spot_img
Thêm

    Thứ Ba tuần 5 Mùa Chay

    BÀI ĐỌC I: Ds 21, 4-9

    Trong những ngày ấy, các người Do-thái rời bỏ núi Hor, theo con đường về phía Biển Ðỏ, để vòng quanh xứ Eđom. Dân chúng đi đường xa mệt nhọc, nên nản chí, kêu trách Chúa và Môsê rằng: “Tại sao các người dẫn chúng tôi ra khỏi Ai-cập, cho chúng tôi chết trong hoang địa. Không bánh ăn, không nước uống, chúng tôi đã ngán thức ăn nhàm chán này”. Bởi đó Chúa cho rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người, họ chạy đến cùng Môsê và thưa rằng: “Chúng tôi đã phạm tội, vì chúng tôi nói những lời phản nghịch Chúa và phản nghịch ông. Xin ông cầu nguyện để Chúa cho chúng tôi khỏi rắn cắn”. Môsê cầu nguyện cho dân. Và Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ngươi hãy đúc một con rắn đồng và treo nó lên làm dấu; kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được sống”. Môsê đúc một con rắn đồng, treo nó lên làm dấu, và kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được chữa lành.

    PHÚC ÂM: Ga 8, 21-30

    Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người biệt phái rằng: “Ta ra đi, các ông sẽ tìm kiếm Ta và sẽ chết trong tội của các ông. Nơi Ta đi các ông không thể tới được”. Người Do-thái nói với nhau rằng: “Ông ta sắp tự vẫn hay sao mà lại nói “Nơi Ta đi các ông không thể tới được”?” Chúa Giêsu nói tiếp: “Các ông thuộc về hạ giới; còn Ta, Ta bởi trời cao. Các ông thuộc về thế gian này; còn Ta, Ta không thuộc về thế gian này. Ta đã nói: Các ông sẽ chết trong tội các ông. Vì, nếu các ông không tin Ta, các ông sẽ chết trong tội của các ông”. Vậy họ liền hỏi: “Ông là ai?” Chúa Giêsu trả lời: “Là Nguyên thuỷ đang nói với các ông đây! Ta có nhiều điều phải nói và đoán xét về các ông, nhưng Ðấng đã sai Ta là Ðấng chân thật, và điều Ta nói ra trong thế gian đây, chính là điều Ta đã nghe biết ở Ngài”. Nhưng họ không hiểu là Người nói về Chúa Cha, vì thế Chúa Giêsu nói: “Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai. Ta không tự mình làm điều gì. Ðiều Ta nói, chính là điều Chúa Cha đã dạy Ta. Ðấng đã sai Ta đang ở với Ta; Ngài không để Ta một mình, bởi vì Ta luôn luôn làm điều đẹp lòng Ngài”. Khi Người nói những điều ấy thì có nhiều kẻ tin vào Người.

    Suy Niệm 1: HÃY NHÌN LÊN VÀ TIN VÀO ĐẤNG CHỊU ĐÓNG ĐINH!

    “Các ông sẽ chết trong tội của các ông!” Câu này của Chúa Giêsu được nhắc đến ba lần trong đoạn Phúc Âm Gioan hôm nay. Và có lẽ đây là cách ‘chú giải’ tốt nhất cho sự kiện “Chúa cho rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người” trong sa mạc khi họ kêu trách Chúa và Môsê. Sự kiện ấy mở ra giải pháp “con rắn đồng” mà Chúa đề nghị Môsê cho đúc và treo lên. Một hình ảnh biểu tượng mà chính Chúa Giêsu xác nhận có ý nghĩa tiên báo về cái chết treo Thập giá đầy năng lực cứu rỗi của Người!

    Tất cả việc mà những người bị rắn cắn cần làm là NHÌN LÊN con rắn đồng. Chỉ nhìn lên bằng ánh mắt kêu cứu thôi, vâng, chứ đã yếu nhược lắm rồi, thoi thóp sắp chết rồi, thì có khả năng làm gì hơn? NHÌN LÊN như vậy chính là TIN vào Chúa Giêsu, Đấng chịu đóng đinh: “Nếu các ông không TIN Ta, các ông sẽ chết trong tội của các ông!” Thập giá là nơi Chúa Giêsu mặc khải rõ nhất về Người: “Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai”.

    Lưu ý, Chúa Giêsu đang nói với những người biệt phái, họ là nhóm đạo đức đặc biệt. Đạo đức đặc biệt, nhưng bị cảnh cáo rằng “các ông sẽ chết trong tội của các ông”! Đạo đức đặc biệt, nhưng mù tịt không nhận biết Chúa Giêsu, đến nỗi chính họ sẽ “đưa Con Người lên cao” tức là giết Con Thiên Chúa, hành động điên rồ nhất, thì khi ấy họ mới nhận biết Người là ai! Sự mù quáng, cố chấp, sai lầm, ảo tưởng và hư hỏng của con người có thể đến mức đó. Nhưng điều lạ lùng không tưởng nhất, đó là Thiên Chúa – dù không hề muốn sự dữ – vẫn có thể rút ra điều tốt lành nhất cho con người từ chính sự dữ khủng khiếp của con người: Chúa Giêsu bị treo lên ấy trở thành ƠN CỨU ĐỘ cho bất cứ ai nhìn lên và TIN vào Người!

    Thật vậy, sứ điệp căn bản trong bài giảng tiên khởi (kerygma) của các Tông đồ là: Đức Giêsu Nadaret… quí vị đã cho đóng đinh… và Người đã chết, nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại… đặt Người làm Đấng Kitô… quí vị hãy sám hối và tin vào Người… sẽ được sống! Như con rắn đồng đem lại sự chữa lành và sự sống, Chúa Giêsu chịu đóng đinh trở thành NGUỒN SỐNG cho tất cả chúng ta.

    Để không “chết trong tội của mình”, tất cả chúng ta hãy NHÌN LÊN và TIN vào Người!

    Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.

    ………………………………

    Suy Niệm 2: CHÚNG TA KHÔNG CÔ ĐỘC VÌ CHÚA GIÊSU LUÔN Ở BÊN

    Mất kiên nhẫn luôn là đề tài muôn thuở của con người. Hành trình càng dài, kết quả càng xa thì sự mất kiên nhẫn là mối cám dỗ lớn nhất. Đây chính là hình ảnh được trình bày trong bài đọc 1 hôm nay. Do hành trình qua sa mạc có nhiều khó khăn, dân Israel mất kiên nhẫn và “kêu trách Thiên Chúa và ông Môsê rằng: ‘Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Aicập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? Chúng tôi đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này’” (Ds 21:5). Họ kêu trách Chúa khi những nhu cầu cần thiết cho thân xác của họ không được thoả mãn. Họ kêu trách Chúa vì những gì Chúa ban cho họ đã trở nên nhàm chán. Đây là hình ảnh của mỗi người chúng ta ngày hôm nay. Nhiều lần chúng ta cũng nhàm chán với những gì Ngài ban cho chúng ta: chúng ta thấy thánh lễ, đời sống cầu nguyện, đời sống yêu thương tha thứ anh chị em mình trở nên vô vị. Và như thế chúng ta kêu trách và mất kiên nhẫn với Thiên Chúa, với chính mình và với anh chị em chung quanh. Để có được phương thuốc chữa lành nọc độc của việc mất kiên nhẫn và kêu trách Thiên Chúa, ông Môsê đã kêu dân chúng nhìn lên con rắn đồng treo trên cây cột. Ai nhìn lên con rắn thì được sống. Chi tiết này dạy chúng ta rằng: Chỉ những ai mắt luôn hướng về trời cao [hướng về Chúa Giêsu, Đấng chịu treo trên thập giá] mới hiểu giá trị của sự kiên nhẫn và biết ơn những gì Thiên Chúa đã ban.

    Chúng ta chỉ hiểu bài Tin Mừng hôm nay khi chúng ta nối kết nó với đoạn trước (Ga 8:12-20) mà trong đó Thánh Gioan trình bày việc Chúa Cha làm chứng cho Chúa Giêsu. Nhưng dù có Chúa Cha làm chứng, người Do Thái vẫn không tin vào Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến. Vì không tin, nên khi Chúa Giêsu trở về với Chúa Cha, những người Do Thái không tin sẽ chết trong tội của mình: “Đức Giêsu nói với người Do Thái rằng: ‘Tôi ra đi, các ông sẽ tìm tôi, và các ông sẽ mang tội mình mà chết. Nơi tôi đi, các ông không thể đến được’” (Ga 8:21). Đây là bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay. Trong những lời trên, Chúa Giêsu ám chỉ đến việc Ngài sẽ phục sinh và trở về với Chúa Cha, nhưng những Người Do Thái không tin và không hiểu điều Ngài nói, nên họ tưởng Ngài sẽ tự tử (x. Ga 8:22). Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại đức tin của mình. Nhiều lần Thiên Chúa nói chúng ta qua lời Ngài, qua những người khác, qua những sự kiện trong cuộc sống mà chúng ta vẫn không tin vào Ngài. Đức tin của chúng ta ngày càng suy yếu và chúng ta chết trong lối sống tội lỗi của mình. Hãy mở rộng cõi lòng cho Chúa Giêsu, để Ngài dẫn chúng ta về với Chúa Cha qua mầu nhiệm vượt qua của Ngài – qua cái chết đến vinh quang.

    Đứng trước việc người Do Thái không hiểu điều Ngài nói, Chúa Giêsu khẳng định về sự khác biệt giữa Ngài với họ: “Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này. Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết” (Ga 8:23-24). Sự tương phản giữa nguồn gốc từ trời của Chúa Giêsu và nguồn gốc từ đất của những người chống đối Ngài làm cho việc họ đi đến nơi Chúa Giêsu đến trở nên không thể. Điều này không có nghĩa là họ không thể đến. Họ có thể đến nơi Ngài đến [Chúa Cha] chỉ qua Ngài, đó là tin vào Ngài. Sự tương phản này chỉ nhằm mục đích mạc khải chân tính của Chúa Giêsu: Ngài là Đấng Hằng Hữu. Như vậy, những ai không tin Ngài là Đấng Hằng Hữu sẽ bị phán xét và sẽ mang tội mình mà chết. Chi tiết này khuyến cáo chúng ta về việc nhiều lần chúng ta quá nhấn mạnh đến nhân tính của Chúa Giêsu và biến Ngài thành một con người. Chúng ta cần phải nhớ rằng Chúa Giêsu cũng là Chúa. Vì vậy, đức tin vào Chúa Giêsu giúp chúng ta tuyên xưng Ngài là Chúa thật và là Người thật. Hai bản tính này không thể tách rời nhau.

    Dù Chúa Giêsu nói cho họ biết về nguồn gốc thượng giới của mình, người Do Thái vẫn không biết Ngài là ai: “Họ liền hỏi Người: ‘Ông là ai?’” Theo các học giả Kinh Thánh, những lời này là lời đáp trả của những người không có khả năng nghe Chúa Giêsu trực tiếp, nên họ cần lời giải thích về chân tính của Chúa Giêsu: “Đức Giêsu đáp: ‘Hoàn toàn đúng như tôi vừa nói với các ông đó. Tôi còn có nhiều điều phải nói và xét đoán về các ông. Nhưng Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói.’ Họ không hiểu là Đức Giêsu nói với họ về Chúa Cha” (Ga 8:26-27). Những lời này một lần nữa chứng minh Chúa Giêsu đến từ Chúa Cha. Lời của Ngài đến từ Chúa Cha qua lời phán xét dành cho những ai không nhận ra rằng Thiên Chúa đang nói với họ qua Ngài. Điều này mời gọi chúng ta xem xét lại lời ăn tiếng nói của mình. Chúng ta có thật sự nói lại những điều chúng ta đã nghe Thiên Chúa nói không? Những người để Thiên Chúa nói qua họ là những người không bao giờ dùng lời nói của mình để nói xấu hầu làm tổn thương và mất danh dự của người khác.

    Cuối cùng, Chúa Giêsu khẳng định cho thính giả của mình rằng: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy. Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người” (Ga 8:28-29). Trong những lời này, Chúa Giêsu nói cho thính giả của Ngài rằng, chính cái chết trên thập giá của Ngài mạc khải Ngài là ai và chứng tỏ sự hiệp nhất của Chúa Giêsu với Chúa Cha. Đây không phải là giây phút vinh quang của Satan; cũng không phải là dấu hiệu Thiên Chúa bỏ rơi Ngài (x. Ga 14:30; 16:32-33). Thập giá là giây phút vinh quang khi Satan bị đánh bại và sự nên một với Thiên Chúa được cảm nghiệm cách sâu xa nhất. Chi tiết này an ủi chúng ta trong giây phút đau khổ của cuộc đời. Trong giây phút đó, chúng ta được mời gọi bước vào mầu nhiệm tình yêu, mầu nhiệm vinh quang của Thiên Chúa để chiến thắng quyền lực tối tăm làm chúng ta nản lòng và mất niềm tin vào Chúa. Chúng ta hãy nhớ rằng chỉ trong giây phút của thập giá, chúng ta mới hiểu được tình yêu của Thiên Chúa, mới biết thế nào là yêu cho đến cùng và như thế mới cảm nghiệm được Thiên Chúa gần chúng ta như thế nào.

    Lm. Anthony, SDB.

    ………………………….

    Suy Niệm 3: Tình thương và tội lỗi

    1. Sau câu chuyện về người đàn bà phạm tội ngoại tình, Đức Giêsu ở lại Đền thờ và trong khi tranh luận với người Do thái, Ngài đã báo trước cái chết và ơn cứu rỗi của Ngài.
      Qua câu chuyện con rắn đồng trong Cựu ước, Đức Giêsu cho họ biết chính Ngài là Đấng mà con rắn đồng là hình ảnh tiên báo. Ngài nói với những người Do thái : “Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai”. Như thế, việc Đức Giêsu chết trên thập giá không phải là một thất bại mà là một chiến thắng. Ngài không “bị” mà “được” đưa lên cao để trở thành nguồn ơn cứu độ cho những ai tin tưởng nhìn lên Ngài.
    1. Ngài là ai ? Một lần nữa, Đức Kitô muốn cho những người biệt phái hẹp hòi và cứng lòng biết Ngài là ai ? Và Đấng mà họ muốn loại trừ bằng mọi giá nhưng Ngài lại thong dong đi lại theo ý mình. Đấng mà họ lên án lả kẻ tội lỗi khi mà chính họ sẽ chết trong tội lỗi của mình, và Ngài không ngại gì nói cho họ biết điều ấy. Đấng sẽ lên trời, trong khi đó họ sẽ ở lại dưới đất. Đấng mà họ sẽ treo cao trên thập giá, ngỡ rằng có thể loại bỏ Ngài mãi mãi, nhưng ngược lại, họ đã nâng Ngài lên vinh quang, cho đến muôn đời.
      Đức Kitô nói :”Nếu các ông không tin, các ông sẽ mang tội lỗi mà chết”. Họ không tin. Họ không tin Đấng không tự mình làm điều gì nhưng chỉ nói điều Cha đã dạy, vì Ngài là Thiên Chúa cũng như Cha Ngài.
    1. “Khi các ông giương Con Người lên, bấy giờ sẽ biết Ta Hằng hữu”.
      Sử dụng ngôn ngữ  biểu tượng, bài Tin Mừng hôm nay  là lời tiên báo của Đức Giêsu về cuộc khổ nạn của Ngài sắp chịu. Khác với ba lần nơi các Tin Mừng Nhất lãm tiên báo cái chết một cách rõ ràng là Đức Giêsu sẽ lên Giêrusalem chịu khổ nạn, thì Tin Mừng thứ IV cũng tiên báo ba lần với cách nói :”Con Người được“giương lên cao”(x.Ga 3,14; 8,28; 12,32). Con Người được giương lên cao, nghĩa là Đức Giêsu sẽ bị treo lên trên thập giá, để nhờ công ơn cứu chuộc qua khổ giá, mà Ngài nâng mọi người lên cao khỏi thế gian, nâng cao lên cõi Trời với Ngài.
      Theo chiều ngang, với cách nói Tin Mừng Nhất Lãm rằng  ai muốn theo Chúa thì hãy bỏ mình, vác thập giá mà theo. Còn theo chiều dọc, Tin Mừng Thứ IV lại nói theo chiều đi lên, không chỉ vác  mà còn phải được treo lên, nghĩa là cùng phải đóng đinh chính mình vào thập giá như Thầy. Như vậy, dù “đi theo” hay “treo lên”, thì Kitô hữu cũng chung một phương thế duy nhất là phải qua thập giá mới đạt đến ơn Cứu Độ (Theo Hiền Lâm).
    1. Trong cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và những người biệt phái, Ngài mạc khải cho họ biết : Ngài là Thiên Chúa xuống thế làm người, nên giống chúng ta hoàn toàn, chịu đóng đinh và chết trên thập giá để cứu độ con người, đem lại sự giao hòa giữa con người với Thiên Chúa.
      Như vậy, Ngài mạc khải sứ mạng thiên sai của chính mình, và mạc khải mối tương quan chặt chẽ giữa Ngài và Thiên Chúa Cha :”Ta không tự mình làm điều gì. Điều Ta nói, chính là điều Chúa Cha đã dạy Ta. Đấng đã sai Ta đang ở với Ta. Ngài không để ta một mình, bởi vì Ta luôn luôn làm đẹp lòng Ngài”.
      Cho nên, người tin nhận Đức Giêsu thì cũng phải tin nhận Thiên Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài xuống trần gian làm người và cứu chuộc nhân loại như Giáo hội tuyên tín từ thời các Tông đồ : Vì loài người chúng ta, và để cứu rỗi chúng ta, người đã từ trời xuống thế.
    1. Vì thế, khi chiêm ngắm thập giá của Đức Giêsu, chúng ta không ngừng nghe vang dội từ thập giá ấy lời nhắc nhở về một tình yêu cao cả dành cho tất cả chúng ta, cũng như nhắc nhở về bóng tối của tội lỗi vẫn còn rình rập trong cuộc sống chúng ta. Đó là hai điều chúng ta cần suy nghĩ nhiều trong Mùa Chay và nhất là trong Tuần Thánh sắp tới.
      Ngoài ra, hãy sống đạo thực thụ chứ đùng mang tên là Kitô hữu mà lại có cách sống phản lại với danh hiệu cao quí đó. Chúng ta hãy cố gắng là “chứng nhân” của Chúa trong cách sống, đừng bao giờ thảnh “phản chứng” kẻo làm ô danh Chúa và Hội thánh của Ngài.
    1. Truyện : Đừng trở thành phản chứng.
      Trong chương trình buổi tối của một đài truyền hình Hoa kỳ, một cô gái điếm đã được mời phát biểu ý kiến dựa theo một số câu hỏi của một phóng viên truyền hình.
      Cô gái ấy trang điểm thật diêm dúa và tỏ ra không những bình tĩnh mà còn có thái độ khiêu khích trước những câu hỏi của người phóng viên.
      Chợt nhìn thấy trên cổ của cô gái có đeo một  dây chuyền bằng vàng với một cây Thánh giá nhỏ, người phóng viên thay đổi đề tài để hỏi cô gái.
      Anh ta hỏi :”Tôi thấy cô có đeo một Thánh giá nhỏ ở trên cổ. Hẳn cô là người có tôn giáo đúng không” ?
      Khán giả thấy rõ sự bối rối của cô gái điếm. Có lẽ đây là một vấn đề mà cô không bao giờ nghĩ tới. Sau một chút do dự, cô ta liền trả lời :”Tôi không theo đạo nào cả”.
      Người phóng viên hỏi dồn :”Thế tại sao cô lại mang Thánh giá trên người mình như dấu chỉ của người có đạo ?
      Cô gái điếm thinh lặng cúi nhìn xuống sàn nhà một hồi khá lâu, rồi cô trả lời với những lời lẽ thú tội :”Lúc còn nhỏ tôi có đạo. Nhưng đó là chuyện rất lâu rồ”.

      Lm. Giuse Đinh Lập Liễm Gp. Đà Lạt

    BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

    VIDEO CLIPS

    THÔNG TIN ƠN GỌI

    Chúng tôi luôn hân hoan kính mời các bạn trẻ từ khắp nơi trên đất Việt đến chia sẻ đặc sủng của Hội Dòng chúng tôi. Tuy nhiên, vì đặc điểm của ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, chúng tôi xin được đề ra một vài tiêu chuẩn để các bạn tiện tham khảo:

    • Các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, thuộc gia đình đạo đức, được các Cha xứ giới thiệu hoặc công nhận.
    • Ứng Sinh phải qua buổi sơ tuyển về Giáo Lý và văn hoá.

    Địa chỉ liên lạc về ơn gọi:

    • Nhà Mẹ: 115 Lê Lợi - Lộc Thanh - TP. Bào Lộc - Lâm Đồng.
    • ĐT: 0263 3864730
    • Email: menthanhgiadalatvn@gmail.com