Đâu đó trong hành lang lớp học, trong những phút cuối mệt mỏi của buổi tối muộn, ta vẫn nghe vẳng lên những lời quen thuộc, như một tiếng thở dài:
“Nó không khá lên được đâu…”
“Nói mãi cũng thế thôi…”
Câu nói tưởng như thoáng qua ấy lại chất chứa cả một nỗi mỏi mệt âm thầm, như dấu vết của một trái tim từng kỳ vọng rất nhiều – nhưng giờ đã chớm muốn khép lại. Có lẽ ai trong chúng ta từng đứng trên bục giảng cũng đã một lần chạm đến ranh giới mong manh ấy, nơi niềm tin dần nhạt nhòa, nơi người thầy vẫn tiếp tục bước đi nhưng thiếu vắng niềm hy vọng…
Đức Cố Giáo Hoàng Phanxico đã nói: “Giáo dục là một hành động của hy vọng đặt nơi con người khả năng được biến đổi”[1]. Đức cố giáo hoàng của chúng ta không gọi giáo dục là một “nghề”, một “kỹ năng”, hay một “chương trình truyền đạt kiến thức” – mà là một hành động. Điều đó có nghĩa, giáo dục không phải là lý thuyết suông, mà là một hành vi sống động, có chủ đích, có chọn lựa. Và hành động ấy mang bản chất của niềm hy vọng. Không phải hy vọng mơ hồ, nhưng là hy vọng gắn liền với hành động, dấn thân và kiên trì. Giáo dục là gieo – nhưng là gieo trong niềm tin rằng đất sẽ nở hoa, dù chưa thấy hoa nở ngay hôm nay.
Niềm hy vọng ấy không đặt vào hệ thống, chương trình, hay phương pháp mà đặt vào con người. Đặt vào học trò – người đang lớn lên với bao giới hạn, yếu đuối, nhưng cũng tiềm tàng những khả năng chưa khai mở. Và cũng đặt vào chính người thầy – người tin rằng mỗi đứa trẻ là một mảnh đất có thể sinh hoa trái.
Trong thời đại mà người ta dễ thất vọng vì học sinh “không giống như xưa”, dễ buông xuôi trước sự hỗn loạn của xã hội, Đức Cố Giáo Hoàng Phanxicô nhắn nhủ: hãy đặt lại niềm tin vào chính con người.
Giáo dục là hy vọng vào khả năng được biến đổi. Nghĩa là tin rằng con người không bất biến, không định mệnh, không bị đóng khung trong cái “hiện tại” hôm nay. Một học sinh lười biếng hôm nay có thể trở thành người có trách nhiệm ngày mai. Một đứa trẻ bướng bỉnh hôm nay có thể là người biết hy sinh trong tương lai. Biến đổi không phải là thay đổi để giống người khác, mà là trở nên chính mình cách trọn vẹn hơn, sống đúng với phẩm giá và ơn gọi làm người.
Giáo dục là một hành động can đảm của niềm hy vọng – dám tin vào con người khi người khác nghi ngờ, dám kiên trì khi chưa thấy kết quả, dám nhìn xa hơn hiện tại để khám phá nơi mỗi người một khả năng sống tốt hơn, người hơn, thánh thiện hơn.
Suốt một năm học vừa qua, ở ngôi nhà mang tên Nội Trú Teresa, từng ngày trôi qua là những buổi sáng đánh thức học sinh trong tiếng chuông báo thức và giọng gọi quen thuộc, là những bữa cơm vội trước giờ đến lớp, là những buổi học có khi sôi nổi, có khi mệt mỏi. Có những lúc phải nhắc nhở lặp đi lặp lại, có những lần phê bình, uốn nắn, có cả những khoảnh khắc thở dài vì chưa thấy tiến triển gì nơi một em học sinh. Nhưng tất cả đều là một phần của hành trình sống và trưởng thành cùng nhau – với biết bao kiên nhẫn và yêu thương thầm lặng.
Một năm học nữa lại khép lại. Có người thở phào vì hoàn thành trách nhiệm, có người bồi hồi vì sắp chia tay một thế hệ học trò. Nhưng trên hết, mỗi dịp tổng kết là một lời nhắc nhẹ nhàng: Giáo dục không chỉ là công việc, đó là hành trình của niềm hy vọng. Giáo dục nếu không có hy vọng thì còn nghĩa lý gì?
Hãy nhớ lại… Chúng ta – những người làm giáo dục hôm nay cũng từng là những học trò “bình thường”, vụng về, giới hạn. Cũng từng ham chơi hơn học, cũng từng quên bài, ngủ gật trong lớp, làm bài qua loa cho xong, lắm khi còn “giả vờ hiểu” để khỏi bị gọi tên. Cũng có lúc bướng bỉnh, có lúc muốn bỏ cuộc, có lúc làm người lớn mệt mỏi. Và rồi, ai đó đã không bỏ rơi chúng ta. Một người thầy, một lời nhắc nhẹ, một lần được tha thứ đã đủ để âm thầm gieo trong ta một hướng đi mới. Nếu chúng ta đã được ai đó kiên nhẫn nuôi dưỡng, thì hôm nay, chính chúng ta được mời gọi trở thành người gieo niềm hy vọng cho các em. Không phải vì tất cả học trò đều giỏi giang, vâng lời. Mà vì ta tin rằng mỗi đứa trẻ đều có thể lớn lên. Không phải ngày một ngày hai. Nhưng rồi một lúc nào đó, một điều gì đó sẽ chạm vào tâm hồn chúng – có thể là một ánh mắt cảm thông, một lời động viên nhỏ, hay một người thầy đã chưa từng bỏ cuộc.
Giáo dục là nghệ thuật gieo trồng, chấp nhận không thấy hoa ngay, nhưng vẫn cần mẫn tưới nước, vun đất. Vì ta tin dù rất nhỏ rằng hạt giống ấy sẽ mọc lên. Và đôi khi, chính đứa trẻ mà ta từng nghi ngờ, lại là người khiến ta bất ngờ nhất.
Tôi là một nhà giáo dục còn tin, hay đã thôi không còn hy vọng?
Đó là câu hỏi tôi không ít lần tự đặt cho chính mình. Nhất là những lúc lời nhắc nhở vốn xuất phát từ mong muốn các em nên người lại dần biến thành đay nghiến, trách móc. Tôi nghe giọng mình lên cao, sắc lạnh, và chợt nhận ra: đó không còn là tiếng nói của hy vọng, mà là âm vang của mỏi mệt. Khi niềm tin nơi học trò vơi dần, lòng bực bội dễ dàng lấn át sự kiên nhẫn. Và tôi biết, nếu mình dừng lại ở đó, thì điều tôi đang làm không còn là giáo dục nữa.
Nhưng rồi tôi chợt nhớ… Giáo dục không lớn lên từ áp lực, mà từ sự kiên trì lặng lẽ, từ ánh mắt không buông bỏ, từ một trái tim không thôi tin tưởng. Vì người giáo dục mang hy vọng không chỉ dạy bằng lời. Họ dạy bằng ánh mắt biết khích lệ, đôi tay biết nâng đỡ, và một trái tim đủ rộng để cảm thông với cả những non nớt, vụng về.
Bởi có khi, điều thực sự thay đổi một đứa trẻ không phải là bài giảng hay, mà là một người lớn dám tin vào em thêm một lần nữa, thêm một lần nữa…
Nhưng thành thật mà nói, cũng có những ngày tôi mệt. Tôi đã dậy sớm, thức khuya, chuẩn bị từng chút cho lớp học, cho các em. Vậy mà các em vẫn thờ ơ, vẫn bướng bỉnh, vẫn lặp lại những lỗi cũ. Tôi bắt đầu nghĩ: “Có cố cũng vậy thôi. Tụi nhỏ không thay đổi được đâu.” Và chính trong khoảnh khắc đó, tôi chợt sợ. Sợ rằng mình đang đánh mất hy vọng. Sợ rằng mình đang đòi hỏi trái ngọt quá sớm, khi hạt giống còn đang âm thầm bám rễ trong lòng đất.
Có lẽ, điều quan trọng sau một năm học không phải là học trò đã thay đổi đến đâu, mà là ta – người gieo trồng còn giữ được bao nhiêu niềm hy vọng. Bởi giáo dục không tạo ra phép màu tức thì. Nó là hành trình kiên nhẫn của tình yêu và niềm tin, là chọn tin thêm một lần nữa vào điều tốt lành nơi mỗi đứa trẻ – dù chưa thấy ngay hôm nay. Chúng ta không cần hoàn hảo. Chỉ cần can đảm tiếp tục gieo hy vọng, dù đôi lúc chính mình cũng mỏi mệt và hoang mang. Một năm học đã qua. Có thể chưa có gì thật rực rỡ để gọi là “thành công”. Nhưng nếu hôm nay ta vẫn còn ánh mắt cảm thông, vẫn còn nhẫn nại lặp lại lời nhắc, vẫn còn dõi theo từng bước trưởng thành của các em…
Thì ta vẫn đang giáo dục. Ta vẫn đang hy vọng.Và như th
ế, đã đủ để bắt đầu lại – bằng cả trái tim…
Nội Trú Teresa, 27 tháng 05 năm 2025
[1] Phanxico, Phát biểu trong thông điệp video gửi đến Hội nghị Thanh niên Vatican, nhân dịp ra mắt sáng kiến hợp tác giữa Mission 4.7 và Hiệp ước Toàn cầu về Giáo dục.