Trong cuộc sống hằng ngày, hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng đứng trước những ngã rẽ của sự chọn lựa. Những giây phút ấy thật sự mang tính quyết định, không chỉ ảnh hưởng đến hiện tại mà còn in dấu trong hành trình sống. Mỗi chọn lựa có thể dẫn ta đến bến bờ bình an, hạnh phúc, hoặc kéo ta vào vòng xoáy của băn khoăn, đau khổ. Chính những chọn lựa đó đã và đang dệt nên bức tranh muôn màu, muôn sắc của đời người. Nhìn về quá khứ, những trang sử hào hùng của các Thánh Tử Đạo Việt Nam vẫn rạng ngời trong ký ức dân tộc. Các ngài đã đối diện với một chọn lựa dứt khoát và đầy can đảm: từ bỏ vinh hoa phú quý trần thế để ôm lấy Thập Giá Chúa Giêsu, chấp nhận cái chết đau thương như một lời tuyên xưng đức tin mãnh liệt. Với các ngài, cái chết chẳng phải dấu chấm hết nhưng chính là khởi đầu cho một chân trời mới, mở ra ánh sáng tình yêu và đức tin cho thế hệ mai sau.
Thế giới hôm nay, giữa bối cảnh khoa học công nghệ phát triển vượt bậc, lại đang bị cuốn vào dòng xoáy của thời kỳ “hậu hiện đại” với những giá trị tinh thần dần bị lu mờ. Người Kitô hữu hôm nay không còn đối diện với cảnh đầu rơi máu đổ như các Thánh xưa, nhưng bước vào một cuộc tử đạo mới, đòi ta phải chọn lựa dứt khoát giữa Thập Giá và thế gian.
Chúa Giêsu, vì tình yêu vô biên, đã đến thế gian và dùng cái chết nhục nhã trên thập giá để cứu độ con người tội lỗi, đưa họ ra khỏi vũng lầy của sự sa ngã. Chính Ngài đã chiến thắng đau khổ, biến thập giá ô nhục thành Thánh Giá cao quý, là niềm vui và nguồn ơn cứu độ vô biên cho nhân loại. Cây gỗ hình chữ thập ấy không chỉ là nơi Chúa thực hiện công trình cứu độ của Chúa Cha mà còn là biểu tượng của lòng trung tín tuyệt đối với thánh ý của Cha Người.
Còn nỗi đau nào có thể sánh được với những cực hình và khổ nhục mà Chúa Giêsu đã chịu trong cuộc Thương Khó? Không một áng văn chương hay một tác phẩm thời danh nào có thể diễn tả trọn vẹn mức độ đau đớn nơi thân xác và trái tim của Ngài. Những gì Chúa đã trải qua vượt xa trí hiểu con người, chỉ có tình yêu vô hạn mới thấu hiểu được sự tự hiến trọn vẹn ấy.
Hơn hai ngàn năm trôi qua, lời mời gọi của Chúa vẫn vang vọng: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Mt 16, 24). Lời mời gọi ấy đã được các Thánh Tử Đạo sống trọn vẹn qua cuộc đời làm chứng cho Chúa, noi theo con đường yêu thương tự hiến của Chúa mà các ngài đã đi đến cùng. Trong sự yếu hèn của kiếp người, các ngài đã cảm nghiệm sâu sắc tình yêu Thiên Chúa và đáp lại bằng lòng trung kiên phi thường.
Lịch sử Giáo Hội Việt Nam để lại cho chúng ta những trang sử hào hùng của các Thánh Tử Đạo xưa đã không nao núng khi đứng trước thập giá. Không phải do ngẫu nhiên hay tình cờ mà các Thánh tử đạo đã chọn ôm lấy cây thập giá thay vì bước qua hoặc dẫm lên theo lệnh vua quan, mà đó là kết tinh của chuỗi ngày sống đức tin kiên vững, của đời sống cầu nguyện bền bỉ và lòng yêu mến Chúa thiết tha; đó là hoa trái của cuộc đời làm con Chúa, làm con dân nước Việt. Các thánh tử đạo đã nung nấu trong trái tim một tình yêu bền vững, sắt son với thánh giá. Chính tình yêu ấy đã hun đúc trong họ một trái tim bền chí, sắt son trước những thử thách đầy bi thống.
Có lần quan tỉnh khuyên răn thánh An-rê Kim Thông: “Ông cứ giẫm lên Thập tự, chỉ có tôi và ông biết, về nhà ông xưng tội, lo gì”. Đứng trước công đường, thánh Anrê Kim Thông dõng dạc nói với quan tỉnh: “Thánh giá tôi kính thờ, tôi giẫm lên sao được”. thánh Thánh Gioan Thêôphan Ven cũng đã có một tâm tình như thế khi nghe quan dụ dỗ lợi lộc khi bước qua thập giá, ngài nói: “Tôi đã suốt đời thuyết giảng về đạo Thập giá, nay tôi lại đạp lên Thập giá thế nào được? Tôi thiết nghĩ sự sống đời này đâu quý hóa đến độ tôi phải bỏ đạo mà mua!”[1].
Vâng, đối với các ngài, cuộc sống đời này không phải là nơi ở vĩnh viễn, cũng chẳng mang lại hạnh phúc trường tồn, nên không thể đem những hào nhoáng của thế gian đánh đổi cho việc từ bỏ thập giá. Chính vì cảm nghiệm sâu sắc tình yêu tự hiến đến tận cùng của Chúa Giê-su, các ngài đã chọn khước từ vinh hoa phú quý, dâng lên Chúa một tình yêu tinh tuyền và trọn vẹn. Thật vậy, “không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (x. Ga 15,13). Cũng không có sự hiến dâng nào cao cả hơn việc chấp nhận cái chết vì niềm tin và chân lý. Lối sống của các Thánh Tử Đạo chính là một mẫu gương cao đẹp và quý giá.
Trong một thế giới hiện đại đầy rẫy thuyết duy thế tục và phong trào hưởng thụ, thập giá chưa bao giờ là lựa chọn dễ dàng. Những cám dỗ hấp dẫn, muôn hình vạn trạng của thế gian, luôn tìm cách lôi kéo con người, ngọt ngào nhưng đầy nguy hiểm. Điều này dễ dàng nhận thấy qua lối sống của giới trẻ hôm nay: các khu du lịch, nhà hàng hay sân vận động đông nghẹt người vào những ngày cuối tuần, trong khi các ngôi nhà thờ chỉ thưa thớt vài bóng dáng cao niên. Người ta sẵn lòng dành hàng giờ trò chuyện với nhau trên mạng xã hội, nhưng lại khó có nổi vài phút thân mật để trò chuyện cùng Chúa.
Đối với nhiều người, thập giá là biểu tượng của đau khổ, nên ít ai đủ dũng cảm lao mình vào đó. Nhưng thực ra, thập giá chỉ mang lại nỗi đau khi con người vác nó mà không có Đấng Chịu-Đóng-Đinh đồng hành. Tử đạo hôm nay không chỉ là cái chết thể lý, mà còn là cuộc chiến đấu thiêng liêng: chết đi cái tôi ích kỷ đầy “tham, sân, si”, và bước vào hành trình sống ngược dòng với thế gian. Các bậc cha ông chúng ta đã kiên quyết không đi chung con đường mà thế gian mời gọi, bởi con đường ấy chỉ đem lại hạnh phúc tạm bợ, chóng qua mau tàn. Các ngài xác tín rằng, con đường mang lai hạnh phúc vĩnh cửu là con đường của thập giá, vì qua thập giá họ mới được hưởng phúc vinh quang Nước Trời.
Là một nữ tu sống linh đạo Mến Thánh Giá, mỗi ngày tôi được mời gọi bước theo Đức Giê-su Ki-tô Chịu-Đóng-Đinh. Vì vậy, thái độ của tôi trước thập giá phải là dứt khoát chọn Chúa, chọn vác thập giá đời mình với tình yêu và lòng phó thác. Thế nhưng, khi soi vào sâu thẳm tâm hồn, tôi tự vấn: thập giá Chúa có thực sự là lựa chọn duy nhất của đời tôi? Tôi vác thập giá với tâm tình nào? Có vẻ như tôi yêu mến và tôn kính thánh giá, nhưng đôi lúc lại vô tình bước qua mà chẳng hay biết. Đó là khi tôi làm theo ý riêng, thay vì lắng nghe tiếng Chúa qua bề trên và chị em; khi tôi chọn sự tiện nghi vật chất hơn là sống tinh thần nghèo khó của Phúc Âm; hoặc khi tôi yếu đuối chạy theo những thần tượng nào khác mà không phải là Chúa. Và như thế, một cuộc bách hại mới âm thầm, tinh vi và ngọt ngào, đã lặng lẽ xâm chiếm tâm hồn tôi.
Nhìn vào tấm gương sống động của các Thánh Tử Đạo, tôi tìm được động lực để làm mới lại chính mình, làm mới lại quyết tâm theo Chúa như thuở ban đầu. Chỉ khi kín múc nguồn sức sống từ tình yêu thánh giá, tôi mới đủ sức mạnh vượt qua mọi thử thách của cuộc đời. Từ thập giá Chúa, tôi nhận ra chính mình, thấy được tha nhân và tìm ra ý nghĩa cuộc sống. Thập giá dù có đau khổ, có thử thách, nhưng cũng chính là những viên ngọc sáng ngời mà Chúa đính trên triều thiên vinh quang Ngài dành cho tôi trong ngày diện kiến Thánh Nhan Ngài.
Lạy Chúa, đời sống các Thánh Tử Đạo là một bài ca hào hùng và tuyệt mỹ dâng lên Ngài, như lời bài hát của nhạc sĩ Kim Long: “Đây bài ca ngàn trùng dâng về Thiên Chúa, bài ca thắm đượm máu đào…” Ước gì cuộc đời con cũng là một bài ca dâng Chúa, khi mỗi ngày con biết bớt đi cái tôi ích kỷ và sống trọn vẹn theo Ba Lời Khuyên Phúc Âm. Nhưng lạy Chúa, đứng trước thập giá, có những lúc con phân vân, sợ hãi. Xin Chúa giúp con can đảm bước đi trên con đường Ngài đã đi và mời gọi con, vì chỉ trên con đường đó, con mới tìm gặp được Ngài – Đấng đã vì con mà trao dâng tất cả. Amen.
Tố Hân
[1] x. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Trong Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo, Lm Vinh Sơn Bùi Đức Sinh, 2012, tr 187, 235.