BÀI ÐỌC I: Cv 5, 12-16
Khi ấy, các Tông đồ làm nhiều phép lạ và nhiều việc phi thường trong dân, và tất cả mọi người tập họp tại hành lang Salômôn; nhưng không một ai khác dám nhập bọn với các tông đồ. Nhưng dân chúng đều ca tụng các ngài. Số những người nam nữ tin vào Chúa ngày càng gia tăng, đến nỗi họ mang bệnh nhân ra đường phố, đặt lên giường chõng, để khi Phêrô đi ngang qua, ít nữa là bóng của người ngả trên ai trong họ, thì kẻ ấy khỏi bệnh. Ðông đảo dân chúng ở những thành phụ cận Giêrusalem cũng tuôn đến, mang theo bệnh nhân và những người bị quỷ ám. Mọi người đều được chữa lành.
BÀI ÐỌC II: Kh 1, 9-11a, 12-13. 17-19
Tôi là Gioan, anh em của chư huynh, đồng phần chia sẻ sự gian truân, vương quyền và kiên nhẫn trong Ðức Giêsu Kitô, tôi đã ở đảo Patmô vì lời Chúa và vì làm chứng Ðức Giêsu. Một Chúa Nhật nọ, tôi xuất thần và nghe phía sau tôi có tiếng phán lớn như tiếng loa rằng: “Hãy viết những điều ngươi thấy vào sách và gởi đến bảy giáo đoàn ở Tiểu Á”. Tôi quay lại để xem coi tiếng ai nói với tôi. Vừa quay lại, tôi thấy bảy chân đèn bằng vàng, và ở giữa bảy chân đèn bằng vàng đó tôi thấy một Ðấng giống như Con Người, mặc áo dài và ngang lưng thắt một dây nịt bằng vàng. Vừa trông thấy Người, tôi ngã xuống như chết dưới chân Người; Người đặt tay phải lên tôi và nói: “Ðừng sợ, Ta là Ðấng trước hết và là Ðấng sau cùng, Ta là Ðấng hằng sống; Ta đã chết, nhưng đây Ta vẫn sống đến muôn đời. Ta giữ chìa khoá sự chết và địa ngục. Vậy hãy viết những gì ngươi đã thấy, những điều đang xảy ra và những điều phải xảy ra sau này”.
PHÚC ÂM: Ga 20, 19-31
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”. Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Ðoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin!” Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.
Suy Niệm 1: KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT CHÚA
Trang này của Tin Mừng Gioan là một trình thuật kép, tức hai lần hiện ra của Chúa Phục sinh với nhóm mười một. Lần trước, thật ra chỉ có mười môn đệ, vì vắng Tôma. Lần sau, cách 8 ngày, thì có Tôma ở đó. Cả hai lần đều có sự đề cập đặc biệt đến những dấu vết thương tích của Chúa Giêsu từ cuộc Khổ nạn: các dấu đinh ở tay chân, và nhất là dấu đâm ở cạnh sườn!
Chuyện là giữa hai lần đó, Tôma được các bạn kể lại việc Chúa hiện ra, ông đã cứng cỏi không tin, nói rằng chính mình phải sờ chạm trực tiếp các vết thương của Chúa thì mới tin. Điều này cũng có nghĩa rằng ông đòi kiểm tra để nắm chắc rằng Đấng đang sống và hiện ra cũng chính là Thầy Giêsu của các ông đã chịu đóng đinh và đã chết! Chúa Giêsu đã kiên nhẫn và ân cần, dịu dàng trước sự cứng lòng của Tôma. Người hiện ra, không một lời quở trách, thay vào đó Người nhẹ nhàng bảo ông: “Hãy xỏ ngón tay vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”!
Các vết đinh trên tay chân Chúa, nhất là vết giáo đâm thâu cạnh sườn, đã trở thành dấu hiệu chứng minh Chúa Giêsu đã sống lại. Và hơn thế nữa, đó là bằng chứng cho tình yêu thương xót có sức cứu độ của Chúa. Dilexit nos! Người đã yêu thương chúng ta đến thế! Chúa Giêsu Phục sinh đã chinh phục Tôma bằng sự dịu dàng thông cảm, và bằng những dấu vết thương tích này.
Thật ý nghĩa khi ngày Chúa nhật ‘Tôma’ này được đặt làm ngày Chúa nhật kính Lòng Chúa Thương Xót. Tất cả chúng ta được kêu gọi chiêm ngắm các dấu thương xót trên thân xác Phục sinh của Chúa, nguồn của niềm ‘hy vọng không làm thất vọng’ cho chúng ta.
Và tất cả chúng ta được thúc đẩy trở thành những tông đồ của Lòng Chúa Thương Xót, rao giảng và làm chứng cho Lòng Thương Xót mà Chúa đổ tràn trên mọi người từ mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa. Một tông đồ kiệt xuất của Lòng Chúa Thương Xót là Đức thánh cha Phanxicô vừa từ giã chúng ta. Hãy tạ ơn Chúa và cảm ơn Đức cố giáo hoàng – và hãy cho phép ngài tiếp tục sống xuyên qua các chứng tá thương xót của chúng ta trong đời sống hằng ngày…
Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.
…………………………………
Suy Niệm 2: BÌNH AN LÀ HOA TRÁI CỦA THA THỨ
Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội cử hành lễ Lòng Chúa Thương Xót. Vì vậy, chúng ta đến với Chúa hôm nay không phải để “xem” lễ, xem những gì xảy ra trong thánh lễ và trở về không có thay đổi nào trong cuộc sống. Chúng ta đến với Chúa trong thánh lễ này để cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa và đồng thời được mời gọi để diễn tả lòng thương xót của Chúa cho người khác, nhất là những người trong gia đình, trong khu xóm, trong giáo xứ của chúng ta. Đừng để lòng thương xót của Chúa trở nên vô hiệu trong cuộc đời của chúng ta. Muốn được như thế, chúng ta hãy để Lời Chúa hướng dẫn chúng ta.
Thường chúng ta đến với Chúa với tâm tình thế nào? Nhiều người trong chúng ta xin lễ tạ ơn và tỏ lòng biết ơn vì chúng ta được Chúa ban cho điều chúng ta xin. Thánh Vịnh đáp ca của Chúa Nhật II Phục Sinh hôm nay chỉ ra cho chúng ta biết lý do để tạ ơn Chúa, đó là: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 117:1). Biết tạ ơn Chúa trong những khi “thịnh vượng” thì ai cũng có thể làm được, nhưng biết tạ ơn Chúa ngay cả khi gặp “gian nan” thì chỉ có những người cảm nghiệm được lòng nhân từ và tình thương vô biên của Chúa mới có thể làm được. Đây chính là điều ông Gióp đã làm: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Đức Chúa. Trong tất cả những chuyện ấy, ông Gióp không hề phạm tội cũng không buông lời trách móc phạm đến Thiên Chúa” (Gio 1:21-22). Những người sống với tâm tình của ông Gióp sẽ hiểu được lòng nhân từ và tình thương của Chúa trong mọi giây phút cuộc đời. Đây chính là đề tài mà các bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta suy gẫm.
Trong bài đọc 1, chúng ta thấy Thiên Chúa tỏ tình thương và lòng nhân từ của Ngài cho những người đau ốm “qua” Thánh Phêrô và các Tông Đồ: “Hồi ấy, nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân, nhờ bàn tay các Tông Đồ” (Cv 5:12). Nói cách khác, chính các Tông Đồ đã để cho Chúa lặp lại sứ vụ chữa lành của Ngài qua các ông. Các Tông Đồ đã lặp lại những gì Chúa Giêsu đã làm, hay nói đúng hơn, từ lời nói và việc làm của các ngài trở nên giống Chúa Giêsu “như khuôn.” Đây chính là hoa trái của đời sống mới trong Đức Kitô Phục Sinh, đó là chúng ta sống đời sống biến đổi từ lời ăn tiếng nói, từ cử chỉ đến hành động đều nên giống Chúa Giêsu. Chính điều này đã làm cho “có thêm nhiều người tin theo Chúa: cả đàn ông đàn bà rất đông.” Ở đây chúng ta nghe những ngôn từ không mang tính cách loại trừ như chúng ta nghe trong các Tin Mừng kể về các lần Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều: “số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con” (Mt 14:21). Điều này nói lên ơn cứu độ phổ quát mà Chúa Giêsu mang đến cho mọi người. Thiên Chúa tỏ lòng nhân từ cho hết mọi người chứ không chỉ cho một số người. Tuy nhiên, bây giờ Ngài làm điều đó qua mỗi người trong chúng ta. Một cách cụ thể, Ngài muốn mượn môi miệng chúng ta để nói lời hay tiếng tốt và những lời an ủi với người khác; Ngài muốn mượn đôi tay của chúng ta để nâng đỡ những người đau yếu bệnh tật và nâng dậy những người vấp ngã; Ngài muốn mượn đôi chân của chúng ta để đồng hành với những người cô đơn và bị loại trừ; Ngài muốn mượn tâm trí chúng ta để nghĩ tốt nghĩ hay về người khác; Ngài muốn mượn con tim của chúng ta để yêu thương những người cần được yêu thương và tha thứ cho những người mong được tha thứ. Hãy để cho Chúa Giêsu tỏ lòng nhân từ và tình thương qua chúng ta, bắt đầu từ những người trong gia đình [cộng đoàn], trong giáo xứ, trong giáo phận và trong thế giới.
Bài đọc 2 trình bày cho chúng ta việc Thiên Chúa tỏ tình thương, lòng nhân từ với Gioan và chọn thánh nhân để viết lại “những gì đã thấy, những gì đang diễn ra và những gì sẽ xảy ra sau này” (Kh 1:19). Theo các học giả Kinh Thánh, đây là “bản báo cáo” về một kinh nghiệm mà qua đó Thiên Chúa mạc khải chính mình và ý muốn cho thánh nhân. Chúng ta nhận ra trong kinh nghiệm này ba yếu tố căn bản sau: (1) thinh lặng và lắng nghe tiếng Chúa; (2) kính sợ; (3) vâng phục thi hành những gì Thiên Chúa muốn. Điều đáng để chúng ta lưu ý ở đây là lần xuất thần này xảy ra “vào ngày của Chúa” (Kh 1:10). “Ngày của Chúa” ám chỉ đến ngày “thứ nhất trong tuần” [hay còn gọi là ngày Chúa Nhật] được tìm thấy trong bài Tin Mừng hôm nay. Điều này có ý nghĩa gì với chúng ta hôm nay? Điều này giúp chúng ta xác tín rằng: mỗi lần chúng ta đến với Chúa trong ngày Chúa Nhật [trong thánh lễ], chúng ta cũng được “xuất thần,” được Thiên Chúa mạc khải về chính Ngài và về điều Ngài muốn cho chúng ta. Hay nói theo ngôn từ của đề tài hôm nay là mỗi lần chúng ta đến tham dự thánh lễ Chúa Nhật, chúng ta phải cảm nghiệm được tình thương và lòng nhân từ mà Thiên Chúa tỏ cho mỗi người chúng ta. Tuy nhiên, thách đố cho chúng ta sau mỗi lần đến với Chúa là chúng ta cũng phải diễn tả tình thương và lòng nhân từ của Thiên Chúa dành cho mình qua đời sống yêu thương, cảm thông và tha thứ.
Trong bài Tin Mừng, chúng ta lại nghe tình thương và lòng nhân từ của Thiên Chúa được mạc khải nơi Chúa Giêsu cách cụ thể cho Tôma. Bài Tin Mừng hôm nay được viết theo cấu trúc “bánh mì kẹp,” đó là mở đầu và kết thúc giống nhau. Cách cụ thể, cấu trúc của bài Tin Mừng hôm nay gồm ba phần: phần 1 (Ga 20:19-23) nói đến việc Chúa Giêsu hiện ra cho “các môn đệ” [thiếu Tôma] và các ông đã vui mừng vì được thấy Ngài; trong phần 2 (Ga 20:24-29), chúng ta tìm thấy cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với Tôma; phần 3 (Ga 20:30-31) trình bày việc Chúa Giêsu làm những dấu lạ khác cho “các môn đệ” [có Tôma] để các ông tin. Chúng ta cùng nhau phân tích từng phần để rút ra những sứ điệp Chúa muốn nói với chúng ta hôm nay.
Chi tiết đầu tiên làm chúng ta lưu ý là câu mở đầu của Tin Mừng: “Vào ngày thứ nhất trong tuần nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái” (Ga 20:19). Chi tiết này dường như cũng rất quen thuộc với mỗi người chúng ta vào các ngày Chúa Nhật. Chúng ta cũng đã nhiều lần “đóng kín cửa tâm hồn” mỗi ngày Chúa nhật vì chúng ta sợ nhiều thứ: sợ mất giờ khi đi tham dự thánh lễ; sợ phạm tội nếu không đi tham dự thánh lễ; sợ bị bố mẹ la mắng; sợ mất công ăn việc làm và nhiều nỗi sợ khác. Tuy nhiên, điều an ủi chúng ta ở đây là dù cửa tâm hồn của chúng ta đóng kín, Chúa Giêsu vẫn muốn bước vào và mang lại cho chúng ta sự bình an giữa những lo sợ. Trong phần này, chúng ta lưu ý đến món quà đầu tiên của phục sinh mà Chúa Giêsu ban cho các môn đệ là “bình an.” Bình an không phải là không có “chiến tranh” trong gia đình, trong giáo xứ, trong giáo phận, trong Giáo Hội [xã hội]. Bình an là “kết quả của việc chữa lành những vết thương mà chiến tranh” đã gây ra: “Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga 20:20). Thật vậy, sau khi chúc các môn đệ được bình an, Chúa Giêsu liền cho các ông xem các vết thương của Ngài. Sự kiện này nhắc nhớ chúng ta về lời giảng dạy của Thánh Phêrô, đó là nhờ vết thương của Ngài mà chúng ta được chữa lành (x. 1 Pt 2:24). Điều này mời gọi chúng ta biến những vết thương mà người khác tạo ra cho chúng ta thành những “dấu chứng tình yêu,” thành “phương thuốc chữa lành.” Chúng ta chỉ có thể làm được điều này khi mọi người biết sống tha thứ cho nhau (Ga 20:22-23). “Tha thứ” là món quà không thể tách rời khỏi món quà bình an. Đúng hơn, tha thứ là điều kiện cần để có được bình an. Sau “chiến tranh” giữa vợ chồng, giữa con cái trong gia đình, giữa những người trong khu xóm hoặc giáo xứ, nếu không có sự tha thứ cho nhau, sẽ không bao giờ có bình an. Nếu muốn được một cuộc sống bình an, đừng làm người khác bị tổn thương và nếu có bị người khác làm tổn thương, hãy tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.
Trong lối viết “bánh mì kẹp,” phần quan trọng chính là phần ở giữa. Phần này trong bài Tin Mừng trình bày cho chúng ta câu chuyện của Tôma, câu chuyện mà làm cho ông “mang tiếng” là người “cứng lòng tin.” Có thật Tôma cứng lòng tin không? Nếu chúng ta phân tích câu chuyện, chúng ta thấy điều Tôma làm là điều rất bình thường. Ngài không muốn nhìn thấy gì khác ngoài những vết thương mà Chúa Giêsu đã cho các môn đệ khác nhìn thấy. Tuy nhiên, Tôma không chỉ muốn được nhìn thấy “chung chung” như các môn đệ khác, mà còn hơn thế nữa. Tôma muốn được “cảm nghiệm cách cá vị”: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20:25). Ông muốn việc tin của ông phải là một hành vi thật cá vị, là của ông chứ không phải của người khác. Đây là hành trình rất quen thuộc cho tất cả những người gặp gỡ Chúa Giêsu trong Tin Mừng Thánh Gioan. Nói cách cụ thể, phần giữa trình bày cho chúng ta hành trình đức tin của mỗi người chúng ta. Như Tôma, chúng ta cũng đi từ “không tin” đến “tin.” Chúng ta cũng đi tìm sự hiển nhiên và chắc chắn cho niềm tin của mình qua việc muốn đụng chạm đến Thiên Chúa [Chúa Giêsu]. Trong hành trình này, chúng ta cần “nội tâm hoá” hay “cá vị hoá” những điều chúng ta tin. Có thể nói, nhiều khi chúng ta (người công giáo) vẫn biện minh với lập luận “theo đạo ông bà,” có nghĩa là “đây là đạo của ông bà cha mẹ tôi chứ không phải của tôi.” Điều này xảy ra là vì chúng ta chưa biết học nơi Tôma, đó là cầu xin cho được đụng chạm đến Chúa cách cá vị. Theo các học giả Kinh Thánh, hình ảnh của Tôma chính là hình ảnh của chúng ta ngày hôm nay, những người không còn được nhìn thấy Chúa Giêsu như các môn đệ. Chúng ta được Chúa Giêsu khẳng định là những người có phúc vì chúng ta đã tin ngay cả khi chúng ta không nhìn thấy Ngài (x. Ga 29). Nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta không thể đụng chạm đến Chúa Giêsu. Ngài vẫn mời gọi chúng ta đụng chạm đến Ngài mỗi ngày trong Bí Tích Thánh Thể, trong những người bị “tổn thương” mà cần đến bàn tay chữa lành của chúng ta đụng chạm đến. Đức tin của Tôma đã biến thành hành vi tôn thờ khi ông kêu lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Đức tin phải được diễn tả qua hành vi thờ phượng: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2:17).
Phần 3 trình bày cách ngắn gọn những dấu lạ mà Chúa Giêsu làm trước mặt các môn đệ [có Tôma] để các ông tin vào Ngài. Đồng thời, phần này cũng trình bày cho chúng ta mục đích của Tin Mừng Thánh Gioan, đó là viết lại những “dấu lạ” Chúa Giêsu đã làm nhằm giúp chúng ta tin rằng “Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20:31). Ở đây Thánh Gioan khẳng định cho chúng ta rằng: đức tin của chúng ta phải đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu, Đấng là sự sống. Nếu đức tin không đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu, hay nói đúng hơn là không làm cho chúng ta thao thức được gặp gỡ Ngài, thì chúng ta vẫn chưa ra khỏi tình trạng “không tin,” vẫn chưa ra khỏi tình trạng “đi đạo theo thời.”
Lm. Anthony, SDB.
…………………………………..
Suy Niệm 3: PHÚC CHO AI KHÔNG THẤY MÀ TIN
A. DẪN NHẬP
Chính ngày Phục sinh, Đức Giêsu đã hiện ra với các Tông đồ tại nhà Tiệc ly để làm cho các ông tin rằng Ngài đã sống lại thật, đồng thời trao cho các ông nối tiếp sứ mạng của Ngài, và ban Thánh Thần để các ông có quyền tha tội. Nhưng trong dịp này, rất tiếc ông Tôma lại vắng mặt, có lẽ vì ông sợ quá phải tránh xa, và ông cũng không tin lời chứng của các Tông đồ kia.
Tám ngày sau, Đức Giêsu lại thương hiện ra để củng cố niềm tin cho các Tông đồ, cách riêng cho Tôma. Khi Tôma được thấy những lỗ đinh ở tay và cạnh sườn Ngài thì đã tuyên xưng đức tin một cách chân thành :”Lạy Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con”. Tôma đã xem thấy nên đã tin và tuyên xưng một cách mạnh mẽ : Đức Giêsu là Thiên Chúa. Nhưng Đức Giêsu nói với ông :”Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai không thấy mà tin”.
Sự hoài nghi và cứng lòng của Tôma cũng có ý nghĩa đối với chúng ta : ông không tin, rồi lại tin khi xem thấy Chúa, điều ấy nhắc nhở cho chúng ta biết rằng chúng ta không tin vào việc Chúa sống lại qua mấy lời nói suông nhưng dựa vào một người đã tận mắt xem thấy hay thọc ngón tay vào lỗ đinh và đã tuyên xưng đức tin một cách thành thật.
Dựa vào Kinh thánh và lời chứng của các Tông đồ, chúng ta tuyên xưng Đức Kitô đã sống lại :”Ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh kinh” (Kinh Tin kính) và chúng ta có bổn phận phải loan truyền cho người khác biết Chúa đã sống lại thật để nhiều người được hưởng ơn Phục sinh của Chúa và được hưởng ơn cứu độ muôn đời.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1 : Cv 5,12-16.
Qua trích đoạn sách Công vụ, thánh Luca mô tả cho chúng ta cộng đoàn Kitô hữu sơ khai. Họ thường hội họp ở hành lang Salômôn và được dân chúng ca tụng. Chúa Phục sinh ban quyền năng cho các Tông đồ làm nhiều phép lạ, đặc biệt là thánh Phêrô.
Trong khi làm phép lạ, các ông cũng nhân dịp tranh thủ rao giảng sứ điệp Phục sinh để đem nhiều người tin theo Đức Kitô. Số tín hữu mỗi ngày một tăng thêm làm thành một cộng đoàn chứng nhân của Đức Kitô Phục sinh.
Khi các Kitô hữu nhận thức được Nước Thiên Chúa đang từ từ tiến triển trong thế gian, họ sẽ khám phá ra rằng Đấng Phục sinh ngày càng hiện diện giữa nhân loại nhờ chứng tá của các Tông đồ và của họ, ngõ hầu thế giới ngày càng trở nên nơi ở tốt hơn cho mọi người.
+ Bài đọc 2 : Kh 1,9-11a.12-13.17-19.
Hôm ấy là một ngày Chúa nhật, tín hữu mừng biến cố Phục sinh của Chúa. Thánh Gioan, vì rao giảng Lời Chúa và lời chứng của Đức Giêsu, lúc đó đang bị lưu đầy ở đảo Patmos, đã xem thấy một thị kiến vĩ đại mở màn cho sách Khải huyền. Thánh nhân đề tặng cuốn sách cho bảy Giáo hội địa phương tức là cho toàn thể Giáo hội, vì số 7 là số tròn đối với người Do thái. Nhân vật trung tâm trong thị kiến là Con Người, Đấng đã nhận quyền thống trị mọi loài mọi thời, tức là Đấng Phục sinh đã mở cửa sự sống ra cho các tín hữu.
Ngoài ra, thị kiến trong sách Khải huyền còn nhằm an ủi và khích lệ kẻ đang bị bắt bớ :”Đừng sợ…Ta là Đấng hằng sống. Ta chết và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời; Ta giữ chìa khóa của Tử thần và Âm phủ”.
+ Bài Tin mừng : Ga 20, 19-31.
Đoạn kết Tin mừng của thánh Gioan (chương 21 được thêm vào sau này) là một lời mời gọi cuối cùng để hiểu đúng qui chế thực sự của đức tin. Đức Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ nhằm hướng họ về tương lai và chứng tỏ giờ đây Ngài hiện diện bởi Thánh Thần trong sự phát triển công cuộc truyền giáo của Hội thánh.
Chúa Kitô phục sinh hiện ra với các Tông đồ đã mang lại cho các ông niềm vui và bình an của ơn cứu độ mà Chúa ủy thác cho các ông nhiệm vụ loan báo cho mọi người. Việc ông Tôma kém lòng tin đã là một dịp để thánh Gioan đề cập đến điểm then chốt của Tin mừng (theo Gioan) là : mỗi người sau khi nghe các Tông đồ giảng và được ơn soi sáng bên trong, phải tự biết mình dấn thân cho lòng tin chứ không ai tìm dùm cho mình.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA
Phúc cho ai không thấy mà tin
I. BỐI CẢNH HAI LẦN HIỆN RA
Ngày lễ Phục sinh chúng ta chỉ đề cập đến ngôi mộ trống, việc đó chưa xác định được việc Chúa sống lại. Nhưng trong suốt tuần bát nhật này, chúng ta đề cập tới việc Đức Giêsu hiện ra nhiều lần với nhiều người, sự kiện đó chứng tỏ rằng Đức Giêsu đã sống lại thực sự hiện ra chứ không phải tà ma. Đức Kitô hiện ra với các môn đệ trao cho các ông nối tiếp sứ mạng của Ngài và ban Thánh Thần cho các ông. Mối hoài nghi của Tôma đã được giải quyết khi Đức Giêsu lại tái hiện. Sau khi được chạm tới các vết thương, Tôma liền tuyên xưng lòng tin của mình. Ông tuyên xưng như thế là người có phúc, nhưng ai không trông thấy mà tin thì có phúc hơn.
- Hiện ra lần thứ nhất
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, các phụ nữ ra viếng mồ Chúa và trông thấy mồ trống. Phêrô và Gioan cũng xác nhận điều ấy. Sự kiện này làm dân chúng xôn xao, nhà cầm quyền điên đầu vì khó xử, các môn đệ nửa tin nửa ngờ nên qui tụ nhau lại để bàn bạc, cầu nguyện, nhưng vì có tiếng đồn các môn đệ đã lấy trộm xác Đức Giêsu nên các ngài sợ bị theo dõi, đã đóng kín cửa phòng họp lại.
Ngay buổi chiều hôm đó, Đức Giêsu hiện ra cùng các môn đệ đang ẩn náu trong căn phòng Tiệc ly. Họ thấy Ngài hiện diện giữa họ mà không cần mở cửa vào vì xác thân Ngài nay đã biến thành linh thiêng, nhưng để đánh tan sự hiểu lầm Ngài là hồn ma hiện về, Đức Giêsu chỉ cho các ông thấy vết thương nơi hai tay và cạnh sườn : chính thật là Chúa nay đã phục sinh.
Ngoài ra, Đức Giêsu còn hai lần chào họ bằng kiểu người Do thái chào khi gặp nhau. Những lời của Ngài khiến các Tông đồ lấy lại bình tĩnh cũng như xua tan sự xấu hổ làm nặng lòng các ông vì đã bất trung với Ngài. Các ông không còn nghi ngờ gì việc Chúa sống lại, không phải dựa vào lời chứng của ai khác mà chính Ngài hiện diện giữa các ông bằng xương bằng thịt. Nhưng rất tiếc, lúc này ông Tôma vắng mặt không biết vì lý do gì, ông được các Tông đồ kể lại cho biết Chúa đã sống lại và hiện ra với các ông. Tôma không tin mà còn thách thức :”Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Ngài, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Ngài, thì tôi không tin”(Ga 20,25).
- Hiện ra lần thứ hai
Tám ngày sau, các môn đệ họp nhau trong nhà, có Tôma ở với các ông. Đức Giêsu lại hiện ra với các ông trong cùng một khung cảnh như lần trước, nhưng lần này có cả Tôma ở đây như là một cái cớ để Ngài hiện ra lần này.
Việc Đức Giêsu hiện ra nói lên : Ngài kiên nhẫn chấp nhận những thách thức của Tôma… Nhưng khi Ngài hiện ra, ta không thấy Tin mừng nói Tôma có xỏ ngón tay và bàn tay như ông đòi hỏi hay không ? Nhưng ta hiểu là Tôma đã không kiểm nghiệm như ông đã đòi hỏi. Chỉ nguyên việc gặp gỡ và nghe lời Chúa nói đã đủ đánh động con người ấy.
Khi được trông thấy Chúa, Tôma xúc động, không dám kiểm nghiệm như mình đã đòi hỏi trước kia mà chỉ biết kêu lên với tất cả tấm lòng:”Lạy Chúa của con. Lạy Thiên Chúa của con”. Tôma là người môn đệ cuối cùng tin Chúa sống lại, nhưng lại là người đầu tiên xưng nhận thần tính của Ngài. Lời xưng nhận ấy là tuyệt điểm của lòng tin. Theo cha Garigou Lagrange, một học giả Kinh thánh nổi tiếng : đây là lần thứ nhất Đức Giêsu được gọi bằng danh hiệu “Thiên Chúa” rõ rệt. Cho nên đây là một tác động đức tin hoàn toàn và quyết liệt sau một thời gian hoài nghi và từ khước.
II. NÓI VỀ CON NGƯỜI TÔMA
1. Bản chất con người Tôma
Tôma có biệt hiệu là Điđimô có nghĩa là con sinh đôi, ông vốn là người có tính thẳng thắn, rõ ràng và thực tiễn. Ông rất nhiệt tình với Chúa, dám liều chết với Ngài. Chúng ta có thể đưa ra một vài bằng chứng :
a) Khi Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng:”Con đường Thầy đi, sau này họ cũng sẽ đi ” . Tôma liền thưa:”Nhưng chúng con không biết Thầy đi đâu, thì làm sao biết được đường lối của Thầy”(Ga 14,5).
b) Khi thấy Đức Giêsu dứt khoát muốn lên Giêrusalem bất chấp nguy hiểm, thì Tôma lại bảo anh em: “Nào cả chúng ta nữa, hãy lên Giêrusalem chịu chết với Ngài”.
c) Tôma vẫn giữ tính đó khi nghe Đức Giêsu sống lại, Tôma đã không căn cứ vào sự kiện ngôi mồ trống, những bài Thánh kinh, nhất là lời Đức Giêsu nói trước về sự sống lại. Ngay cả việc Ngài hiện ra với các môn đệ khác vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nhưng Tôma đòi những điều kiện khả giác chắc chắn là : nhìn thấy vết đinh, thọc ngón tay vào lỗ đinh
2. Con người hoài nghi và thực tiễn
Qua câu truyện Tin mừng kể lại, có người coi ông Tôma là “bổn mạng” của các kẻ hoài nghi, cứng lòng, hoặc như “ông tổ” của phái duy lý, duy thực nghiệm. Nghĩ như thế thì hơi quá đáng và bất công. Phải chăng sau này triết gia Descartes, ông tổ của phái hoài nghi, đã lấy hoài nghi làm phương pháp luận để đề ra “Hoài nghi có phương pháp” (doute méthodique) để làm nền tảng cho triết thuyết của ông ?
Trường hợp của Tôma đặc biệt soi sáng chúng ta. Ông đã chứng tỏ một sự chân thành thật thú vị. Ông không hề cố gắng che đậy những nghi ngờ của mình. Người ta thường nhìn sự hoài nghi như là một dấu hiệu của sự yếu đuối. Chúng ta thường hay mặc cảm tội lỗi, vì đã có những hoài nghi. Nhưng hoài nghi có thể là một điểm nói lên sự đang phát triển, là một hòn đá bước lên để đi vào sự hiểu biết sâu xa hơn. Đây là điều chắc chắn đối với Tôma, bởi vì theo Tin mừng của thánh Gioan, ông đã tiến tới việc diễn tả lời tuyên xưng cao cả nhất về lòng tin nơi Đức Giêsu :”Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con” (McCarthy).
Ở đây, trên trái đất này, người ta không thể tuyệt đối biết chắc chắn về những điều thiêng liêng. Nếu biết chắc chắn, thì không cần đến lòng tin nữa. Sự tuyệt đối chắc chắn có thể đưa dẫn đến thói kiêu ngạo, không khoan dung và sự ngu xuẩn. “Kẻ tin nào không bao giờ tỏ ra hoài nghi, thì không phải là kẻ tin nữa” (Thomas Merton).
Trên thực tế, Tin mừng còn cho thấy rằng ngay cả các Tông đồ mà còn có vấn đề về lòng tin. Tôma không phải là người tông đồ duy nhất nghi ngờ về sự sống lại. Tất cả các Tông đồ đều như vậy cả. Thánh Marcô kể cho chúng ta nghe rằng khi Đức Giêsu hiện ra với họ vào buổi tối Phục sinh, “Ngài khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Ngài, sau khi Ngài chỗi dậy” (Mc 16,14).
- Một nhà truyền giáo vĩ đại
Ông Tôma cũng như mọi người đều cần có ơn Chúa để tin, nhưng ông đã nhận được một bằng chứng đặc biệt; niềm tin của ông sẽ được phúc hơn nếu chấp nhận bằng chứng của các Tông đồ. Các chân lý mạc khải thường được chuyển trao qua lời rao giảng, qua chứng từ của các vị được Đức Kitô sai đi với quyền năng của Chúa Thánh Thần để rao giảng kho tàng đức tin :”Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô (Rm 10,17).
Tôma, sau khi chế ngự được khủng hoảng, đã tiếp tục can đảm làm chứng cho Đức Kitô, và trở thành một trong những nhà truyền giáo vĩ đại nhất của Giáo hội tiên khởi. Theo truyền thống, ngài đem Tin mừng đến tận Ba tư, Syria và Ấn độ, là nơi ngài chịu tử đạo. Tôma là người tông đồ đầu tiên chịu chết vì đức tin.
III. PHÚC CHO AI KHÔNG THẤY MÀ TIN
1. Tin và không tin
Trong đời sống hằng ngày, chúng ta cũng như các Tông đồ, mọi người nghe tin hoặc tai nghe mắt thấy mà có cái tin, có cái không tin. Riêng việc Đức Giêsu sống lại, mặc dầu các Tông đồ đã nghe tin, đã thấy mà cũng chưa tin (Mc 16,11; Lc 24,11). Ngay việc Ngài đích thân hiện đến mà họ vẫn tưởng là ma. Ngài phải cho các ông rờ chân tay và cạnh sườn Ngài, các ông vẫn chưa tin, Ngài mới hỏi:”Ở đây các con có gì ăn không ? Các ông đưa cho Ngài một mẩu cá nướng, Ngài cầm lấy và ăn trước mặt các ông”(Lc 20,40-43), qua một số sự việc sờ sờ ra trước mắt, các ông mới tin.
Đức Giêsu cố gắng mở mắt cho các ông, mà không đe dọa hoặc ép buộc ai cả. Ngài chỉ mời gọi, mong muốn họ tự nguyện tin theo bằng tất cả sự sáng suốt của họ. Tại sao các ông cứng lòng đến nỗi Chúa phải làm đủ cách, các ông mới tin ? Thưa :
– Thứ nhất, vì cả loài người có ai chết mà tự mình sống lại đâu ! Các ông đã biết : Dầu là tổ phụ như Abraham, Giacóp, Giuse, vĩ đại như Maisen, Đavít, Salomôn và các tiên tri làm nhiều phép lạ như Elia, Ezêkiên… vẫn phải chết.
– Thứ đến, gần ba năm các ông theo Thầy hình như chỉ mong được địa vị danh vọng quyền bính, chỉ mong Thầy lên Giêrusalem để cai trị Israel, nhưng Thầy lại chịu chết. Ngay cả khi Thầy sắp sống lại, sắp về trời, các ông còn hỏi :”Phải chăng đã đến lúc Thầy phải khôi phục vương quốc Israel”(Cv 1,6). Cho nên, dầu Thầy đã ba lần báo trước :”Con người phải chịu nhiều đau khổ…bị giết và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 20,17-18. Mc 10,33-34), các ông vẫn mơ ước có ngày được vinh quang trần thế. Những tham vọng phàm tục đó đã che mắt đức tin của các ông .
Trong đời sống hằng ngày có kẻ chỉ nghe mà tin, có kẻ phải mắt thấy tai nghe mới tin như các thánh nữ, có người đòi chứng nghiệm, thử nghiệm rồi mới tin, như các nhà khoa học phải thí nghiệm đúng mới công nhận. Phải chăng các môn đệ thuộc hạng các nhà khoa học ?
Ngoài ra, chúng ta thấy có những người không tin gì, cả khi họ “chưa thấy” và “chưa hiểu” được cả về phương diện thiêng liêng. Họ là những người kiêu căng, họ cho là họ có thể hiểu được tất cả, cái gì họ không hiểu được là không có. Họ nghĩ rằng mình có thể thấu hiểu mọi vấn đề, kể cả những điều thực sự vượt quá trí hiểu của mình, và cho tin như vậy là làm nhụt trí khôn đi. Họ đã quên rằng không phải những điều xa lạ mà họ không hiểu, nhưng chính những điều trước mắt mà họ cũng không hiểu nổi.
Truyện : Hậu sinh khả úy.
Hồi Khổng Tử còn sống, chính ông đã được nếm bài học này : Hôm ấy ông cỡi xe đi dạo, dọc đường ông gặp một em bé đang ngồi nghịch, lấy đất xây thành. Khổng Tử làm hiệu cho em bé tránh lối, nhưng em trợn mắt hỏi :
– Xe tránh thành hay thành tránh xe.
Nghe câu hỏi hóc búa, Khổng Tử vội vã trụt xuống đấu dịu để vượt qua, nhưng em bé không nghe mà còn hỏi một câu khác nếu thưa được sẽ cho đi. Câu ấy như sau
Thiên thượng linh linh hữu kỷ tinh,
Địa hạ lục lục hữu kỷ ốc ?
(Trời chi chít bao nhiêu ngôi sao,
Dưới đất san sát có bao nóc nhà) ?
Khổng Tử bối rối. Ông hạ giọng :
– Con hỏi ông những sự trước mắt, ông có thể thưa, nhưng với những sự trên trời dưới đất thì ông chịu.
Em bé hỏi luôn :
– Mục trung hữu kỷ mao ? (Trước mắt thầy có mấy cái lông) ?
Khổng Tử chịu và vội vã bước lên xe quay trở lại, miệng lẩm bẩm câu :”Hậu sinh khả úy” (rất đáng sợ người sinh sau đẻ muộn).
Cũng có những người biết rõ có Chúa – có thưởng có phạt, nhưng họ không muốn tin tại vì tin có Chúa phải thờ Chúa – và tin có thưởng có phạt thì phải lo làm lành lánh dữ, đang khi mình làm điều dữ. Phải nói rằng những người này chỉ tin có Chúa khi cần phải tin – tin để có lợi cho họ.
Truyện : Người ta chỉ vô thần khi bình an thôi.
Hôm ấy trên con tầu lênh đênh giữa biển, hành khách truyện vãn với nhau, trong đó có bàn về Thiên Chúa. Trong số những người có mặt, có một vị vô thần. Ông này tìm mọi lẽ bác bỏ Thiên Chúa. Lời ông nói, lý ông đưa ra khá mạnh, khiến một số thính giả xiêu lòng. Câu truyện đương đi thì thình lình có cơn bão lớn khiến con tầu muốn đắm
Người ta thấy mất ông vô thần. Họ bảo nhau đi kiếm thì thấy ông đương quỳ cầu nguyện trong phòng rửa mặt.
Một người hỏi khích ông :
– Ông cầu nguyện với ai ? Ông là người vô thần cơ mà ?
Ông khiêm nhường đáp :
– Người ta chỉ vô thần khi bình an thôi.
- Tin trong gian lao thử thách.
Đức Maria đã bị thử thách : làm sao sinh con mà vẫn còn đồng trinh ? Hoặc biết ăn nói làm sao với thánh Giuse về cái bào thai trong bụng ? Và còn nhiều thử thách trong suốt cuộc đời ? Đức Maria chỉ biết thực hành câu “Xin vâng”. Lời xin vâng được thực hành với tất cả niềm tin và lòng yêu mến. Chính tình yêu hỗ trợ cho niềm tin. Thánh Augustinô đã nói lên ý tưởng đó khi ngài nói :”Ama et fac quod vis” : hãy yêu đi rồi muốn làm gì thì làm.
Truyện : Tình yêu hỗ trợ.
Một cuộc đối thoại giữa hai người yêu :
– Em có bằng lòng lấy anh không ?
– Bằng lòng.
– Chúng ta chỉ mới quen nhau mấy tháng. Em chỉ nghe anh nói thế thôi chứ chưa có dịp “kiểm tra” lý lịch và quá khứ của anh. Sao em tin anh thế ?
– Vì em yêu anh.
Tình yêu hỗ trợ cho niềm tin (Góp nhặt).
Đức Giêsu sống lại đã làm cho các môn đệ tin tưởng, một niềm tin vững chắc ngay trong những gian nan thử thách, không gì có thể làm cho họ nhụt chí.
Blaise Pascal, vị thiên tài toán học, được hấp dẫn đến với đức tin khi ông suy niệm về sự kiện không có sự đe dọa giết chóc nào có thể ngăn cản các môn đệ Đức Giêsu nói thật to cho thế giới biết rằng Ngài đã sống lại. Pascal nói rằng ông tin chắc chắn vào kẻ nào dám sẵn sàng chịu “cắt cổ” vì lời rao giảng của chính mình.
Truyện : Trên bờ sông Kwai.
Những tù nhân trên bờ sông Kwai được lôi cuốn đến với đức tin qua cảm nhận riêng tư về quyền năng Chúa Giêsu đang hoạt động trong cuộc sống của họ. Chúng ta hãy nhớ lại đám tù binh này từng bị lao động đầu trần chân đất dưới cơn nóng cháy da miền nhiệt đới. Trong chỉ vài tuần lễ, từ những người đàn ông lực lưỡng, họ đã biến thành bộ xương biết đi. Tinh thần họ xuống đến mức tệ nhất. Người ta lo sợ sắp có điều gì xẩy ra. Thế nhưng vào ngay thời điểm ấy, hai tù nhân đã đứng lên tổ chức đám tù còn lại thành những nhóm tìm hiểu Kinh thánh, các tù nhân đã học biết rằng Chúa Giêsu Phục sinh đang ở giữa họ. Họ chỉ việc tiếp xúc với Ngài. Và sau khi tiếp xúc với Ngài, đám tù đã được biến đổi một cách kỳ diệu trong cuộc sống từng người. Chính cảm nghiệm thiêng liêng này khiến họ quỳ gối xuống thưa cùng Chúa Giêsu : “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con”(Mark Link).
- Lời Chúa với chúng ta hôm nay
Sau khi Tôma đã thưa với Đức Giêsu :”Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con”, thì Ngài đã nói với ông :”Vì đã trông thấy Thầy, nên con tin. Phúc thay người không thấy mà tin”. Nói điều ấy Chúa có ý nhằm đến chúng ta hôm nay và muôn thế hệ nữa, là những người không được đặc ân nghe tiếng Ngài, đụng chạm đến thân xác thánh thiện của Ngài. Chúng ta tin theo bằng chứng của các Tông đồ và lời giảng dạy của Hội thánh.
Phải chăng chúng ta mỗi người đều là Tôma ? Chúng ta cũng cứng lòng như Tôma trong những cơn gian nan thử thách ? Nhưng Tôma sau khi đã cảm nghiệm về Chúa Phục sinh, ông đã tin, một niềm tin sâu xa và vững mạnh nhất : Đức Giêsu là Thiên Chúa. Chúng ta chỉ được vững mạnh về đức tin khi chúng ta có cảm nghiệm về niềm tin đó. Chúng ta tin vào tình thương Chúa khi chúng ta có cảm nghiệm bằng cách đón nhận tình thương của Chúa trong cuộc sống của mình.
Đức Giêsu mời gọi chúng ta tiếp cận với Ngài trong lòng tin, và vào những vết thương của Ngài. Mặc dầu chúng ta không được đụng chạm vào Ngài về mặt thể lý, nhưng chúng ta có thể tiến lại gần Ngài về mặt thiêng liêng. Và chúng ta cũng được kêu gọi mang lời chứng đến cho những người khác. Công việc của chúng ta là làm cho Đức Giêsu trở thành “nhìn thấy được” trên thế giới. Các môn đệ đầu tiên đã làm theo cách này. Một khi đã được nhìn thấy Đức Kitô, họ cảm thấy bắt buộc phải làm cho người khác nhận biết Ngài.
Thế giới ngày nay đầy rẫy những kẻ hoài nghi và không tin tưởng. Cách thức duy nhất khiến cho họ được biến đổi trong lòng tin, đó là làm như thể họ “nhìn thấy” Đức Giêsu và “đụng chạm “ vào Ngài thông qua những kẻ đi theo Ngài. Nhưng những kẻ đi theo Ngài lại không hề có vết thương tình yêu để bầy tỏ ra cho họ, vì thế, chưa chắc có thể thuyết phục được những kẻ không tin (Flor McCarthy).
Chúng ta có thể kết luận : Việc Tôma không tin lúc đầu là một bảo đảm cho lòng tin của chúng ta thêm vững chắc vì niềm tin Chúa sống lại của chúng ta không chỉ dựa trên những lời nói suông, nhưng được xây dựng trên đức tin của một người thực tế, bình dân, đã nhìn thấy tận mắt và sờ tận tay vào thân xác sống lại của Chúa.
Do đó, cùng với thánh Grêgôriô chúng ta có thể nói :”Ngón tay đa nghi của Tôma đã trở nên ông thầy của toàn thế giới ; bàn tay đa nghi của Tôma đã dạy cho mọi người một sự thật rất chắc chắn, đó là thân xác Đức Giêsu Kitô đã phục sinh”.
Lm. Giuse Đinh lập Liễm Gp. Đà Lạt
…………………………………
Suy Niệm 3: Cảm nghiệm phục sinh
Trong cuộc sống con người luôn phải bắt đầu lại. Niềm vui phục sinh chính là cảm nghiệm về một cuộc sống mới do Thiên Chúa ban tặng. Niềm vui này tuỳ thuộc vào lứa tuổi, vào hoàn cảnh gia đình cũng như môi trường chúng ta đang sống. Khi nhìn lại những chặng đường đã qua tôi đã khám phá ra một vài biến đổi. Sau khi xong bậc tiểu học tôi bỗng dưng trở thành học sinh xuất sắc. Đâu có ai ngờ đây chính là ngưỡng cửa đưa tôi vào chủng viện. Khi con tàu Cap Anamur II cập bến cảng Hamburg tôi cảm thấy dường như đã có ai đó đẩy phiến đá che lấp nấm mồ dĩ vãng đen tối từ bấy lâu nay! Lần đầu tiên tôi cảm nghiệm thế nào là phục sinh.
Mỗi người trong chúng ta có cảm nghiệm về biến cố phục sinh một cách riêng tư và biến cố này cũng không xảy ra với mọi người cùng một lúc. Có rất nhiều con đường giúp chúng ta nhận biết và tin vào Đấng phục sinh. Ông Gioan, người được Đức Giêsu thương mến, chỉ cần một khoảng khắc. Chúng ta có thể tóm tắt một cách gọn gàng trong câu: „Ông đã thấy và đã tin“. Đối với bà Maria thành Mácđala thì dài dòng hơn: Bà đau lòng vì cái chết của Đức Giêsu. Tất cả dường như đã sụp đổ không còn gì nữa! Tâm hồn bà bối rối suy xụp! Lý trí không còn sáng suốt, ánh mắt bị lu mờ bởi nước mắt đến nỗi Đức Giêsu đang đứng kề bên mà bà không thể nào nhận diện. Bà cứ tưởng đó là người làm vườn! Cả giọng nói của Ngài bà cũng không nhận ra. Đức Giêsu cuối cùng phải gọi đích danh tên của bà!
Đối với hai môn đệ trên đường về làng Emmau Ngài còn phải vất vả hơn. Ngài kiên nhẫn lắng nghe họ tâm sự kể lể, rồi từ từ lèo lái giúp họ hiểu mọi sự. Ngài phải lược lại mọi chi tiết từ đầu chí cuối, từ khi Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, qua thời lưu đày của dân Israel, qua thời các ngôn sứ cho đến ngày Đức Giêsu công khai rao giảng và sau cùng chết trên thập giá. Ngài còn phải dùng một dấu chỉ trước bữa ăn để giúp họ cởi mở tâm hồn, sửng sốt bỡ ngỡ khi nhận ra Ngài!
Cảm nghiệm của ông Tôma đặc biệt nhất. Ngài được mệnh danh là kẻ cứng lòng tin. Thánh Gioan còn muốn xác định một sự việc qua lời mô tả về hình ảnh của Tôma: Lòng tin vào Đấng phục sinh vẫn có thể nảy nở và phát triển, mặc dù trong lòng kẻ ấy đầy dẫy thắc mắc và hoài nghi. Ông Tôma không có mặt khi Đức Giêsu từ cõi chết sống lại và hiện ra cùng với các môn đệ. Họ đã kể đầu đuôi câu chuyện cho ông nghe nhưng chỉ dựa vào đó thôi ông không cảm thấy thoả mãn. Ông vẫn thấy dường như còn thiếu một chút gì! Lời chứng của họ không đủ sức thuyết phục ông. Ông bị lòng hiếu kỳ khích động và cũng muốn có cảm nghiệm giống như họ. Ông muốn chính mình mắt thấy tai nghe, bàn tay ông có thể động chạm sờ mó vào vết thương của Đức Giêsu.
Những gì ông Tôma suy nghĩ và phát biểu đều là những cảm nghĩ chân thật phát xuất từ đáy lòng. Ông muốn tự tìm hiểu, khám phá và nhận diện Đấng phục sinh. Ông giống như một nhân vật biểu tượng cho thời đại của chính chúng ta. Ông đã lột tả một cách sâu sắc những ước muốn và suy nghĩ thầm kín của thế hệ trẻ ngày nay. Chúng thường nghĩ rằng: Chúng tôi sinh ra trong một gia đình công giáo. Ngay sau khi lọt lòng mẹ được mấy ngày cha mẹ đã đưa chúng tôi đến nhà thờ để lãnh nhận bí tích Rửa tội. Chúng tôi còn nhỏ có biết gì đâu! Sau này mỗi tuần theo cha mẹ đi nhà thờ tham dự thánh lễ đọc kinh, đâu có ai thắc mắc và hỏi tại sao mình tin vào Đức Giêsu, tại sao mình là người công giáo! Bây giờ chúng ta đã lớn khôn, muốn tự mình tìm hiểu và quyết định lấy. Thật là chuyện đáng mừng khi phần đông giới trẻ thao thức, muốn chính mình cảm nghiệm!
Giáo hội công giáo vì lợi ích mục vụ đã tách bí tích Rửa tội, Rước lễ lần đầu và Thêm sức ra làm ba chặng. Hy vọng trong thời gian chuẩn bị người giáo dân được học hỏi về giáo lý. Bởi vì ai nói tôi là người Kitô hữu thì kẻ ấy cũng phải biết Đức Giêsu Kitô là ai và tại sao tin. Con người phải dùng lý trí để đào sâu đức tin của mình. Nhưng chỉ dựa vào sức lực riêng tư thì con người không có thành tựu tốt đẹp. Đấng phục sinh đã nhiều lần hiện ra với các môn đệ để củng cố và tăng cường lòng tin của họ. Qua cuộc gặp gỡ với Đấng phục sinh lòng tin của ông Tôma đã trở nên chín chắn và trưởng thành. Ngày nay chúng ta không có may mắn diện đối diện với Đấng phục sinh nhưng chúng ta được mời gọi sống tâm tình của ông Tôma mỗi lần lên rước lễ. Qua tấm bánh trong lòng bàn tay chúng ta có thể cảm nhận chính Ngài hiện diện.
Lm Phêrô Trần Minh Đức