spot_img
Thêm
    Trang chủThông TinĐức Giáo HoàngCHÚT TÂM TÌNH TIỄN BIỆT NGƯỜI CHA KÍNH YÊU

    CHÚT TÂM TÌNH TIỄN BIỆT NGƯỜI CHA KÍNH YÊU

    Lm. Lê Công Đức, PSS.
    Hôm nay, 26.4.2025, năm ngày sau khi kết thúc hành trình dương thế, thi hài Đức thánh cha Phanxicô sẽ được an táng tại Đền thờ Đức Bà Cả ở Rôma, như ngài sở nguyện. Nhớ lại, vào lúc nghe tin ngài qua đời hôm thứ hai vừa rồi, một cảm nghĩ trào lên trong tôi: “Con yêu mến và hết lòng biết ơn Đức thánh cha, ‘santo subito’ của con!”
    Những ngày này, thật an ủi khi nghe, đọc rất nhiều tâm tình ý nghĩ ngưỡng mộ Đức thánh cha Phanxicô từ nhiều tiếng nói khác nhau khắp nơi trên thế giới. Trong ngày mà mọi người chính thức từ giã ngài và cầu chúc ngài An Nghỉ, tôi cũng muốn bập bẹ chia sẻ chứng từ bé nhỏ về cảm nghiệm cá nhân của mình đối với vị Cha chung.
    Tôi bị cuốn hút ngay lập tức bởi nụ cười hiền hòa nhẹ nhàng, cung cách khiêm tốn và những quyết định với xác tín mạnh mẽ của ngài bộc lộ vào những khoảnh khắc đầu tiên sau khi được chọn kế nhiệm thánh Phêrô. Ngài ân cần nói lời chào ‘Buona sera’ rất gần gũi với mọi người, xin họ cầu nguyện cho Đức Bênêđictô và cho chính ngài, rồi chúc lành cho họ. Y phục ra mắt đơn giản chưa từng có đối với một vị ‘giáo hoàng’. Rồi những quyết định’ cá nhân’ tiếp theo: cư ngụ tại nhà lưu trú Santa Marta thay vì Dinh Tông Tòa, ăn tại nhà ăn tập thể với mọi người, đi lại bằng xe bus thay vì xe riêng, tiếp xúc trực tiếp với các đám đông, không ngại vấn đề an ninh… Chính ngài trở lại Domus Paulus VI để lấy đồ đạc cá nhân và thanh toán hóa đơn cho những ngày lưu trú trước đó… Rồi một loạt những mẩu chuyện nhỏ khác về ngài được người ta kể, như việc ngài gọi điện thoại cắt đăng ký mua tờ nhật báo tại quầy báo gần nhà ở Buenos Aires, việc ngài sưu tập và trả lại những dây thun nhỏ cho quầy báo đều đặn mỗi cuối tháng, việc ngài cư ngụ và làm việc tại nơi chốn rất giản dị khiêm tốn, cũng như việc ngài từng đi lại chủ yếu bằng phương tiện công cộng… Tất cả đều là những chứng tá đầy ấn tượng đối với tôi khi hình dung nhân cách một mục tử cấp cao trong Giáo hội.
    Chiều hôm sau ngày được bầu chọn, ngài dâng lễ với các anh em Hồng y cử tri tại nhà nguyện Sistine. Bài giảng được soạn trên một trang giấy nhỏ, nhưng ngài chủ yếu nhìn cộng đoàn cách sống động chứ không chỉ dán mắt vào giấy. Ngài nói về ‘bước đi, xây dựng, và tuyên xưng’ (camminare, edificare, e confessare) – trong đó ngài nhấn mạnh với các Hồng y: “Khi chúng ta bước đi mà không có thập giá, khi chúng ta xây dựng mà không có thập giá, và khi chúng ta tuyên xưng một Đức Kitô không có thập giá, thì chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta là những con người trần tục, là những giám mục, linh mục, Hồng y, giáo hoàng, nhưng không phải là những môn đệ của Chúa”! Tôi nghe bài giảng ấy của ngài như nghe một phát pháo lệnh ‘vào cuộc’ canh tân Giáo hội, rất thẳng thắn và dứt khoát. Những ai còn nhớ tình hình khủng hoảng trong Giáo hội dẫn đến sự từ chức của Đức Bênêđictô XVI sẽ hiểu được tầm quan trọng của tuyên ngôn này từ vị tân giáo hoàng.
    Đức Phanxicô tiếp tục cuốn hút tôi với chuyến đi đầu tiên của ngài ra khỏi Rôma. Ngài đi Lampedusa, một đảo phía nam nước Ý, nơi mà rất nhiều người di cư đã chết trên biển. Ngài ủy lạo tinh thần những người sống sót dạt vào bờ. Ở đó ngài dâng lễ và giảng đề tài ‘Em ngươi đâu?’, nhắc lại lời Thiên Chúa hỏi Cain trong sách Sáng thế. Ngài kêu gọi các chính phủ cư xử nhân đạo hơn với những người di cư khốn khổ vì nhiều lý do. Đặc biệt, ngài tha thiết nhắc mọi người chúng ta cần lấy lại khả năng khóc, vâng, phải biết khóc trước thảm cảnh của các anh chị em mình, vượt qua xu hướng ‘toàn cầu hóa sự thờ ơ’!…
    Ngài trả lời một cuộc phỏng vấn vào thời gian đó, với Cha Spadaro. Trước câu hỏi đầu tiên, hoàn toàn bất ngờ chứ không chuẩn bị trước: “Tự giới thiệu vắn tắt về mình, Đức thánh cha sẽ nói thế nào?” Ngài chỉ thoáng suy nghĩ, rồi nói rõ ràng: “Một người tội lỗi, tôi là một người tội lỗi được Chúa thương đoái nhìn và tuyển chọn”. Vâng, đó là niềm xác tín sâu xa nhất của vị giáo hoàng của Lòng Chúa Thương Xót. Xác tín này đến từ lịch sử ơn gọi của ngài, liên quan tới một ngày lễ thánh Matthêu hồi còn thanh xuân, nối kết với câu chuyện tiếng gọi dành cho vị Tông Đồ gốc người thu thuế này, việc ngài chọn khẩu hiệu ‘Miserando atque eligendo’, cũng như niềm say mê của ngài đối với bức họa của Caravaggio được lưu giữ trong nhà thờ Vua thánh Louis người Pháp, chỉ cách Domus Paulus VI một con hẻm nhỏ. “Tôi là một người tội lỗi được Chúa đoái thương nhìn đến và tuyển chọn”, từ đó đến nay tôi không nhớ nổi mình đã dẫn lại lời này của Đức Phanxicô bao nhiêu lần…
    Tháng 11 năm 2013, Đức Phanxicô chính thức trao cho toàn thể Giáo hội tầm nhìn mục vụ cũng là cương lĩnh cuộc canh tân Giáo hội của ngài qua Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium). Mọi người phấn khích, dạt dào hy vọng. Vị giáo hoàng của ‘niềm vui Tin Mừng’ nhấn mạnh cốt lõi của Tin Mừng Kitô giáo là lòng thương xót, thúc đẩy một cuộc hóan cải mục vụ sâu xa để chuyển hóa sứ mạng, đề ra chiều hướng tản quyền nhiều hơn, hình dung một Giáo hội ‘đi ra’ hơn, quan tâm đến người nghèo và những người dễ bị tổn thương, bị loại trừ, nói ‘không’ với tính thế tục thiêng liêng và bệnh ái kỷ… Với niềm phấn khích, tôi tiếp tục theo dõi ngài, nhất là những bài giảng lễ hằng ngày tại nhà Santa Marta.
    Về sau này, và cho tới hôm nay, tôi càng thấy rõ Tông huấn Niềm vui Tin Mừng đúng là cương lĩnh mục vụ của Đức thánh cha Phanxicô. Tất cả các văn kiện giáo huấn chính thức của ngài kể từ đó đều là những bước khai triển cương lĩnh này. Thông điệp Laudato Sì về mối quan tâm môi trường sinh thái; Tông thư Misericordiae Vultus cho Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót; Tông huấn Amoris Laetitia sau hai Thượng Hội đồng Giám mục liên tiếp về hôn nhân và gia đình; Tông huấn Gaudete et Exsultate về lời mời gọi nên thánh trong thế giới ngày nay; Tông huấn Christus Vivit nói với và nói về người trẻ; Tông huấn Querida Amazonia là bốn giấc mơ về vùng Amazon; đặc biệt, Thông điệp Fratelli Tutti thúc đẩy việc xây tổ ấm gia đình nhân loại trong ngôi nhà chung là trái đất này. Tôi cũng thấy mình nhận cảm hứng rất nhiều từ những văn kiện giáo huấn khác nữa của Đức Phanxicô, như Tông thư Patris Corde về thánh Giuse, Tông huấn C’est la Confiance về con đường tổng hợp của thánh Têrêsa Chúa Giêsu Hài Đồng, nhiều Sứ điệp của ngài vào các dịp khác nhau, và gần đây hơn: Thông điệp Dilexit Nos về tình yêu nhân loại và thần linh của Trái Tim Chúa Giêsu.
    Có thể nói, lộ trình canh tân Giáo hội của Đức Phanxicô đạt bước quyết định với Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 16 vừa qua, mà sau ba năm toàn thể Giáo hội miệt mài làm việc, đã kết đọng được tầm nhìn trong Văn kiện Chung kết hồi tháng 10.2024. Chủ đề của Thượng Hội Đồng – ‘Vì một Hội Thánh hiệp hành (đồng hành đồng nghị): Hiệp thông, tham gia, sứ mạng’ – là một cách đúc kết giấc mơ của Đức Phanxicô về Giáo hội.
    Theo dõi những chuyến tông du mục vụ của ngài, tôi cảm nhận nhiều cung bậc cảm xúc. Đó là niềm phấn khích khi nghe ngài nói với các bạn trẻ trên thế giới qui tụ ở Braxin: “Các con hãy về lại giáo phận của mình và hãy quậy tưng lên!” Đó là nỗi lo lắng hồi hộp theo mỗi bước đi liêu xiêu đầy khó khăn của ngài sau khi xuống máy bay ở Thái Lan, Nhật Bản, Irắc, vv… Nhưng đó cũng là niềm vui và sự thán phục khi nhìn thấy trong những bước chân khổ sở ấy thì khuôn mặt và ánh mắt của ông cụ vẫn sáng ngời với nụ cười tỏa nắng khi chào hỏi và trò chuyện với mọi người… Một giáo hoàng tận tụy của mọi người. Một mục tử mang vào mình mùi chiên!
    Cũng như mọi người, tôi hồi hộp dõi theo biến cố ngài nhập viện hôm 14.2.2025, rồi thoáng thở phào khi ngài có thể rời bệnh viện Gemelli năm tuần sau đó, ngày 23.3, với lời ngài bình luận: “Sự hồi phục tốt nhất là hồi phục ở nhà mình”. Nhưng sức cùng lực kiệt mất rồi! Từ ít lâu nay, Đức Phanxicô không còn tự đi lại trên đôi chân mình được nữa. Giờ đây, giọng nói trở nên yếu ớt hẳn. Và nhất là, con người của niềm vui luôn xuất hiện trước mặt mọi người với nụ cười thật tươi ấy vào buổi trưa Chúa nhật Phục sinh không còn sức để cười được nữa. Không còn cười được, thì… chết, thế thôi. Sáng hôm sau, cả thế giới này bàng hoàng nghe tin Đức thánh cha qua đời.
    Tôi tri ân ngài về tất cả. Và tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo hội và thế giới này trong 12 năm qua một vị Giáo hoàng thật tốt lành, một con người là nguồn cảm hứng tích cực cho vô số người khác. Riêng mình, trong những năm qua, mỗi lần cảm thấy mệt mỏi, mỗi lần có điều gì phiền muộn, nản lòng, tôi thường tự nhủ: Có một cụ già như thế… lãnh trọng trách nặng nề nhất với toàn thể Giáo hội ở tuổi 76, một năm sau khi làm đơn xin nghỉ hưu theo độ tuổi… nay đang miệt mài làm việc hết mình từng ngày… luôn với niềm vui, lòng thương xót của Phúc Âm, và luôn luôn hy vọng…
    Tôi thầm nghĩ, biết ơn Đức thánh cha Phanxicô thì không có cách nào diễn tả tốt hơn là sống cảm hứng mà ngài trao gửi, và tiếp tục công cuộc mà ngài còn để lại dang dở, đó là góp phần làm sống hoạt phong cách đồng hành đồng nghị (hay hiệp hành) của Giáo hội hôm nay.
    BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

    VIDEO CLIPS

    THÔNG TIN ƠN GỌI

    Chúng tôi luôn hân hoan kính mời các bạn trẻ từ khắp nơi trên đất Việt đến chia sẻ đặc sủng của Hội Dòng chúng tôi. Tuy nhiên, vì đặc điểm của ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, chúng tôi xin được đề ra một vài tiêu chuẩn để các bạn tiện tham khảo:

    • Các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, thuộc gia đình đạo đức, được các Cha xứ giới thiệu hoặc công nhận.
    • Ứng Sinh phải qua buổi sơ tuyển về Giáo Lý và văn hoá.

    Địa chỉ liên lạc về ơn gọi:

    • Nhà Mẹ: 115 Lê Lợi - Lộc Thanh - TP. Bào Lộc - Lâm Đồng.
    • ĐT: 0263 3864730
    • Email: menthanhgiadalatvn@gmail.com