Paolo Ondarza
Chuyển Ngữ: Sr. Thuỳ Liên
Trong thông điệp Ngày Thế giới Truyền giáo sắp tới, Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng “thảm kịch của Giáo hội” là Chúa Kitô “tiếp tục gõ cửa, nhưng từ bên trong, ngõ hầu chúng ta để người đi ra”: việc loan báo Tin Mừng là điều khẩn cấp và phổ quát, nhưng nó phải được thực hiện với sự tử tế, không ép buộc hay chiêu dụ.
“Trong một thế giới bị xâu xé bởi sự chia rẽ và xung đột, Tin Mừng của Chúa Kitô là tiếng nói nhẹ nhàng và mạnh mẽ mời gọi con người gặp nhau, nhìn nhận nhau như anh em và vui mừng trong sự hòa hợp giữa sự đa dạng”. Đức Phanxicô viết điều này trong thông điệp Ngày Thế giới Truyền giáo lần thứ 98 sẽ được cử hành vào ngày 20 tháng 10 năm 2024 lấy cảm hứng từ câu 9 chương 22 trong Tin Mừng Thánh Matthêu: “Hãy đi mời mọi người đến dự tiệc”. Đức Giám Mục Rôma giải thích: “Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ và đạt đến sự hiểu biết chân lý”. Vì thế, truyền giáo là một “cuộc đi không mệt mỏi hướng tới toàn thể nhân loại”, không có loại trừ, “để mời họ gặp gỡ và hiệp thông với Thiên Chúa”.
- Bữa tiệc Tin Mừng và bữa tiệc thế giới
Không mệt mỏi như Thiên Chúa: “cao cả trong tình yêu và giàu lòng thương xót”, “luôn đi đến với mọi người để mời gọi họ đến với hạnh phúc Nước Trời, bất chấp sự thờ ơ hay khước từ”. Trong dụ ngôn Tin Mừng, nhà vua ra lệnh cho đầy tớ đi mời tới dự tiệc cưới, “hình ảnh về sự cứu rỗi cuối cùng của Vương quốc Thiên Chúa, đạt được nhờ sự xuất hiện của Chúa Giêsu”. Đức Giám mục Rôma kêu gọi chúng ta phân biệt khỏi những lời hứa hão huyền về hạnh phúc: “Thực vậy, thế giới đề xuất” những bữa tiệc khác nhau của chủ nghĩa hưởng thụ, phúc lợi ích kỷ, sự tích lũy, chủ nghĩa cá nhân, Tin Mừng mời gọi mọi người đến với bữa tiệc thiêng liêng, nơi ngự trị niềm vui, sự chia sẻ, công bằng, tình huynh đệ, trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và với người khác”.
- Nguy cơ của một Giáo hội không để Chúa đi ra ngoài
Lời mời gọi của Chúa Giêsu luôn luôn thích hợp cho hôm nay cũng như hôm qua, “đi” và “mời”: “Mỗi Kitô hữu – Đức Giáo Hoàng chỉ ra – được mời gọi tham gia vào sứ mệnh phổ quát này với chứng tá Tin Mừng của chính mình trong mọi môi trường, để tất cả Giáo hội tiếp tục đi ra cùng với Chúa và Thầy của mình hướng tới các ‘ngã ba đường’ của thế giới ngày nay”. Tuy nhiên, theo Đức Thánh Cha Phanxicô, “thảm kịch” của Giáo hội ngày nay “là Chúa Giêsu tiếp tục gõ cửa, nhưng từ bên trong, ngõ hầu chúng ta để Người ra ngoài!”. “Nhiều lần – Đức Thánh Cha nhận xét – cuối cùng chúng ta trở thành một Giáo hội không để Chúa ra ngoài, giữ Người như ‘của riêng mình’, trong khi Chúa đến để truyền giáo và muốn chúng ta là những nhà truyền giáo” (Diễn từ cho các thành viên tham dự hội nghị do bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống, ngày 18 tháng 2 năm 2023).
- Không ai bị loại trừ. Những vị khách đặc biệt cuối cùng trong bữa tiệc
Do đó lời mời gọi tất cả những người đã được rửa tội tái khám phá động lực và lòng nhiệt thành truyền giáo của các Kitô hữu đầu tiên, những người cảm thấy “sự cấp bách của việc loan báo Tin Mừng”. Lời loan báo mang tính phổ quát, nó liên quan đến “tất cả mọi người thuộc mọi hoàn cảnh xã hội hoặc thậm chí hoàn cảnh luân lý của họ”: Đức Giáo Hoàng nhận xét rằng trong dụ ngôn về bữa tiệc, những người đầy tớ đã tập hợp “tất cả những người họ tìm thấy, cả tốt và xấu”: “những người rốt hết và những người bị gạt ra bên ngoài lề xã hội đều là những người những vị khách đặc biệt của nhà vua”, “bất cứ ai cũng đều nhận được lời mời của Thiên Chúa”, “bạn chỉ cần nói ‘xin vâng’ với món quà thiêng liêng và nhưng không này, đón nhận nó và để cho mình được nó biến đổi”.
- Tôn trọng và vui vẻ, không ép buộc hay chiêu dụ
Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, tính cấp bách, nhưng trong sự tôn trọng và lòng nhân ái phải là đặc điểm của lời mời dự tiệc cưới và vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ với tình yêu cứu độ của Thiên Chúa nơi Chúa Kitô đã chết và phục sinh (Evangelii Gaudium, số 36): “Khi công bố cho thế giới vẻ đẹp của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa – ngài viết trong thông điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2024 – các môn đệ thực hiện điều đó với “niềm vui, lòng cao thượng, không ép buộc, chiêu dụ”.
Hình ảnh của bữa tiệc cũng có một viễn cảnh cánh chung: sứ mạng của Chúa Kitô là sứ mạng viên mãn của thời gian. Đức Thánh Cha trích dẫn sắc lệnh Ad Gentes của Công đồng Vatican II: “Trước khi Chúa đến, Tin Mừng phải được loan báo cho mọi người” (Ad Gentes, số 9).
- Thượng Hội đồng và Năm Thánh
Đức Thánh Cha nhận xét, việc suy tư về việc truyền giáo tỏ ra đặc biệt hợp thời, “trong giai đoạn cuối cùng này của tiến trình thượng hội đồng” và trong năm dành riêng cho việc cầu nguyện để chuẩn bị cho Năm Thánh 2025. Lời mời gọi là “tiếp tục cuộc hành trình hướng tới một toàn thể Thượng hội đồng truyền giáo của Giáo hội phục vụ Tin Mừng” và tăng cường cầu nguyện cho sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội và tham gia Thánh lễ. Thật vậy, Bí tích Thánh Thể báo trước hồng ân sự sống trọn vẹn – chúng ta đọc trong tài liệu – “như Đức Bênêđíctô XVI đã dạy (…) bữa tiệc Thánh Thể đối với chúng ta là một sự báo trước thực sự về ‘bữa tiệc cuối cùng’ và ‘chúng ta không thể đến gần bữa tiệc cuối cùng’ bàn tiệc Thánh Thể mà không để mình bị cuốn theo sự chuyển động của sứ mạng truyền giáo, phát sinh từ chính Trái Tim Thiên Chúa, nhằm đến với mọi người” ( Sacramentum Caritatis, số 84).
- Hãy để lại mọi sự cho Tin Mừng
Trong thông điệp ngày 25 tháng 1 năm 2024, ngày lễ Thánh Phaolô hoán cải, Đức Phanxicô cảm ơn các nhà truyền giáo nam và nữ đã “đáp lại lời kêu gọi của Chúa Kitô, bỏ tất cả để đi xa quê hương và mang Tin Mừng”. Cuộc sống của họ là “một biểu hiện hữu hình của sự cam kết thực hiện sứ mạng ad gentes mà Chúa Giêsu đã ủy thác cho các môn đệ của Người”. Cuối cùng, Đức Giám mục Rôma hy vọng có “sự hợp tác truyền giáo chặt chẽ” trong Giáo hội hoàn vũ cũng như trong các Giáo hội địa phương, đồng thời khuyến khích sự phục vụ của các Hiệp hội Truyền giáo Giáo hoàng cho tất cả các giáo phận: “các việc quyên góp trong Ngày Truyền giáo Thế giới hoàn toàn được nhập vào quỹ liên đới chung mà Hiệp hội Giáo hoàng Truyền bá Đức tin sau đó phân phối, nhân danh Giáo hoàng, cho các nhu cầu truyền giáo của Giáo hội”.
Nguồn: vaticannews.va/it/