Vị Giáo Hoàng mới của chúng ta đã từng là Hồng y xuất thân từ Chicago, thuộc Dòng Thánh Augustinô và có nhiều năm hoạt động mục vụ tại Peru, với bề dày kinh nghiệm mục vụ và phục vụ trong giáo triều Rôma. Là công dân Hoa Kỳ, sinh ra tại Chicago trong một gia đình mang dòng máu Pháp, Tây Ban Nha và Ý, Đức tân Giáo hoàng Lêô XIV (69 tuổi) là khuôn mặt mới mẻ thể hiện sự canh tân của Giáo hội Hoàn vũ, xây cầu nối giữa Bắc và Nam bán cầu.
Trước khi được bổ nhiệm làm Giám mục Chiclayo (Peru), Đức Robert Francis Prevost là Bề trên Tổng quyền Dòng Thánh Augustinô. Năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi ngài về Rôma để làm Bộ trưởng Thánh bộ Giám mục, nơi ngài được đánh giá cao bởi khả năng lắng nghe và tổng hợp. Đồng thời, ngài còn giữ vai trò Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Mỹ Latinh. Vị trí này rất quan trọng trong mối liên hệ giữa Rôma và khu vực được đánh giá là có tính bình dân mạnh mẽ này.
Việc bầu chọn vị Giáo hoàng đầu tiên đến từ Hoa Kỳ là minh chứng cho đường hướng xã hội và “tính hiệp hành” mà Đức Phanxicô khởi xướng. Trong Thượng Hội đồng Tháng 10 năm 2024, Đức Hồng y Prevost đã nổi bật như một nhân vật có khả năng điều hòa mối liên hệ giữa các giáo phận có nền Kitô giáo lâu đời và các vùng truyền giáo – điều chắc chắn sẽ là trọng tâm của triều đại ngài trong thế giới bị chia rẽ sâu sắc.
Danh hiệu Giáo hoàng “Lêô XIV” cũng gợi nhớ đến Lêô XIII (1878–1903), được xem là cha đẻ của học thuyết xã hội Công giáo. Tân Giáo hoàng cũng đối diện thách thức lớn với việc cổ võ hòa bình trong bối cảnh chiến tranh tại Ukraine, Trung Đông và nhiều nơi khác. Trong bài phát biểu đầu tiên, ngài kêu gọi một nền “hòa bình không vũ trang và mang tính hòa giải.”
Một người Mỹ có căn tính nhập cư
Sinh ngày 14.09.1955 tại Chicago, Đức cha Prevost xuất thân từ một gia đình gốc Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Sau khi học Toán và Triết học tại Đại học Villanova (Philadelphia), ngài vào tập viện Dòng Augustinô năm 1977 và tuyên khấn trọn đời bốn năm sau đó.
Ngài được truyền chức linh mục năm 1982 tại Rôma do Đức Tổng Giám mục Jean Jadot – người từng là đại diện Tòa Thánh tại Hoa Kỳ (1973–1980).
Kinh nghiệm tại Peru
Năm 1987, cha Prevost lấy bằng tiến sĩ giáo luật tại Đại học Angelicum với luận án về vai trò của bề trên địa phương trong Dòng Augustinô. Trong thời gian soạn luận án (1985–1986), ngài có kinh nghiệm truyền giáo đầu tiên tại Peru: làm chưởng ấn và cha phó nhà thờ chính tòa Chulucanas.
Sau một thời gian ngắn trở về Illinois làm Giám đốc ơn gọi và truyền giáo, ngài trở lại Peru năm 1988 và phục vụ tại Tổng giáo phận Trujillo trong 11 năm với nhiều vai trò: sáng lập và làm cha xứ giáo xứ mới đến năm 1999, bề trên cộng đoàn, thẩm phán giáo phận, giám đốc học viện Dòng Augustinô, giám học và giám đốc đại chủng viện giáo phận – nơi ngài giảng dạy giáo luật, giáo phụ học và thần học luân lý.
“Người con của Thánh Augustinô”
Năm 1999, ngài được bầu làm Giám tỉnh khu vực Trung Tây Hoa Kỳ và sau đó là Bề trên Tổng quyền Dòng Thánh Augustinô (2001–2013). Tại thời điểm đó, dù được bầu ở tuổi 46, độ tuổi còn rất trẻ, nhưng ngài nhận được sự đồng thuận rất lớn từ các anh em.
Dòng Augustinô, được Đức Innocente IV thành lập thế kỷ XIII, hiện diện tại khoảng 50 quốc gia và nhấn mạnh về linh đạo phục vụ người nghèo và đau khổ. Khi xuất hiện trên ban công đền thờ Thánh Phêrô, Đức Lêô XIV đã tự giới thiệu: “Tôi là một người con của Thánh Augustinô.”
Sau khi mãn nhiệm, ngài làm Giám đốc huấn luyện tại Tu viện Chicago, đồng thời là cố vấn và phó giám tỉnh. Năm 2014, Đức Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm Giám quản Tông tòa Chiclayo và sau đó là Giám mục chính tòa năm 2015.
Giám mục truyền giáo giữa một Peru bất ổn
Giáo phận Chiclayo – nơi ngài làm Giám mục từ 2015 – có 90 linh mục chính xứ cho 1,3 triệu dân, trong đó 83% là người Công giáo. Ngài còn làm Giám quản Tông tòa giáo phận Callao từ 2020–2021.
Tại Hội đồng Giám mục Peru, ngài là Phó Chủ tịch và thành viên Hội đồng Thường trực (2018–2023), Chủ tịch Ủy ban Giáo dục và Văn hóa (2019–2023).
Giữa các khủng hoảng chính trị: từ việc các Tổng thống Kuczynski (2018), Vizcarra và Merino (2020), Castillo (2022) bị phế truất – các giám mục Peru đã giữ vai trò ổn định thiết chế. Đức cha Prevost từng tiếp Tổng thống Castillo ít ngày trước khi ông bị bắt để tìm giải pháp hòa bình.
Tại Mỹ Latinh, giám mục người Mỹ rất hiếm. Ngoài Đức Prevost, Hội đồng Giám mục Peru còn có Đức cha Arthur Colgan (Dòng Thánh Giá), Giám mục phụ tá Chosica từ năm 2015.
Năm 2018, chuyến thăm Peru của Đức Phanxicô đã tạo dịp để ngài gặp gỡ Đức Prevost, người sau này được tiếp kiến riêng tại Vatican năm 2021.
Một hồ sơ truyền giáo tại Giáo triều
Từ năm 2019–2020, ngài lần lượt trở thành thành viên Thánh bộ Giáo sĩ và Thánh bộ Giám mục. Ngày 12.04.2023, ngài kế nhiệm Hồng y Ouellet làm Tổng trưởng Thánh bộ Giám mục – người đầu tiên xuất thân từ môi trường truyền giáo giữ vị trí này.
Ngài đồng thời giữ vai trò Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Mỹ Latinh – tổ chức từng giám sát tác động của thần học giải phóng trong khu vực. Với kinh nghiệm lãnh đạo một giáo phận tại Peru, Đức Prevost mang đến cái nhìn toàn cầu và quân bình hơn.
Các giám mục đánh giá ngài là người sâu sắc, có khả năng tổng hợp và biết lắng nghe. Một giám mục Pháp từng gặp ngài hai tháng sau khi nhậm chức nhận xét: “Câu hỏi của ngài rất thấu đáo; tôi có ấn tượng tốt ngay từ cuộc gặp đầu.”
Tranh cãi về xử lý lạm dụng
Trong giai đoạn làm Giám tỉnh (1999–2001), cha Prevost bị truyền thông Mỹ chỉ trích vì cho phép cha James Ray – bị đình chỉ vì lạm dụng trẻ vị thành niên – cư ngụ gần một trường tiểu học. Linh mục này tiếp tục cử hành lễ và làm tuyên úy bệnh viện đến năm 2002, trước khi bị loại khỏi chức vụ và hoàn tục năm 2012 sau những tố cáo mới.
Năm 2024, ngài tiếp tục bị cáo buộc che đậy hai vụ linh mục lạm dụng tại Chiclayo. Tuy nhiên, Giám quản hiện tại xác nhận Đức Prevost đã chuyển hồ sơ cho cả viện kiểm sát và Bộ Giáo lý Đức tin theo đúng giáo luật và luật dân sự.
Tháng 3 năm 2025, tổ chức SNAP cáo buộc ngài cản trở điều tra dân sự và giáo luật. Thư gửi Hồng y Parolin, lúc đó là Quốc vụ khanh Tòa Thánh, không nhận được hồi đáp.
Trong vai trò Tổng trưởng, ngài là người thực thi luật Vos estis lux mundi – quy định loại bỏ giám mục bao che hoặc xử lý sai phạm trong các vụ lạm dụng.
Thành viên Thượng Hội đồng Hiệp hành
Là thành viên tích cực của tiến trình Thượng Hội đồng Hiệp hành do Đức Phanxicô khởi xướng năm 2021, Đức Hồng y Prevost đặc biệt quan tâm đến tiến trình bổ nhiệm giám mục và cách thức điều hành giáo phận.
Ngài nhấn mạnh rằng việc chọn giám mục cần có sự tham gia của linh mục, tu sĩ và đặc biệt là giáo dân. Theo ngài, các sứ thần cần chủ động tiếp cận giáo dân và cộng đoàn địa phương. Tuy nhiên, ngài cũng khẳng định rằng đây không phải là tiến trình dân chủ, mà cần sự phân định thiêng liêng của Giáo hội.
Quan điểm về những vấn đề then chốt
Đầu năm 2024, ngài cùng các giám mục giáo triều phản đối dự án “Hội đồng Thượng Hội đồng” của Giáo hội Đức – nơi giáo dân được bầu chọn tham gia điều hành Giáo hội.
Về vai trò phụ nữ trong điều hành, ngài theo quan điểm của Đức Phanxicô: không ủng hộ chức phó tế nữ để tránh nguy cơ giáo sĩ hóa, nhưng ủng hộ trao nhiều trách nhiệm hơn. Dưới triều Đức Phanxicô, Thánh bộ do ngài lãnh đạo hiện có ba nữ thành viên – điều chưa từng có.
Tại Thượng Hội đồng 2024, Đức Hồng y Prevost là một trong những nhân vật nổi bật. Ngài đề xuất đào tạo chung cho các giám mục vùng Bắc bán cầu và các giáo phận truyền giáo; đồng thời kêu gọi tăng cường tham khảo ý kiến Dân Chúa khi chọn giám mục.
Di sản của Đức Lêô XIII
Khi chọn danh hiệu Lêô XIV, tân giáo hoàng tự đặt mình vào dòng truyền thống của Đức Lêô XIII – người công bố thông điệp Rerum Novarum năm 1891, văn kiện nền tảng cho học thuyết xã hội Công giáo, đặt trọng tâm vào giới lao động và người nghèo.
Triều đại của Đức Lêô XIV được kỳ vọng sẽ mang đến tiếng nói cho người lao đồng và người nghèo trên bình diện toàn cầu, thúc đẩy công bằng xã hội, lắng nghe tiếng kêu than của người nghèo và khám phá tiềm năng của các dân tộc phía Nam – vốn là phần sinh khí của Giáo hội toàn cầu.
Với phong cách cổ điển và linh hoạt hơn so với Đức Phanxicô, ngài có thể sẽ tiếp tục chính sách đối thoại và kiên trì cổ võ hòa bình “không vũ trang và mang tính hóa giải” – thông điệp trọng tâm của bài huấn từ đầu tiên tại quảng trường Thánh Phêrô.
Nguồn: dongten.net/