spot_img
Thêm

    Thứ Ba, LỄ TRUYỀN TIN

    BÀI ĐỌC I: Is 7, 10-14

    Trong những ngày ấy, Chúa phán bảo vua Achaz rằng: “Hãy xin Thiên Chúa, Chúa ngươi, một dấu ở dưới lòng đất hay ở trên trời cao!” Nhưng vua Achaz thưa: “Tôi sẽ không xin, vì tôi không dám thử Chúa”. Và Isaia nói: “Vậy nghe đây, hỡi nhà Ðavít, làm phiền lòng người ta chưa đủ ư, mà còn muốn làm phiền lòng Thiên Chúa nữa? Vì thế chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: này một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

    BÀI ĐỌC II: Dt 10, 4-10

    Anh em thân mến, máu bò và dê đực không thể xoá được tội lỗi. Vì thế, khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu phán: “Chúa đã không muốn hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho con một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên con nói: Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa, như đã nói về con ở đoạn đầu cuốn sách. Sách ấy bắt đầu như thế này: Của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, Chúa không muốn cũng không nhận, mặc dầu được hiến dâng theo lề luật”. Ðoạn Người nói tiếp: “Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa”. Như thế đã bãi bỏ điều trước để thiết lập điều sau, chính bởi thánh ý đó mà chúng ta được thánh hoá nhờ việc hiến dâng Mình Chúa Giêsu Kitô một lần là đủ.

    PHÚC ÂM: Lc 1, 26-38

    Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ”. Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”. Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?” Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Ðấng Bà sinh ra, sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ họi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”. Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt Bà.

    Suy Niệm: LỄ TRUYỀN TIN TRONG MÙA CHAY!

    Biến cố Truyền Tin là một biến cố ‘LỊCH SỬ’, theo mọi nghĩa của từ ‘lịch sử’. Vì nó vô cùng lớn lao! Và vì nó nằm ở trung tâm của toàn bộ lịch sử! Tất cả lịch sử phía trước hướng về đây, và tất cả lịch sử phía sau cũng qui hướng về đây! Bởi biến cố này mở ra Biến cố Chúa Giêsu Kitô, là biến cố cứu độ dứt khoát trong chương trình của Thiên Chúa!

    Lời hứa cứu độ sau sự sa ngã của nguyên tổ mở ra viễn ảnh sự xuất hiện của “miêu duệ người phụ nữ”. Sự xuất hiện này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong suốt dòng lịch sử Thánh Kinh – như ý nghĩa của “một dấu” trong lời Chúa nói với vua Achaz qua miệng ngôn sứ Isaia: “Chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: này một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (x. Is 7,10-14)…

    Chúa Giêsu đến – là con trẻ được sinh ra ấy – để làm gì? Để thực thi ý Chúa Cha! Đây là diễn tả của Thánh vịnh 39, được tác giả Thư Do thái lấy lại để nói về ‘lý do hiện hữu’ của vị Thiên Chúa làm người, tức là động lực của mầu nhiệm Nhập thể, của toàn bộ biến cố Chúa Giêsu Kitô, bắt đầu từ khoảnh khắc Truyền Tin (x. Tv 39,7-8a.8b-9.10.11 và Dt 10,4-10).

    Bạn thấy đó, câu chuyện Truyền Tin diễn ra thật đơn sơ, âm thầm, lặng lẽ… nhưng đó là một ‘vụ nổ lớn’, một BIG BANG có một không hai. Chấn động vũ trụ, chấn động lịch sử, và chấn động cả Thiên Đàng! Biến cố này và ngày lễ này trước hết là biến cố và ngày lễ của Chúa. Nhưng Đức Maria gắn chặt vào đây, vì Mẹ có vai trò đặc biệt và vô song ở đây. Các nhà chú giải Thánh Kinh khẳng định trình thuật Truyền Tin là trình thuật ơn gọi của Đức Maria, cùng mô típ với nhiều trình thuật ơn gọi khác trong lịch sử (x. Lc 1,26-38)…

    Cảm nhận tầm cỡ như vậy của biến cố, ta sẽ ít ngạc nhiên hơn trước các diễn ngôn rất biệt loại liên quan đến thiếu nữ ‘Maria người Nadarét’: “đầy ơn phúc”… “Thiên Chúa ở cùng”… “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà”… “người Con mà Bà sinh ra là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa”… “vì không có gì mà Thiên Chúa không làm được”!

    Nhưng ta sẽ còn ngạc nhiên hoài và được cuốn hút hoài để chiêm ngắm bất tận mầu nhiệm chứa đựng trong tiếng FIAT của Đức Maria: “Này tôi là nữ tỳ của Đức Chúa, xin Chúa hãy làm cho tôi như lời Sứ Thần nói!”

    Cả Mẹ và Con đều “đến để thực thi ý Chúa”, điều sẽ ứng nghiệm cách tột đỉnh trong biến cố Thập giá Canvê, với Giêsu chịu đóng đinh và treo lên, còn Mẹ thì đứng đó, dưới chân Thập giá – stabat Mater! Lễ Truyền Tin thường ngẫu nhiên nằm trong Mùa Chay, nhưng không phải là không có ý nghĩa trong việc hướng chúng ta đến chân trời của mùa Phụng vụ này, phải không?

    Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.

    BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

    VIDEO CLIPS

    THÔNG TIN ƠN GỌI

    Chúng tôi luôn hân hoan kính mời các bạn trẻ từ khắp nơi trên đất Việt đến chia sẻ đặc sủng của Hội Dòng chúng tôi. Tuy nhiên, vì đặc điểm của ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, chúng tôi xin được đề ra một vài tiêu chuẩn để các bạn tiện tham khảo:

    • Các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, thuộc gia đình đạo đức, được các Cha xứ giới thiệu hoặc công nhận.
    • Ứng Sinh phải qua buổi sơ tuyển về Giáo Lý và văn hoá.

    Địa chỉ liên lạc về ơn gọi:

    • Nhà Mẹ: 115 Lê Lợi - Lộc Thanh - TP. Bào Lộc - Lâm Đồng.
    • ĐT: 0263 3864730
    • Email: menthanhgiadalatvn@gmail.com