Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG
Nội dung của Is 52, 4 – 53, 11 (được công bố trong chiều thứ sáu Thánh) là đoạn Kinh Thánh nói về Người tôi trung đau khổ của Thiên Chúa. Trong đó sứ điệp, tiên tri Isaia diễn tả sự chịu đựng của Người tôi trung là vô cùng, là quá sức, là dữ dội đối diện với sự độc ác của “chúng ta”.
Vì sự độc ác ấy mà Người tôi trung “mặt mày tan nát”; bị ” ruồng rẫy”; bị “khinh khi”; bị “bỏ rơi”; bị “trút lên đầu tội lỗi chúng ta”; bị “ngược đãi, lăn nhục, ức hiếp, khai trừ…”. Cuối cùng Người tôi trung ấy “bị thủ tiêu”…
Dù “chúng ta” độc ác đến tận cùng, hành hạ Người tôi trung đến mức tàn khốc, thì cuối cùng Người tôi trung sẽ chiến thắng: “Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ”.
Và Thiên Chúa, dù không hề vui khi Người tôi trung phải chịu sát tế, vẫn hài lòng vì Người tôi trung đã trung thành với Ngài. Nhờ sự trung thành, Người tôi trung vô tội chấp nhận hiến tế như con chiên gánh tội nhân loại để nhân loại được tha thứ. Cũng qua công cuộc hiến tế, Người tôi trung vinh quang muôn đời.
Hội Thánh nhìn nhận Người tôi trung chính là Chúa Giêsu và đoạn Kinh Thánh nói về Người tôi trung đau khổ là sự báo trước cuộc khổ nạn mà Chúa Giêsu phải chịu.
Chúa Giêsu tự nguyện trở nên “giống thân xác tội lỗi” (Rm 8, 3) và “đồng hóa mình với tội” (2Cr 5, 21. Gl 3, 13) vì quá yêu chúng ta. Chính vì tình yêu, Chúa tự nguyện hạ mình mang lại ơn tha thứ và cứu độ chúng ta.
Tội có bản chất là ẩn nấp, rình rập, khó nắm bắt, giống như con rắn, nhưng dù có che dấu đến đâu, thì nơi thân xác nát tan của Chúa Giêsu, tội đã phải hiện nguyên hình là sự dữ cực độ, là sự tàn khốc đến không thể tả, là nỗi cay đắng, nát tan và đổ vỡ đến mức thảm bại, đến mức đớn đau không gì bằng của thân phận con người khi gắn mình sa đà trong tội.
Vì thế, ngay lúc này, trong những giờ phút của tuần Thánh, chúng ta được mời gọi nhìn lên hình ảnh Chúa chịu đóng đinh, để:
– Nhận ra thân thể tàn tạ vì roi vọt, kết quả của lòng ghen ghét, của lòng ham muốn, của sự phản bội, của sự bất trung, của những lời tố cáo, lên án vô cớ, của những vụ án gian dối, những nghi ngờ, những oan ức… mà chúng ta dành cho anh chị em.
– Nhận ra đầu đội mão gai của Chúa, tượng trưng những nhạo báng, diễu cợt mà chúng ta dành cho anh chị em xung quanh.
– Nhận ra Chân tay Chúa bị thủng, bị ghim vào giá gỗ, để thấy chúng ta nhiều lần đánh mất nhân tính và hành động theo sự dữ, sự xấu.
– Nhận ra cạnh sườn của Chúa bị đâm thấu đến trái tim. Đó là vì chúng ta dung dưỡng, bao che cho sự dữ, bạo lực, làm ngơ trước tất cả những hình thức hủy diệt.
Nhưng cuối cùng, tình yêu của Chúa chiến thắng. Thánh Giá đã chiến thắng. Nhờ Thánh Giá Chúa, Thiên Chúa trả lại cho loài người tình yêu, lòng thương xót, sự thiện, sự hiền lành và cả sự sống cao cả của chính Ngài.
Còn chúng ta, hãy đón nhận và hãy mang lấy thập giá đời mình để cộng tác phần mình vào ơn cứu rỗi mà Chúa thực hiện và dành cho. Sau đây là hai đề nghị giúp chúng ta sống mầu nhiệm Thánh Giá:
– Chắc chắn tuần Thánh là tuần mà không một nhà thờ nào không tổ chức ngắm Đàng Thánh giá, ngắm Sự Thương khó của Chúa. Chúng ta không tham dự như kẻ bàng quan, ngoại cuộc, không đọc, mà hãy khắc sâu hình ảnh Chúa Giêsu, Người tôi trung gục ngã đớn đau, thê thảm, ê chề.
Chúng ta chứng kiến cảnh Chúa Giêsu té ngã nhiều lần dù con đường từ dinh Philatô đến đồi Canvê không xa. Hoặc chứng kiến Chúa chịu lột áo, chịu đóng đinh, sau cùng chết tức tưởi trên thánh giá, ta càng thấm thía sức nặng tội lỗi và sự dữ của cả nhân loại, và của từng người vẫn tiếp tục đè nặng trên tấm thân đã kiệt sức của Chúa Giêsu. Bởi dù sống sau cái chết của Chúa đến 2000 năm, chúng ta đã hiện diện với đám đông lên án xử tử Chúa. Chính tội lỗi của chúng ta đã lên tiếng gào thét: “Đóng đinh nó vào Thập Giá. Đóng đinh nó vào Thập Giá”.
– Tuần Thánh mời gọi mỗi người nhìn vào phía bên trong lòng mình nhằm nhận diện chính mình, để biết mình, để thấy sự cứng lòng của mình, thấy sự thoái thác, lần lựa không dứt khoát trở về cùng Chúa là một tai hại vô cùng lớn. Phải nhìn vào phía bên trong mới có thể nhận ra dấu ấn của một tình yêu vô cùng vô tận khi Chúa mang vác tội lỗi và mọi yếu hèn của chúng ta nơi chính bản thân, sự sống và cái chết của Chúa.
Một khi được nhận diện chính bản nhân nhờ chân thành nhìn vào phía bên trong, chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn, dễ dàng hơn cho một cuộc hoán cải nội tâm thật sự, thật nghiêm túc, thật chu đáo.
Nhìn vào phía bên trong để thống hối, sẽ là cuộc thống hối hoàn bị đưa ta đến gần ơn phục sinh của Chúa. Bởi không có những thay đổi, không có sự ăn năn thẳm sâu, không để tâm hồn mang lấy dấu ấn của thánh giá để cùng bước đi với Chúa Giêsu, sẽ không có ơn phục sinh, đúng hơn, ơn phục sinh của Chúa không thể đến trong ta. Bởi không có ai có thể phục sinh cùng Chúa, mà không có những bước đi phục sinh trong đời mình. Hoán cải từng ngày là những bước phục sinh cần thiết để được phục sinh với Chúa và trong Chúa.
Nguồn: thanhlinh.net/vi/