spot_img
Thêm
    Trang chủCầu Nguyện & Suy NiệmTÂM TÌNH NGÀY LỄ TIỆC LY

    TÂM TÌNH NGÀY LỄ TIỆC LY

    Tuổi thơ mỗi người, nếu được ươm mầm trong bầu khí đạo đức và lời kinh tiếng hát, ắt hẳn sẽ có những kỷ niệm mà chỉ cần một âm vang nhẹ thôi cũng đủ khơi dậy cả một trời thương nhớ. Với tôi, những buổi chiều tà rộn ràng tiếng chuông nhà thờ, hay những giờ kinh gia đình đơn sơ nhưng ấm cúng đã gieo vào lòng một thứ bình an khó tả. Nhất là trong những buổi cử hành nghiêm trang của Tam Nhật Thánh, tôi vẫn nhớ rõ cảm giác rưng rưng khi nghe câu hát thấm đẫm tâm tình: “Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em…”  lời Kinh Thánh không chỉ là âm vang mà còn là lưỡi dao nhẹ nhàng cứa vào lòng, mở ra một cõi cảm nghiệm thiêng liêng sâu lắng. Mỗi một nghi thức, mỗi một cử chỉ của phụng vụ không còn chỉ là hình thức, mà là một lời mời gọi – một lời mời gọi sống trọn vẹn hơn trong tình yêu, trong sự phục vụ, trong tinh thần hiệp thông của người môn đệ theo Thầy. Và có lẽ, những ai đã một lần chìm vào khoảnh khắc linh thiêng của chiều thứ năm Tuần Thánh sẽ hiểu rằng, Thánh Lễ ấy không chỉ là tưởng niệm, mà là cuộc sống được tiếp nối trong từng bước chân phục vụ yêu thương của chính mình.

    Thế nhưng, mỗi độ tuổi và trong mỗi chặng hành trình cuộc đời, tôi lại dần khám phá ra những chiều sâu mới mẻ trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu. Đặc biệt, khi bước vào đời sống thánh hiến trong ơn gọi Mến Thánh Giá, tôi càng ý thức rõ hơn về ý nghĩa sâu xa của những ngày trọng đại này. Vì bước chân của người nữ tu theo sát Đấng Chịu-Đóng-Đinh không thể thiếu tình yêu, thiếu sự hy sinh và tinh thần hiệp thông chia sẻ. Đó là điều được thể hiện một cách chân thực nơi nghi thức của ngày thứ năm Tuần Thánh. Đây không chỉ là bữa tiệc tưởng niệm cuộc vượt qua nhưng còn là lời trăn trối, là khoảnh khắc Chúa Giêsu cúi xuống rửa chân cho các môn đệ; một hành động khiêm hạ và yêu thương tột cùng. Cử chỉ ấy như một lời mời gọi tôi bước vào mầu nhiệm của Bí Tích Thánh Thể không chỉ bằng tâm hồn thờ lạy mà còn qua việc sống tinh thần phục vụ.

    Thật vậy, với tôi thánh lễ tiệc ly chính là cử chỉ của sự hy sinh và là lời mời gọi hiệp nhất yêu thương vô điều kiện. Sống trong Linh Đạo Mến Thánh Giá là cơ hội để tôi được đào sâu và sống đúng bản chất của nghi thức hồng ân này. Từ đó, tôi càng hiểu hơn rằng những cử hành của thứ năm tuần thánh không chỉ dừng lại ở những cử hành bên ngoài nhưng còn là một cuộc tưởng niệm bữa ăn cuối cùng của Chúa, tưởng niệm về bài học yêu thương của Thầy Giêsu. Quả thế, Chúa đã dạy cho các môn đệ không chỉ bằng lời nói nhưng còn là hành động cúi xuống rửa chân cho các môn đệ của mình. Từ đây, Giáo Hội tiếp nối lệnh truyền của Chúa bằng việc tái diễn lại việc mà Ngài đã từng làm, cử chỉ của tình yêu và phục vụ.

    Trong buổi chiều tà của ngày thứ năm Tuần Thánh, hình ảnh vị linh mục cởi áo lễ, cột khăn thắt lưng đi đến từng người, cúi xuống rửa chân và nhẹ nhàng lấy khăn thắt lưng lau chân họ. Ngài nhẹ nhàng nâng chân họ, đặt một cái hôn của tình thương, những cử chỉ của người phục vụ ấy như đánh thức tôi sống lại bài Tin Mừng: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Lời nói của Chúa Giêsu như một lời nhắc nhở, lời yêu cầu, nài nỉ: hãy nhớ đến Thầy; nhớ đến hành động tình yêu của Thầy dành cho anh em và hãy cúi xuống phục vụ như Thầy đã cúi xuống phục vụ anh em.

    Ngày hôm nay, khi sống mầu nhiệm Thánh Thể, tôi luôn ý thức rằng đây chính là Bí Tích của tình yêu trao ban trọn vẹn. Chúa Giêsu đã không giữ lại điều gì cho riêng mình, Ngài đã ban chính thân mình để nuôi dưỡng những ai Ngài yêu thương, trong đó có tôi. Và qua nghi thức rửa chân, tôi lại thấy rõ nét hơn dung mạo của một tình yêu phục vụ; một tình yêu được diễn tả không chỉ bằng lời nói mà bằng hành động khiêm hạ và đầy cảm động.

    Xưa kia, Chúa đã không loại trừ một ai. Ngài cúi xuống rửa chân cho Giuđa, kẻ sẽ phản bội Ngài; cho Phêrô, người sắp chối Thầy ba lần; Ngài cũng rửa chân cho môn đệ được Ngài yêu, người đã đứng dưới chân Thập Giá đến giây phút cuối cùng. Ngài rửa chân cho tất cả, kể cả những người sẽ bỏ rơi Ngài trong giờ thử thách. Và kỳ diệu thay, Ngài đã tha thứ cho họ trước cả khi họ kịp nhận ra mình sẽ vấp ngã. Giờ đây, khi sống lại những giây phút linh thánh của hơn hai ngàn năm trước, tôi cũng đặt mình vào vị trí của từng môn đệ năm xưa và nghẹn ngào nhận ra: Chúa Giêsu vẫn đang cúi xuống rửa chân cho tôi, cho tất cả chúng ta, không loại trừ một ai. Ngài vẫn yêu tôi bằng một tình yêu thủy chung không đổi, dù tôi không đáng yêu, dù tôi đã bao lần lầm lỗi. Ngài vẫn tha thứ để dạy tôi bài học tình yêu nơi chính cuộc đời của Ngài.

    Việc rửa chân còn là dấu chỉ của sự hiệp nhất và hy sinh. Bởi “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,16), nên nền tảng của Hội Thánh cũng không thể là điều gì khác ngoài tình yêu. Việc hiện tại hóa nghi thức này trong phụng vụ không chỉ để tưởng niệm một biến cố xưa cũ, mà là để diễn tả một tình yêu đang sống động, tình yêu giữa Hội Thánh và đoàn dân Thiên Chúa, và sâu xa hơn, là tình yêu giữa con người với nhau. Vâng, chỉ có tình yêu mới có thể khỏa lấp những chia rẽ, hận thù, ích kỷ, ganh ghét. Bài học yêu thương Chúa không chỉ dành cho các Tông Đồ năm xưa, mà vẫn đang vang vọng cho tôi, cho bạn, và cho tất cả những ai mang danh là hiền thê của Đấng Chịu Đóng Đinh. Vì chỉ có tình yêu mới nối kết được những trái tim hòa chung một nhịp, giúp mỗi người dám khiêm tốn cúi mình, hy sinh phục vụ, và tha thứ cho nhau từ trái tim chân thành.

    “Nếu Ta là Thầy và là Chúa mà còn rửa chân cho các con…” Lời hát tôi đã từng nghe và hát biết bao năm qua, nay lại một lần nữa vang lên trong buổi chiều thứ năm Tuần Thánh, như một ngọn lửa âm thầm cháy sáng giữa màn đêm đang dần buông xuống. Không phải là ánh sáng lấp lánh bên ngoài, nhưng là ánh sáng của một niềm vui sâu thẳm; niềm vui khi được sống lại khoảnh khắc của tình yêu cúi xuống, của hy sinh phục vụ, của một trái tim sẵn sàng dâng hiến vì người mình yêu. Chúa vẫn ở đó, trong mỗi Thánh lễ, trong từng nghi thức để tiếp tục yêu thương, dạy dỗ tôi từng bài học của Ngài: cho đi dù thiệt thòi, yêu thương dù bị từ chối, phục vụ dù chẳng được đáp trả.

    Và với tôi, tình yêu của Chúa chính là ánh sáng soi đường cho hành trình hiến dâng của tôi; là nguồn mạch để tôi dám sống trọn vẹn cho lý tưởng mà mình đã chọn lựa. Mỗi buổi chiều thứ năm Tuần Thánh đi qua trong đời dâng hiến của tôi không bao giờ giống nhau, vì mỗi lần cử hành lại là một lần được biến đổi, được chạm vào trái tim Thiên Chúa. Và tôi thầm nguyện: xin cho con được trở nên cánh tay nối dài của Chúa, Đấng đã cúi xuống và chết vì yêu. Để qua từng ngày sống, từng phút giây phục vụ, con có thể trở thành dấu chỉ của một tình yêu không ngừng tự hiến.

     

    Vy Vy

    BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

    VIDEO CLIPS

    THÔNG TIN ƠN GỌI

    Chúng tôi luôn hân hoan kính mời các bạn trẻ từ khắp nơi trên đất Việt đến chia sẻ đặc sủng của Hội Dòng chúng tôi. Tuy nhiên, vì đặc điểm của ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, chúng tôi xin được đề ra một vài tiêu chuẩn để các bạn tiện tham khảo:

    • Các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, thuộc gia đình đạo đức, được các Cha xứ giới thiệu hoặc công nhận.
    • Ứng Sinh phải qua buổi sơ tuyển về Giáo Lý và văn hoá.

    Địa chỉ liên lạc về ơn gọi:

    • Nhà Mẹ: 115 Lê Lợi - Lộc Thanh - TP. Bào Lộc - Lâm Đồng.
    • ĐT: 0263 3864730
    • Email: menthanhgiadalatvn@gmail.com