BÀI ĐỌC I: Cv 5, 17-26
Trong những ngày ấy, vị thượng tế và mọi người thuộc phe ông, tức là phái Sađốc, đầy lòng phẫn nộ; họ ra tay bắt các tông đồ tống ngục. Nhưng đến đêm, Thiên Thần Chúa mở cửa ngục, dẫn các ngài đi và nói: “Hãy đi vào đền thờ giảng dạy cho dân chúng biết mọi lời hằng sống này”. Nghe lệnh ấy, sáng sớm các ngài vào đền thờ và giảng dạy.
Lúc bấy giờ vị thượng tế và các người thuộc phe ông đến, triệu tập công nghị và tất cả các vị kỳ lão trong dân Israel, rồi sai người vào tù dẫn các tông đồ ra. Khi thủ hạ đến nơi, mở cửa ngục, không thấy các tông đồ, họ liền trở về báo cáo rằng: “Thật chúng tôi thấy cửa ngục đóng rất kỹ lưỡng, lính canh vẫn đứng gác ngoài cửa, nhưng khi chúng tôi mở cửa ra, thì không thấy ai ở bên trong cả”.
Khi nghe các lời đó, viên lãnh binh cai đền thờ và các thượng tế rất lúng túng, không biết rõ công việc đã xảy đến cho các tông đồ. Lúc đó có người đến báo tin cho họ rằng: “Kìa, những người mà các ông đã tống ngục, hiện đang đứng giảng dạy dân chúng trong đền thờ”. Bấy giờ viên lãnh binh cùng các thủ hạ tới dẫn các tông đồ đi mà không dùng bạo lực, vì sợ bị dân chúng ném đá.
PHÚC ÂM: Ga 3, 16-21
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy, thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa và đây là án luận phạt: là sự sáng đã đến thế gian và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách, nhưng ai hành động trong sự thật, thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ, là họ đã hành động trong Thiên Chúa.
Suy Niệm 1: ĐƯỢC CỨU ĐỂ TỰ DO, ĐƯỢC TỰ DO ĐỂ RAO GIẢNG VÀ LÀM CHỨNG
Ngày 30 tháng 4, trước đây thường gọi là ngày ‘giải phóng miền nam’, nhưng hiện nay ta thường nghe những cụm từ khác hơn, chẳng hạn, ‘kết thúc chiến tranh’, ‘thống nhất đất nước’ – vì có một số lý do làm cho cách gọi kia ngày càng bị chất vấn… Hôm nay, các tông đồ bị bắt và tống giam rất kỹ, nhưng được giải phóng một cách ngoạn mục. Tuy nhiên, cả ở đây, hai tiếng ‘giải phóng’ cũng không nói lên được điều cốt yếu trong thực tế…
Bởi các tông đồ được giải phóng khỏi ngục tù không phải để trốn tránh đi đâu đó cho an toàn, mà để vào đền thờ và công khai giảng dạy dân chúng (khỏi phải nói, công khai giảng dạy như thế thì việc bị bắt lại và bị tống giam là điều rất bình thường và hiển nhiên!) Vâng, mục đích của việc thiên thần mở cửa ngục và đưa các tông đồ ra ngoài, đó là để các ông rao giảng! Rao giảng về Chúa Phục sinh là việc vô cùng khẩn thiết. Về sau, thánh Phaolô sẽ tuyên bố phải rao giảng Chúa Giêsu Kitô lúc thuận cũng như lúc nghịch, và “khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”!
Không phải “khốn cho tôi vì tôi bị giam trong ngục tù”, mà “khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô”! Sự giải phóng đích thực chỉ có khi người ta tự do rao giảng/ làm chứng cho Chúa Phục sinh. Không ở trong Chúa, thì dù ở đâu người ta cũng là nô lệ, cũng bị giam giữ cách nào đó, chứ không có tự do thực sự.
Và rao giảng Chúa Giêsu chết và sống lại chính là rao giảng tình yêu thương xót của Thiên Chúa, điều đã được chính Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một”… Thiên Chúa ban Con Một! Chúng ta vừa mới tuyên xưng điều này trong lời loan báo Exsultet Canh thức Phục sinh: “Để cứu đầy tớ, Thiên Chúa đã thí nộp chính Con yêu!”
Chúng ta được cứu, được giải phóng để trở thành tự do, đó là nhờ việc Thiên Chúa ban/ thí nộp Con Một của Ngài. Vì thế, sự tự do của chúng ta là để rao giảng và làm chứng về tình yêu đến mức ‘thí nộp Con Một’ ấy của Thiên Chúa!
Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.
………………………………….
Suy Niệm 2: SINH RA BỞI THẦN KHÍ LÀ SỐNG THẬT
Ghen tức là một cảm xúc mà ai ai cũng có. Khi ghen tức, chúng ta không còn nhìn mọi sự cách sáng suốt, hay nói đúng hơn, chúng ta không còn nhìn mọi sự theo cách nhìn của Chúa. Khi ghen tức ai, chúng ta chỉ tìm mọi cách để “làm hại” người đó. Điều này đã xảy ra cho Chúa Giêsu và trong bài đọc 1 hôm nay chúng ta cũng thấy xảy ra cho các Tông Đồ: “Bấy giờ, vị thượng tế cùng tất cả những người theo ông – tức là phái Xađốc – ra tay hành động. Đầy lòng ghen tức, họ bắt các Tông Đồ, nhốt vào nhà tù công cộng” (Cv 5:17-18). Vì ghen tức mà vị thượng tế và những người theo phái Xađốc bắt nhốt các Tông Đồ vào ngục. Tuy nhiên, kinh nghiệm dạy chúng ta rằng: những người ghen tức là những người nếm mùi cay đắng của sự ghen tức. Thay vì tống người khác vào tù, họ tự tống mình vào tù. Những người ghen tức với người khác là những người không biết chính mình. Họ luôn sống trong lo sợ nên không bao giờ có bình an.
Tuy nhiên, chúng ta thấy ở đây nhà tù mà con người lập ra không thể giam cầm những người làm chứng cho đời sống mới trong Đức Kitô phục sinh. Chính Thiên Chúa sẽ giải thoát các chứng nhân của Ngài khỏi sự cầm tù của những người ghen tức họ.
Trong cuộc đối thoại với Nicôđêmô, Thánh Gioan “chêm vào” trình thuật về việc Chúa Cha sai Chúa Con để đem sự sống cho thế gian. Trong đoạn Tin Mừng này, Thánh Gioan liên kết đề tài đức tin với viễn cảnh phán xét của ngày cánh chung: Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3:18).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan trình bày cho chúng ta lý do tại sao Chúa Cha sai Chúa Giêsu đến trong thế gian; đó là vì yêu: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16).
Những lời trong bài Tin Mừng gợi lên trong chúng ta hai cảm xúc khác nhau: cảm xúc được an ủi và cảm xúc lo sợ. Một mặt, chúng ta cảm thấy được an ủi vì chúng ta được biết rằng: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3:17). Mặt khác, chúng ta cảm thấy lo sợ vì đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa không mạnh mẽ như Ngài mong ước.
Trong ba câu cuối cùng của bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan đưa chúng ta về lại với hình ảnh ánh sáng và bóng tối mà thánh sử đã trình bày trong phần dẫn nhập (x. Ga 1:1-18). Hình ảnh tương phản này được thánh nhân sử dụng để giải thích lý do tại sao nhiều người chống đối và từ chối ơn cứu độ của Thiên Chúa được Chúa Giêsu mang đến vì họ “đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng” (Ga 3:19). Hình ảnh ánh sáng nói đến những người sống theo sự thật, còn hình ảnh bóng tối nói đến những người làm điều ác. Ở đây, chúng ta nhận ra tiêu chuẩn để biết được công việc của mình được thực hiện trong Thiên Chúa hay không, đó là chúng ta sống theo sự thật, sống theo ơn Chúa.
Theo các học giả Kinh Thánh, ba câu cuối của bài Tin Mừng hôm nay được Thánh sử viết lại từ một bản văn có trước đó của người Do Thái. Trong bối cảnh nói về Chúa Thánh Thần hay sinh ra trong Thần Khí, thì sống theo sự thật có nghĩa là sống đời sống công chính. Trong bối cảnh này, người công chính [hay người sinh ra bởi Thần Khí] là người ghét sự dữ, ghét làm điều xấu. Còn những người không sống công chính sẽ bị kết án, “và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa” (Ga 3:19). Chính mình lên án mình vì chúng ta không muốn ra khỏi bóng tối, không muốn ra khỏi lối sống cũ của chúng ta. Thật vậy, theo tâm lý bình thường, chúng ta không muốn thay đổi những gì chúng ta đã quá quen thuộc. Người sống trong bóng tối lâu ngày không thích ra ánh sáng. Nếu họ ra, họ phải từ từ làm quen với ánh sáng; nếu không, ánh sáng có thể làm cho mắt họ bị mù.
Trong hai câu cuối, Thánh Gioan giải thích rõ cho chúng ta: ai là người được sinh ra bởi xác thịt và ai là người được sinh ra bởi Thần Khí. Những người sinh ra bởi xác thịt là những người “làm điều ác,” và họ “ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng,” để “các việc họ làm khỏi bị chê trách” (Ga 3:20). Còn những người sinh ra bởi Thần Khí là những người “sống theo sự thật,” họ đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa” (Ga 3:21).
Lm. Anthony, SDB.
…………………………………
Suy Niệm 3: Tin Chúa sẽ được trường sinh
- Bài Tin Mừng tiếp tục nói về việc sinh lại. Đây là hậu quả của việc chịu hoặc không chịu sinh lại :
– Chịu sinh lại thì được cứu độ; không chịu thì phải hư mất.
– Thực ra, khi cho Con mình xuống thế gian, Thiên Chúa không hề muốn luận phạt thế gian, mà chỉ muốn cứu thế gian.
– Nhưng thế gian cũng phải góp phần của mình : ai tin vào Chúa Con thì được cứu, kẻ không tin thì bị luận phạt.
– Sự luận phạt ấy là do chính những người ấy tự chọn cho mình.
- “Thiên Chúa yêu thương thế gian, đến nỗi đã sai Con Một mình…”
Con người được Thiên Chúa yêu thương. Đây là một chân lý mà không ai chối cãi được. Chân lý gây xúc động sâu xa nhất mà Giáo hội rao giảng là chúng ta đã được Thiên Chúa yêu thương từ trước muôn đời. Kitô giáo được xây dựng trên một niềm xác tín rằng tình yêu Thiên Chúa đã hạ cố đến thế gian đau khổ bệnh tật qua con người Đức Kitô. Đối với mọi tín hữu, đây là lời cốt tủy của Tin Mừng. Không có đoạn văn nào trong Thánh Kinh nói rõ điều này hơn là lời Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô :”Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã sai Con Một Mình, ngõ hầu những ai tin vào Ngài sẽ không phải chết nhưng sẽ được sống đời đời” (Ga 3,15).
Thiên Chúa yêu thương từng người chúng ta cứ như là không còn ai khác để cho Ngài yêu thương. Ngài như người cha luôn mong muốn cùng gia đình đồng hành suốt cuộc đời, và không thể an lòng cho đến khi con cái đi đây đó, ai nấy đều an toàn trở về mái ấm gia đình.
- Ai tin thì sẽ được sống.
Thánh Gioan nói :”Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Ngài, mà được cứu độ, ai tin vào Con của Ngài, thì không bị lên án; những kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3,20). Tin đối với Gioan là nhìn nhận Đức Giêsu là Con và là sứ giả của Chúa Cha, là đến với Đức Giêsu và gặp Ngài, là biết Ngài và cùng với Ngài biết Chúa Cha. Đức tin còn là hồng ân và một sự lôi cuốn của Chúa Cha.
Người tin bước vào một cuộc sống mới. Đó là được thông phần sự sống của Thiên Chúa, là một ân huệ Đấng Messia mang lại. Tin là từ bỏ bóng tối của tội lỗi, của gian tà, của ma quỉ. Phải, chính trong đêm tối của tối tăm mà con người nhận ra tình thương của Thiên Chúa, miễn là đừng khép kín lòng lại :”Sự sáng đã đến trong thế gian, mà người ta đã yêu mến sự tối tăm hơn sự sáng, vì việc làm họ đều xấu xa” (Ga 3,19). Hãy tin vào Đức Giêsu thì sẽ được tha thứ và được hưởng nhờ ơn cứu độ (R Veritas).
- “Ai tin vào Con của Ngài thì không bị xét xử…”
Tình yêu vốn là tiêu chuẩn để con người được xét xử. Trong cuộc thẩm xét chung cuộc, Đức Giêsu chỉ tra vấn con người về một điều duy nhất, đó là nó có sống yêu thương không ? Người Kitô hữu do đó không lo sợ về một cuộc chung thẩm trong ngày sau hết; họ lại càng không phải bận tâm về bức tranh mà trí tưởng tượng con người đã tô vẽ cho ngày ấy, bởi lẽ họ biết rằng sự phán xét diễn ra ngay trong hiện tại qua từng lựa chọn của họ. Mỗi khi họ sống yêu thương thì lương tâm sẽ không luận phạt họ, trái lại, khi họ để thù hận xâm chiếm tâm hồn và thúc đẩy họ khước từ tình yêu, thì đó là lúc họ bị xét xử. Thật thế tâm hồn họ sẽ không có bình an, nếu họ không sống yêu thương.
- Tình yêu của Thiên Chúa, là tình yêu cho đi, cho đi chính con Một, cho đi tất cả để cho nhân loại có được sự sống. Tình yêu này mời gọi chúng ta là những người con biết cho đi làm quà tặng cho nhau, vì đó là tình yêu dâng hiến mà Chúa Cha muốn chúng ta – người con thực thi như Đức Giêsu hiến thân vì mạng sống vì người mình yêu.
- Truyện : Tượng Thánh giá ban phép lành.
Tại một nhà thờ bên Tây Ban Nha có một tượng Thánh giá rất đặc biệt : Chúa Giêsu chịu đóng đinh có một tay trái và hai chân, tay phải rời khỏi lỗ đinh và đưa ra phía trước trong tư thế đang ban phép lành.
Chuyện kể rằng : một lần, tại nhà thờ này có một tội nhân đến xưng tội. Đối với một tội nhân có quá nhiều tội nặng như anh, vị Linh mục rất nghiêm khắc và ngăm đe nhiều điều. Nhưng chứng nào vẫn tật đó, ra khỏi tòa giải tội ít lâu, hối nhân lại tiếp tục sa ngã. Rất nhiều lần như thế. Cuối cùng, vị linh mục đành răn đe :”Tôi không muốn anh vấp lại những tội như thế nữa. Đây là lần cuối cùng tôi tha tội cho anh”. Hối nhân ra khỏi tòa giải tội mà lòng trĩu nặng đau khổ.
Được vài tháng sau, anh ta lại đến xưng tội, và xưng cũng cùng những tội nặng y như những lần trước. Vị Linh mục dứt khoát :”Anh đừng có đùa với Chúa. Tôi không tha”. Thật lạ lùng. Ngay lập tức, vị Linh mục cùng hối nhân đều nghe có tiếng thì thầm phía bên trên. Từ cây Thánh giá, bàn tay phải của Đức Giêsu được rút ra khỏi lỗ đinh và ban phép lành cho hối nhân. Vị Linh mục nghe được tiếng thì thầm ấy với chính mình :”Ta là người đổ máu ra cho người này chứ không phải con”.
Kể từ đó, bàn tay phải của Đức Giêsu không gắn vào Thánh giá nữa, nhưng vẫn giữ tư thế đang ban phép lành, như không ngừng mời gọi :”Hãy trở về với Ta, các ngươi sẽ được tha thứ”.Lm. Giuse Đinh Lập Liễm GP. Đà Lạt