spot_img
Thêm
    Trang chủCầu Nguyện & Suy NiệmChúa Nhật & Lễ TrọngThứ Tư trong tuần BÁT NHẬT PHỤC SINH

    Thứ Tư trong tuần BÁT NHẬT PHỤC SINH

    BÀI ĐỌC I: Cv 3, 1-10

    Trong những ngày ấy, vào giờ thứ chín, là giờ cầu nguyện, Phêrô và Gioan lên đền thờ. Lúc bấy giờ có một anh què từ lúc mới sinh, hằng ngày được người ta khiêng đến cửa đền thờ, gọi là Cửa Ðẹp, để xin những người vào đền thờ bố thí cho. Khi thấy Phêrô và Gioan tiến vào đền thờ, anh liền xin bố thí. Phêrô và Gioan nhìn anh và nói: “Anh hãy nhìn chúng tôi”. Anh ngước mắt chăm chú nhìn hai ngài, mong sẽ được hai ngài cho cái gì. Nhưng Phêrô nói: “Vàng bạc thì tôi không có, nhưng có cái này tôi cho anh, là: nhân danh Ðức Giêsu Kitô Nadarét, anh hãy đứng dậy mà đi!” Rồi Phêrô nắm tay mặt anh mà kéo dậy, tức thì mắt cá và bàn chân anh trở nên cứng cát; anh nhảy ngay lên mà đứng và đi được; anh cùng hai ngài tiến vào đền thờ, anh vừa đi vừa nhảy nhót và ngợi khen Thiên Chúa, và dân chúng đều thấy anh đi và ngợi khen Chúa. Họ nhận ra anh chính là kẻ ngồi ăn xin ở Cửa Ðẹp đền thờ, nên họ bỡ ngỡ sửng sốt về việc xảy đến cho anh.

    PHÚC ÂM: Lc 24, 13-35

    Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Ðang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: “Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?” Một người tên là Clêophas trả lời: “Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay”. Chúa hỏi: “Việc gì thế?” Các ông thưa: “Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày Thứ Ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp”. Bấy giờ Người bảo họ: “Ôi kẻ khờ dại, chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Ðấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?” Ðoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn”. Người liền vào với các ông. Ðang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Ðoạn Người biến mất. Họ bảo nhau: “Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?” Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Các vị đó bảo hai ông: “Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon”. Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.

    Suy Niệm 1: ƠN BIẾN ĐỔI BỞI CHÚA PHỤC SINH

    Hai môn đệ Emmau gặp Chúa mà không nhận ra, nhưng vẫn được biến đổi sâu xa trong lòng trí… “Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên trong ta khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?” Nghĩa là sự biến đổi đến từ chính Chúa Phục Sinh – cũng như chính Chúa Phục Sinh đã chủ động đến gặp họ giữa nỗi buồn da diết của họ. Người hiểu tâm trạng họ, hiểu bóng tối còn vây bủa che lấp không cho họ tiếp cận sự thật là chính Người, vị Thầy và Chúa của họ, đã sống lại, chứ không còn chết nữa. Và Người trò chuyện, lắng nghe họ, giúp khai sáng họ, đưa lòng trí họ ra khỏi bóng tối u ám ấy…

    Chúa Phục Sinh đã thành công trong việc khai sáng và vén mở cho hai môn đệ nhận ra sự thật. Bằng cách nào? Bằng cách làm sống dậy ký ức và kinh nghiệm của họ về Người: “Ðang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người”! Một lần nữa, ở đây ta thấy những lời giảng giải Sách Thánh rất cần nhưng chưa đủ – những lời ấy thực sự có sức mạnh làm cho trái tim bừng cháy, nhưng những lời ấy vẫn cần được ‘đóng ấn’ bởi ký ức và kinh nghiệm cá vị và trực tiếp về chính Chúa Giêsu Phục Sinh! Hai ông quay lại, kể cho nhóm mười một về việc mình “nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào”… Sự NHẬN RA ở đây là điều có tính quyết định. Chính Chúa khơi lên ký ức và kinh nghiệm của chúng ta để giúp chúng ta NHẬN RA Người!

    Chính Chúa Phục Sinh đem lại sự biến đổi cho hai môn đệ Emmau. Người trực tiếp chủ động hành động; và sự biến đổi nhận được là sự biến đổi sâu xa của thái độ bên trong. Còn câu chuyện trong sách Công vụ cũng nêu bật nguyên tắc rằng chính Chúa Phục Sinh đem lại sự biến đổi – nhưng ở đây trước hết là sự biến đổi bên ngoài, trên bình diện thể lý: người què bẩm sinh bỗng đứng lên và đi được! Một phép lạ! Và phép lạ này xảy ra nhân danh Chúa Giêsu Kitô: “Vàng bạc thì tôi không có, nhưng có cái này tôi cho anh, là: nhân danh Ðức Giêsu Kitô Nadarét, anh hãy đứng dậy mà đi!” Phêrô và Gioan truyền cho anh què làm thế, nhưng hai vị khẳng định đó là quyền năng của Chúa Phục Sinh chứ không phải quyền lực của mình.

    Chúng ta có thể kết luận: (1) Chúa Phục Sinh đem lại mọi sự biến đổi, mọi sự chữa lành – cả bên trong lẫn bên ngoài; và (2) Chúa Phục Sinh không chỉ trực tiếp chủ động làm thế, mà Người còn trao quyền cho các chứng nhân của Người sắp đặt để Người làm thế.

    Chúng ta đang được phủ trùm bởi năng lực biến đổi của Chúa Phục Sinh. Chỉ cần chúng ta nhận ra, bằng ký ức và kinh nghiệm mà chính Chúa ban cho mình!

    Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.

    ………………………………..

    Suy Niệm 2: NHẬN RA CHÚA TRONG BÍ TÍCH THÁNH THỂ

    Như chúng ta đã trình bày hôm qua, sách Công Vụ Các Tông Đồ đã tường thuật cho chúng ta thấy những gì các Tông Đồ đã làm, và qua đó chúng ta nhận ra rằng tất cả những gì các ngài nói và làm đều lặp lại những gì Chúa Giêsu đã nói và làm. Vì vậy, chúng ta nhận ra câu chuyện trong bài đọc 1 hôm nay tương tự với câu chuyện của anh mù từ khi lọt lòng mẹ được tường thuật trong Tin Mừng Thánh Gioan (x. Ga 9:1-41). Chúng ta tập trung vào hình ảnh của những nhân vật chính trong bài đọc 1 để xem Chúa muốn mình làm gì hôm nay.

    Đặt mình trong trường hợp của anh què, chúng ta sẽ phản ứng thế nào khi có người nào đó bỗng dưng cho chúng ta điều mà chúng ta thực sự mong ước từ lâu nhưng chưa ai cho? Có lẽ lúc còn nhỏ, anh què cũng mong ước được chạy nhảy như chúng bạn. Năm tháng trôi qua, anh sống trong cảnh tối tăm và dần dần hài lòng với đời sống “ăn xin” của mình: “Ngày ngày họ đặt anh ta bên cửa Đền Thờ gọi là Cửa Đẹp, để xin kẻ ra vào Đền Thờ bố thí” (Cv 3:2). Mong ước của anh bây giờ chỉ đơn giản là kiếm đủ tiền ăn mỗi ngày. Mong ước được chạy nhảy, đi lại đã dần chết trong lòng anh. Anh thật sự không còn hy vọng được nhìn thấy ánh sáng. Hình ảnh của anh què cũng là hình ảnh của mỗi người chúng ta. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng mong ước được đi đến với ánh sáng trong những đêm đen. Nhưng năm tháng trôi qua, điều chúng ta mơ ước không được đáp ứng. Chúng ta vẫn đi một mình cô đơn trong bóng tối. Từ từ, chúng ta bỏ cuộc và hài lòng với việc sống trong bóng đen của cuộc đời. Chúng ta cảm thấy thoả mãn với những “bố thí” của con người và quên đi Thiên Chúa, Đấng mà đối với Ngài mọi sự đều có thể (x. Mt 19:26). Hãy đến với Chúa trong những đêm đen của cuộc đời, vì Ngài là ánh sáng bất diệt.

    Đặt mình trong trường hợp của Phêrô và Gioan, chúng ta sẽ làm gì cho anh què? Thường khi một người xin chúng ta một điều gì đó, chúng ta chỉ nhìn thấy nhu cầu trước mắt của người đó và đáp ứng lại, chứ chúng ta không nhìn thấy nhu cầu xa của người đó. Chúng ta thường nghe nói rằng: Hãy dạy cho người khác câu cá thay vì cho họ cá mỗi ngày, để họ có thể câu cá hầu cung cấp cho chính mình và những người thân của họ. Phêrô và Gioan không chỉ nhìn thấy nhu cầu “cần của ăn áo mặc” của anh què, nhưng còn nhìn thấy khát vọng đã chết trong lòng anh ta, khát vọng được chạy nhảy và đi lại. Và các ngài đã đáp ứng khát vọng thầm kín này của anh. Tuy nhiên, khát vọng này chỉ có thể được đáp ứng “nhân danh Đức Giêsu Kitô.” Điều này nhắc nhở chúng ta rằng, chỉ có một mình Đức Giêsu Kitô mới có thể đáp ứng những nhu cầu mà chúng ta không thể tìm thấy ở con người; và chúng ta cũng chỉ có thể giúp người khác đi ra khỏi đêm đen của đời họ nhờ nhân danh Đức Giêsu Kitô.

    Hình ảnh của Phêrô và Gioan trong tương quan với người què nhắc nhở chúng ta về một nguyên tắc không thể thay đổi trong đời, đó là chúng ta không thể cho cái chúng ta không có [hay nói cách tích cực, chúng ta chỉ có thể cho cái chúng ta có]. Chúng ta không thể cho người khác tiền, nếu chúng ta không có tiền. Như vậy, chúng ta không thể cho người khác Chúa Giêsu nếu chúng ta không có Ngài trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta có Chúa Giêsu trong cuộc đời mình để mang Ngài đến cho người khác không? Nếu chúng ta chưa có Ngài trong con tim của mình, hãy chuẩn bị cho Ngài một chỗ để Ngài ngự vào ngay hôm nay. Có như thế, chúng ta mới có thể thốt lên như Thánh Phêrô: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nadarét, anh đứng dậy mà đi!” (Cv 3:6).

    Bài Tin Mừng hôm nay kể về câu chuyện của hai môn đệ trên đường Emmaus. Để hiểu bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần lưu ý đến những chi tiết sau: (1) thần học của Tin Mừng Thánh Luca; (2) cấu trúc của bài Tin Mừng; (3) thái độ của Chúa Giêsu; (4) thái độ của hai môn đệ. Chúng ta cùng nhau phân tích từng điểm trên để rút ra những điều đáng suy gẫm cho ngày sống của chúng ta.

    Thứ nhất, thần học của Tin Mừng Thánh Luca: Một trong những nét đặc trưng về thần học của Tin Mừng Thánh Luca là Chúa Giêsu “luôn trên đường hành trình,” và hành trình của Ngài chỉ có một, từ “bên ngoài vào Giêrusalem.” Nói cách khác, Giêrusalem là điểm kết thúc của hành trình tại thế của Chúa Giêsu [và khởi đầu của các môn đệ]. Đây là bối cảnh để chúng ta hiểu những điều xảy ra trong Tin Mừng. Ba ngày trước đây, Chúa Giêsu đã kết thúc hành trình của mình tại Giêrusalem qua biến cố “ông Giêsu Nadarét, Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá” (Lc 24:19-20). Và hôm nay, “vào ngày thứ nhất trong tuần, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmaus, cách Giêrusalem chừng mười một cây số” (Lc 24:13). Các ông đã đi một hành trình “ngược với hành trình của Chúa Giêsu” [Chúa Giêsu đi vào Giêrusalem còn các ông đi ra khỏi Giêrusalem]. Kết quả là “họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu” Cv 24:17). Chi tiết này cho chúng ta thấy rằng: những ai đi ngược lại với hành trình của Chúa Giêsu sẽ kết thúc trong âu sầu buồn bả. Nói cách khác, những ai không đi chung hành trình với Chúa Giêsu sẽ luôn có “vẻ mặt buồn rầu.” Chi tiết này cũng được chứng thực trong dụ ngôn Người Samaria Nhân Hậu (x. Lc 10:29-37): “Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết.” Chúng ta có đang đi chung hành trình với Chúa Giêsu không?

    Thứ hai, cấu trúc của bài Tin Mừng: Qua những diễn tiến của câu chuyện “Emmaus” được trình thuật trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể nhận ra được cái “cấu trúc đầu tiên của Thánh Lễ.” Thật vậy, hành trình của Chúa Giêsu giúp các môn đệ nhận ra Ngài được bắt đầu với việc “Đức Giêsu nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24:25-27). Phần này tương ứng với phần Phụng Vụ Lời Chúa. Sau phần này, lòng hai môn đệ đã cháy bừng lên. Sau khi lòng được cháy bừng lên vì được “Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho,” các ông nhận ra Chúa khi “Ngài đồng bàn với họ, và Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ.” Phần này tương xứng với phần Phụng Vụ Thánh Thể. Chúng ta thấy ở đây hai phần gắn kết chặt chẽ không rời nhau và trong cả hai phần, chính Chúa Giêsu là Người thực hiện việc “giải thích Sách Thánh” và “bẻ bánh và trao” cho chúng ta. Những chi tiết này nhắc nhở chúng ta về thái độ của mình khi đến tham dự thánh lễ: Lòng chúng ta có cháy bừng lên khi nghe lời Chúa và mắt chúng ta có mở ra để nhận ra Chúa Giêsu trong Thánh Thể không?

    Thứ ba, thái độ của Chúa Giêsu: một trong những điều chúng ta có thể học được nơi Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng là nghệ thuật đồng hành với người khác [nhất là đồng hành thiêng liêng]. Việc đồng hành này đòi hỏi sự sẵn sàng đi với người được đồng hành, lắng nghe câu chuyện của họ, giải thích cho họ và kiên nhẫn tìm mọi cách để giúp họ ra khỏi tình trạng của mình để cuối cùng thay đổi hành trình của mình để trở về với hành trình mà Thiên Chúa muốn họ đi. Điều này không dễ dàng cho chúng ta, những người thường thấy người khác mắc sai lầm [đi sai đường] là bắt đầu “lên giọng dạy đời.” Chúng ta nhận ra trong bài Tin Mừng việc Chúa Giêsu thấy hai môn đệ “đi sai đường,” đi “ngược với đường Ngài đã đi,” hay có thể nói là chạy trốn nơi họ chứng kiến cảnh đau thương mà không đọc được ý nghĩa đằng sau những đau thương mà họ chứng kiến và cảm nghiệm, nhưng Ngài vẫn đến và thinh lặng đồng hành với họ. Điều đáng để chúng ta lưu ý ở đây là việc chính Chúa Giêsu “tiến đến gần và cùng đi với họ” (Lc 24:15). Ngài là người chủ động tiến đến và đồng hành với chúng ta trong những giây phút đau buồn. Ngài muốn chia sẻ với chúng ta mọi sự, nhất là khi chúng ta bước đi trong bóng đêm của đức tin. Ngài tiến lại cùng đi và một cách kiên nhẫn giải thích cho chúng ta hiểu về ý nghĩa đau khổ của chúng ta. Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta làm như Ngài: Khi thấy người khác đi sai đường, chúng ta không lên án họ, nhưng sẵn sàng đồng hành với họ, lắng nghe họ, kiên nhẫn tìm cách giải thích cho họ cho đến khi họ trở lại. Bao lâu họ còn chưa nhận ra họ đang đi trên “con đường sai lạc,” bấy lâu chúng ta không “biến mất” khỏi họ. Hãy đồng hành với những anh chị em đang đi trong đêm đen của cuộc đời cho đến khi họ tìm lại được ánh sáng! Hãy lắng nghe và chia sẻ với những người đau buồn cho đến khi họ tìm lại được niềm vui!

    Thứ tư, thái độ của hai môn đệ: chi tiết đầu tiên chúng ta lưu ý nơi hai môn đệ là sự thay đổi trong cái nhìn của họ. Trước khi chia sẻ với Chúa Giêsu, họ để cho nỗi đau buồn của “tất cả những sự việc vừa mới xảy ra” che mờ, khiến “mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Chúa Giêsu.” Nhưng sau khi họ được Chúa Giêsu đồng hành, giải thích và nhất là “nài ép” Chúa Giêsu ở lại với họ “vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn,” họ đã nhận ra Ngài trong “nghi thức bẻ bánh.” Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng để cho nỗi buồn chiếm lấy chúng ta. Chúng ta không chịu để cho bất kỳ ai an ủi. Hệ quả là chúng ta sống mãi trong nỗi buồn miên man của mình. Giống như hai môn đệ trên đường Emmaus, chúng ta phải “nài ép” Chúa Giêsu đến ở với chúng ta khi ngày sống của chúng ta đã về chiều và bóng đêm đen bắt đầu làm chúng ta hoảng sợ. Chi tiết thứ hai chúng ta cần lưu ý đó là sự thay đổi trong hành trình của hai môn đệ. Trong phần đầu của bài Tin Mừng, chúng ta thấy hai môn đệ “buồn rầu đi ra khỏi Giêrusalem” vì họ đi ngược với hành trình của Chúa Giêsu. Nhưng khi nhận ra Chúa Giêsu lúc Ngài bẻ bánh, “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó” (Lc 24:33). Họ đã vui mừng đi lại hành trình Chúa Giêsu đã đi. Điều này cho chúng ta hay rằng, chỉ những ai nhận ra Chúa Giêsu, nhất là trong Thánh Thể, mới có khả năng đi lại hành trình tự hiến và yêu thương mà Chúa Giêsu đã đi và trở nên nhân chứng cho sự phục sinh của Ngài.

    Lm. Anthony, SDB.

    ……………………………..

    Suy Niệm 3: Trên đường đi Emmau

    1. Sau Matthêu và Gioan, đến phiên thánh Luca tường thuật. Tin Mừng Luca được gọi là “Tin Mừng của người môn đệ”, Luca tường thuật tác động việc Đức Giêsu chết và sống lại nơi các môn đệ. Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau, biến đổi con người từ thái độ ngờ vực đến thái độ tin nhận một cách xác tín và làm chứng cho Tin mừng Phục sinh.2.Trên đường về Emmau, Đức Giêsu Phục sinh đã đến bên cạnh họ, nhưng họ không nhận ra Ngài. Thấy họ buồn rầu vì cái chết gây xôn xao của Thầy mà họ tin là Đấng Messia. Chúa đã giải thích cho họ, dựa theo Kinh Thánh, rằng Đấng Messia phải chịu đau khổ và chết để đi vào vinh quang. Sau đó, theo lời nài nỉ của hai môn đệ, Ngài cũng vào nhà với các ông. Ngài ngồi vào bàn, đọc lời chúc lành trên bánh, bẻ ra và trao cho các ông. Chính lúc ấy, hai môn đệ mới nhận ra Thầy, nhưng Ngài đã biến mất, để lại cho họ sự ngỡ ngàng trước tấm bánh được bẻ ra, dấu chỉ của sự hiện diện. Lập tức hai người đã trở về Giêrusalem loan báo Chúa Phục sinh mà họ đã thấy và thuật lại tất cả cảc điều đã xẩy ra cho các môn đệ.
    1. Đức Giêsu đã nhận lời mời của hai ông, dừng lại ở quán trọ Emmau, Ngài quan tâm đến nhu cầu của các ông. Ngày nay cũng vậy, Ngài luôn luôn dừng lại khi được yêu cầu và sẵn sàng ở lại với những ai cần đến Ngài. Đúng thế, Đức Giêsu là Đấng luôn luôn biết dừng chân khi được mời gọi, Ngài là Đấng luôn luôn hiểu thấu khi được cầu cứu, Ngài là Đấng luôn luôn chữa lành khi được đụng tới, Ngài là Đấng luôn luôn ở lại với những ai cần đến Ngài, Ngài là Đấng luôn luôn quan tâm và thương xót tất cả mọi người, chẳng trừ ai.
    1. Đường Emmau của các môn đệ tượng trưng cho cuộc lữ hành của chúng ta trên dương thế. Tâm trạng của các ông là hình ảnh điển hình cho những kinh nghiệm về cuộc khủng hoảng đức tin của mỗi người chúng ta đối diện hằng ngày làm cho chúng ta mệt mỏi thất vọng và bào mòn niềm tin. Nhưng trên đường cuộc sống, giữa những thử thách khủng hoảng, Đức Giêsu đến bên cạnh và giúp cho các môn đệ thanh luyện đức tin trong ý nghĩa của các Lời Kinh Thánh quy về Đấng Thiên Sai – Giêsu.
    1. Để làm sống lại đức tin đã bị lung lay, người môn đệ cần có ba yếu tố : Kinh Thánh, Bí tích Thánh Thể, cộng đoàn sống đức tin.
      Lời Chúa là của ăn nuôi sống đức tin. Toàn bộ Kinh Thánh đều qui về Đức Giêsu Kitô. Khi bị thử thách, người môn đệ không nên cắt đứt với Lời Chúa, nhưng hãy kiên trì đọc, suy niệm  và khiêm tốn xin Chúa giải thích lời Chúa cho mình hiểu. Tâm hồn hai môn đệ Emmau đã bừng cháy lên khi nghe Chúa giải thích Kinh Thánh.
      Nhưng Kinh Thánh mới chỉ là khởi đầu của một cuộc trở về, một cuộc phục hồi đức tin còn được thể hiện khi hai môn đệ nhận ra Đức Giêsu lúc Ngài bẻ bánh. Từ ngữ Bẻ bánh” trong cộng đoàn Kitô tiên khởi có nghiã là cử hành Bí tích Thánh Thể : Bí tích Thánh Thể hoàn tất điều mà Lời Chúa khơi dậy trong tâm hồn con người.
      Cuối cùng, đích điểm của cuộc trở lại là cộng đoàn đức tin : đức tin được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và Mình Chúa không thể chỉ dừng lại hoặc giới hạn nơi cá nhân, mỗi môn đệ là thành phần của cộng đoàn đang tuyên xưng đức tin : đức tin không bao giờ chỉ là đức tin riêng rẽ, nhưng là đức tin trong một cộng đoàn :”Tôi tin”, đồng thời cũng là “Chúng tôi tin” (Mỗi ngày một tin vui)
    1. Giữa những bước đi thăng trầm của cuộc đời, chúng ta xin cùng Chúa rằng :”Xin Thầy ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Chiều về, ngày sắp tàn là lúc bóng đêm buông xuống, và sự dữ cùng bóng tối hoành hành, thế lực bóng tối mà chúng con phải chiến đấu. Xin Chúa ở luôn với chúng con trên đường đầy chông gai và thử thách. Xin Chúa lưu lại với chúng con, để dạy chúng con biết sống như những Kitô hữu “biết chỗi dạy” và “hồi sinh”.
    1. Truyện : Cộng đoàn Emmau của cha Phêrô.
      Cộng đoàn Emmau khởi sự bằng một căn nhà đổ nát ở vòng đai của thánh phố Paris trong đệ nhị thế chiến. Ban đầu qui tụ những người đầu tiên là các thanh thiếu niên bụi đời, những người không nhà không cửa, hoặc các tù nhân vừa được phóng thích, nói chung là tất cả những người thiếu thốn khốn khổ trong cuộc sống hằng ngày…
      Đấng sáng lập là cha Phêrô (Pierre), là một nhân vật sau này đầu thế kỷ XXI được nhân dân Pháp yêu mến nhất trong các nhân vật nổi bật của nước Pháp. Cha Phêrô thường nói với những người vừa đặt chân đến cộng đoàn :”Bạn không được may mắn, nhưng tôi cần bạn để giúp đỡ những người khác…”. Dù khổ sở đến đâu, ai cũng muốn người khác nhìn nhận giá trị của mình, ai cũng muốn mình trở nên hữu ích cho người khác. Đó là sự khích lệ mà cha Phêrô luôn khơi dậy nơi những người đã mất tất cả hy vọng, một cái nhìn rất nhân bản, khuyến khích mọi người bất hạnh luôn vươn lên trong cuộc sống.
      Hơn cả một ý nghĩa nhân bản, khi cha Phêrô đặt tên Emmau cho cộng đoàn, ngài và cộng đoàn nhớ lại câu chuyện hai môn đệ của Đức Giêsu trong buổi chiều Phục Sinh. Nhận ra Chúa đồng hành với môn sinh trên đường Emmau.  Cũng như hai môn đệ này, giữa lúc họ tưởng như mất tất cả, Đức Giêsu đã hiện đến mang lại niềm tin cho họ trong con đường Emmau cuộc đời. Cha Phêrô và các anh em cộng sự đã tìm gặp Đấng Phục Sinh trong lữ hành cuộc đời, như hai môn đệ trên đường Emmau, đó là tất cả hứng khởi, niềm tin yêu giữa những mất mát ê chề của cuộc sống, nhưng vẫn tiến bước về Giêrusalem với niềm hân hoan Chúa Phục Sinh hiện diện.

    Lm. Giuse Đinh Lập Liễm Gp. Đà Lạt

                                                                                       

    BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

    VIDEO CLIPS

    THÔNG TIN ƠN GỌI

    Chúng tôi luôn hân hoan kính mời các bạn trẻ từ khắp nơi trên đất Việt đến chia sẻ đặc sủng của Hội Dòng chúng tôi. Tuy nhiên, vì đặc điểm của ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, chúng tôi xin được đề ra một vài tiêu chuẩn để các bạn tiện tham khảo:

    • Các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, thuộc gia đình đạo đức, được các Cha xứ giới thiệu hoặc công nhận.
    • Ứng Sinh phải qua buổi sơ tuyển về Giáo Lý và văn hoá.

    Địa chỉ liên lạc về ơn gọi:

    • Nhà Mẹ: 115 Lê Lợi - Lộc Thanh - TP. Bào Lộc - Lâm Đồng.
    • ĐT: 0263 3864730
    • Email: menthanhgiadalatvn@gmail.com