spot_img
Thêm

    Thứ Bảy tuần 5 Phục Sinh

    BÀI ĐỌC I: Cv 16, 1-10

    Trong những ngày ấy, Phaolô đến Ðerbê và Lystra. Ở đó có một môn đồ tên là Timôthêô, con của một bà Do-thái đã tin đạo, còn cha là người dân ngoại. Các anh em ở Lystra và Icôniô chứng nhận anh là người tốt. Phaolô muốn anh đi theo mình, vì nể người Do-thái ở trong vùng ấy, nên Phaolô đã đem anh đi cắt bì, vì mọi người biết cha anh là người dân ngoại. Khi hai ngài đi ngang qua các thành phố, hai ngài truyền lại cho họ tuân giữ những giáo lý do các tông đồ và kỳ lão tại Giêrusalem đã quyết định. Nhờ vậy, các giáo đoàn được vững mạnh trong đức tin và mỗi ngày càng tăng thêm đông số.

    Các ngài đi qua Phrygia và vùng Galatia, vì Thánh Thần ngăn cản không cho rao giảng lời Chúa tại Tiểu Á. Khi đến Mysia, các ngài tìm cách đi Bithynia; nhưng Thánh Thần của Chúa Giêsu không cho phép. Vậy các ngài đi sang Mysia, xuống Trôa, và ban đêm Phaolô được thị kiến thấy một người Macêđô đứng đó và van xin ngài rằng: “Xin đi sang Macêđônia mà cứu giúp chúng tôi”.

    Vừa thấy vậy, chúng tôi liền tìm cách đi sang Macêđônia, tin chắc rằng Thiên Chúa đã kêu gọi chúng tôi rao giảng Tin Mừng cho họ.

    PHÚC ÂM: Ga 15, 18-21

    Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước. Nếu các con thuộc về thế gian, thế gian sẽ yêu những gì thuộc về nó, nhưng các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian, nên thế gian ghét các con. Các con hãy nhớ lại lời Thầy đã nói với các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ. Nếu họ đã bắt Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ các con; nếu họ tuân giữ lời Thầy, thì họ cũng tuân giữ lời các con. Tại vì danh Thầy mà họ sẽ làm cho các con tất cả những điều đó, bởi vì họ không biết Ðấng đã sai Thầy”.

    Suy Niệm 1: TỰ DO TRONG THÁNH THẦN – KHÔNG THUỘC VỀ THẾ GIAN

    “Anh em không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn anh em ra khỏi thế gian”… Không thuộc về thế gian, nghĩa là gì? Nghĩa là không theo những ‘giá trị’ của thế gian, những tiêu chuẩn, đường lối, cách nghĩ, cách lập trình của thế gian! Và dĩ nhiên, ‘không thuộc về thế gian’ thì sẽ bị thế gian ghét và tìm cách loại trừ.

    Tuy nhiên, các môn đệ của Chúa sẵn sàng trả cái giá ‘bị ghét bỏ và bị loại trừ’ ấy – vì như thế họ mới giữ được sự tự do đích thực và không nô lệ cho thế gian. Chỉ những ai thuộc về Chúa Kitô, được hướng dẫn bởi Thánh Thần của Chúa Kitô, thì mới có được sự tự do của con cái Cha trên trời.

    Sự tự do đó thế nào? Nó như gió, muốn thổi đâu thì thổi… Những trang sách Công vụ Tông đồ của những ngày này có thể giúp chúng ta thoáng cảm nhận sự tự do của người được Thánh Thần dẫn dắt thì như thế nào:

    Mới ở chương 15, vấn đề cắt bì hay không cắt bì đã cần đến việc triệu tập công nghị, kết quả là “Thánh Thần cùng các Tông Đồ” xét thấy không nên đòi hỏi điều đó đối với người ngoại trở lại… Giờ đây, ở chương 16, chính Phaolô lại đem Timothê đi cắt bì “vì nể người Do-thái ở trong vùng ấy, vì mọi người biết cha anh là người dân ngoại”!

    Thêm nữa, những sự can thiệp trực tiếp của Thánh Thần như “ngăn cản không cho rao giảng lời Chúa tại vùng Tiểu Á”, như “không cho phép đi Bithynia”, để cuối cùng hai vị Tông Đồ đi Macêđônia là nơi mà chính Thánh Thần muốn… Tất cả cho thấy các vị hết sức nhạy bén và mềm mỏng đối với sự hướng dẫn của Thánh Thần.

    Xin cho chúng ta, trong đời sống và trong sứ vụ của mình, cũng nhạy bén và mềm mỏng trước những gợi ý của Chúa Thánh Thần như thế. Và đó là cách thế luôn hiệu lực để chúng ta thực sự tự do và “không thuộc về thế gian”.

    Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.

    ………………………….

    Suy Niệm 2: CHỊU ĐAU KHỔ VÌ ĐỨC KITÔ

    Ai trong chúng ta cũng đã từng có những chuyến đi được tổ chức hoặc lên kế hoạch rất cẩn thận. Thông thường, chúng ta chỉ đi đến những nơi chúng ta thích hay những nơi chúng ta cần phải đến. Vậy có bao giờ trước khi đi chúng ta tự hỏi: tôi có cần đi đến nơi đó không? Nơi tôi đến có phải là nơi Chúa muốn tôi đến không? Thật vậy, có nhiều nơi chúng ta không nên đến vì những nơi đó không mang lại kết quả tốt gì cho chúng ta, nhưng chỉ làm mất lòng Chúa và mất lòng người khác [đi đến những nơi mà người ta thường ngồi với nhau để nói xấu người khác, hoặc những nơi mà chúng ta sẽ rơi vào cám dỗ, v.v.].

    Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta về chuyến đi “không thành” của Thánh Phaolô: “Các ngài [Phaolô và Timôthê] đi qua Phrygia và vùng Galatia, vì Thánh Thần ngăn cản không cho rao giảng lời Chúa tại Tiểu Á. Khi đến Mysia, các ngài tìm cách đi Bithynia; nhưng Thánh Thần của Chúa Giêsu không cho phép” (Cv 16:6). Các ngài muốn đến những nơi như Phrygia và vùng Galatia và Bithynia để rao giảng Tin Mừng; cho dù đó là một công việc tốt, nhưng các ngài bị Thánh Thần ngăn cản. Điều này cho chúng ta thấy rằng, có những việc tốt chúng ta nghĩ cần phải làm, nhưng chưa chắc đó là ý Chúa muốn. Vì vậy, chúng ta cần chìm đắm trong cầu nguyện và trở nên nhạy cảm hơn với sự hiện diện của Chúa để nghe được tiếng Ngài và biết được ý Ngài cho chúng ta. Thánh Phaolô và Timôthê đã làm điều đó và các ngài đã được Chúa cho biết phải “đi sang Macêđônia, tin chắc rằng Thiên Chúa đã kêu gọi chúng tôi rao giảng Tin Mừng cho họ” (Cv 16:10). Chúng ta phải luôn cẩn thận để phân biệt đâu là ý mình và đâu là ý Chúa. Có nhiều công việc chúng ta nghĩ là tốt, nhưng chưa chắc đã đẹp theo ý Chúa.

    Điểm thứ hai chúng ta có thể rút ra trong bài đọc 1 để suy gẫm là việc Thánh Phaolô mời gọi Timôthê chia sẻ với ngài trong việc rao giảng Tin Mừng. Nhiều người cộng tác để làm việc thì vẫn tốt hơn làm việc một mình, nhất là trong phạm vi truyền giáo. Cám dỗ lớn nhất cho chúng ta là “thích làm việc một mình,” vì như vậy sẽ không đụng chạm đến ai hoặc nếu có vinh quang thì cũng chỉ là của riêng mình. Sống hiệp thông và làm việc với người khác thì phản ánh cách trung thực hơn hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi.

    Trong bài Tin Mừng hôm qua, chúng ta đã nghe đến đề tài “yêu”– giới răn của Chúa Giêsu cho các môn đệ của Ngài. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan giới thiệu đề tài tương phản, đó là “ghét.” Khi liên kết hai bài Tin Mừng này lại với nhau, chúng ta thấy rằng: những người thuộc về Chúa Giêsu thì yêu mến Chúa Giêsu và yêu mến nhau [đây là sự bất khả phân ly của luật mến Chúa và yêu người]; còn những ai không yêu mến Chúa Giêsu thì cũng sẽ không yêu mến những người thuộc về Ngài. Hai đề tài này đã được nói đến trong chương 14:24 – “Ai không yêu mến Thầy thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai thầy.” Thế gian sẽ ghét các môn đệ như thế gian đã từng ghét Chúa Giêsu vì từ nay các môn đệ là những người “đại diện” được Ngài sai đi. Là những môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta có sẵn sàng đón nhận sự “ghét bỏ” của thế gian khi chúng ta không sống lối sống mà thế gian muốn, nhưng sống lối sống mà Thiên Chúa muốn không?

    Để hiểu bài Tin Mừng hôm nay tốt hơn, chúng ta có thể gom bốn câu của bài Tin Mừng thành hai nhóm: nhóm 1 (câu 18 và 20) nói lên lý do thế gian ghét các môn đệ, đó là mối tương quan mật thiết giữa Chúa Giêsu và các ông; nhóm 2 (câu 19 và 21), Chúa Giêsu nói cho các môn đệ biết Ngài đã chọn các ông và các ông thuộc về Ngài và mang danh Ngài, vì lý do đó thế gian ghét các ông. Chúng ta cùng nhau phân tích chi tiết hơn hai nhóm, để rút ra sứ điệp Chúa nói với chúng ta hôm nay.

    18Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. 20Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em.” Hai câu này ám chỉ tình trạng bách hại đạo mà cộng đoàn của Thánh Gioan đang phải đối diện. Ngay sau khi ra lệnh truyền cho các môn đệ hãy yêu mến nhau [câu 17], Chúa Giêsu nói đến một thực tế mà họ phải đối diện, đó là sự ghét bỏ của thế gian. Tuy nhiên, Chúa Giêsu chỉ ra cho các môn đệ thấy rằng: thế gian ghét và bắt bớ họ không phải vì họ mà vì Ngài. Nói cách cụ thể hơn, trong nhóm 1 này Chúa Giêsu khẳng định cho các môn đệ về số phận của những người theo Ngài: Họ sẽ chia sẻ chung một số phận như Ngài. Điều này có ý nghĩa gì với chúng ta ngày hôm nay? Có lẽ, ai trong chúng ta cũng tự hào mình thuộc về Chúa Giêsu. Thuộc về Chúa Giêsu có nghĩa là sống một cuộc sống như Ngài, chấp nhận số phận bị bán, nộp, bỏ rơi, đau khổ và đóng đinh như Ngài. Nhưng nhiều khi trong cuộc sống, chúng ta chỉ muốn được chia sẻ “số phận vinh quang” của Chúa Giêsu mà không muốn chia sẻ “số phận đau khổ” của Ngài. Chỉ qua thập giá mới đến vinh quang! Nếu chúng ta vẫn yêu cho dù người khác ghét chúng ta, tình yêu đó mới là tình yêu chân thật! Khi bị ghen ghét, hãy nhớ rằng, Chúa Giêsu cũng đã từng bị như thế; khi bị bắt bớ, hãy biết rằng Chúa Giêsu cũng đã từng bị như thế. Chúng ta chỉ hiểu được những đau khổ của chúng ta trong ánh sáng thập giá Chúa Giêsu Kitô.

    Nhóm thứ hai giải thích rõ hơn cho chúng ta biết lý do tại sao thế gian ghét chúng ta: “19Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em.  21Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy.” Chúa Giêsu khẳng định việc các môn đệ mang danh Ngài và thuộc về Ngài là lý do thế gian ghét và tìm mọi cách chống đối họ. Chúng ta cũng đã từng bị chống đối và ghét bỏ, nhưng điều đó xảy ra có phải vì chúng ta mang danh và thuộc về Chúa Giêsu không? Thực tế mà nói, thường chúng ta bị ghét và chống đối vì những lời nói và việc làm thiếu tế nhị hoặc thiếu suy nghĩ của mình. Rất ít người trong chúng ta bị chống đối hay bị ghét vì chúng ta sống đời sống yêu thương và tha thứ như Chúa Giêsu. Nếu chúng ta sống yêu thương và tha thứ như Chúa Giêsu mà bị người ta ghét và chống đối, hãy vui mừng vì đó là dấu chứng chúng ta thuộc về Ngài.

    Lm. Anthony, SDB.

    ……………………………..

    Suy Niệm 3: Thế gian sẽ ghét các con

    1. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy : Đức Giêsu bị ngược đãi và bị bắt bớ vì Ngài không thuộc về thế gian. Người môn đệ của Chúa cũng không thuộc về thế gian nữa. Vì thế, họ cũng sẽ bị thế gian ghét bỏ và ngược đãi như Chúa. Chúng ta tin và đi theo Chúa, chúng ta cũng sẽ gặp nhiều gian nan, thử thách và đau khổ. Nhưng Đức Giêsu đã chiến thắng tội lỗi và Ngài cũng cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng. Quan trọng là chúng ta có tin vào Ngài và can đảm chấp nhận bị ngược đãi, bị thua thiệt, bị mất mát vì Ngài hay không ?
    1. Đức Giêsu đã báo trước cho các môn đệ :”Thế gian sẽ thù ghét các con”. Lời Chúa nói lúc nào cũng đúng cho thời bấy giờ và sau này. Lý do thế gian ghét chúng ta vì chúng ta không thuộc thế gian cũng như Chúa không thuộc về thế gian. Họ ghét Chúa thì các môn đệ cũng bị ghét lây. Ca dao Việt nam có câu :”Yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông chi họ hàng”.
      Nhân tình thế thái thời Đức Giêsu cũng không ra khỏi cái lẽ thường ấy. Chính vì thế, Đức Giêsu đã cảnh tỉnh các môn đệ :”Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước”. 
    1. Từ ngữ “thế gian” mang hai ý nghĩa : thứ nhất, chỉ nhân loại cách chung, ví dụ :”Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của mình cho thế gian”. Thứ hai thế gian là “là những người không chấp nhận Đức Giêsu và thù ghét Ngài. Đây là ý nghĩa trong đoạn Tin Mừng này.
      Đức Giêsu phân tích cho các môn đệ hiểu tình cảnh của các ông giữa một thế giới thù nghịch với Chúa : thế gian ghét Chúa thì cũng ghét ai theo Chúa. Sự hiện diện của Chúa phân tách thế giới thành sáng và tối, và Ngài trở thành cớ cho những kẻ ở trong bóng tối ghét bỏ Ngài và những người sống theo ánh sáng, bởi vì ánh sáng phơi bầy công việc gian tà của họ.
    1. Nếu các tín hữu Kitô có bị bách hại là bởi vì niềm tin Kitô là thách đố và tra vấn cho những lương tâm con người. Nhìn lại các cuộc bách hại đã và đang diễn ra trong các chế độ toàn trị, người ta cũng thấy rằng chính vì chủ trương duy vật vô thần mà các chế độ độc tài bách hại Giáo hội. Chính vì đến để làm chứng và nói lên sự thật mà Đức Giêsu đã bị chống đối, khước từ và loại trừ. Ngày nay, bất cứ ai sống cho sứ mạng ấy, dù đang sống trong xã hội nào cũng đều bị bách hại cách này hay cách khác.
      Năm 1968, khi Đức Phaolô VI ra thông điệp”Sự Sống Con Người”, trong đó Ngài lên án não trạng chống lại sự sống của con người thời đại, người ta đã có lý để gọi Ngài là một người chống lại cả thế giới.
    1. Có một điều hiển nhiên đó là : làm người chẳng ai muốn mình bị thù ghét. Thế nhưng, một điều khác hiển nhiên không kém, đó là một khi đã đi theo Đức Kitô để thuộc về Ngài thì :”Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ các con” (Ga 15,20). Đó là một thực tế phũ phàng không có lựa chọn nào khác… Dĩ nhiên, Đức Kitô không chọn cách sống để bị thù ghét, mà là chọn sự thật, một sự thật đến từ Chúa Cha, và cũng trong chính sự thật ấy người ta đã ghét Ngài :”Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa” (Ga 3,19).
      Mang thân phận là Kitô hữu, chúng ta phải đối diện với sự thù ghét của thế gian, nếu không chúng ta chỉ là Kitô hữu “hữu danh vô thực”. Vấn đề không phải sống làm sao để đừng bị ghét, mà phải ứng phó với thực tế ấy như thế nào ?  Đức Kitô vẫn yêu thương con người đến cùng. Ngài sẵn sàng đón nhận sự thù ghét, chấp nhận chết để thực hiện ơn tha thứ, kể cả với kẻ ghét mình.  Đó cũng là con đường Ngài mời gọi chúng ta bước theo, nếu muốn thành môn đệ của Ngài, là Kitô hữu thực thụ (5 phút mỗi ngày).
    1. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ý thức sâu sắc về danh hiệu Kitô hữu của mình. Khi mang danh hiệu này, chúng ta thuộc về Đức Kitô, được thông phần đau khổ với Ngài và được vinh hạnh cùng Ngài cứu chuộc thế giới ngang qua những đau khổ mà chúng ta phải chịu vì danh Đức Giêsu. Vì thế, những trái khoáy dồn dập tư bề, những đau khổ về tinh thần cũng như thể xác như : bị bắt bớ, đánh đập và ngay cả cái chết… chúng ta hãy vui mừng hân hoan, bởi lẽ vì được thuộc về Ngài chứ không thuộc về thế gian.
    1. Truyện : Những cuộc bách hại đầu tiên.
      Tác giả Tacitus của đế quốc Rôma vào thế kỷ thứ nhất, trong tập sử ký của ông có ghi lại cuộc bách hại đầu tiên mà Giáo hội phải trải qua. Rôma năm 64, hoàng đế Néron, để dẹp bỏ tiếng đồn tố cáo là người đã nổi lửa đốt thành Rôma, ông đã ra lệnh lùng bắt người mà dân chúng gọi là Kitô hữu.
      Một đám đông vô kể bị bắt giữ vì bị tố cáo không những đã gây ra cuộc hỏa hoạn, mà còn thù nghịch với các thần minh và nhân loại. Tất cả đã bị đem ra chế diễu và bị hành hạ cho đến chết : một số bị gói trong những mảnh da thú và quăng cho chó cắn xé; một số khác bị thiêu sống, khi màn đêm vừa buông xuống, người ta dùng họ thế cho những bó đuốc để soi sáng ban đêm; nhiều người khác bị đóng đinh cách dã man.
      Cảnh tượng ấy diễn ra  trong các vườn thượng uyển của Néron cũng như tại hý trường, nó dã man đến nỗi đã làm cho dân chúng xúc động và thêm bất mãn.Lm. Giuse Đinh Lập Liễm Gp. Đà Lạt

                                                                                                    

    BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

    VIDEO CLIPS

    THÔNG TIN ƠN GỌI

    Chúng tôi luôn hân hoan kính mời các bạn trẻ từ khắp nơi trên đất Việt đến chia sẻ đặc sủng của Hội Dòng chúng tôi. Tuy nhiên, vì đặc điểm của ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, chúng tôi xin được đề ra một vài tiêu chuẩn để các bạn tiện tham khảo:

    • Các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, thuộc gia đình đạo đức, được các Cha xứ giới thiệu hoặc công nhận.
    • Ứng Sinh phải qua buổi sơ tuyển về Giáo Lý và văn hoá.

    Địa chỉ liên lạc về ơn gọi:

    • Nhà Mẹ: 115 Lê Lợi - Lộc Thanh - TP. Bào Lộc - Lâm Đồng.
    • ĐT: 0263 3864730
    • Email: menthanhgiadalatvn@gmail.com