Chúng ta đang ở thời điểm tháng 4.2025, đã bước vào giai đoạn thực hiện đường hướng ‘hiệp hành’ của Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 16. Đã có Văn kiện Chung kết trong tay, chúng ta có điều kiện để hiểu rõ hơn ‘hiệp hành’ nghĩa là gì và bao hàm những gì.
Nhớ lại, kể từ cuối tháng 10.2021, từ ‘hiệp hành’ được chọn để dịch ‘synodal’/ ‘synodality’ (Anh ngữ). Dạo ấy, không như bây giờ, chúng ta nghe nói rất nhiều về ‘hiệp hành’ – có điều là phần đông không rõ nghĩa lắm, vì đây là một từ hoàn toàn mới được chế ra. Một số người chất vấn, vì thế đã có những cố gắng giải thích. Tiếc là những sự giải thích tại thời điểm ấy xem ra khá lúng túng. Chẳng hạn, bảo vệ từ ‘hiệp hành’ bằng cách hạ giá từ ‘đồng hành’, hoặc dò dẫm xem ‘hiệp’ là gì và ‘hành’ là gì, rồi ghép lại cách khá vu vơ so với ý nghĩa thực của ‘synodality’!
‘Hiệp hành’ là từ mới chế ra, nhưng chế để dịch, vì thế ý nghĩa của nó không thể do ta tưởng tượng ra, mà phải tham khảo từ gốc. Nguồn tham khảo có thẩm quyền nhất cho việc hiểu ý nghĩa của ‘hiệp hành’ vào thời điểm khai mạc THĐGM 16 là Tài liệu ‘Synodality in the life and mission of the Church’ (Tính hiệp hành trong đời sống và sứ mạng của Hội Thánh) của Ủy ban Thần học Quốc tế, đã công bố ngày 2.3.2018, với sự ưng thuận của Đức thánh cha Phanxicô. Nguồn tham khảo có thẩm quyền nhất hiện nay dĩ nhiên là Văn kiện Chung kết Thượng Hội Đồng – nhưng cần ghi nhận ngay rằng chính Văn kiện Chung kết này khi diễn nghĩa tính ‘hiệp hành’ (synodality) cũng chủ yếu dựa vào Tài liệu nói trên của UBTH Quốc tế (x. VKCK, các số 28, 30, 31 và 33).
Vậy Tài liệu ‘Synodality in the life and mission of the Church’ của UBTH Quốc tế nói gì về ý nghĩa của tính ‘hiệp hành’? Đọc kỹ hai số 3 và 4 của Tài liệu này, chúng ta sẽ thấy rõ:
– số 3: cho biết ‘synod’ (σύνοδος) qui chiếu đến những người ‘cùng đi Đạo’, tức ‘cùng nhau trên Đường’, liên quan đến cách mà sách Công vụ Tông đồ gọi các tín hữu là những người ‘theo Đạo’ (x. Cv 9,2; 19,9.23; 22,4; 24,14.22). Đạo là Đường, dĩ nhiên, và đó là chính Đức Giêsu Kitô (x. Ga 14,6). Như vậy, ‘synodality’ là tính ‘đồng đạo’(cùng trên đường), hay tính ‘đồng hành’ (cùng đi) – hai từ này được kể là tương đương. Và cả hai từ đều có sẵn, rất quen thuộc. Nhưng ‘đồng đạo’ hay ‘đồng hành’ vẫn chưa chuyển tải hết ý nghĩa của ‘synod’/ ‘synodality’. Còn một nghĩa nữa, được giải thích ở số tiếp theo.
– số 4: nhắc lại rằng kể từ những thế kỷ đầu tiên, từ ‘synod’ (σύνοδος) đã được dùng để nói đến các cuộc qui tụ trong Giáo hội để cùng lắng nghe và phân định các vấn đề quan trọng. Như vậy, theo nghĩa này, ‘synodality’ là tính ‘đồng nghị’, liên quan đến các hội nghị, công nghị, Công đồng trong Giáo hội ở các bình diện địa phương và hoàn vũ. Từ ‘đồng nghị’ cũng khá quen thuộc – hiện nay chương trình dịch tự động của Google đang chọn từ này để dịch ‘synodality’.
Tổng hợp hai nghĩa trên, ‘synodality’ sẽ được hiểu là tính ‘đồng hành đồng nghị’, hay ‘đồng đạo đồng nghị’. Tuy nhiên, cho tới nay thì từ ‘hiệp hành’ như gạo đã thành cơm, chắc khó thay đổi, vì thế chúng ta chỉ cần ghi nhớ rằng ‘hiệp hành’ có nghĩa là ‘đồng hành đồng nghị’ là đủ.
Xin mở ngoặc ở đây: Trước đây, tôi có dịp gặp và hỏi Cha Otfried Chan, Tổng Thư ký HĐGM Đài Loan, và được biết ‘synodality’ được dịch sang tiếng Hoa phổ thông bằng cụm 4 từ nói trên. Nhưng không hiểu vì sao bản dịch tiếng Hoa của Văn kiện Chung kết THĐGM 16 hiện nay lại dùng từ ‘đồng thuận’ thay vào đó! Hay ‘đồng thuận’ được coi như là tổng hợp của ‘đồng hành’ và ‘đồng nghị’? Tôi không biết.
Trở lại với Văn kiện Chung kết THĐGM 16, Văn kiện này dành 6 số (từ 28 đến 33) để nói về ý nghĩa và các chiều kích của tính ‘hiệp hành’, và chủ yếu dựa vào Tài liệu của UBTH Quốc tế như đã đề cập trên. Xin trích dẫn ở số 28:
“Trong quá trình diễn ra Thượng hội đồng, một sự đồng thuận đã chín muồi về ý nghĩa của tính hiệp hành, vốn là nền tảng của Văn kiện này: tính hiệp hành là SỰ ĐỒNG HÀNH của các Kitô hữu cùng với Chúa Kitô và hướng tới Vương quốc của Thiên Chúa, trong gắn kết với toàn thể nhân loại; được định hướng sứ mạng, nó bao gồm VIỆC QUI TỤ VỚI NHAU từ các các cấp độ khác nhau của đời sống Giáo hội, LẮNG NGHE lẫn nhau, ĐỐI THOẠI, cùng nhau PHÂN ĐỊNH, hình thành SỰ ĐỒNG THUẬN như một cách diễn tả sự hiện diện của Chúa Kitô sống động trong Thánh Thần, và đạt tới một quyết định trong tinh thần đồng trách nhiệm có phân biệt. Theo chiều hướng này, chúng ta hiểu rõ hơn tại sao tính hiệp hành là một CHIỀU KÍCH CẤU THÀNH của Giáo hội (x. CTI, số 1). Nói một cách đơn giản và tổng hợp, có thể nói rằng tính hiệp hành là MỘT CON ĐƯỜNG CANH TÂN TÂM LINH VÀ CẢI TỔ CƠ CẤU để làm cho Giáo hội có tính THAM GIA và có tính SỨ MẠNG nhiều hơn, nghĩa là làm cho Giáo hội có khả năng nhiều hơn trong việc bước đi với mọi người nam nữ, chiếu tỏa ánh sáng của Chúa Kitô”.
Những nhấn mạnh trong bản văn trên là của tôi, để cho thấy rõ các yếu tố ‘đồng hành’, ‘đồng nghị’, ‘đồng thuận’ được bao hàm trong tính ‘hiệp hành’, cũng như cho thấy tính ‘hiệp hành’ (tức ‘đồng hành đồng nghị’) gắn chặt với bản chất của Giáo hội như thế nào.
Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.