Nguồn: Catholic News Agency
Chuyển ngữ: JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên
Hãy xin Thánh Giuse đấu tranh cho công việc xứng nhân phẩm
Ngày 1 tháng 5 – Lễ kính Thánh Giuse Thợ, cũng là Ngày Quốc tế Lao động – từng là dịp đặc biệt được Đức Cố Giáo Hoàng Phanxicô dành để lên tiếng mạnh mẽ về phẩm giá lao động. Trong Thánh lễ diễn ra tại nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta năm 2020, ngài đã dâng lời cầu nguyện và giảng giải với trái tim đầy ưu tư về thân phận người lao động khắp nơi trên thế giới.
Hôm ấy, tượng Thánh Giuse Thợ được Hiệp hội Công nhân Công giáo Ý (ACLI) cung nghinh đến nơi cư trú của ngài. Trước hình ảnh Thánh Giuse cầm trong tay những công cụ lao động, Đức Phanxicô đã tha thiết cầu xin: “Chúng ta cầu xin Thánh Giuse – qua hình ảnh tuyệt đẹp này với những công cụ lao động trên tay – trợ giúp chúng ta tranh đấu cho phẩm giá của lao động, để mọi người đều có việc làm và đó là công việc xứng đáng, không phải công việc của nô lệ.”
Mở đầu Thánh lễ, Đức Phanxicô nhắc rằng ngày lễ Thánh Giuse Thợ được Đức Piô XII thiết lập năm 1955 cũng chính là ngày Quốc tế Lao động, một ngày lễ nghỉ ở Ý. Ngài nói:
“Hôm nay, trong ngày kính Thánh Giuse Thợ và ngày dành cho giới lao động, chúng ta cầu nguyện cho tất cả người lao động, để không ai bị thất nghiệp và mọi người được trả lương xứng đáng. Ước gì họ cảm nhận được phẩm giá nơi lao động và vẻ đẹp của sự nghỉ ngơi.”
Trong bài giảng, Đức Cố Giáo Hoàng Phanxicô suy niệm về trình thuật con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa trong sách Sáng Thế 1,26–2,3. Ngài nhấn mạnh rằng Kinh Thánh dùng từ “công việc” để mô tả việc Thiên Chúa tạo dựng trời đất. Ngài nói:
“Lao động chính là sự tiếp nối công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Lao động là ơn gọi Thiên Chúa trao ban cho nhân loại ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Lao động khiến con người trở nên giống Thiên Chúa, vì qua lao động, con người trở thành những nhà kiến tạo – có khả năng làm nên nhiều điều, thậm chí là xây dựng một gia đình.”
Đức Thánh Cha tiếp tục: Lao động tự nó mang lại những điều tốt lành, tạo nên sự hài hòa – vẻ đẹp, sự thiện hảo – và liên kết mọi khía cạnh của con người. Lao động là ơn gọi đầu tiên của con người. Chính điều này mang lại phẩm giá cho nhân loại. Phẩm giá ấy làm cho ta trở nên giống Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha kể về một người đàn ông từng đến trung tâm Caritas xin lương thực cho gia đình. Một nhân viên tại đó nói: “Ít ra ông cũng mang được một ít bánh mì về nhà.” Nhưng người đàn ông trả lời: “Nhưng chỉ mang đồ ăn về thì chưa đủ. Tôi muốn tự mình kiếm được bánh mì hằng ngày.”
Đức Phanxicô nhận định rằng “Người đàn ông ấy không chỉ đói cơm bánh, nhưng còn đói phẩm giá – phẩm giá của người lao động, người tự ‘làm ra’ tấm bánh ấy bằng chính sức lao động của mình và mang về nhà.” Ngài nói rằng phẩm giá của lao động đã bị chà đạp qua nhiều thời kỳ lịch sử, ngài đưa ra dẫn chứng về những người nô lệ bị đưa từ châu Phi sang châu Mỹ:
“Nhưng ngay cả hôm nay vẫn còn vô số người đang sống kiếp nô lệ, rất nhiều đàn ông, phụ nữ bị không có quyền tự do lao động, họ bị ép buộc chỉ để tồn tại, không hơn”
Đức Thánh Cha nhắc đến một bài báo về một người đàn ông ở châu Á đã đánh chết một công nhân chỉ vì người ấy làm phật lòng ông, dù người ấy chỉ kiếm được chưa tới nửa đô-la mỗi ngày. Ngài khẳng định, không chỉ ở châu Á, người lao động còn bị đối xử bất công ở nhiều nơi trên thế giới, kể cả châu Âu. Ngài lấy ví dụ về một người giúp việc không được trả lương thỏa đáng, không có bảo hiểm xã hội hay lương hưu. Ngài nói:
“Mọi bất công đối với người lao động đều là hành vi chà đạp phẩm giá con người, và cả phẩm giá của chính người gây ra bất công… Trái lại, ơn gọi mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta thì cao cả hơn nhiều: đó là sáng tạo, tái tạo, và lao động. Nhưng điều đó chỉ có thể thực hiện khi có những điều kiện công bằng, và phẩm giá con người được tôn trọng.”
Sau Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã chủ sự giờ Chầu Thánh Thể và ban phép lành, rồi cùng cộng đoàn theo dõi trực tuyến đọc kinh rước lễ thiêng liêng. Kết thúc, cộng đoàn hát bài thánh ca kính Đức Mẹ trong mùa Phục Sinh: Regina caeli.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha cũng ghi nhận rằng vẫn còn những “doanh nhân tốt lành” đang dấn thân đấu tranh cho công lý tại môi trường lao động. Ngài kể về cuộc điện thoại cách đây hai tháng từ một doanh nhân người Ý, xin ngài cầu nguyện vì ông không muốn sa thải bất kỳ nhân viên nào. “Sa thải một người trong số họ cũng giống như sa thải chính tôi vậy,” người ấy nói.
Đức Phanxicô ca ngợi: “Có rất nhiều doanh nhân tốt lành như thế, những người chăm sóc công nhân của mình như chăm sóc con cái.”
Hôm nay, khi nhớ đến ngài, chúng ta không chỉ nhớ lời giảng dạy, mà còn nhớ trái tim của một người Cha luôn đứng về phía người bé mọn. Mong rằng thông điệp về phẩm giá lao động mà Đức Cố Giáo Hoàng để lại sẽ mãi được khơi dậy trong mỗi người, nhất là nơi những ai đang đấu tranh cho một thế giới công bằng hơn.
Nguồn: dongten.net