spot_img
Thêm

    THỨ TƯ TUẦN THÁNH

    BÀI ĐỌC I: Is 50, 4-9a

    Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Mỗi sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn. Thiên Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu, tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ thẹn: nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn. Đấng xét tôi vô tội ở gần tôi, ai còn tranh tụng với tôi được, chúng ta hầu toà. Ai là kẻ thù địch của tôi, hãy đến đây! Này đây Thiên Chúa bênh đỡ tôi, ai dám kết tội tôi?

    PHÚC ÂM: Mt 26, 14-25

    Khi ấy, một trong nhóm Mười Hai tên là Giuđa Iscariô, đi gặp các thượng tế và thưa với họ: “Các ông cho tôi bao nhiêu, tôi nộp Người cho các ông?” Họ liền ấn định cho ba mươi đồng bạc. Và từ đó, hắn tìm dịp thuận tiện để nộp Người. Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn Bánh không men, các môn đệ đến thưa Chúa Giêsu rằng: “Thầy muốn chúng con sửa soạn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua ở đâu?” Chúa Giêsu đáp: “Các con hãy vào thành đến với một người kia, và nói rằng: Thầy bảo, giờ Ta đã gần, Ta sẽ mừng Lễ Vượt Qua với các môn đệ tại nhà ông”. Các môn đệ làm như Chúa Giêsu đã truyền và sửa soạn Lễ Vượt Qua. Chiều đến, Người ngồi bàn ăn với mười hai môn đệ. Và khi các ông đang ăn, Người nói: “Thầy nói thật với các con: có một người trong các con sẽ nộp Thầy”. Môn đệ rất buồn rầu và từng người bắt đầu hỏi Người: “Thưa Thầy, có phải con không?” Người trả lời: “Kẻ giơ tay cùng chấm vào đĩa với Thầy, đó chính là kẻ sẽ nộp Thầy. Thật ra, Con Người sẽ ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người, thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!” Giuđa kẻ phản bội cũng thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có phải con chăng?” Chúa đáp: “Đúng như con nói”.

    Suy Niệm 1: ‘THƯƠNG KHÓ’ LÀ ‘SAY MÊ’

    ‘Thương khó’ hay ‘khổ nạn’ hàm nghĩa gì đối với Chúa Giêsu? Ta thường nghĩ đến đòn roi, sức nặng cây gỗ trên đường đi, nhất là sự đóng đinh và treo lên – nghĩa là những đớn đau do bạo lực thể lý… Vâng, những điều này thật khủng khiếp (như bộ phim Passion of the Christ mô tả!). Tuy nhiên, điều còn khủng khiếp hơn thế đối với Chúa Giêsu, đó là Người phải chịu sự phản bội, chịu sỉ nhục, tức nỗi khổ đau tâm can do bạo lực tinh thần.

    Đây là khía cạnh của ‘thương khó’ mà Bài ca thứ ba của người Tôi Tớ đau khổ trong Isaia muốn diễn đạt với sự nhấn mạnh: “Tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi”. Ở đây, một lần nữa, người Tôi Tớ đủ sức cam chịu tủi nhục vì kinh nghiệm rằng có Thiên Chúa đứng về phía mình: “Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ thẹn: nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn”…

    Thánh vịnh 68 (Đáp ca) là chứng từ của cùng kinh nghiệm ‘thương khó’ ấy: “Sở dĩ vì Chúa mà con chịu nhục, và thẹn thò làm nhơ nhuốc mặt con. Con bị những người anh em coi như khách lạ, bị những người con cùng một mẹ xem như kẻ ngoại lai. Sự nhiệt tâm lo việc nhà Chúa khiến con mòn mỏi, điều tủi nhục người ta nhục mạ Chúa đổ trên mình con”…

    Trình thuật của Phúc Âm Máttheu hôm nay cho thấy đối với Chúa Giêsu, cuộc Thương Khó đầy sỉ nhục chính thức bắt đầu với sự phản bội của Giuđa, một môn đệ thân tín. “Khi ấy, một trong nhóm Mười Hai tên là Giuđa Iscariô, đi gặp các thượng tế và thưa với họ: ‘Các ông cho tôi bao nhiêu, tôi nộp Người cho các ông ?’ Họ liền ấn định cho ba mươi đồng bạc. Và từ đó, hắn tìm dịp thuận tiện để nộp Người”.

    ‘Thương khó’ (Passio/ passion) là chịu thương chịu khó, thể lý và nhất là tinh thần. ‘Thương khó’ (passio/ passion) cũng có nghĩa là ‘đam mê’/ ‘say mê’, nghĩa là một tình yêu nồng nàn, cháy bỏng đến quên mình, quên cả danh dự của mình! Đây chính xác là thế giới tâm cảm của Chúa Giêsu trong cuộc Thương Khó của Người: Người đảm nhận cái chết vì say mê Chúa Cha và say mê con người!

    Cách nào ta đáp trả cuộc Thương Khó của Chúa? Đây, năm mầu nhiệm Mùa Thương: Thứ ba thì gẫm, Chúa Giêsu chịu đội mão gai – Ta hãy xin cho được chịu sỉ nhục bằng lòng!

    Và ta cũng phải say mê – say mê Chúa Kitô, say mê con người – thì mới đủ ‘lì’ để chịu sỉ nhục bằng lòng như vậy!

    Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.

    ………………………………..

    Suy Niệm 2: CHÚNG TA CÓ PHẢN BỘI CHÚA GIÊSU KHÔNG?

    Các bài đọc lời Chúa trong thứ tư Tuần Thánh hôm nay trình bày cho chúng ta bối cảnh gần của cuộc thương khó Chúa Giêsu mà chúng ta sẽ bắt đầu cử hành vào ngày mai. Trong bài đọc 1, chúng ta nghe bài ca thứ ba về ngưới tôi tớ của Thiên Chúa và trong bài Tin Mừng, Thánh Mátthêu tường thuật cho chúng ta nghe về việc Giuđa trao nộp Chúa Giêsu cho các thượng tế. Hai bài đọc hôm nay liên quan chặt chẽ với nhau. Cách cụ thể, tâm tình của Chúa Giêsu khi bị Giuđa trao nộp được Isaia trình bày cách tuyệt hảo trong bài đọc 1 hôm nay.

    Khác với bài ca thứ nhất và thứ hai, trong bài ca thứ ba, chúng ta nghe tâm tình của người tôi tớ Thiên Chúa. Trong bài tâm tình này, người tôi tớ của Thiên Chúa đã nhận ra những điều Đức Chúa đã làm trên cuộc đời của mình như một người môn đệ của Ngài. Những việc đó là: (1) làm cho người tôi tớ nói năng như một người môn đệ, đó là dùng lời của mình để nâng đỡ ai rã rời kiệt sức (x. Is 50:4); (2) đánh thức và mở tai người tôi tớ để lắng nghe Ngài như một người môn đệ và người môn đệ đã không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. Không những thế, lời Đức Chúa làm cho người môn đệ trở nên hiền lành và khiêm nhường để có thể đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu [và] đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (Is 50:4-6); (3) phù trợ và ở kề bên người tôi tớ trong mọi cơn nguy khốn, để người tôi tớ không hổ thẹn và can đảm “trơ mặt ra như đá” (Is 50:7) trước những chống đối và cáo buộc của người khác. Thiên Chúa cũng thực hiện những điều này trên cuộc đời của mỗi người chúng ta. Nhưng nhiều khi chúng ta vô tình không để ý đến và như thế không biết nói lên lời cảm mến ân tình. Hãy biến tâm tình của người tôi tớ của Thiên Chúa trong bài đọc 1 hôm nay thành của mình, để chúng ta biết cất lời tạ ơn Thiên Chúa trong mọi nơi mọi lúc, nhất là khi cuộc sống có nhiều gian nan và thử thách, vì chúng ta không đối diện với những đau khổ và thách đố một mình, nhưng Thiên Chúa luôn ở kề bên nâng đỡ và đồng hành với chúng ta. Chúng ta không bao giờ cô đơn một mình trong những đêm đen của cuộc đời!

    Nhìn chung, bài Tin Mừng hôm nay nói đến việc Chúa Giêsu tiên báo Giuđa là kẻ sẽ trao nộp Ngài cho các thượng tế. Hành vi này được xem là “khởi đầu” của cuộc thương khó Chúa Giêsu. Tuy nhiên, khi chúng ta đặt bài Tin Mừng này vào bối cảnh của nó, [nằm giữa việc xức dầu của Maria ở Bêthany và thiết lập Bí Tích Thánh Thể] chúng ta nhận ra rằng hành vi nộp Chúa Giêsu của Giuđa ám chỉ việc Chúa Giêsu sẽ phải chết như thế nào: Ngài sẽ chết cái chết của Người “bị trao nộp,” nhưng qua cái chết đó, Ngài trở thành Người “trao ban” chính mình cho người đã “nộp” Ngài. Đây là một biến chuyển thật tuyệt vời: từ “bị trao nộp” [bị động] thành “trao ban” [chủ động]. Chính điều này giúp chúng ta hiểu mầu nhiệm chúng ta sẽ cử hành trong những ngày tới, đó là qua cái chết, Chúa Giêsu đã biến “mặt trời lặn” [sự chết: đau khổ và nỗi buồn] thành “mặt trời mọc” [phục sinh: vinh quang và niềm vui].

    Bài Tin Mừng hôm nay gồm ba phần: (1) Giuđa phản bội Chúa Giêsu (Mt 26:14-16); (2) chuẩn bị cho Bữa Tiệc Ly [bữa tiệc Vượt Qua] (Mt 26:17-19); và (3) Chúa Giêsu tiên báo Giuđa sẽ nộp Ngài (Mt 26:20-25). Từ ba phần này, chúng ta có thể rút ra ba điểm để suy gẫm trong ngày hôm nay.

    Thứ nhất, hãy ngừng đặt giá trị vật chất lên trên Thiên Chúa và các giá trị thiêng liêng: “‘Tôi nộp ông Giêsu cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu.’ Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su” (Mt 26:15-16). Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng như Giuđa Iscariot, chúng ta cũng “nộp” Chúa Giêsu để đổi lấy một vài lợi ích vật chất nào đó. Nói cách khác, chúng ta sẵn sàng trao đổi những giá trị thiêng liêng cao quý như tình yêu, tình bạn, lòng nhân từ, sự tha thứ cho một vài lợi ích vật chất hay những giá trị tạm thời như sĩ diện, lòng tự ái, ghen tỵ và thù hận. Chúng ta phải luôn ý thức rằng, không có gì cao quý cho bằng có Chúa Giêsu trong cuộc đời của chúng ta: Hãy mở rộng tâm hồn cho Chúa Giêsu, chúng ta sẽ không mất thứ gì, nhưng chúng ta sẽ có một người đồng hành với chúng ta trong từng giây phút sống, một người không bỏ rơi chúng ta ngay cả khi chúng ta thất bại trong cuộc sống hay khi chúng ta phạm tội.

    Thứ hai, hãy chuẩn bị cho Chúa Giêsu một nơi để cùng “mừng lễ” với chúng ta. Trái ngược với Giuđa, các môn đệ khác muốn cùng thầy mình mừng đại lễ Vượt Qua. Tuy nhiên, điểm quan trọng là không phải các ông quyết định nơi để ăn mừng, mà Chúa Giêsu là người quyết định: “Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Đức Giêsu: ‘Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?’ Người bảo: ‘Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy : ‘Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy.’ Các môn đệ làm y như Đức Giêsu đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua” (Mt 26:17-19). Việc chuẩn bị cho Chúa Giêsu một nơi để Ngài cùng mừng lễ với chúng ta là điều tốt, nhưng chúng ta cần phải ý thức rằng chính Chúa Giêsu là Người quyết định nơi chốn chứ không phải chúng ta. Điều này nhắc nhở chúng ta về thái độ cần có khi chúng ta muốn Chúa Giêsu ở lại với mình: Nơi chốn và thời gian là do Ngài quyết định, chúng ta chỉ là những người “làm y như Đức Giêsu đã truyền.”

    Thứ ba, hãy sống một cuộc sống có ý nghĩa. Bầu khi vui tươi và ấm cúng của việc mừng lễ Vượt Qua bị phá tan vì lời tiên báo của Chúa Giêsu về người sẽ nộp Ngài, người mà đã từng theo Chúa Giêsu “thà đừng sinh ra thì hơn.” Đây là một trong những câu nói khó giải thích nhất của Chúa Giêsu vì dường như nó nói lên sự thất vọng và lời kết án của Chúa Giêsu dành cho kẻ nộp Ngài. Tuy nhiên, chúng ta chỉ hiểu ý nghĩa của câu nói này trong bối cảnh của nó. Câu 22 cho chúng ta hay rằng, kẻ nộp Chúa Giêsu là “người chấm chung một đĩa” với Ngài. Điều này có nghĩa là gì? Trong tư tưởng của người Do Thái, chia sẻ chung một bàn ăn [đĩa ăn] không đơn giản là chia sẻ thức ăn, nhưng là chia sẻ chính “sự sống” của mình với người khác. Như vậy, khi trao nộp người “chấm chung một đĩa” với mình là “trao nộp chính mình,” tức là trao nộp chính sự sống mà trong đó mình chia sẻ. Nói cách khác, khi trao nộp người chấm chung một đĩa với mình là tự huỷ diệt chính sự sống của mình. Chính trong bối cảnh này, chúng ta mới có thể hiểu câu nói của Chúa Giêsu về kẻ nộp Ngài: “thà nó đừng sinh ra thì hơn!’ Đây chỉ là lối nói tượng hình để ám chỉ đến một cuộc sống không có ý nghĩa trong khi đang “chấm chung một đĩa” với Đấng mang ý nghĩa cho cuộc sống. Một cuộc sống không có ý nghĩa đồng nghĩa với một cuộc sống “không hiện hữu.” Đây là lời mời gọi cho mỗi người chúng ta, những người luôn tuyên bố mình có Chúa Giêsu. Chúng ta phải sống một cuộc sống thật ý nghĩa, để rồi chúng ta có thể mang “ý nghĩa của cuộc sống” cho những người đang sống một cuộc sống không có ý nghĩa hoặc đang đi tìm ý nghĩa cho cuộc sống của họ.

    Lm. Anthony, SDB.

    ……………………………………..

    Suy Niệm 3: Giuđa nộp Đức Giêsu

    1. Đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Matthêu ghi lại sự việc chuẩn bị bữa Tiệc Ly, để giúp chúng ta chuẩn bị tinh thần tham dự Thánh lễ chiều thứ năm Tuần thánh.

    Bài Tin mừng hôm nay ghi lại ba sự việc :
    – Giuđa tìm dịp thuận tiện nộp Đức Giêsu.
    – Các môn đệ chuẩn bị ăn mừng lễ Vượt Qua.
    – Đức Giêsu tiên báo Giuđa sẽ nộp Thầy.

    1. Trong hai ngày qua, thứ hai và thứ ba Tuần thánh, và hôm nay, chúng ta được nghe nhắc đến dung mạo của một người môn đệ phản bội Chúa là Giuđa Iscariốt. Sự phản bội này không phải là một sự bất ngờ, và lại càng không phải là điều bất ngờ đối với Đức Giêsu, Đấng đã biết trước mọi sự sẽ xẩy ra cho Ngài như thế nào. Giuđa đã đi đến việc phản bội Chúa, có lẽ vì ông ta đã để cho sự quan tâm về lợi lộc vật chất dần dần chiếm hết chỗ trong tâm hồn và đã để cho sự hăng say theo Chúa lúc ban đầu bị phai lạt đi. Đức Giêsu không còn là Thầy, là Chúa và là tất cả cuộc đời ông nữa, nhưng là một món hàng mà Giuđa đem bán  cho những kẻ muốn giết Ngài với giá tiền 30 đồng, mức giá trị của một người nô lệ đáng khinh (Mỗi ngày một tin vui).
    1. Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật trình tự về những toan tính của Giuđa lên kế hoạch nộp Thầy Giêsu cho nhà cầm quyền Do thái. Kế hoạch được tính toán bài bản, như một liên kết dây chuyền về tội. Từ tham tiền nên tìm mọi cách để kiếm tiền và làm cả những tội tầy đình nhất, mất cả tình cảm và lương tri, giả dối, liều mình rước Thánh Thể khi mang trong mình đầy tội lỗi, giao dịch với kẻ xấu, phản bội và cuối cùng tuyệt vọng đi thắt cổ.
      Qua trình thuật Tin Mừng, chúng ta dễ nhận thấy nơi con người và sự phản bội của Giuđa phản ảnh nhiều thực trạng của nhiều Kitô hữu chúng ta hôm nay. Giuđa không ngần ngại bán Thầy để được 30 đồng (bằng giá của một nô lệ), như thế ông chỉ là nô lệ cho “thần tiền” chứ không phải môn đệ của Đức Giêsu. Cũng không thiếu những người mang danh Kitô hữu – theo Chúa, nhưng thực chất chỉ vì quyền lợi, và sẵn sàng phản bội Chúa, bán rẻ lương tâm, chối bỏ Giáo hội để giữ cái ghế, giữ cái nghề nghiệp, giữ lương bổng…
    1. Cách viết của Tin Mừng thứ IV thật thâm thúy :”Giuđa ra đi, trời đã tối”. Vâng, mang trong mình sự toan tính, tham lam, tham lợi cho riêng mình, lừa thầy phản bạn, Giuđa bắt đầu bước vào bóng tối của sự lén lút mờ ám, ông bỏ giở hát bài Thánh vịnh với Thầy và đồng môn, bỏ sinh hoạt ăn uống chung, và cuối cùng, ông đã mất luôn ơn gọi Tông đồ và mất luôn đức tin. Đó là thực trạng của những người tham lam mờ ám, hành động lén lút trong bóng tối, đâm sau lưng và bán đứng nhau chỉ vì đồng tiền, cuối cùng, họ càng ngày càng loại mình ra ngoài cộng đoàn, ra khỏi Giáo hội, đánh mất cả ơn gọi và mất đời sống đức tin.
    1. Phần Đức Giêsu, Đấng đã so sánh mình như người chăn chiên nhân lành đi tìm con chiên lạc. Ngài vẫn tôn trọng thể diện của Giuđa, không nói thẳng thừng, không vạch mặt tên Giuđa cho mọi người biết, nhưng âm thầm tạo dịp để thức tỉnh lương tâm Giuđa. Và lời cảnh tình nhất là khi Đức Giêsu tuyên bố :”Con Người ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho người nào nộp Con Người, thà rằng người đó đừng sinh ra thì hơn”.
      Chúng ta không nên hiểu lời cảnh tỉnh này như một lời kết án Giuđa phải hư mất mãi mãi. Không phải như vậy, lời cảnh tỉnh mạnh mẽ của Chúa làm nổi bật sự khốn cùng của người phản bội Chúa, một sự khốn cùng mà người phản bội tự  ý đi vào vì ngoan cố, không chịu quay trở về. Sống mà phản bội Chúa, chối bỏ ơn cứu rỗi của Chúa một cách có ý thức và ngoan cố, thì tệ hơn là không sống, không sinh ra trên trần gian này.
    1. Ta hãy suy nghĩ về con đường của Giuđa đã đi : Anh ta được Chúa yêu thương gọi làm môn đệ, làm Tông đồ, lại còn được Chúa tín nhiệm giao cho việc giữ tiền; những đồng tiền đã dân dần khống chế anh :”Y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những thứ người ta bỏ vào quĩ chung” (Ga 12,6). Đức Giêu đã nhiều lần tế nhị đánh thức lương tâm anh, nhưng anh cũng không hồi tâm. Cuối cùng, anh đã đi ra lao mình vào bóng đêm. Không ai phạm tội trọng trong một sớm một chiều. Phạm tội là cả một quá trình từ nhẹ tới nặng, do để mình bị khống chế bởi những giá trị trên thế gian, do bưng tai bịt mắt trước những tiếng nhắc nhở âm thầm của Chúa.
    1. Truyện : Tội từ nhẹ đến nặng.
      Có một câu truyện ngụ ngôn kể rằng : Lúc ông Noe trồng nho. Satan tò mò để ý và mon men đến gạ chuyện.

    – Ông trồng gì đấy ?
    – Cây nho.
    – Thế, trồng nho thì được cái gì ?
    – Trái nho trông rất đẹp mắt, ăn vào ngon tuyệt, còn nước ép lên men sẽ làm ngây ngất tâm hồn.
    – Vậy thì tôi sẽ giúp ông.
    Satan đi bắt một con chiên, giết đi và đổ máu nó vào gốc cây nho. Hắn cũng giết một con sư tử, một con khỉ và một con heo, rồi cũng đổ hết máu những con vất ấy vào gốc cây nho. Cây nho hút hết những thứ ấy mà lớn lên.
    Từ khi đó, mỗi lần người ta uống một chút rượu, họ trở nên hiền lành và duyên dáng như con chiên. Nếu hăng “đô” lên, họ sẽ mạnh mẽ và thô kệch như sư tử. Nếu cứ thế tiếp tục, họ sẽ trở nên ngổ ngáo như con khỉ. Và nếu, chẳng may, không chịu dừng ở đó, kết cuộc họ sẽ không khác gì như con heo (Frech Legend).

    Lm. Giuse Đinh Lập Liễm Gp. Đà Lạt

    BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

    VIDEO CLIPS

    THÔNG TIN ƠN GỌI

    Chúng tôi luôn hân hoan kính mời các bạn trẻ từ khắp nơi trên đất Việt đến chia sẻ đặc sủng của Hội Dòng chúng tôi. Tuy nhiên, vì đặc điểm của ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, chúng tôi xin được đề ra một vài tiêu chuẩn để các bạn tiện tham khảo:

    • Các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, thuộc gia đình đạo đức, được các Cha xứ giới thiệu hoặc công nhận.
    • Ứng Sinh phải qua buổi sơ tuyển về Giáo Lý và văn hoá.

    Địa chỉ liên lạc về ơn gọi:

    • Nhà Mẹ: 115 Lê Lợi - Lộc Thanh - TP. Bào Lộc - Lâm Đồng.
    • ĐT: 0263 3864730
    • Email: menthanhgiadalatvn@gmail.com