BÀI ĐỌC I: Cv 4, 23-31
Trong những ngày ấy, sau khi được phóng thích, Phêrô và Gioan trở về cùng các anh em, và thuật lại cho họ nghe tất cả những điều mà các thượng tế và kỳ lão đã nói. Vừa nghe thuật lại, họ đồng thanh cất tiếng nguyện cùng Thiên Chúa rằng: “Lạy Chúa, Chúa là Đấng tạo thành trời đất, biển cả và mọi vật trong đó. Nhờ Thánh Thần, Chúa đã dùng miệng tổ phụ chúng con là Đavít tôi tớ Chúa mà phán: “Tại sao chư dân chấn động, và các nước lại mưu đồ chuyện luống công? Các vua thiên hạ đều nổi dậy, các thủ lãnh toa rập với nhau chống lại Chúa và Đấng Kitô của Người”. Vì quả thật, tại thành Giêrusalem này, Hêrôđê và Phongxiô Philatô đã liên kết với các dân ngoại và dân Israel, mà chống lại tôi tớ thánh của Chúa là Đức Giêsu, Đấng Chúa đã xức dầu, để thực hiện những điều mà quyền năng và ý định Chúa đã dự liệu từ trước. Và lạy Chúa, giờ đây, hãy xem họ đang đe doạ, và xin ban cho các tôi tớ Chúa được đầy lòng tin tưởng rao giảng lời Chúa, cùng xin Chúa giơ tay chữa lành các bệnh nhân, làm những dấu lạ, và những việc phi thường nhân danh Thánh Tử của Chúa là Đức Giêsu”. Khi họ cầu nguyện xong, thì nơi họ đang tập họp liền chuyển động, mọi người được tràn đầy Thánh Thần và tin tưởng rao giảng lời Thiên Chúa.
PHÚC ÂM: Ga 3, 1-8
Khi ấy, trong nhóm biệt phái, có người tên là Nicôđêmô, một đầu mục của người Do-thái. Ông đến thăm Chúa Giêsu ban đêm và thưa rằng: “Lạy Thầy, chúng tôi nhận biết Thầy là một vị tôn sư Thiên Chúa uỷ phái đến. Vì không ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người đó”. Chúa Giêsu đáp: “Thật, Tôi bảo thật cho ông biết, nếu không tái sinh bởi trời, thì chẳng ai được thấy Nước Chúa”. Nicôđêmô thưa Chúa rằng: “Một người đã già, làm sao có thể tái sinh? Không lẽ người ấy lại vào lòng mẹ mà sinh ra lần nữa sao?” Chúa Giêsu đáp: “Thật, Tôi bảo thật cho ông biết, nếu không tái sinh bởi nước và Thánh Thần, thì không ai được vào nước Thiên Chúa. Sự gì sinh bởi huyết nhục, thì là huyết nhục; và sự gì sinh bởi Thần Linh, thì là thần linh. Ông đừng ngạc nhiên vì nghe Tôi nói rằng: Các ngươi phải tái sinh bởi trời. Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng chẳng biết gió từ đâu đến và đi đâu: mọi kẻ sinh bởi Thần Linh cũng vậy”.
Suy Niệm 1: THÁNH THẦN: QUÀ TẶNG CỦA CHÚA PHỤC SINH!
Trò chuyện riêng với Nicôđêmô, Chúa Giêsu nói về sự tái sinh cần thiết của mọi người. Nicôđêmô không hiểu, vì cứ nghĩ làm sao chui vào lòng mẹ để được sinh lại. Chúa Giêsu giải thích rằng Người đang nói đến sự tái sinh bởi Thánh Thần. Đây là con người hoàn toàn mới trong tinh thần, trong tâm trí, và do đó lối sống cũng hoàn toàn mới – dù phương diện thể lý không thay đổi. “Sự gì sinh bởi huyết nhục, thì là huyết nhục; và sự gì sinh bởi Thần Linh, thì là thần linh. Ông đừng ngạc nhiên vì nghe Tôi nói rằng: Các ngươi phải tái sinh bởi trời”.
Sự tái sinh bởi Thánh Thần ấy chỉ trở thành có thể xuyên qua cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Ta hiểu tại sao Chúa Phục sinh hiện ra thường ban Thánh Thần, và biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trong lễ Ngũ Tuần chính là vụ mùa thu gặt được từ mầu nhiệm Chúa Kitô! Thánh Thần được ban cho Giáo hội để đồng hành và hướng dẫn Giáo hội trên thế giới này.
Thánh Thần vô hình, nhưng rất thực, hoạt động trong Giáo hội suốt hai mươi thế kỷ qua, và vẫn được kinh nghiệm cách sống động không kém chi thuở ban đầu. Trình thuật sách Công vụ Tông đồ hôm nay ghi nhận rằng “khi các Tông đồ cầu nguyện xong, thì nơi họ đang tập họp liền chuyển động, mọi người được tràn đầy Thánh Thần và tin tưởng rao giảng lời Thiên Chúa”.
Cầu nguyện là nối kết với Thánh Thần, là kinh nghiệm sự biến đổi bên trong, là được khai trí đối với sự thật, là thức tỉnh… Tất cả những điều này đều thuộc về sự tái sinh mà Chúa Giêsu nói đến. Mừng Chúa Phục sinh, chúng ta tha thiết xin ơn Thánh Thần xuống trên mình, đặc biệt xin cho Thánh Thần được đổ tràn trên các đấng bậc trực tiếp liên hệ đến cuộc bầu chọn vị tân giáo hoàng – để Giáo hội lại được Chúa ban cho một vị mục tử tốt lành, thánh thiện và khôn ngoan như lòng Chúa mong ước!
Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.
………………………………
Suy Niệm 2: HÀNH TRÌNH TỪ KHÔNG TIN ĐẾN TIN
Con người ngày hôm nay thường tìm niềm vui và trú ẩn trong những căn biệt thự đắt tiền hoặc trong những khu chung cư nổi tiếng. Chẳng mấy ai muốn ở trong những ngôi nhà không mấy đầy đủ tiện nghi. Khi mua nhà, ai cũng để ý đến những tiêu chuẩn: gần chợ, gần trường, gần chỗ làm việc. Không ai nghĩ đến tiêu chuẩn đầu tiên là gần nhà thờ. Lời Thánh Vịnh Đáp Ca hôm nay nhắc nhở chúng ta về một nơi mà sẽ làm chúng ta được hạnh phúc, đó là “hạnh phúc thay những ai ẩn náu bên Ngài [Thiên Chúa]” (Tv 2:12d). Liệu điều này có đúng với chúng ta không?
Bắt đầu từ tuần này, chúng ta sẽ nghe các bài đọc Lời Chúa để chuẩn bị đón mừng đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta tìm thấy “lời kinh chung” đầu tiên của các Tông Đồ. Trong lời kinh này, chúng ta có thể nhận ra những yếu tố sau: (1) tôn vinh Thiên Chúa bằng cách nhớ lại những công trình kỳ diệu Ngài đã làm (Cv 4: 24-26); (2) trình bày tình trạng đang xảy ra (Cv 4:27-28); (3) xin Chúa ra tay trợ giúp (Cv 4:29-30). Đây là mẫu cầu nguyện tuyệt hảo nhất mà chúng ta có thể sử dụng trong ngày sống. Khi đến với Chúa, thái độ đầu tiên cần phải có đó là tôn vinh và khẳng định lại Thiên Chúa là ai đối với mình, đồng thời nhớ lại những kỳ công Ngài thực hiện trên cuộc đời chúng ta. Bước này giúp chúng ta vững niềm tin vào Thiên Chúa vì chúng ta nhận ra Ngài là Chúa và Ngài đã thực hiện những kỳ công trong quá khứ thì Ngài cũng sẽ giúp chúng ta trong những cơn khốn cùng của hiện tại và tương lai vì Ngài là Thiên Chúa trung thành với lời hứa. Hai yếu tố kế tiếp của lời kinh giúp chúng ta sống “chân thành” hơn trong kinh nguyện của chúng ta. Nói cách cụ thể, khi cầu nguyện chúng ta cần nói cho Chúa nghe những gì đang xảy ra “cho chúng ta” [cho gia đình, cộng đoàn, giáo xứ, Giáo Hội hay xã hội]. Cầu nguyện là một cuộc đối thoại giữa “hai người yêu nhau.” Vì vậy, họ trải lòng cho nhau, không dấu điều gì để cảm thông và trợ giúp nhau bước trên con đường yêu thương. Chúng ta cũng cần có thái độ này khi chúng ta đến với Chúa. Hãy trải lòng ra với Chúa và Ngài sẽ trợ giúp chúng ta. Đừng đến với Ngài với thái độ và tâm hồn giả tạo!
Trong bài đọc 1, Chúa Thánh Thần được trình bày như là Đấng dùng miệng tổ phụ Đavít để tuyên sấm (x. Cv 4:25) và làm cho các Tông Đồ mạnh dạn nói Lời Thiên Chúa. Điều này được Giáo Hội tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần … Người đã dùng miệng các tiên tri mà phán dạy.” Không những phán dạy qua các tiên tri, Chúa Thánh Thần còn ban cho họ sự can đảm để làm chứng cho Lời Thiên Chúa mà họ rao truyền, dù phải trả giá thật đắt là bị chống đối và giết chết. Điều này nhắc nhở cho chúng ta về vai trò của Chúa Thánh Thần trong ngày sống của mình. Nhiều khi chúng ta vẫn chưa dùng miệng lưỡi của mình để “mạnh dạn nói lời Thiên Chúa.” Ngược lại, chúng ta dùng miệng lưỡi của mình để mạnh dạn nói những lời không chân thật và làm tổn thương người khác. Hãy xin Chúa Thánh Thần “linh hứng” chúng ta mỗi khi chúng ta nói, để lời nói của chúng ta không gì khác hơn là Lời Thiên Chúa, lời mang lại niềm vui và an ủi cho anh chị em của chúng ta.
Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta về cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô, “một thủ lãnh của người Do Thái” (Ga 3:1). Chi tiết này cho chúng ta thấy ông ta là một trong những thành viên của Thượng Hội Đồng (x. Ga 7:50-51). Thêm một chi tiết nữa về ông Nicôđêmô, đó là “ông đến gặp Đức Giêsu ban đêm” (Ga 3:2). Hình ảnh này hoàn toàn trái ngược với hình ảnh của người phụ nữ Samiaria mà Thánh Gioan trình bày trong chương 4: Ông là người Do Thái, bà là “dân ngoại”; ông là người học thức, bà là người không học thức; ông là thủ lãnh, bà là thường dân; ông là người được xem là đạo đức, còn bà được xem là có đời sống “vô luân”; nhưng ông đến gặp Chúa Giêsu ban đêm, còn bà đến gặp Ngài giữa thanh thiên bạch nhật. Những chi tiết này nói cho chúng ta một điều, đó là ai trong chúng ta cũng cần đến Chúa, bất kể người giàu hay nghèo, có học thức hay không học thức, nam hay nữ, già hay trẻ, khoẻ mạnh hay đau yếu; tất cả đều cần đến Chúa để có một cuộc sống tràn đầy niềm vui. Chúng ta cũng có thể đến với Chúa bất kỳ lúc nào, ngày hay đêm, vui hay buồn. Ngài luôn ở đó đón tiếp và trò chuyện với chúng ta. Liệu chúng ta có đến với Ngài không hay chúng ta để Ngài trông chờ chúng ta? Để hiểu hơn cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Nicôđêmô, chúng ta viết lại theo một kịch bản như sau:
Nicôđêmô: “Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy” (c. 2).
Chúa Giêsu: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên” (c. 3).
Nicôđêmô: “Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao?” (c. 4).
Chúa Giêsu: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí. Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy” (c. 5-8).
Trong cuộc đối thoại này, chúng ta nhận ra những yếu tố chi phối toàn bộ sứ vụ rao giảng của Chúa Giêsu như sau: (1) khẳng định Chúa Giêsu là ai [tôn sư được Thiên Chúa sai đến]; (2) xét đoán của những người chống đối [thái độ tra vấn của Nicôđêmô – thành viên của nhóm tư tế và các người Pharisêu]; (3) điều kiện để được cứu độ được công bố theo mệnh lệnh tích cực [điều phải làm]; (4) điều kiện để được cứu độ được công bố theo mệnh lệnh tiêu cực [không được]; (5) điểm quy chiếu của kinh nghiệm được cứu độ trong tương lai [Nước Thiên Chúa – sinh ra bởi Thần Khí]. Chúng ta rút ra được điều gì qua những điều này? Nói theo cách tổng hợp, những điểm trên đây nói với chúng ta những điều sau đây: hành trình đi từ “không tin” đến “tin” [đặc trưng trong Tin Mừng Thánh Gioan] là hành trình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Chúa Giêsu là ai đối với tôi? Hành trình này đòi buộc nơi chúng ta những điều cần làm và những điều cần tránh. Chúng ta đi hành trình này vì chúng ta muốn có được một tương lai chan chứa niềm vui và hạnh phúc, đó là “thấy được Nước Thiên Chúa.”
Điểm thứ hai chúng ta có thể rút ra từ cuộc đối thoại để suy gẫm là việc hiểu lầm của Nicôđêmô. Ông hiểu điều Chúa Giêsu nói, “sinh ra một lần nữa bởi ơn trên,” theo nghĩa của ngôn từ, theo nghĩa mà ông đã quen thuộc, “trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra.” Qua điều này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải đi ra khỏi lối suy nghĩ quen thuộc của chúng ta nếu chúng ta muốn hiểu được điều Ngài muốn nói với chúng ta. Cám dỗ lớn nhất cho chúng ta, những con người của thời đại hiện sinh, là chúng ta khó nắm bắt được ý nghĩa đằng sau của một sự kiện hay câu nói. Chúng ta thường để cho mình bị “cầm tù” bởi những gì mình nghe và thấy mà không đọc ra được bài học từ điều chúng ta nghe và thấy. Điều này làm cuộc sống của chúng ta trở nên nặng nề và khó chịu khi chúng ta nghe hoặc thấy những điều chúng ta không thích, những điều khác với những gì chúng ta đã quá quen thuộc. Nếu muốn biết và hiểu được ý Chúa, hãy đi ra khỏi lối suy nghĩ, lối hành động quen thuộc của mình!
Điểm thứ ba và cũng là điểm cuối cùng của cuộc đối thoại mà chúng ta có thể suy gẫm là việc Chúa Giêsu nói đến hai loại sinh ra: sinh ra bởi xác thịt và sinh ra bởi Thần Khí. Những người được sinh ra bởi xác thịt là những người sống theo bản năng tự nhiên của “mắt đền mắt răng đền răng.” Còn những người sinh ra bởi Thần Khí là những người “nghe lời Chúa và đem ra thực hành.” Họ là những người tha thứ “bảy mươi lần bảy,” yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những người làm họ tổn thương,” “không nghĩ xấu và nói xấu anh chị em mình,” “luôn tìm cơ hội để làm tốt cho anh chị em mình,” “luôn sống trong niềm vui có Chúa.” Trong hai loại này, chúng ta đang thuộc loại nào? Nếu thành thật với chính mình, chúng ta có một ít cái này và một ít cái kia. Hãy cố gắng từ hôm nay để mỗi ngày sống lối sống sinh ra bởi Thần Khí “nhiều hơn” trong từng lời nói và hành động của chúng ta.
Lm. Anthony, SDB.
…………………………
Suy Niệm 3: Ông Niccôđêmô gặp Đức Giêsu
- Trong những người tin Đức Giêsu, một thành viên của Hội đồng cộng tọa, thuộc nhóm biệt phái, khâm phục trước những lời giáo huấn của Chúa. Nhưng vì e ngại, không dám tỏ lòng tin công khai, ông đã tìm gặp Đức Giêsu lúc đêm khuya.
Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại cuộc đàm đạo giữa Đức Giêsu và ông Nicôđêmô về ơn tái sinh.
- Nicôđêmô là “một đầu mục của người Do thái”, nghĩa là về mặt xã hội ông là bậc cao niên đáng kính, về mặt tôn giáo ông là người có học thức và đạo đức. Dù vậy, ông vẫn tìm đến Đức Giêsu để học hỏi thêm.
Nhưng dầu sao ông vẫn còn vướng mắc thành kiến của người biệt phái và luật sĩ thời đó. Với sự hiểu biết Kinh Thánh, Nicôđêmô tưởng đã có thể sử dụng mớ kiến thức ấy để tìm hiểu về con người Đức Giêsu. Nhưng Đức Giêsu đã đặt ông trước một thách đố mà ông không bao giờ ngờ trước. Ngài bảo ông phải tái sinh thì mới thực sự thấy và hiểu biết về con người của Ngài, ông phải tái sinh thì mới thực sự hiểu được Kinh Thánh, ông phải tái sinh thì mới có thể trở thành con người mới với cái nhìn mới và sự cảm nhận mới.
- Tư tưởng tái sinh làm cho ông thắc mắc : không lẽ phải chui vào bụng mẹ để sinh lại sao ? Nhưng Đức Giêsu đã giải thích cho ông hiểu từ ngữ tái sinh đó. Tái sinh mà Chúa muốn nói là cởi bỏ con người cũ, là trở thành như trẻ thơ, là hoàn toàn chấp nhận lệ thuộc vào Thiên Chúa, là khước từ ý muốn tự cứu lấy mình bằng những cố gắng, những lý lẽ và phương tiện riêng của mình. Qua cuộc đối thoại với Nicôđêmô, Đức Giêsu loan báo phép rửa mà Ngài sẽ thiết lập và ký thác cho Giáo hội. Nhờ phép rửa ấy, các Kitô hữu đã thực sự được tái sinh, họ sống bằng sự sống thần linh của Chúa, họ nhìn bằng cái nhìn của Chúa, họ mặc lấy chính những suy nghĩ của Chúa và yêu thương bằng chính tình yêu của Chúa.
- Ông Nicôđêmô là con người rất có thiện chí. Đức Giêu khen là ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu. Nhưng dầu sao Ngài con phải chuẩn bị thêm cho ông và long trọng xác nhận với ông rằng để theo Chúa, con người không thể ỷ lại vào sự hiểu biết hay vào lý lẽ khôn ngoan của con người. Cần phải được biến đổi bởi nước và Thánh Thần. Cần phải khiêm tốn lãnh nhận ân sủng Chúa ban và vâng phục sự soi sáng của Chúa Thánh Thần :”Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa nếu không được sinh lại bởi ơn trên, không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thánh Thần”. Bí tích rửa tội và ơn Chúa Thánh Thần là cửa ngõ mở vào Nước Thiên Chúa.
- Một nhà đại thần bí Ấn độ nói về chính mình :”Tôi là một nhà cách mạng khi còn trẻ, và tất cả những gì tôi cầu nguyện với Chúa là :”Lạy Chúa, xin cho con quyền lực để cải tạo thế giới”.
Khi đến tuổi trung niên, tôi nhận ra rằng nửa cuộc đời qua đi mà không một tâm hồn nào được thay đổi. Tôi đổi lại lời cầu :”Lạy Chúa, xin cho con thiện chí để hoán cải tất cả những người tiếp xúc với con”.
Bây giờ tôi đã già và gần kết thúc cuộc đời, tôi cảm thấy mình ngu dại biết bao. Lời cầu nguyện của tôi bây giờ là :”Lạy Chúa, xin cho con thiện chí để hoán cải chính con”. Nếu tôi xin điều này ngay từ đầu, tôi đã không lãng phí cuộc đời” (Góp nhặt).
- Như vậy, Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay, qua cuộc đối thoại với Nicôđêmô, Đức Giêsu dạy chúng ta ý thức lại ơn tái sinh của chúng ta qua phép rửa trong nước và Thánh Thần, và nhờ đó, chúng ta cần đổi mới, phải từ bỏ con người cũ là mê theo xác thịt, mà mặc lấy con người mới là bước đi trong Thần Khí sự thật.
Trong mùa Phục sinh, Giáo hội đặc biệt mời gọi chúng ta ôn lại những cam kết trong phép rửa tội. Người Kitô hữu chúng ta phải không ngừng cởi bỏ con người cũ của tội lỗi, để lớn lên trong ân sủng, cho đến khi đạt được tầm mức viên mãn của nhân cách là chính Đức Giêsu.
- Truyện : Thưa, chính Chúa đấy ạ.
Cha John Diamond có kể lại câu chuyện này : Hôm đó có một linh hồn vì chán ngấy cuộc sống ở thế gian cho nên linh hồn lên trước cửa Thiên đàng. Tới nơi linh hồn gõ cửa. Ở trong có tiếng vọng ra :”Ai đó” ? Linh hồn trả lời :”Con đấy ạ”. Cửa vẫn đóng.
Sau đó linh hồn lại trở về với đời sống trần thế tìm thầy học đạo. Sau một thời gian thấy mình đã tiến bộ, linh hồn lại lên gõ cửa Thiên đàng một lần nữa. Lại một tiếng hỏi từ trong như lần trước và linh hồn trả lời một cách quả quyết hơn :”Dạ, chính con đây”. Cửa vẫn đóng.
Linh hồn lại phải trở về trần thế… mở sách Tin Mừng để xem Chúa muốn gì. Quả thực khi mở Tin Mừng ra linh hồn mới thấy con đường của mình phải đi là con đường nào. Đó là con đường tự hủy. Chúa nói thật rõ về con đường phải làm chết cái tôi ích kỷ, hay khoe khoang phô trương, tự mãn, ghen ghét. Phải làm chết đi cái tôi đầy hận thù, nhiều kiêu ngạo và đầy dẫy những ham muốn bất chính để cho con người của mình được giống Thiên Chúa hơn.
Sau một thời gian thấy mình quả thực đã không còn là mình nữa thì linh hồn lại lên trời… lại gõ cửa… lại có tiếng từ bên trong hỏi vọng ra :”Ai đó”. Vừa nghe xong câu hỏi linh hồn đáp ngay :”Dạ, thưa chính Chúa đấy ạ”.
Vừa trả lời xong thì linh hồn thấy cửa Thiên đàng được mở ra và cả một đạo binh các thiên thần long trọng đón linh hồn vào Thiên đàng.
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm Gp. Đà Lạt