spot_img
Thêm

     Thứ Năm, Tuần 4 Mùa Chay

    BÀI ĐỌC I: Xh 32, 7-14

    Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ngươi hãy đi xuống; dân mà ngươi dẫn ra khỏi đất Ai-cập đã phạm tội. Chúng đã sớm bỏ đường lối Ta đã chỉ dạy cho chúng, chúng đã đúc tượng bò con và sấp mình thờ lạy nó; chúng đã dâng lên nó của lễ hiến tế và nói rằng: “Hỡi Israel, này là Thiên Chúa ngươi, Đấng đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập”. Chúa phán cùng Môsê: “Ta thấy rõ dân này là một dân cứng cổ. Ngươi hãy để Ta làm, Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ với chúng và sẽ huỷ diệt chúng, rồi Ta sẽ làm cho ngươi trở nên tổ phụ một dân tộc vĩ đại”. Môsê van xin Chúa là Thiên Chúa của ông rằng: “Lạy Chúa, tại sao Chúa nổi cơn thịnh nộ với dân mà Chúa đã dùng quyền lực và cánh tay hùng mạnh đưa ra khỏi đất Ai-cập? Xin Chúa đừng để cho người Ai-cập nói rằng: “Người đã khéo dẫn họ đến đây, để giết họ trên núi và huỷ diệt họ khỏi mặt đất”. Xin Chúa nguôi cơn giận và tỏ lòng khoan dung đối với tội lỗi dân Chúa. Xin Chúa nhớ đến Abraham, Isaac, và Israel tôi tớ Chúa, vì chính Chúa đã thề hứa rằng: “Ta sẽ làm cho con cháu các ngươi sinh sản ra nhiều như sao trên trời, Ta sẽ ban cho con cháu các ngươi toàn cõi xứ này như lời Ta đã hứa, và các ngươi sẽ chiếm hữu xứ này mãi mãi”. Chúa đã nguôi cơn giận, không thực hiện điều dữ mà Người đe doạ phạt dân Người.

    PHÚC ÂM: Ga 5, 31-47

    Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân Do-thái rằng: “Nếu chính Ta làm chứng về Mình, thì chứng của Ta sẽ không xác thực. Có một Đấng khác làm chứng về Ta, và Ta biết chứng Người làm về Ta thì xác thực. Các ngươi đã sai người đi hỏi Gioan, và Gioan đã làm chứng cho sự thật. Phần Ta, Ta không cần chứng của loài người, nhưng Ta nói những điều này để các ngươi được cứu thoát. Gioan là cây đèn cháy sáng. Các ngươi cũng muốn vui hưởng ánh sáng đó một thời gian. Nhưng Ta có một bằng chứng hơn chứng của Gioan: vì công việc Chúa Cha đã giao cho Ta hoàn thành, là chính công việc Ta đang làm. Các việc đó làm chứng về Ta rằng Chúa Cha đã sai Ta. Và Chúa Cha, Đấng đã sai Ta, chính Người cũng làm chứng về Ta. Nhưng chưa bao giờ các ngươi được nghe tiếng Người, chưa bao giờ nhìn thấy mặt Người, và lời Người, các ngươi cũng chẳng giữ lại được, vì các ngươi không tin Đấng Người đã sai đến. Các ngươi tra cứu Sách Thánh, vì tưởng rằng trong đó các ngươi sẽ tìm thấy sự sống muôn đời; chính Sách Thánh lại làm chứng về Ta, vậy mà các ngươi vẫn không chịu đến với Ta để được sống. Ta không tìm vinh quang nơi loài người. Nhưng Ta biết các ngươi không có lòng yêu mến Thiên Chúa. Ta đến nhân danh Chúa Cha, nhưng các ngươi không chịu đón nhận. Nếu có một người nào khác nhân danh mình mà đến, các ngươi sẽ đón nhận nó. Các ngươi là những người nhận vinh quang lẫn nhau mà không tìm vinh quang do một Thiên Chúa, thì làm sao các ngươi có thể tin được? Các ngươi đừng tưởng rằng Ta sẽ tố cáo các ngươi với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ngươi là Môsê, tức là người mà các ngươi vẫn tin tưởng. Vì nếu các ngươi tin Môsê, thì có lẽ các ngươi cũng đã tin Ta, bởi vì chính Môsê đã viết về Ta. Nhưng mà nếu các ngươi không tin điều Môsê đã viết, thì làm sao các ngươi tin lời Ta được?”

    Suy Niệm 1: MỤC TỬ MÔSÊ LÀ HÌNH ẢNH CỦA MỤC TỬ GIÊSU: TRÁCH NHIỆM HẾT MÌNH ĐỐI VỚI ĐÀN CHIÊN!

    Dân đúc tượng con bò và sấp mình thờ lạy, gọi con bò là ‘Thiên Chúa’ của họ. Môse đang ở trên núi với Chúa, được Chúa sai xuống với phán quyết rằng Chúa sẽ huỷ diệt dân vì sự cứng cổ ấy, và Chúa sẽ đặt Môse làm tổ phụ một dân tộc to lớn… Vậy là Chúa định xoá bàn làm lại!?

    Nhưng Môse không đành. Ông phản biện, ông van nài Chúa nghĩ lại mà thương bỏ qua cho dân này và đừng tiêu diệt họ. Ông dẫn ra đủ thứ lý lẽ để thuyết phục Chúa – nào là Chúa đã thương và ra tay giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ ở Ai cập, nào là đừng để người Ai cập cười mỉa mai trên việc Chúa làm và trên số phận dân Chúa, nào là hãy nhớ lại lời Chúa hứa với các tổ phụ của dân… Tóm lại, Chúa đã thương dân này đến thế, giờ chẳng lẽ Chúa không thương nữa sao?

    Ta ghi nhận, Môse không phủ nhận mức độ tội lỗi nghiêm trọng của dân. Ông chỉ dựa vào chính tình thương của Chúa mà biện hộ cho họ. Ông đã lãnh trách nhiệm trên họ, giờ đây nếu họ bị tiêu diệt – ngay cả dù chính bản thân ông được chừa ra – thì còn có nghĩa gì! Vì thế, Môse quyết định bênh vực dân trước mặt Chúa. Không phải một cách ậm ờ qua loa, được chăng hay chớ, mà một cách quyết đoán, thậm chí ông từng tuyên bố “Chúa hãy lấy mạng con đi!” – nghĩa là, ông sống chết với dân!

    Và ta thấy, những lý lẽ của Môse thực ra rất yếu ớt về mặt luận lý thông thường, bởi chúng bỏ qua qui tắc về ‘nguyên nhân và hậu quả’. Song thật bất ngờ, dường như những lý lẽ ấy đủ mạnh để thuyết phục được Thiên Chúa, bởi chúng dựa trên nền tảng thâm sâu và vững chắc nhất của mọi qui tắc, đó là dựa trên ‘luận lý’ Lòng Thương Xót của Chúa đối với dân Ngài…

    Đi vào trong nỗi lòng Mô sê, chúng ta thấy ông là hình ảnh thật đẹp tiên báo về chính Chúa Giêsu, vị Mục tử Tốt lành không tố cáo chiên, nhưng chịu trách nhiệm về đàn chiên, gánh tội cho đàn chiên, sẵn sàng chết cho đàn chiên. Nỗi lòng của Môse giúp chúng ta tiếp cận nỗi lòng của Chúa Giêsu, bi tráng hơn rất nhiều. Trong khi Môse cố thuyết phục Thiên Chúa, điều ông đã thành công, thì Chúa Giêsu cố thuyết phục con người và đã không thành công, vì thế Người lấy mạng sống mà làm bằng chứng cuối cùng cho họ. Hãy nghe Chúa Giêsu nói với những người Do thái:

    “Ta không tìm vinh quang nơi loài người. Nhưng Ta biết các ngươi không có lòng yêu mến Thiên Chúa. Ta đến nhân danh Chúa Cha, nhưng các ngươi không chịu đón nhận. Nếu có một người nào khác nhân danh mình mà đến, các ngươi sẽ đón nhận nó. Các ngươi tôn vinh lẫn nhau mà không tìm vinh quang do Thiên Chúa, thì làm sao các ngươi có thể tin được? Đừng tưởng rằng Ta sẽ tố cáo các ngươi với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ngươi là Môsê, người mà các ngươi vẫn tin tưởng”.

    Ngày hôm nay, lời cảnh cáo ấy của Chúa Giêsu dành cho chúng ta đó, nhất là cho các mục tử trong Giáo hội: “Các ngươi tôn vinh lẫn nhau mà không tìm vinh quang do Thiên Chúa, thì làm sao các ngươi có thể tin được?”

    Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.

    ……………………………..

    Suy Niệm 2:  Những chứng từ về Chúa Con

    1. Khi chữa bệnh cho người bất toại ở bờ hồ Betsaiđa vào ngày sabat, người ta hạch hỏi Đức Giêsu đã lấy quyền nào mà làm như vậy. Đức Giêsu trả lời cho họ biết : Ngài noi gương Thiên Chúa là Cha của Ngài mà làm như vậy. Họ không tin. Đức Giêsu lại nói : chính Thánh Kinh và Maisen (phải hiểu là Cựu Ước) làm chứng rằng Ngài chính là Messia, Con Thiên Chúa. Nếu họ tin Maisen thì họ phải tin lời chứng của Maisen.
    1. “Trong toàn bộ Thánh Kinh Cựu Ước đều loan báo về sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế, nhưng vì thiếu đức tin và lòng đạo đức chân thành, các người Do thái đã không thực sự nhìn thấy Thiên Chúa, và do đó không đón nhận Ngài như Đấng được Thiên Chúa sai đến” (Mỗi ngày một tin vui). Tại sao có thảm kịch này ? Vì người Do thái nuôi sẵn một hình ảnh về Đấng Messia, hợp với sở thích của họ. Cái hình ảnh ấy che mất hình ảnh đích thực của Đấng Messia. Ta thấy đó, người ta có thể đọc Sách Thánh mà không tìm thấy Thiên Chúa nhưng chỉ thấy chính mình.
    1. Người ta thường nói : thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nắm được thiên cơ – thiên thời – là yếu tố quan trọng hạng đầu của sự thành công. Thực tế cho thấy, nhiều người, vì không biết tận dụng thời cơ, nên đã rơi vào thất bại đáng tiếc, dù họ có rất nhiều điều kiện thuận lợi.
      Mọi người đều khao khát gặp Đấng Cứu Độ để được sự sống đời đời. Qua Kinh Thánh, người Do thái được Thiên Chúa ưu ái cho biết Đấng Cứu Thế sẽ xuất hiện trong dân tộc của họ. Vì thế,  họ đã kiên nhẫn chờ đợi Người suốt cả hàng ngàn năm.  Tuy nhiên, chỉ vì thành kiến sai lầm và cố chấp không chịu tin, nên khi Đức Giêsu, Đấng Cúu Độ đích thực đến, họ không nhận ra, nên đã bỏ lỡ cơ hội để gặp gỡ và yêu mến Người.
    1. Mặc dù Đức Giêsu đã làm đủ cách để minh chứng Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng Chúa Cha sai đến, nhưng người Do thái vẫn không chịu tin để được sống, để khỏi bị xét xử và bị luận phạt. Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Đức Giêsu phải nại đến ba nhân chứng có uy tín để làm chứng cho Ngài, đó là Chúa Cha, Gioan Tẩy Giả và Thánh Kinh, bởi vì theo luật thời đó, phải có hai ba nhân chứng thì mới được chấp nhận.
    1. Trước hết, chính Thiên Chúa Cha làm chứng cho Đức Giêsu. Chúng ta thấy có hai lần Chúa Cha tuyên bố :”Đây là Con Ta rất yếu dấu”, một lần khi Đức Giêsu chịu phép rửa ở sông Giorđan, và một lần khi Đức Giêsu biến hình trên núi Taborê. Đó là bằng chứng hùng hồn cho thấy Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, và Chúa Cha muốn mọi người tin Đức Giêsu thật là Con Ngài.
    1. Thứ đến, Gioan Tiền Hô làm chứng cho Chúa. Tin Mừng nói :”Có một người, tên là Gioan, ông đến để làm chứng, để chứng thật về ánh sáng, ngõ hầu mọi người nhờ ông mà tin”. Chính Gioan đã làm chứng cho Đức Giêsu bằng sự tự khiêm tự hạ :”Tôi không đáng cởi dây giầy cho Đấng đến sau, nhưng đã có trước tôi”. Rồi khi Đức Giêsu đến, Gioan đã chỉ vào Chúa và nói cho các môn đệ :”Đây chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”. Sau hết, Gioan đã làm chứng cho Chúa bằng sự nhỏ đi, bằng cái chết của mình.
    1. Sau cùng, Kinh Thánh chép về Đức Giêsu và chính Đức Giêsu đã thực hiện như lời Kinh Thánh chép về mình. Đáng lẽ Kinh Thánh là chứng từ có giá trị nhất để người Do thái tin nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, vì họ vẫn công nhận Kinh Thánh là lời hứa của Thiên Chúa; nhưng rất tiếc họ đã đọc Kinh Thánh hằng ngày, đã nghiền ngẫm Kinh Thánh mà không nhận ra rằng Đức Kitô đã được Chúa Cha sai đến để cứu họ.
    1. Tóm lại, mặc dầu Đức Giêsu đã đưa ra những bằng chứng xác thực để minh chứng Ngài là Đấng Cứu Thế, nhưng người Do thái vẫn không nhìn nhận Ngài. Tại sao vậy ? Thưa vì họ thiếu ý hướng ngay lành khi đi tìm Lời Chúa, rồi họ lại tự cao tự mãn, làm cho họ thành những người cố chấp không tin.
      Không chỉ quở trách người Do thái cố chấp không tin, hôm nay Chúa cũng đang chất vấn và quở trách chúng ta về cách sống “thực dụng” của mình mang những dấu ấn không tin một cách thực tiễn khi chúng ta khước từ Thiên Chúa để chạy theo vật chất, những danh vọng, những đam mê trên thế  gian làm chúng ta xa dần Thiên Chúa – hạnh phúc đích thực.
    1. Truyện : Chó cứ sủa, trăng vẫn sáng.
      Vị thẩm phán đến thi hành nhiệm vụ tại một thị trấn nọ, ông thường bị một luật sư kiêu căng ở đó chế nhạo, khích bác.
      Tại một bữa ăn tối, có người hỏi vị thẩm phán sao không có biện pháp mạnh đối với viên luật sư kia. Vị thẩm phán bèn dừng bữa, một tay chống cằm, một tay để trên bàn, kể chuyện :
      – Chỗ tôi ở có một bà góa nuôi một con chó. Con chó thật xinh, nhưng có tật là  hễ thấy ánh trăng là nó tru lên. Có khi suốt cả đêm.
      Kể tới đó, ông ngừng lại và ăn tiếp. Tò mò, một người hỏi :
      – Này ông thẩm phán, rồi con chó và mặt trăng ra sao ?
      – Con chó cứ tru và mặt trăng cứ tiếp tục tỏa sáng.

      Lm. Giuse Đinh Lập Liễm Gp. Đà Lạt

    BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

    VIDEO CLIPS

    THÔNG TIN ƠN GỌI

    Chúng tôi luôn hân hoan kính mời các bạn trẻ từ khắp nơi trên đất Việt đến chia sẻ đặc sủng của Hội Dòng chúng tôi. Tuy nhiên, vì đặc điểm của ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, chúng tôi xin được đề ra một vài tiêu chuẩn để các bạn tiện tham khảo:

    • Các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, thuộc gia đình đạo đức, được các Cha xứ giới thiệu hoặc công nhận.
    • Ứng Sinh phải qua buổi sơ tuyển về Giáo Lý và văn hoá.

    Địa chỉ liên lạc về ơn gọi:

    • Nhà Mẹ: 115 Lê Lợi - Lộc Thanh - TP. Bào Lộc - Lâm Đồng.
    • ĐT: 0263 3864730
    • Email: menthanhgiadalatvn@gmail.com