spot_img
Thêm

    Thứ Sáu tuần 4 Phục Sinh

    BÀI ĐỌC I: Cv 13, 26-33

    Trong những ngày ấy, khi Phaolô đến Antiôkia thuộc xứ Pisiđia, ông lên tiếng trong hội đường rằng: “Thưa chư huynh, con cháu Abraham, và những người kính sợ Thiên Chúa ở giữa chư huynh, lời cứu độ đó đã được rao giảng cho chư huynh. Những người cư ngụ ở Giêrusalem và các thủ lãnh của họ đã không nhìn nhận Đức Giêsu và các lời tiên tri mà họ đọc mỗi ngày Sabbat; thế mà họ đã làm ứng nghiệm lời tiên tri khi lên án Người. Và dầu không thấy nơi Người lý do nào đáng phải chết, họ cũng xin Philatô cho giết Người. Và khi đã hoàn tất mọi điều đã chép về Người, họ đã tháo Người xuống khỏi cây thập giá và mai táng Người trong mồ. Nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết vào ngày thứ ba. Và trong nhiều ngày, Người đã hiện ra với những kẻ đã cùng với Người từ Galilêa lên Giêrusalem. Bây giờ những kẻ đó là những chứng nhân của Người trước mặt dân chúng.

    “Phần chúng tôi, chúng tôi loan báo cho chư huynh hay rằng: lời hứa ban cho tổ phụ chúng ta, Thiên Chúa đã làm hoàn tất cho chúng ta là con cháu các ngài, khi làm cho Đức Giêsu sống lại, như đã chép trong thánh vịnh thứ hai rằng: ‘Con là Con Cha, hôm nay Cha đã sinh ra Con'”.

    PHÚC ÂM: Ga 14, 1-6

    Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó. Thầy đi đâu, các con đã biết đường rồi”. Ông Tôma thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”.

    Suy Niệm 1: THẦY LÀ CON ĐƯỜNG!

    Con người toan tính, quyết định, hành động theo đường lối mình, thường không phản ánh đường lối của Thiên Chúa lắm… Có vẻ như Thiên Chúa mất quyền kiểm soát, vì đã trao cho con người tự do mà Ngài không muốn thu hồi!… Chuyện như vậy không chỉ ở ngoài đời mà cả ở trong ‘đạo’, điều mà ta gọi là ‘thế tục hoá’!…
    Nhưng trong mọi trường hợp, Thiên Chúa thực sự không bao giờ mất quyền kiểm soát. Chỉ có điều, Ngài kiểm soát theo cách mà con người vẫn tự do. Lời rao giảng của Phaolô trong sách Công vụ hôm nay nhắc lại câu chuyện Chúa Giêsu bị đấu tố, bị kết án, và bị giết chết do những toan tính thuần tuý nhân loại. Nhưng Thiên Chúa đã cho Chúa Giêsu sống lại: Ngài vẫn kiểm soát tình hình! Ngài luôn có khả năng (và luôn muốn) rút điều tốt lành ra từ những sự tệ hại của con người. Sứ mạng của Thiên Chúa (missio Dei) phải được Thiên Chúa xúc tiến cho tới khi hoàn tất.
    Cao trào của sứ mạng ấy là biến cố Chúa Giêsu Kitô, Đấng là Con Đường cho chúng ta đến với Chúa Cha. Hãy nghe lại mẩu thoại giữa Chúa Giêsu với Tôma:
    – Thầy đi đâu, anh em đã biết đường rồi.
    – Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?
    – Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.
    Tôma cần ‘biết đường’, cần biết điểm đến – nghĩa là, có vẻ như điều Tôma cần là một toạ độ và một bản đồ. Nhưng Chúa Giêsu lưu ý sự việc không phải như thế. Chính Người là Con Đường, nên Tôma và các môn đệ chỉ cần bám lấy Người mà thôi, không cần bản đồ nào hết. Chúa Giêsu ở đâu thì Con Đường ở đó. Ngay cả có thể nói Chúa Giêsu ở đâu thì Cha ở đó, vì “không ai đến được với Cha mà không qua Người”!
    Nhiều khi chúng ta cũng lẩn thẩn như Tôma, muốn tìm kiếm điều gì đó ở ngoài Chúa Giêsu… Và Chúa Giêsu không ngừng nhắc ta nhớ: “Thầy là Con Đường, là Sự Thật, và Sự Sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”.

    Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.
    …………………………………..
     Suy Niệm 2: ĐI TRÊN CON ĐƯỜNG GIÊSU

    Hành trình rao giảng của Thánh Phaolô đã đưa ngài đến thành Antiôkhia, nơi lần đầu tiên những người môn đệ của Chúa Giêsu được gọi là “Kitô hữu.” Khi đọc sách Công Vụ Các Tông Đồ, một chi tiết chúng ta thường nhận ra đó là các Tông Đồ không để qua cơ hội nào mà không rao giảng về Đức Giêsu Kitô. Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô luôn nắm bắt cơ hội để rao giảng Tin Mừng và chúng ta thường thấy ngài trong các hội đường. Chúng ta vẫn thường nghe thấy danh từ “hội đường.” Nhưng “hội đường là gì? Theo nguyên ngữ [tiếng Hy Lạp], “hội đường” có nghĩa là “tụ họp mọi người,” nhưng nó cũng ám chỉ nơi tụ họp. Theo sử gia cổ đại Josephus [trong Antiquities], hội đường được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, như nơi để cầu nguyện, nơi để Lời Chúa được công bố và giải thích, trường học [Kinh Thánh], nơi những bữa ăn chung diễn ra, toà án xét xử, nơi các cuộc họp chính trị được tổ chức, nơi nhận và phân phát quà từ thiện.

    Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta thấy Phaolô đã sử dụng hội đường như nơi để rao giảng Tin Mừng. Nội dung của lời rao giảng của thánh nhân xoay quanh mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu, hay chúng ta còn gọi là Kerygma. Ngài cố gắng chứng minh cho mọi người rằng Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, là Đấng đến hoàn thành lời hứa Thiên Chúa đã hứa với Abraham và con cháu của ông. Lời hứa này được hoàn thành trong sự kiện sống lại của Chúa Giêsu. Điều này giải thích lý do tại sao người Do Thái không nhận biết Đức Giêsu Kitô (Cv 13:27). Đó là vì họ mong chờ một Đấng Cứu Độ “không chịu đau khổ, không chết và không sống lại”; họ mong chờ một Đấng Cứu Độ đến để giải thoát họ khỏi quyền lực của ngoại xâm, chứ không phải khỏi quyền lực của tội lỗi và sự chết. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta điều gì? Thường ngày trong cuộc sống, khi chúng ta mong chờ một cái gì đó, chúng ta thường mong muốn điều đó xảy ra theo cách thức chúng ta muốn. Hoặc khi ai hứa với chúng ta một điều gì, chúng ta thường “tưởng tượng” ra cách thức người đó thực hiện lời hứa của mình theo cách chúng ta vạch ra. Khi sự việc xảy ra không theo cách thức chúng ta mong muốn, chúng ta thường có những phản ứng tiêu cực.

    Theo Thánh Phaolô, lời Thiên Chúa hứa với chúng ta sẽ không được thực hiện nếu Đức Giêsu Kitô không sống lại. Đây chính là Tin Mừng chúng ta loan báo: “Còn chúng tôi, chúng tôi xin loan báo cho anh em Tin Mừng này: điều Thiên Chúa hứa với cha ông chúng ta, thì Người đã thực hiện cho chúng ta là con cháu các ngài, khi làm cho Đức Giê-su sống lại, đúng như lời đã chép trong Thánh vịnh 2: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (Cv 13:32-33). Những lời này giúp chúng ta nhận ra nội dung của việc loan báo Tin Mừng, đó là Đức Giêsu là Đấng đã đến để hoàn thành lời hứa của Thiên Chúa cho con người qua cuộc khổ nạn, phục sinh và lên trời của Ngài. Việc rao giảng của chúng ta phải được thực hiện qua chính cuộc sống “cũng được phục sinh với Chúa Giêsu.” Nói cách khác, sự sống mới đầy yêu thương, cảm thông và tha thứ trong Đức Kitô là cách thức rao giảng hiệu quả nhất mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thực hiện.

    Ai trong chúng ta cũng đã có lần cảm thấy xao xuyến? Nếu có, chúng ta xao xuyến về chuyện gì? Chúng ta có xao xuyến khi sắp mất đi người thân của mình không? Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giêsu “khuyên” các môn đệ của Ngài đừng xao xuyến. Ngài khuyên họ đừng xao xuyến về việc Ngài sẽ về với Chúa Cha và như vậy họ sẽ không còn được thấy Ngài. Điều Ngài mong muốn nơi họ là: trong giây phút xao xuyến “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14:1). Để hiểu rõ bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần đọc đoạn trích này trong bối cảnh gần của nó, đó là bối cảnh nói về việc Chúa Giêsu là đường dẫn đến Chúa Cha (Ga 14:1-11). Đoạn văn này bắt đầu với lời mời gọi: “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14:1) và kết thúc với lời mời gọi: “Hãy tin vì công việc Thầy làm” (Ga 14:11). Điều này cho chúng ta biết rằng: Chúa Giêsu muốn các tông đồ nếu không tin vào “lời của Ngài” thì những dấu lạ [việc] Ngài làm chính là nền tảng để cho họ tin rằng Chúa Cha và Ngài là một (x. Ga 10:37-38). Chúng ta rút ra được điều gì từ chi tiết này? Qua chi tiết này, Chúa Giêsu cũng muốn nói với chúng ta như đã từng nói với các tông đồ rằng: Nếu các con không tin vào lời Thầy công bố mỗi ngày [hoặc mỗi Chúa Nhật] khi chúng con tham dự thánh lễ [hoặc khi đọc Kinh Thánh], thì chúng con hãy xem những việc Thầy đã làm cho chúng con mỗi ngày để rồi tin rằng Chúa Cha và Thầy là một. Nói cách cụ thể, nếu chúng ta không nhận ra Chúa Giêsu khi “đọc kinh cầu nguyện hay tham dự thánh lễ,” thì cố gắng nhận ra Ngài trong những công việc bé nhỏ thường ngày của chúng ta.

    Trở lại với bài Tin Mừng, chúng ta có thể nhận ra hai phần sau: phần 1 (Ga 14:1-4) nói đến “lời khuyên” của Chúa Giêsu, và phần 2 (Ga 14:5-6) trình bày cho chúng ta phần “hỏi đáp” của Chúa Giêsu với Tôma. Trong lời khuyên của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Ngài bảo đảm cho họ ba điều sau:

    (1) Trong nhà Cha Ngài có nhiều chỗ ở và mỗi người có một chỗ trong nhà Cha Ngài (Ga 14:2). Theo truyền thống, “nhà Cha” được hiểu là Thiên Đàng. Theo thần học bây giờ, một số thần học gia hiểu “nhà Cha” chính là “con tim của Thiên Chúa.” Vì vậy, chúng ta có thể hiểu điều Chúa Giêsu nói như sau: trong con tim của Thiên Chúa, mỗi người chúng ta đều có một chỗ, không ai bị loại trừ ra khỏi trái tim [tình yêu] của Ngài. Tuy nhiên, điều đáng để chúng ta suy gẫm là chúng ta có muốn ở trong tim, trong tình yêu của Ngài hay không?

    (2) Chúa Giêsu đi để chuẩn bị chỗ và Ngài sẽ trở lại để đón họ (Ga 14:2-3). Trong câu này, Chúa Giêsu muốn nói với các môn đệ rằng: họ sẽ trải qua những giây phút mà Ngài “không hiện diện” với họ vì Ngài đi về nhà Cha Ngài để dọn chỗ cho họ, và rồi Ngài sẽ trở lại để đón họ. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng cảm thấy “vắng bóng” Chúa Giêsu. Chúng ta đi tìm kiếm Người và đôi khi chúng ta kêu gào trong thất vọng. Trong những giây phút như vậy, chúng ta cần nhớ rằng: Chúa Giêsu luôn nghĩ đến chúng ta và đang chuẩn bị cho chúng ta một chỗ trong cung lòng của Chúa Cha. Tuy nhiên, liệu khi Chúa Giêsu đến đón chúng ta vào trong cung lòng của Chúa Cha, chúng ta có nhận ra Ngài và đi theo Ngài không?

    (3) Chúa Giêsu muốn Ngài ở đâu thì các môn đệ sẽ ở đó với Ngài. Điều này hàm chứa một ý nghĩa sâu xa cho chúng ta ngày hôm nay [nhất là những người sống đời thánh hiến]. Chúng ta thường mong muốn có một chỗ ở thật tốt, thật đẹp, và thật tiện nghi. Nói cách đơn giản, chúng ta thường tìm cho mình những nơi hợp với “khẩu vị” của mình. Điều này càng ngày càng làm cho chúng ta khó chấp nhận sống những nơi mà không đáp ứng được nhu cầu và sự mong muốn của chúng ta. Chi tiết thứ ba này mời gọi chúng ta đặt lại tầm quan trọng của “nơi chốn” chúng ta cư ngụ. Chúa Giêsu chỉ có một nơi cư ngụ mà Ngài ưa thích, đó là cung lòng của Chúa Cha. Điều này ám chỉ rằng: ở đâu không quan trọng, điều cần thiết và quan trọng là dù ở đâu chúng ta cũng cảm nghiệm được mình đang ở với Chúa Giêsu trong cung lòng, trong tình yêu của Chúa Cha.

    Chúa Giêsu kết thúc lời khuyên bằng việc khẳng định về sự hiểu biết của các môn đệ về con đường mà Ngài sẽ đi: “Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi” (Ga 14:4). Như chúng ta đã biết, theo Thánh Gioan, sự hiểu biết của các môn đệ Chúa Giêsu luôn có giới hạn. Điều này được diễn tả trong câu hỏi của Tôma: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường?” (Ga 14:5). Có một sự hiểu lầm ở đây: Chúa Giêsu nói về “đường đi” [phương tiện], còn Tôma thì nghĩ về “nơi chốn” [mục đích/điểm đến]. Vì không biết mục đích hay nơi đến nên sẽ không biết phương tiện để đạt mục đích hay đường đi để đến nơi cần đến. Chính sự giới hạn về hiểu biết của các môn đệ mà Chúa Giêsu, một lần nữa mạc khải cho họ về chân tính của Ngài: “Chính Thầy là con đường là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:6). Trong câu này, Chúa Giêsu lại khẳng định vai trò trung gian duy nhất của Ngài: chỉ qua Ngài, chúng ta mới có thể đến được với Chúa Cha. Ngài là “con đường” dẫn đến “sự thật và sự sống.” Nhìn từ khía cạnh này, Chúa Giêsu khẳng định Ngài không chỉ là “người dẫn” đến ơn cứu độ, nhưng còn là suối nguồn của sự sống và sự thật. Ai sống trong Chúa Giêsu, người đó đạt được ơn cứu độ và luôn sống vui và sống thật.

    Lm. Anthony, SDB.

    ……………………………

    Suy Niệm 3: Đức Giêsu là con đường

    1. Trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu chia sẻ với các môn đệ những lời rất thân tình, tha thiết :  Ngài sẽ ra đi về cùng Cha rồi Ngài sẽ trở lại đón các ông để Ngài ở đâu, môn đệ cũng ở đó với Ngài. Ngài cho các ông biết sứ mạng của Ngài  là đến trần gian để dẫn đưa nhân loại về cùng Chúa Cha, đến sự sống đời đời. Chính Ngài là con đường duy nhất. Ai muốn đến cùng Cha, muốn có sự sống đích thực thì phải qua con đường đó. Nếu từ chối Ngài, không bao giờ chúng ta có thể đạt tới hạnh phúc viên mãn.
    1. Trong khung cảnh bữa tiệc ly, Đức Giêsu đã dùng những lời lẽ rất thân tình, tha thiết để tâm sự với các môn đệ. Ngài báo cho họ biết là Ngài sẽ ra đi, đi đến một nơi rất lạ mà họ chưa bao giờ được biết. Nhưng rồi Ngài lại hứa sẽ trở lại đón họ để cùng đưa họ đến nơi đó. Ông Tôma tò mò hỏi :”Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu làm sao chúng con biết đường đi” ? Đức Giêsu đáp :”Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,5-6).
      Khi nói như thế, ít nhiều Chúa đã muốn cho mọi người biết : mục tiêu hành trình của mọi người là về với Thiên Chúa là Cha. Đức Giêsu chính là người dẫn đường, hơn nữa chính Ngài là con đường dẫn ta đến đích điểm đó.
    1. Đức Giêsu mạc khải cho chúng ta biết :”Chính Ngài là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Ngài đã tỏ bầy mầu nhiệm về Thiên Chúa, chỉ đường cho con người đến gặp Chúa Cha và dạy họ sống thế nào cho hợp ý Thiên Chúa. Ngài mạc khải chính Ngài, Đấng thực thi sứ mạng của Thiên Chúa bằng lời nói và hành động quyền năng nơi thế gian để cứu chuộc nhân loại. Ngài là con đường duy nhất dẫn tới Chúa Cha như chính Ngài đã nói :”Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”. Ngài là con đường dẫn đến sự thật; sự thật giải thoát con người và là sự sống sung mãn cho con người vì chính Ngài là sự sống (Ga 11,25). Như thế, chỉ Đức Giêsu mới là con đường, là sự thật, là sự sống vĩnh cửu cho những ai tin vào Ngài (Ga 10,28).
    1. Mọi người muốn vươn tới hạnh phúc, hạnh phúc tuyệt đối và trường cửu. Hạnh phúc này chỉ có trên nước Thiên Chúa. Vậy đâu là con đường đưa tới hạnh phúc đó ? Chúng ta biết Đức Giêsu vừa là Chúa vừa là người. Ngài là trung gian hoàn hảo duy nhất giữa Chúa Cha với chúng ta. Biết bao con đường mở ra trước mắt chúng ta, nhưng chỉ có Ngài mới là con đường đưa chúng ta đến cùng Chúa Cha, vì Ngài biết Chúa Cha và bởi Chúa Cha mà ra. Chúng ta hãy tin tưởng bước theo Ngài vì chính Ngài đã khẳng định với chúng ta :”Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).
    1. Mục đích tối thượng của chúng ta là đi về nhà Cha, đi vào quê trời là quê hương của chúng ta.
      Đường về quê trời có nhiều thử thách, nhưng người môn đệ có thể vượt qua dễ dàng nếu biết để cho Chúa hướng dẫn, để cho Chúa đưa mình đến nơi Chúa muốn. Bí quyết căn bản của đời sống Kitô là để cho Chúa tự do hướng dẫn mình đi, là biết cộng tác với ơn Chúa, là để cho Chúa Kitô chiếm hữu như thánh Phaolô tông đồ ngày xưa, ngài đã bộc lộ cho những người con tinh thần của ngài  bí quyết đời Kitô :”Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà chính Đức Kitô sống trong tôi. Kiếp sống tôi đang sống, tôi muốn sống trong niềm tin hoàn toàn vào Đấng đã yêu thương tôi và trao nộp chính mình cho tôi”. 
    1. Khi nghe Đức Giêsu nói “Thầy là đường”, chúng ta cũng nhớ lại một chân lý bất biến là “qua thập giá tới vinh quang”. Đó là con đường duy nhất mà Đức Giêsu đã đi, để tiêu diệt sự chết và đi vào cõi sống đời đời. Theo đạo chính là Con Đường mang tên Giêsu, là gắn bó sống chết với Giêsu, chia sẻ sứ mạng của Giêsu, Con Thiên Chúa làm người bằng xương bằng thịt. Vì thế, muốn đạt đến Nước Trời, Kitô hữu cũng phải bước theo con đường đó.  Về vần đê này, chúng ta hãy nghe John Newton chia sẻ :
      “Những khổ sở mà đời chúng ta phải chịu cũng giống như một bó củi rất to và rất nặng. Chắc chắn chúng ta không vác nổi. Nhưng Thiên Chúa đã thương tháo dây bó củi đó ra, rồi chia nó ra để mỗi ngày chỉ chất lên vai ta một khúc thôi. Hôm sau một khúc nữa, và hôm sau tiếp tục… Cuối cùng ta cũng vác xong bó củi.  Nhiều người lại không làm như thế : chẳng những họ chất lên vai khúc củi của hôm nay mà còn thêm vào đó  khúc củi của hôm qua và khúc củi của ngày mai. Lạ gì họ không vác nổi”. 
    1. Truyện : Triết gia Diogène bán sự khôn ngoan.
      Một ngày nọ, triết gia Diogène của Hy Lạp đã đến giữa chợ Athènes và dựng lên một căn lều có ghi đậm hàng chữ như sau :”Ở đây có bán sự khôn ngoan”.
      Một bậc khoa cử tình cờ đi qua căn lều đọc được lời rao bảo, mới cười thầm trong bụng… Muốn biết đàng sau căn lều ấy có những gì, ông mới sai người đầy tớ cầm tiền để dò la và mua cho được cái  mà người bán gọi là sự khôn ngoan.
      Người đầy tớ cầm tiền ra đi làm theo lời căn dặn của chủ… Anh đưa cho Diogène 3 hào và nói rằng  chủ của anh muốn có sự khôn ngoan. Cầm lấy 3 hào bỏ vào tủi, triết gia Diogène nói với người đầy tớ một cách trang trọng như sau :”Anh hãy về đọc lại cho chủ anh câu này : Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích”.
      Vị khoa cử thành Athènes vô củng thích thú vì lời khôn ngoan này. Ông đã cho viết trước cửa nhà như khuôn vàng thước ngọc để chính ông suy niệm mỗi ngày và tất cả nhưng ai đi qua trước nhà ông đều có thể đọc thấy.

      Lm. Giuse Đinh Lập Liễm Gp. Đà Lạt

                                                                                                   

    BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

    VIDEO CLIPS

    THÔNG TIN ƠN GỌI

    Chúng tôi luôn hân hoan kính mời các bạn trẻ từ khắp nơi trên đất Việt đến chia sẻ đặc sủng của Hội Dòng chúng tôi. Tuy nhiên, vì đặc điểm của ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, chúng tôi xin được đề ra một vài tiêu chuẩn để các bạn tiện tham khảo:

    • Các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, thuộc gia đình đạo đức, được các Cha xứ giới thiệu hoặc công nhận.
    • Ứng Sinh phải qua buổi sơ tuyển về Giáo Lý và văn hoá.

    Địa chỉ liên lạc về ơn gọi:

    • Nhà Mẹ: 115 Lê Lợi - Lộc Thanh - TP. Bào Lộc - Lâm Đồng.
    • ĐT: 0263 3864730
    • Email: menthanhgiadalatvn@gmail.com