spot_img
Thêm
    Trang chủCầu Nguyện & Suy NiệmLời Chúa Hàng NgàyThứ Bảy đầu tháng. THÁNH PHILIPPHÊ VÀ THÁNH GIACÔBÊ

    Thứ Bảy đầu tháng. THÁNH PHILIPPHÊ VÀ THÁNH GIACÔBÊ

    BÀI ĐỌC I: 1 Cr 15, 1-8

    Anh em thân mến, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng mà tôi đã rao giảng cho anh em, và anh em đã lãnh nhận và đang tin theo, nhờ đó anh em được cứu độ, nếu anh em tuân giữ lời lẽ tôi đã rao giảng cho anh em, bằng không anh em đã tin cách vô ích. Tôi đã rao truyền cho anh em trước tiên điều mà chính tôi đã nhận lãnh: đó là Ðức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng theo như lời Thánh Kinh. Người được mai táng và ngày thứ ba Người đã sống lại đúng theo như lời Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi sau với mười một vị. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em trong một lúc; nhiều người trong số anh em đó hãy còn sống tới nay, nhưng có vài người đã chết. Thế rồi Người hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ. Sau cùng, Người cũng hiện ra với chính tôi như với đứa con đẻ non.

    PHÚC ÂM: Ga 14, 6-14

    Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng Tôma rằng: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, các con biết và đã xem thấy Người”.

    Philipphê thưa: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con”. Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: “Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư? Philipphê, ai thấy Thầy là xem thấy Cha. Sao con lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha?’ Con không tin Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin vì các việc Thầy đã làm. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha. Và điều gì các con nhân danh Thầy mà xin Cha, Thầy sẽ làm, để Cha được vinh hiển trong Con. Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin cùng Thầy, Thầy sẽ làm cho”.

    Suy Niệm 1: THÁNH PHILIPPHE VÀ GIACOBE, TÔNG ĐỒ: KHÁT VỌNG VÀ CẢM NGHIỆM TÂM LINH

    “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con”. Lời yêu cầu này của Philipphe được Chúa Giêsu cho là ngớ ngẩn, thậm chí khi trả lời, Người cho thấy chất giọng phiền trách. Nhưng đó là chuyện khác, chuyện Chúa Giêsu mặc khải sự hợp nhất giữa Người với Chúa Cha: ai thấy Thầy là thấy Cha. Còn về chính khát vọng của Philipphê được chuyển tải trong lời nói trên, thì rõ ràng đó là khát vọng thâm sâu nhất và khôn ngoan nhất, khát vọng mà ai trong chúng ta cũng cần bắt chước.
    Không phải tiền bạc của cải là đủ. Không phải quyền lực và danh vọng là đủ. Không phải các thú vui phàm trần là đủ. Không bất cứ thụ tạo nào trên đời có thể lấp đầy khát vọng của những người như Philipphê. “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con”. Ta gọi đây là khát vọng tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo… Khát vọng chính Thiên Chúa!
    Ngày nay dường như con người ngày càng xa lạ với khát vọng này, do xu hướng vô thần duy vật thực tiễn, do cuồng tín khoa học, do kiêu căng tự mãn, do mù quáng trước danh, lợi, thú, vân vân… Chúng ta cảm ơn thánh Philipphe vì đã truyền cảm hứng cho chúng ta biết khát vọng chính Thiên Chúa. Và chúng ta cảm ơn vì nhờ ngài mà chúng ta nhận được lời xác nhận của Chúa Giêsu: “Ai thấy Thầy là thấy Cha”. Thiên Chúa không còn chỉ ở trên cao xa kia nữa, mà với Chúa Giêsu, Thiên Chúa vốn siêu việt đã trở thành nội tại, gần gũi, trong tầm tay của mọi con người!
    ‘Gia cô bê con An phê’ là vị Tông đồ chìm lỉm, rất ít ỏi thông tin. Một trong số thông tin về ngài, đó là ngài được Chúa Phục sinh hiện ra gặp gỡ – hầu như một cách riêng tư (x. bản văn 1Cr trong Bài đọc 1). Và đó chắc chắn là một kinh nghiệm độc đáo không thể nào quên! Như mỗi chúng ta đều có những kỷ niệm đẹp nào đó trong cuộc đời mà mình không bao giờ quên được!
    Gia cô bê không chỉ gặp Chúa Phục sinh cùng với các anh em khác, mà còn gặp riêng nữa. Đây vừa là kinh nghiệm tâm linh vừa là kinh nghiệm giác quan, làm nền tảng cho đời sống và sứ vụ rao giảng của vị Tông đồ kể từ đó. Chúng ta có thể hình dung công việc rao giảng của Gia cô bê chủ yếu là kể lại kỷ niệm gặp gỡ của mình với Chúa Giêsu, nhất là gặp gỡ sau khi Người sống lại. Bởi vì kỷ niệm ấy quá lớn lao, quá ấn tượng, nó hoàn toàn biến đổi cuộc đời vị Tông đồ và mở ra cho cuộc đời ấy một chân trời mới, một định hướng mới…
    Xin thánh Philipphe và Gia cô bê chuyển cầu cho chúng ta được ơn củng cố đức tin, bằng cách mở lòng ra với những khát vọng và cảm nghiệm tâm linh sâu thẳm nhất – là khát vọng và cảm nghiệm chính Chúa Giêsu!

    Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.

    ……………………………………
    Suy Niệm 2: SỐNG VỚI THẦY BẤY LÂU, ANH CHỊ EM CÓ BIẾT THẦY KHÔNG?

    Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính hai thánh Philípphê và Giacôbê Tông Đồ. Mỗi khi kính nhớ một vị thánh, chúng ta tự hỏi mình rằng: tôi có thể học ở ngài điều gì? Dựa vào Lời Chúa hôm nay, chúng ta cùng nhau suy niệm về hai thánh Tông Đồ mà chúng ta mừng kính hôm nay và quyết tâm học hỏi nơi các ngài những điều cần thiết cho đời sống yêu thương và phục vụ của chúng ta. Tuy nhiên, trước khi phân tích chi tiết hơn mẫu gương của từng vị, chúng ta cùng nhau tìm hiểu điều làm cho các ngài nên một trong việc rao giảng. Điều liên kết các tông đồ lại với nhau chính là Đức Giêsu Kitô, hay là Tin Mừng các ngài rao giảng. Thánh Phaolô trình bày điều này thật rõ ràng trong bài đọc 1 hôm nay. Ngài kêu gọi các tín hữu thành Côrintô nhớ lại Tin Mừng mà các tông đồ đã giảng dạy và sức mạnh cứu độ mà Tin Mừng mang lại cho họ. Nội dung chính yếu của Tin Mừng này chính là: “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh” (1 Cr 15:3-4). Đây chính là Kerygma, là yếu tố đã hiệp nhất các Tông Đồ lại với nhau khi rao giảng Tin Mừng.

    Thánh Philípphê là một con người nhiệt tình. Ngài là người đưa Nathanael đến gặp Chúa Giêsu và làm chứng rằng Chúa Giêsu là Người mà Môsê đã viết về. Cũng chính Philípphê là người, với sự trợ giúp của Anrê, đã mang nhóm người Hy Lạp đến gặp Chúa Chúa Giêsu. Chúng ta không nên nhầm lẫn thánh nhân với phó tế Philíp được trình thuật trong chương 8 của sách Công Vụ Các Tông Đồ, là người giảng dạy ở Samaria và làm phép rửa cho viên quan người Êthiôpia dù cho nhiều học giả cho rằng cả hai là một. Philípphê là người có đầu óc rất thực tế. Điều này được nhận ra qua nhận định của thánh nhân: “phải tốn một số tiền rất lớn để mua thức ăn cho hơn 5 ngàn người đang đói.” Và trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan cho thấy thánh nhân là người muốn nhìn thấy Chúa Cha. [Chúng ta sẽ phân tích chi tiết này sau]. Chúng ta học được điều gì từ con người nhiệt tình và thực tế này? Như chúng ta đã trình bày, thánh nhân luôn là người mang người khác đến với Chúa Giêsu [giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác.] Ngài làm điều này với một sự nhiệt tình và một đầu óc rất thực tế. Chính hai điều này giúp ngài thành công trong việc giới thiệu Chúa cho người khác. Học ở thánh nhân, nếu muốn thành công trong việc làm chứng cho Chúa Giêsu, chỉ lòng nhiệt tình thì không đủ, chúng ta cần có óc thực tế, biết biện phân những dấu chỉ của thời đại và những nhu cầu của người khác để tìm ra phương thế hữu hiệu nhất để nói về Chúa Giêsu cho họ.

    Thánh Giacôbê là con của ông Alphê hay còn gọi là Giacôbê Hậu [Giacôbê Tiền là anh của Gioan]. Thánh nhân sinh ở Ceasarea. Ngài không được đề cập đến nhiều trong Tân Ước như thánh Philípphê. Thỉnh thoảng, thánh nhân được gọi là Giacôbê Nhỏ, điều này ngụ ý ngài là người  nhỏ con và thấp. Sau khi Chúa Giêsu lên trời, theo truyền thống, thánh nhân tiếp tục rao giảng và được tin là đã trở thành Giám Mục đầu tiên của Giêrusalem. Nếu điều này là thật, thì thánh nhân chịu tử đạo vào khoảng năm 62 tại Giêrusalem. Theo truyền thống, thánh nhân được xem là tác giả của lá thư mang tên ngài. Nhìn lại cuộc sống của thánh nhân, ngài không có gì nổi bật như các Tông Đồ khác. Qua điều này, chúng ta có thể nói rằng, thánh nhân là một người thầm lặng đi theo Chúa Giêsu và trung thành cho đến cùng. Đây là điều chúng ta có thể học hỏi ở thánh nhân. Tất cả chúng ta đều theo Chúa Giêsu trong hoàn cảnh và điều kiện của mình: có người được vị trí hàng đầu, nhưng cũng có người thật âm thầm; có người luôn được nhắc đến, nhưng cũng có người chẳng được ai biết đến. Dù trong vị trí nào, chúng ta có cùng một mục đích, đó là theo Chúa Giêsu và trung thành với Ngài. Vì vậy, vấn đề không phải là đứng trước hay đứng sau, nhưng là trung thành với mục đích theo Chúa của mình.

    Bài Tin Mừng hôm nay được đặt trong bối cảnh Bữa Tiệc Ly, trong khung cảnh rất thân tình giữa Chúa Giêsu và các “bạn hữu” của Ngài. Trong bối cảnh đó, Chúa Giêsu nói cho các mộn đệ biết là “giờ của Ngài” sắp đến, giờ mà Ngài lìa bỏ thế gian để trở với Chúa Cha (x. 14:6). Tuy nhiên, Ngài cũng khẳng định rằng: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người” (Ga 14:6-7). Khẳng định này là tiền đề cho thắc mắc của Philípphê: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện” (Ga 14:8). Chúng ta thấy Philípphê không xin gì ngoài việc được nhìn thấy Chúa Cha.

    Câu trả lời của Chúa Giêsu đưa chúng ta vào chiều sâu của mầu nhiệm Thiên Chúa, của sự hợp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Giêsu: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14:9). Câu hỏi Chúa Giêsu đặt ra với Philípphê làm chúng ta phải xét lại chính mình: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’?” (Ga 14:9). Có phải Chúa Giêsu trách Philípphê không? Đúng là Ngài trách Philípphê và Ngài cũng trách mỗi người trong chúng ta: “Thầy ở với anh chị em bấy lâu và làm nhiều việc cho anh chị em, vậy mà anh chị em không biết Thầy ư?” Chúng ta có thật sự biết Chúa Giêsu không? Chúng ta thấy trong cái biết này ngụ ý nói đến việc nên một với Ngài, như Ngài biết Chúa Cha và nên một với Chúa Cha. Để rồi, như Chúa Giêsu đã khẳng định, ai nhìn thấy Ngài là thấy Chúa Cha, chúng ta cũng có thể khẳng định rằng: ai nhìn thấy tôi là thấy Chúa Giêsu, vì Ngài ở trong tôi và tôi ở trong Ngài.

    Khi phân tích cấu trúc câu trả lời của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Chúa Giêsu đi từ việc giải thích cho một mình Philípphê (Ga 14:9-10) đến việc giải thích cho các môn đệ (Ga 14:10-14). Và trong phần giải thích với các môn đệ, chúng ta lại thấy Chúa Giêsu đi từ tương quan giữa Ngài với Chúa Cha (Ga 14:10-11) đến tương quan giữa Ngài với các môn đệ (Ga 14:12-14). Ở đây chúng ta thấy có một mối dây liên kết mà Chúa Giêsu là Đấng trung gian. Trong tương quan giữa Ngài với Chúa Cha, Chúa Giêsu khẳng định: “Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm.” Chúng ta thấy, Chúa Giêsu luôn để Chúa Cha làm mọi sự trong Ngài. Và Ngài muốn các môn đệ học ở Ngài là để cho Ngài làm việc trong họ: “Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.” Sợi chỉ nối kết ở đây là “tin vào Chúa Giêsu,” là trao trọn vẹn cuộc sống của mình cho Ngài để Ngài thực hiện những gì làm tôn vinh Chúa Cha trong chúng ta.

    Lm. Anthony, SDB.

    BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

    VIDEO CLIPS

    THÔNG TIN ƠN GỌI

    Chúng tôi luôn hân hoan kính mời các bạn trẻ từ khắp nơi trên đất Việt đến chia sẻ đặc sủng của Hội Dòng chúng tôi. Tuy nhiên, vì đặc điểm của ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, chúng tôi xin được đề ra một vài tiêu chuẩn để các bạn tiện tham khảo:

    • Các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, thuộc gia đình đạo đức, được các Cha xứ giới thiệu hoặc công nhận.
    • Ứng Sinh phải qua buổi sơ tuyển về Giáo Lý và văn hoá.

    Địa chỉ liên lạc về ơn gọi:

    • Nhà Mẹ: 115 Lê Lợi - Lộc Thanh - TP. Bào Lộc - Lâm Đồng.
    • ĐT: 0263 3864730
    • Email: menthanhgiadalatvn@gmail.com