spot_img
Thêm
    Trang chủThông TinGiáo Hội Việt NamSống Phúc Âm Giữa Lòng Dân Tộc: 45 năm Thư mục vụ...

    Sống Phúc Âm Giữa Lòng Dân Tộc: 45 năm Thư mục vụ của HĐGM Việt Nam (1980 – 2025)

    Jos. Nguyễn Công Đoan, SJ
    Cả Giáo Hội đang cùng bước đi trong Năm Thánh. Đây là một cơ hội quý giá để mọi người cùng nhìn lại, nhận ra dấu ấn tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa trải dài xuyên suốt dòng lịch sử, để sống tâm tình tri ân cảm tạ, và để làm mới lại cuộc lữ hành đức tin của chúng ta.

    Nhìn lại lịch sử Hội Thánh tại Việt Nam từ biến cố 30/04/1975, chúng ta không  thể không nhận ra vai trò cột mốc của cuộc họp và Thư Mục Vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 1980.

    Hội Thánh hai miền Nam Bắc cùng nhau đi theo ánh sáng Công Đồng Vatican II

    Công Đồng Vatican II diễn ra trong thời gian đất nước bị chia đôi, Nam Bắc cách ngăn. Trong khi các Giám Mục ở miền Nam đi tham dự Công Đồng thì các Giám Mục ở miền Bắc có khi thậm chí còn không biết là có Công Đồng đang diễn ra. Phải chờ tới khoảng năm 1972 các văn kiện của Công Đồng mới đến tay các Giám Mục ở miền Bắc. Nhưng không dễ để phổ biến và áp dụng các văn kiện của Công Đồng.

    Suốt thời kỳ 1954-1975, Hội Thánh ở miền Bắc hoàn toàn bị ngăn cách với bên ngoài nên chỉ biết giáo huấn đã tiếp nhận trước đó trong thái độ đối với chính quyền. Minh hoạ cụ thể nhất của thái độ này là thư của các giám mục họp tại Hà Nội năm 1951. Bức thư này theo giáo huấn của Đức Thánh Cha Piô XI, kết án chủ nghĩa Cộng Sản vô thần và cấm người Công Giáo hợp tác với người cộng sản (thông điệp Divini Redemptoris, 19-3-1937).

    Cần nhớ rằng trước năm 1975, có hai Nhà Nước ở hai miền Nam Bắc: miền Nam vẫn còn dưới quyền Nhà Nước “Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam” do Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam lãnh đạo, và miền Bắc dưới quyền Nhà Nước “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” do Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo.  Sau năm 1975, khi không còn “Nước Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam” nữa, thì chỉ còn một Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo, với thủ đô là Hà Nội. Tuy vậy quan hệ trao đổi thông tin và gặp gỡ giữa Hội Thánh ở hai miền Nam Bắc diễn ra rất chậm, vì việc giao thông liên lạc giữa hai miền Nam Bắc còn bị hạn chế cả về hành chánh lẫn phương tiện giao thông.

    Hội Đồng Giám Mục Miền Nam Việt Nam họp một lần vào mùa hè 1976 và một lần nữa vào năm 1978 tại Sài Gòn. Cuối năm 1977, Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, đại diện cho Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đi Roma họp Thượng Hội Đồng Giám Mục về việc giảng dạy giáo lý. Bài phát biểu của Đức Cha Bình mang tựa đề “giảng dạy giáo lý trong môi trường của một nước theo chủ nghĩa Mác-xít”, đã gây nhiều tiếng vang trong Hội Thánh.

    Cuối tháng tư năm 1980, dịp kỷ niệm 5 năm biến cố 30 tháng tư, Hội Đồng Giám Mục toàn quốc họp lần đầu tiên tại Thủ Đô Hà Nội. Đây là một biến cố lịch sử. Cả phía Nhà Nước lẫn nội bộ Hội Thánh đều chờ đợi các Giám Mục đưa ra một giáo huấn cho cuộc sống của Hội Thánh trong chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa do Đảng Cộng Sản lãnh đạo.

    Vấn đề được một số người đặt ra cách quyết liệt là yêu cầu các Giám Mục phải rút lại bức thư của các Giám Mục họp tại Hà nội năm 1951 và đưa ra đường lối mới cho Hội Thánh.

    Các Giám Mục họp nhau đã cầu xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chứ không theo cách suy nghĩ phàm tục. Chúa Thánh Thần đã mở ra hướng đi mới cho “Hội Thánh trong thế giới hiện nay” qua Công Đồng kết thúc 15 năm trước đó và Hội Thánh ở khắp thế giới đang nỗ lực đi theo. Hướng đi mới này không chọn đối đầu nhưng là đối thoại, không đối nghịch nhưng là đồng hành. Hội Đồng đã thấy  ngay con đường phải đi là đối thoại và đồng hành.

    Người Công Giáo không có một nước riêng, không có một vùng đất riêng. Người Công Giáo sống trên cùng miền đất với dân tộc mình, cùng chung tay xây dựng đất nước, phục vụ đồng bào của mình, theo ánh sáng Phúc Âm mình đã lãnh nhận khi gia nhập Hội Thánh. Các Giám Mục đã vạch hướng đi cho người Công Giáo Việt Nam là “sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc” trong thư mục vụ ngày 1 tháng 5, 1980.

     Bức thư này mang giá trị lịch sử không chỉ vì đánh dấu một biến cố, nhưng là một sự chọn lựa có giá trị làm ánh sáng soi đường, tiếp thu ánh sáng của Công Đồng Vatican II. Suốt 45 năm qua, bức thư này vẫn là điểm quy chiếu cho các cuộc trao đổi giữa Nhà Nước với người Công Giáo tại Việt Nam cũng như với Tòa Thánh ở Roma.

    Những cột mốc trong quan hệ giữa Nhà Nước Việt Nam với đồng bào Công Giáo và với Tòa Thánh Roma.

     Năm 1945, khi cuộc Thế Chiến II vừa kết thúc thì cuộc chiến tranh chống chế độ thuộc địa Pháp bùng nổ giữa một bên là quân đội Viễn Chinh của Pháp và phe quốc gia, một bên là Việt Minh do Chủ Tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam mang tên là Việt Minh lãnh đạo. Cuộc chiến diễn ra chủ yếu tại miền Bắc Việt Nam.

    Năm 1951, vào lúc cuộc chiến lên đỉnh cao, các Giám Mục họp tại Hà Nội đã công bố một bức thư vạch cho người Công Giáo thấy “Việt Minh” chính là Đảng Cộng Sản, và theo giáo huấn của Hội Thánh thì người Công Giáo không được cộng tác với nười Cộng Sản.

    Dĩ nhiên bức thư này làm cho người Cộng Sản nghi ngờ người Công Giáo Việt Nam là “theo Tây”, và chọn thái độ khắt khe đối với người Công Giáo sau Hiệp Định Genève 1954.

    Hiệp định Genève chia đôi đất nước. Miền Bắc dưới quyền lãnh đạo của Đảng Cộng Sản, miền Nam dưới chế độ Quốc Gia. Thời hạn một năm được ấn định để người Việt Nam được tự do chọn sống ở miền Nam hay miền Bắc: người miền Nam “tập kết “ ra miền Bắc, người miền Bắc “di cư” vào miền Nam. Sau hai năm sẽ tổng tuyển cử để thống nhất đất nước.

    Chánh phủ Mỹ giúp phương tiện cho người miền Bắc di cư chuyển vào và định cư tại miền Nam.

    Gần một triệu người, đa số là người Công Giáo, rời miền Bắc để vào Nam. Các trại di cư được thiết lập dọc theo các trục lộ chính: quốc lộ số 1; số 4 (từ Sài Gòn đi Miền Tây); số 14 (từ Sài Gòn đi Ban Mê Thuột); quốc lộ 19 (từ Sài Gòn đi Đà lạt). Nhiều trại di cư được thành lập tại Vùng cao nguyên Ban Mê Thuột, vùng Cái Sắn.

    Đa số dân di cư là người Công Giáo. Họ qui tụ nhau theo gốc các giáo xứ miền Bắc, và các linh mục từ miền Bắc đi theo giáo dân vào miền Nam. Các sinh hoạt tôn giáo râm  ran khắp các trại tạm cư. Các nhà thờ tạm mọc lên, nhiều quả bom không nổ thời chiến đã cung cấp vỏ để dùng làm chuông. Các giáo phận miền Bắc cũng cử các linh mục đại diện để coi sóc giáo dân của mình tại miền Nam. Nhiều giáo phận chuyển các chủng viện vào miền Nam, tiếp tục nhận chủng sinh theo gốc miền Bắc.

    Điều khoản tổng tuyển cử và hồi hương trong hiệp định Genève sớm tan như giấc mộng.

    Sáu năm sau, 1960, Tòa Thánh đã theo tình trạng thực tế, thành lập hàng Giám Mục Việt nam. Các Vị Giám Mục vốn là đại diện tông tòa trở thành Giám Mục chánh tòa, sáp nhập các trại tạm cư thành định cư dưới quyền các Giám Mục miền Nam, các linh mục cũng sáp nhập theo giáo dân, vài vị Giám Mục di cư được bổ nhiệm làm giám mục chánh tòa tại mấy giáo phận miền Nam (Đức Cha Hoàng Văn Đoàn, ở Qui Nhơn; Đức Cha Phạm Ngọc Chi, ở Đà Nẵng). Các chủng sinh gốc miền Bắc được tự do chọn gia nhập một giáo phận tại miền Nam. Các chủng viện miền Bắc di cư ngưng nhận người mới và tiếp trục sinh hoạt cho tới khi các lớp chủng sinh hiện thời hoàn tất chương trình huấn luyện.

    Thế là bộ mặt Hội Thánh tại Việt Nam thay đổi.

    Hội Thánh tại miền Bắc mất đi khoảng phân nửa giáo dân. Một số Giám Mục cũng đã “di cư” vào Nam: các Đức Cha Lê Hữu Từ (Phát Diệm), Hoàng Văn Đoàn (Bắc Ninh), Trương Cao Đại (Hải Phòng), Santos Ubierna Ninh (Thái Bình), Phạm Ngọc Chi (Bùi Chu), Đức Cha Jacques (Lạng Sơn); hơn phân nửa số linh mục di cư theo giáo dân. Riêng bốn giáo phận Lạng Sơn, Thái Bình, Hải Phòng và Bắc Ninh vốn được trao cho dòng Đa Minh quản trị, thì bốn vị giám mục và tất cả các linh mục, tu sĩ dòng Đa Minh đều di cư vào miền Nam, một số linh mục thuộc các giáo phận này cũng di cư theo giáo dân, khiến các giáo phận này rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn về mọi mặt.

    Trong khi đó thì tại miền Nam, số giáo dân cũng như số linh mục tăng vọt gấp đôi. Trên con đường 300 cây số nối Sài Gòn với Đà Lạt, trước kia chỉ có ba giáo xứ và nhà thờ Biên Hòa, Bảo Lộc, Di Linh thì nay mọc thêm hàng trăm nhà thờ và giáo xứ rải khắp hai bên đường ở Hố Nai, Gia Kiệm, Dốc Mơ, Bảo Lộc.

    Quan hệ giữa chính quyền với người Công Giáo trong nước và với Tòa Thánh Rôma Tại miền Bắc

    Ở miền Bắc, các nhà thờ vẫn được mở cửa, các linh mục vẫn được cử hành Thánh Lễ và các Bí Tích. Nhưng không nơi nào được mở chủng viện để đào tạo linh mục.

    Năm 1956 Đức Khâm Sứ Tom Dooley bị trục xuất. Mọi quan hệ với Tòa Thánh Rôma và Hội Thánh tại các nước bị cắt đứt. Hội Thánh tại miền Bắc hoàn toàn bị cô lập.

    Tại Miền Nam

    Người Công Giáo miền Bắc di cư vào miền Nam quy tụ theo các giáo xứ gốc ở miền Bắc nên không gây xáo trộn cho các giáo xứ địa phương, họ vẫn giữ nề nếp tập tục riêng.

    Năm 1955 một cuộc trưng cầu dân ý đã truất phế quốc trưởng Bảo Đại, thiết lập chế độ cộng hòa với tổng thống Ngô Đình Diệm.

    Ngày 15 tháng 02 năm 1956, Toà Thánh đặt Đức Cha Giuseppe Caprio làm Khâm Sai Toà Thánh tại Việt Nam Cộng Hoà. Quan hệ giữa chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa với người Công Giáo và với Tòa Thánh Roma bình thường cho tới 30/04/1975.

    Ngày 6 tháng 8 1975, một nhóm người “nhiệt thành” đã xông vào Tòa Khâm Sứ đòi trục xuất Đức Khâm Sứ Henri Lemaitre. Họ bạo hành túm áo Đức Khâm Sứ lôi ra cổng, đuổi xô Đức Khâm Sứ ra đường Hai Bà Trưng và dọn đường cho chính quyền trục xuất Đức Khâm Sứ còn nhanh chóng hơn thời kỳ 1956 tại miền Bắc nữa!

    Tuy nhiên quan hệ giữa chính quyền với người Công Giáo và với Tòa Thánh Roma không vì thế mà bế tắc.

    Trước ngày 30/04/1975, tiên liệu tình trạng sẽ bế tắc như với Trung Quốc sau năm 1950 và với miền Bắc Việt Nam sau năm 1954, Đức Thánh Cha đã ủy quyền cho các Giám Mục tại miền Nam được chọn và phong chức giám mục, khi thuận tiện sẽ thông báo cho Tòa Thánh sau. Nhưng sự ủy quyền này sớm trở nên không cần thiết, vì năm 1977 đại biểu của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã có thể đi dự cuộc họp Thượng Hội Đồng Giám Mục tại Roma, và năm 1980 các Giám Mục Việt Nam có thể đi viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô tại Roma và gặp Đức Thánh Cha (gọi là cuộc viếng thăm  định kỳ “ad limina”, mỗi 5 năm một lần).

    Dẫu vậy, quan hệ giữa Nhà Nước Việt Nam với Tòa Thánh còn phải  chờ đến năm 1989 mới có chuyển biến: Đức Hồng Y Etchegaray được qua thăm Việt Nam với tư cách Đặc Sứ của Tòa Thánh. Cuộc viếng thăm này đã thật sự mở đường cho một hành trình kéo dài tới nay trong việc thiết lập bang giao giữa Nhà Nước Việt Nam với Tòa Thánh.

    Từ năm 1993 bắt đầu có cuộc gặp gỡ định kỳ hàng năm giữa phái đoàn của Tòa Thánh với phái đoàn của Nhà Nước để bàn về các vấn đề liên quan giữa hai bên. Cuộc họp này diễn ra luân phiên tại Hà Nội và tại Roma.

    Từ năm 2009 thì hai phái đoàn được gọi là hai “ban chuyên môn” để bàn về quan hệ giữa Tòa Thánh với Nhà Nước Việt Nam.

    Năm 2011 có chuyển biến quan trọng là Tòa Thánh được cử một vị “Đại Diện thường trực không thường trú”, có thể ở tại Việt nam mỗi lần 30 ngày, không giới hạn số lần, hết 30 ngày thì ra khỏi Việt Nam, để hôm sau lại có thể trở lại.

    Năm 2024 có bước chuyển biến mới là Vị Đại Diện thường trực thường trú tại Việt Nam. Với chức danh này thì Vị Đại Diện thường trực có thể làm tất cả công việc của một Sứ thần Tòa Thánh rồi.

    Những cột mốc đáng kể nữa là các cuộc viếng thăm Vatican của thủ tướng chính phủ Việt Nam, Chủ Tịch Nước, Bí Thư Đảng, và cả các phái đoàn khác của chính phủ.

    Điều gì còn chặn bước việc tiến tới trao đổi Đại Sứ và Sứ Thần Tòa Thánh?

    Bao giờ Đức Thánh Cha có thể viếng thăm Việt Nam như các nước khác ở Châu Á Thái Bình Dương?

    Những câu hỏi hãy còn mở ngỏ…

    Nguồn: vaticannews.va/vi/

    BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

    VIDEO CLIPS

    THÔNG TIN ƠN GỌI

    Chúng tôi luôn hân hoan kính mời các bạn trẻ từ khắp nơi trên đất Việt đến chia sẻ đặc sủng của Hội Dòng chúng tôi. Tuy nhiên, vì đặc điểm của ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, chúng tôi xin được đề ra một vài tiêu chuẩn để các bạn tiện tham khảo:

    • Các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, thuộc gia đình đạo đức, được các Cha xứ giới thiệu hoặc công nhận.
    • Ứng Sinh phải qua buổi sơ tuyển về Giáo Lý và văn hoá.

    Địa chỉ liên lạc về ơn gọi:

    • Nhà Mẹ: 115 Lê Lợi - Lộc Thanh - TP. Bào Lộc - Lâm Đồng.
    • ĐT: 0263 3864730
    • Email: menthanhgiadalatvn@gmail.com