mỗi khi đến với Chúa. Ngài mời gọi chúng ta đến với Ngài với thái độ kính trọng và yêu mến, kinh ngạc và hãnh diện, tin tưởng và phó thác.
Lm. Anthony, SDB.
……………………………………………….
Suy Niệm 3: Có đức tin là nhờ nghe
Màn đêm luôn bao trùm những nét huyền bí và chứa đầy bí mật. Và chúng ta mừng một bí mật lớn lao giữa đêm đen. Trong ngày lễ Giáng sinh chúng ta hân hoan vui mừng vì một tia sáng ló dạng cuối chân trời. Chúng ta gặp gỡ quyền năng khôn ví của Thiên Chúa qua một trẻ sơ sinh. Trong đêm canh thức vượt qua sau nghi thức làm phép ngọn lửa mới và thắp nến Phục sinh, chúng ta nghe những bài đọc tiêu biểu tóm tắt lịch sử cứu độ, sau đó chúng ta canh tân lặp lại lời hứa khi lãnh nhận bí tích Thanh tẩy, nhờ sức mạnh của nước thánh giúp chúng ta có thể để tâm hồn mình lắng đọng lại và nghe những âm hưởng qua lời thánh sử Luca tường thuật về Đấng phục sinh.
Ba người phụ nữ cùng với tên tuổi của họ xuất hiện vào tảng sáng, cũng là ba người phụ nữ đứng dưới chân Thập giá. Khi trời xế chiều, ngày Sabbat chấm dứt, họ không còn đủ thời gian để đi mua dầu thơm và tới mộ để tẩm niệm xác Đức Giêsu. Bởi vậy ngay lúc sáng sớm tinh sương, các bà đã khăn gói quả mướp lên đường ra mộ. Thánh Luca nhấn mạnh: Ngày thứ nhất trong tuần, vào tảng sáng. Họ bàng hoàng vì nhìn thấy một ngôi mộ trống. Họ tá hoả tam tinh khi gặp gỡ hai người từ thế giới bên kia với y phục sáng chói. Hai sứ giả ấy phải trấn an họ, đồng thời đặt ra một câu hỏi: Sao các bà lại tìm người sống ở giữa kẻ chết? Ngay sáng sớm họ đã khám phá thấy một ngôi mộ trống. Lời loan báo của hai thiên thần giúp họ thức tỉnh nhưng tất cả vẫn chưa đủ sức khơi dậy trong họ niềm tin vào Đấng phục sinh. Không phải tảng đá xanh tượng trưng cho nấm mộ chết chóc mà là chính một Đức Giêsu sống động từ cõi chết giúp khơi mào nơi họ niềm tin vào Đấng phục sinh qua những lần gặp gỡ. Nhưng mệnh lệnh do các thiên thần loan báo vẫn đóng một vai trò quan trọng: Hãy kể lại cho Nhóm Mười Một và Phêrô về những gì họ mắt thấy tai nghe. Sứ mệnh này cũng rất quan trọng đối với chúng ta. Sứ mệnh loan báo do các thiên thần ký thác nơi mộ đã được những bậc cha mẹ và toàn thể Giáo hội cảm nhận và tiếp tục loan truyền qua các thế hệ. Không ai là một Kitô hữu riêng lẻ, mỗi người là một Kitô hữu cho người khác và cùng với người khác. Thánh Phaolô nói: Có đức tin là nhờ nghe. Lời nhắc nhở của các thiên thần giúp chúng ta sớm nhận biết sự xuất hiện của Đấng phục sinh. Không ai và không có gì có thể giúp chúng ta tin vào Đấng phục sinh nếu chúng ta không có những cuộc gặp gỡ riêng tư với Người.
Lm. Phêrô Trần Minh Đức