BÀI ĐỌC I: Is 49, 1-6
Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây; hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý: Chúa đã kêu gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, đã nhớ đến tên tôi khi tôi còn ở trong bụng mẹ. Người đã làm cho miệng tôi nên như lưỡi gươm sắc bén, đã bảo vệ tôi dưới bóng cánh tay Người, đã làm cho tôi nên như mũi tên nhọn, và đã ẩn giấu tôi trong ống đựng tên. Và Người đã phán cùng tôi: “Hỡi Israel, ngươi là tôi tớ Ta, vì Ta sẽ được vinh hiển nơi ngươi”. Và tôi thưa: “Tôi đã vất vả mất công vô cớ, tôi đã phí sức vô ích; nhưng công lý của tôi ở nơi Chúa; và phần thưởng của tôi ở nơi Thiên Chúa”. Và bây giờ Chúa phán: “Người là Đấng đã tác tạo tôi thành tôi tớ Người, khi tôi còn trong lòng mẹ, để đem Giacóp về cho Người, và quy tụ Israel chung quanh Người. Tôi được vinh hiển trước mặt Chúa, và Thiên Chúa là sức mạnh tôi. Người đã phán: “Con là tôi tớ Ta, để tái lập các chi họ Giacóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về; này đây Ta làm cho con nên ánh sáng các dân tộc, để con trở thành ơn cứu độ Ta ban cho đến tận bờ cõi trái đất”.
PHÚC ÂM: Ga 13, 21-33. 36-38
Khi ấy, (Chúa Giêsu đang ngồi ăn với các môn đệ), tâm hồn Người bị xao xuyến, nên Người tuyên bố: “Thật, Thầy nói thật cho các con biết, một người trong các con sẽ nộp Thầy”. Các môn đệ nhìn nhau phân vân không biết Người nói về ai. Có một môn đệ được Chúa Giêsu yêu quý, đang ở bàn ăn gần lòng Chúa Giêsu. Vậy Phêrô làm hiệu cho môn đệ ấy và nói: “Hỏi xem Thầy nói về ai đó”. Môn đệ ấy nghiêng mình sát ngực Chúa Giêsu và hỏi Người: “Thưa Thầy, ai vậy?” Chúa Giêsu trả lời: “Thầy chấm miếng bánh trao cho ai là người đó”. Và Người chấm một miếng bánh trao cho Giuđa, con Simon Iscariô. Ăn miếng bánh rồi, Satan nhập vào hắn. Chúa Giêsu nói với hắn: “Con tính làm gì thì làm mau đi”. Nhưng những người đang ngồi ăn không một ai hiểu được vì sao Người lại nói với hắn như vậy. Có nhiều người tưởng tại Giuđa giữ túi tiền, nên Chúa Giêsu bảo hắn: Hãy mua những gì chúng ta cần dùng trong dịp lễ, hoặc Người bảo hắn bố thí cho người nghèo. Vậy sau khi nhận miếng bánh đó, Giuđa liền đi ra. Bấy giờ là đêm tối. Khi Giuđa đi rồi, Chúa Giêsu phán: “Bây giờ Con Người được vinh hiển, và Thiên Chúa đã được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính Mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển! Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa. Các con sẽ tìm Thầy, và như Thầy đã nói với người Do-thái: “Nơi Ta đi, các ngươi không thể đến được”, nay Thầy cũng nói với các con như vậy”.
Simon Phêrô hỏi Người: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu?” Chúa Giêsu trả lời: “Nơi Thầy đi, nay con chưa thể theo tới đó được, nhưng sau này con sẽ theo Thầy”.
Phêrô thưa lại: “Tại sao con lại không theo Thầy ngay bây giờ được! Con sẽ liều mạng sống con vì Thầy”. Chúa Giêsu nói: “Con liều mạng sống vì Thầy ư? Thật, Thầy nói thật cho con biết: trước khi gà gáy, con đã chối Thầy ba lần”.
Suy Niệm 1: “TỪ KHI TÔI CÒN TRONG LÒNG MẸ”
Bài đọc Isaia (là Bài ca thứ hai của Người Tôi Trung) cùng với Thánh vịnh 70 (Đáp ca) lặp đi lặp lại ít nhất năm lần những diễn ngôn như “từ khi tôi còn trong lòng mẹ”/ “từ trong bụng mẹ” – đó là chưa kể những kiểu nói “từ thuở sơ sinh/ từ thời niên thiếu/ từ tuổi thanh xuân”… Tất cả nhằm khắc hoạ mầu nhiệm ƠN GỌI dành cho người Tôi Tớ đau khổ của Chúa, ứng nghiệm vào Chúa Giêsu, vào cả chúng ta nữa, trong ý nghĩa thâm sâu nhất của hiện hữu mình.
Ơn gọi ấy của Người Tôi Trung được diễn giải bằng chính lời của Thiên Chúa trong cùng văn mạch Isaia nói trên: “Con là tôi tớ Ta, để tái lập các chi họ Giacóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về; này đây Ta làm cho con nên ánh sáng các dân tộc, để con trở thành ơn cứu độ Ta ban cho đến tận bờ cõi trái đất”. Chúng ta để ý hai hình ảnh: ‘ánh sáng các dân tộc’, và ‘ơn cứu độ cho đến tận bờ cõi trái đất’! Hai hình ảnh này thậm chí có thể được tinh gọn thành ‘ánh sáng các dân tộc’ mà thôi – vì Chúa Giêsu chính là ÁNH SÁNG MUÔN DÂN và do đó cũng chính là sự CỨU ĐỘ!
Khi Giuđa rời phòng Tiệc Ly đi ra, thánh sử Gioan ghi nhận: “Bấy giờ là đêm tối”! Anh đi vào trong bóng tối, để Ánh Sáng lại sau lưng. Anh từ chối Ánh Sáng là Chúa Giêsu, và từ chối Ánh Sáng là ơn gọi căn bản của hiện hữu mình ‘từ trong lòng mẹ’. Vì thế, trong phiên bản của Máttheu, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói về Giuđa: “thà đừng sinh ra thì hơn”!
Phêrô, ngược lại, mạnh mẽ tuyên bố “sẽ theo Thầy và sẽ liều mạng sống vì Thầy”. Thật cảm động, Phêrô nghĩ mình sinh ra trên đời là để đi theo Ánh Sáng Giêsu, và bằng cách đó chính mình trở thành Ánh Sáng – ơn gọi căn bản của mình là vậy. Nhưng, Chúa Giêsu cảnh báo rằng Phêrô không mạnh như bản thân tưởng nghĩ đâu. “Anh liều mạng sống vì Thầy ư? Thật, Thầy nói thật cho anh biết: trước khi gà gáy, anh đã chối Thầy ba lần”.
Chuyện Giuđa là bi kịch. Nhưng chuyện Phêrô cũng bi kịch không kém. Điều này cho thấy bóng tối rất mạnh, và không ai tự mình đủ sức đi theo Ánh Sáng và tự mình đáp lại được tiếng gọi trở thành Ánh Sáng cả. Tất cả đều cần được cứu độ bởi Ánh Sáng Chúa Kitô, thì mới được tham dự vào Ánh Sáng ấy – như hình ảnh mỗi người thắp nến của mình từ ‘Ánh Sáng Chúa Kitô’ trong đêm Vọng Phục sinh.
Vâng, có thể hiểu lịch sử cứu độ, hiểu biến cố Chúa Giêsu Kitô, hiểu mầu nhiệm Vượt qua, hiểu ơn gọi căn bản của chúng ta, hiểu thế giới này và cuộc đời mỗi người trong đó… từ lăng kính cuộc tương tranh giữa Ánh Sáng và Bóng Tối! Và chúng ta thấy Bóng Tối mạnh khủng khiếp, nhưng Ánh Sáng mạnh hơn, và Ánh Sáng đã chiến thắng nơi cái chết và sự sống lại của Chúa.
Chúa Giêsu là Ánh Sáng muôn dân (Lumen gentium). Hội Thánh và mỗi chúng ta trong Hội Thánh cũng thế – Vos estis lux mundi! Tất cả hoa trái của cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu mà chúng ta cử hành trong tuần này, đó là: trong Chúa Kitô, chúng ta thực sự trở thành Ánh Sáng cho thế giới này!
Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.
…………………
Suy Niệm 2: GIỜ CỦA CHÚA GIÊSU: GIỜ TÔN VINH VÀ CỨU ĐỘ
Hôm nay chúng ta tiếp tục nghe bài ca thứ hai về người tôi tớ của Thiên Chúa trong sách Ngôn sứ Isaia. Như chúng ta đã trình bày hôm qua, bài ca thứ nhất nói về những đặc tính và sứ mệnh của người tôi tớ của Thiên Chúa. Trong bài ca thứ hai hôm nay chúng ta nghe về ơn gọi của người tôi tớ của Thiên Chúa. Trong bài ca thứ hai này, Ngôn sứ Isaia cũng cho chúng ta biết người tôi trung của Thiên Chúa chính là Israel (x. Is 49:3). Người tôi trung Israel là người sẽ được Thiên Chúa sử dụng để biểu lộ vinh quang của Ngài. Đọc những lời này, chúng ta không khỏi không tự vấn lòng mình bởi vì chúng ta cũng xưng mình là những người tôi trung của Thiên Chúa, nhưng liệu đời sống của chúng ta biểu lộ vinh quang của Thiên Chúa cho mọi người không?
Điểm thứ hai chúng ta có thể rút ra từ bài đọc 1 là thái độ hoàn toàn tín thác vào Chúa và trân trọng chính nhân phẩm của mình [và của người khác], là người tôi tớ của Thiên Chúa. Isaia cho chúng ta hay rằng, nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cố gắng và vất vả làm nhiều việc, nhưng kết quả lại không được như lòng mong muốn và hệ quả là chúng ta nản lòng và thất vọng. Nhưng khi chúng ta biết có Thiên Chúa là Đấng minh xét và dành sẵn cho chúng ta phần thưởng, chúng ta sẽ không thất vọng, nhưng hy vọng và tín thác hơn (x. Is 49: 4). Từ đây, chúng ta có thể nói rằng, người không tin tưởng vào Chúa luôn dễ nản lòng trước khó khăn và thất vọng khi thất bại. Điều này đưa chúng ta đến thái độ cần phải có, đó là trân trọng chính nhân phẩm và ơn gọi của mình, vì chúng ta được chính Thiên Chúa “nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người tôi trung, đem nhà Giacóp về cho Người và quy tụ dân Israel chung quanh Người. Thế nên tôi được Đức Chúa trân trọng, và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi” (Is 49:5). Thật tuyệt vời khi chính Thiên Chúa trân trọng chúng ta. Tại sao chúng ta lại không trân trọng chính mình và người khác? Vì chúng ta được tạo dựng quá tuyệt vời, nên chúng ta không chỉ là tôi trung của Thiên Chúa để “tái lập” lại những gì đã rạn nứt, nhưng còn được đặt làm ánh sáng muôn dân, để đem ơn cứu độ của [Thiên Chúa] đến tận cùng cõi đất” (Is 49:6).
Bài Tin Mừng hôm qua chúng ta đã nghe về một “bữa tiệc” và trong bài Tin Mừng hôm nay chúng ta lại nghe về một “ bữa tiệc khác.” Cũng giống như hôm qua, bầu khí vui tươi và yêu thương của bữa tiệc bị phá tan bởi sự hiện diện và nhận định của Giuđa, bầu khi vui tươi và đầy yêu thương của bữa tiệc hôm nay cũng bị phá vỡ bởi lời tiên báo Chúa Giêsu về người sẽ nộp Ngài. Chính điều này làm cho tâm thần của Chúa Giêsu xao xuyến (Ga 13:21). Trong bữa tiệc hôm nay, bữa tiệc cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ, một bầu khí hiểu lầm bao trùm lấy những người môn đệ thân tín đã theo Ngài ba năm, và đã chứng kiến tất cả những phép lạ Ngài đã thực hiện. Bài Tin Mừng hôm nay gồm ba phần: (1) tiên báo về việc Giuđa sẽ nộp Chúa Giêsu; (2) lời tiên báo của Chúa về “giờ” của Ngài; (3) tiên báo về việc Phêrô sẽ chối Chúa Giêsu. Nhìn vào cấu trúc này, chúng ta nhận ra lối viết quen thuộc của các Thánh sử, đó là lối viết “bánh mì kẹp.” Cụ thể trong bài Tin Mừng hôm nay, bắt đầu và kết thúc với lời tiên báo về người nộp và người chối Chúa Giêsu và kẹp giữa là lời tiên báo về “giờ” của Ngài. Như vậy, phần quan trọng nhất trong bài Tin Mừng hôm nay chính là phần giữa, tiên báo về “giờ” của Chúa Giêsu. Chúng ta cùng nhau tập trung vào những lời này hầu rút ra được sứ điệp mà Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta ngày hôm nay.
Trong lời tiên báo về giờ của Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra “giờ” của Ngài liên quan đến Thiên Chúa và các môn đệ. Khi đối diện với “giờ” của mình, Chúa Giêsu “cảm thấy xao xuyến” (Ga 13:21): Ngài “xao xuyến” vì một trong các môn đệ nộp Ngài, một người khác sẽ chối Ngài và số còn lại sẽ bỏ Ngài. Có lẽ Chúa Giêsu cũng xao xuyến với chúng ta, vì nhiều lần trong cuộc sống chúng ta cũng đã nộp, chối và “bỏ rơi” Ngài trong “những anh chị em đau khổ” của chúng ta. Tuy nhiên, điều làm chúng ta kinh ngạc, đó là việc Chúa Giêsu vẫn cầm lấy chiếc bánh [chính Ngài], bẻ ra và đưa cho những môn đệ sẽ nộp, chối và bỏ Ngài. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng đối diện với những trường hợp tương tự: chúng ta cũng bị nộp, bị chối, bị bỏ rơi, bị làm tổn thương bởi những người mà chúng ta yêu mến hết lòng. Trong những giây phút như thế, liệu chúng ta có học được ở Chúa Giêsu thái độ “yêu cho đến cùng” không? Liệu chúng ta có tiếp tục “bẻ” chính mình ra và “trao ban” cho những người làm chúng ta đau khổ không? Đây chính là nét đặc biệt mà Chúa Giêsu đã thể hiện như là người “tôi tớ trung thành” của Thiên Chúa.
Hơn nữa, Chúa Giêsu “xao xuyến” vì đã đến giờ “Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người” (Ga 13:31-32). “Giờ” của Chúa Giêsu không chỉ nói đến sự đau khổ của Ngài trên thập giá, nhưng nói đến sự tỏ hiện vinh quang của Thiên Chúa và của Ngài. Đây chính là giờ Ngài được Thiên Chúa tôn vinh. Điều này nhắc nhở cho chúng ta về thái độ sống của mình. Một cách cụ thể, nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta để cho mình bị “bóng đen của thập giá” che mờ đi “vinh quang của phục sinh.” Chúng ta chỉ nhìn thấy “mặt trái,” mặt tiêu cựu của sự kiện và con người, nhưng lại bỏ quên “mặt phải,” mặt tích cực. Chính điều này làm chúng ta khó chấp nhận mầu nhiệm thập giá trong cuộc đời của chúng ta hay nếu có chập nhận thì chúng ta lại “hiểu lầm” thánh ý của Thiên Chúa. Tuy nhiên, dù chúng ta hiểu lầm hay không chấp nhận mầu nhiệm thập giá trong cuộc đời của mình để đạt đến vinh quang, chúng ta vẫn luôn biết rằng, Chúa Giêsu vẫn luôn bẻ chính mình Ngài và trao ban cho chúng ta mỗi ngay. Ngài vẫn gọi chúng ta với một tình yêu và cảm xúc dâng trào: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Do-thái: ‘Nơi tôi đi, các người không thể đến được,’ bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy” (Ga 13: 33). Không có gì đẹp hơn khi chúng ta, những người “nộp,” “chối” và “bỏ” Chúa Giêsu vẫn được Ngài gọi với những lời thật thân thương như thế: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy.” Liệu chúng ta có thể nói những lời thật dịu hiền như thế cho những người làm chúng ta đau khổ không?
Lm. Anthony, SDB.
…………………………………..
Suy Niệm 3: Báo trước sự phản bội
- Đức Giêsu ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ lần sau hết, quen gọi là bữa Tiệc Ly. Bài Tin Mừng hôm nay kể lại việc Đức Giêsu đã báo trước cho các môn đệ biết : có một người sẽ phản bội, sẽ nộp Ngài. Ngay cả đến lúc đó, nghĩa là sau thời gian gần ba năm huấn luyện các môn đệ, Đức Giêsu còn gặp phải một Giuđa phản bội Ngài và một Phêrô tự phụ đến chối Ngài. Thật không gì đau buồn cho Đức Giêsu hơn là khi nhìn thấy kẻ Ngài đã chọn lại phản bội Ngài. Ngài nhìn thấy Giuđa rời bàn tiệc để đi vào đêm tối, đi vào con đường từ chối tình yêu của Ngài. Ngài nhìn thấy và báo trước cho Phêrô rằng ông sẽ chối Ngài ba lần.
- Chúng ta chiêm ngắm Đức Giêsu và đi vào tâm tư của Chúa trong giây phút quan trọng này, có hai điểm quan trọng được nêu bật ở đây : Ngài là một vị Thiên Chúa nhập thể làm người như chúng ta; là con người, Đức Giêsu xúc động mạnh mẽ, tâm hồn xao xuyến sâu xa trước Cuộc Thương khó sắp trải qua, trước sự không hiểu và sắp phản bội của các môn đệ, của Giuđa phản bội và của Phêrô tự phụ chối Chúa.
Là một vị Thiên Chúa, Đức Giêsu ý thức rõ ràng điều sắp xẩy ra cho mình và gọi đó là việc tôn vinh Thiên Chúa. Giờ tử nạn là giờ tôn vinh. Thiên Chúa được tôn vinh, chính Chúa được tôn vinh và con người được tôn vinh, được hòa giải với Thiên Chúa, được lãnh nhận sự sống đời đời
(Mỗi ngày một tin vui).
- Còn ông Phêrô thì sao ? Chúng ta thấy ông luôn là con người hăng say, rất tình cảm. Khi nghe Chúa báo trước về cái chết của Ngài, ông thề sẵn sàng chết với Ngài. Những kẻ nghĩ mình vô tội đang cố tìm ra kẻ có tội… Chính Phêrô nhanh nhảu muốn tìm ra kẻ tội đồ, nhưng cũng chính ông tuy không phải là kẻ bán Thầy lại là kẻ chối Thầy, bỏ trốn… như lời Chúa đã cảnh báo. Nhưng có cái hay là khi ông được Chúa nhìn ông, tức thì ông đã nhìn ra cái tội chối Chúa của ông, và ông đã ra ngoài ăn năn khóc lóc thảm thiết.
- Còn anh Giuđa ? Đây là kẻ Đức Giêsu đã báo trước một cách rõ ràng :”Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy”, rồi Ngài cầm một miếng bánh trao cho Giuđa”. Thánh Gioan cho tội của Giuđa là tội phản Thầy, tội rất nặng.
Mặc dầu Chúa đã dùng lời nói và việc làm để loan báo, cảnh giác và tỏ tình thương đối với Giuđa, nhưng vì tính ham mê tiền của đã che lấp lòng trí, ông đã phản bội Chúa. Ông coi mạng sống của kẻ khác, của Thầy mình không nặng bằng tiền ! Với Giuđa, tiền trên hết, là tất cả ! Bởi coi khinh mạng sống của người khác và coi trong đồng tiền, rốt cuộc đời-ông-rách-nát !
- “Giuđa liền ra đi, lúc đó trời đã tối” : Trời đã tối, ở đây tượng trưng cho giờ của mãnh lực bóng tối hoành hành. Một hành vi xấu xa tội lỗi có thể làm u ám, hoen ố môi trường xã hội. Đó là những gương xấu, làm ảnh hưởng đến tha nhân và cộng đoàn.
Người đời thường nói :”Hoàng kim hắc thế tâm nhân” có nghĩa là đồng tiền làm đen tối lòng người. Mắt đã bị đồng tiền che mờ đi rồi thì không con nhìn ra công lý, không còn nhìn ra tình thương. Nói rõ ra, Giuđa đã đánh mất lương tâm.
Người da đỏ giải thích lương tâm như sau : Đó là một khối ba góc ở trong tim ta. Khi ta làm gì tốt thì nó nằm yên. Khi ta làm gì xấu, nó quay và đâm các góc nhọn vào ta. Nếu ta cứ làm điều xấu, các góc nhọn của nó mòn dần và không làm ta cảm thấy gì nữa cả (Weapons and Workers).
- Chúng ta thấy sự yếu đối là đặc tính của con người, của Giuđa, của Phêrô… nhưng cách hành xứ của mỗi người mỗi khác sau khi đã phạm tội. Giuđã đã tuyệt vọng đi thắt cổ chết. Còn ông Phêrô ? Cái làm cho Chúa thương Phêrô không phải là sự hăng hái của ông nhưng có lẽ là sự thống hối của ông. Sau khi đã chối Thầy, Phêrô đã ăn năn khóc lóc về sự hèn yếu của mình, có thể nói đó cũng là một hình thức phản bội. Đối với chúng ta hôm nay cũng vậy, Chúa không bao giờ chấp tội lỗi yếu đuối của chúng ta, nhưng cái mà Chúa chờ đợi ở chúng ta là lòng ăn năn sám hối.
- Truyện : Tội vô ơn của một đứa con.
Người con trai của một nhà truyền giáo bị bắt giữ, và bị qui cho tội phản động. Anh ta bị xét xử, kết án và cầm tù. Người cha già nua của anh, vốn nổi tiếng là người có học thức và là một Kitô hữu tốt lành, đã chạy đi khắp nơi tập hợp được hàng trăm chữ ký ký vào tờ đơn xin ân xá cho anh. Ông tìm đến tận Washington gặp Tổng thống Grant trình bầy tờ đơn đó và van xin tha thứ cho con trai ông, nhờ vào những công lao đóng góp của cha mẹ anh ta.
Được sự phê chuẩn của Tổng thống, người cha già nua đó vội vã đón xe lửa đến nhà tù gặp con trai.
Cầm trên tay tờ giấy được ân xá, ông nói với con trai :
– John ạ, cha có một tin vui mang đến cho con đây. Tổng thống Grant đã chấp thuận ơn xin ân xá của cha. Con có thể trở về nhà với cha ngay bây giờ, và kịp gặp được mẹ con trước khi mẹ con qua đời !
Nhưng con trai ông không đáp lại một lời. Người cha nói tiếp :
– Con có hiểu cha nói gì không , John ? Đây là tờ giấy chứng nhận con đã được ân xá.
Anh con trai vô ơn đó trả lời :
– Thưa cha, con rất tiếc đã làm buồn lòng cha, nhưng con đã quyết định không đi theo hệ thống chính trị này, và con sẽ sống theo chọn lựa của con.
Trái tim của người cha già hầu như tan nát. Ông ngã nhoài xuống hàng lưới sắt, và được một người gác ngục dìu đi.
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm Gp. Đà Lạt