Trần Mỹ Duyệt
Trong khi suy niệm về Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, chúng ta thấy có hai bộ mặt phản bội được nhắc đến bằng tên gọi rõ ràng: Phêrô và Giuđa Iscariot (Giuđa). Cả hai đều là Tông Đồ thuộc nhóm Mười Hai, những người mà chính Chúa Giêsu đã tuyển chọn. Phêrô được Chúa ưu ái trao cho chìa khóa nước trời, được chọn làm nền tảng tòa nhà Hội Thánh của Ngài: “Phêrô anh là đá, trên đá này Thầy sẽ xây giáo hội Thầy, và các cửa Hỏa Ngục cũng không phá nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa nước trời; sự gì anh cầm buộc dưới đất trên trời cũng cầm buộc, và sự gì anh tháo gỡ dưới đất trên trời cũng tháo gỡ” (Mátthêu 16:18-19), còn Giuđa được tín nhiệm giao cho túi tiền của nhóm (Gioan 13:29). Nhưng rồi, cả hai đã sai phạm, phản bội Thầy mình. Phêrô chối Thầy ba lần, Giuđa thì hôn Thầy để bán Thầy.
Trước khi có một cái nhìn về sự phản bội của họ, chúng ta cũng nên biết tổng quát về hai con người Phêrô và Giuđa:
Phêrô:
Lịch sử của Phêrô theo Thánh Kinh ghi lại, ông xuất thân là người chài lưới, tính tình năng nổ, nhiệt thành, và bộc trực. Ông không ngại can ngăn Chúa đừng lên Giêrusalem chịu chết. Ông đã hai lần được Chúa Giêsu dành cho những ưu ái đặc biệt: một lần cùng em là Giacôbê và Gioan được lên núi cao và được chiêm ngắm Chúa biến hình. Và ông cũng cùng với Giacôbê và Gioan được Chúa chọn vào vườn Cây Dầu, chứng kiến cơn hấp hối của Thầy.
Ông đã tuyên xưng Chúa Giêsu là con Thiên Chúa khi mọi người nghi ngờ và định rút lui: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống.” (Mátthêu 16:16) Ông đã tuyên bố sẵn sàng chết với Chúa: “Lạy Chúa, tại sao con không theo Chúa được ngay bây giờ. Con sẵn lòng liều mạng vì Thầy.” (Gioan 13:37). Nhưng cũng chính ông đã không ngần ngại chối Ngài. Chúa Giêsu đã trả lời ông: “Anh sẵn lòng liều mạng vì Thầy sao? Thật vậy, Thầy bảo anh trước khi gà gáy, anh đã chối Thầy ba lần.” (Gioan 13:38)
Giuđa:
Cũng theo những nhà giải thích Thánh Kinh, Giuđa Iscariot xuất thân là người Do Thái tại một thành phố ở phía nam Judah. Là người duy nhất trong Nhóm Mười Hai không xuất xứ từ Galilee. Hắn là người được trao nhiệm vụ giữ túi tiền của Nhóm. Một điều xem như bất ngờ tìm thấy trong Thánh Kinh, trong khi nhắc đến danh tính các Tông Đồ, Giuđa Iscariot luôn luôn được nhắc đến sau cùng. Điều này đã nói lên rằng mối tương quan giữa Chúa Giêsu và Giuđa là không thân thiết.
Không giống như các môn đệ khác gọi Chúa Giêsu là “Chúa” (Lord), Giuđa không bao giờ dùng danh xưng này để gọi Ngài, và thay vào đó, hắn chỉ xưng hô với Ngài là “Rabbi”. Trong tiếng Do Thái từ này có nghĩa là “thầy”. Hắn chỉ coi Chúa Giêsu là một người thầy không hơn, không kém. Trong khi các môn đệ khác nhiều lần tuyên xưng đức tin và trung thành với Ngài (Gioan 6:68; 11:16), Giuđa chưa bao giờ làm thế, và hắn chỉ giữ im lặng. Hành động này cũng chứng tỏ hắn không tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế (Messiah).
Thánh Kinh đã ghi lại vài lần hiếm hoi trao đổi giữa Chúa Giêsu và Giuđa. Thí dụ, việc hắn phàn nàn về việc Maria xức dầu chân Chúa. (Gioan 12:1-8). Đối với hành động phản bội của hắn (Luca 22:48). Chính hắn mặc dù đã có tư tưởng phản bội Thầy mình, vẫn thản nhiên hỏi Ngài: “Rồi Giuđa kẻ phản bội Ngài cũng nói: “Thưa thầy (Rabbi) có phải tôi không?” (Mátthêu 26:25) Khi ở trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu đã vắn tắt nhắc nhở hắn về hành động phản bội: “Giuđa, ngươi dùng cái hôn này mà nộp Con Người sao?” (Luca 22:48) Và đối với con người này, Chúa Giêsu đã phải than lên: “Khốn cho kẻ nộp Con Người! Thà rằng nó đừng sinh ra thì hơn.” (Marcô 14:21)
Sự khác biệt giữa Phêrô và Giuđa:
Phêrô và Giuđa đã phản bội Thầy, nhưng Phêrô sau khi đã biết mình sai lỗi thì khóc lóc thảm thiết, thống hối bày tỏ thái độ hối hận, ăn năn về hành động của mình. Tin tưởng vào tình thương tha thứ của Thầy.
Sau khi phản bội, bán Thầy, Giuđa đã tỏ ra thất vọng, từ chối lòng thương xót của Chúa tự đi tìm cái chết. Đối với Giuđa, hắn trao nộp Chúa Giêsu vì đã không tin tưởng Ngài.
Lý do khiến hai người phản bội, đối với Phêrô vì trong lúc đối diện với nguy cơ trước mắt và dựa vào tình huống thúc đẩy, đức tin của Phêrô bị chao đảo. Ông đã hoảng hốt đánh mất niềm tin của chính ông vào Chúa Giêsu, cũng như những gì ông đã thề hứa trước đó.
Dưới khía cạnh con người, hành động Phêrô chối Thầy nói lên sự mỏng dòn và bất toàn của con người. Sự sợ hãi đã làm ông mất đi lý trí, và trước sức ép của giây phút hiện tại, ông đã vội vã chối Thầy.
Trường hợp của Giuđa hoàn toàn khác. Hắn có đầy đủ khả năng và tự do để chọn lựa hành động của mình – mặc dù Thánh Kinh có nói rằng “Satan nhập vào hắn” (Gioan 13:27). Hơn thế nữa, chính Giuđa cũng biết Chúa Giêsu đã nói trước về ý định của hắn: “Thầy nói thật với anh em, một trong anh em sẽ phản bội thầy – người cùng ăn với Thầy” (Marcô 14:18).
Sự khác nhau quan trọng cần lưu ý là việc chối Thầy của Phêrô không giống như sự bội phản của Giuđa. Trong khi Giuđa tự động giao nộp Chúa Giêsu cho nhà chức trách, Phêrô chối Chúa Giêsu vì sợ hãi. Một bên hành động vì yếu đuối, nhát đảm. Một bên hành động có tính toán và chủ ý.
Bài học thực hành:
Trong khi suy niệm về Cuộc Khổ Nạn, Phục Sinh của Chúa Giêsu, hai hình ảnh môn đệ đã xuất hiện và khiến chúng ta tự hỏi: “Tôi là ai? Phêrô hay Giuđa?” Và câu trả lời là “cả hai”. Dù là Phêrô hay Giuda. Dù hành động theo cảm tính hay do lý trí. Điều quan trọng chính là đừng cố tình phản bội Chúa như Giuđa, và nếu như vì yếu đuối, sa ngã, tôi phải như Phêrô biết chỗi dậy, ăn năn, và tìm về với lòng thương xót Chúa.
Nguồn: thanhlinh.net/vi/