spot_img
Thêm
    Trang chủCầu Nguyện & Suy NiệmLời Chúa Hàng NgàyThứ Ba tuần 2 Phục Sinh. Th. Catarina Siêna

    Thứ Ba tuần 2 Phục Sinh. Th. Catarina Siêna

    BÀI ÐỌC I: Cv 4, 32-37

    Bấy giờ tất cả đoàn tín hữu đông đảo đều đồng tâm nhất trí. Chẳng ai kể của gì mình có là của riêng, song để mọi sự làm của chung. Các tông đồ dùng quyền năng cao cả mà làm chứng việc Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta sống lại. Hết thảy đều được mến chuộng. Vì thế, trong các tín hữu, không có ai phải túng thiếu. Vì những người có ruộng nương nhà cửa đều bán đi và bán được bao nhiêu tiền thì đem đặt dưới chân các tông đồ. Và người ta phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu của họ. Ông Giuse, người mà các tông đồ đặt tên là Barnabê (nghĩa là con sự an ủi), một thầy tư tế, quê ở Cyprô, có một thửa ruộng, ông bán đi và đem tiền đặt dưới chân các tông đồ.

    PHÚC ÂM: Ga 3, 7-15

    Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Thật, Tôi bảo cho ông biết: Ông đừng ngạc nhiên vì nghe Tôi nói rằng: Các ngươi phải tái sinh bởi trời. Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng chẳng biết gió từ đâu đến và đi đâu: mọi kẻ sinh bởi Thần Linh cũng vậy”. Nicôđêmô hỏi lại rằng: “Việc ấy xảy ra thế nào được?” Chúa Giêsu đáp: “Ông là bậc thầy trong dân Israel mà ông không biết điều ấy sao? Thật, tôi bảo thật cho ông biết: Ðiều chúng tôi biết thì chúng tôi nói; điều chúng tôi thấy thì chúng tôi minh chứng. Nhưng các ông lại không nhận lời chứng của chúng tôi. Nếu khi Tôi nói về những sự dưới đất mà các ông không tin, khi Tôi nói những sự trên trời, các ông tin thế nào được? Không ai lên trời được, ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời. Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời”.

    Suy Niệm 1: ĐÓN LUỒNG GIÓ TỰ DO, SIÊU THOÁT CỦA CHÚA THÁNH THẦN

    “Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng chẳng biết gió từ đâu đến và đi đâu: mọi kẻ sinh bởi Thần Linh cũng vậy”. Chúa Giêsu đang nói về sự tự do của Thánh Thần qua hình tượng ‘gió’. Và những ai được sinh lại bởi Thánh Thần cũng kinh nghiệm sự tự do như vậy.

    “Việc ấy xảy ra thế nào được?” – Nicôđêmô hỏi. Và Chúa Giêsu dẫn ông vào tiếp cận chính mầu nhiệm Thập giá và Phục sinh của Người: “Không ai lên trời được, ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời. Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời”. Một lần nữa, Chúa Giêsu xác nhận ơn ban Thánh Thần là kết quả mầu nhiệm Vượt Qua của chính Người.

    Ơn ban Thánh Thần ấy đem lại sự tự do đầy ấn tượng cho các tín hữu đầu tiên. Họ siêu thoát trên mọi của cải, tiền bạc. Họ để mọi sự làm của chung, nên không ai phải túng thiếu… Đây là nguyên tắc nền tảng của Kitô giáo trong việc thiết lập tương quan với của cải. Mọi quyền tư hữu đều nhận ý nghĩa cuối cùng của chúng nơi định hướng phục vụ cho thiện ích chung. Nói cho cùng, không ai là chủ nhân của bất cứ gì ‘thuộc về’ mình. Chúng ta chỉ là những người quản lý mà thôi – và ta phải sử dụng mọi sự theo ý vị Chủ nhân đích thực là Thiên Chúa.

    Cần nhắc lại: phải có sự tự do của ngọn gió Thánh Thần thì mới có thể siêu thoát như thế. Cộng đoàn tín hữu sơ khai là một cộng đoàn sống sự tự do này. Còn chúng ta ngày nay, trong thế giới và cả trong Giáo hội, đang thiếu sự tự do này cách trầm trọng – mà hậu quả là rất nhiều người túng thiếu trong khi những kẻ khác thừa mứa. Đức Phanxicô vạch rõ rằng người ta thích chiến tranh, chạy đua trang bị vũ khí, và thích sống trong sợ hãi… hơn là sống trong tự do, tin tưởng và hy vọng. Ngừng chế tạo vũ khí trong một năm, cả thế giới sẽ không còn nạn đói; chỉ một ngày cắt chi tiêu quân sự, sẽ cứu đói được 34 triệu người! Thế nhưng, thế giới này muốn hành động cách điên khùng hơn là hành động cách tỉnh táo, có lý có tình…

    Xin ngọn gió Thánh Thần cuốn phăng bản năng chết, bản năng nô lệ và sợ hãi khỏi tâm trí chúng ta, nhất là những người có vai trò quyết định trên số phận những kẻ khác, để thay vào lòng chúng ta bằng đầy ắp sự tự do siêu thoát của chính Thánh Thần!

    Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.

    ………………………………

    Suy Niệm 2: TRONG CHÚA GIÊSU, CHÚNG TA CẢM NẾM ĐƯỢC THIÊN ĐÀNG

    Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta về kiểu mẫu của một cộng đoàn [gia đình hay giáo xứ] lý tưởng và tuyệt hảo. Chúng ta có thể nói rằng, đây là hình ảnh của thiên đàng nơi chỉ có tình yêu ngự trị. Đâu là chìa khoá làm cho cộng đoàn hay gia đình hạnh phúc? Chúng ta tìm thấy những yếu tố cần thiết sau đây:

    Thứ nhất, hiệp nhất giữa những khác biệt: “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung” (Cv 4:32). Bài đọc 1 cho chúng ta thấy rõ, các tín hữu thời đó rất đông, nhưng họ chỉ có một lòng một ý. Điều này xảy ra vì không ai nghĩ cho riêng mình mà chỉ nghĩ cho người khác; đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân. Khi mọi người sống chung với nhau chỉ có một mục đích để vươn tới, thì sẽ có hiệp nhất. Nhưng điều này không dễ dàng cho chúng ta ngày hôm nay khi chủ nghĩa cá nhân đang chiếm ưu thế và có ảnh hưởng lớn trên lối sống và việc làm của chúng ta. Chúng ta nghĩ về lợi ích của mình nhiều hơn là lợi ích chung. Vì vậy, chúng ta nhìn sự khác biệt của người khác như những “mối đe doạ” cho lợi ích cá nhân hơn là những điều để bổ sung cho những khuyết điểm của chúng ta. Để sống hạnh phúc, hãy biết đón nhận sự khác biệt của người khác như những món quà của Thiên Chúa để bổ sung cho những khiếm khuyết của chúng ta và đồng thời nghĩ về hạnh phúc của người khác hơn là của chính mình.

    Thứ hai, làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần: “Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng” (Cv 4:33). Chúa Thánh Thần là Đấng mang lại sự canh tân của vạn vật, mang lại sức sống mới. Yếu tố thứ hai liên quan đến việc để cho Chúa Thánh Thần uốn nắn chúng ta mỗi ngày để làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh qua đời sống mới của chúng ta, đó là một đời sống chết đi cho tội lỗi để sống lại trong một đời sống yêu thương và tha thứ trong Đức Kitô.

    Thứ ba, sống đời sống chia sẻ: “Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu” (Cv 4:34-35). Một trong những điều làm cho đời sống chung hạnh phúc là khả năng trao ban và chia sẻ. Khi một người để cho anh chị em của mình túng thiếu trong khi mình sung túc giàu sang, chắc chắn con tim của người đó không có chút tình thương nào. Chỉ những người sống đời yêu thương mới có khả năng trao ban cho những người khác những gì mình có và mình là. Như vậy, khả năng trao ban [những gì mình có và những gì mình là chứ không phải những gì dư thừa] là thước đo tình yêu của một người dành cho anh chị em của mình. Tình yêu làm cho “người yêu” trao ban mọi sự cho “người được yêu.” Đây chính là tình yêu của Thiên Chúa mà chúng ta được mời gọi bắt chước mỗi ngày. Đừng để anh chị em của chúng ta thiếu thốn khi chúng ta no đủ.

    Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Nicôđêmô về việc “sinh ra bởi Thần Khí.” Như chúng ta biết, Nicôđêmô đã không hiểu điều Chúa Giêsu nói vì ông hiểu theo nghĩa của văn tự, còn Chúa Giêsu nói theo nghĩa hình tượng. Trung tâm của Bài Tin Mừng hôm nay là việc Chúa Giêsu giải thích cho Nicôđêmô về ý nghĩa của việc sinh ra bởi Thần Khí. Thật vậy, Thánh Gioan nêu lên cho chúng ta hình ảnh của những người sinh ra bởi Thần Khí họ sẽ giống như gió: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy” (Ga 3:8). Điều này không có nghĩa là họ thay đổi hướng đi như gió, nhưng có ý nói là những người sinh ra bởi Thần Khí sẽ được “tự do khỏi tội lỗi và tự do cho Thiên Chúa.” Nói cách khác, những người được sinh ra bởi Thần Khí là những người diễn tả tình yêu Thiên Chúa cách trung thực mà không để cho cái bóng của mình che khuất tình yêu đó.

    Khi thấy Nicôđêmô không hiểu điều Ngài nói, Chúa Giêsu liền giải thích cho ông. Nhưng lời giải thích của Ngài đã đưa Nicôđêmô và chúng ta sang một đề tài khác, đó là đề tài làm chứng trong tương quan với Chúa Thành Thần. Chúng ta có thể nhận ra ba phần trong lời giải thích của Chúa Giêsu: phần 1 (Ga 3:11) nói về nền tảng của lời chứng và sự không đón nhận của Nicôđêmô và các lãnh đạo người Do Thái: “Thật, tôi bảo thật ông: chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy, nhưng các ông không nhận lời chứng của chúng tôi”; phần 2 (Ga 3:12-13) trình bày Chúa Giêsu là suối nguồn duy nhất để biết về Nước Trời: “Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được? Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống”; phần 3 (Ga 14-15) ám chỉ việc sinh ra bởi Thần Khí chỉ được mạc khải khi Ngài được giương cao trên thập giá: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.”

    Trong ba phần từ lời giải thích của Chúa Giêsu, điều đáng để chúng ta suy gẫm đó là lời khẳng định của Ngài: rằng chỉ nơi Ngài chúng ta mới tìm được những “kiến thức cần thiết về Thiên Đàng.” Ai trong chúng ta cũng muốn lên Thiên Đàng và chúng ta loay hoay tìm đủ mọi cách để đạt đến điều đó. Nhưng nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta lại đi tìm không đúng chỗ. Chúng ta đi tìm trong sách vở để có được những tư tưởng vĩ đại về Thiên Đàng. Nhưng rồi khi trở về với thực tế của cuộc sống, thay vì sống với nhau và làm chứng cho nhau về Thiên Đàng qua đời sống yêu thương và tha thứ, chúng ta làm tổn thương nhau qua những lời ăn tiếng nói và cử chỉ không phải “của Thiên Đàng,” không phải của những người sinh ra bởi Thần Khí, mà là của những người sinh ra bởi thân xác. Để biết được Thiên Đàng là gì, hãy đến với Chúa Giêsu. Những ai có Chúa Giêsu trong đời sẽ cảm nếm được Thiên Đàng là gì và có khả năng biến nơi mình sống trở nên Thiên Đàng cho người khác nếm cảm. Một gia đình hay một cộng đoàn tu trì chỉ trở nên Thiên Đàng khi mỗi thành viên có Chúa trong con tim, và khi có Chúa Giêsu là vị trí trung tâm trong chính gia đình hay cộng đoàn của mình.

    Lm. Anthony, SDB.

    …………………………………

    Suy Niệm 3: Tiếp tục nói về việc tái sinh

    1. Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục kể lại cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa Đức Giêsu và ông Nicôđêmô. Ông đã để ý nghe Chúa giảng và được thấy phép lạ Chúa làm, ông bắt đầu tin Chúa, ông có nhiều thắc mắc, và hôm nay ông tới gặp Chúa để xin Chúa giải đáp. Chúa cho ông biết : muốn được tái sinh để được vào Nước Trời thì :
      – Phải nhờ tác động của Thánh Linh : “Gió muốn thổi đâu thì thổi… mọi kẻ sinh bởi Thánh Linh cũng vậy”.
      – Nhờ tin vào Đức Giêsu : “Không ai lên trời được ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con  Người vốn ở trên trời”. 
    1. Đức Giêsu cho ông biết : “Nếu ông muốn vào Nước Trời, ông phải tái sinh, phải sinh lại trong nước và Thánh Thần”. Dĩ nhiên Chúa không bảo ông phải chui vào lòng mẹ mà sinh ra lần nữa, Chúa có ý bảo ông phải lãnh nhận phép Rửa tội. Phép rửa tội là bí tích tái sinh làm cho chúng ta được trở thành con Thiên Chúa, tức là qua dòng nước đổ trên đầu, đó là dấu hiệu của Chúa Thánh Thần hoạt động bên trong. Nói rõ hơn, nhờ bí tích rửa tội, Chúa Thánh Thần đến với linh hồn chúng ta, Ngài cải hóa và đổi mới con người chúng ta.
    1. Theo Tin Mừng của thánh Gioan, chúng ta có thể cắt nghĩa chữ “tái sinh” như sau : Tái sinh có nghĩa là người gia nhập Giáo hội Chúa qua bí tích rửa tội mà vẫn giữ nguyên bản ngã của mình. Bản chất con người đó không hề bị tiêu tan nhưng được chữa lành và bồi bổ trong ân lộc của Ba Ngôi Thiên Chúa, và cuối đời họ được sống viên mãn với chính Thiên Chúa Ba Ngôi.
      Cho nên chữ tái sinh “bởi trên cao”có nghĩa là sinh lại bởi Thiên Chúa, trở nên con cái Thiên Chúa, chấp nhận nguyên tắc sống siêu nhiên, một bản tính mới như nâng hẳn chúng ta lên, vượt khỏi điều kiện tầm thường nhân loại : Từ thân phận tội lỗi đáng trầm luân mà được nâng lên làm con Thiên Chúa cùng được thừa hưởng gia nghiệp Nước Trời.
    1. Được sống muôn đời, đó là điều quan trọng nhất, đó là mục tiêu cuối cùng của con người, đó là một hồng ân cần được con người khiêm tốn đón nhận, chứ không phải là đối tượng để hiểu biết suông mà thôi. Trong cuộc đối thoại, chúng ta thấy Đức Giêsu không những mời gọi ông Nicôđêmô nâng tâm hồn mình lên, hãy để cho Thánh Thần thanh tẩy để có thể nhìn thấy và bước vào trong Nước Thiên Chúa.
      Hơn nữa, cũng trong cuộc đối thoại này, chúng ta có thể ghi nhận một mạc khải quan trọng khác nữa, đó là Chúa Thánh Thần chỉ được ban xuống cho con người nhờ qua và sau cuộc vượt qua của Đức Giêsu, qua và sau cái chết, sự Phục Sinh của Chúa.  Cùng với ông Nicôđêmô, chúng ta hãy đến với Đức Giêsu để cho Ngài dạy chúng ta biết về Thiên Chúa Cha và đồng thời sẵn sàng lãnh nhận Chúa Thánh Thần.
    1. “Như ông Maisen đã giương cao con rắn trong sa mạc…”
      Để tin nhận Đức Giêsu, con người không chỉ phải  thấy những việc làm cả thể của Ngài, mà còn phải nhìn Ngài trên Thập giá nữa. Đây là cái nhìn mà Đức Giêsu ám chỉ đền khi nhắc lại sự kiện Maisen treo một con rắn đồng trong sa mạc, để những ai bị rắn cắn nhìn lên sẽ được chữa lành.  Với hình ảnh con rắn đồng chịu treo lên cao để được nhìn ngắm, Đức Giêsu ám chỉ đến cái chết của Ngài trên Thập giá.  Như vậy, biết Ngài và tin nhận Ngài là có thể nhận ra vinh quang của Ngài khi Ngài bị treo trên Thập giá, đó là chân dung đích thực của Ngài mà con người cần phải nhận ra và chiêm ngắm (Mỗi ngày một tin vui).
    1. Tái sinh chẳng khác gì một qui luật đòi buộc con người phải thoát ra khỏi con người cũ của mình. Không chịu thoát ra, nghĩa là không đi vào con đường tự hủy thì không thể có việc tái sinh. Hay nói khác đi, tái sinh là cởi bỏ con người cũ, là trở thành như trẻ thơ, là hoàn toàn chấp nhận lệ thuộc vào Thiên Chúa, là khước từ tự cứu lấy mình bằng những cố gắng, những lý lẽ và phương tiện riêng của mình.
    1. Truyện : Câu chuyện hai hạt giống.
      Có hai hạt giống nằm cạnh nhau trong một mảnh đất mầu mỡ. Hạt giống thứ nhất tâm sự :”Tôi muốn lớn lên, tôi muốn cho rễ của tôi bén sâu dưới lòng đất và cho mầm sống của tôi vượt qua cái lớp vỏ cứng cỏi của mặt đất… Tôi muốn phô trương những cái nụ của tôi như những biểu ngữ báo hiệu mùa xuân đang tới. Tôi muốn đón nhận sự ấm áp của mặt trời trên tôi và hứng lấy những lời chúc lành của những giọt sương mai trên những cành hoa của tôi”.
      Thế là hạt giống đó bắt đầu triển nở.
      Hạt giống thứ hai nói :”Tôi rất lo sợ, nếu rễ của tôi đâm sâu, tôi không biết sẽ phải gặp những điều gì dưới lòng đất tối tăm kia. Nếu cố gắng trồi lên mặt đất cứng cỏi kia, sợ rằng mầm non của tôi sẽ bị gẫy dập… Nếu nụ của tôi nở, có thể ốc sên sẽ đến ăn, và nếu tôi nở hoa, có thể sẽ bị  bàn tay của một em bé tinh nghịch nhổ lên khỏi mặt đất. Thôi, tốt hơn hết là tôi chờ cho đến khi  nào thật an toàn, tôi mới bắt đầu triển nở”.
      Và hạt giống đó tiếp tục chờ.
      Một chú gà mái đang vô tử bới đất tìm mồi, thấy hạt giống ở gần đấy, nó liền mổ ăn một các ngon lành và thế là hết đời một hạt giống nhát đảm.
      David L. Weatherford đã nói một câu hay :”Khi đối mặt với một thử thách nào đó, hãy tim cách vượt qua nó chứ đừng tìm lối thoát”.  Vì người nào càng trốn tránh thử thách, thì chính thử thách lớn nhất của con người là sự nhát đảm sẽ đè bẹp họ.

      Lm. Giuse Đinh Lập Liễm Gp.  Đà Lạt

                                                                                                   

     

               

    BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

    VIDEO CLIPS

    THÔNG TIN ƠN GỌI

    Chúng tôi luôn hân hoan kính mời các bạn trẻ từ khắp nơi trên đất Việt đến chia sẻ đặc sủng của Hội Dòng chúng tôi. Tuy nhiên, vì đặc điểm của ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, chúng tôi xin được đề ra một vài tiêu chuẩn để các bạn tiện tham khảo:

    • Các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, thuộc gia đình đạo đức, được các Cha xứ giới thiệu hoặc công nhận.
    • Ứng Sinh phải qua buổi sơ tuyển về Giáo Lý và văn hoá.

    Địa chỉ liên lạc về ơn gọi:

    • Nhà Mẹ: 115 Lê Lợi - Lộc Thanh - TP. Bào Lộc - Lâm Đồng.
    • ĐT: 0263 3864730
    • Email: menthanhgiadalatvn@gmail.com