spot_img
Thêm
    Trang chủCầu Nguyện & Suy NiệmDịp Đặc BiệtSuy Niệm Kinh Mân Côi Theo Tinh Thần Lâm Bích

    Suy Niệm Kinh Mân Côi Theo Tinh Thần Lâm Bích

    THỨ NĂM : CHÚA GIÊSU CHỊU CHẾT TRÊN CÂY THÁNH GIÁ

     

    Xin ơn : chết đi cho những dục vọng xấu những đam mê tội lỗi.

    Lời Chúa :“Đức Giê-su kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn” (Mt 27,50).

    Suy niệm : Hy lễ của Đức Ki-tô thì hữu hiệu.

     

    Vị tư tế nào cũng phải đứng trong Đền Thờ lo việc phụng tự mỗi ngày và dâng đi dâng lại cũng ngần ấy thứ lễ tế; mà những lễ tế đó chẳng bao giờ xóa bỏ được tội lỗi. Còn Đức Ki-tô, sau khi dâng lễ tế duy nhất để đền tội cho nhân loại, Người đã lên ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời. Và từ khi đó, Người chờ đợi ngày các kẻ thù bị đặt làm bệ dưới chân. Quả thật, Người chỉ dâng hiến lễ một lần, mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hóa được nên hoàn hảo. Điều đó cả Thánh Thần cũng làm chứng cho chúng ta thấy. Quả thật, sau khi phán: Đây là giao ước Ta sẽ lập với chúng sau những ngày đó, thì Đức Chúa phán: Ta sẽ ghi vào tâm khảm chúng, sẽ khắc vào lòng trí chúng lề luật của Ta.Ta sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm và việc gian ác của chúng nữa. Mà nơi nào đã có ơn tha tội, thì đâu cần lễ đền tội nữa. (Dt 10,11-18)

    Sách Dân số thuật lại hành trình sa mạc của dân Do Thái: Trong những ngày ấy, dân chúng đi đường xa mệt nhọc, nên nản chí, kêu trách Chúa và Môsê rằng: “Tại sao các người dẫn chúng tôi ra khỏi Ai-cập, cho chúng tôi chết trong hoang địa. Không bánh ăn, không nước uống, chúng tôi đã ngán thức ăn nhàm chán này”. Bởi đó Chúa cho rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người, họ chạy đến cùng Môsê và thưa rằng: “Chúng tôi đã phạm tội, vì chúng tôi nói những lời phản nghịch Chúa và phản nghịch ông. Xin ông cầu nguyện để Chúa cho chúng tôi khỏi rắn cắn”. Môsê cầu nguyện cho dân. Và Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ngươi hãy đúc một con rắn đồng và treo nó lên làm dấu; kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được sống”. Môsê đúc một con rắn đồng, treo nó lên làm dấu, và kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được chữa lành.(X.Ds 21,4-9).

    Sau này trong Tân Ước, Chúa Giêsu đã nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng :“Như ông Moi-se đã giương cao con rắn trong sa mạc thế nào, Con Người  cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,14).

    Vâng, Con Người đã bị treo lên: “đúng như lời Kinh Thánh”!

    Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa đã chấp nhận cái chết đau thương, nhục nhã. Chỉ dưới ánh sáng Phục Sinh, dần dần toàn bộ cuộc đời của Chúa Giêsu mới tỏ rõ ý nghĩa… kể cả cái chết của Ngài. Các đoạn văn Isaia mô tả về Người Tôi Trung đau khổ (Is 42,1-44; Is 49,1-13; Is 50,4-11; Is 52,13-53,12; Is 61). Thánh phao-lô đã nói : Chúa Giêsu đã chết “đúng như lời Kinh thánh” (1Cr 15,3). Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24,26)

    Con Người đã bị treo lên “vì chúng ta”

    Kinh thánh lặp đi lặp lại nhiều lần điều đó: Chúa Giêsu đã chết “vì chúng ta” và “vì tội lỗi chúng ta”. “Đức Giê-su chính là Đấng bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính” (Rm 4,25). “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính”( 2Cr 5,21; “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình.” (Ga 10,18); “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em!” (Lc 22,19).

    I-sai-a đã tiên báo về dung mạo của Người Tôi Trung của Gia-vê:

    Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng họa, phải nhục nhã ê chề. 5 Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. 6 Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả. Nhưng ĐỨC CHÚA đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta. 7 Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng. 8 Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu. Dòng dõi của người, ai nào nghĩ tới? Người đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh, vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt. 9 Người đã bị chôn cất giữa bọn ác ôn, bị mai táng với người giàu có, dù đã chẳng làm chi tàn bạo và miệng không hề nói chuyện điêu ngoa. 10 ĐỨC CHÚA đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ người, ý muốn của ĐỨC CHÚA sẽ thành tựu. 11 Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ. 12 Vì thế, Ta sẽ ban cho người muôn người làm gia sản, và cùng với những bậc anh hùng hào kiệt, người sẽ được chia chiến lợi phẩm, bởi vì người đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân; nhưng thực ra, người đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi.( Is 53,4-12).

    Linh đạo : Khi viết thư cho Đức Cha Francois Pallu , Đấng Sáng Lập nói : “còn về tin tức nội tâm, chúng tôi sẽ cố gắng chu toàn  nghĩa vụ trong tinh thần chết đi đối với  mọi sự thuộc về chính mình. Thiên Chúa làm điều đó bằng cách  gia tăng lòng nhân từ và ràng buộc chúng tôi ngày càng chặt hơn vào Thánh Giá của Người, ban cho chúng tôi hướng chiều về Thánh Giá …”( TT bút tích trang 79). “Về những người phải được nhận vào Hiệp Hội này, ý nghĩa của Thiên Chúa là họ phải hoàn toàn chết đi với chính mình, đối với thế gian và đối với bạn hữu, thân nhân…Nhưng cũng có thể nhận cả những người tuy chưa được đi vào cuộc sông trổi vượt, song có ơn gọi và được kêu mời dấn bước  đi vào cuộc sống”(X. TT bút tích, tr.47).

    Chiều kích chiêm niệm của Đức Cha Lambert diễn tả tình yêu phi thường đối với Đấng Chịu Đóng Đinh, là động lực thúc đẩy những ai muốn bước theo linh đạo Mến Thánh Giá trong những hành động cụ thể: thông phần cuộc khổ nạn của Đức Ki-tô và tiếp nối cuộc đời đau khổ của Người. Theo tinh thần của Đấng Sáng Lập thì Con Thiên Chúa đã chết để cứu độ nhân loại, nên cũng đòi buộc những người con cái của người nhận ra được ơn gọi Mến Thánh Giá cao trọng dường nào và vì thế, họ phải chết đi đối với thế gian, nghĩa là đối với giác quan, bản tính tự nhiên và lý trí người đời, để từ nay chỉ sống bằng những châm ngôn, những thực hành và bằng chính đời sống của Chúa Ki-tô.(X. Btt 10). Mở đầu cho bản luật tiên khởi Đấng sáng lập đã viết: theo giáo huấn của Thánh Phao-lô: “ Đức Ki-tô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống, không còn sống cho mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2Cr 5,15). Nên bổn phận của các chủ chăn, cách riêng trong giáo hội phôi thai, là truyên bá chân lý rất ít người biết đó cho tất cả Kitô hữu. (x.TT bút tích, tr.27)

    Cầu Nguyện: “ Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga12,14).

    Lạy Chúa Giê-su, Chúa chính là hạt lúa, Chúa Cha đã gieo vào thửa đất trần gian. Hạt lúa đã mục nát vì tội lỗi nhân loại và đã  làm nảy sinh Ơn Cứu độ cho tất cả những ai tin vào Danh Người. Giờ đây, dưới chân Thánh Giá, chúng con xin hiệp thông với Mẹ chiêm ngắm người con yêu dấu của Mẹ trong hình hài tàn tạ, nhục nhằn trên Thánh Giá. Chúng con tạ ơn Chúa đã yêu thương đến tận cùng, đã hy sinh chết để  chúng con được sống. Chúng con xin dâng Hy lễ Thập Giá này để tạ ơn Cha trên Trời vì đã hy sinh Người Con Một yêu dấu cho nhân loại chúng con. Trên Thánh Giá , Chúa đã nói : “ Ta khát”. Vâng, Chúa khát được yêu, Chúa khát các linh hồn, Chúa khát cho con người được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa để họ được hạnh phúc trọn vẹn. Xin cho mọi người trên thế gian nhận biết tình yêu cứu độ của Chúa. Xin cho những người Kitô hữu biết đáp trả tình thương cứu độ của Chúa bằng cách chết đi cho những dục vọng xấu, những đam mê tội lỗi của mình. Xin Thần Khí Chúa giúp những người sống linh đạo Mến Thánh Giá biết sống tinh thần tự hủy, biết buông bỏ, biết tận diệt những gì làm cản trở chúng con trên đường theo Chúa và biết chết đi cho tha nhân mỗi ngày qua sự dấn thân phục vụ, để sau này cùng được Phục Sinh với Chúa. Amen.

    Maria Teresa

    BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

    VIDEO CLIPS

    THÔNG TIN ƠN GỌI

    Chúng tôi luôn hân hoan kính mời các bạn trẻ từ khắp nơi trên đất Việt đến chia sẻ đặc sủng của Hội Dòng chúng tôi. Tuy nhiên, vì đặc điểm của ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, chúng tôi xin được đề ra một vài tiêu chuẩn để các bạn tiện tham khảo:

    • Các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, thuộc gia đình đạo đức, được các Cha xứ giới thiệu hoặc công nhận.
    • Ứng Sinh phải qua buổi sơ tuyển về Giáo Lý và văn hoá.

    Địa chỉ liên lạc về ơn gọi:

    • Nhà Mẹ: 115 Lê Lợi - Lộc Thanh - TP. Bào Lộc - Lâm Đồng.
    • ĐT: 0263 3864730
    • Email: menthanhgiadalatvn@gmail.com