spot_img
Thêm
    Trang chủCầu Nguyện & Suy NiệmChúa Nhật & Lễ TrọngThứ Hai trong tuần BÁT NHẬT PHỤC SINH

    Thứ Hai trong tuần BÁT NHẬT PHỤC SINH

    BÀI ĐỌC I: Cv 2, 14. 22-32

    Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô cùng với mười một Tông đồ đứng ra, lên tiếng nói rằng: “Hỡi các người Do-thái và tất cả những ai ở Giêrusalem, xin hãy biết điều này và lắng nghe lời tôi! Hỡi những người Israel, xin hãy nghe những lời này: “Ðức Giêsu Nadarét là người đã được Thiên Chúa chứng nhận giữa anh em bằng những việc vĩ đại, những điều kỳ diệu và những phép lạ, mà Thiên Chúa đã dùng Người để thực hiện giữa anh em, như chính anh em đã biết. Theo như Thiên Chúa đã định và biết trước, Người đã bị nộp, và anh em đã dùng tay kẻ độc ác mà hành hạ rồi giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã giải thoát Người khỏi những đau khổ của cõi chết mà cho Người phục sinh, vì không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong đó. Vì chưng, Ðavít đã nói về Người rằng:

    ‘Tôi hằng chiêm ngưỡng Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu tôi, để tôi không nao núng. Vì thế, lòng tôi hân hoan, miệng lưỡi tôi hát mừng, và xác tôi yên nghỉ trong niềm cậy trông; vì Chúa không để linh hồn tôi trong cõi chết, và không để Ðấng Thánh của Chúa thấy sự hư nát. Chúa đã cho tôi biết con đường sự sống và cho tôi tràn đầy hân hoan tận hưởng nhan thánh Chúa’. “Hỡi anh em, xin cho phép tôi được bạo dạn nói với anh em về tổ phụ Ðavít rằng: ngài đã băng hà, đã được an táng và lăng tẩm của ngài còn nằm giữa chúng ta cho đến ngày nay. Nhưng vì ngài là tiên tri, và biết Thiên Chúa đã thề hứa với ngài sẽ cho một người trong dòng dõi ngài ngồi trên ngai vàng của ngài, nên thấy trước, ngài đã nói về việc Chúa Kitô phục sinh, vì Người không phải bị bỏ rơi trong cõi chết, và xác Người không bị huỷ diệt. Ðức Giêsu đó, Thiên Chúa đã cho sống lại; chúng tôi hết thảy xin làm chứng về điều ấy”.

    PHÚC ÂM: Mt 28, 8-15

    Khi ấy, các bà vội ra khỏi mồ vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Chúa. Và này Chúa Giêsu đón gặp các bà, Người nói: “Chào các bà”. Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo: “Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó họ sẽ gặp Ta”. Ðang khi các bà lên đường, thì mấy người lính canh vào thành báo tin cho các thượng tế biết tất cả những gì đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ lão, và sau khi đã bàn định, họ cho lính một số tiền lớn và bảo rằng: “Các anh hãy nói rằng: Ban đêm khi chúng tôi đang ngủ, thì môn đệ ông đến lấy trộm xác ông. Nếu việc này đến tai tổng trấn, chúng tôi sẽ thương lượng với ông, không để các anh phải phiền hà đâu”. Bọn lính canh nhận tiền và đã làm y như họ căn dặn chúng. Bởi thế, lời đó được phao truyền nơi người Do-thái cho đến ngày nay.

    Suy Niệm 1: TẤT CẢ CHÚNG TÔI XIN LÀM CHỨNG!

    Chứng từ về Phục Sinh chủ yếu đặt nền trên kinh nghiệm. Và kinh nghiệm được vun đắp từ ký ức. Có ký ức cá nhân và có ký ức tập thể nữa. Vì thế, Phêrô và anh em Tông Đồ khi trao lời chứng cho người Do thái đã gợi lại ký ức về vua Đavít, một nhân vật thế giá bậc nhất trong lịch sử dân tộc này. Phêrô giải thích rằng chính Đavít đã nói trước về sự sống lại của Chúa Kitô! Nhưng lời của vua Đavít trong Sách Thánh, dù thế giá đến mấy, cũng chỉ nâng đỡ cho chính ký ức và kinh nghiệm của Phêrô và các Tông Đồ về sự kiện Chúa sống lại. Cuối cùng, chứng từ được chốt lại ở đây là: “Ðức Giêsu đó, Thiên Chúa đã cho sống lại; CHÚNG TÔI HẾT THẢY XIN LÀM CHỨNG!”

    Chúa Phục Sinh ban cho các phụ nữ, rồi các ông, ký ức và kinh nghiệm về sự sống lại của Người, bằng cách Người đích thân gặp họ. Nhưng sự thật rành rành mà họ kinh nghiệm ấy bị đề kháng bởi sự nghi nan của một số người, và nhất là bị tấn công vùi dập bởi những người khác. Nếu một kịch bản đã được dựng lên, và người ta đã giết được Chúa Giêsu, thì giờ đây những người ấy bị phiền phức vì Chúa chết nhưng rồi đã sống lại. Vì thế, họ lại cần dựng một kịch bản khác để dập tắt sự kiện sống lại này. Các thượng tế đã hối lộ cho nhóm lính canh để các anh này dựng chuyện và phao tin thất thiệt!

    Ngày nay, chúng ta hoang mang với nhiều tin giả (fake news) và hiểu sự độc hại của những tin giả trong một thế giới rất mạnh về các công cụ truyền thông. Chính Chúa Phục Sinh, Đấng là Sự Thật, đã là ‘nạn nhân’ của tin giả như thế. Các chứng nhân của Chúa bị làm phiền bởi tin giả. Sứ mạng làm chứng không dễ dàng chút nào.

    Rốt cuộc, để làm chứng cho sự thật, và để đương đầu với sự bịa đặt dối trá, các môn đệ thừa sai là chúng ta chỉ có vũ khí sắc bén nhất là chính ký ức và kinh nghiệm của mình mà thôi. Bởi tiên vàn, ký ức và kinh nghiệm của ta về sự hiện diện và hoạt động của Chúa Phục Sinh cũng chính là ân sủng mà ta được ban tặng.

    Chúa Giêsu đã sống lại! Tất cả chúng tôi xin làm chứng! Alleluia.

    Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.

    ………………………………

    Suy Niệm 2: TỪ BỎ SỰ LẠNH LÙNG CỦA NGÔI MỘ ĐỂ SỐNG NIỀM VUI PHỤC SINH

    Trong Mùa Phục Sinh, các bài đọc 1 được lấy từ sách Công Vụ các Tông Đồ. Vào khoảng cuối thế kỷ thứ hai, cuốn sách này được gán cho Thánh Luca. Theo các học giả Kinh Thánh, sách Công Vụ các Tông Đồ là cuốn thứ hai trong bộ sách hai cuốn của Thánh Luca viết về lịch sử Kinh Thánh [Tin Mừng Thánh Luca là cuốn thứ nhất]. Cuốn sách này trình bày ơn cứu độ được hứa cho dân Israel trong Cựu Ước, được Đức Giêsu Kitô hoàn thành và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần đã được mang đến cho dân ngoại như thế nào. Công Vụ các Tông Đồ được viết khoảng năm 80-90 AD.

    Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta tìm thấy điều được gọi là Kerygma [“giảng dạy”]. Từ này được dùng để trình bày nội dung sứ điệp của các Tông Đồ về Chúa Giêsu. Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta trong Thư gởi tín hữu Rôma [10:14] rằng, Kerygma là điều thiết yếu mà chúng ta phải tin để được ơn cứu độ. Chúng ta tìm thấy Kerygma trong lời giảng dạy của Thánh Phêrô: “Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi. (Cv 2: 23-24). Những lời này được Thánh Phêrô lập lại trong đoạn tiếp theo: “Người đã chết và được mai táng, và mộ của người còn ở giữa chúng ta cho đến ngày nay. Nhưng vì là ngôn sứ và biết rằng Thiên Chúa đã thề với người là sẽ đặt một người trong dòng dõi trên ngai vàng của người, nên người đã thấy trước và loan báo sự phục sinh của Đức Kitô khi nói: Người đã không bị bỏ mặc trong cõi âm ty và thân xác Người không phải hư nát. Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng” (Cv 2:29-32). Đọc những lời này, chúng ta có thể nhận ra những yếu tố sau đây của Kerygma: Chúa Giêsu đã bị nộp, bị đóng đinh, chết và đã phục sinh [sống lại]. Đây là nội dung của lời rao giảng đầu tiên của các tông đồ. Nói cách khác, sứ điệp về Chúa Giêsu mà các Tông Đồ rao giảng là Ngài đã chết cho chúng ta, đã sống lại và sẽ đến trong vinh quang. Như vậy, sứ điệp đầu tiên của Tin Mừng là sứ điệp Thập Giá và Phục Sinh của Chúa Giêsu, sứ điệp của cuộc “vượt qua” từ sự chết đến sự sống của Chúa Giêsu. Như Thánh Phêrô và các Tông Đồ, chúng ta cũng được mời gọi để rao giảng sứ điệp của cuộc vượt qua của Chúa Giêsu trong ngày sống của mình. Qua lời nói, cử chỉ và hành động của mình, chúng ta phải tỏ cho người khác biết rằng chúng ta đang sống mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu, đó là chúng ta đã chết đi cho con người cũ của mình và đang sống con người mới đầy yêu thương trong Đức Kitô.

    Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta về việc hiện ra của Chúa Giêsu. Đây là chứng cớ thứ hai chứng minh về sự Phục Sinh của Chúa Giêsu ngoài chứng cớ về ngôi mộ trống. Trong bài Tin Mừng, Thánh Mátthêu trình bày cho chúng ta thấy phản ứng khác nhau trước sự kiện phục sinh của Chúa Giêsu. Các người phụ nữ “vội vã rời khỏi mồ,” rời khỏi nơi “chôn kẻ chết.” Đây là dấu hiệu đầu tiên của sự phục sinh, đó là đi ra khỏi “vùng đất tối tăm và bóng của sự chết” cách “nhanh chóng.” Dấu hiệu cho biết chúng ta đang sống mầu nhiệm Phục Sinh là chúng ta “nhanh chóng” rời bỏ những thói hư tật xấu, những thái độ không tốt không hay mà giam giữ chúng ta trong “ngôi mộ” của sự lạnh lùng và vô cảm trước lời mời gọi nên thánh của Thiên Chúa.

    Chúng ta thấy nơi các người phụ nữ có một cảm giác hỗn hợp giữa “sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giêsu hay” (Mt 28:8). Trong tâm lý học, cảm giác hỗn hợp giữa sợ hãi và niềm vui thường xảy ra cho những người chuẩn bị lập gia đình. Nhìn từ khía cạnh này, hình ảnh “hôn nhân” [Giữa Đức Kitô và Hội Thánh] được hàm chứa trong bối cảnh của sự phục sinh. Nỗi sợ hãi của các bà bị tan biến và niềm vui của các bà vỡ oà khi “Chúa Giêsu đón gặp các bà.” Khi gặp Chúa Giêsu, nỗi sợ hãi và niềm vui đã nhường chỗ cho hành vi “tôn thờ”: “Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người” (Mt 28:9). Và Chúa Giêsu đã trao cho các bà sứ mệnh: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó” (Mt 28:10). Các bà trở thành “tông đồ của các tông đồ.” Nói cách khác, các bà là những chứng nhân đầu tiên của sự phục sinh. Tuy nhiên, điểm chúng ta lưu ý trong câu 10 là việc Chúa Giêsu gọi các môn đệ là “anh em của Thầy.” Câu này hàm chứa sự tha thứ của Chúa Giêsu cho kẻ đã “chối Ngài,” và những kẻ đã “bỏ Ngài.” Dấu ấn của phục sinh là chúng ta “biến kẻ thù, biến những người làm chúng ta đau khổ, biến những người xúc phạm đến chúng ta, biến những người chúng ta không thích thành anh chị em của chúng ta.”

    Một cách tổng quát, bài Tin Mừng hôm nay trình bày về một chân lý thường xảy ra trong đời sống thường ngày của chúng ta, đó là cùng một sự kiện nhưng có những thái độ, phản ứng và lối giải thích khác nhau. Người có cảm tình phản ứng và giải thích khác với người không có cảm tình; người vui giải thích sự kiện khác với người buồn; người tin thì phản ứng và giải thích khác với người không tin. Thật vậy, cùng sự kiện Chúa Giêsu phục sinh, nhưng các người phụ nữ và các môn đệ tin vì họ có “cảm tình” với Chúa Giêsu, trong khi đó các thượng tế thì không tin và giải thích khác về sự kiện: “Các anh hãy nói như thế này: ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác” (Mt 28:13). Điều này nhắc nhở chúng ta rằng: trước một sự kiện sẽ có nhiều phản ứng và lối giải thích khác nhau. Đây là điều hiển nhiên vì chúng ta mang những tâm trạng khác nhau và đứng trên những quan điểm khác nhau để nhìn và giải thích sự kiện. Vì thế, chúng ta đừng có kết án người khác và cho là họ không đúng. Phản ứng đúng nhất là “lắng nghe” và tìm ra điểm chung, điểm hiệp nhất chúng ta lại với nhau và với Chúa. Và khi chúng ta có “phản ứng tiêu cực” trước một sự kiện hay một người nào đó, hãy “làm việc” trên phản ứng tiêu cực của mình trước khi tìm cách giải thích và thay đổi sự kiện hay người khác.

    Điểm cuối cùng của bài Tin Mừng hôm nay làm chúng ta suy gẫm là hành động “cộng tác trong công việc sai trái” giữa các thượng tế và lính gác. Các thượng tế thì “cho lính một số tiền lớn” và dạy lính canh “nói dối” [hay bóp méo sự thật] (x. Mt 28:12-13), còn các lính canh thì “nhận tiền và làm theo lời [các thượng tế] dạy” (Mt 28:15). Đây cũng chính là điều thường xảy ra trong ngày sống của chúng ta. Chúng ta “cộng tác” vào “việc xấu” của người khác bằng nhiều cách, như lắng nghe nói xấu rồi “thêm dầu vào lửa,” khuyên người khác làm điều xấu, v.v. Hơn thế nữa, nhiều khi chúng ta như các thượng tế, thay vì làm chứng cho sự thật, chúng ta tìm mọi cách để bóp méo sự thật; hoặc như các lính canh, vì một vài lợi ích vật chất cho cá nhân, chúng ta sẵn sàng bóp méo sự thật để hãm hại anh chị em của mình. Phục sinh là mùa mời gọi chúng ta sống đúng và sống thật với ơn gọi Kitô hữu và đời sống mới trong Đức Kitô.

    Lm. Anthony, SDB.

    ………………………………………….

    Suy Niệm 3: Chúa đã sống lại thật chăng

    1. Các bài Tin mừng trong tuần bát nhật mừng Đức Giêsu Phục sinh đều ghi lại các cuộc hiện ra của Đức Giêsu. Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại việc Đức Giêsu hiện ra với các phụ nữ, cách riêng với bà Maria Mađalena, để củng cố niềm tin và sai các bà đi báo tin cho các Tông đồ. Ngoài ra, Tin Mừng còn nói đến việc các nhà lãnh đạo tôn giáo Do thái mua chuộc các lính canh mồ để phản bác việc Đức Kitô sống lại.
    1. Thánh Matthêu là tác giả duy nhất đã so sánh thái độ của hai dạng chứng nhân về việc Chúa Phục Sinh : một bên là những phụ nữ đã từng theo Đức Giêsu, và một bên là những lính canh mồ do các thượng tế và biệt phái sắp đặt.
      Cả hai bên đều nhận lãnh một sứ điệp : những phụ nữ được các thiên thần cổ võ đã lên đường loan báo sứ điệp Phục Sinh cho các Tông đồ; những lính canh mồ thoạt tiên cũng nhận lãnh các sứ điệp như thế : họ đã chứng kiến một phép lạ, nhưng thay vì tuân phục với đức tin, họ đã bóp méo và chối bỏ sự thật.
      Một sự kiện nhưng hai phản ứng : với sự tuân phục của đức tin, các phụ nữ đã đón nhận phép lạ và trở thành sứ giả của Tin Mừng Phục Sinh; trong khi đó, với thái độ mù quáng và khước từ, những lính canh mồ đem biến sự kiện thành một bôi nhọ phỉ báng.
    1. Đức Giêsu đã Phục sinh với các chứng từ rõ ràng không thể chối cãi được. Đối với Đức Giêsu, phục sinh là chiến thắng hoàn toàn sự chết, thế gian và xác thịt, nghĩa là thân xác phục sinh không thể chết được nữa, thân xác phục sinh không thể bị giới hạn trong không gian hoặc thời gian. Chẳng hạn Đức Giêsu khi phục sinh vẫn đi vào nhà các môn đệ khi cửa đóng kín, vẫn có thể hiện diện nhiều nơi như vừa đồng hành với môn đệ trên đường Emmau nhưng khi các môn đệ đó quay lại thì lại được các môn đệ ở nhà kể lại vừa gặp Chúa.
      Kitô hữu là người đối diện với Tin Mừng Phục Sinh và được trao nhiệm vụ đi loan báo cho người khác tin vui này… Tuy nhiên, như nhóm lính canh, có thể vì sợ hãi trước quyền lực trần thế, hay vì một chút lợi lộc, họ đành tâm phản bội Tin Mừng, và do đó cho đến nay vẫn còn những hiểu biết lệch lạc về Đức Kitô và về Giáo hội.
    1. Trở lại sự kiện giả dối của giới cầm quyền Do thái giáo mà bài Tin Mừng kể ra, chúng ta thấy sự kiện này cũng phản ánh một thực tế bất công và dối trá nơi cuộc sống này đã có từ ngàn xưa. Thậm chí ngày nay còn đáng sợ hơn.
      Chân lý loài người luôn thuộc về kẻ mạnh, người ta dùng tiền để mua chuộc và đổi trắng thay đen, biến công thành tội, sự thật bị xuyên tạc bóp méo. Đặc biệt những Kitô hữu và những người dám sống thật luôn bị thua thiệt và bị vu oan giáng họa kết tội cách bất công. Người ta dùng tiền và quyền để bịt miệng và để kết án.
      Thế nhưng, chính sự thật thì người ta  sẽ không mãi mãi trù dập nó được, sự kiện Phục sinh vẫn được hàng tỷ người trên thế giới tuyên xưng và phát triển đã hơn 2000 năm lịch sử… Các môn đệ của Chúa lúc bị xuyên tạc, các ngài không cần kêu oan mà cứ mạnh dạn tuyên xưng những gì mình thấy và sống mầu nhiệm Phục Sinh cách hoàn hảo.
    1. “Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy…”.
      Nhà cầm quyền Do thái giáo đã mua chuộc lính canh mồ, khiến họ chối bỏ sự kiện Chúa đã sống lại mà chính họ đã chứng kiến. Dĩ nhiên – trong hôm nay – tin đồn lệch lạc này vẫn được loan truyền khắp thế giới con người… Sự kiện đưa chúng ta đến hai vấn đề : đó là Hối lộ là chuyện muôn thuở và Tham nhũng luôn nhằm bóp méo sự thật,
      Kho tàng truyện cổ dân gian có câu chuyện của hai nhân vật Cải và Ngò…
      Hai người nông dân cục mịch có chuyện với nhau nên… ục nhau…
      Cả hai đem chuyện kiện nơi ông Lý. Cải sợ kém thế nên lót tay ông Lý 5  đồng… Ngò thì lót 10 đồng… Xử kiện, ông Lý vẫn phạt Cải một chục roi… Cải giơ 5 ngón tay… ý nhắc là Cải đã đưa trước 5 đồng.  Thầy Lý lấy năm ngón bàn tay trái úp lên năm ngón bàn tay phải và phán :Tao biết mày “phải”, nhưng nó “phải” bằng hai mày…
    1. Truyện : Niềm vui Phục Sinh.
      Vậy là đã qua ngày sinh nhật vui vẻ với nhiều lời chúc, hoa và quả. Tôi trở về với cuộc sống thường nhật. Hụt hẫng ! Cố níu kéo cảm giác hạnh phúc hôm qua. Nhưng đành bất lực.
      … Có một niềm vui bên cạnh tôi chẳng bao giờ tan biến nhưng tôi nào hay biết : Chúa của tôi phục sinh. Một niềm vui trọng đại, một ân điển lớn lao, cho bạn và cho tôi.
      Bởi lẽ :
      Tình yêu đã chiến thắng.
      Sự thật đã lên ngôi.
      Bạn và tôi hãy xóa bỏ hận thù, tranh chấp; hãy xa lánh mọi điều dối gian, để thế giới và nhân loại được phục sinh nơi Ngài.
      Ước gì niềm vui của Đấng Phục Sinh tràn ngập hồn con, để con đem sinh khí cho người tuyệt vọng; đem nụ cười cho kẻ khóc than; làm tươi trẻ những tâm hồn héo úa; dọi ánh sáng vào nơi tối tăm; đem niềm vui và hạnh phúc đến mọi người; xây Thiên đàng ngay trần thế hôm nay (Epphata, ban mục vụ giới trẻ TP/HCM).

    Lm. Giuse Đinh Lập Liễm Gp. Đà Lạt

    BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

    VIDEO CLIPS

    THÔNG TIN ƠN GỌI

    Chúng tôi luôn hân hoan kính mời các bạn trẻ từ khắp nơi trên đất Việt đến chia sẻ đặc sủng của Hội Dòng chúng tôi. Tuy nhiên, vì đặc điểm của ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, chúng tôi xin được đề ra một vài tiêu chuẩn để các bạn tiện tham khảo:

    • Các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, thuộc gia đình đạo đức, được các Cha xứ giới thiệu hoặc công nhận.
    • Ứng Sinh phải qua buổi sơ tuyển về Giáo Lý và văn hoá.

    Địa chỉ liên lạc về ơn gọi:

    • Nhà Mẹ: 115 Lê Lợi - Lộc Thanh - TP. Bào Lộc - Lâm Đồng.
    • ĐT: 0263 3864730
    • Email: menthanhgiadalatvn@gmail.com