spot_img
Thêm

    Thứ Ba, tuần 6/TN

    BÀI ĐỌC I: St 6, 5-8; 7, 1-5.10

    Thiên Chúa thấy tội ác loài người lan tràn trên mặt đất, mọi tư tưởng trong lòng đều luôn luôn hướng về đàng xấu, nên Chúa lấy làm tiếc vì đã tạo dựng loài người trên mặt đất, Người đau lòng mà nói: “Ta sẽ huỷ diệt khỏi mặt đất loài người mà Ta đã dựng nên, từ loài người đến loài vật, từ rắn rết đến chim trời, vì Ta lấy làm tiếc đã tạo dựng nên chúng”. Nhưng ông Noe được ơn nghĩa trước mặt Chúa. Chúa phán cùng Noe rằng: “Ngươi và cả nhà ngươi hãy vào trong tàu, vì trong thế hệ này, Ta chỉ thấy có ngươi là công chính trước mặt Ta. Trong các súc vật thanh sạch, ngươi hãy bắt mỗi thứ bảy con đực bảy con cái, còn trong các loài vật không thanh sạch, ngươi hãy bắt mỗi thứ hai con đực hai con cái. Nhưng các chim trời, ngươi hãy bắt mỗi thứ bảy con trống bảy con mái, để bảo tồn nòi giống các loài ấy trên mặt đất, vì còn bảy ngày nữa, Ta sẽ cho mưa trên mặt đất suốt bốn mươi đêm ngày, và Ta sẽ huỷ diệt khỏi mặt đất tất cả các loài Ta đã dựng nên”. Vậy Noe thi hành mọi điều Chúa đã truyền dạy. Và sau bảy ngày, nước lụt đã xảy đến trên đất.

    PHÚC ÂM: Mc 8, 14-21

    Khi ấy, các môn đệ quên mang bánh và chỉ còn một chiếc bánh trong thuyền. Và Chúa Giêsu dặn bảo các ông rằng: “Các con hãy coi chừng và giữ mình cho khỏi men biệt phái và men Hêrôđê”. Các môn đệ nghĩ ngợi và nói với nhau rằng: “Tại mình không có bánh”. Chúa Giêsu biết ý liền bảo rằng: “Sao các con lại nghĩ tại các con không có bánh? Các con chưa hiểu, chưa biết ư? Sao các con tối dạ như thế, có mắt mà không xem, có tai mà không nghe? Khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, các con đã thu được bao nhiêu thúng đầy miếng bánh dư, các con không nhớ sao?” Các ông thưa: “Mười hai thúng”. – “Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, các con đã thu được bao nhiêu thúng đầy miếng bánh dư?” Họ thưa: “Bảy thúng”. Bấy giờ Người bảo các ông: “Vậy mà các con vẫn chưa hiểu sao?”.

    Suy Niệm 1: TỘI LỖI, CƠN LỤT HỒNG THUỶ, VÀ CON TÀU NOE…

    Tội lỗi lan tràn. Con người hư hỏng… đến mức Chúa “lấy làm tiếc vì đã dựng nên họ”, và Ngài quyết định huỷ diệt họ! Cách diễn tả này trong sách Sáng thế vừa cho thấy mức độ hư hỏng của con người thật khủng khiếp, vừa cho thấy Chúa tôn trọng tự do của con người cách lạ lùng. Đó là sự tự do mà chính Chúa đã ban cho họ, nhưng Chúa vẫn để vậy mà không thu hồi, mặc dù họ dùng sự tự do ấy để chống lại Chúa.

    Tội lỗi tràn lan. Nhưng không phải tất cả mọi người đều hư hỏng, vì vẫn còn… ông NOE! Giữa đám đông bất tuân phục thánh ý Chúa, thì ông Noe vẫn sống trong ơn nghĩa với Chúa. Như câu ca dao về bông sen ‘gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn’! Một lần nữa, ta thấy sự khác biệt nằm ở cách sử dụng tự do. Ông Noe dùng tự do của mình theo cách lội ngược dòng trào lưu xung quanh, để trung tín vâng theo đường lối Chúa. Hãy tưởng tượng sự can đảm lẫn cảm nghiệm cô đơn nơi Noe – can đảm mới lội ngược dòng được, và cô đơn vì suy nghĩ và hành động của mình chẳng giống ai, chẳng ai giống mình!

    Chúa quyết định rằng Noe được cứu (saved) khi mọi sự bị xoá bàn (deleted) để làm lại, bằng cơn lụt hồng thuỷ nhận chìm tất cả. Gần như là một cuộc tạo dựng mới! Thế rồi, dường như chính Chúa cũng cảm thấy là đã hơi mạnh tay, nên Chúa hứa sẽ không bao giờ như thế nữa. Nhưng chính sự mạnh tay đến nỗi ‘hối tiếc’ này của Chúa càng cho thấy tội ác của con người khủng khiếp mức nào, đồng thời cũng cho thấy cuối cùng chỉ có một chìa khoá sống còn, đó là sống trong ơn nghĩa với Chúa, như ông Noe!

    Hình ảnh ông Noe can đảm, mạnh mẽ, và cô đơn như ghi nhận trên giúp ta nhận hiểu điều Chúa Giêsu cảnh giác các môn đệ Người: “Anh em hãy coi chừng và giữ mình cho khỏi men biệt phái và men Hêrôđê!” MEN là tác nhân gây lây nhiễm, lan tràn. Nó là ‘trend’, là xu hướng thời thượng cuốn hút đám đông. Cha De Mello mô tả về nó bằng cụm từ “cơn điên của hàng triệu người”. Nhưng Chúa Giêsu nhắc các môn đệ đừng để mình bị cuốn vào những xu hướng của người đời như vậy. Đừng chạy theo cái bên ngoài, cái giả hình, cái thực dụng, nói chung là những giá trị ảo lừa dối mình và gây hư hỏng. Hãy biết lội ngược dòng, và hãy chấp nhận bị chế giễu hay ngay cả bị ném đá vì lội ngược dòng – để trung tín sống theo đường lối Chúa và trong ơn nghĩa Chúa.

    Và Chúa Giêsu sẽ nhắc lại với chúng ta điều Người bảo đảm: “Ai bền chí đến cùng, sẽ được cứu độ”. Lội ngược dòng như ông Noe, chúng ta sẽ ở trên tàu Noe!

    Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.

    ……………………………

    Suy Niệm 2: HÃY SỐNG TỐT VÀ THÁNH THIỆN DÙ KHÔNG AI MUỐN THEO

    Sợi chỉ nối kết bài đọc 1 và Tin Mừng hôm nay là tư tưởng nói về việc “suốt ngày lòng [con người] chỉ toan tính những ý định xấu” (St 6:5) mà chúng ta tìm thấy trong bài đọc 1. Tư tưởng này được Chúa Giêsu diễn tả bằng một ngôn ngữ khác, đó là, “men Pharisêu và men Hêrôđê!” (Mc 8:15). “Men” tượng trưng cho một cái gì đó có sức sống mạnh mẽ từ bên trong. Trong bối cảnh của Tin Mừng hôm nay, khi nói đến “men,” Chúa Giêsu ám chỉ đến một “sự dữ” có thể lan truyền như một dịch bệnh. Nói cách cụ thể, “men Pharisêu và men Hêrôđê!” ám chỉ “lối sống giả tạo,” ưa chuộng hình thức bề ngoài mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài phải đề phòng. Ở đây, chúng ta được mời gọi xét lại cuộc sống của mình. Có lẽ chúng ta cũng đã từng ‘là một dịch bệnh’ nguy hiểm khi chúng ta nói xấu người khác hoặc khi chúng ta trở nên gương mù gương xấu cho người khác. Hãy trở nên men làm dậy khối bột của tình yêu và cảm thông hơn là trở thành thứ men làm dậy khối bột của hận thù và ghen tỵ.

    Ý tưởng thứ hai chúng ta có thể rút ra từ bài đọc 1 hôm nay là hình ảnh của Nôê. Ông luôn sống đẹp lòng Thiên Chúa khi mọi người không sống như thế. Ông không để cho “dịch bệnh làm điều xấu” ảnh hưởng đến mình. Ông sống theo thước đo của Thiên Chúa hơn là thước đo của con người. Trở về với cuộc sống ngày hôm nay, chúng ta nhận ra rằng: Xã hội mà chúng ta đang sống thường đặt tiêu chuẩn của sự thật dựa trên đám đông. Nói cách khác, điều nhiều người nói và làm sẽ trở thành tiêu chuẩn để đo lường, dù điều họ nói và làm là sai. Hệ quả là tạo cho chúng ta thái độ: Họ làm được thì tôi cũng làm được. Đây là điểm quan trọng mà bài đọc 1 hôm nay đưa ra để chúng ta suy gẫm. Chúng thấy ông Nôê sống đẹp lòng Thiên Chúa trong một thế giới mà sự gian ác của con người đầy dẫy mặt đất: “Đức Chúa thấy rằng trên mặt đất sự gian ác của con người quả là nhiều, và suốt ngày lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu. Đức Chúa phán: ‘Ta sẽ xoá bỏ khỏi mặt đất con người mà Ta đã sáng tạo, từ con người cho đến gia súc, giống vật bò dưới đất và chim trời, Ta hối hận vì đã làm ra chúng.’ Nhưng ông Nôê được đẹp lòng Đức Chúa” (St 6:5-8). Dù cả thế giới này sống không tốt, bạn cũng đừng chạy theo họ. Hãy trở thành người sống đẹp lòng Thiên Chúa như Nôê. Sự thật không luôn tuỳ thuộc vào đám đông. Sự thật chính là sự hoà hợp giữa “nguyên lý khách quan” bên ngoài [điều Chúa muốn] với “hình ảnh chủ quan” bên trong [điều mình muốn]. Khi ý Chúa và ý mình trở nên một, lúc đó chúng ta có sự thật và đang sống trong Sự Thật. Có câu nói trong đời rằng: Đừng cố gắng sống khác; sống tốt là khác rồi!

    Khi sống theo đám đông hơn là sống theo ý Chúa, chúng ta cũng đã nhiều lần làm cho Chúa “hối hận” và buồn rầu trong lòng như trong bài đọc 1 và Tin Mừng hôm nay nói đến. Trong bài đọc 1, chúng ta thấy “Đức Chúa hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất, và Người buồn rầu trong lòng” (St 6:6). Còn trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu buồn phiền vì các môn đệ chứng kiến các phép lạ Ngài làm nhưng vẫn không hiểu và chậm tin. Cuộc tranh luận với nhóm Pharisêu hôm qua được chuyển đối tượng hôm nay: các môn đệ.

    Chi tiết đầu tiên chúng ta tập trung vào là: “Họ quên mang bánh… họ chỉ có một cái bánh.” Chi tiết này là khởi đầu của hiểu lầm giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Hiểu lầm xảy ra vì Chúa Giêsu dạy các môn đệ về “ý nghĩa thiêng liêng của bánh” trong khi các môn đệ ở lại trên bình diện “vật chất của bánh.” Chúng ta đã nhiều lần như các môn đệ, đã để cho “yếu tố vật chất quyết định yếu tố tinh thần” [thuyết vô thần Marxist]. Chúng ta quá chú trọng đến “sự hèn mọn” của chúng ta mà quên mất “Đấng Toàn Năng sẽ làm cho tôi những điều cao cả.” Một cách thực tế hơn, chúng ta thường nhìn thấy những cái mình có quả nhỏ nhoi [chỉ có một chiếc bánh] so với nhu cầu thực tế của chính mình và người khác. Và chúng ta trở nên mất niềm tin vào Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay cảnh tỉnh chúng ta rằng, việc thiếu bánh không phải là vì các môn đệ không có, nhưng do các ông “quên đem bánh theo” (Mc 8:14). Tức là các ông có đủ bánh, nhưng do “không biết tiên liệu,” thiếu cẩn trọng nên rơi vào tình trạng “không có bánh” (Mc 8:16). Nhiều lần trong đời sống thường ngày của mình, chúng ta cũng không biết tiên liệu nên xảy ra những tình trạng đáng tiếc. Khi nhìn lại thì đã muộn. Ơn biết lo liệu là một trong bảy ơn của Chúa Thánh Thần. Ơn này giúp chúng ta biết tiên liệu, biết nhìn thấy trước những gì cần phải làm và phải tránh. Nếu chúng ta không có ơn này, chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta, kẻo chúng ta cũng bị Chúa Giêsu quở trách là những kẻ “có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe” (Mc 8:18).

    Chúng ta không thể từ chối rằng: Nhiều khi những khó khăn “trước mắt” làm chúng ta mất niềm tin vào Chúa Giêsu. Hay nói đúng hơn, nhiều khi chúng ta để cho những “nhu cầu tức thời” che mờ giác quan của chúng ta, làm cho chúng ta không còn nhớ những kỳ công Chúa đã thực hiện trong cuộc đời của chúng ta, hay làm chúng ta không còn có khả năng nhìn thấy bàn tay vô hình đầy yêu thương của Chúa đang nâng đỡ và dẫn dắt. Đây là điều mà các môn đệ gặp phải trong bài Tin Mừng hôm nay. Các ông để cho việc “không mang theo [đủ] bánh” che mờ con mắt của họ để rồi họ không còn nhớ hai lần Chúa Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều. Nhưng chúng ta thấy Chúa Giêsu rất kiên nhẫn nhắc lại cho họ về những điều Ngài đã làm để giúp họ hiểu thấu và lòng họ không còn ngu muội (x. Mc 8:17). Điều đáng kinh ngạc trong bài hôm nay chính là việc Chúa Giêsu kết thúc cuộc đối thoại với các môn đệ với câu hỏi thật cá nhân: “Anh em chưa hiểu ư?” (Mc 8:21). Sau khi thấy những điều Thầy đã làm và Thầy nhắc lại cho anh em về điều đó, anh em đã hiểu Thầy muốn gì nơi anh em chưa? Khi đi với Thầy, anh em đừng lo lắng về chuyện bánh ăn, nhưng lo đến việc lắng nghe lời Thầy và đem ra thực hành vì “con người không chỉ sống bởi cơm bánh, nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4:4).

    Chi tiết cuối cùng chúng ta để ý trong bài Tin Mừng hôm nay là hai con số: Mười hai và bảy. Trong lần hoá bánh ra nhiều lần thứ nhất Chúa Giêsu “bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn,” các môn đệ thu lại được 12 thúng đầy mẩu bánh (x. Mc 8:19). Còn lần thứ hai Chúa Giêsu “bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn,” các môn đệ đã thu lại được bảy giỏ mẩu bánh (Mc 8:20). Như chúng ta đã trình bày, Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều lần thứ nhất xảy ra ở Galilê, cho những người Do Thái, nên con số 12 thúng tượng trưng cho 12 chi tộc Israel. Còn trong lần hoá bánh ra nhiều lần thứ hai xảy ra trong vùng đất của dân ngoại, và số bảy tượng trưng cho con số các dân ngoại. Tư tưởng này giúp chúng ta hiểu rằng: Chúa Giêsu được sai đến không chỉ cho dân Israel, nhưng cho tất cả mọi người. Ngài không chỉ lấy Mình và Máu Ngài nuôi dưỡng dân “được tuyển chọn,” nhưng cả “dân không được tuyển chọn.” Cuộc sống của chúng ta cũng được mời gọi hoạ lại cuộc sống của Chúa Giêsu: Chúng ta không “chỉ bẻ chính mình” cho những người mình yêu thích, nhưng cho cả những người “bẻ đôi con tim” chúng ta.

    Lm. Anthony, SDB

    ……………………………………………

    Suy Niệm 3: Hãy tránh men biệt phái

    1. Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, Đức Giêsu xuống thuyền đi với các môn đệ. Nhưng các ông quên mang bánh theo, trong thuyền chỉ có một cái bánh. Dọc đường, Chúa căn dặn các ông cẩn thận lo tránh “men những người biệt phái và Hêrôđê”, tức là lo tránh thói tự mãn, cứng đầu cứng cổ của họ. Nhưng các ông không hiểu ý Chúa muốn nói, mà cứ tưởng là Chúa quở vì không mang bánh theo ăn, nên Chúa trách các ông chậm hiểu kém tin. Chính mắt các ông đã thấy hai phép lạ Chúa hóa bánh ra nhiều cho mấy ngàn người ăn no nê mà còn dư thừa, chính tai các ông đã nghe bao nhiêu lời Chúa dạy mà cũng chưa hiểu chưa tin.
    1. Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu ngồi trên thuyền với các môn đệ đi về hướng Betsaiđa; Người lợi dụng những phút rảnh rỗi để trắc nghiệm phản ứng của các ông về những phép lạ Người đã thực hiện, đặc biệt là phép lạ bánh và cá ra nhiều.
      Khi cảnh giác các môn đệ phải tránh men của biệt phái và men của Hêrôđê, Chúa Giêsu có ý ám chỉ đến sự mù quáng và những thành kiến của những nhóm này.  Chúa Giêsu đã dùng chữ “men” để nói đến tính kiêu ngạo và thái độ mù quáng ấy. Thế nhưng, các môn đệ đã không hiều được kiểu nói bóng bẩy ấy, đầu óc các ông còn đầy những bận tâm về vật chất.
    1. Từ thời Ai cập cổ đại, người ta đã dùng men để làm bánh mì, làm rượu. Mãi đến năm 1857 nhà khoa học Louis Pasteur mới khám phá ra rằng men thực ra là một thứ vi sinh vật thuộc loài nấm, âm thầm mọc rễ đam chồi trong các chất hữu cơ và làm biến chất chúng. Có những loài men hữu ích loài người biết được và sử dụng, nhưng cũng có hàng ngàn thứ men có hại như men chua, men thối làm hư hỏng thức ăn, thậm chí gây nhiễm độc chết người.
      Chúa Giêsu cho biết về mặt thiêng liêng cũng có nhiều thứ “men”. Có thứ “men Nước Trời” mà người môn đệ Kitô đem thấm nhập vào trong thúng bột thế giới và âm thầm làm nó dậy men. Cũng có thứ men mà Chúa cảnh giác các môn đệ phải coi chừng, phải loại bỏ men biệt phái và men Hêrôđê (5 phút Lời Chúa).
    1. “Anh em phải coi chừng, phải đề phong men biệt phái và men Hêrôđê (Mc 8,150.
      Khi xuống  thuyền vội vàng, các ông quên mang bánh theo, trên thuyền chỉ có một chiếc thì không đủ cho mọi người. Các ông bàn tán việc đi mua bánh. Nhân dịp này, Đức Giêsu răn dạy các môn đệ hãy dè giữ cho khỏi men người biệt phái và men Hêrôđê.
      Như chúng ta đã biết “Men” là hình ảnh những gì gây nên tình trạng biến chất, làm hư hại các chất hữu cơ). Các rabbi coi đó là những những hướng chiều xấu nơi con người. Ngày nay men biệt phái và men Hêrôđê vẫn còn sinh sôi nảy nở trong thời đại của chúng ta. Đó là thói kiêu căng giả hình, đánh mất lòng nhân nghĩa. Đó là “men” thực dụng, nặng về tiền bạc và vật chất, sống hưởng thụ và ích kỷ, men dâm ô, qua sách báo phim ảnh xấu khiến chúng ta vì đam mê chúng mà trở nên lãnh đạm thù nghịch với tình yêu Chúa và ơn cứu độ của Người.  Vậy chúng ta đang “say” thứ men nào, “men trần tục” hay “men Kitô”? 
    1. “Người bảo các ông : “Anh em chưa hiểu ư” ?
      Câu hỏi này là lời Chúa trách móc các môn đệ. Họ là những người đã chứng kiến những phép lạ Chúa làm, họ đã phân phát bánh hóa nhiều mà họ còn lo lắng để tiếp tế lương thực, trong lúc Chúa Giêsu còn ở bên cạnh họ ! Thế nhưng họ đã không ý thức rằng có Chúa Giêsu ở với họ, là họ có tất cả.
      Điều này thật đúng tâm lý chúng ta. Chúng ta dễ dàng chấp nhận rằng : dĩ vãng, Thiên Chúa đã can tiệp cứu giúp chúng ta, ở với chúng ta. Nhưng hiện tại, khi chúng ta gặp khó khăn, gặp thử thách , phản ứng đầu  tiên của chúng ta là lo lắng hốt hoảng, nghi ngờ, bối rối, chứ chúng ta có giữ bình tĩnh và tin chắc rằng Chúa vẫn tiếp tục ở với chúng ta không ?
    1. Truyện : Hãy nhìn ra dấu chỉ của thời đại.
      Một nhà thám hiểm Tây phương lạc hướng giữa sa mạc. Nguồn lương thực và nước uống đã khô cạn. Ông lê từng bước mệt mỏi trên cát nóng… Thình lình ông nghe tiếng suối róc rách và thấy trước mặt mình một ốc đảo xanh tươi. Thế nhưng, với lối suy nghĩ khoa học của người Tây phương, ông tự nghĩ :”Đây chỉ là một ảo ảnh… trong thực tế trước mắt ta làm gì có nước và cây cối”. Nghĩ như vậy, ông lại tuyệt vọng lê bước… Không bao lâu sau đó, hai người du mục tình cờ đi qua. Họ gặp một xác người. Một người thốt lên “Chỉ còn hai bước nữa là người này  đã có thể tới ốc đảo và tha hồ uống nước cũng như thưởng thức những trái ngọt cây lành”.
      Tại sao lại có chuyện thế này ?  Nhưng người bạn lắc đầu giải thích :”Ông ta là người Tây phương. Thế giới của chúng ta đầy ánh sáng và mầu nhiệm, nhưng con người lại dùng bàn tay nhỏ bé của mình để che đậy chúng”.
      Thảm trạng của con người thời đại : con người có nhiều kiến thức hơn, nhưng lại dùng bàn tay nhỏ bé của mình để che đậy ánh sáng và mầu nhiệm… con người không còn biết đọc ra những dấu chỉ của thời đại (Mỗi ngày một tin vui).Lm. Giuse Đinh Lập Liễm Gp. Đà Lạt

                                                                                       

     

               

    BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

    VIDEO CLIPS

    THÔNG TIN ƠN GỌI

    Chúng tôi luôn hân hoan kính mời các bạn trẻ từ khắp nơi trên đất Việt đến chia sẻ đặc sủng của Hội Dòng chúng tôi. Tuy nhiên, vì đặc điểm của ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, chúng tôi xin được đề ra một vài tiêu chuẩn để các bạn tiện tham khảo:

    • Các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, thuộc gia đình đạo đức, được các Cha xứ giới thiệu hoặc công nhận.
    • Ứng Sinh phải qua buổi sơ tuyển về Giáo Lý và văn hoá.

    Địa chỉ liên lạc về ơn gọi:

    • Nhà Mẹ: 115 Lê Lợi - Lộc Thanh - TP. Bào Lộc - Lâm Đồng.
    • ĐT: 0263 3864730
    • Email: menthanhgiadalatvn@gmail.com