BÀI ÐỌC I: Cv 9, 31-42
Trong những ngày ấy, Hội Thánh được bình an trong khắp miền Giuđêa, Galilêa và Samaria, sống trong sự kính sợ Chúa, được tổ chức và đầy ơn an ủi của Thánh Thần.
Phêrô đi khắp các miền, đến với các thánh đang ở Lyđa. Ở đó ngài gặp một người tên là Ênêa, bị bất toại đã liệt giường suốt tám năm. Phêrô nói với anh ta: “Ênêa, Chúa Giêsu Kitô chữa anh lành bệnh; hãy chỗi dậy và dẹp giường đi”. Lập tức anh ta đứng lên. Tất cả dân cư ở Lyđa và Sarôna thấy vậy, đều trở lại cùng Chúa. Tại Gióp-pê, có một nữ môn đồ tên là Tabitha, nghĩa là Sơn Dương. Bà làm nhiều việc lành và hay bố thí. Xảy ra trong những ngày ấy bà lâm bệnh mà chết; người ta rửa xác bà, rồi đặt trên lầu. Vì Lyđa ở gần Gióp-pê, các môn đồ nghe tin Phêrô đang ở đó, liền sai hai người đến xin ngài rằng: “Xin ngài hãy mau đến với chúng tôi”. Phêrô chỗi dậy đi với họ. Ðến nơi, người ta dẫn ngài lên lầu; tất cả các quả phụ bao quanh ngài, khóc nức nở, chỉ cho ngài xem các áo trong áo ngoài mà chị Sơn Dương may cho họ. Phêrô bảo mọi người ra ngoài, rồi quỳ gối cầu nguyện, và quay mặt về phía thi thể mà nói: “Tabitha, hãy chỗi dậy”. Bà liền mở mắt, thấy Phêrô và ngồi dậy. Phêrô đưa tay đỡ bà đứng dậy, rồi gọi các thánh, và các quả phụ đến, và chỉ cho thấy bà đã sống lại. Cả thành Gióp-pê hay biết việc ấy, nên nhiều người tin vào Chúa. Phêrô lưu lại Gióp-pê nhiều ngày tại nhà Simon thợ thuộc da.
PHÚC ÂM: Ga 6, 61-70
Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: “Lời này chói tai quá! Ai nghe được!” Tự biết rằng các môn đệ đang lẩm bẩm về chuyện ấy, Chúa Giêsu nói với họ: “Ðiều đó làm các ngươi khó chịu ư? Vậy nếu các ngươi thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao? Chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Nhưng lời Ta nói với các ngươi là thần trí và là sự sống. Nhưng trong các ngươi có một số không tin”. Vì từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những kẻ không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Và Người nói: “Bởi đó, Ta bảo các ngươi rằng: Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho”. Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui không còn theo Người nữa. Chúa Giêsu liền nói với nhóm Mười Hai rằng: “Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?” Simon Phêrô thưa Người: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa”.
Suy Niệm 1: THƯA THẦY, NẾU BỎ THẦY, CHÚNG CON BIẾT THEO AI?
Diễn từ dài về Bánh hằng sống, trong đó Chúa Giêsu vén mở về chính Người như nguyên lý sự sống đích thực, dẫn tới kết quả là nhiều môn đệ nhún vai bỏ đi! Diễn đạt theo kiểu hình tượng: họ biểu quyết bằng chân. Chắc Chúa không khỏi buồn… nhưng Người vẫn sẵn sàng đối diện với sự thật một cách đầy bản lĩnh, Người hỏi cả Nhóm Mười Hai: “Còn anh em thì sao, anh em có muốn bỏ đi không?”
Simon Phêrô nói thay lời cho cả nhóm: “Thưa Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa”. Nhận thức và quyết định này của Phêrô thật là hay, thật đúng đắn. Chúng ta bớt ái ngại cho Chúa Giêsu. Hẳn Người yên tâm phần nào khi nghe lời tuyên xưng ấy… Nhưng chúng ta cần nhớ, ngay cả lời tuyên xưng này của Phê rô cũng cần được làm rõ – chẳng hạn, Thầy là Đấng Kitô theo cách nào, theo con đường nào?… Hơn nữa, lời tuyên xưng như thế cũng không phải là cái gì có hiệu lực ‘một lần cho tất cả’ (once for all)!
Phê rô và các đồng môn còn phải khám phá để hiểu Thầy hơn, và hiểu chính mình hơn… Một cuộc vật lộn ra trò, như kinh nghiệm cay đắng xen lẫn ngọt ngào của Phêrô cho thấy! Cuối cùng, sau Phục Sinh, Thầy vẫn đón nhận tấm lòng của Phêrô, tiếp tục kêu gọi Phêrô theo Thầy, trao năng lực để Phêrô đi vào sứ mạng…
Và trang sách Công vụ Tông đồ hôm nay cho thấy hình ảnh một Phêrô đĩnh đạc, mạnh mẽ với phong cách của vị Tông Đồ thủ lĩnh trong “Hội thánh được tổ chức và đầy ơn an ủi của Thánh Thần”. Ta thấy Phêrô rất tự nhiên chữa lành người bại liệt đã tám năm – và ngay cả làm cho nữ môn đồ Tabitha đã chết được sống lại! Rõ ràng, không phải tự sức Phêrô – và cũng rõ ràng, Chúa Giêsu không gọi người ưu tú, mà Người làm cho những kẻ Người kêu gọi trở thành ưu tú!
Cũng như Phêrô, tất cả chúng ta – những người được Chúa Giêsu kêu gọi – cần khởi đi từ xác quyết căn bản: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa”.
Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.
……………………………..
Suy Niệm 2: BỎ THẦY THÌ CHÚNG CON BIẾT ĐẾN VỚI AI?
Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta sự bình an của Giáo Hội và Thánh Phêrô như vị mục tử đi “thăm mục vụ” các cộng đoàn dân Chúa. Một chi tiết chúng ta cần lưu ý ở đây là vài trò của Chúa Thánh Thần: “Hồi ấy, trong khắp miền Giuđê, Galilê và Samari, Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ” (Cv 9:31). Trong câu này, chúng ta nhận ra bốn điều Hội Thánh tận hưởng, đó là bình an, được xây dựng vững chắc, sống trong niềm kính sợ Chúa, ngày một thêm đông. Tất cả những điều này xảy ra vì “nhờ Thánh Thần nâng đỡ.” Chúng ta cùng cầu xin cho Hội Thánh được tận hưởng những điều này và chúng ta cũng để cho cuộc đời của mình được nâng đỡ bởi Chúa Thánh Thần hầu có được sự bình an trong tâm hồn, trong gia đình [trong cộng đoàn] và được có lòng kính sợ Thiên Chúa.
Chi tiết thứ hai trong bài đọc 1 làm chúng ta lưu ý là việc Thánh Phêrô chữa lành cho một người què và làm cho một người chết sống lại. Khi đọc kỹ trình thuật, chúng ta nhận ra rằng những việc làm và lời nói của Thánh Phêrô lặp lại những gì Chúa Giêsu đã làm. Và tất cả hai sự kiện xảy ra mang lại một kết quả, đó là nhiều người trở lại hoặc tin vào Chúa. Nói cách cụ thể hơn, qua việc làm của Thánh Phêrô, những người “nguội lạnh” hay “bỏ bê” quay trở lại với Chúa, còn những người chưa biết Chúa thì đặt niềm tin vào Ngài. Đây cũng là lời mời gọi cho chúng ta ngày hôm nay. Nhiều lần, những lời nói và việc làm của chúng ta khiến cho những anh chị em kém lòng tin mất đi niềm tin nhỏ bé của họ; còn những người chưa nhận biết Chúa chê bai niềm tin của chúng ta. Chúng ta được mời gọi nói và làm những điều mang người khác đến với Chúa. Lời nói và việc làm của chúng ta phải diễn tả đức tin của chúng ta vào một Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, chậm giận nhưng giàu tình thương và lòng thành tín.
Bài Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta đến đoạn kết của cuộc tranh luận về bánh hằng sống. Điểm đầu tiên chúng ta cần lưu ý là bài trình thuật hôm nay nói đến phản ứng của “các môn đệ,” những người đã tin và đi theo Ngài chứ không còn nói đến phản ứng của đám đông. Chúng ta nhận ra hai nhóm “môn đệ” trong bài Tin Mừng hôm nay.
Nhóm thứ nhất gồm những người khi không hiểu hoặc thấy và nghe những lời “không hợp khẩu vị của mình” thì bỏ đi. Bài Tin Mừng trình thuật cho chúng ta, sau khi Chúa Giêsu công bố Ngài “là bánh từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6:51), thì nhiều người phản ứng mãnh liệt: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (Ga 6:60). Họ không thể chấp nhận được điều không hợp khẩu vị của họ. Họ không hiểu điều Chúa Giêsu đang nói là những điều thuộc “thượng giới,” thuộc về “Thần Khí,” chứ không phải những điều thuộc về “hạ giới,” thuộc về “xác thịt.” Điều này cũng nhiều lần xảy ra cho chúng ta. Khi chúng ta nghe người khác nói những lời không hợp khẩu vị của mình, chúng ta cũng có những phản ứng tiêu cực và đôi khi còn phản ứng cách giận dữ. Khi phản ứng như thế, chúng ta đã để cho mình bị chi phối bởi những lời theo gió bay, chứ không để mình được chi phối bởi sự thật phía sau những lời nói khó nghe đó. Người ta thường nói, nói sự thật đã khó, nhưng chấp nhận sự thật còn khó hơn, nhất là những sự thật đó đụng đến cái kiêu ngạo và tự phụ của mình.
Nhóm thứ hai gồm những người trung thành với Chúa Giêsu dù cuộc sống có thăng trầm thế nào. Nhóm này là Nhóm Mười Hai. Sau khi đã theo Chúa Giêsu một thời gian, chứng kiến những việc Ngài làm, họ đã có thể khẳng định được mục đích trong cuộc đời của họ. Họ sẵn sàng đối diện với câu hỏi của Chúa Giêsu: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (Ga 6:67). Nhưng Thánh Phêrô, đại diện các tông đồ [và chúng ta] tuyên xưng rằng: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6:68-69). Thật vậy, Chúa Giêsu cũng hỏi chúng ta mỗi ngày với câu hỏi: “Anh chị em cũng muốn bỏ đi hay sao?” Có lẽ trên lý thuyết chúng ta khẳng định rất hăng say như Thánh Phêrô: chúng con không bao giờ bỏ đi. Chúng con sẽ ở lại với Thầy dù cuộc sống có thế nào. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều lần chúng ta đã bỏ Ngài khi chúng ta để cho mình bị níu kéo bởi những thói hư tật xấu. Giống như Thánh Phêrô, ông rất mạnh mẽ tuyên bố sẽ không bỏ Chúa Giêsu, nhưng khi gặp thử thách, thánh nhân đã chối Ngài và bỏ trốn.
Một điểm khác chúng ta cần suy gẫm trong bài Tin Mừng hôm nay là câu hỏi Chúa Giêsu nói với các các môn đệ đang xì xầm về việc Ngài khẳng định là bánh hằng sống: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Khi đứng trước mầu nhiệm của Thiên Chúa, nhiều người ngày hôm nay có thái độ chống đối vì họ không hiểu. Điều họ không hiểu, lẽ ra phải làm cho họ biết khiêm nhường để đến với Chúa để được giải thích. Ngược lại, nó lại làm cho họ kiêu ngạo và tỏ thái độ bất cần. Chúng ta cũng thế, nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta muốn hiểu hết mọi sự và muốn cắt nghĩa mầu nhiệm Thiên Chúa theo những gì chúng ta cho là “hợp lý”. Khi có những lời khác với những gì chúng ta biết và hiểu, chúng ta tỏ thái độ loại trừ và khó chịu. Chúng ta phải nhớ rằng, có những chuyện bình thường trong cuộc sống mà chúng ta chưa hiểu hết, làm sao chúng ta có thể hiểu hết mầu nhiệm Thiên Chúa. Chỉ những người khiêm nhường vả cởi mở mới có thể hiểu được mầu nhiệm Thiên Chúa và như thế mới có khả năng thi hành thánh ý Ngài.
Lm. Anthony, SDB.
……………………………………..
Suy Niệm 3: Chấp nhận hay bỏ Chúa
- Kết quả của bài giáo lý về Thánh Thể : chúng ta thấy hai thái độ trái ngược nhau trước những lời giảng của Đức Giêsu. Một bên, nhiều môn đệ rút lui, không theo Ngài nữa vì thấy chướng tai quá, không thể chấp nhận nổi. Một bên, Phêrô đại diện cho Nhóm Mười Hai tuyên xưng và tin nhận rằng chỉ có Chúa mới là lý tưởng, chỉ có Chúa mới có lời ban sự sống, và họ đi theo Ngài.
- Bốn bài giảng liên tiếp về Bánh Hằng Sống của Đức Giêsu đã tạo ra nhiều phản ứng nơi những cử tọa Do thái. Khi Ngài tiết lộ cho họ biết Ngài có Bánh Hằng Sống, ăn vào sẽ không đói khát nữa, họ liền xin Ngài cho họ thứ bánh đó. Tiến thêm một bước, Ngài cho họ biết Bánh đó chính là Ngài từ trời xuống, họ có phản ứng chống lại ngay vì họ cho rằng Ngài chỉ là con bác thợ mộc Giuse ở Nazareth, làm sao lại có chuyện đó được ? Nhưng khi Đức Giêsu cho họ biết Bánh Hằng Sống đó chính là thịt máu Ngài, phải ăn thì mới có sự sống trong mình, thì họ có phản ứng kịch liệt vì họ cho đây là một việc tởm gớm không thể chấp nhận được. Thậm chí, cả một số môn đệ cũng có phản ứng tương tự :”Lời này chói tai quá, ai mà nghe được”. Kết quả là một số môn đệ bỏ đi, không theo Ngài nữa.
- Tuy nhiên, bài Tin Mừng hôm nay chuyển tải cho chúng ta , là giữa sự thất vọng bỏ đi của nhiều người, thì vẫn còn đó Nhóm Mười Hai với lời tuyên xưng của tông đồ trưởng Phêrô :”Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Có lẽ ở đây chúng ta chưa dám chắc Phêrô và các Tông đồ đã hiểu được mầu nhiệm Thánh Thể là lấy thịt Chúa cho nhân loại ăn, nhưng ít nhất Phêrô tin vào uy tín của Thầy không thể nói điều sai lạc.
Lời tuyên xưng còn khẳng định rõ hơn vế đức tin là một ân ban mà không phải ai cũng dễ dàng có được. Lời tuyên xưng của Phêrô và sự trung thành của các Tông đồ là điểm sáng về niềm tin và lòng trung tín cho chúng ta, nhất là ngày hôm nay không thiếu những người đã lìa bỏ Giáo hội. Nếu không có ơn đức tin thì sẽ không thấy sự khác biệt giữa bánh chưa truyền phép và bánh đã được truyền phép, không thể cảm nhận được sự hiện diện thực sự của Đức Giêsu trong phép Thánh Thể.
- Phần chúng ta, chúng ta có thái độ nào trước mạc khải của Đức Giêsu về Bí tích Thánh Thể ? Lời Đức Giêsu hỏi các môn đệ ngày xưa cũng được lặp lại với mỗi người chúng ta hôm nay :”Chúng con có muốn bỏ đi không” ? Tin nhận và sống giáo huấn yêu thương phục vụ của Chúa đã là một điều khó : tin nhận và sống Bí tích Thánh Thể lại càng khó hơn. Tuy nhiên, chúng ta không làm việc đó một mình, bởi vì tin và sống Bí tích Thánh Thể đúng như ý Chúa muốn là một hồng ân của Chúa Cha :”Không ai có thể đến được với Ta, nếu không được Chúa Cha ban cho”.
- Về vấn đề lựa chọn có theo Chúa hay không thì chính chúng ta phải đích thân lựa chọn và phải sống trung thành với sự lựa chọn đó : Đứng lại với Chúa, không phải chỉ vì thấy người khác còn đứng lại vì chưa gặp dịp thuận tiện để tháo lui. Nhưng đứng lại với Chúa vì tin Ngài là Đấng có lời ban sự sống đời đời, không còn ai khác để mình đi theo.
Chúng ta là Kitô hữu, chúng ta đi theo Đức Kitô, chúng ta tin Ngài là Đấng không những ban cho chúng ta sự sống đời này mà còn ban sự sống đời đời nữa. Tuy nhiên, chúng ta hãy nhớ : Sự sống đời đời không phải chỉ là sự sống đời sau, nhưng đến cùng Chúa, tin vào Chúa và ăn thịt máu Chúa là chúng ta đã được sự sống đời đời ngay từ bây giờ, bởi vi mỗi lần rước Chúa là chúng ta rước lấy mầm sự sống đời đời, sự sống vĩnh cửu. Cho nên, chúng ta hãy siêng năng rước Chúa và rước Chúa thật sốt sắng.
- Truyện : Quyết theo chân Chúa.
Odette, một cô gái đẹp sinh ra trong một gia đình quí tộc nước Bỉ, năm 17 tuổi cô quyết định đi tu, nhưng chỉ vài ngày sau khi lãnh áo dòng, cha mẹ đến bắt cô trở về. Từ lâu, ông bà đã có ý gả cô cho lãnh chúa Simon thuộc lâu đài gần đó.
Vốn biết cô con gái cưng không muốn lập gia đình nên cha mẹ cô đã âm thầm chuẩn bị hôn lễ, các thiệp mời được kín đáo gửi đi và sự chuẩn bị đều giữ bí mật cho đến giờ chót.
Một buổi sáng đẹp trời cô thức giấc vì sự ồn ào lạ thường của lâu đài. Vén màn nhìn qua cửa sổ, cô ngạc nhiên thấy xe hoa lộng lẫy đang tiến vào khuôn viên trước lâu đài. Hỏi ra, cô mới biết ngưới ta đang chuẩn bị lễ cưới cho cô. Kế đó, các người hầu vào phòng trang điểm và mặc áo cưới cho cô. Xong, họ đưa cô xuống nhà nguyện tư của lâu đài. Giám mục của vùng và linh mục tuyên úy lâu đài đã nghiêm chỉnh chờ sẵn.
Nghi lễ đến phần giao ước. Vị chủ tế hỏi Odette có ưng nhận Simon làm chồng theo luật Giáo hội không ? Cô dõng dạc tuyên bố :
– Con không nhận lãnh chúa Simon cũng như bất cứ người nào làm chồng bởi vì tình yêu của con đã hiến dâng cho Chúa Kitô từ lâu rồi. Vì thế, không một tình yêu nào có thể tách rời con khỏi tình yêu Chúa Kitô là bạn trăm năm duy nhất của đời con.
Sáng hôm sau, không thấy con gái xuống vườn đi dạo như thường lệ, cha cô gõ cửa vào phòng. Và kìa, Odette đang gục đầu trên vũng máu. Ông đau đớn nhìn con và hiểu ngay ý định của Odette. Vì muốn hủy hoại sắc đẹp của mình nên cô đã dùng gươm cắt chiếc mũi xinh đẹp. Khi hồi tỉnh lại, được hỏi lý do tại sao cô làm như vậy ? Cô thản nhiên đáp :”Như thế sẽ không còn ai cấm con đi tu nữa”.
Thật vậy, khi vết thương đã lành, cô được phép nhập tu viện. Ba năm sau đó được bầu làm tu viện trưởng mới 23 tuổi.Lm. Giuse Đinh Lập Liễm Gp. Đà Lạt