spot_img
Thêm

    Thứ Ba tuần 5 Phục Sinh

    BÀI ĐỌC I: Cv 14, 18-27

    Trong những ngày ấy, có mấy người Do-thái từ Antiôkia và Icôniô đến xúi giục dân chúng. Họ ném đá Phaolô, và tưởng rằng Phaolô đã chết, nên kéo ngài ra bỏ ngoài thành. Nhưng đang khi các môn đồ đứng xung quanh ngài, ngài liền chỗi dậy đi vào thành, và hôm sau, ngài cùng Barnaba đi sang Đerbê. Khi đã rao giảng Tin Mừng cho thành này và dạy dỗ được nhiều người, các ngài trở lại Lystra, Icôniô và Antiôkia, củng cố tinh thần các môn đồ, khuyên bảo họ giữ vững đức tin mà rằng: “Chúng ta phải trải qua nhiều nỗi gian truân mới được vào nước Thiên Chúa”. Nơi mỗi hội thánh, các ngài đặt những vị niên trưởng, rồi ăn chay cầu nguyện, trao phó họ cho Chúa là Đấng họ tin theo.

    Sau đó, các ngài sang Pisiđia, đi đến Pamphylia. Sau khi rao giảng lời Chúa tại Perghê, các ngài xuống Attilia, rồi từ đó xuống tàu trở về Antiôkia, nơi mà trước đây các ngài đã được trao phó cho ơn Chúa để làm công việc các ngài mới hoàn thành. Khi đến nơi, các ngài tụ họp giáo đoàn, thuật cho họ nghe những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài và đã mở lòng cho nhiều dân ngoại nhận biết đức tin. Các ngài còn ở lại đó với môn đồ trong một thời gian lâu dài.

    PHÚC ÂM: Ga 14, 27-31a

    Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy sẽ trở lại với các con. Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin. Thầy không còn nói nhiều với các con nữa, vì thủ lãnh thế gian đã đến. Nó không có quyền lực gì đối với Thầy. Nhưng để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Cha, thì Thầy làm như Cha đã truyền dạy”.

    Suy Niệm 1: THẦY BAN CHO ANH EM BÌNH AN CỦA THẦY

    “Thầy để lại bình an cho anh em”…

    Nhưng các Tông Đồ của Thầy lại đầy gian nan khốn khó… Như Phaolô hôm nay bị những người Do thái ném đá thừa sống thiếu chết. Thật sự họ tưởng ngài đã chết nên quăng ra ngoài thành, rồi ngài lồm cồm bò dậy, ung dung đi vào… Mà đây mới chỉ một vụ việc – Phaolô còn lên bờ xuống ruộng bao phen khác nữa…

    Sao thế nhỉ?… À thì ra, Thầy đã nói là Thầy ban bình an CỦA THẦY, không phải bình an của thế gian! … Vì thế Thầy nhắc “lòng anh em đừng xao xuyến và đừng sợ hãi”!… Quả là Phaolô đã không sợ hãi, và các Tông Đồ của Thầy không ai sợ hãi, dù gặp phải những ngược đãi đủ kiểu trên đường sứ mạng…

    Thì ra, Phaolô và các Tông Đồ vẫn có bình an thật, bình an của Thầy, bình an sâu thẳm trong tâm hồn – bất chấp xác thân các ngài phải đòn roi hay bị ném đá bầm giập!

    Chúng ta thường mong muốn bình an vô sự. Nhưng bình an vô sự là bình an của thế gian – nó không hẳn là bình an thật trong tâm hồn. Hãy dám xin Chúa ban cho mình bình an của Chúa, bình an thật, ngay cả dù đó là bình an không ‘vô sự’ chút nào!… Bạn hãy nghĩ đi, có tất cả nhưng không có bình an trong tâm hồn, và lao đao lận đận nhưng trong tâm hồn vẫn bình an – bạn biết mình sẽ chọn đàng nào…

    Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.

    ……………………

    Suy Niệm 2: HÃY ĐỂ BÌNH AN CỦA CHÚA GIÊSU NGỰ TRỊ TRONG LÒNG CHÚNG TA

    Thường chúng ta hay kể về những thành quả và chiến tích vẻ vang của mình trong công việc; chẳng mấy khi chúng ta kể đến những thành công của người khác. Nói cách chân thật hơn, chúng ta thường hay “nói tốt” về mình và “nói xấu” người khác. Điều đó xảy ra vì chúng ta quên mất một Đấng luôn đồng hành và muốn chia sẻ với chúng ta tất cả những gì chúng ta thực hiện trong cuộc sống thường ngày.

    Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta về hình ảnh của Phaolô và Banaba. Hai ngài đã chịu rất nhiều ngược đãi. Phaolô đã bị ném đá và lôi ra ngoài thành. Nhưng Thiên Chúa đã gìn giữ và giúp ngài tiếp tục công việc rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Điều làm chúng ta quan tâm để suy gẫm ở đây là khi Phaolô và Banaba trở về với cộng đoàn các môn đệ tại Antiôkhia, “là nơi trước đây các ông đã được giao phó cho ân sủng của Thiên Chúa để làm công việc vừa mới hoàn thành [rao giảng Tin Mừng]” (Cv 14:26), các ngài “tập họp Hội Thánh và kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông, và việc Người đã mở cửa cho các dân ngoại đón nhận đức tin” (Cv 14:28). Chúng ta thấy Phaolô và Banaba không kể gì khác ngoài việc “kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông.” Hai ngài không kể chiến tích hiển hách của mình, nhất là việc nhờ các ngài mà dân ngoại được nghe Tin Mừng và tin vào Thiên Chúa. Mọi sự các ngài đều quy về cho Thiên Chúa, Đấng luôn hoạt động với, qua và trong các ngài. Chúng ta cần học ở Phaolô và Banaba: khi gặp gỡ nhau, chúng ta nói cho nhau nghe những điều Thiên Chúa đã làm cùng với chúng ta hơn là “nói xấu” người khác. Hãy sống luật sống này: “Khi bạn mở miệng, hãy nói tốt cho người khác. Nếu bạn không thể nói tốt cho người khác, tốt nhất là bạn hãy im lặng.”

    Bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến một điều mà ai trong chúng ta cũng khao khát và tìm kiếm, đó là bình an. Người ta thường nói: bình an không phải là không có hay vắng bóng chiến tranh, nhưng bình an là một nỗ lực thiết lập lại quan hệ sau chiến tranh qua sự tha thứ và bỏ qua hận thù. Nói cách khác, bình an là hoa trái của sự tha thứ. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy, bình an là món quà mà Ngài để lại và ban cho các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14:27). Bình an mà Chúa Giêsu hứa ở đây, các môn đệ chỉ đạt được khi các ông sống trọn vẹn giới răn mới mà Ngài để lại cho các ông [được trình bày trong chương 13 và những câu đi trước của bài Tin Mừng hôm nay]. Bình an Chúa Giêsu ban cho các ông khác với bình an mà thế gian ban cho chúng ta. Nói cách cụ thể, bình an mà Chúa Giêsu mang đến cho các ông sẽ làm tan biến sự xao xuyến của các ông khi Chúa Giêsu đi về cùng Chúa Cha. Trong bối cảnh này, bình an Chúa Giêsu hứa ban cho các môn đệ chính là Chúa Thánh Thần.

    Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong lời hứa của Chúa Giêsu cho các môn đệ trong Tin Mừng hôm qua và như “món quà” mang lại bình an cho các môn đệ trong Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta hiểu được câu 28: “Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy.” Khi chúng ta yêu mến Chúa Giêsu, chúng ta sẽ được Thiên Chúa tỏ lộ ra cho biết Ngài là ai: Ngài là sự hiệp thông của Ba Ngôi Vị [Cha – Con – Thánh Thần]. Như vậy, khi Chúa Giêsu đi về cùng Chúa Cha, thì Ngài sẽ xin Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần xuống. Câu này liên kết chúng ta với điều Chúa Giêsu nói với các môn đệ trong chương 16, khi Ngài nói cho họ về Chúa Thánh Thần: “Song, Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (Ga 16:7). Việc sai Chúa Thánh Thần xuống sẽ hoàn tất điều chúng ta tin về mầu nhiệm Ba Ngôi. Điều có lợi cho các môn đệ và chúng ta ở đây chính là việc mạc khải về Thiên Chúa là sự hiệp thông của Ba Ngôi vị được “hoàn thành” với việc “sai” Chúa Thánh Thần đến. Tuy nhiên, trong tiến trình mạc khải về mầu nhiệm Ba Ngôi, câu 28 cũng đã làm dậy lên một cuộc tranh luận và đã nảy sinh ra một lạc giáo, đó là lạc giáo Ariô [thế kỷ thứ tư]. Lạc giáo này dùng phần cuối của câu 28 [“Chúa Cha cao trọng hơn thầy”] để nói đến việc Chúa Giêsu lệ thuộc vào Chúa Cha và không ngang bằng với Chúa Cha. Lạc giáo này quan niệm rằng: Vì không ngang hàng với Thiên Chúa, nên Chúa Giêsu không phải là Chúa mà là một tạo vật, một “siêu nhân.” Ngài không hiện hữu từ muôn thuở. Như vậy, có một thời gian Ngài không hiện hữu. Nhưng điều này không phải là điều Thánh Gioan nhắm đến. Như chúng ta biết, Tin Mừng Thánh Gioan nói đến sự hiệp nhất không thể tách rời của Chúa Cha và Chúa Giêsu [như chúng ta đã trình bày trong những tuần trước]. Ngài thật sự là “một” với Chúa Cha.

    Câu 29 của bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan dùng để nói về tình trạng của các môn đệ từ không tin đến tin, từ không biết đến biết: “Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin” (Ga 14:29). Điều này nói đến sự “vội vàng” hoặc thái độ “mì ăn liền” của chúng ta khi đối diện với mầu nhiệm của Thiên Chúa. Chúng ta muốn hiểu mọi sự “trước khi sự việc xảy ra.” Sống trong mầu nhiệm của Thiên Chúa, những người kiên nhẫn và bình thản mới có thể hiểu được những biến cố xảy ra cho mình [và cho gia đình mình]. Những người vội vàng, nông cạn sẽ không hiểu được những điều Chúa muốn nói với họ qua những sự kiện thường ngày.

    Chương 14 của Tin Mừng Thánh Gioan [được trích trong câu 31a] kết với lời khẳng định của Chúa Giêsu về tình yêu của Ngài dành cho Chúa Cha. Những điều sẽ xảy ra cho Chúa Giêsu [mầu nhiệm Vượt Qua], là mạc khải tình yêu của Ngài dành cho Chúa Cha: “Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy.” Nói  cách khác, Chúa Giêsu mạc khải tình yêu và sự vâng phục của Ngài với Chúa Cha qua chính cuộc thương khó và phục sinh của Ngài. Như thế, sự đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu không phải là một vinh quang tạm thời trên Satan, nhưng là dấu chỉ của sự vâng phục đầy yêu thương của Chúa Giêsu dành cho Chúa Cha. Trong đau khổ và sự chết của mình, chúng ta có đón nhận với thái độ vâng phục “đầy yêu thương” dành cho Thiên Chúa không?

    Lm. Anthony, SDB.

    ……………………….

    Suy Niệm 3: Thầy ban bình an cho anh em

    1. Khi nghe những lời giáo huấn của Đức Giêsu trong bầu khí chuẩn bị chia tay – bữa tiệc ly – các môn đệ tỏ ra đau buồn và xao xuyến. Nhận thấy rõ như vậy, Ngài đã an ủi, khích lệ bằng cách dạy các ông phải bình tĩnh, và Ngài sẽ ban cho tâm hồn các ông được hưởng bình an của Chúa.
      Trong lúc đang hoang mang sợ hãi như thế mà Đức Giêsu lại nói “Thầy để lại sự bình an cho các con. Thầy ban bình an của Thầy cho các con”. Như thế, thứ bình an này hẳn là đặc biệt.
    1. Bình an ở đây không phải là hòa bình, một tình trạng không chiến tranh, tranh chấp, cũng không phải là tâm trạng của người hết căng thẳng về tâm lý, hoặc tâm trạng khoan khoái thoải mái, sung sướng… là những trạng thái thuộc lãnh vực tự nhiên.
      Theo ngôn ngữ của thánh Gioan, bình an, sự thật, ánh sáng, sự sống, niềm vui… là những từ diễn tả nhiều khía cạnh  khác nhau của ân huệ lớn lao mà Đức Giêsu từ Chúa Cha mang đến cho loài người. Ân huệ này chính là giải thoát, ơn cứu độ. Việc Đức Giêsu chịu chết để đem lại ơn giải thoát, việc Ngài phục sinh  đem lại sự sống đời đời : đó là ân huệ lớn lao, là bình an  mà Ngài ban  nhằm trấn an các môn đệ (Trần Hữu Thành).
    1. Nếu hiểu bình an là không có chiến tranh, tranh chấp, thì loài người chúng ta cũng không nhận được bình an của Chúa. Theo sự phát giác của một số sử gia, thì khoảng 150 năm trước Chúa Giêsu và từ Chúa Giêsu tới nay, thế giới mới thực sự hưởng thái bình hơn kém 300 năm, còn lại trên 3000 năm đã xẩy ra biết bao cuộc chiến tranh lớn nhỏ. Ai cũng trông mong bình an, mà đâu có bình an.
      Thực ra, khởi điểm của sự bình an đó là chính đời sống của mỗi người chúng ta, một đời sống hòa hợp với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình. Do đó, để có được bình an của Chúa là khi chúng ta sống theo điều răn của Chúa, chu toàn bổn phận của mình, và nếu chúng ta có bình an nơi mình, chúng ta sẽ có bình an với người khác. Nói khác đi,  bình an trong gia đình và hòa bình trên thế giới là phản ánh của bình an nội tâm.
    1. Là nguyên ủy của sự bình an, dĩ nhiên Chúa Giêsu chỉ rao giảng và thể hiện sự bình an mà thôi. Nhưng hòa bình hay bình an mà Chúa Giêsu mang đến như Ngài xác nhận trong bài Tin mừng hôm nay không phải là thứ hoà bình thế gian ban tặng. Hòa bình hay bình an của thế gian thường chỉ là là hai chữ bình an đồng nghĩa với an phận, với trốn tránh, với thỏa hiệp. Hòa bình hay bình an Chúa Giêsu mang đến chỉ có thể có được bằng một giá đắt : nó đòi hỏi sự chiến đấu, chấp nhận mất mát, có khi cả mạng sống mình. Hòa bình hay bình an ấy chỉ có khi con người có thể thốt lên như thánh Phaolô :”Lương tâm tôi không trách cứ tôi điều gì”. Chỉ khi lương tâm không trách cứ chúng ta điều gì, lúc đó chúng ta mới có được bình an hay hòa bình thực sự trong tâm hồn (Mỗi ngày một tin vui).
    1. Michael Jackson, một danh ca nhạc rock nổi tiếng, đã đạt tới đỉnh cao danh vọng. Ước mơ của anh là được sống tới 105 tuổi, nên anh chẳng ngại thuê trực thăng đem khí ocxy từ đỉnh núi cao về rồi bơm đầy phòng kính nơi anh ở để tránh mọi sự ô nhiễm. Liệu anh có thật sự an toàn và bình an trong căn phòng của mình ?
      Con người luôn khao khát được sống bình an và đã tìm kiếm bình an  bằng tất cả những gì mình có. Tuy nhiên, họ chỉ có được sự bình an cách tương đối mà thôi. Bề ngoài trông họ có vẻ bình an, nhưng thật ra, bên trong tâm hồn, họ lại đầy những lo lắng và khổ đau.  Đức Giêsu cho thấy chỉ Người mới có thể đem lại bình an đích thực cho con người, một thứ bình an nội tâm sâu xa. Bình an đó chỉ có khi con người biết cậy nhờ ơn Chúa giúp, để chiến thắng được kẻ thù lớn nhất là tính tham lam, ích kỷ, xấu xa, tội lỗi của mình.
    1. Nếu chỉ mong bình an hòng tránh khỏi những bất trắc trong cuộc sống thì không đảm bảo hạnh phúc cho chúng ta. Còn bình an mà hôm nay Chúa Giêsu trao cho các môn đệ thì hoàn toàn khác. Khác ở chỗ : Nếu muốn được bình an thực sự, trước tiên phải có đức tin. Chỉ có đức tin mới cảm nghiệm được sự bình an sâu xa trong tâm hồn. Bởi lẽ : Bình an của Chúa Giêsu chính là bình an ngay trong những khổ cực đau thương, mất mát và ngay trong những hiểu lầm oán ghét, bất công… Như vậy, ơn bình an này chính là ân huệ đức tin và hệ quả của bình an chính là đem lại ơn cứu chuộc cho con người chứ không phải đem lại cho con người sự an tâm, đảm bảo phần xác.
    1. Truyện : Bình an của Đức Giáo hoàng Gioan 23.
      Ông Giacôbo Veisu, một nhà điêu khắc nổi tiếng của Italia đã viết hồi ký về những giây phút cuối đời của Đức Gioan 23 kể lại như sau :
      Vào ngày cuối cùng của chuỗi ngày đau đớn kéo dài, Linh mục Cabovila , bí thư riêng của Đức Thánh Cha, đến bên giường bệnh, hôn tay Ngài và hỏi xem Ngài cảm thấy thế nào. Đức Thánh Cha Gioan 23 trả lời :
      – Tôi cảm thấy trong mình khỏe khoắn và bình an như thể tôi đang ở trong tay Chúa, nhưng đồng thời tôi cũng cảm thấy hơi lo.
      Linh mục Cabovila thưa :
      – Xin Cha đừng lo, những người phải lo là chính chúng con đây. Chúng con đã nói chuyện với bác sĩ.
      Đức Thánh Cha Gioan  23 ngắt lời :
      – Họ đã nói những gì với con ?
      Linh mục bí thư nghẹn ngào nói :
      – Thưa Đức Thánh Cha, con muốn nói với Cha một sự thật. Hôm nay là ngày của Chúa, hôm nay là ngày Cha sẽ được về Thiên Đàng !
      Nói xong, Linh mục bí thư  quì gối xuống bên giường, hai tay bưng mặt khóc. Vài phút nặng nề trôi qua, bỗng cha cảm thấy có một bàn tay âu yếm  xoa đầu mình và nghe một giọng nói ôn tồn :
      – Hãy ngước mắt nhìn lên ! Bình thường người thư ký của Cha rất mạnh mẽ, can đảm, nhưng sao bây giờ lại trở thành mềm nhũn như thế.  Cha đã nói với Người Bề Trên của Cha những lời hay đẹp nhất  mà con người có thể nghe từ miệng Linh mục !
      Vâng đó là thứ Bình an đích thực  mà Chúa ban cho những ai tin Chúa.

      Lm. Giuse Đinh Lập Liễm Gp. Đà Lạt

                                                                                                   

    BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

    VIDEO CLIPS

    THÔNG TIN ƠN GỌI

    Chúng tôi luôn hân hoan kính mời các bạn trẻ từ khắp nơi trên đất Việt đến chia sẻ đặc sủng của Hội Dòng chúng tôi. Tuy nhiên, vì đặc điểm của ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, chúng tôi xin được đề ra một vài tiêu chuẩn để các bạn tiện tham khảo:

    • Các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, thuộc gia đình đạo đức, được các Cha xứ giới thiệu hoặc công nhận.
    • Ứng Sinh phải qua buổi sơ tuyển về Giáo Lý và văn hoá.

    Địa chỉ liên lạc về ơn gọi:

    • Nhà Mẹ: 115 Lê Lợi - Lộc Thanh - TP. Bào Lộc - Lâm Đồng.
    • ĐT: 0263 3864730
    • Email: menthanhgiadalatvn@gmail.com