spot_img
Thêm

    Thứ Bảy tuần 5 Mùa Chay

    BÀI ĐỌC I: Ed 37, 21-28

    Ðây Chúa là Thiên Chúa phán: “Này Ta sẽ đem con cái Israel ra khỏi các dân tộc mà chúng đang cư ngụ; từ khắp nơi, Ta sẽ quy tụ chúng lại và đưa chúng về quê hương. Ta sẽ làm cho chúng trở nên dân tộc duy nhất sống trong đất của chúng, ở trên núi Israel; chỉ có một vua cai trị chúng; chúng sẽ không còn là hai dân tộc, cũng chẳng còn chia làm hai nước nữa. Chúng sẽ không còn dơ nhớp vì thần tượng, vì các điều ghê tởm và mọi tội lỗi của chúng. Ta sẽ cứu thoát chúng khỏi mọi nơi tội lỗi. Ta sẽ thanh tẩy chúng; chúng sẽ là dân Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng. Ðavit tôi tớ Ta sẽ là vua của chúng, chúng sẽ chỉ có một chủ chăn mà thôi. Chúng sẽ tuân giữ và thực thi các giới răn của Ta. Chúng sẽ cư ngụ trong đất mà Ta đã ban cho Giacóp tôi tớ Ta, và là đất tổ phụ chúng đã cư ngụ; chúng và con cái cùng cháu chắt của chúng sẽ cư ngụ ở đó đến muôn đời. Và Ðavit, tôi tớ Ta, sẽ là vua của chúng đến muôn đời. Ta sẽ ký kết với chúng một giao ước hoà bình: Ðó sẽ là một giao ước vĩnh cửu đối với chúng. Ta sẽ gầy dựng chúng, sẽ cho chúng sinh sản ra nhiều và sẽ thiết lập nơi thánh Ta giữa chúng cho đến muôn đời. Nhà Tạm Ta sẽ ở giữa chúng. Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân Ta. Các dân tộc sẽ biết rằng Ta là Chúa, Ðấng thánh hoá Israel, khi đã lập nơi thánh Ta ở giữa chúng đến muôn đời”.

    PHÚC ÂM: Ga 11, 45-57

    Khi ấy, trong những người đến thăm Maria và đã chứng kiến việc Ngài làm, có nhiều kẻ đã tin vào Chúa Giê-su. Nhưng trong nhóm có kẻ đi gặp người biệt phái và thuật lại các việc Chúa Giêsu đã làm. Do đó, các thượng tế và biệt phái họp công nghị, và nói: “Chúng ta phải xử trí sao đây? Vì người này làm nhiều phép lạ. Nếu chúng ta để mặc người ấy làm như thế, thì mọi người sẽ tin theo và quân Rôma sẽ kéo đến phá huỷ nơi này và dân tộc ta”. Một người trong nhóm là Caipha làm thượng tế năm đó, nói với họ rằng: “Quý vị không hiểu gì cả! Quý vị không nghĩ rằng thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”. Không phải tự ông nói điều đó, nhưng với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân, và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát về một mối. Bởi vậy, từ ngày đó, họ quyết định giết Người. Vì thế Chúa Giêsu không còn công khai đi lại giữa người Do-thái nữa. Người đi về miền gần hoang địa, đến thành phố tên là Ephrem, và ở lại đó với các môn đệ. Khi đó đã gần đến Lễ Vượt Qua của người Do-thái. Có nhiều người từ các miền lên Giêrusalem trước lễ, để được thanh tẩy. Họ tìm Chúa Giêsu; họ đứng trong đền thờ và bàn tán với nhau: “Anh em nghĩ sao? Người có đến hay không?” Còn các thượng tế và biệt phái đã ra lệnh rằng nếu ai biết Người ở đâu, thì phải tố cáo để họ bắt Người.

    Suy Niệm 1:  CHÚA CHẾT CHO TA ĐƯỢC SỐNG!

    Một ngày trước khi bước vào Tuần Thánh (với trình thuật Thương Khó long trọng trong Lễ Lá ngày mai, và với những diễn biến căng thẳng tăng dần trong những ngày tiếp theo), Lời Chúa hôm nay hé mở cho thấy trước chân trời ý nghĩa của tất cả những gì mà Chúa Giêsu phải đảm nhận trong cuộc Khổ Nạn và cái chết của Người. Trước mắt là u ám, tối tăm… Nhưng điểm tới sẽ là ánh sáng huy hoàng và niềm vui tràn ứ khi kế hoạch của Thiên Chúa đạt thành tựu.

    Trước hết, đoạn sách Êdekien là bản kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa, trong đó với âm giọng phấn khích, Chúa mô tả bức tranh đầy những gam màu sáng là những việc tốt lành mà Ngài sẽ thực hiện cho dân Ngài… Chúa sẽ qui tụ con cái Israel từ khắp nơi và đưa về quê hương… Dân sẽ hợp nhất nên một, không còn phân hoá nữa, và sẽ từ bỏ tà thần, tội lỗi xấu xa… Chúa sẽ thanh tẩy họ, làm cho họ thành dân của Chúa, và Ngài sẽ là Thiên Chúa của họ… Chúa sẽ ký kết giao ước vĩnh cửu với Đavit, vua của họ… Các dân tộc sẽ nhận biết Thiên Chúa, Đấng thánh hoá Israel… Và Chúa sẽ ngự giữa dân Ngài đến muôn đời!…

    Lời Đáp ca từ sách Giêremia là tâm tình hân hoan của dân Chúa trước viễn ảnh khải thắng tuyệt vời ấy: “Hỡi các dân tộc, hãy nghe lời Chúa, hãy công bố lời Chúa trên các đảo xa xăm; hãy nói rằng: ‘Ðấng đã phân tán Israel, sẽ quy tụ nó lại, và sẽ gìn giữ nó, như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình’”…

    Nhưng… bằng cách nào những điều đó được thực hiện?

    Đoạn Tin Mừng Gioan tường thuật chuyện các thượng tế và biệt phái họp công nghị trong bối cảnh mà Chúa Giêsu được họ thấy là nguy hiểm quá. Chính tại công nghị này Caipha đã tuyên bố ‘thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt’! Và đó là bản án quyết định số phận của Chúa Giêsu, trước khi các diễn biến đưa đến bản án chính thức mà tổng trấn Philatô sẽ tuyên để việc giết Con Thiên Chúa được hợp pháp hoá theo qui định hiện hành.

    “Thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”! Thật bất ngờ, vì tuyên bố này của Caipha lại chính là sự giải thích chân thực cho biến cố Thập giá. Chúa Giêsu chết vì tội lỗi của con người, chết thay cho con người. Người chết để cho chúng ta được sống, để “quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát về một mối”.

    Ngày mai, vào Tuần Thánh, ngay trong Lễ Lá chúng ta sẽ nghe Giáo hội công bố cuộc Thương Khó của Chúa. Rồi những sự kiện cuối cùng được lần lượt nhắc lại, cho đến chiều Thứ Sáu Thánh, cái chết của Chúa sẽ được tưởng niệm cách long trọng. Tham dự cuộc cử hành cao điểm này của Giáo hội, tất cả chúng ta hãy luôn ghi nhớ chứ đừng quên: CHÚA GIÊSU CHẾT VÌ TA, CHÚA CHẾT CHO TA ĐƯỢC SỐNG! Chính cái chết của Chúa Giêsu sẽ đưa kế hoạch tổng thể tuyệt vời của Thiên Chúa đến chỗ hoàn thành. Điều này sẽ được đóng ấn bởi sự kiện Chúa Phục sinh!

    Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.

    …………………………..

    Suy Niệm 2: HÃY TRỞ NÊN NHÂN TỐ CỦA HIỆP NHẤT

    Chia rẽ luôn đem lại nước mắt và đau khổ. Chia rẽ giữa những người không quen biết thì không đau đớn cho bằng chia rẽ giữa những người trong cùng một gia đình: giữa chồng với vợ, giữa cha mẹ với con cái, giữa con cái với nhau, hoặc giữa các thành viên trong cùng một cộng đoàn đời tu. Trong lịch sử dân Israel, các con cái của Giacóp cũng bị chia rẽ thành hai vương quốc, nhà Israel [gồm 10 chi tộc] và nhà Giuđa (gồm 2 chi tộc], trước và sau thời gian trị vì của Davít và Solomon. Đây chính là bối cảnh đằng sau bài đọc 1 hôm nay.

    Niềm vui và bình an sẽ được tái thiết khi sự chia rẽ được vượt thắng. Trong bài đọc 1 hôm nay, Ngôn sứ Edêkien trình bày cho chúng ta về viễn cảnh Thiên Chúa sẽ quy tụ con cái Israel tản mác khắp nơi khi bị lưu đày trở về. Không những thế, Ngài còn chữa lành vết thương chia rẽ giữa họ để họ chỉ tôn thờ một mình Ngài. Ngài sẽ tha thứ lỗi lầm của họ, sẽ thanh tẩy họ và nhắc lại cho họ giao ước Ngài đã ký kết với Ápraham, tổ phụ của họ: “Ta sẽ cứu chúng thoát khỏi mọi nơi chúng đã ở và đã phạm tội; Ta sẽ thanh tẩy chúng. Chúng sẽ là dân của Ta; còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng” (Ed 37:22-23). Điều này cho chúng ta thấy rằng, chỉ trong Thiên Chúa chúng ta mới có thể vượt qua được bức tường chia rẽ và với ơn của Ngài những vết thương bị chia rẽ gây ra sẽ được chữa lành.

    Đề tài chia rẽ và quy tụ được Êdêkien trình bày trong bài đọc 1 được tìm thấy sự hoàn thành trong hình ảnh của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay. Ngay trong hai câu đầu tiên của bài Tin Mừng, chúng ta nhận ra sự chia rẽ giữa những người Do Thái trước sự kiện Ladarô được Chúa Giêsu cho sống lại: “Khi ấy, sau khi ông Ladarô sống lại ra khỏi mồ, trong số những người Dothái đến thăm cô Maria và được chứng kiến việc Đức Giêsu làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pharisêu và kể cho họ những gì Đức Giêsu đã làm” (Ga 11:45-46). Sự chia rẽ này cũng được lặp lại trong ba câu cuối cùng của bài Tin Mừng hôm nay: “Khi ấy sắp đến lễ Vượt Qua của người Do-thái. Từ miền quê, nhiều người lên Giêrusalem để cử hành các nghi thức thanh tẩy dọn mình mừng lễ. Họ tìm Đức Giêsu và đứng trong Đền Thờ bàn tán với nhau: ‘Có thể ông ấy sẽ không lên dự lễ, các ông có nghĩ thế không?’ Còn các thượng tế và người Pha-ri-sêu thì ra lệnh: ai biết được ông ấy ở đâu thì phải báo cho họ đến bắt” (Ga 11:55-57). Điều này cho thấy bài Tin Mừng hôm nay lại trình bày theo nghệ thuật viết kiểu “bánh mì kẹp”: mở đầu và kết thúc với sự chia rẽ, và phần kẹp bên trong nói đến vai trò “quy tụ” của Chúa Giêsu qua cái chết của Ngài.

    Như chúng ta biết, việc làm cho Ladarô sống lại là “dấu lạ” cuối cùng của Chúa Giêsu trong Tin Mừng của Thánh Gioan. Giống như những dấu lạ khác trong Tin Mừng Thánh Gioan, dấu lạ cuối cùng này cũng gợi lên hai phản ứng khác nhau nơi những người chứng kiến hoặc nghe kể về, một số người Do Thái đón nhận và tin vào Chúa Giêsu, còn số khác thì tố cáo Ngài. Chúng ta có thể rút được gì từ sự kiện này? Chúng ta có thể rút ra hai điều sau để suy gẫm cho ngày sống của mình.

    Thứ nhất, Chúa Giêsu bị kết án tử khi đem lại sự sống cho người khác. Hay nói cách khác, để cho người khác được sống, Chúa Giêsu phải chết: “Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: ‘Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là : thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt’” (Ga 11:49-50). Như vậy, Chúa Giêsu phải chết để toàn dân được sống và hơn thế nữa, cái chết của Ngài có sức mạnh chiến thắng chia rẽ để “quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11:52). Điều này nhắc nhở chúng ta về việc chết làm sao cho có ý nghĩa. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cái chết: chết vì tai nạn, chết vì đau ốm, chết vì già lão, v.v. Cũng có nhiều loại chết: chết cho đất nước, chết cho người yêu hoặc người thân, hay chết cho chính mình. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng bị người khác biến thành “con vật thế thân.” Chúng ta phải chấp nhận bị kết án vì người khác. Giống như cây nến tiêu hao để chúng ta có được ánh sáng, chúng ta được mời gọi để tiêu hao chính mình mỗi ngày để người khác được sống. Để sống được như thế, chúng ta cần nhìn lên Đức Giêsu để học ở nơi Ngài nghệ thuật sống và chết có ý nghĩa: đó là sống và chết cho người khác. Trọn cuộc sống của chúng ta cho đến hơi thở cuối cùng là để chỉ làm một việc, đó là, trở thành mối dây của sự hợp nhất. Liệu chúng ta có làm được điều này không?

    Thứ hai, chúng ta chỉ tìm thấy Chúa Giêsu trong nơi thanh vắng. Sau khi bị các thượng tế và các người Pharisêu tìm cách giết, Chúa Giêsu “không đi lại công khai giữa người Do thái nữa; nhưng từ nơi ấy, Người đến một vùng gần hoang địa, tới một thành gọi là Épraim. Người ở lại đó với các môn đệ” (Ga 11:54). Đọc những lời này chúng ta không khỏi không đấm ngực ăn năn. Biết bao nhiêu lần, chúng ta cũng giống như các thượng tế và người Pharisêu, tìm cách giết Chúa Giêsu “bằng tội lỗi” của chúng ta, đến nỗi Ngài không còn “hiện diện” cách công khai được. Sự hiện diện của Ngài trở nên lu mờ trong cuộc đời của chúng ta. Hay nói đúng hơn, người khác không còn thấy Chúa hiện diện trong cuộc đời của các môn đệ của Ngài. Từ những ý nghĩa trên, chúng ta nhận ra rằng: ở đâu có ghen ghét và hận thù, ở đó Thiên Chúa không hiện diện. Thiên Chúa chỉ hiện diện ở những nơi thanh vắng không có sự ồn ào của nói xấu nhau, không có sự ồn ào của tranh chấp hơn thua, không có sự ồn ào của những con tim đi tìm sự an nghỉ trong của cải chóng qua. Nói tóm lại, Chúa Giêsu chỉ hiện diện với các môn đệ của Ngài, những người sống theo lời khuyên của Ngài: “cứ dấu này người ta sẽ nhận ra anh [chị] em là môn đệ của Thầy, là anh [chị] em yêu thương nhau” (Ga 13:35).

    Lm. Anthony, SDB.

    …………………………………….

    Suy Niệm 3: Đức Giêsu chết thay cho dân

    1. Phép lạ Đức Giêsu làm cho Lazarô phục sinh làm cho nhiều người Do thái tin Ngài, nhưng cũng không ít người còn nghi ngờ. Có người đi kể lại với các thượng tế và nhóm biệt phái về những việc Ngài đã làm. Nhóm biệt phái và thượng tế quyết định lập một Thượng hội đồng để kết án tử Đức Giêsu. Ông Cai pha đã nói :”Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”… “…Với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói triên tri rằng Đức Giêsu phải chết thay cho dân. Và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn để qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác về một mối.
    1. Đức Giêsu là người công chính đã bị các kẻ gian ác hùa nhau mưu hại. Tâm trạng này phù hợp với Đức Giêsu trong những ngày cuối cùng của Ngài ở trần gian. Sau ba năm vất vả để rao giảng Tin Mừng Cứu độ và thi ân giáng phúc, Đức Giêsu phải đối diện với một thực trạng đáng buồn. Những cố gắng của Ngài chỉ được những kẻ thành tâm thiện chí đón nhận, mà đa số thuộc thành phần nghèo khổ, bất hạnh. Còn những kẻ có vai vế, những kẻ tự xưng là đạo đức, là có học vấn thì lại chống đối Ngài. Nếu chỉ xét về bên ngoài thì công lao của Chúa ví như muối bỏ biển.  Nhìn từ góc độ con người thì góc độ cứu độ của Chúa Cha dường như chẳng mang lại kết quả bao nhiêu.
    1. Trong bất cứ xã hội nào, ngày xưa cũng như ngày nay, độc lập, tự do, quyền lợi của quốc gia dân tộc, thường được người ta nại đến để biện minh cho chiến tranh và việc giết hại người vô tội, chẳng hạn hy sinh một mạng người có là gì, miễn là có lợi cho quốc gia và dân tộc.
      Bài Tin mừng hôm nay cho thấy lý do tại sao người Do thái không tin nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa. Họ không tin nhận vì họ đứng ở vị thế chính trị : Họ mong đợi một Đấng Cứu Thế giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của ngoại bang, trong khi đó, Đức Giêsu lại đứng ở vị thế hoàn toàn tôn giáo. Ngài đến để giải phóng con người khỏi ách thống trị của tội lỗi.
      Chứng kiến việc Đức Giêsu cho Lazarô đã chết bốn ngày được sống lại, có nhiều người Do thái tin vào Ngài. Nhưng các thượng tế và biệt phái lại sợ rằng Ngài càng làm nhiều phép lạ, dân chúng càng tin theo Ngài, thì chính quyền Rôma  sẽ đến tiêu diệt dân tộc, nên họ bàn luận và quyết định :”Thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”. Người đó không ai khác hơn là Đức Giêsu, một mình Ngài hy sinh chịu chết để đem lại sự sống cho muôn người.
    1. “Thà một người chết thay cho dân…”
      Đức Giêsu đã hy sinh chịu chết để cứu độ toàn thể nhân loại và qui tụ muôn dân thành một dân mới của Thiên Chúa là Giáo hội. Thật là một thay thế lạ lùng : chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể thay thế cho mọi người, và vô tình sự tính toán vụ lợi của con người đã giúp Thiên Chúa thực hiện chương trình cứu rỗi của Ngài.
      Cái chết của Đức Giêsu qui tụ con cái Thiên Chúa tản mác khắp nơi về một mối.
      Trong bài giảng về “mục tử nhân lành”, Đức Giêsu từng nói :”Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16). Như vậy, sau cái chết của Đức Giêsu trên thập giá, một dân mới của Thiên Chúa được khai mở, không còn bị giới hạn trong dân tộc Israel nữa; con cháu của tổ phụ Abraham không chỉ thuộc huyết thống nữa mà là những ai tin vào Con Thiên Chúa; một cuộc tân sáng tạo bắt đầu, mọi Kitô hữu khắp nơi trên thế giới được sinh ra dưới chân thập giá và xuất phát từ cạnh sườn Đức Giêsu. Sự sáng tạo ban đầu đã nhiệm lạ, thì ơn cứu độ còn lạ lùng biết bao (Mỗi ngày một tin vui).
    1. Một nông dân đi xe ngựa ra phố. Đến một cửa tiệm, ông dừng xe vào mua đồ. Ông vừa tới cửa thì con ngựa hí lên và bỏ chạy. Ông vội vàng chạy ra xiết chặt dây cương.
      Con ngựa càng hoàng sợ hơn và chạy tứ tung trên đường, kéo theo người nông dân tội nghiệp. Dân chúng đổ xô ra, đến khi ghìm được ngựa thì người nông dân bê bết máu và thoi thóp thở. Một người hỏi :”Sao mà ông dại dột hy sinh đời mình vì con ngựa và chiếc xe như thế” ?
      Ông thều thào :”Cứ nhìn vào trong xe thì biết” !
      Họ nhìn vào và thấy đứa con nhỏ của ông còn đang ngủ (Góp nhặt).
    1. Truyện : Cha Maximilien Kolbe chết thay người tù.
      Trong thế chiến thứ hai, ngày nọ trại giam có một tù nhân vượt ngục. Sáng hôm sau, lúc điểm danh thấy thiếu mất một người, viên sĩ quan áp dụng ngay luật lệ của phát xít Đức : Một tù nhân trốn thoát, mười tù khác phải đền mạng.
      Trên sân nhà tù, ai nấy đều thinh lặng, ai nấy đều lặng thinh và khiếp đảm. Viên sĩ quan coi tù vừa giận dữ rảo bước vừa giơ tay chỉ định : Tên này… tên này…tên này… Ai lâm vào sổ đoạn trường thì phải sang sắp hàng một bên. Chợt có tiếng kêu thất thanh :”Khốn cho tôi, tôi còn vợ và một đàn con nhỏ”.
      Giữa bầu khí thinh lặng rùng rợn ấy, một tù nhân bước ra khỏi hàng, đứng nghiêm nghị. Viên sĩ quan Đức quát hỏi :
      “Mi là ai” ? Maximilien Kolbe trả lời : “Linh mục Công giáo”.
      “Mi muốn gì” ? “Tôi xin tình nguyện chết thay cho anh bạn tù này,  vì anh ta còn đàn con nhỏ và vợ dại”.
      Mọi tù nhân có mặt trên sân đều ngơ ngẩn, ngạc nhiên, thán phục… Cha đã chết thay để trở nên chứng tích của tình yêu.

      Lm. Giuse Đinh Lập Liễm Gp. Đà Lạt

    BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

    VIDEO CLIPS

    THÔNG TIN ƠN GỌI

    Chúng tôi luôn hân hoan kính mời các bạn trẻ từ khắp nơi trên đất Việt đến chia sẻ đặc sủng của Hội Dòng chúng tôi. Tuy nhiên, vì đặc điểm của ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, chúng tôi xin được đề ra một vài tiêu chuẩn để các bạn tiện tham khảo:

    • Các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, thuộc gia đình đạo đức, được các Cha xứ giới thiệu hoặc công nhận.
    • Ứng Sinh phải qua buổi sơ tuyển về Giáo Lý và văn hoá.

    Địa chỉ liên lạc về ơn gọi:

    • Nhà Mẹ: 115 Lê Lợi - Lộc Thanh - TP. Bào Lộc - Lâm Đồng.
    • ĐT: 0263 3864730
    • Email: menthanhgiadalatvn@gmail.com