BÀI ĐỌC I: Cv 6, 8-15
Trong những ngày ấy, Têphanô đầy ân sủng và sức mạnh, làm nên những điều kỳ diệu và những phép lạ cả thể trong dân. Bấy giờ có nhóm người kia thuộc hội đường mệnh danh là “của những người Tự Do, người Xirênê và Alexandria”, và những người khác từ xứ Cilicia và Tiểu Á, đã nổi dậy. Họ tranh luận với Têphanô, nhưng họ không thể đương đầu với sự khôn ngoan và Thánh Thần vẫn giúp cho ông nói. Họ xúi giục một số người nói lên rằng: “Chúng ta đã nghe nó nói những lời lộng ngôn phạm đến Môsê và Thiên Chúa”. Họ xách động dân chúng, các kỳ lão và luật sĩ; rồi họ tuôn đến bắt Têphanô điệu tới công nghị. Họ đưa ra những người làm chứng gian nói rằng: “Tên này không ngớt nói những lời xúc phạm đến nơi thánh và lề luật, vì chúng tôi nghe nó nói rằng: “Ông Giêsu Nadarét sẽ phá nơi này, và thay đổi các tập tục Môsê truyền lại cho chúng ta”. Toàn thể cử toạ trong công nghị chăm chú nhìn Têphanô, thấy mặt người giống như mặt thiên thần.
PHÚC ÂM: Ga 6, 22-29
Hôm sau, đám người còn ở lại bên kia biển thấy rằng không có thuyền nào khác, duy chỉ có một chiếc, mà Chúa Giêsu không lên thuyền đó với các môn đệ, chỉ có các môn đệ ra đi mà thôi. Nhưng có nhiều thuyền khác từ Tibêria đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh. Khi đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền kia và đến Capharnaum tìm Chúa Giêsu.
Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?” Chúa Giêsu đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm ta không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Đấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu”. Họ liền thưa lại rằng: “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?” Chúa Giêsu đáp: “Đây là công việc của Thiên Chúa, là các ngươi hãy tin vào Đấng Ngài sai đến”.
Suy Niệm 1: CHÚNG TA THEO CHÚA GIÊSU ĐỂ TÌM GÌ?
Chúng ta bắt đầu nghe câu chuyện về Têphanô, một nhân chứng anh hùng cho Chúa Giêsu. Trong trình thuật hôm nay, chúng ta thấy những gì xảy đến cho Têphanô là một sự lặp lại của những gì xảy ra trong câu chuyện của Chúa Giêsu. Những điểm đáng để chúng ta lưu ý trong câu chuyện của Têphanô là: (1) “ông Têphanô được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân” (Cv 6:8); (2) bị chống đối và loại trừ vì ghen tỵ [“Có những người thuộc hội đường gọi là hội đường của nhóm nô lệ được giải phóng, gốc Kyrênê và Alêxanria, cùng với một số người gốc Kilikia và Axia, đứng lên tranh luận với ông Têphanô. Nhưng họ không địch nỗi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông” (Cv 6:9-10)]; (3) bị kế án cách bất công với những chứng gian [“Bấy giờ, họ mới xui mấy người phao lên rằng: ‘Chúng tôi đã nghe hắn nói lộng ngôn xúc phạm đến ông Môsê và Thiên Chúa.’ Họ sách động dân và các kỳ mục cùng kinh sư, rồi ập đến bắt ông và điệu đến Thượng Hội Đồng. Họ đưa mấy người chứng gian ra khai rằng: ‘Tên này không ngừng nói những lời phạm đến Nơi Thánh và Lề Luật. Vì chúng tôi đã nghe hắn nói rằng Giêsu người Nadarét sẽ phá huỷ nơi này và thay đổi những tục lệ mà ông Môsê đã truyền lại cho chúng ta’” (Cv 6:11-14)]; (4) Têphanô không sợ hãi trước quyền lực thế gian để làm chứng cho Chúa Giêsu [“Toàn thể cử toạ trong Thượng Hội Đồng đều nhìn thẳng vào ông Têphanô, và họ thấy mặt ông giống như mặt thiên sứ” (Cv 6:15)]. Qua những chi tiết này, chúng ta nhận ra rằng, chứng nhân của Chúa Giêsu là những người ‘lặp lại’ cuộc đời của Chúa Giêsu trên cuộc đời của mình. Nói cách khác, người môn đệ là người sống lại cuộc đời của Chúa Giêsu trong cuộc đời của mình. Dù phải đối diện với những khó khăn, chống đối và chứng gian vẫn đứng vững trong đức tin của mình.
Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục những gì xảy ra sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều cho năm ngàn người ăn no nê. Đây là một trong những “dấu lạ” Chúa Giêsu đã thực hiện. Trong Tin Mừng Thánh Gioan, “dấu lạ” là một “dấu chỉ hữu hình” mà qua đó Chúa Giêsu muốn chuyển tải cho thính giả của Ngài một thực tại vô hình. Nhưng thông thường, thính giả của Ngài đã không thể nắm bắt thực tại vô hình này ngay lần đầu nhìn thấy. Chúa Giêsu phải giải thích cho họ và đưa họ chạm đến thực tại hữu hình này qua chính cuộc sống của Ngài. Đây chính là điều mà chúng ta nhận thấy trong trình thuật Tin Mừng hôm nay. Chúng ta có thể suy gẫm trên hai chi tiết sau:
Thứ nhất, khát vọng tìm kiếm Chúa Giêsu của dân chúng: “Hôm sau, đám đông dân chúng còn đứng ở bờ bên kia Biển Hồ, thấy rằng ở đó chỉ có một chiếc thuyền và Đức Giêsu lại không cùng xuống thuyền đó với các môn đệ, nhưng chỉ có các ông đi mà thôi. Tuy nhiên, có những thuyền khác từ Tibêria đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh sau khi Chúa dâng lời tạ ơn. Vậy khi dân chúng thấy Đức Giêsu cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Caphácnaum tìm Người” (Ga 6:22-24). Việc tìm kiếm Chúa Giêsu xảy ra vào “ngày hôm sau.” Những câu trong phần này nhằm mục đích tạo ra một sự chuyển tiếp giữa dấu lạ của Chúa Giêsu và lời dạy của Chúa Giêsu về bánh hằng sống. Chúng chỉ ra một điều đáng để chúng ta lưu ý là Chúa Giêsu không đi trên thuyền với các môn đệ mà có thể Ngài đi theo đường bộ; còn dân chúng tìm Ngài thì cũng xuống thuyền. Như vậy, các môn đệ và dân chúng dùng cùng một loại phương tiện và đi theo một hành trình, trong khi đó Chúa Giêsu thực hiện một hành trình khác. Vì hai hành trình khác hướng nhau nên mới có sự kiếm tìm. Chi tiết này giúp cho chúng ta nhìn lại hành trình chúng ta đang đi. Nhiều lần chúng ta đã không đi cùng với hành trình của Thiên Chúa, nên chúng ta cũng đi tìm Ngài.
Thứ hai, lời hướng dẫn của Chúa Giêsu để giúp dân chúng hiểu thực tại vô hình đằng sau dấu lạ hoá bánh ra nhiều mà Ngài đã thực hiện: “ Chúa Giêsu đáp: ‘Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận’” (Ga 6:26-27). Chúa Giêsu chỉ ra cho đám đông thấy họ đến với Ngài với động lực thật nông cạn. Họ chỉ nhìn thấy dấu chỉ hữu hình, nhưng không hiểu thực tại vô hình mà dấu lạ chỉ đến. Một cách cụ thể, họ chỉ đến với Ngài vì muốn có được thức ăn nuôi sống thân xác, chứ không nghĩ đến thức ăn nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng. Chúa Giêsu mời gọi họ đừng làm việc cho lương thực hư nát, những làm việc để có lương thực trường tồn. Khi nói điều này, Chúa Giêsu đưa thính giả của mình về nước hằng sống. Trong cả hai trường hợp, chúng ta thấy chìa khoá để nhận được nước hằng sống và lương thực trường tồn chính là tin vào Chúa Giêsu, Đấng được Thiên Chúa sai đến: “Họ liền hỏi Người: ‘Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?’ Đức Giêsu trả lời: ‘Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến’” (Ga 6:28-29). Hình ảnh này cũng thường lặp lại trong cuộc đời chúng ta vì nhiều lần chúng ta bận rộn với việc tìm kiếm của ăn cho thân xác mà quên mất rằng đời sống thiêng liêng của mình cũng cần được nuôi dưỡng. Hơn nữa, nhiều lần chúng ta tìm đến Chúa cũng vì những nhu cầu vật chất và thân xác của mình hơn là những nhu cầu thiêng liêng. Chúng ta cố gắng làm thật nhiều việc, nhưng một việc chính làm nền tảng của tất cả những công việc mình làm thì chúng ta hay lãng quên, đó là tin vào Chúa Giêsu, phó thác mọi sự để Ngài hướng dẫn. Đó là điều cần thiết nhất của người môn đệ: đi theo sự hướng dẫn của Chúa Giêsu, còn những công việc khác là hệ quả của việc đi theo Ngài.
Lm. Anthony, SDB.
…………………………..
Suy Niệm 2: Tìm của ăn không hư nát
- Trong suốt tuần thứ ba mùa Phục sinh, các bài đọc đều qui về Bánh Hằng Sống. Bài Tin Mừng hôm nay mở đầu nói về Bí tích Thánh Thể : Vì đã được ăn bánh no nê nên dân chúng tiếp tục đi tìm Đức Giêsu. Sáng hôm sau, họ tìm gặp Ngài ở phía bên kia biển hồ. Ngài nói với họ :”Các ngươi tìm Ta không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê”. Rồi Ngài dạy họ hãy tìm một thứ lương thực khác quan trọng hơn :”Các ngươi hãy ra công làm việc, không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời”.
- Dân chúng Do thái, sau khi được Chúa nuôi dưỡng bằng phép lạ bánh hóa nhiều, họ đi tìm gặp Chúa, tôn vinh Ngài lên làm vua. Tôn vinh Ngài không phải vì tin nhưng vì được nuôi dưỡng, được no bụng :”Động cơ thúc đẩy họ vẫn là mùi vị của bánh trần gian : họ đã không nhìn thấy trong ân huệ bánh dư thừa, dấu chỉ của một lương thực khác phải tìm kiếm, thứ lương thực trường tồn ban phúc trường sinh mà Con Người sẽ ban cho” (x. Léon Dufour, “Lecture de l’évangile de Jean). Cho nên mục đích của việc dân chúng tìm Đức Kitô chỉ lo bảo đảm cho họ được của ăn vật chất luôn mãi…
- Đoạn Tin Mừng hôm nay cho biết : Dân chúng gặp được Chúa, họ hỏi Chúa ngay :”Thưa Thầy, Thầy đến đây hồi nào” ? Câu trả lời của Chúa làm cho họ chưng hửng, thay vì trả lời thẳng vào câu hỏi, Chúa lại phanh phui tâm địa không mấy tốt đẹp của họ :”Đâu phải vì các người thấy dấu lạ mà đi tìm Ta, chẳng qua là vì các người đã được ăn bánh no nê mà thôi”. Rồi Chúa bảo họ :”Đừng vất vả tìm thứ của ăn hay hư nát, nhưng hãy tìm thứ của ăn tồn tại mãi và đưa tới cuộc sống muôn đời”. Họ hỏi lại Chúa :”Vậy chúng tôi phải làm gì” ? Chúa bảo :”Hãy tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến”. Họ hiểu ngay Chúa muốn nói họ phải tin vào Ngài.
- Nhà đấu quyền anh J. Demsey chỉ có thể thiếp ngủ được vào lúc 2 giờ sáng, sau khi đoạt giải vô địch chiều trước đó. Nhưng ngủ được một tiếng đồng hồ, anh bỗng giật mình thức giấc vì nằm mơ thấy mình bị mất chức vô địch. Bởi vì không sao ngủ được, anh đi ra phố mua tờ báo vừa mới xuất bản để đọc lại bài tường thuật trận đấu hầu trấn an là mình còn giữ chức vô địch. Demsey đã ghi lại cảm tưởng thế này :”Sau khi đọc bài báo, tôi hiểu rằng sự thành công không có mùi vị thơm ngon như tôi hằng mơ ước trước đó. Sau biến cố, tôi vẫn còn cảm thấy trống rỗng”. Có bao giờ chúng ta cảm nghiệm được như anh Demsey không ? Chúng ta dồn tất cả tài năng, sức lực cho một danh vọng, một địa vị nào đó. Nhưng cuối cùng chỉ thấy trống rỗng, vô nghĩa, bởi vì nó không giúp chúng ta đạt tới hạnh phúc thật.
Đó là kinh nghiệm của J. Demsey : cứ tưởng chức vộ địch sẽ đem cho anh sự nghỉ ngơi, thư thái, nào ngờ anh vẫn cảm thấy trống rỗng, lo sợ bị mất chức vô địch trong những lần đấu kế tiếp (Mỗi ngày một tin vui).
- Vì con người mang thân xác nên con người còn bám víu quá nhiều vào những thứ thỏa mãn các nhu cầu của thân xác. Thế nhưng là tín hữu, chúng ta đã biết ngoài sự sống thân xác này còn sự sống linh hồn nữa. Lời Đức Giêsu nhắc nhở dân chúng ngày xưa cũng là nhắc nhở chúng ta ngày nay : hằng ngày chúng con thường tìm gì : tìm những thứ thỏa mãn nhu cầu thân xác hay thỏa mãn nhu cầu tâm linh ?
Trong mọi sự, ta phải luôn nhớ lời khuyên của thánh Phaolô :”Anh em hãy tưởng nghĩ đến những sự trên trời”. Một cách cụ thể, ta tìm kiếm và xây dựng Nước Trời ngay giữa thực tại trần thế, bằng cách không bán rẻ lương tâm vì một chút lợi lộc chóng qua, không chối bỏ hình ảnh cao quí của Chúa nơi bản thân, không chà đạp nhân phẩm người anh em. Trong mọi sự ta luôn tìm kiếm Chúa như gia nghiệp duy nhất đời ta.
- Truyện : Bé cái lầm
Người Ấn Độ có kể câu chuyện ngụ ngôn sau đây :
Một gia đình khỉ nọ sống giữa một khu rừng rậm. Mùa đông đến, cả gia đình khỉ rét run vì lạnh. Ban đêm khỉ nhìn thấy con đom đóm bay lượn, chúng tưởng là cục than hồng. Thế là cả nhà khỉ bắt lấy con đom đóm mang về, cẩn thận cho thêm củi và rơm vào rồi ngồi quanh mà sưởi. Có con còn kề miệng sát vào con đom đóm để thổi với hy vọng lửa bốc cháy.
Một con chim bay qua thấy cảnh tượng ấy bèn dừng lại nói với bầy khỉ :”Các bạn ơi, đây không phải là lửa mà chỉ là con đom đóm”. Nhưng bầy khỉ không đếm xỉa gì đến nhận xét của con chim, chúng lại chúi đầu vào con đom đóm mà thổi.
Một lẫn nữa con chim trở lại bình tĩnh nói đó chỉ là một con đom đóm. Tức giận vì lời dạy khôn của con chim, bầy khỉ túm lấy nó và giết đi. Rồi chúng tiếp tục thổi hơi mạnh hơn vào con đom đóm. Sáng hôm sau, người ta thấy cả gia đình khỉ chết cóng vì lạnh bên cạnh đống củi và con đom đóm.Lm. Giuse Đinh Lập Liễm Gp. Đà Lạt