spot_img
Thêm

    Chúa nhật Lễ Lá, năm C

    Kiệu Lá:

    PHÚC ÂM: Lc 19, 28-40

    Khi ấy, Chúa Giêsu đi trước lên Giêrusalem. Và xảy ra là khi Người đến gần Bếtphagê và Bêtania, giáp núi gọi là núi Cây Dầu, Người sai hai môn đệ đi và bảo rằng: “Các con hãy đến làng trước mặt kia, vừa vào làng, các con sẽ gặp con lừa con cột sẵn đó chưa ai cỡi bao giờ. Các con hãy mở dây mà dẫn về. Và nếu có ai hỏi các con: “Tại sao các ông mở dây?” thì hãy nói thế này: “Vì Chúa cần dùng đến nó”. Hai người được sai ra đi, và gặp lừa con đứng đó như Chúa đã bảo. Hai ông đang mở dây lừa con, thì chủ nó hỏi rằng: “Sao các ông mở dây lừa con?”. Hai ông đáp: “Vì Chúa cần đến nó”. Hai ông dắt lừa về cho Chúa Giêsu, trải áo lên mình lừa và đặt Chúa lên trên. Dọc đàng, người ta trải áo trên lối đi. Khi Người đến gần triền núi Cây Dầu, tất cả đoàn môn đệ hân hoan lớn tiếng ca ngợi Chúa về mọi phép lạ họ đã thấy mà rằng: “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời”. Một vài người biệt phái trong đám đông nói cùng Người rằng: “Thưa Thầy, xin hãy mắng các môn đệ Ngài đi”. Chúa Giêsu nói: “Tôi bảo cho các ông biết nếu họ làm thinh, thì những viên đá sẽ la lên”.

    Thánh Lễ:

    BÀI ĐỌC I: Is 50, 4-7

    Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Mỗi sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn. Thiên Chúa đã mở tai tôi, mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu; tôi đã không che giấu mặt mũi, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không phải hổ thẹn; nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn.

    BÀI ĐỌC II: Pl 2, 6-11

    Chúa Giêsu Kitô, tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa để Thiên Chúa Cha được vinh quang.

    Bài Thương Khó: Lc 22,14-23,56 (bài dài)

    “Sự Thương Khó Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.

    C: Người đọc Chung, Thánh Sử; S: Người đối thoại khác, hoặc Cộng đoàn. J: Chúa Giêsu

    C. Bài Thương Khó Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, theo Thánh Luca.

    Đến giờ, Chúa Giêsu vào bàn ăn với mười hai tông đồ và bảo các ông: J. “Thầy đã tha thiết ước ao ăn Lễ Vượt Qua này với các con trước khi chịu khổ nạn. Thầy bảo các con, Thầy sẽ chẳng bao giờ ăn lễ này nữa, cho đến khi lễ này được thực hiện trong nước Thiên Chúa”. C. Rồi Người cầm chén, tạ ơn và phán: J. “Các con hãy lãnh nhận chén này mà chia cho nhau: Thầy bảo cho các con biết: Thầy sẽ không uống thứ nho này nữa cho đến khi nước Thiên Chúa đến!” C. Đoạn Người cầm bánh và tạ ơn, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: J. “Này là Mình Ta hiến ban vì các con, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. C. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén mà phán: J. “Chén này là Tân ước trong Máu Ta sẽ đổ ra vì các con. Vả lại này tay kẻ nộp Ta đang ở gần Ta, ngay trên bàn này. Đành rằng Con Người sẽ ra đi như đã được ấn định, nhưng vô phúc cho kẻ nộp Người!” C. Bấy giờ các ông bắt đầu hỏi nhau xem ai trong nhóm họ là kẻ làm điều đó. Giữa các ông cũng xảy ra một cuộc tranh giành xem ai trong họ được coi là cao trọng hơn hết. Nhưng Người bảo: J. “Vua chúa các dân ngoại thì thống trị dân, và những kẻ có quyền hành trên dân thì bắt dân gọi mình là ân nhân. Phần các con, thì không như thế, vì ai cao trọng hơn các con thì hãy trở thành như người nhỏ nhất, và kẻ làm đầu, hãy trở thành như người hầu bàn. Vì người ngồi ăn và kẻ hầu hạ, ai trọng hơn, nào chẳng phải là người ngồi ăn ư? Thế mà Thầy, Thầy ở giữa các con như người hầu hạ. Còn các con, các con đã kiên trì với Thầy trong các cơn gian nan của Thầy, và Thầy xếp đặt nước trời cho các con như Cha Thầy đã xếp đặt cho Thầy, để các con sẽ được ăn uống đồng bàn trong nước Thầy, và được ngồi trên toà xét xử mười hai chi tộc Israel!” C. Rồi Chúa nói: J. “Simon, Simon, này ma quỷ đã đòi sàng các con như sàng gạo, nhưng Ta đã cầu nguyện để con khỏi mất đức tin. Và phần con, khi đã trở lại, con hãy làm cho anh em con vững tin”. C. Ông thưa Người: S. “Lạy Thầy, con sẵn sàng theo Thầy, dù vào tù hay đi chịu chết”. C. Nhưng Người đáp: J. “Phêrô, Thầy bảo cho con biết: hôm nay khi gà chưa gáy, con đã chối rằng không biết Thầy”. C. Và Người bảo các ông: J. “Khi Thầy sai các con đi không mang theo túi tiền, không bị, không giày dép, nào các con có thiếu thốn sự gì không?” C. Các ông thưa: S. “Không thiếu gì cả”. C. Vậy Người nói: J. “Nhưng bây giờ ai có túi tiền, hãy cầm lấy, ai có bị, cũng hãy làm như vậy, và ai không có gươm, thì hãy bán áo choàng mình mà mua lấy gươm. Vì Thầy bảo các con hay: còn điều này chép về Thầy cũng cần phải được ứng nghiệm: “Người đã bị liệt vào số những kẻ gian ác”. Vì mọi điều đã chép về Thầy phải được hoàn tất”. C. Các ông thưa Người: S. “Thưa Thầy, này có hai thanh gươm đây”. C. Và Người bảo: J. “Đủ rồi”. C. Đoạn Người ra đi lên núi cây ôliu như thường lệ. Các môn đệ cũng đi theo Người. Đến nơi, Người bảo các ông: J. “Các con hãy cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ”. C. Rồi Người đi xa các ông một quãng bằng ném một hòn đá và quỳ gối cầu nguyện rằng: J. “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin Cha cất chén này xa con. Nhưng xin đừng theo ý con muốn, một theo ý Cha”. C. Bấy giờ có thiên thần từ trời hiện ra an ủi Người. Và lâm cơn hấp hối, Người cầu nguyện thiết tha hơn, và mồ hôi Người chảy ra như những giọt máu rơi xuống đất. Cầu nguyện xong, Người đứng dậy, trở lại chỗ các môn đệ, và thấy các ông còn đang ngủ vì buồn sầu. Người liền bảo: J. “Các con ngủ ư? Hãy dậy và cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ”. C. Người còn đang nói, thì này đây một lũ đông, và một người trong nhóm Mười Hai là Giuđa dẫn đầu. Hắn lại gần Chúa Giêsu để hôn Người. Chúa Giêsu bảo hắn: J. “Giuđa, ngươi lấy cái hôn để nộp Con Người ư?” C. Thấy các sự sắp xảy ra, những kẻ đứng chung quanh Người liền hỏi: S. “Thưa Thầy, chúng con có nên dùng gươm mà chém không?” C. Và một người trong các ông chém tên đầy tớ thầy thượng tế đứt tai phải. Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng bảo: J. “Thôi, đủ rồi”. C. Và Người sờ vào tai người đầy tớ ấy mà chữa cho y lành lại. Rồi Chúa Giêsu bảo các kẻ đến bắt Người gồm các thượng tế, trưởng vệ binh đền thờ và kỳ lão rằng: J. “Các ngươi cầm gươm giáo gậy gộc đi bắt Ta như bắt tên cướp ư? Hằng ngày Ta ngồi trong đền thờ giữa các ngươi mà các ngươi không bắt Ta. Nhưng đây là giờ của các ngươi và của quyền lực tối tăm”. C. Chúng liền bắt Người và điệu tới nhà thầy thượng tế. Còn Phêrô đi theo xa xa. Họ đốt lửa ngay giữa sân và ngồi vòng quanh, Phêrô cũng ngồi lẫn với họ. Một đứa đầy tớ gái thấy ông ngồi gần lửa, thì nhìn kỹ ông và bảo: S. “Cả ông này cũng theo hắn”. C. Nhưng ông chối và nói: S. “Này chị, tôi đâu quen biết người ấy”. C. Một lát sau, có người khác nhìn ông và nói: S. “Chính ông cũng là người trong bọn đó”. C. Nhưng Phêrô đáp: S. “Này anh, đâu có phải tôi”. C. Chừng một giờ sau, một người khác lại quả quyết rằng: S. “Đúng ông này cũng theo người ấy: vì ông ta cũng là người xứ Galilêa”. C. Phêrô đáp: S. “Này anh, tôi không biết anh muốn nói gì?” C. Khi ông còn đang nói, thì lập tức gà liền gáy. Chúa Giêsu quay lại nhìn Phêrô. Bấy giờ Phêrô mới sực nhớ lời Chúa đã bảo ông trước: Khi gà gáy, con đã chối Thầy ba lần. Phêrô liền ra ngoài và khóc lóc thảm thiết. Những kẻ canh giữ người, nhạo cười và đánh đập Người. Chúng che mặt Người, vả mặt mà hỏi Người rằng: S. “Hãy đoán xem ai đánh ngươi đó”. C. Và chúng còn thốt ra nhiều lời khác nhục mạ Người. Vừa sáng ngày, các kỳ lão trong dân, các thượng tế và các luật sĩ hội lại và cho điệu Người ra trước công nghị mà nói: S. “Nếu ông là Đấng Kitô, hãy nói cho chúng tôi hay”. C. Người trả lời: J. “Tôi có nói, các ông cũng chẳng tin tôi, và nếu tôi có hỏi, các ông cũng chẳng trả lời và cũng chẳng tha tôi. Nhưng từ giờ đây, Con Người sẽ ngự bên hữu Thiên Chúa toàn năng”. C. Mọi người đều hỏi lại: S. “Vậy ông là Con Thiên Chúa ư?” C. Người đáp: J. “Các ông nói đúng, Ta là Con Thiên Chúa”. C. Bấy giờ họ nói: S. “Chúng ta còn cần chứng cớ chi nữa? Vì chính chúng ta cũng nghe y nói”. C. Đoạn tất cả bọn họ đứng dậy và giải Người đến Philatô. Họ bắt đầu tố cáo Người rằng: S. “Chúng tôi đã thấy người này xúi giục dân nổi loạn, ngăn cản nộp thuế cho Cêsarê, và còn tự xưng là Kitô Vua”. C. Philatô bảo các thượng tế và đám đông rằng: S. “Ta không thấy người này có tội gì”. C. Nhưng họ cố nài rằng: S. “Người này đã làm náo động dân chúng, giảng dạy khắp xứ Giuđêa, bắt đầu từ Galilêa đến đây”. C. Philatô vừa nghe nói đến Galilêa, liền hỏi cho biết có phải đương sự là người xứ Galilêa không. Và khi đã biết Người thuộc thẩm quyền Hêrôđê, quan liền sai giải Người cho Hêrôđê cũng có mặt tại Giêrusalem trong những ngày ấy. Hêrôđê thấy Chúa Giêsu thì mừng rỡ lắm, vì từ lâu, ông ao ước thấy Người, bởi đã nghe nói về Người rất nhiều, và hy vọng xem Người làm một vài phép lạ. Nhà vua hỏi Người rất nhiều lời, nhưng Người không đáp gì hết. Trong khi ấy, các thượng tế và luật sĩ ở đó tố cáo Người dữ dội. Còn Hêrôđê cùng các quan lính thì khinh dể và nhạo báng Người, đoạn khoác cho Người một cái áo choàng trắng và gởi trả Người cho Philatô. Chính ngày đó, Hêrôđê và Philatô trở thành bạn hữu, vì trước kia họ là thù địch với nhau. Bấy giờ Philatô triệu tập các thượng tế, các thủ lãnh và dân chúng lại, rồi bảo họ: S. “Các ngươi đã nộp cho ta người này như một kẻ xúi giục dân làm loạn, nhưng đây ta đã tra xét trước mặt các ngươi, và ta không thấy người này phạm tội nào trong những tội các ngươi tố cáo. Cả vua Hêrôđê cũng thấy như vậy, vì ta đã cử các ngươi đến nhà vua và nhà vua cũng không thấy có chi đáng tội chết cả. Vậy ta sẽ cho sửa phạt, rồi tha đi”.

    C. Mỗi dịp lễ, quan tổng trấn phải phóng thích cho họ một người tù. Vậy toàn dân đồng thanh kêu lên: S. “Hãy giết người này, và tha Baraba cho chúng tôi”. C. Tên này vì dấy loạn trong thành và giết người, nên đã bị tống ngục. Nhưng Philatô muốn tha Chúa Giêsu, nên lại nói với dân chúng. Nhưng chúng càng la to hơn và nói: S. “Hãy đóng đinh nó, hãy đóng đinh nó vào thập giá!” C. Lần Thứ Ba, quan lại nói với dân chúng: S. “Người này đã làm gì xấu? Ta không thấy nơi ông ấy có lý do để lên án tử hình. Vậy ta sẽ trừng phạt, rồi tha đi”. C. Chúng lại la lớn tiếng, nhất định đòi đóng đinh Người vào thập giá, và tiếng la hét của chúng càng dữ dội hơn. Philatô liền tuyên án theo lời chúng yêu cầu. Vậy quan phóng thích tên đã bị cầm tù vì dấy loạn và giết người, là kẻ mà chúng đã xin tha, còn Chúa Giêsu thì quan trao phó để mặc ý chúng.

    Khi điệu Người đi, chúng bắt một người xứ Xyrênê, tên Simon, ở ngoài đồng về, chúng bắt ông vác thập giá theo sau Chúa Giêsu. Đám đông dân chúng theo Người, có cả mấy người phụ nữ khóc thương Người. Nhưng Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại bảo họ rằng: J. “Hỡi con gái Giêrusalem, đừng khóc thương Ta, hãy khóc thương chính các ngươi và con cái các ngươi. Vì này, sắp đến ngày người ta sẽ than rằng: “Phúc cho người son sẻ, phúc cho những lòng không sinh nở và những vú không nuôi con”. Bấy giờ người ta sẽ lên tiếng với núi non rằng: “Hãy đổ xuống đè chúng tôi”, và nói với các gò nổng rằng: “Hãy che lấp chúng tôi đi”. Vì nếu cây tươi còn bị xử như vậy, thì gỗ khô sẽ ra sao?” C. Cùng với Người, chúng còn điệu hai tên gian ác nữa đi xử tử. Khi đã đến nơi gọi là Núi Sọ, chúng đóng đinh Người vào thập giá cùng với hai tên trộm cướp, một đứa bên hữu và một đứa bên tả Người. Bấy giờ Chúa Giêsu than thở rằng: J. “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”. C. Rồi chúng rút thăm mà chia nhau áo Người. Dân chúng đứng đó nhìn xem, và các thủ lãnh thì cười nhạo Người mà rằng: S. “Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Đấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn”. C. Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống và nói: S. “Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi”.

    C. Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: “Người này là vua dân Do-thái”. Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng: S. “Nếu ông là Đấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa”. C. Đối lại, tên kia mắng nó rằng: S. “Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao. Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn Ông này, Ông có làm gì xấu đâu?” C. Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng: S. “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. C. Chúa Giêsu đáp: J. “Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”. C. Lúc đó vào khoảng giờ Thứ Sáu, tối tăm liền bao trùm cả mặt đất cho đến giờ thứ chín. Mặt trời trở nên u ám, màn trong đền thờ xé ra làm đôi ngay chính giữa. Lúc đó Chúa Giêsu kêu lớn tiếng rằng: J. “Lạy Cha, Con phó linh hồn Con trong tay Cha”. C. Nói đoạn, Người trút hơi thở.

    (Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)

    Thấy sự việc xảy ra, viên sĩ quan ca tụng Thiên Chúa rằng: S. “Ông này quả thật là người công chính”. C. Và tất cả dân chúng có mặt thấy cảnh tượng đó, và chứng kiến những sự việc xảy ra, liền đấm ngực trở về.

    Đứng xa xa, có những kẻ quen biết Người, và mấy phụ nữ đi theo Người từ xứ Galilêa, họ cũng chứng kiến. Tuy nhiên, có một công nghị viên tên là Giuse, người tốt lành và công chính. Ông này đã không đồng ý với mưu toan và hành động của các công nghị viên khác, ông quê ở thành Arimathia trong xứ Giuđêa, chính ông cũng trông đợi nước Chúa. Ông đến gặp Philatô và xin xác Chúa Giêsu. Đoạn ông hạ xác Người xuống, liệm trong khăn và táng trong mồ đã đục sẵn, nơi chưa táng xác ai. Hôm đó là ngày chuẩn bị và sắp bước sang ngày Sabbat. Trong khi đó, những người phụ nữ đã đi với Người từ xứ Galilêa, cũng theo đến xem mồ và xác Người được táng như thế nào. Rồi các bà về sửa soạn thuốc thơm và dầu thơm. Nhưng trong ngày Sabbat, các bà nghỉ theo đúng luật.

    Suy Niệm 1: TÂM TÌNH NGÀY LỄ LÁ…

    Thánh lễ hôm nay, cách riêng nghi thức kiệu lá và toàn bộ phụng vụ Lời Chúa, trao cho chúng ta toàn cảnh biến cố Khổ Nạn của Chúa Giêsu, kể từ khi Người vào thành Giêrusalem lần cuối cùng ấy cho đến khi Người chịu đóng đinh và chết trên Thập giá, được gỡ xuống và an táng trong mồ. Bài Thương Khó là tường thuật chi tiết cuộc Khổ Nạn (x. Mc 14,1-15.47). Nhiều nhân vật và đầy ắp sự kiện trong đó có thể là dữ liệu hàm súc giúp suy niệm/ chiêm niệm và gợi tâm tình cho chúng ta.

    Chẳng hạn, có thể tuỳ chọn tập trung vào hình ảnh của Phêrô, của Giuđa Iscariot, các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly và trong Vườn Cây Dầu, Philatô, đám đông cuồng nhiệt, vân vân…! Hay những sự kiện, như: Chúa lập bí tích Thánh Thể, Chúa thổn thức cầu nguyện với Cha trong Vườn Cây Dầu, Chúa bị bắt, bị xét xử, Chúa vác Thập giá, bị đóng đinh và treo lên, những lời cuối cùng trên Thập giá, và Chúa trút hơi thở…!

    Nhưng hôm nay có lẽ việc tiếp cận Cuộc Thương Khó của Chúa cách toàn bộ, tổng quan, thì được khuyến khích hơn – như người ta đứng trước sân nhà nhìn toàn cảnh công trình trước khi bước vào chiêm ngắm các hạng mục bên trong. Bài đọc Isaia – là Bài ca thứ ba về Người Tôi Tớ đau khổ của Chúa – giúp cho thấy cái cốt yếu trong kinh nghiệm ‘thương khó’ của Chúa Giêsu, đó là kinh nghiệm bị sỉ nhục, bị chà đạp tận cùng, nhưng tinh thần của Người vẫn trụ vững: “Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu; tôi đã không che giấu mặt mũi, không tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không phải hổ thẹn” (x. Is 50,4-7).

    Nhưng có sự căng thẳng và giằng co nào đó bên trong cảm xúc: Chính cảm nghiệm được Thiên Chúa nâng đỡ cũng bị thử thách, trong thân phận con người. Và tính bi tráng của Cuộc Thương Khó không chỉ ở chỗ Giêsu bị con người vứt bỏ cách thậm tệ, mà hơn thế nữa, Người cảm thấy như Người bị chính Thiên Chúa loại trừ: “Ôi Thiên Chúa! Ôi Thiên Chúa! Sao Chúa đã bỏ con?” (Đáp ca, Tv 21).

    Việc chiêm ngắm toàn bộ Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu hy vọng sẽ dẫn chúng ta vào sâu hơn nữa trong xác tín này: Chính VÌ CHÚNG TA mà Chúa Giêsu đã từ chối địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, đã huỷ mình ra không, đã trở nên một người phàm, đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá! (x. Pl 2,6-11).

    Nhưng “Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu”! (ibid.) Và chúng ta, khi chiêm ngắm toàn bộ mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu, sẽ tuyên xưng cách tâm phục khẩu phục rằng: Người là CHÚA!

    Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.

    …………………………………………….

    Suy Niệm 2: ĐỪNG ĐÓNG ĐINH CHÚA GIÊSU VÀO THẬP GIÁ VÌ TỘI LỖI CHÚNG TA

    Phụng vụ hôm nay đưa chúng ta vào tuần thánh. Như chúng ta biết chỉ có tuần này trong toàn năm phụng vụ được gọi là “tuần thánh.” Điều này không có nghĩa là 53 tuần khác trong năm không là thánh. Đối với người Kitô hữu, ngày nào cũng được gọi là ngày thánh, vì được thánh hiến cho Thiên Chúa. Thật vậy, thời gian thuộc về Thiên Chúa và Ngài đã thánh hiến thời gian. Tuần này được gọi là “tuần thánh” vì trong tuần này chúng ta tưởng niệm Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu Kitô, mầu nhiệm mà qua đó Thiên Chúa, qua Đức Giêsu Kitô, cứu chúng ta khỏi quyền lực tội lỗi và biến chúng ta thành dân riêng của Ngài. Qua mầu nhiệm này, Đức Giêsu Kitô đã đánh bại thần chết hầu mang lại cho chúng ta sự sống vĩnh cửu.

    Để giúp chúng ta cử hành cách thánh thiện phụng vụ hôm nay và sống trọn vẹn tuần thánh, chúng ta hãy để Lời Chúa hướng dẫn chúng ta qua các bài đọc. Nhìn vào Chúa Giêsu trong các bài đọc hôm nay, chúng ta có thể rút ra những điểm sau đây để suy niệm, để học hỏi và để đem ra thực hành.

    Thứ nhất, Chúa Giêsu là vua của gia đình và của cuộc đời chúng ta. Phụng vụ hôm nay bắt đầu với nghi thức làm phép lá và rước lá. Trong nghi thức này, bài Tin Mừng trích từ Thánh Luca được công bố. Đây là hành vi giúp chúng ta tưởng nhớ lại hành vi của người Do Thái đã làm để đón Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem. Trong Tin Mừng Thánh Luca, Giêrusalem là trung tâm, nơi mà Chúa Giêsu sẽ kết thúc sứ mệnh của mình và cũng là nơi mà các môn đệ bắt đầu sứ mệnh rao giảng cho muôn dân. “Hành trình tiến lên Giêrusalem” (Lc 19:28) nói lên việc Chúa Giêsu đang tiến gần đến điểm kết thúc của hành trình trở về với Chúa Cha, hành trình mà Ngài bắt đầu trong Lc 9:51 – “Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem.” Chi tiết quan trọng nhất trong bài Tin Mừng được công bố trước khi rước lá là việc Chúa Giêsu được chào đón vào Giêrusalem như một vị vua: “Họ hô lên: Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!” (Lc 19:38). Hình ảnh Ngài ngồi trên con lừa để tiến vào Giêrusalem, theo các học giả Kinh Thánh, được Thánh Luca lấy từ sách Ngôn sứ Zechariah 9:9 – đây là đoạn nói về quyền vương đế của Đức Chúa: “Nào thiếu nữ Xion, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ.” Tuy nhiên, Thánh Luca không sử dụng hình ảnh của vị vua uy quyền và toàn thắng trong đoạn trích này để áp dụng cho Chúa Giêsu. Thay vào đó, thánh sử trình bày cho chúng ta về Chúa Giêsu như, là vị vua chết trên thập giá để cho dân của Ngài được sống. Như vậy, việc Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem khẳng định Ngài là vua, một vị vua chịu đau khổ và chết cho thần dân của mình, chứ không phải là một vị vua mà thần dân phải phục vụ. Hình ảnh “Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem” nhắc nhở chúng ta về việc Chúa Giêsu cũng đang tiến vào gia đình, vào tâm hồn của mỗi người chúng ta. Chúng ta sẽ chào đón Ngài như thế nào? Mỗi năm trong phụng vụ của ngày Lễ Lá, chúng ta thường tập trung quá nhiều vào những chiếc lá mà chúng ta cầm trên tay trong suốt thánh lễ. Khi về đến nhà chúng ta tìm một nơi cao trọng để đặt những chiếc lá đã được làm phép. Điều đó rất tốt! Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng những chiếc lá chúng ta cầm trên tay phải tượng trưng cho những nhân đức, những việc tốt, hay những quyết định từ bỏ lối sống tội lỗi của mình để đón Chúa vào trong gia đình và tâm hồn của chúng ta.

    Thứ hai, Chúa Giêsu là người tôi tớ đau khổ của Giavê và là người đau khổ cho và với chúng ta. Trong bài đọc 1 hôm nay, Ngôn sứ Isaia nói về người tôi tớ đau khổ của Giavê. Ngôn sứ trình bày cho chúng ta những đặc điểm quan trọng sau đây của người môn đệ, người tôi tớ đau khổ của Giavê mà mỗi người chúng ta được mời gọi để trở thành: (1) là người nói năng như một người môn đệ, đó là “biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức” (Is 50:4); (2) là người lắng tai nghe như một người môn đệ mà “không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui” (Is 50:5); (3) là người sẵn sàng đón nhận đau khổ mà người khác mang lại cho mình, đó là “đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu.Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (Is 50:6). Chúng ta có thể làm những điều này vì chúng ta biết rằng Thiên Chúa luôn ở bên chúng ta để phù trợ (x. Is 50:7). Tóm lại, điểm thứ hai mà lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy gẫm là xét lại đời sống theo Chúa Giêsu của chúng ta: chúng ta có trở nên giống Ngài mỗi ngày trong lời ăn tiếng nói, hay trong hành động của chúng ta không?

    Thứ ba, Chúa Giêsu là mẫu gương của sự tự hạ và khiêm nhường. Trong bài đọc 2, Thánh Phaolô giới thiệu cho các tín hữu Philiphê mẫu gương của Chúa Giêsu, Đấng “vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2:6-8). Hôm nay, Thánh Phaolô chỉ ra mẫu gương khiêm nhường và sống cho người khác của Chúa Giêsu cho chúng ta, những người đang sống trong một thế giới mà trong đó con người tìm đủ mọi cách để đặt chính mình và lợi ích của mình lên hàng đầu. Chúng ta nhìn nơi Chúa Giêsu, vì yêu thương chúng ta, Ngài đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang của mình và sẵn sàng chết cho chúng ta, ngay cả khi chúng ta còn là tội nhân. Là môn đệ của Ngài, chúng ta được mời gọi sẵn sàng đón nhận một đời sống thật đơn sơ và khiêm nhường, một đời sống hoàn toàn sống và chết cho Thiên Chúa và cho người khác, nhất là những người trong gia đình và cộng đoàn của chúng ta. Chính trong sự khiêm nhường và tự hạ của chúng ta mà Thiên Chúa sẽ nâng chúng ta lên như Ngài đã siêu tôn Chúa Giêsu: “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2:9). Đừng tự nâng mình lên, nếu không chúng ta sẽ bị hạ xuống. Nhưng chúng ta hãy hạ mình xuống để được Thiên Chúa nâng lên.

    Thứ ba, Chúa Giêsu chịu đau khổ và chịu chết vì tội lỗi chúng ta. Điểm này được rút ra từ bài Tin Mừng hôm nay. Trong phụng vụ năm C, chúng ta nghe bài Thương Khó của Chúa Giêsu trích từ Tin Mừng Thánh Luca. Cuộc Thuơng Khó của Chúa Giêsu bao gồm những sự kiện quan trọng sau:

    Thứ nhất, cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu bắt đầu với Bữa Tiệc Ly và việc thành lập Bí Tích Thánh Thể (Lc 22:14-20). Trong sự kiện này, Chúa Giêsu tiên báo việc Giuđa sẽ nộp Ngài, Phêrô sẽ chối Ngài và các môn đệ khác sẽ bỏ Ngài. Qua việc chia sẻ bữa ăn với các môn đệ và thành lập Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu diễn tả một tình yêu trung thành, và yêu cho đến cùng. Đây là một tình yêu mạnh hơn sự chết, hay nói cách khác, là tình yêu không dừng lại ở cái chết, nhưng luôn hiện diện mãi với người mình yêu. Qua sự kiện này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy diễn tả một tình yêu trung thành và vô điều kiện cho mọi người, đặc biệt cho chồng, cho vợ, cho con cái, cho cha mẹ, cho bạn bè và ngay cả cho kẻ thù của chúng ta.

    Thứ hai, Chúa Giêsu tiên báo người sẽ nộp Ngài (Lc 22:21-23). Trong sự kiện này, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta về bao nhiêu lần chúng ta đã nộp Ngài khi chúng ta chiều theo những cám dỗ của ma quỷ và những đam mê xác thịt. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta trở thành Giuđa. Chúng ta nộp Chúa Giêsu khi chúng ta không sống đúng với ơn gọi Kitô hữu [ơn gọi thánh hiến] của mình. Khi làm như thế, chúng ta đã trao nộp Chúa Giêsu cho những người thuộc tôn giáo khác hay những người yếu lòng tin để họ “đóng đinh” Ngài qua việc “không tin” hay “mất niềm tin” vào Ngài.

    Thứ ba, các môn đệ “cãi nhau về chỗ nhất” và Chúa Giêsu dạy họ về bản chất của quyền bính (Lc 22:24-30). Bản chất tự nhiên của con người là ai cũng muốn được chỗ nhất. Nhưng theo Chúa Giêsu, hãy chiếm chỗ nhất trong việc phục vụ, trong yêu thương và tha thứ hơn là chỗ nhất trong việc thống trị người khác bằng quyền lực. Nói cách khác, qua sự kiện này, Chúa Giêsu muốn chúng ta thống trị người khác bằng đời sống phục vụ, yêu thương và tha thứ hơn là tìm vinh quang và ảnh hưởng của con người.

    Thứ tư, Chúa Giêsu tiên báo việc Phêrô sẽ chối Ngài (Lc 22:31-34). Hình ảnh của Phêrô, một người có khi rất can đảm để bảo vệ Thầy mình, nhưng khi gặp khó khăn và nhất là khi đối diện với sự mất mát về quyền lợi và tính mạng, thì lại chối Thầy, cũng chính là hình ảnh con người của chúng ta. Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta hãy cẩn thận khi chúng ta nghĩ rằng mình đang mạnh, vì chúng ta có thể chối Ngài khi đối diện với khó khăn và thử thách trong cuộc sống. Chúng ta chỉ không chối Chúa Giêsu khi chúng ta sống kết hiệp mật thiết với Ngài trong cầu nguyện. Và chúng ta cũng nhớ rằng Chúa Giêsu luôn cầu nguyện cho chúng ta để chúng ta không chối Ngài như Ngài đã cầu nguyện cho Thánh Phêrô.

    Thứ năm, Chúa Giêsu cầu nguyện trên núi Ôliu trong khi các môn đệ của Ngài ngủ (Lc 22:35-46). Hình ảnh Chúa Giêsu cầu nguyện trước khi chịu đóng đinh gợi cho chúng ta nhớ lại hình ảnh của Ngài chịu cám dỗ trong sa mạc. Trong Tin Mừng Thánh Luca, cầu nguyện được xem là phương thế hữu hiệu mà Chúa Giêsu sử dụng để chống lại cám dỗ. Cái chết trên thập giá là “cám dỗ cuối cùng” của Chúa Giêsu, nên Ngài đã cầu nguyện để làm theo thánh ý của Chúa Cha và để vượt thắng được cám dỗ. Chúng ta cũng như các môn đệ xưa, “gánh nặng nhưng dịu ngọt” của cám dỗ nhiều lần làm chúng ta ngủ quên trong đam mê vì chúng ta không cầu nguyện. Hãy để Lời Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta: “Anh [chị] em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ.” Thật vậy, “sao anh [chị] em lại ngủ? Dậy mà cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ.”

    Thứ sáu, Chúa Giêsu bị nộp vì một cái hôn, bị bắt và bị đánh đập (Lc 22:47-71). Sự kiện này gợi nhớ trong chúng ta những lần chúng ta dùng danh nghĩa của tình yêu để làm lợi cho chính mình. Chính tình yêu giả tạo của chúng ta đã làm cho nhiều người phải bị tổn thương và đau khổ. Qua sự kiện này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đừng yêu nhau với tình yêu giả tạo, nhưng hãy yêu nhau với một tình yêu chân thật và vô điều kiện.

    Thứ bảy, Chúa Giêsu bị kết án tử bởi Philatô (Lc 23:1-32). Chúa Giêsu bị trao nộp và bị kết án như một người “phản động.” Bên trong bản án này hàm chứa mối hận thù của những người nghĩ rằng họ nhân danh Thiên Chúa để bảo vệ Ngài; họ hận thù khi nghe Chúa Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha và tuyên bố rằng Ngài và Thiên Chúa của họ là một. Sự kiện này khuyến cáo chúng ta về thái độ nhân danh Thiên Chúa để kết án người khác, nói đúng hơn là thái độ xem mình thánh thiện hơn người khác để rồi kết án anh chị em của mình.

    Thứ tám, Chúa Giêsu bị đóng đinh giữa hai tên gian phi (Lc 23:33-34). Chi tiết quan trọng nhất trong sự kiện này là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho những kẻ đóng đinh Ngài vào thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” Giáo Hội dạy chúng ta rằng, không chỉ người Do Thái xưa, nhưng cả chính chúng ta cũng là những người đã đóng đinh Chúa Giêsu và thập giá mỗi khi chúng ta phạm tội. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã diễn tả tình yêu của Ngài cách tuyệt đối và vô điều kiện khi Ngài cầu xin Chúa Cha tha thứ cho chúng ta. Về phần mình, chúng ta có dốc lòng tránh xa tội lỗi và sẵn sàng tha thứ cho người khác không?

    Thứ chín, những phản ứng khác nhau của người chứng kiến cái chết của Chúa Giêsu (Lc 23:35-49). Trước sự đau đớn và cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, có người “buông lời cười nhạo,” có người “chế giễu,” một trong hai người cùng chịu đóng đinh với Ngài thì “nhục mạ” Ngài, người kia thì bảo vệ Ngài và đặt niềm tin vào Ngài và xin Ngài nhớ đến mình khi Ngài vào vương quốc của Ngài, viên đại đội trưởng thì tôn vinh Thiên Chúa, và toàn thể dân chúng thì “đấm ngực” ăn năn. Chúng ta thuộc vào nhóm nào trong những nhóm trên? Trong sự kiện này, chi tiết quan trọng là: “Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Mặt trời ngưng chiếu sáng. Bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa. Đức Giê-su kêu lớn tiếng: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.” Nói xong, Người tắt thở “(Lc 22:44-46). Bức màn trong đền thờ chia cách giữa “nơi cực thánh” và phần “phạm tục” bị xé ra làm đôi. Điều này nói cho chúng ta rằng, với cái chết của Chúa Giêsu, Ngài đã phá đổ bức tường tội lỗi ngăn cách chúng ta với Thiên Chúa. Liệu chúng ta có chạy đến với Ngài để hòa giải với Ngài không? Và liệu chúng ta có sẵn sàng phá đổ bức tường chia cắt chúng ta với anh chị em của mình không?

    Thứ mười, Chúa Giêsu được chôn trong mồ (Lc 50-56). Điều đáng buồn trong sự kiện này là không một ai trong nhóm 12 hiện diện. Những người thân tín nhất của Ngài đã bỏ Ngài. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng bỏ Chúa Giêsu trong những giây phút mà chúng ta tưởng Ngài “đã chết,” không còn hiện diện với chúng ta. Trong những lúc dường như không cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Giêsu, chúng ta vẫn phải kiên trì ở lại, đừng trốn chạy. Vì nếu chúng ta không đến với một Đức Kitô, Đấng chết và chôn trong mồ vì chúng ta thì làm sao chúng ta có thể chứng kiến được sự phục sinh vinh hiển của Ngài. Chỉ qua đau khổ mới đến vinh quang, qua nấm mồ mới đến thiên đàng!

    Lm. Anthony, SDB.

     

    ……………………………………………….

    Suy Niệm 3: THÔNG CẢM VỚI CHÚA

    A. DẪN NHẬP

    Hôm nay chúng ta bước vào Tuần thánh, kỷ niệm cuộc tử nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Tuần thánh được khai mạc bằng nghi thức làm phép lá và cuộc rước lá.  Đây là những ngày cuối cùng của cuộc đời Chúa Giêsu. Tất cả những việc làm của Chúa Giêsu trong tuần thánh này đều diễn tả tình yêu của Chúa Giêsu đối với chúng ta : Ngài lập bí tích Thánh thể là bí tích yêu đương, Ngài hiến trọn thân xác mình làm của ăn nuôi linh hồn chúng ta.  Ngài còn dùng cái chết nhục nhã trên thập giá để cứu chuộc chúng ta, một hành động diễn tả tình yêu đến tột cùng . Nhưng sau cái chết nhục nhã trên thập giá, Ngài sẽ sống lại vinh quang để đem lại cho chúng ta sự sống mới và bảo đảm phúc trường sinh.

    Hôm nay là Chúa nhật Lễ Lá và Thương Khó, chúng ta bước vào những ngày mà nỗi khổ đau của Đức Giêsu lên đến cực điểm. Đây chắc chắn phải là những ngày cuộc đời làm sáng tỏ hơn  hết tình yêu Chúa đối với chúng ta. Chính Ngài đã chẳng nói :”Bằng chứng lớn lao nhất của tình yêu đối với bạn hữu là chết cho bạn sao” ? Ngài đã chết cho chúng ta và chết trên thập giá ! Chúng ta có thấu hiểu mầu nhiệm của tình yêu này không ? Lời Chúa tiên báo :”Khi nào Ta được đưa lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi sự lên cùng Ta” có hấp dẫn được tâm hồn chúng ta không  ?

    Chúng ta hãy dùng tuần lễ này để thông cảm với Đức Giêsu bằng việc suy niệm sự thương khó của Ngài để biết theo gương Ngài đi theo con đường Ngài đã chỉ vẽ : đường thập giá :”Nếu ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”.  Đồng thời chúng ta hãy vui vẻ đón nhận mọi đau khổ trong đời sống hằng ngày để thông hiệp vào sự thương khó còn thiếu sót trong cuộc tử nạn của Ngài nơi chúng ta để đem lại ơn cứu độ cho chúng ta và nhiều người khác.

    B.TÌM HIỂU LỜI CHÚA

    + Bài đọc 1 : Is 50, 4-7.

    Tiên tri Isaia có 4 bài ca về Người Tôi Tớ đau khổ.  Bài ca hôm nay là bài ca thứ ba. Người tôi tớ Thiên Chúa này là một tôi tớ nào đó, được Isaia diễn tả với những đặc tính sau đây :

    1. a) Người tôi tớ Thiên Chúa luôn trung thành với nhiệm vụ được giao phó nên đã chấp nhận tất cả : sự bách hại, tra tấn, phỉ nhổ, cô đơn.
    2. b) Người tôi tớ nhẫn nhục chịu đựng, không dùng bạo lực chống bạo lực.
    3. c) Người tôi tớ tin tưởng phó thác cho Thiên Chúa là Đấng sẽ đến giải thoát mình.

    + Bài đọc 2 : Pl 2, 6-11.

    Chúa Giêsu đươc coi như người Tôi tớ mà Isaia đã loan báo trước.  Nơi Người có hai sự tương phản rõ rệt : sự tự hạ phi thường và chiến thắng vinh quang.  Theo thánh Phaolô, Đức Giêsu có thể  là một Đấng Messia chiến thắng buộc mọi người phải nhận uy quyền của mình. Thế nhưng, Ngài lại muốn hạ mình làm một người tôi tớ, hạ mình đến tận cùng để phục vụ.  Những ai càng hạ mình càng được nâng lên, sự hạ mình khiêm tốn của Chúa Giêsu đã được đền đáp : Thiên Chúa đã tôn Ngài lên làm Đức Chúa của muôn loài muôn vật.

    + Bài Tin Mừng : Mt 26,14-27,66. 

    Chúng ta có bốn bài tường thuật cuộc thương khó của Đức Giêsu trong Tin Mừng của bốn thánh ký. Mỗi bài tường thuật đều có bố cục giống nhau nhưng mỗi tác giả chú trọng vào một ý làm cho nó nổi bật lên :

              . Marcô chú trọng vào mục đích truyền giáo.
    . Luca nhấn mạnh vào tình thương yêu của Chúa.
    . Gioan làm nổi bật sự tự do chấp nhận của Chúa, đồng thời cũng nói lên vương quyền của Ngài.
    . Matthêu trình bầy đầy đủ hơn cả.  Bài thưong khó này được coi như bài giáo lý dành cho những người Do thái để họ biết Đức Giêsu là ai.

    Bài tường thuật cuộc thương khó của Đức Giêsu là một bằng chứng hùng hồn về tình yêu của Ngài đối với chúng ta ; đồng thời cũng là một thiên anh hùng ca về lòng can đảm và tinh thần hy sinh chịu đựng, cũng như thái độ khoan dung thứ tha của Ngài. Suy niệm cuộc thương khó của Chúa sẽ giúp chúng ta biết  can đảm đón nhận mọi gian nan thử thách  trong cuộc sống để góp phần vào công cuộc cứu chuộc của Ngài.

    C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA                                                                                           Cùng đau khổ với Chúa

     I. NÓI VỀ ĐAU KHỔ 

    Đau khổ có mặt trên mặt đất này ngay sau khi tổ tông Adong Evà phạm tội ăn trái cấm. Thiên Chúa đã ra án phạt cho ông bà phải chịu đau khổ và sau cùng phải chết, và hậu quả bi đát này còn truyền lại cho con cháu ông bà (x. St 3,14-18).

    Đức Giêsu vì đã muốn trở nên con người như chúng ta nên cũng trở nên con cháu Adong Evà, và nếu đã là con cháu ông bà thì phải chịu đau khổ như chúng ta, bởi vì Ngài đã trở nên người phàm như chúng ta, chỉ trừ tội lỗi.

    Có hai thứ đau khổ : đau khổ vật chất và đau khổ tinh thần. Thường người ta cho vật chất hay thể xác là đau đớn, còn đau đớn tinh thần là đau khổ.  Tuy nhiên, đau đớn và đau khổ có sự tương quan với nhau : đau đớn có thể đưa đến đau khổ và ngược lại, đau khổ có thể đưa đến đau đớn , hoặc vừa đau đớn vừa đau khổ.

    Con người ta ở đời dù lớn, dù nhỏ, thế nào cũng đã phải chịu đau đớn hay đau khổ hơn một lần.  Đứa trẻ dù mới sinh ra cũng phải chịu đau đớn, mặc dầu chưa biết đau khổ là gì, vì thế :

    Vừa sinh ra sao đà khóc chóe,
    Trần có vui sao chẳng cười khì.
    (Cao bá Quát) 

    Thiên Chúa không chủ ý dựng nên các đau khổ cho loài người, nhưng đấy là hình phạt bất đắc dĩ theo sự công bình của Chúa.  Ngoài ra, không phải mọi tai họa, mọi sự đau khổ đều do Chúa gửi đến, mà do chính con người độc ác đã tạo ra cho nhau.  Gần đây người ta phân tích  nguyên nhân đau khổ loài người thì được biết :

              . 85% đau khổ là do người làm khổ người.
    .   5% là do thiên tai như mưa, gió, lũ lụt, động đất…
    . 10% là do ngẫu nhiên.

    Nếu người yêu người, người thực hiện tình người thì 85% đau khổ sẽ không còn, chỉ còn 15% do thiên tai và ngẫu nhiên. Và 15% đau khổ này, khi loài người thương yêu nhau, san sẻ cho nhau, yên ủi giúp đỡ nhau thì coi như đau khổ không đáng kể.


    II. Ý NGHĨA CỦA ĐAU KHỔ
     

    Đứng trước thực tại của đau khổ, không ai có thể phủ nhận được. Ai cũng phải chấp nhận sự hiện hữu của nó.  Nhưng trước những đau khổ ấy, mỗi người, mỗi tôn phái có một chủ trương riêng, một cái nhìn đặc thù và gán cho đau khổ một ý nghĩa riêng.

    1. Các chủ trương trước đau khổ 

    * Thiên Chúa giáo   

    Theo nhiều bản kinh , nhất là kinh Lạy Nữ vương, thì đời người được coi như là chốn lưu đầy, là vũng khóc lóc, là thung lũng đầy nước mắt. Nhưng đấy chỉ là lời kinh của người Công giáo đặt ra, có khi là của bậc thánh nhân khả kính, chí như trong bộ sách Phúc âm, không hề thấy nói đời là bể khổ.  Chỉ thấy cuộc đời của Chúa Cứu thế này đầy những đau khổ…

    Còn trong những lời Chúa Giêsu giảng dạy, nhiều lần Ngài muốn cho người ta hiểu và tin trên mặt đất này chỉ là tạm gửi trong một khoảng thời gian dự bị , thời sau mới là sung sướng hay đau khổ, và cũng là yên ủi những ai lâm vào hoàn cảnh nghèo nàn trên mặt đất này vẫn đầy đau khổ, nhưng cần phải phân biệt những thứ giả dối qua đi không hẳn là đau khổ hay là hạnh phúc cho thực.

    * Phật giáo

    Đức Thích Ca đã tìm ra nguyên nhân của các đau khổ là : sinh, lão, bệnh, tử.  Ngài đã giác ngộ và giúp cho chúng sinh giải thoát khỏi đau khổ. Phật giáo cho đời là bể khổ: “bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê”.  Một số thi sĩ nước ta bị ảnh hưởng yếm thế của Phật giáo, nên các tác phẩm đều có phảng phất ý tưởng bi quan, coi đời chỉ là bể khổ, là bến mê, là ảo ảnh, là vô thường…

    Đức Thích Ca nói với năm thầy Sa-môn trước kia đã tu luyện cùng ngài ở Khổ hạnh Lâm :”Này các thầy Sa-môn, đây là phép mầu về sự khổ : sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ,  cái gì không ưa mà phải hợp là khổ, cái gì muốn mà không được là khổ” (trích trong kinh Mahavagga, theo bản dịch của Phạm Quỳnh, Phật giáo  đại quan, Nam phong tùng thư, tr 47).  Đó là diệu đế thứ nhất nói về vạn sự ở đời là khổ, trong Tứ diệu đế là căn bản tinh hoa của Phật giáo.  Chính phật Tổ cũng dạy :”Nước mắt chúng sinh trong ba nghìn thế giới, đem chứa tích lại còn nhiều hơn nước trong bốn bể” (Lm Bửu Dưỡng, Vấn đề đau khổ, Đa minh, 1966, tr 55-56).

    * Phái Khắc kỷ

    Phái này chủ trương triết thuyết về con người hùng. Họ coi như đời không có đau khổ, và nếu phải đau khổ thì cứ cắn răng mà chịu, không hề than khóc, cứ phớt tỉnh đi, coi như không đau khổ vậy. Những người theo phái này đều là những con người dạn dầy với đau khổ, họ không để cho đau khổ chi phối họ, và ngược lại, họ còn muốn chi phối đau khổ.

    Người ta kể : Zénon de Cittium, thuộc phái Khắc kỷ, bị bắt làm nô lệ. Anh chàng nô lệ này thuyết cho ông chủ về chủ trương của phái mình trước đau khổ : coi như không đau đớn gì. Ông chủ bèn sai đầy tớ lấy hai thanh tre buộc vào sợi dây ngắn, quấn vào ống chân của Zénon mà vặn xem có đau không. Zénon không tỏ ra chút đau đớn, cứ vui cười. Ông chủ lại bảo người đầy tớ phải xoắn cho chặt, cho mạnh.  Zénon cứ bình tĩnh và nói với người đầy tớ ấy rằng :

              – Xoắn vừa chứ kẻo gẫy ống chân đấy.
    Thấy mình bị trêu chọc, tên đầy tớ lấy hết sức vặn gẫy đôi chân của Zénon ra.  Nhưng Zénon không tỏ ra đau đớn mà chỉ bình tĩnh nói :
    – Tôi đã bảo kia mà ! Vặn mạnh quá làm gẫy đôi ống chân ra rồi !

    * Theo quan niệm người đời

    Mọi người không phủ nhận đau khổ và cũng cảm thấy khiếp sợ đau khổ, không muốn chịu nhưng lại coi đau khổ là phương tiện cần thiết để đạt tới đích cao vời. Ai muốn tới mục đích thì cần phải dùng những phương tiện để đạt tới mục đích đó. Ví dụ :

    Trời đất sinh ta âu hữu ý
    Khách tài tình nên trải vị gian truân,
    Một mai gặp hội phong vân.
    (Cao bá Quát)

    hoặc:

    Bất nhập hổ huyệt, an đắc hổ tử ?
    (Không vào hang cọp, làm sao bắt được cọp con)

    Kinh Thánh cũng nói :”Lửa thử vàng, gian nan thử người nhân đức”. Chính gian nan tự nó không có ý nghĩa gì, nhưng nó là phương tiện cần thiết để tô luyện chí khí con người, giúp con người nên tốt hơn.

    Người ta cho biết có một giống cúc lạ, đó là giống cúc “Camomile” có đặc tính kỳ lạ này : càng bị giẫm, bị đè lên bao nhiêu nó càng lớn nhanh bấy nhiêu (Chuyện lạ quốc tế, tr 108).

    Cũng một lẽ : chiếc lò xo bị nhận xuống ít thì bật lên  nhẹ, còn nếu bị nhận xuống nhiều thì bật lên càng mạnh. Càng bị thử thách, con người càng hăng hái tiên lên. Đấy là luật bù trừ ở đời.

    1. Mục đích của đau khổ

    Chúng ta phải khẳng định rằng đau khổ không phải là cứu cánh mà chỉ là phương tiện, là điều kiện “sine qua non” để đi tới mục đích, cũng như học hành vất vả là điều kiện để thi đỗ, để thành người thông thái ; hoặc muốn được nhiều hoa trái thì buộc phải cắt tỉa. Việc cắt tỉa không phải là mục đích nhưng chỉ là phương tiện để cây sinh được nhiều hoa trái.

    Đau khổ còn là một mầu nhiệm. Đau khổ được đức tin  đặt vào trong ý định của Thiên Chúa, trở thành một thử thách cao qúi, Thiên Chúa dành cho những tôi tớ Ngài tín nhiệm. Đức Giêsu đã tuyên bố điều luật khẩn thiết này :”Quả thật, Ta bảo chúng con, nếu hạt lúa rơi xuống đất không mục đi thì cứ trơ trơ một mình, nhưng nếu mục đi, nó sẽ sinh ra nhiều hạt”.  Như thế đau khổ  có ý nghĩa cao qúi của nó, giúp ta gắn bó với Chúa và giúp ta lập nhiều công phúc.

    1. Thái độ của ta trước đau khổ

    Chúng ta có thái độ nào trước đau khổ ? Đương đầu với nó hay trốn chạy ? Chiến thắng hay đầu hàng ?  Về vấn đề này, ông Phạm Công Thiện có ý kiến :”Đối với con người tầm thường, sự đau khổ và hạnh phúc chống đối nhau như hai kẻ thù không đội trời chung (và hẳn chạy theo hạnh phúc mà trốn đau khổ). Đối với con người khác thường, đau khổ và hạnh phúc hợp tác với nhau” (Phạm công Thiện, Ý thức mới trong văn nghệ triết học, 1965).

    a) Thái độ tiêu cực 

    Nhiều người khiếp sợ đau khổ, khi thấy đau khổ thì tìm cách lẩn trốn. Nhưng trốn thế nào được, vì đau khổ đi theo con người như hình với bóng. Bóng mặt trời khi ta cong lưng chạy xuôi, nó chạy trước chận lối ta đi. Nếu ta quay đầu đi ngược lại phía mặt trời, bóng đen liền nhường bước cho ta đi trước, và lui về phía sau. Các sự trái ngược trên đời cũng thế. Nếu ta cong lưng chạy trốn, chúng nó càng chặn lối ta đi. Nếu ta làm mặt hiền hòa, bình tĩnh đón nhận, chúng nó sẽ mất hết sức mạnh làm hại ta :

                                           Gánh cực mà đổ lên non,
                                 Cong lưng mà chạy cực còn theo sau

    b) Thái độ tích cực

    Tình yêu làm cho đau khổ mất hết vẻ man rợ của nó. Tình yêu cũng làm cho đau khổ thành nguồn an ủi và sức mạnh.  Vì tình yêu Chúa, chúng ta hãy sẵn sàng chấp nhận mọi  hy sinh đau khổ trong cuộc sống, hãy biến những đau khổ ấy thành những hạt ngọc dâng lên Chúa. Không có một hy sinh nào trở nên vô ích nếu trong đó đã có tình yêu Chúa.

    Ta nghĩ thế nào về hạt cát ? Hạt cát có lợi hay có hại cho ta ?  Phải chấp nhận nó hay phủi nó đi vì nó vô ích ?  Phải phân biệt :
    . Nếu hạt cát rơi vào mắt ta, chắc chắn ta phải tìm cách phủi đi ngay vì nó làm ta đau khổ.
    . Nếu hạt cát đó lại rơi vào miệng con sò thì sao ?  Con sò sẽ tiết ra một chất nhờn bao bọc lấy hạt cát và sẽ biến nó thành hạt ngọc. Vì thế người ta hay tìm sò hến để kiếm ngọc.

    Chúng ta hãy cùng chia sẻ với Chúa Giêsu những sự đau đớn của Ngài. Đời sống của ta phải trở nên Chúa Kitô chịu đóng đinh : chính nhờ cây thánh giá mà Chúa đã cứu chuộc cả nhân loại.  Chúng ta hãy cùng cộng tác với Ngài để cứu chuộc nhân loại. Công cuộc cứu chuộc đó được thực hiện trong việc thuận theo thánh ý Chúa.

    Trong một trang rất hay của cuốn sách “La Prière de toutes les heures”, cha Charles khi suy niệm về tiếng AMEN đã trình bầy cùng một ý tưởng ấy, tuy một cách khác nhau nhưng rực rỡ hơn :

    “Một hôm gặp những người lấy một trang giấy lớn để viết, một trang giấy trắng tinh. Mãi cuối trang, thay vì chữ ký, họ chỉ viết một chữ AMEN.  Và rồi họ chuyển đời họ đến Chúa. Chúa Quan phòng bắt đầu viết lên trên chữ Amen đã viết trước ấy câu chuyện dài và đau thương của cả một đời người. Các tang tóc xếp đặt từng hàng, có ghi rõ ngày tháng và tiếng Amen đón nhận tất cả, đã cất đi được cái vị độc, đắng cay của những ngày ấy. Chúa cũng ghi trên trang giấy những niềm hoan hỉ lành mạnh, kèm thêm cả giờ khắc được hưởng, làm những trạm nghỉ trong một cuộc hành trình. Thay vì khước từ và quên lãng, hoặc chúi đầu ngủ mê trong những hoan lạc ấy, tâm hồn ngoan ngoãn cùng vui hưởng với Chúa và vì Chúa,  bởi họ đã đọc lời giải khát.

              “Thưa Amen trước với hết mọi mệnh lệnh của Chúa. Amen với những thất bại bất ngờ, với những vu khống trường kỳ, với những hiểu lầm hằng ngày khiến ta bực bội. Amen khi xe lửa chạy quá sớm hay quá chậm trễ. Amen khi trời nắng hay trời mưa, khi mất ngủ, khi nhọc mệt, khi nắng hạn hay rét cóng : Amen đối với những bạn bè khó nết đầy tật xấu và điên khùng. Amen đối với những người bà con già nua mà tuổi tác làm cho họ trở nên ích kỷ và quạu cọ. Thưa Amen vui vẻ nếu có thể được, và luôn thưa cách thành thực can đảm”(Charles SJ, La Prière de toutes les heures, tr 135-136). 

     

    Lm. Giuse Đinh Lập Liễm Gp. Đà Lạt                                                                

    …………………………

    Suy Niệm 4: Thế thái nhân tình

     “Được thời thân thích chen chân đến. Thất thế hương lân ngảnh mặt đi” – một vần thơ trong bài “Thói Đời” của Nguyễn Bỉnh Khiêm, một vần thơ lột tả được sự tráo trở trong thái độ sống của con người và chua xót hơn nữa khi đó lại là người đồng hương, thân bằng quyến thuộc! …

    Chúa nhật Lễ Lá – một ngày lễ tràn đầy phấn khởi hân hoan nhưng cũng chứa đầy mâu thuẫn. Một ngày lễ có thể mô tả cho chúng ta hiểu thế nào là thế thái nhân tình. Trước tiên là một cảnh náo nhiệt của ngày đại lễ. Tất cả đều nôn nức đổ xô ra đường, tay cầm cành lá, kẻ trước người sau reo hò vang dậy: “Hoan hô! Chúc tụng Đức vua, Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!” Nhưng tiếp sau đó là sự mâu thuẫn, đối đầu, phản bội, tráo trở giống như trở bàn tay. Những người trước đó rộn rã tung hô “Chúc tụng con vua Đavít!” , bây giờ lại thay đổi luận điệu chối rằng: “Chúng tôi chẳng có vua nào cả ngoài Xêda. Đem nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá!” Con người là thế. Chúng ta cũng vậy thôi. Tất cả đều là “cá mè một lứa”. Ngày xưa đã thế, ngày nay cũng rứa, mai này cũng thế thôi! Chúa nhật Lễ Lá – hình ảnh phản chiếu lối suy nghĩ và thái độ sống của con người và của từng cá nhân.

    Hình ảnh nổi bật trong ngày hôm nay chính là hình ảnh của Phêrô. Lời chúc tụng của Chúa nhật Lễ Lá có thể đem so sánh với lời tuyên xưng của ông trước đó: Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng.” Chẳng bao lâu sau ông thốt lên những lời độc địa và thề rằng: “Tôi có biết ông ấy đâu, chị!”. Nhưng có một bước ngoặt trong thái độ và nếp sống của ông. Đó là điều khác biệt giữa ông và những người đã phản bội và lên án tử Đức Giêsu. Ông đã khiêm tốn nhận biết lỗi lầm, thống hối ăn năn. “Ông chạy ra ngoài khóc lóc thảm thiết”.

    Nơi Giuđa cũng hiện rõ nét của sự thay hình đổi dạng trong cảm xúc. Dĩ nhiên trong cuộc sống của ông đã có những lúc hạnh phúc, lòng tràn đầy niềm vui. Ông đã chấp nhận từ bỏ tất cả để theo chân Đức Giêsu. Nhưng rồi lòng nhiệt thành, niềm vui thuở ban đầu đã tàn lụi. Ông đến với các thượng tế thương lượng rằng: “Tôi nộp ông ấy cho quí vị, thì quí vị muốn cho tôi bao nhiêu”. Cũng giống như Phêrô, nơi ông cũng có một bước ngoặt, nhưng không đưa đến thống hối ăn năn mà là tuyệt vọng. Hành trình theo Đức Giêsu của Phêrô trải qua ba giai đoạn: phấn khởi, phản bội và thống hối. Hành trình của Giuđa cũng có ba giai đoạn nhưng có một sự khác biệt rất lớn: phấn khởi, phản bội và tuyệt vọng!

    Hai bộ mặt tương phản của ngày Lễ Lá cuối cùng được thể hiện nơi quan Philatô. Ông dường như muốn trao trả tự do cho Đức Giêsu. Vợ của ông cũng thối thúc ông làm điều đó. Ông đã lấy nước rửa tay trước mặt mọi người và tuyên bố: Ta vô can trong vụ đổ máu người này”. Nhưng ông không trung thành giữ thái độ này! Bài Thương Khó của ngày Lễ Lá còn tường thuật nhiều nét mâu thuẫn, tương phản khác nữa. Đó là tương phản giữa sự sống và sự chết. Đức Giêsu chết trên thập giá, nhưng cái chết của Người lại là sự sống dành cho chúng ta: Đất tung, đá vỡ. Mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy”.

    Chúng ta sẽ khám phá ra bộ mặt thật của chính mình như người đứng trước gương khi chúng ta cử hành nghi thức của chúa nhật Lễ Lá – một ngày đầy mâu thuẫn, tương phản, một ngày giống như gương soi. Trong cuộc sống của chúng ta đã có những lúc rộn rã lời chúc tụng. Chúng ta sẵn sàng nhảy vào biển lửa, sẵn sàng chết vì đức tin. Nhưng rồi lại có những lúc khô khan nguội lạnh, tráo trở giống như dân Do thái xưa, giống như Phêrô, Giuđa và quan Philatô. Tuy là vậy nhưng chính hình ảnh của Phêrô mang lại cho chúng ta một tia hy vọng: Ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết”. Chúng ta được mời gọi sám hối ăn năn. Cửa mồ sẽ mở ra. Đức Giêsu chờ đợi chúng ta. Ngài sẽ nhìn thấu tâm can chúng ta. Ngài chính là Đấng mở cửa mồ, và sự chết của Ngài mang lại sự sống vĩnh cửu cho chúng ta.

    Lm. Phêrô Trần Minh Đức

    BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

    VIDEO CLIPS

    THÔNG TIN ƠN GỌI

    Chúng tôi luôn hân hoan kính mời các bạn trẻ từ khắp nơi trên đất Việt đến chia sẻ đặc sủng của Hội Dòng chúng tôi. Tuy nhiên, vì đặc điểm của ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, chúng tôi xin được đề ra một vài tiêu chuẩn để các bạn tiện tham khảo:

    • Các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, thuộc gia đình đạo đức, được các Cha xứ giới thiệu hoặc công nhận.
    • Ứng Sinh phải qua buổi sơ tuyển về Giáo Lý và văn hoá.

    Địa chỉ liên lạc về ơn gọi:

    • Nhà Mẹ: 115 Lê Lợi - Lộc Thanh - TP. Bào Lộc - Lâm Đồng.
    • ĐT: 0263 3864730
    • Email: menthanhgiadalatvn@gmail.com