Địa Chỉ: Thôn 6, Đức Thanh, Lộc Ngãi, Bảo Lâm, Lâm Đồng
Nếu bạn là người quen biết các địa danh tại Bảo Lộc, khi nghe tới “Lộc Thanh II”, bạn sẽ biết ngay đây là một vùng đất mới của Bảo Lộc. Thật vậy, Bảo Lộc vốn là một nơi trù phú, khí hậu ôn hòa, không quá nóng cũng không quá lạnh, có lượng mưa nhiều, thích hợp để trồng trọt. Do vậy, khi hoàn cảnh quá khó khăn, một số người dân từ Miền Bắc, Đồng Nai và Miền Tây,… đã âm thầm di dân đến đây khai thác đất đai và trồng trọt để sinh sống.
Đức Cha Batôlômêô giao vùng đất này cho Cha Giuse Nguyễn Hữu Duyên khi đó đang làm quản xứ giáo xứ Thanh Xuân, Cha Giuse đã ngỏ lời với Hội Dòng, và Hội Dòng đã cử Chị Phụ Trách Maria Nguyễn Thị Hường (Rạng) cùng các chị Têrêxa Trần Thị Gấm, Chị Maria Phạm Thị Hiền, Chị Maria Trần Thị Kim Dung làm việc mục vụ tại Đức Thanh và Lộc Đức. Tháng 03/1993, Cha Giuse Dương Ngọc Châu, cha quản xứ mới của giáo xứ Thanh Xuân, cho sửa lại khu nhà tằm và bàn giao lại cho Hội Dòng làm tu viện và nhà trẻ.
Và Tu Viện trở thành “ngôi nhà chung” cho mọi người. Từ việc hướng dẫn lối sống đạo, mở lớp huấn luyện giáo lý viên, tổ chức những sân chơi cho thiếu nhi, giới trẻ, mở lớp mầm non để các “mầm non” của Giáo Hội, xã hội có cơ hội được đến trường. Lớp học tuy thô sơ nhưng là niềm vui lớn của cả phụ huynh và học sinh. Rồi những bộ đồ cũ, miếng cơm, chén canh tình thương đã nuôi lớn biết bao em nhỏ quê nghèo.
Năm 1993 là thời gian đầu mới lập nghiệp, quả là khó khăn. Và các Chị Em Mến Thánh Giá đã có mặt đồng hành với người dân trong giai đoạn khó khăn này.
Trước hết là khó khăn về vị trí địa lý, khi đó, đây là một vùng đất phải nói là cách biệt với khu dân cư, bởi lẽ để đến được nơi này, ta phải đi 10 km từ giáo xứ Thanh Xuân, và đường đi hai bên chủ yếu cỏ dại mọc lút đầu người, một số ít là vườn cà phê. Đường dốc lại là đường đất, mùa nắng thì bụi “khủng khiếp”, và mùa mưa thì lầy lội “khiếp khủng”. Chưa kể đến là phải đi qua một cây cầu bằng gỗ mà như các Chị dùng từ “bò” qua cầu chứ không phải đi qua cầu. Vậy nên các Chị thường hay nhờ người dân chở đi, hoặc nếu tự chạy xe máy thì cũng… chạy đến cầu, dừng lại, để xe đó và “bò” qua cầu, còn xe thì kệ mặc, ai chạy qua cho thì chạy. Thời gian sau, phần vì xe cày chạy nhiều, phần vì đường dốc xói mòn, tạo thành những ổ voi thật lớn. Tuy vậy, Các Chị rất kiên trì, không nề quản điều gì. Dù không phải là “tay lái lụa” trên đường đất, nhưng luôn có Chúa đồng hành. Nên cách này cách khác, các Chị đã vượt qua và len lỏi vào trong làng, thăm người đau yếu, bệnh tật, phát thuốc,…
Như đã nói ở trên, những người dân ở đây hầu hết là những người nghèo từ “tứ xứ” kéo về, vậy nên họ rất khác biệt với nhau, khác về tính cách, giọng nói, cách ứng xử, phong tục tập quán,… Do đó, các Chị rất khó khăn trong việc kéo họ lại gần với nhau. Các Chị xác tín, khó nhưng không phải không làm được. Và luôn tâm niệm rằng “mình cố gắng phần nào hoàn tất những gì còn thiếu nơi những đau khổ của Đức Kitô”. Và không phải các Chị, nhưng là Chúa đã quy tụ họ lại với nhau tham gia các sinh hoạt tại nhà thờ Đức Thanh. Các Chị giúp công tác mục vụ: trao Mình Thánh Chúa, dạy giáo lý, phụ trách ca đoàn, coi lễ sinh,…
Tạm trải qua thời gian “vạn sự khởi đầu nan”, cùng với giáo xứ, cộng đoàn ngày càng ổn định và phát triển.
Năm 1994, Hội Dòng có sự thay đổi nhân sự, Chị Anna Trần Thị Kim Ân và chị Têrêxa Dương Thị Thanh Thủy về cộng đoàn, tiếp nối công việc mà các Vị đi trước đã khai mở.
Hiện nay, Chị Phụ Trách Maria Nguyễn Thị Hiền, Chị Anna Trần Thị Kim Ân, Chị Têrêxa Mai Thị Lĩnh, Chị Maria Trần Thị Hiên phục vụ tại cộng đoàn. Các chị em tham gia các sinh hoạt tại giáo xứ: dạy giáo lý, phụ trách ca đoàn, trao Mình Thánh Chúa, phát thuốc và thăm viếng người nghèo, già yếu và bệnh tật…
Cộng đoàn chọn Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa (mừng ngày 01/01), làm Bổn Mạng cộng đoàn, với ý hướng chọn ngày đầu tiên trong năm xin thánh hóa cộng đoàn, và xin Đức Mẹ luôn dẫn đường chỉ lối cho từng chị em trong cộng đoàn, hầu mỗi người luôn bước đi trong Thánh Ý Chúa, theo gương Đức Mẹ, mang Chúa đến cho mọi người. Cố gắng sống trung thành với tinh thần truyền giáo mà Đức Cha Lambert, Đấng Sáng Lập Dòng, để lại.
Cộng đoàn có được như ngày hôm nay là công lao của biết bao Vị đi trước, của những người giáo dân nhiệt tình cộng tác, của Quý Ân nhân và Thân nhân xa gần.
Xin tạ ơn Chúa!