BÀI ĐỌC I: Is 1, 10. 16-20
Hỡi các Thủ lãnh thành Sôđôma, hãy nghe lời Chúa; hỡi dân thành Gômôra, hãy lắng nghe lề luật của Thiên Chúa chúng ta. Các ngươi hãy tắm rửa, hãy thanh tẩy, đừng làm điều xấu nữa, hãy làm điều lành; hãy tìm kiếm công lý, hãy cứu giúp kẻ bị áp bức, hãy xét xử công bằng cho những trẻ mồ côi và bênh vực người goá bụa.
Và Chúa phán: “Các ngươi hãy đến và đối chất với Ta: cho dầu tội lỗi các ngươi như màu đỏ thắm, cũng sẽ trở nên trắng như tuyết; cho dầu đỏ như vải điều, cũng sẽ trở nên trắng như len. Nếu các ngươi quyết tâm nghe Ta, các ngươi sẽ hưởng hoa màu ruộng đất; nhưng nếu các ngươi cố chấp không nghe và khiêu khích Ta, thì lưỡi gươm sẽ tiêu diệt các ngươi, vì miệng Chúa phán như thế”.
PHÚC ÂM: Mt 23, 1-12
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: “Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ, vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta, còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy, vì thế họ nới rộng thẻ Kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là “thầy”. Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là thầy, vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là cha, vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là người chỉ đạo, vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Ðức Kitô. Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi. Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.
Suy Niệm 1: HOÁN CẢI ĐỂ KHIÊM NHƯỜNG HƠN
Lời Chúa trong Bài đọc Isaia nói với các thủ lãnh và nói với toàn dân, kêu gọi thanh tẩy, hoán cải, và kêu gọi quan tâm bảo vệ những người bị áp bức và cô thế cô thân… “Hỡi các Thủ lãnh thành Sôđôma, hãy nghe lời Chúa; hỡi dân thành Gômôra, hãy lắng nghe lề luật của Thiên Chúa chúng ta. Các ngươi hãy tắm rửa, hãy thanh tẩy, đừng làm điều xấu nữa, hãy làm điều lành; hãy tìm kiếm công lý, hãy cứu giúp kẻ bị áp bức, hãy xét xử công bằng cho những trẻ mồ côi và bênh vực người goá bụa”.
Ta thấy Đức Chúa đầy thiện chí, sẵn lòng làm cho “tội lỗi người ta đỏ tựa vải điều trở nên trắng như bông”. Nhưng thiện chí cao ngút ấy của Chúa vẫn không làm giảm tính nghiêm minh nơi lưỡi gươm công lý của Ngài: “Nếu các ngươi cố chấp không nghe và khiêu khích Ta, thì lưỡi gươm sẽ tiêu diệt các ngươi!”… Chúng ta đặt niềm trông cậy vào lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa – song cần nhớ, trông cậy là một chuyện; còn ỷ lại, cố chấp hay khiêu khích là một chuyện khác! Hai thái độ này không thể đi với nhau. Thánh vịnh 49 (Đáp ca) là lời Chúa cảnh tỉnh: Các ngươi tế lễ phụng tự rất tốt, nhưng không sống theo đường lối Ta, vì thế cái có vẻ ‘tốt’ ấy cũng chẳng còn ý nghĩa chi!…
Bản văn bài Tin Mừng hôm nay là lời Chúa Giêsu nói với dân chúng và các môn đệ – và Người nói về các kinh sư và các người Pharisêu, tức những người có vai trò giảng dạy và hướng dẫn dân chúng. Chúa nhận định rằng “họ nói mà không làm”, nên hãy tuân giữ những điều họ giảng dạy, nhưng đừng bắt chước cách sống của họ. Khi vạch trần thực tế mỉa mai này, chắc hẳn Chúa Giêsu rất buồn…
Chúng ta đã quá quen với sự mỉa mai tương tự trong xã hội mình đang sống. Biết bao quan chức cao cấp ‘hót’ rất hay về đạo đức, về trong sạch, liêm chính, nhưng rồi các mặt nạ sớm rơi xuống, cho thấy chính họ là những kẻ vô đạo đức, những kẻ bẩn thỉu và vô liêm sỉ nhất. Một xã hội và một hệ thống đáng buồn!… Và chúng ta tự hỏi, phải chăng trong Giáo hội của Chúa không có tình trạng mỉa mai này?
Nhiều khi lời của Chúa quá quen, khiến ta mất ‘nhạy’, ta nghe mà không ‘cảm’, dần trở thành như nước đổ đầu vịt. Hôm nay, xin Chúa cho chúng ta dừng lại, lắng nghe, ngẫm nghĩ những điều Chúa cho biết Người rất dị ứng: “Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta, còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy, vì thế họ nới rộng thẻ Kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố…”
Nhất là, xin cho lời này của Chúa đừng chỉ chảy qua, nhưng hãy thấm vào trong tâm hồn mỗi người chúng ta, và đọng lại ở đó, cho phép chúng ta được biến đổi: “Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”! Lạy Chúa, con không tham vọng nhiều trong Mùa Chay này, chỉ mong ước được thật sự khiêm tốn hơn trước mặt Chúa và ở giữa anh chị em con…
Lm. Giuse lê Công Đức, PSS.
………………………………….
Suy Niệm 2: Đừng có giả hình
- Đức Giêsu đưa ra hình ảnh người luật sĩ và biệt phải giả hình. Họ là những người nói nhiều làm ít, mồm miệng đỡ chân tay, nói hay nhưng làm dở. Họ lo tô vẽ dáng bề ngoài cho đạo đức mẫu mực nhưng lòng họ thì hám danh, phô trương và tham lam. Chúa phân biệt rõ hai phương diện : những gì họ nói thì đều là nói Lời Chúa, nên hãy nghe theo; nhưng những việc họ làm thì mâu thuẫn với những lời họ giảng dạy, cho nên đừng bắt chước.
- Luật sĩ và biệt phái tượng trưng cho quyền bính trong dân. Họ có bổn phận phải giảng dạy dân chúng và người dân có nghĩa vụ tuân giữ những lời họ giảng dạy. Thế nhưng nhiều lần họ đã bị Đức Giêsu khiển trách, chỉ vì họ tự cho mình là tài giỏi, đạo đức, từ đó họ phê bình chỉ trích lên án người khác; làm gì họ cũng muốn cho người khác thấy và khen ngợi; họ ham muốn danh vọng chức quyền, luôn luôn lên mặt dạy đời, nhất là họ nói mà không làm.
Tuy thế, Chúa vẫn khuyên chúng ta tôn trọng họ vì họ có nghĩa vụ giảng dạy, và hãy thực hiện những lời họ giảng dạy. Vì thế Chúa phán :”Vậy, những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ!
- “Các ngươi chất lên vai kẻ khác những gánh nặng…”
Thật vậy, nhiều tiến sĩ luật Do thái ưa nói về luật cách tỉ mỉ, nhưng lời nói của họ không đi đôi với việc làm, nói một đàng làm một nẻo, lo tô vẽ cho cái bên ngoài nhằm che đậy sự xấu xa lợi dụng trong lòng họ. Họ dạy luật thì để cho dân giữ, còn chính họ lại không làm gương, họ dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ.
Phải chăng chỉ những luật sĩ và biệt phái thời xưa mới kiêu căng giả hình ? Phải chăng thời nay không còn hạng người đó nữa ? Nhan nhản trước mắt chúng ta : biết bao người ngoài miệng rêu rao là vị nhân vị nghĩa, mà kỳ thực, họ tham lam, ích kỷ, tự tôn, lợi dụng thế lực để bóc lột người khác; họ lường gạt xảo trá không những đối với con người mà cả với Chúa nữa.
Aristogiton lúc thanh bình, là một nhà ái quốc thượng thặng. Thở ra lửa trận, nói ra sấm sét. Chàng lợi dụng mọi hoàn cảnh để cổ võ những đức tính anh hùng của người chiến sĩ yêu nước. Nghe chàng nói, khán giả có ấn tượng như chàng đang tuyên chiến với các cường quốc trên thế giới. Nhưng đến khi phải thi hành lệnh quân dịch, người ta thấy chàng đột nhiên bước đi khập khiễng, tay chống gậy, chân thì băng bó, trông thảm não vô cùng.
Biết rõ những bí ẩn của chàng, ông Photion trợn mắt nói :”Aristogiton đã làm một người què lại còn hèn nhát”.
- Có một người nêu ý kiến rằng : Nếu phải chọn một trong hai điều, một là cứu rỗi một triết nhân, chỉ biết mình là tất cả, kiêu ngạo, khoe khoang về kiến thức của mình. Hai là phải cứu rỗi một trăm người tội lỗi, điếm đàng, thì hiển nhiên nên chọn điều thứ hai.
Tại sao vậy ? Vì ở trần gian, không có gì khó bằng khuất phục một người trí thức kiêu ngạo, tâm hồn họ đầy cái tôi của mình thì chẳng còn chỗ nào cho Thiên Chúa len vào được. Cũng như một chiếc bình đầy nước thì không thể đồng thời chứa đầy dầu hôi. Đối với tâm hồn, tình trạng cũng chẳng khác gì, Thiên Chúa chỉ ban chân lý và sự sống của Ngài cho những ai trống rỗng với chính mình. Do đó, chúng ta phải tạo một khoảng trống trong tâm hồn để có thể chứa ơn thánh.
5.Mọi quyền hành đều bắt nguồn bởi Thiên Chúa và phải trở về Thiên Chúa. Nếu có ai làm thầy, làm người lãnh đạo thì vì họ được chia sẻ quyền làm thầy của Đức Kitô, họ phải nêu gương trước. Nhưng trong thực tế, vẫn còn đó đây những vị này vị nọ nói thuyết thì hay nhưng lại tự chuẩn cho mình; dạy dỗ người ta nhưng chính mình lại không giữ, thậm chí còn tệ hơn – ngôn hành bất nhất. Lại nữa, chỉ thấy người khác phạm luật và trách mắng họ, nhưng thực tế thì “suy bụng ta ra bụng người” – chính mình còn bê bối hơn cả những gì mình trách người… Xin Chúa giúp chúng ta, biết dùng chính hành động làm cho lời nói có giá trị, nghĩa là khi muốn ai giữ luật, thì mình phải làm gương trước – ngôn hành như nhất.
- Truyện : Bé cai lầm.
Có một người đi dạo đến nơi hành hương. Vì quá mệt nhọc, ông ngồi nghỉ chân trên một bệ đá. Ông hết sức ngạc nhiên và rồi tỏ ra hãnh diện sung sướng khi thấy nhiều người đi qua trước mặt ông, họ đã ngả mũ cúi chào.
Trong khi còn đang nghĩ ngợi, thắc mắc, thì cũng có một bà già đến trước mặt ông. Sau khi cúi chào, bà đã ngước nhìn lên và miệng lâm râm nhiều lời mà ông không thể nghe rõ.
Thế rồi bà ta tiếp tục đi như những người khác. Lúc ấy ông mới quay lưng lại và nhìn lên theo hướng bà kia đã nhìn. Ông nhận ra ngay sau lưng và phía trên đầu ông có một cây Thánh giá đã được dựng lên ở đó. Và ông xấu hổ bỏ đi nơi khác.
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm Gp. Đà Lạt