Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ Fr.Aleteia
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang hiện diện ngày càng rõ nét trong môi trường học đường, mang đến cả những cơ hội mới lẫn thách thức sâu rộng đối với học sinh và giáo viên. Trước tình hình mới mẻ này, cần phải suy nghĩ lại về sứ mạng giáo dục, phương pháp giảng dạy và việc giữ được sự cân bằng nhân bản trong thời đại kỹ thuật số.
“Tôi không thể quay lại như trước nữa!” – Timothée, 18 tuổi, sinh viên năm nhất lớp dự bị kỹ sư, khẳng định. “Tôi dùng AI rất nhiều! Để tóm tắt bài học, làm phiếu học tập, luyện tập cho các bài kiểm tra miệng, ôn lại những khái niệm tôi chưa hiểu…” Với Timothée, AI là một công cụ hỗ trợ, và không phải chỉ mình cậu nhận định như thế.
Vào tháng 2, bà Élisabeth Borne, Bộ trưởng Giáo dục Quốc gia Pháp, thừa nhận rằng “gần như toàn bộ học sinh trung học và sinh viên đều sử dụng AI một cách thường xuyên”. Dù trẻ nhỏ ít sử dụng hơn, nhưng vẫn bị cuốn vào xu hướng này: theo khảo sát “Tuổi thơ và Kỹ thuật số” của Quỹ Bảo vệ Trẻ em công bố ngày 29 tháng 1, có 26% phụ huynh từng đề nghị con mình dùng AI để làm bài tập (trong đó 10% sử dụng thường xuyên).
Những thói quen mới này đang làm thay đổi sâu sắc cách học và cách dạy. Để điều chỉnh việc sử dụng AI, Bộ Giáo dục sẽ ban hành vào mùa xuân bản điều lệ sử dụng AI một cách đạo đức và hợp lý trong nhà trường. Văn bản này sẽ nêu rõ cách thức sử dụng các công cụ AI tạo sinh phổ biến. Từ năm học 2025, học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông sẽ được học trực tuyến về AI, với các phiên học bắt buộc trên nền tảng Pix dành cho học sinh lớp 8 và lớp 10, bao gồm: cách đặt câu hỏi cho AI (prompting), nguyên lý hoạt động của AI tạo sinh, quản lý dữ liệu cá nhân và tác động môi trường.
Không có trường trung học nào – công lập hay tư thục – thoát khỏi ảnh hưởng của AI kể từ khi ChatGPT xuất hiện vào cuối năm 2022. AI đã nhanh chóng lan rộng trong môi trường học đường, đặc biệt là với học sinh.
Các chuyên gia đồng ý rằng cần quản lý việc sử dụng AI, nhưng chưa rõ nên làm thế nào và tới đâu.
“Chúng ta chỉ chắc chắn hai điều: một là học sinh sử dụng AI rất phổ biến; hai là chúng ta vẫn hiểu rất ít về những gì đang xảy ra”, theo Pierre-Yves Oudeyer, nhà nghiên cứu về khoa học nhận thức và trí tuệ nhân tạo tại Inria, trong một hội thảo của Cnesco tháng 11/2024.
Cần suy nghĩ lại cách giảng dạy khi có AI
“Đứng trước AI, trường học không biết nên bước theo hướng nào”, theo bà Blandine Coudert, giáo viên lịch sử – địa lý tại Tours hơn 10 năm, thành viên tích cực của nhóm “Giáo dục số có trách nhiệm”. Nhưng bà cảnh báo: cần phải thích nghi ngay. “Ngoại trừ học sinh lớp 6 còn khá nghiêm túc, thì AI đã được dùng ở hầu hết các lớp.” Bà nhận xét: “Khi giao bài về nhà, hầu như luôn có gian lận hoặc đạo văn nhờ AI tạo sinh. Nhiều em làm bài với thiện chí, nhưng không thể chấm điểm vì không biết chính xác ai là người làm. AI còn có thể tạo ra lỗi chính tả, cú pháp yếu, nên rất khó phát hiện hay chứng minh.”
Vậy phải làm thế nào? Theo bà Blandine Coudert, dù không thể loại bỏ AI khỏi trường học, giáo viên cần chuyển hướng phương pháp giảng dạy để thích ứng và đồng thời giữ vững vai trò hướng dẫn của mình. Một giải pháp là tăng thời lượng đánh giá trực tiếp tại lớp, thay vì làm ở nhà. Đồng thời, cần giải thích cho học sinh cách hoạt động của AI. “Học sinh cần hiểu rõ công cụ này – nguồn gốc, cách vận hành, giới hạn… Trường học cần là nơi giúp các em làm quen và phát triển tư duy phản biện đối với AI.”
AI cũng có thể giúp ích cho giáo viên, tiết kiệm thời gian để họ tập trung vào chuyên môn. Theo Bộ Giáo dục Pháp, chưa tới 20% giáo viên sử dụng AI thường xuyên. Một số công cụ AI hỗ trợ chuẩn bị bài giảng, tạo đề thi, trắc nghiệm, chấm điểm, sửa bài… Có môt số công cụ AI còn giúp học sinh khó khăn, ví dụ bị chứng khó đọc, bằng cách chuyển ảnh bài giảng sang dạng văn bản dễ đọc hơn. Một số công cụ AI còn giúp phát hiện học sinh có nguy cơ bỏ học nhờ phân tích dữ liệu về việc đi học trễ, điểm số giảm sút… Bộ Giáo dục cũng đang phát triển một AI “có chủ quyền, mở và linh hoạt” dành riêng cho giáo viên, dự kiến đưa vào sử dụng từ năm học 2026-2027 để hỗ trợ chuẩn bị bài và đánh giá học sinh.
Nguy cơ của việc “số hóa toàn diện”
Nên sử dụng AI, nhưng không nên “số hóa toàn diện”. AI không thể thay thế giáo viên. Việc truyền đạt tri thức đòi hỏi một mối tương quan đích thực giữa người với người.
Bà Coudert nhấn mạnh: “Điều cấp bách là phải khôi phục lòng tin vào trí tuệ con người thông qua một nền giáo dục có sự sự hiện diện của thân xác con người, có tương tác giữa người với người, để giúp con người trưởng thành”.
Việc AI có thể thích ứng với trình độ của học sinh, đưa ra các bài tập và sửa lỗi khiến mối quan hệ con người bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Nhưng “con người mới là yếu tố giúp ta tiến bộ”, bà khẳng định. “Hàng loạt bài tập do AI tạo ra không thể thay thế một cô giáo quỳ xuống bên học trò để giảng giải điều em chưa hiểu. Truyền đạt kiến thức cần đến sự đồng cảm, cử chỉ và tính nhân văn!”
Quan điểm này được nêu rõ trong văn kiện Antiqua et Nova của Tòa Thánh, công bố ngày 28/1/2025: “Giáo viên không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn là mẫu gương về các phẩm chất nhân bản và là người khơi dậy niềm vui khám phá… Sự hiện diện của giáo viên tạo động lực cho học sinh thông qua nội dung giáo viên giảng dạy cũng như qua sự quan tâm mà giáo viên dành cho họ. (…) Sự hiện diện thể lý của giáo viên tạo ra một mối quan hệ mà AI không thể thay thế – một mối quan hệ làm sâu sắc thêm sự dấn thân và nuôi dưỡng sự phát triển toàn diện của học sinh” (Antiqua et Nova, số 37).
Việc lạm dụng AI, dù bởi học sinh hay giáo viên, đều gây tổn hại đến việc học. “Tư duy sẽ mai một, năng lực trí óc suy giảm, học sinh sẽ không còn khả năng viết lách, lập luận, phản biện; các em sẽ dễ bị thao túng và vì thế ít tự do hơn”, bà Coudert tỏ ra lo ngại khi chứng kiến sự trồi sụt giữa các học sinh, về mặt vốn từ vựng, tùy thuộc vào mức độ tiếp xúc với màn hình của các em.”Mục tiêu của trường học là đào tạo những người trưởng thành biết cách tìm được vị trí của mình trên thế giới.”
Một số AI được thiết kế để khơi gợi tư duy phản biện, nhưng “nhiều AI chỉ đưa ra câu trả lời thay vì giúp học sinh tự mình tìm thấy”, văn kiện Antiqua et Nova cảnh báo. “Thay vì đào tạo giới trẻ trở thành những người chỉ tích lũy thông tin và phản ứng nhanh, giáo dục cần cổ vũ sự tự do có trách nhiệm, biết chọn lựa với sự khôn ngoan và trí tuệ” (Antiqua et Nova, số 45).
Một nguy cơ khác là, khi quá lệ thuộc vào AI, ta có thể đánh mất giá trị của trí tuệ con người – điều này đe dọa sự phát triển của các thế hệ mai sau.
Nếu giới trẻ cho rằng AI làm tốt hơn mình, vậy vai trò của các em là gì? “Đây là câu hỏi các em cảm nhận rất rõ – nó liên quan mật thiết đến lòng tự tin. Vì vậy, chúng ta phải giúp các em tìm lại động lực học tập, khả năng liên kết, suy luận độc lập…”, bà Coudert cảnh báo. Ngày nay, điều học sinh cần được nghe là: “Đúng, máy móc có thể làm điều đó. Nhưng nếu em khao khát tự do đích thực, hãy học cách tự mình suy nghĩ và lý luận!”
Ví dụ về máy tính cầm tay cho thấy rõ điều này. Chiếc máy tính đầu tiên mang tên Pascaline, do Blaise Pascal phát minh – ra đời từ năm 1645. Nó có thể thay con người làm các phép tính. Thế nhưng, trẻ em vẫn phải học ý nghĩa các phép toán và bảng cửu chương. Bởi chúng ta tin tưởng, một cách chính đáng, rằng trí tuệ – hồng ân cao quý từ Chúa Thánh Thần – không chỉ giúp con người khám phá thế giới tạo dựng, mà còn nhận ra vai trò của mình trong công trình sáng tạo ấy.
Vì thế, giáo dục trong thời đại AI cần khơi dậy nơi người học một trí tuệ sống động – không chỉ thu thập dữ liệu, mà còn biết suy tư, cảm nhận, yêu thương và hành động cách có trách nhiệm. Đó là trí tuệ con người, được mời gọi cộng tác với ân sủng để khám phá ý nghĩa cuộc đời và sứ mạng bản thân.
Lời mời gọi từ Giáo hội: Hướng đến một nền giáo dục nhân bản và toàn diện
Trong bối cảnh AI ngày càng phát triển, điều cốt lõi không phải là từ chối công nghệ, nhưng là đặt con người – với tự do, lý trí và phẩm giá – ở trung tâm tiến trình giáo dục. Theo lời mời gọi của Giáo hội, trường học không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức, mà còn là nơi vun đắp nhân cách, nuôi dưỡng đức tin và khơi dậy ơn gọi làm người.
Thông điệp Christus Vivit (2019) của Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng: “Không có gì có thể thay thế được sự hiện diện của người giáo viên, người đồng hành, người hướng dẫn tinh thần – những người biết lắng nghe, đặt câu hỏi và khơi mở con đường cho người trẻ” (Christus Vivit, số 246). Hiến chế Gaudium et Spes (1965) cũng khẳng định rằng “giáo dục là công việc giúp con người phát triển toàn diện trong sự tự do và chân lý” (Gaudium et Spes, số 61).
Văn kiện Veritatis Gaudium (2018) mời gọi các cơ sở giáo dục Công giáo đổi mới phương pháp sư phạm để đối thoại với thế giới đương đại, dựa trên “niềm vui của chân lý”. Và gần đây, Antiqua et Nova (2025) nhấn mạnh rằng “chính tương quan con người, chứ không phải dữ liệu, mới là nền tảng của sự khôn ngoan và trưởng thành” (Antiqua et Nova, số 54).
Vì vậy, giáo dục với sự hỗ trợ của AI cần được định hướng bởi các giá trị Tin Mừng, đảm bảo rằng công nghệ luôn phục vụ con người, chứ không thao túng con người. Chỉ khi đó, AI mới trở thành một công cụ phục vụ sự phát triển toàn diện và bền vững cho thế hệ mai sau.
Nguồn: tgpsaigon.net/