BÀI ĐỌC I: Is 52,13 – 53,12
Này tôi tớ Ta sẽ được cao minh, sẽ vinh thăng tấn phát, cao cả tuyệt vời. Cũng như nhiều người đã kinh ngạc, vì thấy người tàn tạ mất hết vẻ người, dung nhan người cũng không còn nữa, cũng thế, muôn dân sẽ sửng sốt, các vua không còn biết nói chi trước mặt người. Vì họ sẽ thấy việc chưa ai kể cho mình, sẽ biết điều mình chưa hề được nghe. Ai mà tin được điều chúng ta nghe? Và Chúa đã tỏ ra sức mạnh cho ai? Người sẽ lớn lên trước mặt Ngài như một chồi non, như một rễ cây, tự đất khô khan. Người chẳng còn hình dáng, cũng chẳng còn sắc đẹp để chúng ta nhìn ngắm, không còn vẻ bên ngoài, để chúng ta yêu thích; bị người đời khinh dể như kẻ thấp hèn nhất, như kẻ đớn đau nhất, như kẻ bệnh hoạn, như một người bị che mặt và bị khinh dể, bởi đó, chúng ta không kể chi đến người. Thật sự, người đã mang lấy sự đau yếu của chúng ta, người đã gánh lấy sự đau khổ của chúng ta. Mà chúng ta lại coi người như kẻ phong cùi, bị Thiên Chúa đánh phạt và làm cho nhuốc hổ. Nhưng người đã bị thương tích vì tội lỗi chúng ta, bị tan nát vì sự gian ác chúng ta. Người lãnh lấy hình phạt cho chúng ta được bình an, và bởi thương tích người mà chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lang thang như chiên cừu, mỗi người một ngả. Chúa đã chất trên người tội ác của tất cả chúng ta. Người hiến thân vì người tình nguyện và không mở miệng như con chiên bị đem đi giết, và như chiên non trước mặt người xén lông, người thinh lặng chẳng hé môi. Do cưỡng bách và án lệnh, người đã bị tiêu diệt; ai sẽ còn kể đến dòng dõi người nữa, bởi vì người đã bị khai trừ khỏi đất người sống; vì tội lỗi dân Ta, Ta đánh phạt người. Người ta định đặt mồ người giữa những kẻ gian ác, nhưng khi chết, người được chôn giữa kẻ giàu sang, mặc dầu người đã không làm chi bất chánh, và miệng người không nói lời gian dối. Chúa đã muốn hành hạ người trong đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn, và nhờ người, ý định Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi khổ tâm của người, người sẽ thấy và sẽ được thoả mãn. Nhờ sự thông biết, tôi tớ công chính của Ta sẽ công chính hoá nhiều người, sẽ gánh lấy những tội ác của họ. Bởi đó, Ta trao phó nhiều dân cho người, người sẽ chia chiến lợi phẩm với người hùng mạnh. Bởi vì người đã hiến thân chịu chết và đã bị liệt vào hàng phạm nhân, người đã mang lấy tội của nhiều người, và đã cầu bầu cho các phạm nhân.
BÀI ĐỌC II: Dt 4, 14-16; 5, 7-9
Anh em thân mến, chúng ta có một thượng tế cao cả đã đi qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, nên chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta. Vì chưng, không phải chúng ta có thượng tế không thể cảm thông sự yếu đuối của chúng ta, trái lại, Người đã từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.
Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Đấng có thể cứu mình khỏi chết, và vì lòng thành kính, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người.
PHÚC ÂM: Ga 18,1 – 19, 42
“Sự Thương Khó Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.
C: Người đọc Chung, Thánh Sử; S: Người đối thoại khác, hoặc Cộng đoàn. J: Chúa Giêsu
C. Bài Thương Khó Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi với môn đệ sang qua suối Xêrông, ở đó có một khu vườn, Người vào đó cùng với các môn đệ. Giuđa, tên phản bội, đã biết rõ nơi đó, vì Chúa Giêsu thường đến đấy với các môn đệ. Nên Giuđa dẫn tới một toán quân cùng với vệ binh do các thượng tế và biệt phái cấp cho, nó đến đây với đèn đuốc và khí giới. Chúa Giêsu đã biết mọi sự sẽ xảy đến cho Mình, nên Người tiến ra và hỏi chúng: J. “Các ngươi tìm ai?” C. Chúng thưa lại: S. “Giêsu Nadarét”. C. Chúa Giêsu bảo: “Ta đây”. C. Giuđa là kẻ định nộp Người cũng đứng đó với bọn chúng. Nhưng khi Người vừa nói “Ta đây”, bọn chúng giật lùi lại và ngã xuống đất. Người lại hỏi chúng: J. “Các ngươi tìm ai?” C. Chúng thưa: S. “Giêsu Nadarét”. C. Chúa Giêsu đáp lại: “Ta đã bảo các ngươi rằng Ta đây! Vậy nếu các ngươi tìm bắt Ta, thì hãy để cho những người này đi”. C. Như thế là trọn lời đã nói: “Con chẳng để mất người nào trong những kẻ Cha đã trao phó cho Con”. Bấy giờ Simon Phêrô có sẵn thanh gươm, liền rút ra đánh tên đầy tớ vị thượng tế, chém đứt tai bên phải. Đầy tớ ấy tên là Mancô. Nhưng Chúa Giêsu bảo Phêrô rằng: J. “Hãy xỏ gươm vào bao. Chén Cha Ta đã trao lẽ nào Ta không uống!” C. Bấy giờ, toán quân, trưởng toán và vệ binh của người Do-thái bắt Chúa Giêsu trói lại, và điệu Người đến nhà ông Anna trước, vì ông là nhạc phụ của Caipha đương làm thượng tế năm ấy. Chính Caipha là người đã giúp ý kiến này cho người Do-thái: để một người chết thay cho cả dân thì lợi hơn. Còn Phêrô và môn đệ kia vẫn theo Chúa Giêsu. Môn đệ sau này quen vị thượng tế nên cùng với Chúa Giêsu vào trong sân vị thượng tế, còn Phêrô đứng lại ngoài cửa. Vì thế, môn đệ kia là người quen với vị thượng tế, nên đi ra nói với người giữ cửa và dẫn Phêrô vào. Cô nữ tì gác cửa liền bảo Phêrô: S. “Có phải ông cũng là môn đệ của người đó không?” C. Ông đáp: S. “Tôi không phải đâu”.
C. Đám thủ hạ và vệ binh có nhóm một đống lửa và đứng đó mà sưởi vì trời lạnh, Phêrô cũng đứng sưởi với họ. Vị thượng tế hỏi Chúa Giêsu về môn đệ và giáo lý của Người. Chúa Giêsu đáp: J. “Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ, Tôi thường giảng dạy tại hội đường và trong đền thờ, nơi mà các người Do-thái thường tụ họp, Tôi không nói chi thầm lén cả. Tại sao ông lại hỏi Tôi? Ông cứ hỏi những người đã nghe Tôi về những điều Tôi đã giảng dạy. Họ đã quá rõ điều Tôi nói”. C. Nghe vậy, một tên vệ binh đứng đó vả mặt Chúa Giêsu mà nói: S. “Anh trả lời vị thượng tế như thế ư”. C. Chúa Giêsu đáp: J. “Nếu Ta nói sai, hãy chứng minh điều sai đó; mà nếu Ta nói phải, thì tại sao anh lại đánh Ta?” C. Rồi Anna cho giải Người vẫn bị trói đến cùng vị thượng tế Caipha. Lúc ấy Phêrô đang đứng sưởi. Họ bảo ông: S. “Có phải ông cũng là môn đệ người đó không?” C. Ông chối và nói: S. “Tôi không phải đâu”. C. Một tên thủ hạ của vị thượng tế, có họ với người bị Phêrô chém đứt tai, cãi lại rằng: S. “Tôi đã chẳng thấy ông ở trong vườn cùng với người đó sao?” C. Phêrô lại chối nữa, và ngay lúc đó gà liền gáy.
Bấy giờ họ điệu Chúa Giêsu từ nhà Caipha đến pháp đình. Lúc đó tảng sáng và họ không vào pháp đình để khỏi bị nhơ bẩn và để có thể ăn Lễ Vượt Qua. Lúc ấy Philatô ra ngoài để gặp họ và nói: S. “Các ngươi tố cáo người này về điều gì”. C. Họ đáp: S. “Nếu hắn không phải là tay gian ác, chúng tôi đã không nộp cho quan”. C. Philatô bảo họ: S. “Các ông cứ bắt và xét xử theo luật của các ông”. C. Nhưng người Do-thái đáp lại: S. “Chúng tôi chẳng có quyền giết ai cả”. C. Thế mới ứng nghiệm lời Chúa Giêsu đã nói trước: Người sẽ phải chết cách nào. Bấy giờ Philatô trở vào pháp đình gọi Chúa Giêsu đến mà hỏi: S. “Ông có phải là Vua dân Do-thái không?” C. Chúa Giêsu đáp: J. “Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?” C. Philatô đáp: S. “Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?” C. Chúa Giêsu đáp: J. “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng nước tôi không thuộc chốn này”. C. Philatô hỏi lại: S. “Vậy ông là Vua ư?” C. Chúa Giêsu đáp: J. “Quan nói đúng: Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng tôi”. C. Philatô bảo Người: S. “Chân lý là cái gì?” C. Nói lời này xong, ông lại ra gặp người Do-thái và bảo họ: S. “Ta không thấy nơi người này có lý do để khép án. Nhưng theo tục lệ các ngươi, ta sẽ phóng thích cho các ngươi một tù nhân vào dịp Lễ Vượt Qua. Vậy các ngươi có muốn ta phóng thích Vua Do-thái cho các ngươi chăng?” C. Họ liền la lên: S. “Không phải tên đó, nhưng là Baraba”. C. Baraba là một tên cướp. Bấy giờ Philatô truyền đem Chúa Giêsu đi mà đánh đòn Người. Binh sĩ kết một triều thiên bằng gai nhọn đội lên đầu Người và nói: S. “Tâu Vua Do-thái!” C. Và vả mặt Người. Philatô lại ra ngoài và nói: S. “Đây ta cho dẫn người ấy ra ngoài cho các ngươi để các ngươi biết rằng ta không thấy nơi người ấy một lý do để kết án”. C. Bấy giờ Chúa Giêsu đi ra, đội mão gai và khoác áo đỏ. Philatô bảo họ: S. “Này là Người”. C. Vừa thấy Người, các thượng tế và vệ binh liền la to: S. “Đóng đinh nó vào thập giá! Đóng đinh nó vào thập giá!” C. Philatô bảo họ: S. “Đấy các ngươi cứ bắt và đóng đinh ông vào thập giá, phần ta, ta không thấy lý do nào kết tội ông”. C. Người Do-thái đáp lại: S. “Chúng tôi đã có luật, và theo luật đó nó phải chết, vì nó tự xưng là Con Thiên Chúa”. C. Nghe lời đó Philatô càng hoảng sợ hơn. Ông trở vào pháp đình và nói với Chúa Giêsu: S. “Ông ở đâu đến?”
C. Nhưng Chúa Giêsu không đáp lại câu nào. Bấy giờ Philatô bảo Người: S. “Ông không nói với ta ư? Ông không biết rằng ta có quyền đóng đinh ông vào thập giá và cũng có quyền tha ông sao?” C. Chúa Giêsu đáp: J. “Quan chẳng có quyền gì trên tôi, nếu từ trên không ban xuống cho, vì thế nên kẻ nộp tôi cho quan, mắc tội nặng hơn”. C. Từ lúc đó Philatô tìm cách tha Người. Nhưng người Do-thái la lên: S. “Nếu quan tha cho nó, quan không phải là trung thần của Xêsa, vì ai xưng mình là vua, kẻ đó chống lại Xêsa”. C. Philatô vừa nghe lời đó, liền cho điệu Chúa Giêsu ra ngoài rồi ông lên ngồi toà xử, nơi gọi là Nền đá, tiếng Do-thái gọi là Gabbatha. Lúc đó vào khoảng giờ Thứ Sáu ngày chuẩn bị Lễ Vượt Qua. Philatô bảo dân: S. “Đây là vua các ngươi”. C. Nhưng họ càng la to: S. “Giết đi! Giết đi! Đóng đinh nó đi!” C. Philatô nói: S. “Ta đóng đinh vua các ngươi ư?” C. Các thượng tế đáp: S. “Chúng tôi không có vua nào khác ngoài Xêsa”. C. Bấy giờ quan giao Người cho họ đem đóng đinh.
Vậy họ điệu Chúa Giêsu đi. Và chính Người vác thập giá đến nơi kia gọi là Núi Sọ, tiếng Do-thái gọi là Golgotha. Ở đó họ đóng đinh Người trên thập giá cùng với hai người khác nữa: mỗi người một bên, còn Chúa Giêsu thì ở giữa. Philatô cũng viết một tấm bảng và sai đóng trên thập giá. Bảng mang những hàng chữ này: “Giêsu, Nadarét, vua dân Do-thái”. Nhiều người Do-thái đọc được bảng đó, vì nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh thì gần thành phố, mà bảng viết thì bằng tiếng Do-thái, Hy-lạp và La-tinh. Vì thế các thượng tế đến thưa với Philatô:
S. Xin đừng viết “Vua dân Do Thái”, nhưng nên viết: “Người này đã nói: ‘Ta là vua dân Do-thái'”. C. Philatô đáp: S. “Điều ta đã viết là đã viết”. C. Khi quân lính đã đóng đinh Chúa Giêsu trên thập giá rồi thì họ lấy áo Người chia làm bốn phần cho mỗi người một phần, còn cái áo dài là áo không có đường khâu, đan liền từ trên xuống dưới. Họ bảo nhau: S. “Chúng ta đừng xé áo này, nhưng hãy rút thăm xem ai được thì lấy”. C. Hầu ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Chúng đã chia nhau các áo Ta và đã rút thăm áo dài của Ta”. Chính quân lính đã làm điều đó.
Đứng gần thập giá Chúa Giêsu, lúc đó có Mẹ Người, cùng với chị Mẹ Người là Maria, vợ ông Clopas và Maria Mađalêna. Khi thấy Mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu thưa cùng Mẹ rằng: J. “Hỡi Bà, này là con Bà”. C. Rồi Người lại nói với môn đệ: J. “Này là Mẹ con”. C. Và từ giờ đó môn đệ đã lãnh nhận Bà về nhà mình. Sau đó, vì biết rằng mọi sự đã hoàn tất, để lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, Chúa Giêsu nói: J. “Ta khát!” C. Ở đó có một bình đầy dấm. Họ liền lấy miếng bông biển thấm đầy dấm cắm vào đầu ngành cây hương thảo đưa lên miệng Người. Khi đã nếm dấm rồi, Chúa Giêsu nói: J. “Mọi sự đã hoàn tất”. C. Và Người gục đầu xuống trút hơi thở cuối cùng.
(Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)
Hôm đó là ngày chuẩn bị lễ: để tội nhân khỏi treo trên thập giá trong ngày Sabbat, vì ngày Sabbat là ngày đại lễ, nên người Do-thái xin Philatô cho đánh dập ống chân tội nhân và cho cất xác xuống. Quân lính đến đánh dập ống chân của người thứ nhất và người Thứ Hai cùng chịu treo trên thập giá với Người. Nhưng lúc họ đến gần Chúa Giêsu, họ thấy Người đã chết, nên không đánh dập ống chân Người nữa, tuy nhiên một tên lính lấy giáo đâm cạnh sườn Người; tức thì máu cùng nước chảy ra. Kẻ đã xem thấy thì đã minh chứng, mà lời chứng của người đó chân thật, và người đó biết rằng mình nói thật để cho các người cũng tin nữa. Những sự việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Người ta sẽ không đánh dập một cái xương nào của Người”. Lời Kinh Thánh khác rằng: “Họ sẽ nhìn xem Đấng họ đã đâm thâu qua”.
Sau đó, Giuse người xứ Arimathia, môn đệ Chúa Giêsu, nhưng thầm kín vì sợ người Do-thái, xin Philatô cho phép cất xác Chúa Giêsu. Philatô cho phép. Và ông đến cất xác Chúa Giêsu. Nicôđêmô cũng đến, ông là người trước kia đã đến gặp Chúa Giêsu ban đêm. Ông đem theo chừng một trăm cân mộc dược trộn lẫn với trầm hương. Họ lấy xác Chúa Giêsu và lấy khăn bọc lại cùng với thuốc thơm theo tục khâm liệm người Do-thái. Ở nơi Chúa chịu đóng đinh có cái vườn và trong vườn có một ngôi mộ mới, chưa chôn cất ai. Vì là ngày chuẩn bị lễ của người Do-thái và ngôi mộ lại rất gần, nên họ đã mai táng Chúa Giêsu trong mộ đó.
Suy Niệm 1
Không có Thánh lễ cho ngày Thứ Sáu Thánh! Điều này cũng phản ánh nỗi bàng hoàng về một hụt hẫng, một trống trải, một dở dang… như sự ngẩn ngơ của các môn đệ trước tất cả những gì xảy ra cho Chúa Giêsu, nhất là trước cái chết của Người trên Thập giá. Sự trống trải và dang dở này còn chờ được lấp đầy bởi những gì sẽ còn tiếp tục diễn ra nữa. Nhưng ngay ở đây, khi Chúa Giêsu kêu lên “Mọi sự đã hoàn tất” rồi gục đầu xuống và trao Thần Khí, thì đó là sự ứng nghiệm tất cả nỗi thống khổ của Người Tôi Tớ trong Isaia.
Bài ca thứ tư của người Tôi Tớ (Is 52,13-53,12) được đặt vào Phụng vụ Tưởng niệm Cái Chết của Chúa chiều nay thật là ăn khớp, thật là khít khao. Không có chỗ nào khác thích hợp hơn! Tốt nhất là đọc trọn bản văn của Bài ca này khi nhìn ngắm Chúa Giêsu treo trên Thập giá. Sau đây chỉ là một phân đoạn:
“Người chẳng còn hình dáng, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì để chúng ta ưa thích; Người bị đời khinh dể như kẻ thấp hèn nhất … Sự thật, người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh lấy những đau khổ của chúng ta. Mà chúng ta lại coi người như kẻ bị Thiên Chúa đánh phạt và làm cho nhuốc hổ. Chính người đã bị thương tích vì tội lỗi chúng ta, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm. Người lãnh lấy hình phạt cho chúng ta được bình an, và bởi thương tích người mà chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lang thang như chiên cừu, mỗi người một ngả. Chúa đã chất trên người tội ác của tất cả chúng ta…”
Người Tôi Tớ đau khổ chính là Chúa Giêsu. Đoạn Thư Híp-ri hôm nay (4,14-16; 5,7-9) xác nhận sự ứng nghiệm của Bài ca nói trên, và cũng đáng đọc trọn bản văn để cảm nếm hết các dư vị ngọt ngào súc tích của nó:
“Anh em thân mến, chúng ta có một Thượng tế cao cả đã đi qua các tầng trời, là Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa… Không phải vị thượng tế không thể cảm thông sự yếu hèn của chúng ta, trái lại, Người đã từng chịu thử thách về mọi phương diện như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Ðấng có thể cứu mình khỏi chết, và vì lòng thành kính, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã trải qua đau khổ mới học được thế nào là vâng phục, và khi tới mức thập toàn, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người”.
Như vậy, lời Chúa của cuộc Tưởng niệm hôm nay cho chúng ta biết Chúa Giêsu CHẾT THẾ NÀO và Người CHẾT ĐỂ LÀM GÌ, CHẾT CHO AI… Chúng ta sẽ lấy gì đáp lại đây, ngoài niềm tri ân cảm mến dạt dào của kẻ nhận được ơn cứu mạng? Và chúng ta tin tưởng, hy vọng, hoà trong chính niềm hy vọng và tín thác của Chúa Giêsu:
“Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha!”
Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.
……………………………………
Suy Niệm 2: TÌNH YÊU ĐẸP NHẤT TRÊN ĐỜI
Phụng vụ hôm nay tập trung vào thập giá của Chúa Giêsu. Nghi thức hôm nay được gọi là “Suy Tôn Thánh Giá.” Như chúng ta biết, bị đóng đinh trên thập giá là một trong những hình phạt tàn bạo nhất mà người Rôma dùng để trừng trị phạm nhân. Hình phạt này chỉ được sử dụng cho các nô lệ và không bao giờ được áp dụng cho các công dân La Mã. Trong thời đó, thập giá chính là “ác mộng” của các phạm nhân, nhất là những phạm nhân chống lại La Mã. Nếu thập giá là một “ác mộng” khủng khiếp cho mọi người thời đó, nhất là cho các phạm nhân, tại sao chúng ta lại suy tôn thập giá? Thánh giá có gì đặc biệt để chúng ta suy tôn? Chúng ta để lời Chúa trả lời cho chúng ta lý do tại sao chúng lại suy tôn thánh giá Chúa Giêsu hôm nay.
Ngôn sứ Isaia, qua bài ca thứ tư của người tôi tớ của Thiên Chúa trong bài đọc 1 hôm nay, cho chúng ta hay rằng chính người tôi tớ của Thiên Chúa sẽ “được suy tôn đến tột cùng” (Is 52:13). “Hình ảnh biến dạng” của người tôi trung của Thiên Chúa được Isaia mô tả trong bài đọc 1 chính là hình ảnh của Đức Giêsu được Thánh Gioan trình bày trong Tin Mừng hôm nay: “Người tôi trung của Ta mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người nữa, cũng vậy, người sẽ làm cho muôn dân phải sững sờ, vua chúa phải câm miệng, vì được thấy điều chưa ai kể lại, được hiểu điều chưa nghe nói bao giờ” (Is 52:14-15). Hơn thế nữa, “người tôi tớ của Thiên Chúa [Đức Giêsu Kitô] chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như một kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới” (Is 53:2-3). Một Đức Kitô, không còn dáng vẻ con người, bị treo trên thập giá, có đáng để suy tôn không? Nếu thập giá là “ác mộng” và Đấng bị treo trên thập giá “không còn dáng vẻ con người,” thì chúng ta có lý do gì để suy tôn hôm nay?
Ngôn sứ Isaia đưa ra cho chúng ta những lý do mà qua đó người tôi trung của Thiên Chúa được suy tôn và những lý do đó được hoàn thành nơi Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúng ta suy tôn thánh giá với những lý do sau:
Thứ nhất, trên thập giá, “chính Người [Người tôi trung của Thiên Chúa—Chúa Giêsu] đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta” (Is 53:4): Trong suốt cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu, Ngài luôn “mang lấy những bệnh tật” của dân chúng và chữa lành họ. Những đau khổ chúng ta Ngài cũng gánh chịu và chia sẻ với chúng ta. Ngài không chỉ đau khổ với chúng ta, nhưng còn đau khổ vì và cho chúng ta. Đây chính là lý do thứ nhất Chúa Giêsu được Chúa Cha tôn vinh và được chúng ta suy tôn. Lý do đầu tiên mời gọi chúng ta, trong khi suy tôn thánh giá Chúa Giêsu hôm nay, là hãy biết dâng lời tạ ơn Ngài vì đã mang lấy bệnh tật và gánh chịu những đau khổ của chúng ta. Đồng thời, chúng ta cũng được mời gọi để mang lấy bệnh tật và gánh chịu những đau khổ của anh chị em chúng ta.
Thứ hai, trên thập giá “chính Người [Người tôi trung của Thiên Chúa—Chúa Giêsu] đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; Người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả. Nhưng Đức Chúa đã đổ trên đầu Người tội lỗi của chúng ta” (Is 53:5-6). Chúa Giêsu bị đâm thâu vì chúng ta đã phạm tội. Ngài đã mang trên mình tất cả tội lỗi của chúng ta hầu đem lại cho chúng ta ơn tha thứ và bình an. Khi chiêm ngắm Chúa Giêsu trên thánh giá, chúng ta được mời gọi nhìn lại cuộc sống của mình để dốc lòng tránh những lỗi lầm đã đâm thâu vào con tim của Chúa Giêsu. Đồng thời, chúng ta cũng được mời gọi trở nên khí cụ hoà giải hầu mang bình an đến cho anh chị em của chúng ta.
Thứ ba, trong mầu nhiệm thập giá “bị ngược đãi, [Người tôi trung của Thiên Chúa—Chúa Giêsu] cam chịu nhục nhã, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng hề mở miệng. Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu.” (Is 53:7-8). Khi nhìn lên thánh giá Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra ở đó một Con Người rất “hiền lành và khiêm nhường,” một Con Người với những lời thì thầm thật ngọt ngào: “hãy đến với ta hỡi những ai mang gánh nặng nề. Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng.”
Thứ tư, trong mầu nhiệm thập giá “Người [Người tôi trung của Thiên Chúa—Chúa Giêsu] đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh, vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt. Người đã bị chôn cất giữa bọn ác ôn, bị mai táng với người giàu có, dù đã chẳng làm chi tàn bạo và miệng không hề nói chuyện điêu ngoa” (Is 53:8-9). Chúa Giêsu bị đánh phạt vì tội lỗi của chúng ta. Ngài đón nhận hình phạt dù Ngài không phạm tội. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta để cho tính tự ái chiến thắng chúng ta. Chúng ta có thể chịu thiệt một tí, hoặc đơn giản nói lời “xin lỗi,” để có thể cứu được các tương quan mà chúng ta đã gầy dựng và vun đắp từ lâu. Nhưng chúng ta đã không làm điều đó. Hôm nay khi suy tôn thánh giá Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi chấp nhận hình phạt cho người khác, dù chúng ta không lỗi phạm.
Thứ năm, trên thập giá “nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ” (Is 53:11). Chính qua đau khổ của mình, Chúa Giêsu làm cho tất cả chúng ta được nên công chính. Như vậy, thập giá chính là “công cụ” mà qua đó Chúa Giêsu sử dụng để đánh bại thần chết và làm cho chúng ta nên công chính. Khi suy tôn thánh giá Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi đón nhận những nỗi thống khổ của mình và của người khác để sinh ích cho người khác.
Thứ sáu, “Ta [Thiên Chúa] sẽ ban cho Người muôn người làm gia sản, và cùng với những bậc anh hùng hào kiệt, Người sẽ được chia chiến lợi phẩm, bởi vì Người đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân; nhưng thực ra, Người đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi” (Is 53:11:12). Qua cái chết của mình, Chúa Giêsu đã được ban cho mọi vinh quang, danh dự trên trời và dưới đất. Và chúng ta được mời gọi để được chia sẻ vinh quang và danh dự với Ngài. Khi suy tôn thánh giá Chúa Giêsu hôm nay, chúng ta được mời gọi từ bỏ những của cải chóng qua thuộc về mình, để chia sẻ với Chúa Giêsu trong gia sản không bao giờ tàn phai của Ngài.
Về phần mình, tác giả thư gởi tin hữu Do Thái trình bày Chúa Giêsu như Vị Thượng Tế siêu phàm. Ngài hiến dâng chính mình làm hy tế để giao hoà Thiên Chúa với con người. Ngài là Vị Thượng Tế duy nhất “biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội.” Vì Ngài biết cảm thông với những yếu đuối của thân phận con người, nên “ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Dt 4:15-16). Những lời này mang lại cho chúng ta sự tự tin khi đến chiêm ngắm Đấng chịu đóng đinh trên thập giá. Không có những đau khổ và thử thách nào mà Ngài đã không trải qua. Điều khác biệt là Ngài không phạm tội. Vì vậy, mỗi khi bị thử thách hoặc gặp gian truân, không có phương thế nào để nhận ơn trợ giúp và sự thương xót hữu hiệu cho bằng đến ngồi dưới thập giá và chiêm ngắm Đấng chịu treo trên thập giá. Cũng chính giây phút ngồi dưới chân thập giá, chúng ta sẽ học được thế nào là vâng phục thánh ý Thiên Chúa Cha. Dưới chân thập giá, chúng ta sẽ cảm nghiệm được tiếng kêu van khóc lóc của Chúa Giêsu cầu cho con người khỏi chết đời đời. Dưới chân thập giá, chúng ta sẽ nhận ra Chúa Giêsu chính là nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5:8-9). Chỉ nơi thập giá và Đấng chịu treo trên thập giá, chúng ta mới hiểu hết ý nghĩa của những đau khổ và yếu đuối của kiếp sống con người.
Cuối cùng, chúng ta cùng nhau suy gẫm về cuộc thương khó của Chúa Giêsu mà hôm nay chúng ta được mời gọi suy gẫm. Bài Thương Khó trích từ Tin Mừng Thánh Gioan. Sự kiện Chúa Giêsu chịu đóng đinh đứng ở trung tâm của sự mặc khải về tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa. Trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu được Thánh Gioan trình bày, chúng ta rút ra được điều gì từ hình ảnh của thập giá cho đời sống của mình trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân? Từ bài thương khó, chúng ta có thể suy gẫm trên ba điểm sau:
Thứ nhất, thập giá là lối diễn tả cách triệt để sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa trong sự hiền lành và khiêm nhường của Chúa Giêsu. Điều này đã được ám chỉ đến trong hình ảnh của Người Tôi Tớ Đau Khổ của Đức Chúa trong bài đọc 1. Trong bài Tin Mừng, Thánh Gioan trình bày cho chúng ta thấy Chúa Giêsu luôn giữ thái độ hiền lành trước ‘bạo lực’ và bất công của những người liên quan đến cái chết của Ngài: Ngài hiền lành với Giuđa kẻ nộp Ngài; Ngài hiền lành với những người đến bắt Ngài; Ngài dạy Phêrô hiền lành và không dùng bạo lực để đáp lại bạo lực; Ngài hiền lành với các thuợng tế và nhóm Pharisêu là những người định tâm giết Ngài; Ngài hiền lành với Philatô người không có đủ can đảm để bảo vệ sự thật; Ngài hiền lành với Phêrô kẻ chối Ngài; Ngài hiền lành với các môn đệ là những kẻ bỏ Ngài mà chạy; Ngài hiền lành với những người lính đánh đập Ngài; Ngài hiền lành với những người sĩ nhục Ngài; Ngài hiền lành với người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Ngài; Ngài hiền lành với hai người trộm đóng đinh với Ngài; Ngài hiền lành với hết mọi người không trừ một ai. Sự hiền lành và khiêm nhường của Ngài là lối diễn tả tuyệt hảo nhất việc vâng phục thánh ý Chúa Cha và sự vâng phục đó đã được diễn tả cách triệt để trong mầu nhiệm thập giá.
Thứ hai, thập giá là dấu chứng tình yêu không thay đổi trước sự thay đổi của con người. Điều này chúng ta chứng kiến trong hình ảnh các môn đệ, những người được Chúa Giêsu yêu thương, dạy dỗ nhưng lại nộp, chối và bỏ Ngài mà chạy; hoặc trong hình ảnh đám đông, những người đã chứng kiến các phép lạ Ngài làm rồi mở miệng tung hô Ngài, nhưng sau đó lại kêu lên: ‘Đóng đinh nó vào thập giá.’ Đứng trước sự thay đổi này của con người, Chúa Giêsu trung thành với tình yêu của Ngài để bước lên thập giá. Chúng ta chỉ hiểu điều này khi chúng ta đi vào trong mầu nhiệm của Thiên Chúa. Thánh Gioan đã khẳng định rằng: Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4:8). Điều này cho thấy, tình yêu là bản chất của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa là vĩnh cửu, nên tình yêu của Ngài muôn đời tồn tại. Tình yêu không phải là bản chất của con người và con người là một thụ tạo yếu đuối, giới hạn, nên tình yêu không phải là điều nội tại trong con người. Vì lý do này, chúng ta thấy con người dễ dàng thay đổi tình yêu của mình dành cho người khác. Trong bài Thương Khó, chúng ta thấy trên thập giá, Chúa Giêsu diễn tả tình yêu cho đến cùng của mình cho những kẻ thuộc về Ngài. Nhìn lên thập giá, chúng ta được mời gọi sống trung thành với tình yêu của mình dù cuộc đời nhiều đau khổ và nước mắt, dù người khác thay đổi tình yêu của họ dành cho chúng ta.
Thứ ba, thập giá là nơi quy tụ và làm phát sinh gia đình mới của Chúa Giêsu. Chúng ta thấy điều này qua hai hình ảnh sau: (1) tấm bảng treo trên thập giá được viết bằng ba thứ tiếng thông dụng thời đó là Do Thái, Latin và Hy Lạp; (2) việc trao Đức Mẹ cho Thánh Gioan và Thánh Gioan cho Đức Mẹ. Thập giá là dấu chỉ của sự hiệp nhất cho mọi người ở mọi nơi và mọi thời. Khi nhìn lên Đấng chịu đóng đinh trên thập giá, con người được hiệp nhất trong một đức tin, trong một niềm hy vọng và trong một đức ái. Chính điều này tạo ra gia đình mới mà Chúa Giêsu thiết lập dưới chân thập giá qua hình ảnh của Mẹ Maria và Thánh Gioan. Như vậy, thập giá và chiêm ngắm Đấng chịu treo trên thập giá với lòng thành và trọn con tim sám hối chính là phương thuốc chữa lành sự chia rẽ của con người. Chỉ những ai đứng liên lỉ dưới chân thập giá mới có khả năng trở nên những thành viên mới trong gia đình của Chúa Giêsu.
Lm. Anthony, SDB.
………………………………….
Suy Niệm 3: NGƯỜI ĐÃ CHẾT VÌ TÔI
Hôm nay là thứ Sáu Tuần Thánh, theo lễ nghi Phụng vụ, không có Thánh lễ, nhưng có rước lễ, để kỷ niệm cái chết đau thương của Chúa Giêsu, giáo xứ chúng ta tổ chức nghi thức suy tôn Thánh giá Chúa. Trong giờ phút này, chúng ta hãy suy nghĩ về tình yêu bao la của Thiên Chúa đối với chúng ta qua cái chết nhục nhã của Chúa Giêsu trên thập giá. Chúa đã tự nguyện chịu chết thay cho chúng ta, thì chúng ta cũng phải đáp lại tình yêu ấy cho cân xứng, bởi vì chỉ có tình yêu mới đáp lại được tình yêu.
Người ta kể rằng : có một người khách du lịch, một lần kia vào xem một nghĩa địa nhà binh ở Nashville. Người ấy thấy một người đàn ông đang lấy hoa đặt trên một nấm mộ. Người du lịch thấy thế, mới hỏi :
– Đây là mộ của con ông, phải không ?
– Thưa ngài, không.
– Của một người bà con ông , phải không ?
– Thưa ngài, không.
– Thế sao ông đặt hoa lên mộ ?
Người kia cảm động, bỏ hoa xuống kể cho người du lịch nghe. Đó là khi chiến tranh bùng nổ, chính phủ bắt tôi phải đi động viên. Mà nhà tôi nghèo không thể có tiền để thuê người khác đi giúp. Nên tôi đành phải tuân lệnh chính phủ chuẩn bị lên đường. Đang khi tôi thu dọn đồ đạc và từ giã vợ con, thì một người bạn đến bảo : “Anh còn vợ và nhiều cháu dại, nếu anh đi sẽ không có ai làm ăn để nuôi chúng, nên anh hãy ở lại nhà, để tôi đi thay cho”. Tôi vui mừng sung sướng để người bạn đi thay. Chẳng may sau ít lâu bạn tôi bị thương nặng ở một mặt trận rồi chết. Người ta chôn bạn tôi ở nghĩa địa này. Được tin, tôi đã vội vã đi tìm mộ bạn tôi và ngày hôm qua tôi đã tới đây tìm được mộ của bạn tôi.”.
Rồi người đó lấy một mảnh ván viết chữ :”Người đã chết vì tôi” để đặt trên mộ người bạn.
Kể lại câu chuyện anh hùng của một người đi lính để chết thay cho bạn, tôi muốn nhắc cho anh chị em biết tới cái chết thê thảm của Chúa Giêsu, Đấng đã liều mạng sống, Đấng đã hy sinh thịt máu mình, Đấng đã chịu đóng đinh trên cây Thánh giá để cứu chuộc không những một người, một gia đình, một dân tộc, mà còn để cứu chuộc tất cả nhân loại, không những Ngài chết thay tội cho một thế hệ, mà cho mọi thế hệ, mọi thời đại. Chúa Giêsu chính là Đấng chăn chiên nhân lành, hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên .
Chính Chúa Giêsu là Đấng đã chịu chết cho mỗi người chúng ta. Chính Ngài đã chết thay cho mỗi người anh chị em cũng như tôi. Chính Ngài là Đấng mỗi người chúng ta phải viết một tấm bảng để đặt dưới chân Thánh giá Chúa :”Đấng đã chết vì tôi” hay nói :”Vì tôi mà Chúa Giêsu phải chết”.
Bởi vì chính tội lỗi chúng ta mà Chúa Giêsu phải hy sinh tính mệnh, chính vì tội lỗi chúng ta mà Chúa phải xuống thế làm người, phải chịu khổ cực vất vả và chịu đóng đinh một cách nhục nhã trên cây Thánh giá.
Đã phạm tội chúng ta phải đền tội, phải đổ máu, phải chịu chết. Các dân ngoại cũng đã làm như vậy, để xin thần phật tha tội cho họ, có dân đã phải giết trâu, giết bò để thế mạng, có dân đã giết những tù binh, có dân giết cả trẻ con, có dân khi thấy trời mưa bão, tưởng các thần thánh giận họ, họ lấy kiếm rạch đùi, lấy máu tung lên trời mà kêu :” Chúng tôi có tội, xin các ngài tha thứ cho chúng tôi”. Có dân lại lăn mình vào bánh xe nước rước các tượng thần có voi kéo để cho chết.
Mà để chịu chết đền tội cho xứng đáng theo phép công bằng, chúng ta phải nhờ người khác đền thay, chết thay. Người đó chính là Chúa Giêsu, chính là Chúa Cứu Thế đã tự nguyện chết thay cho chúng ta.
Chúng ta là những người đáng phải chết, chết vì tội tổ tông, vì tội riêng mình đã phạm, nhưng chúng ta đã được sống, được cứu rỗi vì có Chúa Giêsu liều mạng sống để chết thay cho chúng ta.
Chúng ta phải tỏ lòng yêu mến biết ơn Chúa, yêu mến biết ơn bằng giữ giới răn Chúa, bằng lấy tình yêu để đáp lại tình yêu, bằng lấy mạng sống để thế lại mạng sống, bằng quyết hy sinh đời mình để yêu mến Chúa và thương yêu tha nhân. Nếu Chúa Giêsu đã liều mạng sống vì chúng ta thì đáp lại, chúng ta cũng phải liều mạng sống vì Ngài.
Nếu chúng ta biết can đảm liều mạng sống vì Chúa và vì tha nhân, chắc chắn chúng ta sẽ được Chúa bầu chữa cho chúng ta trước mặt Chúa Cha, giống như trường hợp một người lính Rôma bị đưa ra trước tòa án, anh ta xin yết kiến hoàng đế César và xin hoàng đế đến tòa án bênh vực và bầu chữa cho mình.
Hoàng đế César hết sức bỡ ngỡ vì thấy anh lính kia dám táo bạo như thế. Nhưng tỏ ra mình là người đại độ, cao thượng, ngài bèn phán với anh : “Ta sẽ cho một vị quan đi thay”. Tức thì người lính đó cởi áo ra, chỉ vào vết thương mà tâu :”Tâu ngài César, khi đánh trận, lúc tôi thấy một mũi tên sắp bắn tới ngài, chính tôi đã đứng ra đỡ mũi tên cho ngài”.
Chúng ta cũng vậy, nếu Chúa Giêsu đã không tìm người khác chịu đòn, chịu xỉ vả, đội mạo gai, vác thánh gia và chịu đóng đinh thay cho Ngài, thì chúng ta cũng đừng ngại chịu đau khổ, hy sinh vì Chúa. Chúa đã chết cho ta thì chúng ta cũng phải chềt cho Chúa. Mọi tình yêu chỉ có thể đáp trả bằng tình yêu, và cái chết chỉ có thể trả bằng cái chết.
Trong nghi thức suy tôn Thánh giá hôm nay, chúng ta có tổ chức hôn chân Chúa. Trong tâm tình tri ân cảm ta, chúng ta hãy kính cẩn hôn chân Chúa. Cái hôn của chúng ta không được giả dối như cái hôn của Giuđa, mà phải là cái hôn thành thật, diễn tả lòng yêu mến biết ơn như bà Maria Madalena đã hôn chân Chúa ngày xưa.
Hôn chỉ là một biểu trưng về hình tính của tình yêu, thật ra chúng ta luôn phấn đấu để tình yêu ấy không chỉ dừng ở biểu hiện bề ngoài mà nó phải thường trú mãi mãi tận trong tâm, để mỗi suy nghĩ, mỗi lời nói, mỗi hành vi của chúng ta đều xuất phát từ hai chữ tình yêu. Đạt được như thế nghĩa là chúng ta tin rằng Chúa luôn luôn ngự trị trong tâm trí mình.
Nhưng phận người vốn mỏng dòn, yếu đuối và nhiều tội lỗi nên chúng ta cần liên lỉ khiêm tốn cầu xin sức mạnh của Ngài đổ xuống và nâng đỡ chúng ta luôn mãi trong cả đời sống, không khi nào ngừng. Và chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta biết hôn chân Chúa từng giây, từng phút trong cuộc đời chúng ta.
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm Gp. Đà Lạt